Cộng Đồng Người Việt Xa Quê Hương:
Vấn Đề Nhân Số và Tên Gọi

 
 
 

Hiện tượng một số người đông đảo bỏ quê cha đất tổ ra đi đến sinh sống tại một xứ khác nhưng vẫn luôn hướng lòng về cố quốc không phải là một điều mới lạ trong lịch sử loài người. Không phải đợi đến cuộc xâm lăng của Đế quốc La Mã (70 năm trước Công Nguyên) người Do Thái mới phải bỏ xứ ra đi khắp bốn phương trời; trước đó cả đến gần 700 năm, khi dân Assyrian chinh phục lãnh thổ Do Thái, người Do Thái đã phải tản mác trong toàn miền Trung Đông bây giờ, mà sử học thường gọi là thời kỳ lưu đày Babylon. Ở Trung Hoa cũng vậy: hai thiên niên kỷ trước khi các cộng đồng người Minh Hương bỏ xứ tìm đất sống tại các tỉnh Miền Nam Việt nam thì người Trung Hoa đã bắt đầu những đợt di dân lớn đến các xứ Đông Nam Á ngay từ thời nhà Hán, vào thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch. Tuy nhiên, trong thế kỷ vừa qua hiện tượng đó đã gia tăng một cách khác thường do những xáo trộn chính trị và chiến tranh nhiều nơi trên thế giới. Nhiều cộng đồng người Armenia, người Palestine, người Kurd, người Iran, người Iraq, người da đen châu Phi nói chung,v.v... đã hình thành trong các xứ tạm dung và càng ngày càng phát triển mạnh về số lượng cũng như về tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế đối với các quốc gia nầy và các quốc gia xuất xứ. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, vào năm 1990 trên toàn thế giới có đến 120 triệu người lưu cư ngoài lãnh thổ quốc gia họ được sinh ra hoặc mang quốc tịch.1  Có những dân tộc mà số lượng người sống rãi rác trên thế giới nhiều hơn số dân tại quê hương; chẳng hạn số người Armenia trên thế giới hiện nay ước chừng trên 10 triệu, nhưng chỉ có 3 triệu dân Armenia trong lãnh thổ quốc gia mới được tái thành lập nầy.2  Trường hợp người Do Thái cũng vậy, vào năm 1998, trong tổng số chừng 13 triệu người Do Thái trên thế giới thì chỉ có 4.6 triệu cư ngụ tại quốc gia Israel mà thôi.3  Thêm vào đó là những tiến bộ về kỹ thuật truyền tin và giao thông vận tải đã làm phát triển tính liên quốc (transnationalism) của những cộng đồng sắc dân xa xứ, tạo nên một hiện tượng xã hội - chính trị - kinh tế đặc biệt mới lạ. Việc nghiên cứu những cộng đồng ly hương nầy, vì thế, cũng đã được nhiều bộ môn khoa học nhân văn chú ý đến rất nhiều trong những thập niên gần đây.

Riêng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đã có một số công trình nghiên cứu về hiện tượng nầy rải rác trong các tạp chí Việt ngữ hoặc các luận án tốt nghiệp ở một số đại học trên thế giới. Tuy nhiên phần lớn những nghiên cứu đó thường nhằm khai thác nhiều khía cạnh trong việc hội nhập của người Việt tỵ nạn vào môi trường mới ở mức độ cá nhân trong một phạm vi lãnh thổ nhất định. Gần đây Trung Tâm William Joiner thuộc trường đại học Massachusetts, Hoa kỳ đã bắt đầu thực hiện một chương trình nghiên cứu khá qui mô kéo dài 3 năm về người Việt hải ngoại với chủ đề “Diễn trình (tái) xây dựng diện mạo và quê hương của người Việt ở nước ngoài” ((Re)constructing identity and place in the Vietnamese diaspora). Nhiều người Việt hải ngoại phản đối cách thức điều hành chương trình và cho rằng những kẻ trách nhiệm điều hành chương trình nầy “phiếm diện, mang nhiều ẩn ý, phù hợp với chính sách cộng sản đối với người Việt nước ngoài, với chính sách vuốt ve cộng sản của một số người Mỹ.” 4  Tòa án tại tiểu bang Massachusetts đang thụ lý vụ kiện. Cho đến nay đã bước sang năm thứ ba của chương trình nhưng vẫn chưa thấy công bố một thành quả nào để có thể lượng giá được.

Bài viết sau đây nêu lên một vấn đế căn bản mà chưa thấy một ai trong số 26 người tham gia chương trình nói trên chọn làm chủ đề nghiên cứu riêng biệt hoặc minh thị đề cập đến trong đề án của họ: đó là vấn đề nhân số. Một cuộc nghiên cứu nhân số đúng nghĩa không phải đơn thuần chỉ liệt kê những con số mà còn phải nhìn vào sự biến đổi của đối tượng nghiên cứu trong thời gian và không gian cũng như những đặc tính nhân học, xã hội và kinh tế của tập thể đó. Trong khuôn khổ thời gian và phương tiện có được, bài viết nầy chỉ nhằm nêu lên vấn đề hơn là một cuộc điều tra đầy đủ; tuy nhiên mục đích chính của bài viết là sự xác định vấn đề từ nghĩa luận của thành phần nhân số đó; nói nôm na đó là vấn đề tên gọi. Trong phần thứ nhất, chúng tôi sẽ sơ lược tiến trình hình thành những cộng đồng người Việt ở ngoài nước; phần tiếp theo sẽ đề cập đến số người Việt Nam xa quê hương; và phần sau cùng sẽ nêu lên những tên gọi khác nhau đã được sử dụng để nói về tập thể người Việt xa quê hương nầy.

I. TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT XA QUÊ HƯƠNG

Trong lãnh vực nghiên cứu những luồng di chuyển dân số trên thế giới, lý thuyết đẩy và kéo (push and pull theory) thường được dùng để giải thích hiện tượng bỏ xứ ra đi đến một nơi khác dễ sống hơn.5  Trong 5 yếu tố: kinh tế, chính trị, chiến tranh, môi trường sống, và văn hóa thì kinh tế hay được ban cho đặc tính phổ quát và quyết định. Dĩ nhiên khó có thể phủ nhận tầm quan trọng của yếu tố kinh tế; nhưng nếu chỉ dừng lại hoặc quá nhấn mạnh khía cạnh kinh tế thì thật khó hiểu được sự hình thành và đặc tính của tập thể người Việt sống xa quê hương. Lại nữa, lý thuyết đẩy và kéo không thể áp dụng một cách máy móc như những định luật vật lý trong mọi trường hợp vì ngoài những tương quan đẩy và kéo còn có sự can thiệp của con người qua chính sách cũng như những điều kiện tâm lý và văn hóa. Làm sao có thể giải thích được hiện tượng bỏ quê cha đất tổ của cả triệu người bất chấp sự chết khi mà trong quá trình lịch sử “các dân láng giềng, Trung Hoa, Nhật Bản nổi tiếng là những ngư phủ chuyên nghiệp những nhà mạo hiểm thời danh, thì dân Việt Nam chỉ quay lưng về phía biển, và ôm chặt lấy đồng ruộng. Kể cả khi lâm cơn cùng khổ người Việt Nam cũng nhất quyết bám sát lấy ruộng đất của cha ông...” 6  Bởi thế để thấy được tận căn lý do bỏ xứ ra đi (push) và động lực tạo nên hướng tiến của những luồng di chuyển đến các xứ định cư nhất định (pull) của tập thể người Việt xa xứ cần phải nhìn vào hoàn cảnh lịch sử đặc thù của Việt Nam trong giai đoạn đó. Hai biến cố dấu móc hình thành tập thể người Việt xa quê hương trong thời gian qua là sự sụp đổ của chế độ thuộc địa Pháp và việc cáo chung của cuộc chiến quốc-cộng, một phần của toàn cảnh Chiến Tranh Lạnh.

1. Cộng Đồng người Việt xa quê hương trước, trong, và sau thời thuộc địa Pháp

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, một nhà nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay, thì trước biến cố tháng 4 năm 1975, số người Việt tại nước ngoài chỉ vào khoảng 160-170 ngàn người, chủ yếu tập trung ở các quốc gia láng giềng như Cam Bốt (khoảng 40,000), Thái Lan (khoảng 50,000), và Lào (khoảng 30,000). Số còn lại định cư tại Pháp quốc (khoảng 40,000) và các lãnh thổ hải ngoại của Pháp như Nouvelle Calédonie (khoảng 4,000). 7

Trước thời đô hộ Pháp, hầu hết những người Việt xa xứ đều sống trong những quốc gia láng giềng Thái Lan, Cam Bốt và Lào. Lý do đưa đẩy họ ra đi phần lớn cũng vì những hoàn cảnh do con người tạo ra. Chẳng hạn, vào thế kỷ 18, một số người Việt đã bỏ trốn qua sinh sống tại Thái lan là để tránh cảnh binh đao và trả thù do cuộc chiến giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn. Sau đó sang thế kỷ 19, một số khác lại bỏ nước tìm đến Thái Lan để tránh nạn đàn áp đạo Công giáo dưới thời một số vua nhà Nguyễn. Rồi trong thời gian chế độ thuộc địa Pháp lại có thêm 2 đợt di tản đến đất Thái của những người không chấp nhận chế độ thực dân hoặc bị chế độ truy đuổi – đợt một tiếp theo Hòa ước 1884 và đợt hai khi quân đội Pháp trở lại Đông Dương sau đệ nhị Thế chiến.

Trong hơn 100 năm đô hộ Việt Nam, chính quyền thuộc địa Pháp đã đưa một số người Việt đến Pháp để đi lính, làm công nhân cho mẫu quốc, hay du học sinh qua nhiều đợt, nhiều nhất là trong Thế Chiến thứ nhất và Thế Chiến thứ hai. Trong Thế Chiến thứ nhất có đến 50,000 người, đa số từ miền Bắc VN. Rồi trong Thế Chiến thứ hai cũng có đến 28,000 người nữa. 8  Những người lính thợ nầy sau khi hết việc, cũng như những du học sinh sau khi hoàn tất việc đèn sách thì trở lại quê nhà. Tuy nhiên một số vì nhiều hoàn cảnh khác nhau đã ở lại Pháp. Cùng với khoảng 100,000 người ra đi theo đoàn quân viễn chinh Pháp sau khi Việt Nam dành lại độc lập và những công nhân của các đồn điền tại các lãnh thổ hải ngoại Pháp, những người Việt nầy đã tạo thành cộng đồng người Việt xa quê hương mang đặc tính hậu thuộc địa (postcolonial) như nhiều cộng đồng da đen ở Pháp hay cộng đồng người Ấn Độ ở Anh Quốc.

2. Cộng đồng người Việt xa quê hương sau thời chiến tranh Quốc - Cộng

Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 chấm dứt cuộc chiến quốc-cộng kéo dài hơn 25 năm đồng thời cũng đánh dấu một bước biến chuyển vô cùng quan trọng trong sự gia tăng số người Việt xa quê hương. Ngay trong những ngày sau cùng của cuộc chiến đã có trên 140,000 người từ một số tỉnh Miền Nam rời khỏi nước bằng đường hàng không và đường biển. Số người nầy hầu hết được định cư tại Hoa Kỳ. 9  Tiếp theo những thay đổi chính trị, kinh tế và xã hội sau khi cộng sản thống nhất lãnh thổ bằng vũ lực đã tạo nên một hiện tượng bỏ nước ra đi liên tục kéo dài gần 20 năm, cho đến khi những trại tỵ nạn cuối cùng tại các nước láng giềng đóng cửa. Không phải chỉ có người dân Miền Nam đi tỵ nạn cộng sản, mà cả người dân của phe thắng trận cũng bỏ nước ra đi bất chấp mọi hiểm nguy kể cả chết chóc. Thống kê của Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết số người tỵ nạn Việt Nam bằng đường biển (boat people) ở các trại tỵ nạn các quốc gia lân cận được chấp nhận định cư tại các quốc gia thứ ba trong khoảng thời gian 1975 đến 1995 như sau: (Bảng số 1) 10

Bảng số 1:
Số người tỵ nạn Việt Nam tại các quốc gia lân cận được chấp nhận định cư ở các nước thứ ba từ 1975 đến 1995 11
Quốc Gia Định Cư Số Người
Úc 110,996
Bỉ 2,051
Canada 103,053
Đan Mạch 4,682
Phần Lan 1,859
Pháp 27,071
Đức 16,848
Nhật 6,469
Hòa Lan 7,565
Tân Tây Lan 4,921
Na Uy 6,064
Thụy Điển 6,009
Thụy Sĩ 6,239
Anh 19,355
Hoa Kỳ * 424,590
Các quốc gia khác 7,070
Tổng số 754,842

*Không kể số người định cư qua chương trình Ra Đi Có Trật Tự (ODP).

Năm 1979, trước tình trạng bi đát của các thuyền nhân trên biển cả, Cao Ủy Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc đã cùng với 65 quốc gia và một số tổ chức quốc tế cùng dàn xếp với chính quyền Việt Nam để cho những người hội đủ một số điều kiện nhân đạo được ra khỏi nước đến định cư tại một số quốc gia, chủ yếu là Hoa Kỳ. Chương trình Ra Đi Trong Trật Tự (Orderly Departure Program – gọi tắt là ODP) bao gồm đoàn tụ gia đình cho những người đã được định cư tại các quốc gia thứ ba, những người đã cọng tác với Hoa Kỳ trước đây, con lai của quân nhân và nhân viên Hoa Kỳ, và các cựu quân nhân, công chức chính quyền Miền Nam hội đủ điều kiện thời gian bị chính quyền cộng sản gian giử (thành phần sau nầy thường được gọi là HO / Humanitarian Operation). Tổng kết các đợt tỵ nạn sau 1975 cho đến 1999 có chừng 1 triệu 750 ngàn người Việt rời khỏi nước và được định cư tại các quốc gia khác trong đó Hoa kỳ nhận 900 ngàn, Canada, Úc và Pháp nhận chừng 500 ngàn, Trung Quốc 250 ngàn, phần còn lại chừng 100 ngàn rãi rác trong các quốc gia khác.12

Một biến chuyển khác đưa đến sự có mặt hàng loạt của một số người Việt ở nước ngoài là chính sách xuất cảng lao động của chính quyền cộng sản. Trong thập niên 80, Việt Nam đã đưa khoảng 270,000 công nhân đi lao động ở nước ngoài; số lượng nầy giảm xuống vào khoảng 122,000 trong thập niên sau đó. Cho đến đầu thập niên nầy còn độ 300,000 công nhân Việt Nam tại một số quốc gia như Nam Hàn, Đài Loan, các nước Đông Âu, và các nước Trung Đông. 13 Theo dự tính của nhà nước Việt Nam thì trong vòng cuối thập niên nầy con số công nhân xuất khẩu đi kiếm ăn ở nước ngoài phải đạt đến 1 triệu.14 Riêng đối với năm 2003 nầy, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội đã đưa ra một con số chỉ tiêu là 50,000, tăng hơn năm ngoái 5,000.15 Nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia đã cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy việc xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam mang tính chất buôn bán ngưới (human trafficking).16 Song song với việc xuất cảng lao động là hiện tượng cho phép người nước ngoài nhận con nuôi Việt nam. Theo Bộ Tư Pháp Việt Nam thì trong khoảng thời gian 6 năm cho đến 2002 có đến trên 10,000 trẻ em Việt nam được người nước ngoài đưa về nước họ để làm con nuôi, nhiều nhất là ở Pháp rồi đến Hoa Kỳ, Bỉ, Canada, Thụy Điển... 17

Năm 1989, Liên Sô và nhiều quốc gia cộng sản Đông Âu sụp đổ, số người Việt sinh sống tại đây trong các chương trình xuất cảng lao động đã hồi hương khi hết hợp đồng và chính quyền mới không gia hạn. Theo một thỏa ước giữa chính quyền Đức và Việt Nam năm 1995 thì cho đến năm 2000 chính quyền Đức sẽ trả về Việt nam 40,000 công nhân Việt Nam trước đây làm việc tại Đông Đức với phụ cấp tài chánh. Tuy nhiên cũng đã có một số tìm cách ở lại như là những cư dân bất hợp pháp, vượt biên giới nhập cư lậu vào một quốc gia ít bị kiểm soát hơn như Ba Lan hoặc Tiệp Khắc, được hợp thức hóa bằng hôn thú với người địa phương, hay tỵ nạn chính trị, v.v. Khó có thể biết được con số chính xác thành phần nầy.

II. NHỮNG CON SỐ

Đó là diễn tiến việc người Việt nam bỏ nước ra đi trong khoảng thời gian trước và sau biến cố 1975. Cho đến nay số liệu chính xác về tập thể người Việt sống xa quê hương vẫn là một bài toán khó giải đáp mà lý do chính là vì kỹ thuật kiểm tra dân số của các nước định cư không giống nhau: nhiều quốc gia minh thị đưa yếu tố chủng tộc (race) vào bản kiểm kê như Hoa Kỳ, một số khác chú trọng đến yếu tố ngôn ngữ nói như Úc, Canada, một số không dùng các yếu tố văn hóa nầy mà dựa vào yếu tố pháp lý như tình trạng quốc tịch, sinh quán hoặc cư trú như Pháp.

Theo sự ước tính mới nhất của ông Nguyễn Đình Bin, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở Nước ngoài thì số “kiều bào” sinh sống ở nước ngoài là khoảng 2,7 triệu trong gần 90 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó ở Mỹ khoảng 1,3 triệu người, Pháp 250 ngàn, Australia 250 ngàn, Canada 180 ngàn; Cam-pu-chia, Thái-lan, Đức, Nga - mỗi nước khoảng 100 ngàn; Đài Loan 65 ngàn, Anh 35 ngàn, Czech 25 ngàn, Lào 18 ngàn; Trung Quốc, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển mỗi nước trên dưới 10 ngàn...18

Tuy nhiên, căn cứ vào thống kê dân số của từng quốc gia có người Việt định cư cũng như những nghiên cứu trước đây thì có những khoảng chênh lệch giữa số liệu chính quyền Việt Nam đưa ra và những số liệu sau cùng nầy. Chẳng hạn Kiểm Tra Dân Số Hoa Kỳ năm 2000 cho thấy có 1,122,528 người khai thuộc sắc dân Việt, nếu cọng thêm 101,208 người khai vừa thuộc sắc dân Việt vừa thuộc một sắc dân khác – đây là trường hợp của con lai mà cha hoặc mẹ thuộc sắc dân Việt nam – thì con số cũng chỉ đến 1,223,736 người.19 Cũng vậy đối với trường hợp Canada, con số chính thức của cuộc kiểm tra dân số 2001 cho thấy có 119,120 người thuộc sắc dân Việt, nếu tính thêm 32,290 người tự cho mình vừa thuộc sắc dân Việt vừa thuộc một sắc dân khác thì tổng số cũng chỉ đến 151,410 người mà thôi.20 Tại Úc Đại Lợi, theo kiểm tra dân số năm 1996, tổng số người Việt cả thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai là 197,812 người.21 Kiểm tra dân số năm 2001 đưa số người Việt có sinh quán tại Việt Nam (thế hệ thứ nhất) lên 174,236, chưa kể số thanh thiếu niên gốc Việt sinh ra tại Úc (thế hệ thứ hai) chiếm tỷ lệ 25.5% trên tổng số.22 Như vậy tổng số dân gốc Việt ở Úc có thể khoảng 230 ngàn người.

Tại Pháp, vấn đề rắc rối hơn bởi vì việc kiểm tra dân số ở đây khác với những quốc gia đa chủng như Hoa Kỳ và Canada hoặc Úc: yếu tố chính là tình trạng cư trú và quốc tịch chứ không phải là sắc dân; trong lúc đó thì một số lớn người Việt cư ngụ tại Pháp đã đến từ những thập niên đầu thế kỷ trước hoặc sinh ra và lớn lên tại đây và đã mang quốc tịch Pháp từ khi sinh ra. Vì thế nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều con số khác biệt nhau. Theo kết quả nghiên cứu tại chỗ của Gs Lê Hữu Khoa vào năm 1996, thì dân số Việt nam cư ngụ tại Pháp, không kể có hay không có quốc tịch Pháp, được ước tính vào khoảng 143,000 người23 - cách biệt với con số của Nguyễn Đình Bin hơn 100 ngàn. Gs. viện sĩ hàn lâm Lê Mộng Nguyên thì ước tính vào khoảng 200,000.24 Theo thống kê của Institut National d’Études Démographiques thì vào năm 2002 có 72,318 người nhập cư (immigré25) gốc Việt tại Pháp.26

Tuy nhiên số liệu chênh lệch đáng lưu ý nhất là trường hợp Cam Bốt. Nhiều nhà nghiên cứu ước lượng đã có khoảng 400,000 người Việt sinh sống tại đây từ thập niên 1970.27 Trong lúc đó thì Hoàng Thân Ranariddh lại cho rằng có hơn 1 triệu người Việt trên đất nước Chùa Tháp.28 Biến cố “cáp duồn” vào năm 1970, cũng như chính sách càn quét người Việt của Khmer Đỏ đã đẩy phần lớn người Việt và Hoa về bên nầy biên giới Việt nam. Tuy nhiên tiếp theo sau cuộc xâm chiếm của CSVN vào năm 1978 cho đến khi quân đội CSVN rút về nước vào năm 1989, một số lượng di dân lớn bao gồm những người trước đây chạy trốn Lon Nol và Khmer Đỏ và những người di dân mới đi theo đoàn quân viễn chinh. Một số nhà nghiên cứu cho rằng con số nầy có thể lên đến 500,000 người. Đây cũng là con số mà chính quyền Nam Vang báo cáo với Economist Intelligence Unit.29 Trong đó có nhiều phụ nữ được đưa qua để hành nghề mại dâm mà các cơ quan y tế quốc tế ước lượng vào khoảng 20 đến 25 ngàn người.30 Như vậy phải chăng con số 100,000 mà chính quyền Việt Nam đưa ra là để đáp ứng nhu cầu chính trị hơn là một sự lượng định khách quan?

Dựa vào những số liệu cập nhật tìm kiếm được từ nhiều xuất xứ khác nhau, đặc biệt là các trang nhà (homepage) của các cơ quan thống kê quốc gia và quốc tế trên mạng lưới điện toán toàn cầu, chúng tôi ghi nhận số người Việt hiện cư ngụ tại một số quốc gia như sau (Bảng số 2), theo thứ tự số lượng người Việt cư ngụ. Việc chọn lựa những số liệu nầy được căn cứ trên 2 tiêu chuẩn chính: mức độ khả tín của cơ quan cung cấp số liệu, nghĩa là loại bỏ những con số quá đáng như trường hợp Khmer Đỏ rêu rao có đến từ 3 đến 4 triệu người Việt tại Cam Bốt,31 và tính cách cập nhật của các số liệu đó.

Bảng số 2:
Tình trạng nhân số người Việt xa quê hương trên thế giới

Quốc Gia Định Cư

Số Người

Số Liệu Năm

Ghi Chú

Hoa Kỳ

1,223,73632

2000

Trong đó có 101,208 người cho mình thuộc hai sắc dân.

Úc

230,00033

2001

Trong đó có 154,831 sinh ở VN, và 174,236 nói tiếng Việt. Cho đến năm 2001 có đến 96% người Việt nhập cư đã có quốc tịch Úc.

Canada

151,41034

2001

Trong đó có 148,405 có sinh quán VN. 32,290 người cho mình thuộc hai sắc dân.

Pháp

143,000-200,00035

1996

Trong đó có 72318 dân mới nhập cư - gồm 53,884 đã có quốc tịch Pháp và 18,434 chưa có.36

Cam Bốt

100,000-500,000

2003

Vì thiếu tài liệu chính xác, chúng tôi giữ lại con số tối thiểu và con số có thể tối đa

Thái Lan

100,000

2003

Đây là số liệu của chính phủ VN

Đức

87,20737

2002

Trong đó có 35,945 người đã có quốc tịch Đức

Ba Lan

30,00038

1999

Bao gồm một số lớn là dân nhập cư bất hợp pháp.

Đài Loan

26,00039

2001

Phần lớn là xuất cảng lao động và lấy chồng Đài Loan qua dịch vụ môi giới.40

Anh

22,00041

2002

Số liệu nầy căn cứ vào người nói tiếng Việt, trong đó có 6,000 có quốc tịch Anh.42

Nga

21,00043

-

Số công nhân hợp pháp

Tiệp Khắc

18,21044

2001

Căn cứ vào tình trạng cư trú hợp pháp. Năm 1998 có 22,875 người.

Lào

18,000

2003

Số liệu của Chính Phủ VN.

Na Uy

16,38645

2001

Gồm 11,289 sinh tại VN; 12,717 có quốc tịch Na Uy

Nam Hàn

15,50046

2000

Có giấy phép làm việc, nhưng đa số quay qua nghề buôn bán chui, không hợp pháp.47

Nhật

14,89848

2001

Gồm 5,401 người được ở lâu dài, nhưng phải gia hạn giấy cư trú từng 03 năm; và 3,903 người được ở vĩnh viễn. Còn lại là du học sinh, tu nghiệp…

Đan Mạch

11,83449

2002

Trong đó có 4,605 người còn mang quốc tịch Việt Nam.

Thụy Điển

11,51150

2002

Căn cứ vào số người có sinh quán tại Việt nam

Hòa lan

8,00051

1996

Căn cứ vào ngôn ngữ nói

Thụy Sĩ

4,81852

2000

Căn cứ vào số chưa có quốc tịch Thụy Sĩ.

Phần Lan

3,71653

2001

Căn cứ vào tiếng mẹ đẻ. Số người có sinh quán VN là 2,943

Tân Tây Lan

3,23154

2001

Căn cứ vào ngôn ngữ nói

Phi Luật Tân

3,05855

2002

Đa số là những thuyền nhân bị rớt thanh lọc được chính quyền Phi Luật tân cho ở lại.

Hung Gia Lợi

1,89356

2001

Căn cứ vào quốc tịch Việt Nam

Ý

1,08357

2000

Căn cứ vào quốc tịch Việt Nam

Bỉ

71858

2001

Căn cứ vào quốc tịch Việt Nam

Áo

63059

1991

Căn cứ vào quốc tịch Việt Nam



Nói tóm lại, số lượng người Việt xa quê hương đã tăng trưởng bất ngờ trong khoảng gần 3 thập niên qua, tuy vậy con số chính xác rất khó xác định có thể đâu đó giữa 2 triệu và 2 triệu rưởi. Sự chênh lệch trong các ước lượng không hẳn chỉ vì các kỹ thuật kiểm tra dân số mà còn bắt nguồn từ những khác biệt trong quan niệm về những tên gọi nói về số người nói trên. Phần tiếp theo của bài viết nhằm phân tích những tên gọi thông dụng đã được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày cũng như qua các văn kiện chính thức của nhà nước, báo chí và các cơ quan nghiên cứu khoa học nhân văn.

III. TÊN GỌI CỦA TẬP THỂ NGƯỜI VIỆT XA QUÊ HƯƠNG

Vấn đề định danh tập thể người sống xa quê hương biến đổi tùy hoàn cảnh lịch sử và quan niệm cũng như ý hướng của người sử dụng. Đó là một hiện tượng phổ biến cho nhiều cộng đồng xa xứ trên thế giới. Gs. Wang 60 đã liệt kê nhiều tên gọi khác nhau được dùng để nói về tập thể người Hoa ở nước ngoài từ thế kỷ 19 đến nay như sau: Hoa thương (華商), Hoa công (華工), Hoa kiều (華橋), Hoa di (華栘), Hoa nhân (華人), Hoa dân (華民), Hoa miêu (華苖),… Mỗi tên gọi mang những ý nghĩa khác nhau tùy giai đoạn lịch sử và mục đích mà người dùng muốn nhắn gởi qua tên gọi đó. Đối với cư dân người Đại Hàn tại Nhật cũng vậy, trong văn bản bằng tiếng Anh thì có từ “Korean residents in Japan” chiếu theo tình trạng pháp lý của họ, hoặc “ethnic Koreans in Japan” để chỉ luôn người Nhật gốc Đại Hàn, hoặc “Korean minority in Japan” để nói lên tương quan của họ đối với xã hội Nhật. Vấn đề trở nên phức tạp và tế nhị hơn trong ngôn ngữ Nhật và Đại Hàn. Từ chính thức bằng tiếng Nhật là “Zainichi Kankoku Chosenjin” có nghĩa là Cư dân Nam và Bắc Hàn tại Nhật. Nhiều người Đại Hàn tại Nhật thì thích gọi và thích được gọi là “Zainichi Korian” có nghĩa là cư dân Đại Hàn để nói lên tính cách thống nhất của dân tộc họ. Có người lại ưa dùng từ “Chosenjin” (Cao Ly?), là tên gọi bằng tiếng Nhật của nước Đại Hàn trước chiến tranh Hàn–Nhật để nó về thân phận không quốc gia của họ. Thế hệ trẻ thì lại muốn xác định họ thuộc về một quốc gia riêng, không phải là thành phần thiểu số trong nước Nhật cho nên họ không ưa dùng từ Zainichi nữa.61

Đối với tập thể người Việt hiện sinh sống tại hải ngoại cũng thế; người Việt trong nước thường hay dùng chữ “Việt kiều”. Tuy từ nầy được dùng một cách rộng rãi trong quần chúng và mang một ý nghĩa đặc loại đến nỗi có một số người giữ nguyên như vậy khi phải dịch ra ngoại ngữ (Viet-kieu, a Viet-kieu, the Viet-kieu), nội dung từ nầy vẫn mang những ý nghĩa khác nhau tùy vào hoàn cảnh được dùng. Chẳng hạn các cơ quan tuyên truyền của nhà nước thường ân ái gọi những thành viên của những “Hội Việt kiều yêu nước” là “bộ phận không thể tách rời”, là “khúc ruột dính liền…” trong lúc đó ngôn ngữ ngoài phố lại không thiếu những câu ca dao thời đại như “Việt gian, việt cộng, việt kiều / ba tên họp lại tiêu điều nước Nam”… Ngoài ra các văn kiện chính thức của nhà nước Việt Nam cũng thường dùng cụm từ “người Việt Nam ở nước ngoài”, chẳng hạn: “Ủy Ban về Người Việt Nam ở Nước Ngoài”, “Hội Liên Lạc với Người Việt Nam ở Nước Ngoài”… Tuy nhiên khi chuyển ra Anh ngữ thì dù là “Việt kiều” hay “người Việt Nam ở nước ngoài” các cơ quan thông tin của nhà nước Việt nam cũng đều dùng chung một từ là “Overseas Vietnamese” - chẳng hạn “Decision on Policy towards Overseas Vietnamese” hoặc “The Committee for Overseas Vietnamese”.

Trong lúc đó thì ở hải ngoại, trong các sinh hoạt cộng đồng và truyền thông, từ thường được dùng là “Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại”. Thật sự về mặt ngôn ngữ thì từ “hải ngoại” cũng chỉ là phần Hán-Việt của từ “nước ngoài”, và khi chuyển qua Anh ngữ thì thông thường cũng dùng từ “Overseas Vietnamese”, hoặc có lúc lại dùng “Vietnamese expatriates”. Chẳng hạn trong những bài viết của Gs Lê Xuân Khoa,62 hai từ “Overseas Vietnamese” và “Vietnamese expatriates” được dùng như là đồng nghĩa và có thể thay thế cho nhau. Đôi lúc các bản tin bằng Anh ngữ của Thông Tấn Xã Việt Nam cũng dùng từ “Vietnamese expatriates” nầy. Gần đây hơn có thêm từ “Vietnamese diaspora” mà có lẽ nơi sử dụng có hệ thống đầu tiên là các tổ chức của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại từ ngày Văn Phòng Phối kết Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại được thành lập tại Rome (?); chẳng hạn “Mouvement des Laïcs Vietnamiens de la Diaspora - The Vietnamese Laity Movement in Diaspora”. Chương trình nghiên cứu ba năm của William Joiner Center thuôc Viện Đại học Massachusetts nhắc ở trên cũng dùng từ “Vietnamese Diaspora” trong đề án của họ: “(Re) Constructing Identity and Place in the Vietnamese Diaspora”, và được dịch ra Việt ngữ là “Diễn trình (tái) xây dựng diện mạo và quê hương của người Việt ở nước ngoài.” Chính việc chuyển dịch từ “Vietnamese Diaspora” thành “người Việt ở nước ngoài” nầy cũng đã là một điểm mà nhiều người nêu lên để chỉ trích tính cách thiên lệch của William Joiner Center. Chẳng hạn ông Nguyễn Hữu Luyện lập luận trong bài viết về chương trình nghiên cứu của Đại học Massachusetts rằng, “chữ ‘Vietnamese Diaspora’ contextually và semantically phải dịch là ‘cộng đồng người Việt Tỵ Nạn Cộng sản’ vì trên 99% người Việt sống ở nước ngoài ngày nay là người tỵ nạn cộng sản.” 63 Dù xuất xứ từ đâu, và mang ý nghĩa nào, từ “Vietnamese diaspora” cũng đã được sử dụng khá rộng rãi trong giới nghiên cứu - có đến trên 900 trang nói về “Vietnamese diaspora” được tìm thấy với mệnh lệnh tìm kiếm của yahoo.com. Phần phân tích dưới đây nhằm tìm hiểu sự tương hợp giữa thực thể những người Việt xa xứ và những tên gọi nêu trên mà trước hết là từ “Vietnamese diaspora”, một từ rất hàm súc ý nghĩa trong khoa học nhân văn, đã được quốc tế hóa và hầu hết các ngôn ngữ tây phương giữ nguyên, nhưng khi dịch ra tiếng Việt lại có thể trở thành đề tài tranh cãi.

1. Vietnamese Diaspora.
Trong nguyên ngữ từ Diaspora được phát sinh từ hoàn cảnh lưu đày của dân Do Thái bắt đầu từ sáu thế kỷ trước công nguyên ở Babylon, rồi sau đó trải rộng trong vùng Địa Trung Hải, và khắp các châu đại lục ngày nay, khi mà quốc gia Israel đã được thành lập thì những cộng đồng Do Thái sống ngoài lãnh thổ Israel cũng vẫn được gọi là “Diaspora”. Tuy nhiên trong thế kỷ vừa qua, đặc biệt là sau hai cuộc thế chiến và việc phân định lại biên giới của nhiều xứ, và nhất là do những tranh chấp của Chiến Tranh Lạnh, số lượng người bị bắt buộc bỏ quê cha đất tổ kéo lê kiếp sống nơi xứ lạ quê người gia tăng, đồng thời với sự hình thành những cộng đồng người xa xứ nhiều nơi trên thế giới. Theo Gs. Tölölyan, chủ biên tờ Diaspora, một tập san chuyên về vấn đề người ly hương xuất bản tại Canada, thì cách đây chưa đầy 4 thập niên chỉ có 3 diasporas được các nhà nghiên cứu bàn đến, đó là cộng đồng người Do Thái, cộng đồng người Hy Lạp và cộng đồng người Armenia. Đến năm 1998 thì tờ báo đã có nhiều bài viết liên hệ đến 36 cộng đồng được các nhà nghiên cứu coi là, hoặc tự cho mình là diasporas.64 Trong lúc tìm tài liệu để viết bài nầy chúng tôi đã thử gõ từ Diaspora vào trang tìm kiếm của Yahoo.com, kết quả hiện lên 569.000 trang liên hệ đến các diasporas đủ sắc tộc: African, Chinese, Irish, Filipino, Indian, Arab, Tamil, Ukranian, Iranian, Slovak, v.v.; riêng “Vietnamese diaspora” cũng có đến trên 900 trang.

Để tìm hiểu sự thích hợp và khả năng của việc áp dụng từ diaspora cho cộng đồng người Việt xa xứ hiện nay trước hết cần xem đâu là những đặc tính thiết yếu của từ diaspora nói chung. Mặc dù được sử dụng một cách rộng rải – từ Diaspora viết bằng chữ D (hoa) từ trước đến nay để nói về hiện tượng cá biệt của người Do Thái đã có thể được viết bằng chữ d (thường) trong các trường hợp khác – một số đặc điểm thiết yếu cấu tạo nên từ đó vẫn còn được các nhà nghiên cứu giữ lại. Đó là: 1) hiện tượng phân tán dân cư từ một nguồn gốc, 2) ký ức tập thể về quê xưa được xem như là biểu tượng của bản sắc chung, 3) một cảm nhận về cái tôi cách biệt và lạc lõng trên đất nước tạm dung, 4) một huyền thoại về xứ sở gốc được coi như là quê thật sẽ trở về, và 5) một nghĩa vụ chung đối với quê nhà về tinh thần cũng như vật chất.65

Phần đông các nhà nghiên cứu chấp nhận những đặc tính nầy. Một số ít lại khắt khe hơn đến độ họ coi các cộng đồng người Hoa trên thế giới như là những cộng đồng liên quốc (transnational communities) mà thôi chứ không phải là những diasporas theo đúng nghĩa.66 Ngược lại, có nhiều học giả không đồng ý lắm về nội dung quá giới hạn và bị trói buộc quá nhiều với lịch sử của dân Do Thái nầy. Theo họ, khái niệm “quê nhà” được coi là cốt yếu của người Do Thái lưu vong thật ra không quan trọng bằng mối liên hệ giữa những người lưu vong với nhau tại đất nước tạm dung, như trường hợp người Châu phi và hoặc người Hoa;67 hoặc sự phát triển kỳ diệu của các phương tiện truyền thông đã làm nhẹ bớt rất nhiều tính cách phân ly và lạc lõng của người xa xứ, khoảng cách giữa diasporas và quê nhà đã được thu ngắn lại;68 và còn nhiều điều khác nữa… Nói vắn gọn, khuynh hướng muốn nới rộng ý nghĩa của từ “diaspora” chủ trương rằng chỉ cần sống xa quê nhà mà còn giữ những liên hệ kinh tế, chính trị, xã hội cũng như tình cảm là có thể được gọi là “diaspora”, không cần xét đến động lực ra đi cũng như ý muốn trở về.69 Tuy nhiên vấn nạn có thể được nêu lên ở đây là trong trường hợp đó làm sao để phân biệt được với các trường hợp sống xa quê hương khác như di dân, viễn chinh, du học hay “xuất cảng lao động” như các công nhân Việt nam ở nước ngoài đã nói ở trên? Vì vậy có tác giả đề nghị nên phân loại diaspora thành diaspora cổ điển (Do Thái), diaspora nạn nhân (Dân da đen và Armenia), diaspora lao động và đế quốc (Ấn Độ và Anh Quốc), v.v.70

Ngoài ra, giáo sư F. Riggs,71 một chuyên gia có uy tín quốc tế về hành chánh công quyền đối chiếu thuộc đại học Hawaii mà chúng tôi có dịp thỉnh ý khi viết bài nầy, đã nêu lên 2 đặc tính phân biệt diaspora và những hình thức sống xa quê hương khác: không chính thức và năng động. Với tiêu chuẩn không chính thức (informal), những nhân viên của nhà nước Việt Nam hiện nay, du hoc sinh, “xuất cảng lao động”, “lao đông hợp tác”… không thể được coi là thuộc Vietnamese diaspora. Tiêu chuẩn năng động (active) càng thu hẹp số lượng người thuộc diaspora hơn nữa; chỉ những ai còn giữ mối liên hệ với những sinh hoạt hướng về quê hương, hoặc những ai trong tiềm năng có thể thể hiện mối liên hệ nầy khi gặp điều kiện (latent diasporan) mới nên được coi là Vietnamese diaspora. Tuy khắt khe và hạn chế, hai đặc tính vừa kể sẽ giúp cho tên gọi Vietnamese diaspora mạch lạc và sung tích ý nghĩa hơn. Nói tóm lại, đối với đa số cộng đồng trên 2 triệu người Việt đang sống rải rác đó đây trên toàn thế giới, rõ ràng dù chấp nhận lối định nghĩa khe khắt nhất thì cũng có thể gọi đó là “Vietnamese diaspora” dựa trên những yếu tố về động lực và hoàn cảnh ra đi, tiến trình hình thành, và nhất là tâm tư và nguyện vọng của đại đa số người Việt đang sống rải rác đó đây trên toàn thế giới được biểu hiện qua những sáng tác văn học nghệ thuật mà một số nhà biên khảo gọi là nền “văn chương lưu đày”.72

2. Việt Kiều.
Đây là một từ ghép Hán-Việt được tạo nên bởi hai từ: “kiều” của kiều dân và “Việt” của Việt Nam, nghĩa là kiều dân Việt Nam; cũng như những người Việt gốc Hoa tại Chợ Lớn chẳng hạn được gọi là Hoa Kiều. Chữ “kiều dân” thường được dịch ra tiếng Anh là “national”, “sejourner” và tiếng Pháp là “national” hoặc “ressortissant”. Muốn hiểu rõ nội dung của “national” thì cần phải tìm về từ gốc là “nation”, cũng như cần phân biệt “nation” với “state / état”, và những từ phát sinh từ đó: national / nationality / nationalism; citizen / citizenship.

Trong các từ điển phổ thông hai từ “national” và “citizen” được coi là đồng nghĩa. Điều đó không sai, tuy nhiên vì là “phổ thông” cho nên không được đầy đủ. Những từ “national” và “nationality” phát sinh từ “nation”; mà “nation” là một cộng đồng nhân loại mà những phần tử được gắn bó với nhau bằng những liên hệ tinh thần như truyền thống văn hóa, lịch sử và ý chí trường tồn, và những liên hệ vật chất như màu da, tiếng nói, chữ viết v.v. Trong lúc đó thì “state / état” là một pháp nhân của công pháp được cấu thành bởi 3 yếu tố: lãnh thổ, dân cư và chính quyền. Trong một mức độ giới hạn hơn, từ nầy chỉ có nghĩa là cơ cấu quyền lực chính trị mà thôi - như đã được dùng trong tựa đề tác phẩm “l’État et la révolution” của Lénine. Vì là một pháp nhân có tính qui ước cho nên “state / état” không phải là một hiện tượng bền vững trong không gian và thời gian; nó có thể biến mất để sáp nhập vào một tổng thể lớn hơn hoặc phân tán thành những đơn vị nhỏ hơn. Sự phân biệt nầy cho thấy rõ “national” không nhất thiết là “citizen” và “nationality” không nhất thiết là “citizenship”. “Citizenship” diễn tả mối liên hệ pháp lý giữa một công dân và quyền lực nhà nước (state / état) thông thường được quy định trong hiến pháp ở mục quyền lợi và nghĩa vụ công dân như quyền bầu cử / ứng cử hay nghĩa vụ đóng thuế, nghĩa vụ quân sự v.v. Như thế nó chỉ là một khái niệm pháp lý hơn là một khái niệm văn hóa, trong lúc đó nationality nói lên mối liên hệ có tính chủ quan và đầy cảm tính giữa cá nhân và quê hương không kể quê hương đó ở đâu và quê hương đó còn tồn tại như là một “nation-state” hay không. Thông thường thì không có sự phân biệt giữa “national / citizen” và “nationality / citizenship” trong một quốc gia thuần nhất với biên giới địa lý và nhân văn rõ ràng; tuy nhiên trong một thế giới mở rộng ở đó nhiều kiều dân cùng là công dân một “nation-state”, nhiều “nationalities” cùng chia sẻ một “citizenship”, như trường hợp Liên Bang Sô Viết đã qua hay Vương Quốc Anh hiện nay thì có thể phân biệt được. Từ nation gần gủi, nếu không muốn nói là đồng nghĩa với từ patria có nguồn gốc là pater (cha) và được dịch qua tiếng Pháp là “patrie”, hoặc “father land”, “mother land” trong tiếng Anh mà tiếng Việt có thể dịch là tổ quốc hoặc là quê hương. Một tác giả cổ điển nào đó đã để lại cho hậu thế một định nghĩa rất đầy đủ và thật đơn giản: tổ quốc là nơi người ta sống hạnh phúc “Ubi bene, ibi patria”; như thế từ patria và nation nhằm chuyên chở những nội dung văn hóa hơn là quy ước pháp lý như từ “state / état”. Trong tiếng Việt chưa có sự phân biệt nầy; từ “quốc gia” thường được dùng để diễn tả cả “nation” và “state”, cũng như “quốc tịch” đối với “nationality” và “citizenship”; riêng từ “nhà nước” thì được dùng để diễn tả nội dung của “state / état” theo nghĩa hẹp. Tuy nhiên khi chúng ta nói “chú Hớn là một Hoa kiều” chẳng hạn, chúng ta xác quyết một điều chú Hớn là người dân tộc Hoa mà không cần phân biệt chú mang thông hành của Đài Loan hay Trung Cộng. Cũng vậy, nói rằng “cô Ba là một Việt kiều” không bao giờ hàm ý cô là một công dân của nhà nước Việt Nam hay là một người tỵ nạn cộng sản. Như thế, trong một mức độ nào đó, từ Việt kiều bao hàm một nội dung văn hóa bền vững nhằm diễn tả bản sắc Việt của một nhóm người người cho dù họ ở chân trời gốc biển nào, dù đó là Bá Linh hay Nữa Ước. Dịch “Việt kiều” thành “Overseas Vietnamese” là vô hình chung lột mất ý nghĩa văn hóa nầy bởi vì chữ “overseas” chỉ diễn đạt được chiều kích không gian vật lý mà thôi. Tuy thế từ “Việt kiều” vẫn không thể thay thế được từ “Vietnamese diaspora”, ít nhất ở hai điểm. Thứ nhất, trong ngôn ngữ Việt nam bây giờ, từ Việt kiều không nói lên được tính cách cộng đồng và liên đới của những người ly hương cho dù được dùng ở số nhiều. Nói rằng có nhiều Việt kiều sống ở Tokyo vẫn không lột được hết ý nghĩa của phát biểu có một “Vietnamese diaspora” tại đó. Trong lúc đó từ “hội Việt kiều” trong hiện trạng chỉ gợi lên một hình thức tổ chức được sắp đặt chứ không phải là một cộng đồng tự phát; nó thường đi đôi với từ “yêu nước” và đã trở thành một sáo ngữ có tính tuyên truyền. Nói cách khác từ việt kiều chỉ giúp phân biệt với người Việt ở trong nước chứ không hàm chứa một ý thức tập thể (collective self-consciousness) giữa những người Việt xa quê hương. Thứ hai, và quan trọng hơn, tính cách xa-mà-luôn-nghĩ-về-cố-hương của từ diaspora không có mặt hoặc rất là mờ nhạt trong từ “Việt kiều”.

3. Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản.
Thỏa ước Genève năm 1951 về quy chế người tỵ nạn đã ấn định ở điều 1 chương I rằng được coi là người tỵ nạn những ai lo sợ có lý do chính đáng bị hành hạ vì những nguyên nhân chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một tổ chức xã hội đặc biệt hoặc bất đồng chính kiến với chính quyền hiện hữu nên không thể hoặc không muốn trở về quốc gia mình. Như đã trình bày trong phần tiến trình hình thành cộng đồng người Việt xa quê hương ở trên, kể từ sau 1975 đa số những người Việt rời bỏ đất nước, đặc biệt là những người có cộng tác với chế độ chính trị Việt Nam Cộng Hòa, được các quốc gia khác đón nhận chiếu theo Thỏa ước Genève và những luật lệ của từng quốc gia dựa trên thỏa ước nầy. Họ là những người chạy trốn chế độ chính trị hiện hành vì sợ ngược đãi, đàn áp, bắt bớ hoặc giam cầm. Họ là những người tỵ nạn chính trị. Tuy nhiên cũng chính Thỏa ước Genève đã ấn định rằng tư cách tỵ nạn chính trị có thể bị chấm dứt trong những trường hơpï người tỵ nạn thụ đắc quốc tịch mới và hưởng sự bảo trợ của quốc gia họ mang quốc tịch. Cho đến nay phần lớn người Việt Nam xa quê hương đã thụ đắc quốc tịch của quốc gia họ định cư và được sự bảo trợ của quốc gia đó, tuy rằng mức độ thay đổi quốc tịch còn tùy thuộc vào chính sách của từng quốc gia tiếp nhận. Tại Úc chẳng hạn, tính cho đến năm 2001 đã có 96% người Việt nhập cư có quốc tịch Úc;73 ngược lại tại Nhật số người Việt đổi thay quốc tịch rất hạn chế: chỉ có khoảng 1,5% người Việt tại đây đã có quốc tịch Nhật mà thôi.74 Tuy nhiên việc thay đổi quốc tịch không nhất thiết đưa đến việc từ bỏ căn cước người Việt tỵ nạn chính trị bởi một lý lẽ rất hiển nhiên là thân phận tỵ nạn không phải chỉ đơn thuần là một vấn đề pháp lý. Nó bắt nguồn từ những lý do chính trị và để lại nhiều hậu quả tâm-thể lý và xã hội. Đó là một đột biến văn hóa cho một tập thể bị mất mát và xua đuổi khỏi xứ sở và cuộc sống bình thường của họ. Vì thế không thể quả quyết được rằng thay đổi tình trạng quốc tịch có thể xóa hết bản sắc hay căn cước của một người hoặc của một tập thể đã được cấu tạo nên từ một ký ức tập thể được đan dệt bằng những mất mát, đổ vở, trầm luân và gián đoạn đó. Kunz đã giải thích về bản sắc người tỵ nạn như sau: “họ là mẫu mực xã hội đặc biệt” (a distinct social type)75, không giống những người di dân bình thường. Riggs cũng lưu ý những ai nghiên cứu về các cộng đồng xa xứ về nguồn gốc cấu tạo của chúng; chính đó là điểm chính yếu giúp định loại và định tính được bản sắc của các cộng xa xứ khác nhau.76 Điều rất đáng tiếc là phần lớn tài liệu nghiên cứu về người tỵ nạn nói chung và người Việt tỵ nạn nói riêng đã chú trọng quá nhiều đến hậu quả bi thương của hành trình tỵ nạn, nhất là khía cạnh tâm bệnh lý từ quan điểm qui phạm của đòi hỏi đồng hóa vào môi trường mới mà coi nhẹ nguồn gốc của vấn đề tỵ nạn. Chính cái lập trường và thái độ không chấp nhận, bất đồng và chống đối thế lực đàn áp đã là nguyên nhân sâu xa của tình trạng ly hương và cũng là yếu tố chính tạo nên bản sắc hay căn cước của đa số người Việt hải ngoại được biểu thị qua những sinh hoạt chính trị của cộng đồng cũng như được phản ảnh trong sáng tác và các sinh hoạt văn nghệ nói chung. Đặc biệt đối với những cộng đồng tỵ nạn mà nguồn gốc của tình trạng tỵ nạn vẫn còn tồn tại như trường hợp Tây tạng, Cuba, Việt Nam… thì căn cước tỵ nạn lại luôn được duy trì và củng cố trong những hoạt động chống lại chế độ chính trị đương thời tại quê nhà bằng phương cách hòa bình hay bạo động, một hiện tượng thời thượng mà khoa học chính trị gọi là những sinh hoạt chính trị liên quốc gia “transnational political practices” của những cộng đồng ly hương qua những hệ thống tổ chức quốc tế “transnational political networks”.77 Những biến cố như vụ Trần Trường hay Diễn Hành Văn Hóa New York là những hiện tượng nổi bật trong muôn ngàn sinh hoạt khác nhằm xác định cái căn cước của tập thể người Việt tại nước ngoài như là những người tỵ nạn. Như thế đối với phần lớn người Việt hiện sinh sống ở nước ngoài, tên gọi “người Việt tỵ nạn” không những chỉ nói lên tình cảnh lưu đày mà còn bao gồm ước mơ về một quê hương trong trí tưởng, một loại thiên đàng bị đánh mất, và một ý chí phục hồi. Đó cũng chính là những đặc điểm của từ diaspora trong cách hiểu chặt chẻ như đã trình bày ở trên.

4. Vietnamese Expatriates.
Cũng như từ diaspora, đây là một từ bằng ngoại ngữ được dùng để nói về tập thể người Việt ở nước ngoài. Khi chuyển ra tiếng Việt thì thông thường cũng được dịch là người Việt xa quê hương, người Việt ly hương, hay người Việt ở nước ngoài… Vì trong một số bài viết về người Việt ở nước ngoài bằng ngoại ngữ đã dùng từ Vietnamese expatriates cho nên cũng cần phải xác định nội dung của từ nầy trong tương quan với những từ thường dùng khác. Từ expatriate liên hệ với từ patriate và repatriate; cả ba cùng phát sinh từ gốc patria. Như đã nói ở trên, từ patria gần gũi với khái niệm nation hơn là khái niệm state / état; nó chuyên chở những nội dung văn hóa hơn là qui định pháp luật. Điều đó cho thấy Vietnamese expatriate diễn tả bản sắc văn hóa của tập thể người Việt xa quê hương một cách phong phú hơn là từ overseas Vietnamese. Từ expatriate nói lên hoàn cảnh sống xa quê hương cũng như từ repatriate nói về hoàn cảnh người trở lại quê hương đã bỏ đi. So với từ diaspora, từ expatriate diễn tả một hình thức phân tán; tuy nhiên không phải bất cứ một expatriate nào cũng là một diasporan. Expatriate chỉ nói lên một chiều của diaspora, đó là chiều phân tán ra ngoài; còn chiều thứ hai ngược lại, là chiều luôn hướng về quê hương thì không phải là nội dung của từ expatriate. Nếu một người Việt xa quê hương khước từ văn hóa của mình và chỉ tìm cách đồng hóa với nền văn hóa xứ định cư thì họ không còn là diasporan nữa mặc dù họ vẫn được coi là một Vietnamese expatriate.

***
Việc hình thành các cộng đồng người Việt xa xứ trong thế kỷ qua, đặc biệt kể từ 1975, là một hiện tượng hoàn toàn mới lạ. Mà cũng chính vì mới lạ cho nên ngay vấn đề nhân số cơ bản cũng còn rất mơ hồ. Và càng mơ hồ hơn nữa là tên gọi và ý nghĩa của nó. Việc phân tích một số từ thông dụng trên cho thấy rằng trong tiếng Việt, chữ chưa chuyên chở được nghĩa cũng chỉ vì tình cảnh xa xứ là một hiện tượng, một kinh nghiệm sống mới mà người Việt Nam bắt đầu kinh qua. Việc trong lọc hóa các từ ngữ, vì thế, có lẽ phải là bước đầu tiên cần thiết cho những công trình nghiên cứu khách quan và có phương pháp về một sinh hoạt xã hội năng động như hiện tượng người Việt xa xứ nầy. Ước mong sự đóng góp ý kiến của các bậc thức giả khắp nơi.


Nguyễn Bá Tùng, DPA

California, USA


Chú Thích
1 Số liệu trích từ Foreign and Foreign-born Residents: http://migration.ucdavis.edu/Data/pop.on.www/foreign_pop.html
2 Số liệu tổng hợp của Armenia Diaspora Conference lấy từ http://www.armeniadiaspora.com.
3 Tài liệu thống kê của World Jewish Congress lấy từ http://www.wjc.org.
4 Phạm Hữu Trác. “Trình bày và nhận định về chương trình nghiên cứu người Việt hải ngoại của Trung tâm William Joiner,” Tập san Truyền Thông, số 2, tháng 2. 2002, tr. 8.
5 Schoorl, J.J., L. Heering, I. Esveldt, G. Groenewold, R. F. van der Erf, A. M. Bosch, H. de Valk and B. J. de Bruijn. Push and pull factors of international migration: a comparative report. The Hague. Luxembourg, Eurostat, 2000.
6 Phan Thị Đắc. Trích từ Lm Mai Đức Vinh “Số người Việt Nam tha hương hiện nay”, Thời Điểm Công Giáo, số 39&40, tháng 5&6, 1996, tr. 52.
7 Nguyễn Ngọc Hà . Về người định cư ở nước ngoài, TP Hồ Chí Minh, 1990, tr. 14.
8 Lê Mộng Nguyên. “Cộng đồng Việt Nam tại Pháp”, Định Hướng số 35 (Mùa Hè 2003), tr. 75-84.
9 United Nations High Commissioner for Refugees, The State of the World’s Refugees 2000 - Fifty Years of Humanitarian Action. Oxford University Press 2000.
10 Dĩ nhiên con số nầy không bao gồm những người bị thanh lọc cưỡng bức hồi hương mà tỷ lệ rất cao, và những người đã bỏ mạng trên biển cả và rừng sâu mà cho đến nay chưa có được một con số chính xác. (xem Nguyễn Ngọc Kỳ, “Cuộc hành trình vô vọng” Thời Điểm Công Giáo, số 39&40, tháng 5&6, 1996, tr. 86. 11 United Nations High Commissioner for Refugees, The State of the World’s Refugees 2000 - Fifty Years of Humanitarian Action. Oxford University Press 2000, tr. 99.
12 Bureau of Citizenship and Immigration Services, U.S. Homeland Security Department, online: http://www.immigration.gov/graphics/aboutus/history/july79.htm#Background
13 Futaba Ishizuka. A Study on Trade, Investment and International Labor Migration in the APEC Member Economies, APEC Study Center publications, online: http://www.ide.go.jp/English/Apec/Publish/
14 Nguyen Nam Phuong. “Unemployment pushes Vietnam to export labor”, Asia Times Online, June 12, 2000, online: http://www.atimes.com/asia-crisis/BG12Db01.html
15 Vietnam Style. Vietnam to increase numbers of migrant labourers: http://www.vnstyle.vdc.com.vn/news/
16 Biên bản số 107–105, ngày 19.6.2002 của Ủy Ban Bang Giao Quốc Tế, Hạ Viện Hoa Kỳ.
17 Thông Tấn Xã Việt Nam: http://vietnamnews.vnagency.com.vn/2002-06/22/Stories/10.htm
18 Nguyễn Đình Bin. “Người Việt Nam ở nước ngoài: Hội nhập và hướng về quê hương” Nhân Dân, 02/02/2003.
19 US Census Bureau. The Asian Population: 2000. Issued Feb. 2002. p. 9.
20 Census of Canada. 2001 Census (Last modified: 18.01.2003), online:
http://www12.statcan.ca/english/census01/products/highlight/ETO/Table1.
21 Australian Immigration Statistics. Community Information: The Viet Nam-born Community; http://www.immi.gov.au/statistics/infosummary/textversion/vietnam.htm
22Australian Bureau of Statistics. Year Book Australia 2002, Population Languages, updated 11 March 2003, http://www.abs.gov.au/ausstats/
23 Lê Hữu Khóa. L’immigration du sud-est asiatique en France, Paris, ADRI, 1996, tr.4. 24 Xem chú thích số 8.
25 Émigré: “Une personne ayant acquis la nationalité française depuis son arrivée en France est donc toujours comptée comme immigrée. Inversement, une personne née française à l’étranger n’est pas un immigrée. Néanmoins, il est d’usage de compter les rapatriés d’Algérie et des anciennes colonies dans le solde migratoire.” Institut National d’Études Démographiques, Lexique: http://www.ined.fr/population-en-chiffres/lexique/index.html
26 Institut National d’Études Démographiques. Immigré selon le pays de naissance, Dernière mise à jour : octobre 2002 : http://www.ined.fr/population-en-chiffres/indexF.html
27 François Ponchaud. Cambodia: Year Zero. Translated by Nancy Amphoux. Holts Rinehart and Winston, New York: 1978, tr. 67-70.
28 Brian Owsley. “Ethnic Vietnamese an Cambodia: A case study of the tension between foreign policy and human rights”, Touro International Law Review, Volume 6, No.1 1995.
29 Banister, J., và E. P. Johnson. “After the Nightmare: The Population of Cambodia.” Trong Genocide and Democracy in Cambodia: The Khmer Rouge, the United Nations and the International Community. Ed. B. Kiernan. Monograph Series 41, Yale University Southeast Asia Studies, New Haven, 1993.
30 Mony Tep and Salon Ek. “Vietnamese sex workers in Cambodia”. Research for Sex Work 3, 2000.
31 Brian Owsley. Xem chú thích số 28.
32 Xem chú thích số 19.
33 Xem chú thích số 22.
34 Xem chú thích số 20.
35 Xem chú thích số 23.
36 Xem chú thích số 26.
37 Statistisches Bundesamt 2002. Documents V II B - 175 và V II B 176
38 Krystyna Iglicka. The revival of ethnic consciousness: a case of Poland, University of Warsaw 2000, p. 22.
39 Taiwan Headlines. “Taiwan’s foreign population 336,000 at end of 2000”, Friday, December 14, 2001: http://www.taiwanheadlines.gov.tw/
40 Vietnamese Missionaries in Taiwan. Những Vấn Đề về Cô Dâu Việt Nam tại Đài Loan: http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/writing/vnbride.htm
41 Languages of United Kingdom, Publications catalog database last modified:December-2002:http://www.ethnologue.com/show_country.asp?name=United+Kingdom
42 The Council of Europe. Demographic Year Book, 2001, http://www.coe.int/t/e/social_cohesion/population/demographic_year_book/2001
43 Migration Volume 10 Number 2, April 2003: http://migration.ucdavis.edu/mn/archive_mn/apr_2003-14mn.html
44 Czech Statistical Office. Table 3. Population: by citizenship, 1 March 2001 http://www.czso.cz/eng/angl.htm
45 Statistics Norway, 2002 . Immigrant population, table 14: http://www.ssb.no/innvbef_en/tab-2002-09-19-14-en.html
46 South Korean Ministry of Justice, Annual Immigration Statistics, 2000.
47 Intellasia News: http://www.intellasia.com/news_today/2001/1107news.htm
48 Toda Yoshiko. Vietnameses Communities in Japan. Akatsuki inshokan, Tokyo, 2001.
49 The Danish Ministry of Refugee, Immigration and Integration Affairs. Denmark Statistical Yearbook 2002. Immigrant population by country of origin 2002, table 48.
50 Statistics Sweden. Population, Foreign-born persons in Sweden by country of birth, age and sex. Year 2000-2002: http://www.scb.se/indexeng.asp
51 Summer Institute of Linguistics, Inc. Ethnologue: Languages of Netherlands: http://www.ethnologue.com/show_country.asp?name=Netherlands
52 The Council of Europe’s Demographic Year Book, 2001 Edition (Xem chú thích 42)
53 Institute of Migration. Foreign population in Finland by mother tongue 1980-2001: http://www.utu.fi/erill/instmigr/eng/e_18.htm
54 Statistics New Zealand. 2001 Census of Population and Dwellings; http://www.stats.govt.nz/census.htm
55 Virtual Philippines: http://www.virtual-asia.com/ph/bizpak/reports/backpacking.htm
56 The Council of Europe. Xem chú thích 42.
57 The Council of Europe. Xem chú thích 42.
58 The Council of Europe. Xem chú thích 42.
59 The Council of Europe. Xem chú thích 42.
60 Wang, G. China and The Chinese overseas,Times Academic Press, 1991.
61 Chung, Erin Aeran. Korean Voluntary Associations in Japanese Civil Society. JPRI Working Paper No. 69, July 2000: http://www.jpri.org/WPapers/wp69.html
62 Le Xuan Khoa. “Vietnamese Expatriates and Vietnam: Challenges and Opportunities,” Review of Vietnamese Studies, vol. 2, Nov. 2002.
63 Nguyễn Hữu Luyện. “Bàn về chương trình nghiên cứu của Rockefeller Foundation,” Truyền Thông số 2 tháng 2 2002, tr. 10.
64 Tölölyan, Kachig. “Rethinking Diaspora(s): Stateless power in the transnational moment,” Diaspora 5(1), 1996, tr. 3-36.
65 Safran, William. “Diasporas in modern societies: Myths of homeland and return.” Diaspora (Spring 1991), tr. 83- 99.
66 Faist, T. “Transnationalization in interorganizational migration: Implication for the study of citizenship and culture” Ethnic and Racial Studies, Bộ. 23, Số 2, tháng 3 năm 2000, tr. 189-222.
67 Xem Ong, Aihwa và Donald Nonini, Ungrounded Empires: The Cultural Politics of Modern Chinese Transnationalism. New York: Routledge, 1997; hoặc Gilroy, Paul, The Black Atlantic: Modernity and Double Consciousness. Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press, 1993.
68 Appadurai, Arjun. Modernity at Large: Cultural Dimensions of Globalization. Minneapolis, Minnesota: University of Minnesota Press, 1996.
69 Tambiah, S. “Transnational movements, diaspora, and multiple meodernities”, Journal of the American Academy of Arts and Sciences, Bộ 129, Số 1, Mùa Đông 2000.
70 Cohen, R. Global Diasporas: An introduction, UCL Press, London, 1997.
71 Riggs, W. Fred. Diasporas and Ethnic Nations – Causes and Consequences of Globalization: http://webdata.soc.hawaii.edu/fredr/diaglo.htm
72 Nguyễn VyKhanh. “Văn chương lưu đày”, Định Hướng, số 34, mùa xuân 2003, tr. 4-21.
73 Australian Citizenshiphttp://www.citizenship.gov.au/
74 Toda Yoshiko. Xem chú thích 48
75 Kunz, E.F. “Exile and resettlement: Refugee theory”, International Migration Review, Vol.15 (1) pp. 42-51, 1981.
76 Riggs, W. Fred. Xem chú thích số 71.
77 Eva K. stergaard-Nielsen. The Politics of Migrants’ Transnational Political Practices. The Center for Migration and Development, 2001.