Gió Lay Mẹ Rụng

 
 
 

oo
Khi tôi đến thăm, bà nằm quay mặt vào tường, tôi không nhìn thấy được khuôn mặt của bà. Căn phòng bệnh viện nhỏ, sạch sẽ chỉ có hai giường. Bên kia là một người tôi không còn nhận ra đàn ông hay đàn bà nữa – dù tôi biết rõ đây là phòng của bệnh nhân nữ. Trên đầu không còn một sợi tóc, ánh nhìn dài dại của một con người chắc đã tuyên chiến với tử thần không ít ngày rồi làm tôi phải quay mặt không dám nhìn lâu về phía người ấy. Bà vẫn thiếp mê trong giấc ngủ mệt mỏi, không hề biết có tôi đến; không hề biết có một người xa lạ đang chăm chú nhìn bà và trào dâng bao nỗi niềm. Những ngày cuối năm, đường Saigon đông nghẹt người xe. Tôi đã lái xe “bò” từ nhà tôi đến cái bệnh viện ấy mất hết một giờ. Tôi lại chăm chú nhìn bà. Trước mắt tôi hình dáng một cụ bà đang gầy yếu dần; im lặng, cam chịu đón nhận những cơn đau đớn thể xác, chắc chắn là những cơn đau cuối cùng của những ngày sống cuối cùng…

Buổi trưa nắng nhạt, trên đường từ bệnh viện trở về nhà, bâng khuâng tôi chợt nhớ, từng có một cậu bé hai mươi tuổi đã rất, rất yêu mẹ. Giọng ca của nữ ca sĩ TH từ một căn phố nào đó bên đường tình cờ thoát ra, xót buốt những ca từ mộc mạc bài hát Mừng Tuổi Mẹ của nhạc sĩ TLA.

Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng…


Cậu bé ấy giờ đang ở đâu nhỉ.

oo
Cũng những ngày cuối năm này, mấy bà bạn VK của tôi thi nhau đi “ngồi sui”. Tôi được mời dự đám cưới có lúc như “chạy show”. Nhìn những bà bạn tươi cười, rạng rỡ với ánh mắt mệt mỏi, tôi chợt buồn. Thế là bước qua một chặng đường khác rồi. Bắt buộc phải từ giả thôi chút nắng còn sót lại trên ngọn cây xanh lá kia. Tôi đứng chông chênh giữa ranh giới của bắt đầu và kết thúc khi cũng những ngày tháng ấy tôi liên tục nhận tin những bà mẹ già của các bạn tôi sắp sửa ra đi; chấm dứt một cuộc hành trình đơn-độc-đớn-đau-hạnh-phúc của kiếp người. Bắt đầu là mẹ của ông bạn VN, hơn hai tháng trước. Tôi trách ông bạn sao không báo tin cho bạn bè biết để khi chúng tôi tìm đến HM thì mẹ của bạn ấy đã được an táng xong. Tôi nhìn lên bàn thờ khói nhang nghi ngút, cố nhớ lại hình ảnh người đàn bà lam lũ một nắng hai sương ngày ngày buôn bán tảo tần nuôi trưởng thành đàn con gần mười người. Một bà mẹ Nam Bộ cam chịu, đôn hậu, không đòi hỏi sự đền báo. Từ sau khi mẹ mất, ông bạn tôi trở nên u sầu đa cảm khiến tôi không khỏi bùi ngùi. Lúc đầu tôi nghĩ có khi do những ngày lạnh giá hiếm hoi của mùa Ðông phương Nam gây ra. Rồi tôi hiểu, không phải vậy. Chính là ông bạn tôi đã không ngờ rằng ông ấy mất mẹ nhanh và đột ngột đến thế. Bất chợt, tôi nhớ đến hai mùa đông phương Bắc. Những ngày tháng chúng tôi cùng nếm trải những khốn khó với người HN. Những bữa ngô bung ăn với rau muống luộc, những bữa mì độn cơm cùng bắp cải xào… Khổ tận vậy mà đầy ấm tình ở những người bạn trẻ ngây khờ. Nhớ nhất những ngày đi thực tế giữa khóa ở QN. Tôi cùng ông bạn được phân về Ty Lương Thực, đóng bên dưới một ngọn đồi thật nên thơ. Chiều chiều, chúng tôi thường rủ nhau leo lên đồi nhìn xuống. Bạt ngàn những cành thông xanh lá mà mỗi búp thông là một ngọn nến xanh non xòe e ấp trong ráng chiều. Ông bạn tôi thuở ấy hát khá hay, làm thơ rất trữ tình. Thỉnh thoảng ông ấy cho tôi xem một vài bài thơ vừa sáng tác. Tôi cũng thích làm thơ. Những vầng thơ buồn nhão, nhòe nhoẹt nước mắt. Ông bạn đọc và phê bình thơ tôi viết “cũ” quá. Dòng đời cuốn đi, cuốn đi mãi… Ông bạn tôi không làm thơ nữa. Còn tôi, tôi thỉnh thoảng vẫn viết cho riêng mình, mỗi mình mình đọc… Ðôi khi cũng mượn gió gửi đến người tri âm.

oo
Tôi nhớ mẹ tôi quay quắt. Mới đó mà đã hai mươi năm rồi tôi không còn mẹ.

Tóc trắng mẹ bay,
Như gió, như mây bay qua đời con
Như gió, như mây bay qua thời gian
Tóc mẹ tôi chưa kịp trắng.


Khi mẹ tôi ra đi, bà chỉ mới bước những bước của mùa thu. Thuở ấy, và có lẽ cả cuộc đời tôi, tôi chưa bao giờ nghĩ mình mất mẹ sớm đến vậy. Năm mười tám tuổi, tôi như cánh chim non háo hức rời bỏ vòng tay nâng niu của mẹ. Từ một thị xã nhỏ lặng ngắt, đơn diệu của miền Trung tôi bay vào Saigon học đại học. Mẹ lo lắng không muốn con gái nhỏ xa nhà, sợ con không tự lo được cho bản thân khi không có mẹ bên cạnh; sợ những cám dỗ của Saigon hoa lệ làm con sa ngã... Rồi mẹ nuốt lệ chìu tiển con đi xa, mong vì hạnh phúc, tương lai của con gái. Tôi bơ vơ nhưng hớn hở giữa Saigon nắng rực. Hân hoan, buồn rũ… tôi đều nếm đủ trong những ngày sống không có mẹ bên cạnh. Tôi nguyện thầm mình cố học, cố đạt được một ví trí nào đó trong xã hội để cho mẹ tự hào, để có điều kiện báo hiếu lúc mẹ già yếu…

Thời gian lặng lờ trôi. Tôi ra trường vào những ngày khốn khó sau khi đất nước thống nhất. Tất cả vốn liếng mất sạch do gửi ngân hàng thời cũ, mẹ tôi lam lũ lại càng lam lũ hơn vì phải cùng cha tôi lo ăn học cho một đàn con bảy đứa vẫn còn nhỏ dại. Tôi chẳng giúp gì được cho mẹ mà tệ hơn là vẫn phải nhận nhiều thứ của mẹ để lây lất sống. Tôi bất lực nuốt nước mắt nhìn mẹ ngày càng tàn héo. Mẹ tôi đổ bệnh. Do lao lực? Do phiền muộn?... Hay do số phận? Ðến giờ tôi vẫn không hiểu được. Tôi đau đáu trong nỗi đau tiềm ẩn không đền đáp được, dẫu chỉ là một chút thật nhỏ nhoi, công ơn to lớn của mẹ.

Sau những tháng năm gian nan; giờ, chị em tôi đều đã trưởng thành, ai cũng có được đôi chút thành đạt trong cuộc sống… Và, mẹ thì đã không còn.

Vào những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới, tôi vẫn thường chìm trong nỗi đau nhớ về mẹ.

oo
Tôi rất tệ mỗi khi phải nói lời an ủi hoặc chia buồn cùng ai đó. Mấy ngày Tết đến nhà TA, HN, những người bạn đang có mẹ già chờ ra đi, tôi vụng chỉ biết lặp đi lặp lại mỗi một câu nhạt thếch: “Bác đã gần tám mươi rồi…, bạn đã có thời gian để báo hiếu nên cũng an ủi…”.Mà cũng đúng vậy, như TA, là Ph. D, Giảng viên Ðại học, với vẻ ngoài bặm trợn, có cảm giác đó là người hời hợt nhưng lại là một người con hiếu để như trong các câu chuyện cổ tích thuở xưa tôi từng đọc. Ba năm mẹ già nằm bệnh, ông bạn ấy đã không quản bồng ẵm, tắm rửa, vệ sinh… chăm bón cho mẹ. Không biết có phải do cảm thấu tấm lòng của TA hay không, mà bà mẹ mấy lần tưởng không qua khỏi đã khỏe trở lại. Khi nhìn bà cụ cười ngu ngơ, mắt chợt sáng bên đứa con trai không còn trẻ tôi chợt thấy chao lòng. Tôi nhớ những miếng thịt heo quay dòn tan, béo ngậy, có lẽ là ngon nhất trong sạp hàng của mẹ VN, những năm một chín tám mươi. Thuở ấy, tôi vừa mới kết hôn. Chồng tôi cũng là bạn chung của tôi và VN. Cùng là những sinh viên hiếm hoi đạt điểm chuyên môn cao trong quá trình học tập và kỳ thi cuối khóa được tuyển đi học tiếp ở HN, chúng tôi đã trở nên thân thiết như không thể bứt rời. Ngày đó, nghèo khó, thiếu thốn thế nhưng chúng tôi đã biết chia nhau từng tí chút nhỏ nhoi có được của đời sống. Vợ chồng tôi sống trong một căn hộ nhỏ trống trơn, VH chưa tìm ra nhà trọ đến tá túc tạm chỗ chúng tôi. Những bữa ăn có thêm những miếng thịt heo quay của mẹ VN san cho là những bữa đại tiệc của chúng tôi. Căn hộ nhỏ của chúng tôi vẫn là nơi chứa chấp những người bạn nghèo như VN, TA…

oo
Không hiểu sao đã nhiều, quá nhiều năm trôi qua như vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ đến bà, dù chưa bao giờ tôi được gặp bà. Hình ảnh người đàn bà mấp mé tuổi năm mươi, ngày ngày những khi rảnh rỗi nằm trên chiếc võng được che bởi những tán lá dừa, miệt mài đọc truyện Kim Dung ở một làng dừa có cái tên là lạ KB đã ám ảnh tôi. Tôi đặc biệt có thiện cảm với hình ảnh đó. Thảng hoặc trong tôi hiện lên một tâm hồn dịu dàng, đa cảm, khoan hậu của một bà mẹ miền Trung tôi chưa từng quen biết. Tôi tự hỏi, bà đã suy ngẫm được điều gì cũng như tìm được những an ủi gì trong những pho sách của Kim Dung vào những ngày thoái ẩn về ngoại ấy. Trong mớ thượng vàng hạ cám từng ngốn ngấu, tôi cũng đã rất thích nhà văn này, mặc thiên hạ có khi lên giọng ỏng eo về ông. Tôi thích những triết lý nhân sinh đơn giản mà sâu sắc ông biểu lộ. Tôi thích những cuộc đời chìm nổi của các nhân vật, tôi thích cách sống và tình yêu của họ. Tôi thích những mảng sáng lóng lánh xen những vệt tối tăm ẩn lấp ông nói đến trong truyện… Tôi từng nằm mơ thấy vết chích của những chiếc gai của bụi Tình Hoa và tỉnh dậy đầm đìa nước mắt vì tấm chân tình huyễn hoặc của chàng Dương Qua. Tôi cũng thường nhớ đến chàng Trương Vô Kị đa đoan, đào hoa; rồi ngờ nghệch hỏi thầm Kim Dung, không biết là lần thứ bao nhiêu; rằng, sao ông không kể tiếp đoạn đời tiếp theo sau khi Vô Kị chọn nàng Triệu Mẫn sắc sảo, xinh đẹp và quyết định xa lánh chốn thị phi bỏ đi biệt tích cùng nàng. Chắc chắn bà không quan tâm những điều tôi quan tâm. Và, hà cớ gì tôi thiết tha muốn tìm biết đến thế những điều mãi mãi không thể. Không ai thấu tận bên trong sâu khuất của một con người, nhất là của những người đàn bà. Chỉ khi tôi trở về Huế bốc mộ bà ngoại từ Kim Long về làng quê Phong Ðiền tôi mới cảm nhận ra điều đó. Bà Ngoại tôi, mẹ tôi, mẹ KT, VN, TA… và biết bao bà mẹ đã lặng lẽ sống, lặng lẽ hiến dâng và ra đi cũng lặng lẽ như khi đến, khi ngẫu nhiên được (bị) sinh ra và sống trong cuộc đời này.



oo
Dì T kể, lúc còn con gái mẹ tôi có giọng hát rất hay, nổi tiếng kháp vùng SQ. Tôi nhìn tấm hình thời con gái của mẹ tôi mà dì T mới lục tìm được trong cuốn album vàng rách ngày tôi trở về Huế. Tấm hình đã ngả màu nhưng khuôn mặt người thiếu nữ vẫn còn rõ nét với đôi mắt ngơ ngác, ngây thơ và nụ cười e ấp, hiền sáng. Ánh nhìn và nụ cười mà khi lớn lên tôi không còn nhìn thấy ở gương mặt mẹ. Bao nhiêu dầu dãi nắng mưa đã che lấp đi, giấu kín bưng không cho lộ diện tâm hồn tài hoa của cô gái quê trẻ. Chỉ còn giọng hát của mẹ thỉnh thoảng e dè cất lên. Tôi nhớ nhất bài hát Trầu Cau những tối mùa Ðông rả rích mưa dầm xứ Huế mẹ thường hát ru chị em tôi khi chúng tôi còn bé. Tôi tự hỏi không biết sao mẹ thích bài hát ấy đến thế. Chuyện hai anh em cùng yêu một cô gái không liên quan gì đến cuộc đời của mẹ cơ mà. Mãi sau này, tôi mới thấm thía thì ra trong mỗi người đàn bà như tôi như mẹ tôi chỉ đau đáu một khát khao mãnh liệt: đó là sự hòa quyện, trọn vẹn dâng hiến tình yêu. Duy nhất, mãi mãi và bất khả phân ly. Những lúc muộn phiền vô cớ, đau bởi những nỗi đau không đâu, tôi nhận ra nhanh chóng tâm hồn èo uột của tôi là được tiếp thu từ mẹ. Tôi không có được giọng hát hay như mẹ tôi nhưng những giai điệu của những bài hát buồn cùng những câu hò và những bài ca dao da diết của mẹ đã vây ủ tâm hồn tôi từ thuở tôi còn thơ bé.
Mẹ đã hiện ra trong đời tôi chỉ trong một chớp mắt ngắn ngủi. Mẹ tạo ra hình hài tôi, tâm hồn tôi, nuôi tôi khôn lớn rồi âm thầm bỏ đi. Nhiều năm tháng sau, tôi ước có mẹ để được khóc, được cười với mẹ; để được nấu cho mẹ một món ăn ngon, may cho mẹ một tấm áo đẹp mà tôi chưa kịp làm; nhưng đã không thể.

 
 

Tháng 2, 2007

Nguyễn Kim Anh