Vai Trò Tôn Giáo Trong Việc Xây Dựng Đất Nước

 
 
 

Khác với tiên đoán của Marx và những người Cộng Sản, tôn giáo không những không tự tiêu vong hoặc bị đào thải theo đà tiến hóa của loài người. Trái lại, thập niên cuối của thế kỷ 20 đang chứng kiến điều mà Gilles Kepel gọi ví von là “sự trả thù của Thượng Đế”. Giáo sư Samuel P. Huntington của Đại học Harvard, trong một bài nhận định về tương lai thế giới sau thời kỳ tranh chấp có tính cách quốc gia và ý hệ lưỡng phân, cho rằng nhân loại đang đứng trước sự thách đố của những dị biệt về văn hóa mà yếu tố chính là tôn giáo (1). Dù công trình của GS.Huntington còn có nhiều điểm có thể tranh cãi, nhưng điều mà ông muốn chứng minh về ảnh hưởng của tôn giáo trong tương lai trật tự thế giới chỉ làm nổi bật thêm tầm quan trọng của tôn giáo trong chiều dài lịch sử loài người, như vợ chồng sử gia Durant đã viết trong tập tổng luận công trình sử học của họ: “Ngay cả sử gia hoài nghi nhất cũng bày tỏ một sự nễ trọng khiêm cung đối với tôn giáo bởi vì họ nhận chân được rằng tôn giáo tác động mọi nơi và mọi lúc, và xem ra không thể thiếu được.” (2)

Bài viết sau đây không nhằm bàn thêm hay đặt lại vấn đề bao quát trên, nhưng chỉ giới hạn trong chủ đề vai trò tôn giáo trong việc phục hưng quê hương Việt Nam; nghĩa là các tôn giáo Việt Nam phải làm gì và có thể làm được gì để góp phần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay để vươn mình trên đà tiến hóa chung của loài người.

Ở đây chữ tôn giáo được hiểu một cách bao quát: về mặt ngoại trương (extension), bao gồm các tôn giáo cá biệt tại Việt Nam như Đạo Thờ Cúng Tổ Tiên, Đạo Khổng, Đạo Lão, Đạo Phật, Đạo Công Giáo, Đạo Tinh Lành, Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo..., về mặt nội diên (compréhension), hàm ý hai khía cạnh: như là một niềm tin theo nghĩa tâm linh, và như là một định chế xã hội có tổ chức. Vì tính cách tổng hợp chủ quan nhắm đến, và cũng vì tính cách đồng quy khách quan của các tôn giáo, chúng tôi xử dụng ý nghĩa bao quát nầy, tuy nhiên vẫn lưu ý đến những sắc thái cá biệt độc đáo của những tôn giáo lớn.

Để có thể đi đến một đề nghị cho vấn nạn nêu trên, thiết nghĩ cũng cần tìm hiểu tôn giáo đã làm được gì cho dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề căn bản như là quan điểm phê phán, như là tiêu chuẩn so sánh cũng cần phải thanh thỏa trước; đó là mối tương quan giữa tôn giáo nói chung và thế sự cần phải quan niệm thế nào cho phải.

Tôn giáo và thế sự

Điểm mấu chốt của mối tương quan nầy là chữ thế tục hóa (sécularisation). Thật thế, mặc dù đây là một khái niệm liên hệ đến Kitô giáo và lịch sử văn hóa Tây Phương, nhưng với sự giao lưu văn hóa không giới hạn thì sự tác động của một trào lưu tư tưởng thường rất khó khoanh vùng; và nhất là khi trào lưu tư tưởng đó lại thuộc vào một sinh hoạt phổ quát như là tôn giáo.

Tính cách phổ quát của hiện tượng thế tục hóa lại bắt đầu từ một hoàn cảnh rất cục bộ của xã hội Âu châu vào thời Phục Hưng. Lúc đầu đó chỉ là một phản ứng nhằm chống lại việc can thiệp quá sâu rộng của Giáo hội công giáo vào sinh hoạt xã hội Trung cổ. Thế tục hóa theo nghĩa tích cực là một bước tiến của xã hội nhằm tách rời thế quyền ra khỏi thần quyền. Qua sự phân biệt đó, nhà nước cũng như Giáo hội trở lại chức năng cá biệt của mình: nhà nước lo tổ chức và quản lý cuộc sống trần gian, tôn giáo lo việc cứu rỗi linh hồn.

Điểm khúc mắc tạo nguy cơ cho sự phân biệt trên là tính chất nhị nguyên của tôn giáo và, quan niệm quá khích đồng hóa việc chống giáo sĩ, chống Giáo hội với việc chống lại những gì thuộc cuộc sống siêu nhiên. Tuy hướng về mục tiêu tối hậu là giải thoát mọi người và mỗi người, nhưng tôn giáo lại sinh hoạt trong lòng xã hội và tác động bằng những phương tiện xã hội, nghĩa là mặc lấy hình hài của những định chế xã hội. Vì thế, dù trốn tránh thế nào thì mối tương quan giữa tôn giáo và thế sự nói chung và chính trị nói riêng vẫn bao hàm những sắc thái của những định chế xã hội trần tục.

Điểm khúc mắc thứ hai là quan niệm quá khích về tôn giáo của một số thành phần chủ trương thế tục hóa. Phản ứng chống giáo sĩ, và ngay cả chống Giáo hội lúc đầu dần hồi biến thành một chủ nghĩa (sécularisme) vượt khỏi những nhu cầu cụ thể của lịch sử để vươn tới một khẳng định rằng tôn giáo tự bản chất là một sự mê hoặc không cần thiết cần được giải ảo. Đó là ý định của những lý thuyết gia như Voltaire, Feuerbach, Freud... Một hình thức cùng cực của chủ nghĩa thế tục trong chiều hướng nầy là chủ nghĩa cộng sản như đang áp dụng tại Việt Nam.

Thực sự thì chủ nghĩa cộng sản không phải chỉ nhằm khoanh vùng hoặc tiêu diệt tôn giáo, mà là đi đến một hình thức tôn giáo mới, điều mà Raymond Aron gọi chung là tôn giáo thế tục (religion séculaire) (3), thừa hưởng những gì là căn bản của tôn giáo ngoại trừ việc chối bỏ chiều kích linh thánh của con người và việc áp dụng những phương tiện bạo lực. Việc thực thi chủ nghĩa Staline, chủ nghĩa Mao là những trường hợp điển hình.

Tuy không qua phương tiện bạo lực, chủ nghĩa thế tục cũng nhằm đạt đến những mục tiêu tương tựa trong những xã hội tư bản. Vai trò của nhà nước thế quyền được tôn vinh như một quyền lực bao trùm mọi sinh hoạt xã hội và con người. Song song với việc phủ nhận nhà nước thần quyền, những giá trị tôn giáo như chiều kích thần tính của con người, tính cách linh thánh của sự sống... cũng bị chỉ trích như là lỗi thời, kỳ đà cản mũi của tiến bộ. Thay vào đó , người ta tôn vinh những giá trị mới như vai trò tối thượng của lý trí và khoa học, địa vị độc tôn của con người trong việc kiến tạo lịch sử... Từ đó những nền tảng của tương giao xã hội như tự do, căn bản luật pháp... cũng đổi thay. Trong một xã hội thế tục hóa, cho dù qua bạo động như chế độ cộng sản, hay qua những phương tiện ít bạo động và tinh vi hơn như trong các xã hội tư bản, thì tôn giáo vẫn không còn lý do tồn tại trong sinh hoạt thế sự, bởi vì con người tôn giáo (homo religiosus) và ngay cả con người tư duy (homo sapiens) không còn vai trò để đóng; duy còn lại con người lao động (homo faber) mà thôi.

Một khuynh hướng ngược lại trong tương giao tôn giáo với thế sự hiện nay là chủ nghĩa bảo căn tôn giáo (radicalisme religieux) của một số quốc gia hồi giáo (4). Chủ nghĩa bảo căn tôn giáo cố gắng tái lập một chế độ thần quyền và tôn giáo hóa mọi sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên việc tôn giáo hóa thế sự đang diễn tiến tại những quốc gia trên có phải phát đi từ động lực tôn giáo, hay cũng chỉ là một phương thế dùng để động viên chủ nghĩa ái quốc vì nhu cầu độc lập, vì sự thất bại của các chế độ dân chủ kiểu Âu Mỹ đã được áp đặt hay thí nghiệm trên chính quê hương của họ? Nói cách khác, tuy ngược chiều, nhưng chủ nghĩa thế tục hóa và chủ nghĩa bảo căn hồi giáo cũng phát đi từ nhu cầu con người chính trị, con người hơn thua? Dù câu trả lời thế nào chăng nữa thì những hậu quả mà nhân loại đang gánh chịu từ hai phía là một điều khá hiển nhiên mà mọi lương tri bình dị đều có thể nhận ra được.

Mọi cố gắng tẩy chay tôn giáo ra khỏi thế sự hay ngược lại, đưa tôn giáo trùm lên mọi sinh hoạt xã hội đều không phải là những tương quan đáng ao ước. Vậy đâu là biên cương tối hảo của hai lãnh vực đạo - đời nầy?

Cũng như mọi vấn đề đặt ra cho con người, không thể có một giải pháp toàn bích cho mọi thời, mọi nơi nhất là đối với những gì liên quan đến phạm vi kỹ thuật thực hiện. Với tâm thức con người hiện đại nói chung, chúng tôi nghĩ nguyên tắc sau đây có thể chấp nhận được, tuy việc áp dụng còn tùy thuộc những điều kiện cụ thể của môi trường. Nguyên tắc đó là: Tôn giáo, xét như là một xã hội dân sự đặc biệt, thì vượt ra ngoài vòng kiềm tỏa của xã hội chính trị, là lương tâm của xã hội đó mà không bao giờ là công cụ hoặc chủ nhân ông. Ngược lại, xã hội chính trị phải phản ảnh nội dung đức lý của tôn giáo mà không là kẻ thừa hành, hay trái lại tìm cách thay thế tôn giáo.

Trong phát biểu trên đây có một số khái niệm được vay mượn cần giải thích: cụm từ xã hội chính trị và xã hội dân sự, theo cách hiểu thông thường cũng như trong cách xử dụng của các nhà xã hội học, mang nhiều sắc thái khá dị biệt. Ở đây chúng tôi khởi đi từ nội dung ý nghĩa trong công trình của A. Gramsci, lý thuyết gia mác-xít Ý, tuy không nằm trong ý hướng công trình của tác giả (5). Ngoài tính cách khúc chiết của phương pháp phân tích, việc xử dụng những khái niệm của một người mác-xít còn có thể soi rọi rõ hơn một xã hội áp dụng chủ nghĩa Mác như xã hội Việt Nam ngày nay.

Theo Gramsci, xã hội dân sự bao gồm “toàn thể những cơ quan được hiểu một cách thông thường là thuộc lãnh vực tư tương ứng với chức năng thống soái mà nhóm người cai trị áp đặt lên toàn thể xã hội” (6). Nói một cách dễ hiểu hơn đó là những bộ phận xã hội cấu thành văn hóa - ngoại trừ cơ quan quyền lực chính trị - như giáo hội, trường học, tổ chức văn học nghệ thuật, kinh tế... Còn xã hội chính trị chính là bộ máy trấn áp được dùng để uốn nắn quần chúng vào một phương thức sản xuất ở vào một giai đoạn lịch sử nhất định. Bộ máy đó bao gồm luật pháp, cảnh sát, quân đội, nhà tù... Sự đối lập giữa xã hội dân sự và xã hội chính trị thể hiện rõ qua những đặc tính tương phản nhau: xã hội chính trị thì dùng bạo lực để thống trị, còn xã hội dân sự chiếm lĩnh ưu thế bằng phương cách ve vãn, thuyết phục. Nhà nước theo nghĩa rộng, tức là quốc gia trong lối hiểu thông thường của ngôn ngữ Việt Nam, bao gồm xã hội chính trị và xã hội dân sự. Như thế xã hội dân sự là cái gì trường kỳ, khó đổi thay mà một xã hội chính trị muốn đứng vững phải tương hợp.

Công trình phân tích của Gramsci làm nổi bật hai điểm: thứ nhất là tính ưu thế của xã hội dân sự trên xã hội chính trị. Một cuộc đổi thay xã hội bằng quyền lực chính trị sẽ không bền vững nếu không có một xã hội dân sự tương ứng làm điểm tựa tiên quyết; những chuyển động của xã hội dân sự, trái lại, tuy tiệm tiến nhưng sẽ dẫn đến việc đổi thay xã hội chính trị. Cuộc Cách mạng Nga 1917 sở dĩ thành công vì xã hội Nga chưa thấm nhuần tinh thần “tư sản dân quyền”, và cũng chưa có một giai cấp trưởng giả đủ mạnh như các nước Tây Âu khác để đóng vai trò đề kháng. Điểm thứ hai là nguồn gốc của độc tài. Độc tài xuất hiện khi xã hội chính trị không có điểm tựa ở xã hội dân sự. Chế độ Phát-xít trở nên độc tài khi bị xã hội dân sự từ khước, cũng như chế độ vô sản Liên Sô là độc tài vì không tạo được một xã hội dân sự tương ứng làm điểm tựa.

Khi phân tích các xã hội dân sự, cả Gramsci lẫn Althusser, một người tiếp nối công trình của Gramsci, đều coi tôn giáo là một xã hội dân sự quan trọng nhất, trên cả giáo dục, truyền thông... Chữ những người trí thức (intellectuels) mà ông đề cao, và một số người giải thích theo nghĩa hẹp, thật ra bao hàm một ý nghĩa rộng nhất của từ đó, gồm cả giai cấo giáo sĩ, lãnh tụ nghiệp đoàn, đảng phái, đại học... Vì thế nếu bắt phải hiểu trí thức chỉ là giới học giả hay, hẹp hơn nữa, chỉ là giới chuyên gia đại học không thôi thì e rằng không phản ảnh trung thực ý của tác giả. Chúng tôi gọi tôn giáo là một xã hội dân sự đặc biệt không những vì tính cách phổ quát của “hiện tượng tôn giáo”, mức độ chung thuỷ của con người đối với tôn giáo, mà điểm chính là bản chất nhị nguyên của tôn giáo và, từ đó, vị trí đặc biệt của tôn giáo trong liên hệ với các xã hội dân sự khác cũng như với xã hội chính trị. Nếu có thể kẽ được một sơ đồ, một bên là xã hội chính trị và bên kia là xã hội dân sự tôn giáo, thì khoảng giữa là những xã hội dân sự khác có những đặc tính cả hai cực. Chẳng hạn cơ chế giáo dục, văn nghệ... và cả kinh tế nữa. Kinh tế chịu ảnh hưởng của khu vực chính trị là một điều ai cũng nhận ra, vì vậy mới có kinh tế - chính trị học; nhưng kinh tế lại cũng hệ lụy với tôn giáo nữa, như nhà xã hội học Weber đã chứng minh khi nói về vai trò của đạo Tinh lành trên nền kinh tế tư bản.

Điểm đặc biệt chính của xã hội dân sự tôn giáo là tính cách nhị nguyên của tôn giáo. Tôn giáo là một niềm tin; dù có những tôn giáo được gọi là đạo của minh triết (religion de sagesse) đi nữa thì nguồn gốc của mọi tôn giáo là khát vọng đi tìm sự giải thoát ở một nơi khác, ngoài cõi đời nầy. Mọi xã hội dân sự khác cũng như xã hội chính trị đều nhằm giải quyết chuyện thế gian. Tôn giáo là một định chế đặc biệt đứng dạng chân trên hai lãnh vực, và trong lãnh vực trần thế, tôn giáo lại thẩm nhập hầu hết mọi phạm vi sinh hoạt.

Với khái niệm về sơ đồ trên, mối tương quan tác động giữa xã hội dân sự tôn giáo và xã hội chính trị, ở hai cực của sơ đồ, nên thông qua những định chế trung gian. Việc chính trị can thiệp trực tiếp đến tôn giáo hay, ngược lại, tôn giáo nhảy xổm vào chính trị với những phương tiện và cung cách của một thế lực chính trị là những hiện tượng bất bình thường.

Với nguyên tắc đề nghị, phần sau đây sẽ tập chú vào vai trò tôn giáo trong xã hội Việt Nam.

***

Tôn giáo và thế sự tại Việt Nam

Có một điều khá nghịch lý là hầu như mọi người đều nhận thức được rằng tôn giáo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đổi thay thế sự tại Việt Nam, nhưng khi đề cập thẳng vấn đề thì nhiều người lại ngại ngùng. Thái độ đó có lẽ phát sinh một phần từ những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ khi nhiều thế lực chính trị khống chế tôn giáo, phần khác là do tính cách đa phức của nhiều tôn giáo tại Việt Nam.

Thực thế, khác với nhiều quốc gia trên thế giới ở đó lý lịch tôn giáo khá đồng nhất, và ảnh hưởng của một tôn giáo cá biệt có tính quyết định trong vận hành lịch sử của dân tộc đó, Việt Nam có nhiều tôn giáo khác nhau. Trong tác động giao lưu văn hóa suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đón nhận nhiều tôn giáo từ ngoài vào, cộng với đạo thờ cúng tổ tiên vốn có, đó là: Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo nói chung; thêm vào đó, với tinh thần tổng hợp và sáng tạo, người Việt có thêm Phật giáo Hòa Hảo, một hình thức thích nghi hóa Phật giáo với hoàn cảnh Việt Nam, và Cao Đài giáo, một sáng tạo có tính tổng hợp nhiều tôn giáo khác nhau. Tùy giai đoạn lịch sử mà một tôn giáo cá biệt đã phát triển trội vượt hơn các tôn giáo khác, có nhiều tín đồ và ghi dấu ảnh hưởng sâu đậm trong các sinh hoạt xã hội. Đạo Phật hưng thịnh vào triều đại nhà Lý và nhà Trần, nhưng qua thời nhà Nguyễn thì Khổng giáo lại phục hồi và chi phối cuộc sống ngoài dân gian cũng như trong chốn cung đình. Kitô giáo, chủ yếu là Công giáo, tuy mới được du nhập vào trên dưới 400 năm trở lại, số lượng tín đồ chỉ vào khoảng 10% dân số, nhưng cũng đã tạo được một chỗ đứng vững chãi trong lòng dân tộc.

Các tôn giáo Việt Nam tuy đa phức xét như là những định chế xã hội, nhưng lại đồng quy trong tác động tích cực lên sinh hoạt xã hội. Và xã hội chính trị Việt Nam, bất cứ thời buổi nào, cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm của những giá trị tôn giáo. Dù dưới thời quân chủ, khi quyền uy của nhà vua được coi như tuyệt đối, thì thế lực của tôn giáo, tuy không hoàn toàn độc lập, vẫn được nễ trọng. Cũng như các chế độ quân chủ xưa, vua coi mình là Thiên tử, là kẻ duy nhất thay mặt bá tánh tế lễ Trời Đất, như hình thức Tế Nam Giao; tuy nhiên không phải vì thế mà vua là giáo chủ; và cũng không phải vì thế mà quan lại trở thành tu sĩ hay ngược lại. Vua có thể yểm trợ việc xây cất chùa chiền, in ấn kinh sách, nhưng công đường không phải là nhà chùa và nhà chùa cũng không biến thành công đường. Nói cách khác, quan niệm về vai trò trung gian giữa Trời và dân của nhà vua là một dấu vết của chặng đường tiến hóa trong nhận thức về chính trị của nhiều dân tộc, nhưng từ đó để biến thành một chế độ thần quyền như trường hợp một số xứ Âu châu thời Trung Cổ hay Iran, Tây Tạng... ngày nay là một điều đã không xảy ra trong lịch sử Việt Nam.

Trong dân gian có thể có những câu ca dao, tục ngữ nhằm châm biếm, chế nhạo một tu sĩ nào đó bất xứng; nhưng hiện tượng đó không mãy may nói lên sự bất kính đối với một tôn giáo nào. Trái lại, điều đó còn nói rõ hơn kỳ vọng của xã hội vào tính cách toàn hảo của tôn giáo như là những giá trị dẫn đạo. Mà quả thực, các tôn giáo Việt Nam đã là những giá trị dẫn đạo, có ảnh hưởng quyết định trên các định chế xã hội nói chung, và xã hội chính trị nói riêng, cho dân tộc Việt Nam. Đạo Thờ Cúng Ông Bà đã giúp bảo vệ định chế gia đình, un đúc lòng hiếu thảo với cha mẹ, lòng biết ơn với tiên nhân, từ đó phát sinh tình nghĩa đồng bào, lòng yêu quê hương. Khổng giáo, ngoài những giá trị tinh thần nêu trên, còn là điểm tựa của một trật tự xã hội, kể cả trật tự xã hội chính trị, gần trọn chiều dài lịch sử dân tộc. Lão giáo và Phật giáo, xét theo một nhãn quan giới hạn, là con đường xuất thế, xa lìa pháp thế gian, coi chính trị là trò đùa của vô minh, phiền não; nhưng kỳ thực tự căn sâu xa đó là một cuộc cách mạng triệt để cho tự do, cho bình đẳng, hầu giải thoát không những cá nhân mà còn cho toàn xã hội. Kitô giáo đến để thêm vào kho tàng tinh thần đó của dân tộc những giá trị mới về công lý, tự do, bác ái, phẩm giá con người.

Một cách tổng quan thì dù đó là lòng nhân, từ bi hỷ xã hay bác ái, tất cả đều đồng quy trong mục đích cải thiện mối tương quan xã hội con người. Đó là những giá trị giềng mối nối kết toàn dân trong những giai đoạn đen tối nhất cũng như những thời điểm vẻ vang nhất. Trong sinh hoạt thường nhật, những giá trị tôn giáo luôn liên lĩ tác động, ăn sâu vào tiềm thức đến nỗi những giáo huấn nầy đã trở thành những mệnh lệnh hiển nhiên của lương tâm dân tộc và lắm lúc mất màu sắc tôn giáo; nghĩa là dù không theo một tôn giáo cá biệt nào, người Việt Nam cũng trân trọng những giá trị nầy. Đây hẳn nhiên không phải là những giá trị “nhân bản” phi tôn giáo của một xã hội thế tục hóa theo chiều ngang, nhưng lại có nguồn gốc từ niềm tin tưởng sâu xa vào một Tối Hậu ngoài tầm nhận thức của trí năng con người. Con người Việt Nam vốn dĩ là con người tôn giáo, vì thế xã hội Việt Nam xưa nay, trong bất cứ lãnh vực sinh hoạt nào, đặc biệt trong sinh hoạt chính trị, cũng lấy những giá trị tôn giáo để làm mẫu mực đo lường. Chính trị, theo nghĩa lý tưởng của cha ông ta, là lấy “Đạo” mà trị dân.

Ảnh hưởng của tôn giáo trên sinh hoạt xã hội lại có thể “sờ mó” được qua những hoạt động của tôn giáo như là những định chế xã hội. Chùa, nhà thờ, thánh thất là những trung tâm văn hóa, tương trợ, cứu tế của người dân. Các tôn giáo Việt Nam đã cung cấp bao nhân tài cho đất nước, trong đó có những tên tuổi không thể tách rời những thăng trầm của lịch sử dân tộc, như thiền sư Vạn Hạnh, Nguyễn trường Tộ, Huỳnh Phú sổ...

Có thể nói là trong xã hội Việt nam xưa nay, tôn giáo là xã hội dân sự trội vượt hơn hẳn mọi xã hội dân sự khác, cho dù trong cách xếp loại sĩ, nông, công, thương không thấy nói đến tôn giáo. Điều đó cho thấy rằng, khác với một số xã hội trong đó tôn giáo được định chế hóa chặt chẽ đến độ có thể trở thành một sức mạnh có tính cách tương tranh với xã hội chính trị, tôn giáo tại Việt Nam thực sự là một nền tảng văn hóa có tính quyết định cho sự hình thành hay tồn tại của xã hội chính trị. Nói như thế cũng hàm ý rằng đã có những mâu thuẩn giữa một chế độ chính trị và xã hội dân sự tôn giáo vào những thời điểm lịch sử nào đó. Lịch sử đã ghi lại việc bạo vương thỏa thích trước cảnh rọc mía trên đầu sư hoặc ra lệnh xử tử hàng chục ngàn thần dân mình chỉ vì họ không chịu từ bỏ niềm tin tôn giáo của họ. Đó là những sự kiện lịch sử, tuy nhiên những mâu thuẩn nầy chỉ là những mâu thuẩn cá biệt đối với những tôn giáo cá biệt phát sinh do tính khí bất thường của kẻ cầm quyền lực chính trị hoặc do những ngộ nhận bởi hoàn cảnh lịch sử.

Khác với những mâu thuẩn trước đây, tính cách bất tương dung giữa quyền lực chính trị và tôn giáo ngày nay tại Việt Nam mang một tính chất phổ quát, nghĩa là đối với tôn giáo nói chung, và phát sinh từ ý hệ vô thần của đảng cầm quyền. Từ ngày nắm được quyền lực chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp dụng chính sách đàn áp tôn giáo một cách quy mô với mục đích loại trừ ảnh hưởng của xã hội dân sự nầy. Một tài liệu mới đây của Nguyễn Hộ, một đảng viên cộng sản cao cấp, đã phơi bày những cuộc tàn sát tập thể những tín đồ Cao Đài giáo, những âm mưu đàn áp Thiên Chúa giáo, Phật giáo... (7). Trong giai đoạn quá độ, nghĩa là chưa có thể xóa bỏ được tôn giáo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm mọi cách để chi phối, can thiệp, hướng sinh hoạt tôn giáo theo mục đích và nhu cầu của họ, và làm suy yếu mọi cơ cấu của định chế nầy. Sách lược chính được áp dụng là chia để trị. Tạo mối nghi ngờ giữa các tôn giáo bằng cách ban phát những “quyền lợi” bất cân xứng. Trong từng tôn giáo một, Đảng Cộng sản đã dựng nên những tổ chức “giáo hội quốc doanh” qua các Uỷ ban Công giáo, Phật Giáo Yêu Nước... mà mục đích là để kiểm soát chặt chẽ hơn các sinh hoạt tôn giáo, bảo đảm sự tùng phục của tôn giáo đối với chính sách của Đảng, đồng thời làm suy yếu tổ chức của những tôn giáo “đích thực”.

Gần đây, sau việc sụp đổ của hầu hết các chế độ cộng sản trên thế giới, để một mặt lấy lòng dư luận thế giới, một mặt để mua thời gian trong chiến thuật lùi một bước tiến ba bước của họ, chính quyền cộng sản Việt Nam xem ra uyển chuyển hơn trong chủ trương triệt hạ tôn giáo nầy. Tuy nhiên thực chất của thái độ đó, nói như nhà văn Phạm Xuân Đài, chỉ là: “Sở dĩ tao cho mầy sống chỉ vì tao chưa giết được mầy mà thôi.” (8). Đây chắc hẳn không phải là một nhận xét chủ quan, mà chính là một hệ luận tất yếu của một chọn lựa: hoặc ôm giữ chủ nghĩa cộng sản thì không thể dung tha tôn giáo, ngược lại thì đã từ bỏ chuyên chính vô sản. Mà cho đến nay, không hề có dấu hiệu gì, từ những lời tuyên bố chính thức của cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng đến việc làm của nhà cầm quyền chứng minh được rằng họ có ý định từ bỏ giáo điều Mác Lê.

Trong hoàn cảnh như thế, tôn giáo Việt Nam có thể làm được gì và nên làm gì? Việc đề nghị một câu trả lời cho vấn nạn nầy - cũng như những vấn nạn khác được đặt ra trong những lãnh vực khác của hoàn cảnh Việt Nam - có thể dễ trình bày hơn nếu hình dung hai giai đoạn sẽ xảy ra: Hoàn cảnh hiện nay, nghĩa là trong lúc chế độ cộng sản vẫn còn thống trị; và giai đoạn tiếp theo, khi chế độ cộng sản sụp đổ hoặc biến chất.

***

Tôn giáo Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay: Đối kháng điều ác

Cái mâu thuẫn lớn nhất hiện nay trong xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa một nhà nước vô thần toàn trị và tâm thức tôn giáo của tuyệt đại đa số dân chúng; giữa một xã hội dân sự hữu thần và xã hội chính trị tìm mọi cách chính trị hóa tôn giáo. Trước khi chế độ cộng sản được áp đặt lên xã hội Việt Nam, xã hội đó vốn thấm nhuần niềm tin tôn giáo; vì thế cái mâu thuẫn sâu xa nhất, lớn lao nhất, thường trực nhất giữa chủ nghĩa cộng sản và xã hội Việt Nam nằm ở điểm nầy. Đó chính là nguy cơ của chế độ và đó cũng là cơ may cho dân tộc Việt Nam.

Trong cố gắng giải trừ chế độ cộng sản đã có nhiều kế sách được đề nghị và áp dụng. Phương thức võ trang bạo lực càng ngày càng mất đi sức hấp dẫn; một mặt vì hệ quả xương máu quá lớn lao, mặt khác đây không phải là ưu thế của người không cộng sản trong hoàn cảnh hiện nay. Trong thời gian gần đây dư luận nói nhiều về con đường giải cộng qua những biện pháp kinh tế. Người đề xuất cũng như kẻ tán dương giải pháp nầy tin tưởng rằng với quy luật kinh tế thị trường, với tài vật phong phú, chế độ cộng sản sẽ dần hồi mất hết khả năng thuyết phục và sẽ cáo chung hoặc biến thể.

Không ai phủ nhận được một phần sự thực là những đổi thay kinh tế -- và bất cứ đổi thay trong lãnh vực nào, vì xã hội là một bộ máy hửu cơ -- có tác động lên sinh hoạt chính trị. Tuy nhiên đây chỉ là một phần sự thực, bởi vì những đổi thay kinh tế không thôi chưa phải là điều kiện đủ để đổi thay một chế độ chính trị độc tài thành dân chủ hay ngược lại. Đặc biệt đối với chế độ cộng sản, họ không cai trị bằng con đường thuyết phục thì chắc chắn họ không nhân nhượng bởi sức thuyết phục, cho dù nguồn gốc của sức thuyết phục đó là những sự kiện kinh tế. Dù chống chủ nghĩa Marx, những kẻ chủ trương xoay chuyển chính trị duy bằng kinh tế lại gần gũi với lý luận mác-xít hơn ai hết, ít nhất ở điểm nầy. Trước đây Marx và Engels quả quyết rằng những điều kiện kinh tế tư bản của những quốc gia kỹ nghệ thời bấy giờ, đặc biệt là Anh quốc, có khả năng đưa đến cách mạng xã hội chủ nghĩa hơn hết. Điều mà Marx và Engels tiên đoán đã không xảy ra. Cách mạng vô sản đầu tiên đã bùng nổ và thành công tại Nga, một quốc gia có mức độ kỹ nghệ hóa thấp, đại bộ phận kinh tế là nông nghiệp.

Yếu tố chính nào đưa đến biến cố chính trị đó nếu không phải là ý lực chính trị của người Bolshevik? Trong bộ ba tác phẩm bàn về tương quan giữa kinh tế và chính trị, Raymond Aron đã chứng minh tính ưu thế của chính trị đối với kinh tế (9). Ở đây chúng tôi không lặp lại những luận cứ của tác giả, nhưng chỉ muốn lưu ý và nhấn mạnh rằng ý lực chính trị có sức quyết định hơn kinh tế trong việc thay đổi chiều hướng chính trị. Xác quyết nầy không những chỉ phù hợp với những xã hội kỹ nghệ tân tiến như R. Aron đã phân tích, nhưng xem ra còn kiểm chứng được trong hoàn cảnh một nước kém phát triển như Việt Nam ngày nay.

Trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau biến cố Đông Âu 1989, Đảng Cộng Sản Việt Nam lại chủ trương đổi mới kinh tế. Võ Chí Công đã tuyên bố sau phiên họp Bộ Chính Trị ngày 3.12.89 nhằm nhận định về tình hình Đông Âu: “Trước hết tập trung đổi mới kinh tế, từng bước đổi mới vững chắc về chính trị”. Dĩ nhiên không ai ngây thơ tin rằng đổi mới chính trị, theo ý Võ Chí Công, là buông thả quyền lực chính trị. Tình trạng “phồn vinh giả tạo” trong một sinh hoạt kinh tế “thị trường hổn loạn” một bên, và bên kia là việc Đảng Cộng Sản cầm chịch quyền lực chính trị hiện nay tại Việt Nam biểu lộ một điều là: Thay đổi kinh tế để phục vụ quyền lợi chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam thì gần với sự thật hơn là đổi thay kinh tế có thể “thuyết phục” người cộng sản tử bỏ quyền hành -- một điều kiện tất yếu để có tự do thực sự.

Việc phân tích trên cho thấy rằng trong hoàn cảnh Việt Nam ngày nay, những biện pháp kinh tế do nhà nước chủ động chỉ có khả năng trì hoản tiến trình giải cộng, nhất là khi những biện pháp đó lại phù hợp với lòng tham vô đáy của những thế lực kinh tế quốc tế. Điều đó còn cho thấy thêm là chỉ qua mâu thuẫn đồng loại mới mong có cách mạng, có đổi thay thực sự. Cái mâu thuẫn đồng loại đó chính là ý lực thống trị toàn thể xã hội của Đảng Cộng Sản Việt Nam và khát vọng tự do của người dân được thể hiện qua việc tổ chức và sinh hoạt của các xã hội dân sự.

Các tôn giáo Việt Nam hội đủ những yếu tố mạnh tạo mâu thuẫn để đổi thay: Trước hết, như đã nói ở trên, giữa căn bản ý hệ vô thần của chế độ và tâm thức tôn giáo đã là một mâu thuẫn không hóa giải được; thứ đến đại đa số quần chúng Việt Nam là tín đồ của các tôn giáo nói chung; lại nữa, ngoài hệ thống quyền lực của Đảng cầm quyền, các tôn giáo là những tổ chức thực sự có tầm vóc quốc gia xét về mặt địa dư cũng như dân cư.

Kinh nghiệm các quốc gia vừa thoát khỏi chế độ cộng sản cho thấy vai trò quan trọng của tôn giáo trong việc đề kháng nầy. Sau hơn 70 năm đàn áp tôn giáo và nhồi sọ chủ nghĩa vô thần tại Liên sô, và gần 50 năm tại các quốc gia Đông Âu, tôn giáo vẫn tồn tại. Và hơn thế nữa, không phải vì động lực thuần kinh tế hoặc ý thức dân chủ mà người dân đã can cường đứng lên thách thức với bạo lực vũ trang của nhà nước; nhưng sâu thẳm hơn, thường trực hơn chính là khát vọng muôn thuở của con người về công lý, tự do. Cuộc đấu tranh của Công Đoàn Đoàn Kết đã thành công vì máu của linh mục tuyên uý Popieluszko đã đổ ra tưới thắm đất nước Ba Lan. Ở Lỗ Ma Ni, biến cố đầu tiên khởi động việc sụp đổ chế độ Ceausescu đã bộc phát khi hàng ngàn người tụ tập bảo vệ giáo sĩ Laszlo Tokes chống lại lực lượng an ninh chính trị Securitate. Sức mạnh tinh thần của cố Hồng Y Giáo chủ Mindszenty là ngọn đuốc soi đường cho nhân dân Hung Gia Lợi trong công cuộc đề kháng chống lại chế độ cộng sản. Đó cũng là triường hợp của Đức Dạt La Đạt Ma đối với dân tộc Tây Tạng...

Chính cựu Chủ tịch Nhà nước kiêm Tổng Bí thư Cộng Đảng Liên Sô Gorbachev đã đánh giá sức mạnh của tôn giáo qua bài báo viết về vai trò của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và qua Ngài là của tôn giáo nói chung, trong việc sụp đổ của chế độ cộng sản:

“... diễn trình giải phóng mang một ý nghĩa tinh thần lớn lao cho công dân chúng tôi, cả người có tín ngưỡng lẫn người không tín ngưỡng. Tôi tin chắc rằng việc làm của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có một ý nghĩa vô cùng lớn lao...

Lúc nầy tất cả những gì có thể giúp củng cố ý thức và tinh thần con người lại có một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết...”
(10)

Trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay, vai trò đối kháng của tôn giáo có một ưu thế đặc biệt khi mà những phương cách chuyển đổi khác tỏ ra không đủ sức đáp ứng được. Ưu thế trước tiên, như Gorbachev đã nói, chính vì tôn giáo là nguồn mạch của cuộc sống tâm linh con người. Mọi khát vọng về nhân phẩm, nhân quyền, tự do thực sự đều bắt nguồn từ ý thức về chiều kích linh thánh của con người trong tôn giáo.

Không những là nguồn chất liệu nuôi dưỡng việc đối kháng lại chế độ toàn trị công sản, các tôn giáo còn cung cấp cho cuộc đấu tranh đó những phương cách thích hợp trong hoàn cảnh của đất nước hôm nay. Khẳng định rằng súng đạn không còn nên được coi là giải pháp chuyển giao quyền hành có thể làm nhiều người buồn lòng; cũng như vạch trần giải pháp thuần kinh tế có thể chỉ làm lợi cho chế độ sẽ khiến một số chuyên gia “thức thời” khó chịu. Tuy nhiên kinh nghiệm đấu tranh trường kỳ với cộng sản, đặc biệt 20 năm qua, cũng đủ thấm thía để bắt buộc chúng ta phải giải trừ những ảo tưởng, sáng suốt thâu nhận những bài học từ những quốc gia khác.

Từ những biến cố dồn dập chôn vùi các chế độ cộng sản gần đây phát sinh một từ ngữ mới thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn: cách mạng nhung, để nói lên đặc tính tương phản giữa hai đường lối cách mạng: cách mạng đỏ, tức là cách mạng vô sản, cách mạng bằng bạo lực, xương máu, và cách mạng qua các xã hội dân sự. Từ ngữ nầy lại gắn liền với một tên tuổi mang màu sắc triết gia hơn là nhà chính trị, và lại càng không dính dấp gì đến súng đạn: Vaclav Havel và phương thức đấu tranh bất bạo động của ông.

Ở đây thiết nghĩ cũng cần mở một dấu ngoặc để phân biệt cách mạng qua các xã hội dân sự với một khái niệm có ít nhiều liên hệ và cũng được nói đến nhiều ở trong cũng như ngoài nước, đó là cụm từ “diễn tiến hoà bình” - có người gọi là diễn biến - . Hình như cụm từ nầy được cơ quan tuyên truyền của chế độ dùng trước tiên để cảnh giác đảng viên, cán bộ về âm mưu lật đổ chế độ bằng chính công cụ của chế độ. Diễn tiến hòa bình có nguồn gốc xa từ lãnh tụ cộng đảng Liên sô là Gorbachev với chính sách Glastnoss (trong lọc hóa) và Perestroika (tái cấu trúc) mà kỳ cùng đã đưa đến việc sụp đổ Cộng Đảng cũng như Liên bang Sô viết. Diễn tiến hòa bình, như thế, trước tiên là một tác động từ phía quyền lực chính trị, cho dù họ có kiểm soát được quá trình tác động đó hay không. Cách mạng qua các xã hội dân sự, trái lại, là một cuộc cách mạng, nghĩa là một sự đề kháng xuất phát từ người bị trị. Bởi nguồn gốc khác nhau đó, cho nên mặc dù rất có thể cả hai cùng dẫn đến những kết cuộc như nhau, đó vẫn là hai tác động không thể lẫn lộn được.

Việc giải trừ chế độ cộng sản Việt Nam, trong hoàn cảnh hôm nay, chỉ có thể thực hiện được bằng con đường cách mạng nầy, trừ phi có một phép lạ nào đó khiến người cộng sản “vui vẻ” từ bỏ chính quyền. Và trong cuộc cách mạng của các xã hội dân sự nầy, các tôn giáo thể hiện được vai trò của mình qua chức năng đề kháng.

Xuyên qua các cuộc đấu tranh bất bạo động trong lịch sử hiện đại, từ cuộc đấu tranh dành độc lập của Thánh Ghandi tại Ấn Độ đến việc vùng dậy của nhân dân Phi Luật Tân chống lại nhà độc tài Marcos, hay việc lật đổ các chế độ cộng sản ở một số nước Đông Âu... người ta thấy rõ hai điều: tính cách hữu hiệu của phương thức đấu tranh bất bạo động và điểm tựa tôn giáo của phương thức nầy. Trong các quốc gia mà tôn giáo được định chế hóa chặt chẻ, lý lịch tôn giáo khá đồng nhất, ảnh hưởng của tôn giáo trong việc tổ chức đối kháng bất bạo động rất dễ nhận ra, như trường hợp Phi Luật Tân, Nicaragua, Ba Lan hay Tây Tạng... Trong những trường hợp khác, chính qua tinh thần tôn giáo nói chung mà việc đề kháng bất bạo động tìm được nguồn hứng khởi và sự kiên trì. Ở đây tôn giáo là tiếng nói lương tâm trước bạo quyền, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh trước những quá lạm của bạo lực bất cứ từ đâu tới. Lương tâm là sự nhận thức phải-trái của mỗi cá nhân dựa trên tiêu chuẩn chủ quan của mỗi người do sinh thành hoặc sở đắc. Lương tâm tôn giáo lại dựa trên những tiêu chuẩn phổ quát và bền chặt hơn: là tín điều, là giáo thuyết của cả một truyền thống tâm linh; vì thế trong khả thể biến thành hành động, lương tâm tôn giáo chính là sức mạnh của cả tập thể.

Suốt hơn 40 năm dưới chế độ cộng sản toàn trị ở miền Bắc Việt Nam và đặc biệt là gần 20 năm trên toàn cả nước, tuy chưa thành công trong chức năng đề kháng, các tôn giáo Việt Nam đã tạo được niềm tin rằng kỳ cùng tôn giáo là sức mạnh còn lại có thể giải trừ được quốc nạn cộng sản. Những tiếng nói thẳng thắn nhất, can cường nhất và cũng mang nhiều sức mạnh nhất chính là những tiếng nói nhân danh tôn giáo. Từ những lời phát biểu của cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền, Thượng Tọa Quảng Độ, Thượng Tọa Huyền Quang đến những bài viết, bài giảng của Linh mục Chân Tính, Linh mục Nguyễn văn Lý cũng như thái độ hiên ngang, bất khuất của nhiều chức sắc đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tinh Lành trong các trại tù, phòng thẩm vấn đã chuyển đi một niềm hy vọng mới cho dân tộc. Cuộc cách mạng thực sự để giải trừ chế độ cộng sản đã khởi đi từ đó.

Tôn giáo Việt Nam trong hoàn cảnh mới: Hòa giải và xây dựng

Dù được chấm dứt bằng một giải pháp quân sự hay một giải pháp chính trị thì cuộc tranh chấp nào cũng tồn đọng những mâu thuẫn: mâu thuẫn đưa đến tranh chấp và những mâu thuẫn do quá trình va chạm tạo nên. Chế độ cộng sản toàn trị tại Việt Nam rồi sẽ có ngày cáo chung, nhưng xã hội Việt Nam sẽ phải đương đầu với vô vàn mâu thuẫn do bản chất toàn diện của cuộc chiến và những hệ lụy nặng nề do quá trình thống trị lâu dài của chế độ cộng sản.

Dù có yếu tố ngoại nhân gián tiếp và trực tiếp liên hệ đến cuộc chiến Việt Nam thì cũng không vì thế mà đơn giản cho rằng đó chỉ là một “cuộc chiến ủy nhiệm”, và khi chiến tranh kết thúc thì hai phe có thể ôm nhau như những tên lính đánh thuê không người mướn. Những người đã hy sinh trong cuộc chiến nầy, cả hai phía, không nhiều thì ít cũng đã ấp ủ những lý tưởng của họ. Đó là một thực tế phải kính trọng đối với những người đã đi vào lịch sử, và phải tìm cách giải quyết đối với kẻ còn sống sót. Mâu thuẫn ý hệ càng rõ nét hơn khi trùng hợp với những yếu tố khác nữa như sự khác biệt thế hệ, Nam Bắc... Ngoài ra với chính sách chia để trị của cộng sản suốt thời gian cầm quyền, xã hội Việt Nam thời hậu cộng sản sẽ chứng kiến một tình trạng nghi kỵ và tranh chấp gay gắt, mà nếu không kiểm soát được, có thế đẩy đưa vận nước đến bờ vực thẳm, khủng hoảng, hao tổn sinh lực, thời giờ và cơ may phục hồi.

Trong hoàn cảnh như thế ai có thể đảm đương được vai trò hóa giải những nghi kỵ và hận thù một cách hữu hiệu nếu không phải là tôn giáo. Tôn giáo có thể làm được điều nầy bởi đó chính là đặc tính và chức năng của tôn giáo. Bất kỳ giáo thuyết nào cũng xiển dương hòa bình và tha thứ. Hòa giải dân tộc như thế là một sứ mạng đặc loại của các tôn giáo. Mọi tổ chức xã hội không nhiều thì ít đều bám lấy những lợi lộc trần thế, trong lúc tiếng nói của tôn giáo vượt lên trên những toan tính hơn thiệt thường gây nghi kỵ và tranh chấp; nhờ thế tôn giáo có thể đóng được vai trò trung gian và tác nhân tạo được sự đồng thuận lâu dài. Ngoài sứ mạng hòa giải dân tộc, tôn giáo còn có thể là nhân tố tích cực trong việc kiến thiết lại quê hương. Có nhiều lối suy nghĩ giản đơn rằng để xây dựng lại đất nước tiên quyết phải có tiền của, kỹ thuật. Kinh nghiệm các quốc gia vừa thoát khỏi chế độ cộng sản chứng minh ngược lại rằng không phải thị trường tự do, cũng chẳng phải dân chủ đa đảng là đòi hỏi cơ bản cho việc phục hồi lại đất nước. Văn hào Solshenitsyn, trong tác phẩm “Xây dựng lại nước Nga”, đã viết: “Một thân cây với lõi mục không thể đứng vững được”, hôm 28 tháng 10 năm rồi, lần đầu tiên xuất hiện trước Quốc hội Nga sau hơn 20 năm sống lưu vong, đã làm sửng sốt hội trường với phong cách và lời lẽ giận dữ của một Môi-sen trước đoàn dân Do Thái đang mải mê phủ phục trước tượng bò vàng: “Chúng ta chỉ nghe nói kinh tế, kinh tế, kinh tế... thị trường sẽ không thể giải quyết vấn đề của ... đạo đức.” (11)

Nhu cầu cũng như cái khó khăn trong việc xây dựng lại một nền đạo lý cho đất nước Nga cũng chính là trở ngại mà những xã hội hậu cộng sản khác đang gặp phải. Tổng Thống Havel, trong một bài diễn văn tại đại học Stanford năm rồi, cũng đã đề nghị một cách nhìn khác về dân chủ. Ông nói:

“Dân chủ phải canh tân lòng tôn kính của nó đối với trật tự phi vật chất không những ở trên ta mà còn ở trong ta và giữa chúng ta, và trật tự đó là nguồn suối khả thể và đáng tin cậy duy nhất cho sự kính trọng của con người đối với chính mình, đối với tha nhân, đối với trật tự thiên nhiên, đối với trật tự nhân loại, và như thế cũng đối với quyền uy trần thế nữa.

Nguồn suối của những khả thể căn bản của con người hệ tại ở nơi khác: ở tại mối tương quan giữa con người với điều siêu vượt nó... dân chủ phải thấm nhuần tinh thần tôn kính nầy nếu muốn có cơ may thành công...”
(12)

Vấn đề đạo lý suy đồi làm tê liệt toàn bộ cơ cấu xã hội là một hiện tượng chung của xã hội ngày nay. Giáo chủ Gioan Phaolô II, trong thông điệp “Hào Quang Chân Lý” năm rồi, gọi đó là cuộc khủng hoảng đạo lý. Tuy nhiên việc nêu lên kinh nghiệm của những xã hội vừa thoát khỏi chế độ cộng sản nhằm làm nổi bật sự tương đồng giữa hoàn cảnh xã hội đó với xã hội Việt Nam. Đó là một xã hội băng hoại từ cơ cấo đến những tế bào đơn lẽ do chính chủ nghĩa vô thần của chế độ tạo nên, cũng như bởi những quan niệm lệch lạc, vội vàng về tiến bộ, dân chủ, tự do... thời kỳ hậu cộng sản mang lại.

Du nhập vội vàng những hình thức dân chủ Âu Mỹ hay mải mê với bước nhảy vọt kinh tế mà quên đi rằng chính đạo lý mới là viên gạch góc của mọi công trình xây dựng là một lầm lẫn tai hại. Viên gạch góc đó chính là sứ mạng đem đạo lý vào xã hội của các tôn giáo Việt Nam.

Ngoài vai trò đạo đức hóa con người và xã hội, một điều kiện tiên quyết của việc phát triển toàn diện, tôn giáo Việt Nam, với tư cách là một xã hội dân sự với rất nhiều thuận lợi về tổ chức cũng như phương tiện, có thể và phải đảm nhiệm chức năng xây dựng khác phù hợp với đặc tính của mình. Đó là công tác giáo dục, cứu tế xã hội, y tế...

Trong các xã hội dân chủ Âu Mỹ, khuynh hướng ngày nay là nhà nước tự hạn chế vai trò của mình trong chức năng an ninh trật tự và trả lại cho xã hội dân sự phần còn lại của sinh hoạt xã hội. Đó là hướng phát triển phù hợp với lý tưởng tự do, sự quân bình xã hội và hiệu năng, có lợi lâu dài cho cả xã hội dân sự lẫn xã hội chính trị và dĩ nhiên là cho xã hội nói chung. Xã hội Việt Nam thời hậu cộng sản còn rất nhiều trở ngại để áp dụng ngay công thức đó. Trở ngại trước tiên là sự yếu kém và hiếm hoi của những xã hội dân sự do chính sách toàn trị của đảng cầm quyền trước đó; trở ngại thứ nữa là hoàn cảnh đặc biệt của một quốc gia mới bắt đầu kiến thiết lại thường có nhu cầu một quyền lực chính trị mạnh để tiến hành những kế hoạch quy mô, mạnh dạn, và đôi lúc để bảo đảm cho nhu cầu công bằng, ổn định xã hội, cho sự phát triển đồng đều giữa các khu vực sinh hoạt và địa dư. Tuy nhiên những khó khăn cụ thể và nhất thời nầy không nên được nêu lên như là lý do để coi thường và trì hoãn việc xây dựng những xã hội dân sự; bởi vì không ai và chẳng bao giờ có thể đạt đến điều mong ước nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ.

Lấy một thí dụ cụ thể: công tác giáo dục, một công tác có thể tạo tranh chấp giữa xã hội chính trị và xã hội dân sự, trong trường hợp nầy là tôn giáo. Dù ảnh hưởng của trào lưu thế tục hóa sâu đậm như thế nào chăng nữa thì chủ trương tách giáo dục ra khỏi tôn giáo đã không mấy thành công. Trường hợp tranh chấp trường tư trường công đã đưa đến việc sụp đổ của Chính phủ phe xã hội trong thập niên trước tại Pháp, hay ý định tu chính hiến pháp để tái lập giờ cầu nguyện ở trường công tại Hoa Kỳ sau khi đảng Cộng Hòa trở lại nắm đa số tại Quốc Hội ở Mỹ năm rồi là một bằng chứng. Tôn giáo vẫn đóng góp phần đáng kể vào lãnh vực giáo dục ngay tại những xã hội thế tục hóa hàng đầu.

Vậy vấn đề là làm thế nào để xây dựng những xã hội dân sự, trong đó có tôn giáo, để trong lý tưởng là xóa bỏ được xã hội chính trị, hay nói như lénine là làm sao để cho “Nhà nước tự tiêu vong”.

Để phục hoạt tôn giáo

Những kỳ vọng vào tôn giáo nói ở trên chỉ có thể trở thành hiện thực tùy theo cấp độ trưởng thành của tôn giáo tại Việt Nam. Có thể chẳng bao giờ tôn giáo đạt đến mảy may thành quả nào, cũng có thể một phần nào đó hay toàn thể mục tiêu được thực hiện. Phần lớn tùy thuộc ở mức độ hoàn chỉnh của tôn giáo.

Lấy lại ý niệm tôn giáo như là một xã hội dân sự đứng dạng chân trên hai phạm vi cuộc sống: Tâm linh và trần thế; có thể xét mức độ trưởng thành của tôn giáo qua ba mối tương quan: sinh hoạt tôn giáo trong việc hướng đến bản chất lý tưởng của mình; những tôn giáo cá biệt trong mối liên hệ với nhau; và việc xây dựng xã hội dân sự tôn giáo trong liên hệ với xã hội chính trị.

Đặt vấn đề lý tưởng và thực tế thì cũng hàm ý việc chấp nhận rằng trong hiện trạng tôn giáo tại Việt Nam còn phải tự hoàn chỉnh hơn nữa theo đúng lý tưởng của mình. Mục tiêu tối hậu của bất kỳ tôn giáo nào cũng là giải thoát và độ thế. Giải thoát là chiều kích hướng đến Tuyệt Đối Thể; độ thế là con đường nhập thế đưa Đạo vào đời. Những hình thái tổ chức xã hội, thần tượng trần gian nầy không là tuyệt đối. Tuyệt Đối ở vào một giai trật khác. Bao lâu tôn giáo còn tơ vương với những bào ảnh trần gian và lợi lộc nhất thời, bấy lâu tôn giáo còn xa vời Tuyệt Đối và xa vời bản chất đích thực của mình. Diểm đặc biệt và cũng là điều khó khăn của tôn giáo chính là “ở trong trần gian nhưng lại không lệ thuộc trần gian”. Trong sứ mạng cứu đời, tôn giáo bắt buộc phải lăn xả, nhập cuộc vào sinh hoạt trần thế nhưng luôn hướng về chân lý vĩnh cửa; một sơ sót xa lìa bản chất của mình là tai họa cho cả đạo lẫn đời. Nhờ thế tôn giáo mới đóng được vai trò lương tâm xã hội, là sứ ngôn của chân lý. Mọi thái độ a tòng với điều quấy, ngụy chân lý hay chân lý nửa vời, dù tích cực hay tiêu cực, đều rất xa bản chất của tôn giáo; vì như người ta thường nói: “nửa ổ bánh mì là bánh mì, nhưng nửa sự thật không phải là sự thật”.

Trong hoàn cảnh có nhiều tôn giáo cá biệt tại Việt Nam, một điều kiện khác, không kém phần quyết định, là các tôn giáo phải chứng tỏ được khả năng chung sống hòa bình với nhau. Để có thể là nhân tố của hòa bình, chính tôn giáo phải là hòa bình. Không thể nói đến hòa giải dân tộc nếu giữa các tôn giáo với nhau còn quá nhiều ngộ nhận, nghi kỵ và tranh chấp. Các tôn giáo là muối, là ánh sáng cho thế gian, nhưng nếu muối không đủ mặn, ánh sáng u mờ thì làm sao cải hóa được lòng người và xã hội. Việc hợp tác tôn giáo là con đường tất yếu để hòa giải dân tộc. Đây là một công tác phải thực hiện ngay trong giai đoạn còn đối kháng với sự ác, nếu không, tôn giáo sẽ chẳng bao giờ đảm đương được vai trò nầy, mà chỉ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự ác tồn tại.

Trước năm 1975, ở Miền Nam Việt Nam, và hiện nay ở hải ngoại, các tôn giáo Việt Nam đã ý thức nhu cầu đó và đã khởi đầu việc đối thoại và hợp tác. nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Cần nhiều thành tâm và thiện chí hơn nữa mới lấp được khoảng cách thành kiến vốn có. Những biểu lộ hình thức bên ngoài tuy cần thiết, tuy nhiên việc đối thoại và hợp tác phải phát đi từ ý thức sâu xa về mối đồng quy tối hậu của mọi linh đạo và lòng tương kính lẫn nhau. Thiếu sự am hiểu sâu xa và tình cảm nầy e rằng sẽ rơi vào hình thức chủ nghĩa. Trong công tác đối thoại và hợp tác nầy, các tôn giáo Việt Nam ở hải ngoại có cơ hội thuận tiện hơn trong nước, vì thế phải tu bồi ngay từ bây giờ để mai kia chuyển được tinh thần và thói quen đó về nước. Nếu thiếu sự cảm thông và lòng tương kính, thì thay vì là nhân tố của hòa bình, của hòa giải dân tộc, các tôn giáo Việt Nam sẽ là đầu mối của mọi tranh chấp tệ hại hơn bất kỳ mâu thuẫn nào. Mong thay điều bất hạnh đó không bao giờ xảy đến cho dân tộc Việt Nam.

Đòi hỏi chính yếu thứ ba để đo lường mức độ trưởng thành của tôn giáo là mối liên hệ với xã hội chính trị trong động lực và quá trình xây dựng. Trở lại khái niệm xã hội chính trị - xã hội dân sự, và tính ưu thế của xã hội dân sự theo Gramsci, chúng ta thấy các xã hội dân sự, trong đó tôn giáo là quan trọng nhất, định hình xã hội chính trị chứ không phải ngược lại. Mọi chế độ độc tài, trong đó có cộng sản, tìm cách tạo dựng hay chi phối xã hội dân sự đều gặp sức đề kháng và cuối cùng phải sụp đổ. Gramsci đưa ra lý thuyết nầy để một mặt bài bác đường lối chuyên chính kiểu Staline, mặt khác cổ võ các đảng cộng sản Tây Âu xâm nhập, ảnh hưởng, tạo ra những xã hội dân sự cộng sản trước khi nắm chính quyền. Đó là chuyện lý thuyết đặt ra cho các đảng cộng sản chưa nắm được chính quyền; và thực tế thì chưa bao giờ một đảng cộng sản có được một xã hội dân sự đủ mạnh để nắm lấy quyền lực chính trị một cách ôn hòa và vững chãi. Thực tế, trái lại, là qua sắt máu mà người cộng sản đã dành được chính quyền ở một vài nơi, trong đó có Việt Nam.

Tuy vậy, ý thức được tính ưu thế của xã hội dân sự, trên tổ chức chính quyền -- điều mà Althusser gọi là ảnh hưởng của những bộ máy ý hệ của Nhà Nước (appareils idéologiques d'Etat) trên bộ máy trấn áp của Nhà Nước (Appareil répressif d'Etat) -- nên bất kỳ chế độ cộng sản nào cũng tìm cách đẻ ra hay uốn nắn xã hội dân sự cho phù hợp với chính sách của họ. Tôn giáo trong chế độ cộng sản cũng không thoát ra ngoài chủ trương đó. Các tổ chức “giáo hội yêu nước” ở việt Nam ngày nay chỉ là sự mô phỏng lại những mẫu mực đã được áp dụng tại Liên Sô, Trung Cộng... Trong những trường hợp nầy, tôn giáo được xây dựng bởi quyền lực chính trị và phục vụ cho mục tiêu chính trị của nhà nước, đã mất hết mọi đặc tính cốt yếu của tôn giáo thực.

Điều đáng lưu tâm là kinh nghiệm của việc xây dựng tôn giáo dưới chế độ cộng sản cũng có khả năng được lặp lại trong bất kỳ một thể chế chính trị hậu cộng sản nào tại Việt Nam. Có thể điều đó sẽ được thực hiện một cách tinh vi hơn, nhưng kỳ cùng vẫn bởi toan tính chính trị và vì quyền lực chính trị. Tôn giáo muốn đóng được vai trò của một xã hội dân sự đặc biệt, là lương tâm chứ không phải là chủ nhân, mà cũng chẳng phải là kẻ phục dịch cho quyền lực chính trị, có thể góp phần tích cực theo cách thế của mình vào việc kiến thiết quê hương, phải được xây dựng từ khát vọng chân lý chứ không phải từ lợi lộc của một ai, của bất kỳ ý hệ nào.

Tóm lại, tôn giáo Việt nam phải và có thể đóng góp rất nhiều cho việc phục hưng đất nước. Sứ mạng đó có thể khởi sự ngay từ bây giờ và tiếp tục luôn mải. Tuy nhiên sứ mạng đó có thể thành công hay thất bại phần lớn tùy thuộc ở chính quan niệm và thái độ của các tôn giáo. Là người có tín ngưỡng, kẻ viết bài nầy xin nguyện cầu cho các tôn giáo Việt Nam ý thức được chức năng cao cả và khẩn thiết của mình, can đảm nhìn vào những sai sót quá khứ, mạnh dạn ngồi lại với nhau, tháo gỡ mọi hiểu lầm để từ đó chung tay góp sức cứu Đất Nước khỏi tình trạng điêu linh hiện nay và xây dựng một Việt Nam thanh bình hơn, hạnh phúc hơn.

 
 

California, tháng 2.95

Nguyễn Bá Tùng



Chú Thích
(1) Samuel P. Huntington, Sự đụng độ của các nền văn minh, bản dịch của Nguyễn tiến Văn, tạp chí Đối Thoại số 3/94, Hoa Kỳ, tr.173-96.
(2) Will and Daniel Durant, The lessons of history, Simon and Schuster, New York 1968, tr.43.
(3) Raymond Aron là người đầu tiên xử dụng từ ngữ nầy từ 1943, nhiều tác giả sau đó đã dùng lại mà không nêu xuất xứ. Xem Jacques Ellul, The new demons, bản dịch từ pháp ngữ, The Seabury Press, chương V: Secular religions, tr. 122-202.
(4) Người viết theo cách dịch của tác giả Phạm Hồng Lam trong bài “Islam và khuynh hướng bảo căn,” tập san Định Hướng, số 2.1993. Thông thường chữ radicalisme được dịch ra Việt ngữ là chủ nghĩa cấp tiến, chủ nghĩa quá khích... Thật sự trong tiếng Anh cũng có hàm ý tiêu cực; tuy nhiên người viết theo cách dịch nầy với mục đích tránh những tiền kiến không có lợi cho việc nghiên cứu.
(5) Người viết chỉ tìm hiểu Gramsci qua tác phẩm Gramsci et le bloc historique của Portelli, Paris, PUF, 1972.
(6) A. Gramsci, Note sul Machiavelli, Sulla Politica e sullo stato moderno, Turin, Einaudi, 1966. Trích lại từ Portelli, Ibid, tr.31.
(7) Nguyễn Hộ, Quan điểm và cuộc sống, Cơ sở Tin xuất bản, Paris, mùa xuân 1994.
(8) Phạm Xuân Đài, “Chùa là cái Thiện của làng,” trong tuyển tập Hà Nội trong mắt tôi, Thế Kỷ, USA, 1994, tr.183.
(9) Ba tác phẩm của R. Aron nhằm chứng minh vai trò trội yếu của chính trị là:
- Dix-huit lecons sur la société industrielle,
- La lutte des classes,
- Démocratie et Totalitarisme.
Trong tác phẩm thứ ba Aron đã khẳng định tóm tắt tư tưởng như sau: “Par rapport à l'homme, le politique est plus important que l'économie (...) l'organisation de l'autorité engage plus directement la facon de vivre que tout autre aspect de la société.” (Ấn bản 1965 của nhà Gallimard, tr. 33).
(10) Mikhail Gorbachev viết trên nhật báo La Stampa, chuyển qua Anh ngữ bởi Richard Lourie và đăng lại trên nhật báo Orange County Register, USA, ngày 9.3.92.
(11) Inga Saffron, “Angry Solzhenitsyn gives Parliament strong rebuke,” nhật báo Orange County Register, USA, ngày 29.10.94.
(12) Stephanie Salter, “Democracy can't be purchased,” nhật báo Orange County Register, USA, ngày 12.7.94.