Giây Khắc Và Mãi Mãi

Đọc lại Sự Bất Tử của Milan Kundera

 
 
 

Ðôi mắt mở bất động trong trạng thái ngủ-thức, nàng mơ hồ thấy mình đang ngơ ngác đứng ở góc một đại lộ nhộn nhịp của thành phố Paris hoa lệ. Từ xa phía cuối con đường, bóng một người đàn bà đang rẽ đám đông đi đến phía nàng. Trên tay người đàn bà cầm một cành hoa lưu ly xanh biếc. Màu hoa nổi bật trong trời thu ủ dột khiến nàng bàng hoàng đến phải định tâm.

Là Agnès của nàng đó!

Agnès bước, những bước nhỏ lửng thửng không định hướng. Cô đi giữa đám đông lạc lõng như ở chốn không người. Như trong trí nhớ nàng, như từ thuở nàng biết Agnès, người đàn bà ấy vẫn thế, mãi ngủ trong lúc thức.

Hình như Agnès vừa bước ra khỏi ngôi nhà của cô. Agnès tranh thủ buổi sáng cuối tuần để đến câu lạc bộ thể dục sau khi đã làm một đống công việc lặt vặt mà cả tuần cô thường dồn lại. Không nơi đâu thật có sự hiện hữu của cô. Từ ngôi nhà yên ấm mang biểu tượng hạnh phúc, Agnès thường khi đã có ý nghĩ muốn thoát ra khỏi nó để tìm đến những nơi cô ước và mong được đến. Một sự lạc lõng như bản chất vốn cô độc có tính tiên thiên. Trong mối giao cảm lạ lùng, nàng lại thấy Agnès đang im lìm cố chịu đựng không gian chật hẹp, ồn ã của phòng tập. Ở đó những người đàn bà quanh cô đang làm quen, bắt chuyện, kết thân với nhau rôm rả. Người nào cũng muốn phóng to một cách mê đắm cái tôi bé mọn của mình hầu mong những người chung quanh cảm thấu. Mọi nỗ lực cũng chỉ để chứng minh sự tồn tại không tầm thường của từng cá nhân. Không ai giống ai. Ai cũng mong muốn mình là một bản thể không phải được tạo ra từ một phiên bản méo mó nào đó. Agnès trong cái cách rất Agnès, sự lặng lẽ và tách rời của cô cũng chính là biểu hiện khẳng định một bản thể riêng không trộn lẫn.

Tại sao nàng mãi hướng vọng đến Agnès trong những ngày những tháng những năm qua?

Khi M. Kundera se thắt tạo ra cô nàng Agnès từ cử chỉ của người đàn bà sáu mươi tuổi đứng trong bể bơi đưa cao bàn tay vẫy chào anh chàng huấn luyện viên trẻ với nụ cười duyên dáng, mỹ lệ của một cô gái hai mươi, ông đã xúc động kiến xây một khoảnh khắc bất tử của cái đẹp đã vĩnh viễn bị đánh cắp, mãi mãi đã rơi mất. Ông vứt Agnès vùng vẫy hụt hơi trong thế giới nghệ thuật ảo diệu do ông tạo dựng và nàng thì ngây ngô vận lấy ấp vào trái tim đầy xung động. Giống hệt người đàn bà sáu mươi tuổi đứng trong bể bơi kia, nàng hoàn toàn sống với hầu hết thời gian bên ngoài tuổi tác và ngờ rằng, tâm hồn thơ trẻ của nàng không hề tàn lụi theo năm tháng.

Một nỗi buồn da diết bất chợt ập đến khi Agnès lướt ngang qua trước mặt nàng. Ðôi mắt trống rỗng của Agnès nói lên nỗi đau đớn tột cùng của những khao khát bị lãng quên. Sống không khao khát cũng có nghĩa là đang chết đi từng ngày. Ðã lâu, cũng như Agnès nàng đã không còn khẩn cầu, van xin Thượng Ðế thương tình nữa. Vì đâu mà nàng đã nghĩ như Agnès nghĩ, Thượng Ðế đã bỏ mặc loài người bơ vơ sau khi tạo ra họ mà không cần đến sự đồng thuận. Một suy nghĩ cũ rích nhưng vẫn khiến nàng quặn thắt trong sợ hãi và niềm cô đơn tận diệt.

Nàng lại nhìn thấy, Agnès cố len qua đám đông xô bồ trên đường phố Paris. Cô đang cố hết sức để len qua những âm thanh hỗn tạp của tiếng nhạc xập xình từ trong các cửa hiệu thời trang, quán café vọng ra xen lẫn với động cơ xe hơi rì rào và tiếng gầm gào của những chiếc xe buýt cồng kềnh hư cũ, cộng với tiếng hú thốc chói buốt của một vài chiếc xe gắn máy vượt nhanh phóng ẩu; cô đang cố len qua những con người ngược xuôi mang trên mình những bộ quần áo thời trang kỳ dị, quái gở trong cảm giác tuyêt vọng vô bờ. Nỗi tuyệt vọng vỡ tràn khi cô nhìn thấy một người đàn bà đã làm mình xấu xí và gớm ghiếc hơn trong bộ cánh không tương xứng với vóc vạc của chị ta. Không thể chịu đựng được, Agnès đã ghé vào cửa hàng hoa mua một cành lưu ly. Cô muốn cầm giữ nó trước ngực, đi trên đường phố mà mắt thì “chăm chăm nhìn vào nó để chỉ thấy những chấm xanh nhỏ tuyệt vời duy nhất này thôi, để chỉ thấy nó như vật cuối cùng nàng để lại cho mình và cho đôi mắt mình từ cái thế giới mà nàng đã thôi yêu”(*). Không màng đến những lời xì xào phẩm bình, đàm tiếu của người thiên hạ, Agnès đã có một cành lưu ly lưu lại cho chính bản thân cô. Cô quyết liệt từ chối cái cô không thể dung nạp. Còn nàng, dù nàng có ước một cành lưu ly thì cũng không thể có. Hoa ấy không mọc được từ đất nàng đang sống. Sao nàng thấy rõ nó đến thế. Sao màu xanh biếc quyện phủ trái tim nàng. Mồn một nàng nhìn thấy mà không thể nắm bắt.

Thế giới Kundera tiếp nhận và để cho Agnès vẽ lên trong thập niên tám mươi của thế kỷ hai mươi ở thành phố Paris phồn hoa của nước Pháp không mấy khác với thế giới của nàng thập niên đầu thế kỷ hai mươi mốt tại thành phố Sài Gòn một thời xa lắc từng được tự hào gọi là Hòn Ngọc Viễn Ðông. Sự suy thoái (hay phát triển?) trên trái đất rộng lớn này xem ra đều tuân thủ theo một quy luật chung mà đó chẳng qua chỉ là một cái vòng xoáy trôn ốc nhàm lặp. Phải rạn nứt, phải đổ vỡ, phải lụi tàn thì mầm lộc mới đâm chồi. Nàng vẫn tâm nguyện như thế nhưng trước sự chen lấn xô đẩy của dòng đời, thường thì động thái lựa chọn của nàng là hết sức tiêu cực: tránh xa, nhường lối hoặc quay tìm hướng khác. Một động thái của người cha khốn khổ mà Agnès từng rất thất vọng khi còn bé nhưng rồi cô cũng lại lựa chọn để hành xử khi trưởng thành.

Nàng rất thích khi Kundera để cho Agnès phân xử động thái cô cho là tiêu cực của người cha khốn khổ. Nàng cũng nhất nhất tin rằng động thái thà hứng chịu thua thiệt, thà đón nhận cái chết chứ không giẫm đạp, sẵn sàng dìm chết đồng loại của cha Agnès là một hành xử quý hiếm còn sót lại của con người. Nhiều người đời nay thì cho đó là cách hành xử của kẻ nhu nhược, hèn kém. Qua Agnès, Kundera cũng khẳng định thái độ của ông. Và ông thật có lý khi mượn ý nghĩ của Agnès để hàm ý về một thứ định mệnh nghiệt ngã sẽ giáng không thương tiếc lên đầu những kẻ không có khả năng tranh đấu để tự bảo vệ, để tự tồn tại. Phải chịu số phận đón lấy sự thua thiệt, đón lấy cái chết khi có tranh chấp, giành giật xảy ra là kết cục tất yếu của họ. Chỉ thế thôi, chân lý thật giản đơn. Sẽ phải có những kẻ dừng lại, chịu mất đi để cho những kẻ biết tranh đấu được sống. Sao lại phải quá ghê tởm, khủng khiếp trước cảnh tranh giành xâu xé hỗn loạn kia để thà chịu chìm đắm dưới dòng nước xanh sâu kia còn hơn là phải tham dự?

Vào một ngày đẹp trời, có lẽ thế, Thượng Ðế trong một xúc cảm hân hoan (hay buồn chán vì cô độc?) đã kiến tạo nên thế giới rồi thản nhiên bỏ mặc cho nó tự tồn sinh hủy diệt. Tương tự, Kundera trong lúc ngồi chờ giáo sư Avenarius ở câu lạc bộ thể thao bất chợt nhìn thấy người đàn bà không còn trẻ đang đứng một mình trong bể bơi. Cử chỉ thanh xuân của bà khiến ông trào dâng một niềm thương cảm sâu sắc không dừng được. Trong giây khắc phù du đầy ám ảnh ấy ông đã dựng nên một cô Agnès - kẻ lưu vong ở trong chính tâm hồn mình (**), rồi cứ thế bỏ mặc cô lầm lụi với cành lưu ly xanh mỏng.

Thế giới cứ quay để tàn lụi để hồi sinh và Agnès thì vẫn mãi mãi một mình bước với cành lưu ly xanh ấp trước ngực. Cô muốn gào lên, xin đừng quên tôi nhé, nhưng không thể. Có khi nào “Cái đẹp to tát khởi sự dần dà vuột khỏi tầm tay chúng ta. Muôn đời và vô phương cứu vãn”? (***). Khi ấy, cành lưu ly của Agnès rồi hẳn cũng đành phải héo tàn đi chăng?

 
 

9-2007

Nguyễn Kim Anh


-----------------------------------------------------------
(*) Milan Kundera. Tuyển tập văn xuôi. Nxb Văn Học – Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Ðông Tây, Hà Nội, 1999, tr 31.
(**) & (***) Ðối Thoại Về Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Milan Kundera. Phỏng vấn. Christian Salmon.Tạp chí Văn học The Paris Review, 1983. In lại trong tập văn luận Milan Kundera Nghệ thuật Tiểu thuyết, 1986. Trịnh Y Thư dịch. Nguồn nhanvan.com.