|
1.
Hẹn hò từ những ngày cuối năm nhưng đến tối mồng bảy Tết chúng tôi mới có thể họp mặt. Một cô bạn trước năm 1975 cùng học ở Đại Học Văn Khoa, sau 1975 lại cùng học chung tiếp ở cái lớp được gọi nôm na là “Khối Lớp Bổ Túc” vừa từ Mỹ trở về thăm nhà muốn gặp lại bạn bè cũ. Đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm tôi đi đến một buổi họp mặt đông người. Có lẽ vì lời mời quá thiết tha của cô bạn vào lúc hai giờ sáng đêm giao thừa. Không phải vì tôi vô tâm, lãnh đạm không thiết tha với những cuộc gặp gỡ bạn cũ. Chẳng là vì tôi vẫn thường luống cuống, không tự nhiên với cảm giác mạnh mẽ của sự lạc lõng giữa đám đông làm tôi ngại ngần.
Chúng tôi mười mấy người ngồi quây quần quanh một dãy bàn được đặt trước tại quán café Ân Nam nằm trên góc đường Trương Định. Như nhiều quán café vừa xuất hiện trong thành phố vài năm qua, ngoài sự to lớn, Ân Nam sừng sững khoe khoang một khung cảnh vừa lãng mạn, quyến rủ, vừa ồn ào, sôi động. Bảy giờ tối quán đã đông nghẹt khách, đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Khi tôi bước vào các bạn đã có mặt khá đầy đủ trước đó ít phút. Tôi cũng không nghĩ được rằng ở cùng một thành phố ấy vậy mà có những người bạn suốt hai mươi chín năm qua, kể từ ngày ra trường vào năm 1977 đến nay tôi mới gặp lại họ.
Vậy mà chúng tôi đã nhận ra nhau ngay lập tức, vui vẻ, thân tình như chưa hề có một khoảng cách thời gian mấy mươi năm xa. Vui vẻ, thân tình như trước đó chúng tôi đã từng là những người bạn thân thiết nhất của nhau. Mấy người bạn trai ngày xưa nhút nhát, vụng về là thế bây giờ đã biết nói những lời khen ngợi có cánh, chắc để an ủi những cô bạn giờ đã không còn trẻ; rằng chúng tôi vẫn như xưa, không thay đổi theo thời gian; rằng vài bạn trong chúng tôi càng lớn tuổi thì càng đậm đà, xinh đẹp, cuốn hút (???)… Mấy bạn trai ngồi cạnh tôi còn nhắc lại dáng vóc ẻo lả cùng những chiếc áo dài màu trắng, màu tím, màu đen tôi thường mặc trước năm 1975. Anh bạn tên HH bảo tôi có biết là mình mang tội nhiều lắm khi làm chao hồn những chàng trai Văn Khoa đa cảm hay không. Tôi cười, thôi đừng nhắc lại chuyện xa lắc ấy nữa, có biết rằng chúng ta đã ở độ U6 rồi không mà cứ mãi nói tầm phào. U6? Mấy bạn gái nhao nhao phản đối, kêu trời. Nghe đến con số 5 ai cũng lạnh hết sống lưng rồi, sao NK tàn nhẫn tăng lên đến số 6 vậy. Chứ còn không à, ai cũng bước qua số 5 rồi, có ai còn ở dưới số 5 đâu. Cô bạn NH của tôi nói lớn: Các bạn ơi, đừng làm cho DH vỡ mộng. Về đợt này mụch đích của DH là muốn kiếm một anh để nâng khăn sửa túi đó. Các bạn biết ai thì làm ơn chỉ giùm cho DH. NS, hiện là một đạo diễn phim truyện nhanh nhẩu: Chút nữa dẫn DH qua Arnold (một restaurant ca nhạc), DH tha hồ lựa chọn. Ở đó các ông U7, U8 đang ở không nhiều lắm. Mọi người cười rũ, chảy cả nước mắt. NH ghé vào tai tôi nói trong tiếng cười nấc nghẹn: Thấy chưa, tụi mình bây giờ chỉ còn xứng với các cụ ông U7, U8 mà thôi.
NH, DH, BN,… là những cô gái một thời thông minh, xinh đẹp, đầy cá tính của Văn Khoa ngày nào. Chỉ riêng tôi lạc loài dân Ban Triết, các bạn ấy đều học ở Ban Việt Văn. Một điểm chung gắn kết chúng tôi là tất cả đều mê văn chương, đều từng vận mình thành những nàng Melanie dịu dàng, ngây thơ của Margaret Mitchell. Trôi theo thời cuộc, những nghiệt ngã của đời sống mà có lẽ chỉ riêng thế hệ của chúng tôi phải nếm trải, những nàng Melanie yếu đuối dần biến thành Scarlett mạnh mẽ để sinh tồn và tự khẳng định. Có vẻ như DH và NH quyết liệt và mạnh mẽ nhất trong nhóm. Sau khi ra trường vài năm cả hai đi dạy học một thời gian rồi DH theo chồng định cư ở Mỹ còn NH bỏ ra làm cho các công ty nước ngoài. Hai bạn ấy đã chia tay với chàng Ashley đa cảm tự lựa chọn thời sinh viên, một mình bươn chải nuôi con và cả hai đều tự tạo được một tiềm năng tài chính cũng như vị trí xã hội tương đối mà không cần sự hỗ trợ của một nữa từng đã hào phóng ban tặng cho mình chiếc xương sườn... thừa. Thế nhưng, cho đến bây giờ trong tận góc khuất thảm đạm của tâm hồn, cả DH và NH vẫn không nguôi trông tìm chàng R. Butler giấu mặt, không đến. BN lại có một lựa chọn trái ngược với tính cách của bạn ấy thời thanh xuân. Mới mười tám, mười chín tuổi BN đã có thơ, văn đăng rải rác ở Tuổi Ngọc và một vài tờ báo khác của Sài Gòn. Tôi rất ấn tượng khi lần đầu tiên nhìn thấy BN mở to đôi mắt nai, phì phèo thuốc lá bên cạnh đám bạn có dáng vẻ lập dị trong một góc giảng đường buổi trưa tháng ba đầy nắng. Từ khi ra trường, về làm biên tập ở một tờ báo lớn của Thành Phố, rồi lấy chồng sanh con, BN bỗng trở thành một người vợ hiền đảm suốt ngày đắm đuối với tổ ấm của mình. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gọi điện cho nhau, thăm hỏi nhắc lại chuyện xưa, những kỷ niệm lụn vụn một thời con gái. Tôi vẫn còn cất kỹ trong ngăn kéo ẩm mốc của quá khứ những tờ thư viết rời rạc, những đoạn văn ngắn và một vài bài thơ của BN. Chúng tôi đã từng rất thích nhau vào những ngày lên rừng, lội suối lao động ngoại khóa cực nhọc sau năm bảy lăm. Trước mùa hè vừa qua, vào một ngày bỗng thấy u ám, tôi mở ngăn kéo nhặt những tờ thư cũ đã hoen mờ theo bụi thời gian, đọc. Một bài thơ của BN làm tôi xúc động, lan man nhớ: Anh giống như cơn mộng / bay là đà quanh em sớm mai ngồi thinh vắng / ôi cơn mộng dữ hay lành / dù thế nào thì em cũng rất nhỏ nhoi / với cọng tóc theo gió bay dạt dào ngang mặt / với đôi mắt mở lớn giả vờ nai / em / em đó / rất nhỏ nhoi / anh có lầm lẫn gì không / khi bỗng dưng muốn em làm kẻ đồng hành / cùng đi trên một con đường vô tận / anh phiêu bồng như mây / bát ngát như trời / mơ hồ như mộng / anh ngồi đó ngó em cười trẻ thơ / ôi, có thể nào môi cười trẻ thơ giữ được đời phiêu lãng / nên em vẫn như thể hư vô / bối rối với thần trí mù lòa / có lẽ / anh giống như một cơn mộng dữ (Mộng). Bạn tôi đã tự tiên tri cho tình yêu đầu của mình. Cơn mộng dữ đi qua, cánh chim phiêu lãng bay mất, rất nhiều năm sau bạn ấy tìm được một hạnh phúc bình dị. Hóa ra hạnh phúc bao giờ cũng bình dị. BN không còn làm thơ, viết văn nữa. Tôi buồn đến rời rã khi tôi bỏ thời gian cắm cúi ngồi chép lại bài thơ để gửi cho BN thì bạn ấy đã không nhớ là của chính mình lại cười nhạo tôi sao còn quá đa cảm.
Một buổi tối cười đùa vui vẻ. Sau khi rời Ân Nam chúng tôi kéo nhau qua Arnold. Dù dưới bảng hiệu Arnold cẩn thận ghi thêm dòng chữ khá hot: “Nơi hẹn hò lý tưởng của mọi lứa tuổi”. Nhưng đúng như anh bạn NS nói, nơi đây chính là không gian của những người không còn trẻ. Không đến nỗi U7, U8 nhưng cũng khoảng từ U5 đến U6. Các ông, bà kéo đến nơi ấy vừa đàn hát vừa nhảy nhót cùng nhau, không khí sôi động không kém Ân Nam nhưng thay vào những bản nhạc âm điệu Rock, HipHop… ở đây người ta hát nhạc Trịnh, nhạc Tiền Chiến, Dân Ca… Khói thuốc mù đặc làm tôi thấy mệt. Tiếng cười nói ăn uống át cả những giọng ca làm tôi thấy khó thở. HH bảo chúng tôi nên lập hội nhảy đầm để giải stress nhưng khi biết trong các bà bạn gái không một ai biết nhảy dù tất cả đều có một bề ngoài rất hợp mốt, hiện đại, bèn tiu nghỉu lặng thinh. Tôi xin phép về trước mặc bạn bè nài ép, òn ỹ. Mười giờ ruỡi tôi bước ra khỏi Arnold. Trời đêm Sài Gòn dịu mát. Đường phố ngày Tết vắng lặng, tôi đi qua những con đường đang xanh lá trở lại, thoang thoảng mơ hồ đâu đó có mùi hương Ngọc Lan thanh khiết huyền hoặc. Hay là tôi chỉ tưởng tượng vậy thôi.
Cười nhiều như thế, vui nhiều như thế nhưng đêm ấy tôi đã không chợp mắt được một phút giây nào.
2.
Mọi người đi hết tôi lãnh nhiệm vụ ở nhà chăn hai chú khuyển. Đó là hai chú chó được nuông chiều nên không chịu ở một mình nếu không có người bên cạnh. Tôi hẹn đi café với CB nhưng bảo chỉ có thể ngồi với CB ở cái quán vừa mới khai trương ngay trước măït nhà tôi để nếu hai chú chó có la hét, quậy phá thì tôi còn kịp chạy về trừng trị. Trăng là một quán café nhỏ được trang trí khá dễ thương. Chín giờ sáng CB có mặt. Cũng như mọi lần, chúng tôi ngồi nói chuyện trên trời dưới biển rồi chọc nhau cùng cười. Có vài khuôn mặt được nhắc đi nhắc lại trong những câu chuyện không đầu không đuôi, hết buổi café này đến buổi café khác không biết chán. Mùa xuân mà mắt ai cũng ướt rượt. Tôi nhớ đến bài thơ làm từ tháng mười hai định tặng CB nhưng không gửi: Rơi theo những hạt mưa muộn / Bước chân liêu xiêu người đàn bà đi / Mắt trời sâu đen thăm thẳm / Ai vừa buông bỏ nụ xuân xưa // Thôi thì thôi phiêu diêu chi nữa / Lỡ thương thân tầm gai không dệt / Lá ngẩn ngơ rũ rượi dưới cành / Sắc bóng nào vẫn hoài xanh mướt / Cuối trời thu gió lượn ngang mành // Thôi về thôi người đàn bà gieo neo / Thâu đêm đối bóng giữa ngày lầm lủi / Ngóng tìm đâu não nuột một đường tơ / Sắc không không sắc theo làn mưa bụi / Bay hôm kia tản mác qua bờ (Mộng Du). Tôi đọc thầm bài thơ của tôi cho một mình tôi nghe khi CB mơ màng nói về sự bất phân tuổi tác của tình yêu. Người đàn bà ngồi trước mặt tôi cả một đời mơ không tỉnh, cố chấp, quyết liệt một cách hồn nhiên, con trẻ. Tự dưng tôi nhớ đến Fermina Daza và Florentino Ariza trong Love in the Time of Cholera của Gabriel Garcia Marquez. G. G. Marquez cũng bảo tình yêu không có tuổi khi ông cho Fermina Daza và Florentino Ariza tìm lại được nhau tuyệt vọng sau khoảng thời gian năm mươi ba năm bảy tháng mười một ngày chia lìa. Hai ông bà lão tuổi ở độ U8, vẫn không thể thắng những định kiến của xã hội, run rẩy dắt nhau tránh lên chiếc tàu được cắm lá cờ vàng – dấu hiệu của bệnh dịch tả, xuôi ngược trên dòng sông vô định cùng một tình yêu nồng cháy bên trong hai thân thể méo mó, tàn lụi. Một tình yêu còn da diết, đắm đuối, si mê hơn của biết bao người tuổi trẻ. Một tình yêu mạnh mẽ đến độ khiến vị thuyền trưởng ngộ ra một chân lý muộn màng rằng, thật ra chính cuộc sống chứ không phải cái chết mới là cái không có giới hạn. G. G. Marquez muốn nói gì nhỉ? Phải chăng chỉ có tình yêu mới có thể giúp con người mở cánh cửa tâm hồn, hòa với nhau cùng đấu tranh chống nỗi cô đơn truyền kiếp, khốc liệt? Có lẽ G. G. Marquez cũng mơ và ông muốn chia giấc mơ ấy cho ai chăng? Tôi hỏi CB đã đọc Love in the Time of Cholera chưa thì bạn ấy lắc đầu. Khát vọng của con người – con người bình thường hay thiên tài – như thế là vẫn rất chung và hão huyền, có lẽ.
Tôi kể cho CB nghe về buổi du xuân Tao Đàn sáng mồng ba của tôi và EB, CB có vẻ càng chìm đắm vào một cõi mông lung nào xa lắc. Tự dưng tôi ước cồn cào giá như tôi mãi có được những người bạn thiết để cùng tìm đến với nhau những lúc buồn vui, chán nản. Tôi nghĩ, khi ấy chúng tôi sẽ dễ dàng hơn để cùng đón nhận những ngày cuối thu đời sắp tới. Thấy CB quá buồn và tuyệt vọng, tôi đọc cho bạn mấy câu thơ tôi rất thích hầu mong có thể an ủi bạn phần nào chăng: ở bên này con dốc đìu hiu / ở bên này mùa thu đời sống / có lẽ chúng ta chỉ còn có thể dâng hiến cho nhau / sự dịu dàng của lòng tuyệt vọng (Gửi Một Người Phụ Nữ Nào Đó. PVC). Không biết CB có cam tâm chăng, nhưng từ đôi mắt mệt mỏi của bạn ứa ra hai giọt nước. Tôi cũng cảm như có hạt bụi nào đó vừa đậu trong mắt mình.
3.
Mọi sự gặp gỡ đều bắt nguồn từ chữ duyên. Có duyên thì sẽ gặp, CB thường nói như thế. Cái duyên của tôi với Ban Triết Văn Khoa, với những con người sương khói một thời của Ban Triết kết thành, tựu lại một cách vững chắc và trường cửu ở cô bạn gái mang tên một loài chim biển.
Không biết tại sao đôi mắt to đen u uẩn (là ngày đó tôi nghĩ thế), khuôn mặt tinh khiết của EB có hấp lực đối với tôi nhiều đến vậy. Bao nhiêu năm sau tôi vẫn còn nhớ như in đôi mắt ấy thập thò bên góc hành lang giảng đường hai Văn Khoa tò mò nhìn tôi. Hai cô bé hành xử cứ như một chàng trai và một cô gái. Hình như chúng tôi đã thích nhau ngay cái nhìn đầu tiên. Chắc thế. Để từ cái nhìn đầu tiên đến nay gần ba mươi ba năm chúng tôi luôn có nhau. Nếu ai hỏi về một tình bạn trọn vẹn thì tôi không ngại ngần để nói về tình bạn của tôi và EB. Nhiều người bảo tính cách của tôi và EB khác hẳn nhau sao có thể duy trì tình thân lâu như thế. Tôi không biết mình khác hay giống EB điểm nào, chỉ biết có một điều là chúng tôi đã rất quý trọng nhau. Cũng lạ, trong ngần ấy năm làm bạn chúng tôi chưa hề cãi vã, giận hờn như những bạn gái thường tình. Một sự tẻ nhạt? Không, tôi không nghĩ vậy. Với tôi, những lúc mệt nhọc, nặng nề tôi thường tìm cách gặp EB để nghe bạn ấy nói, để nhìn bạn ấy gật đầu đồng thuận về vấn đề gì đó không chắc chắn lắm. Một cảm giác thật bình an, thật nhẹ nhàng lan tỏa trong tôi dù rằng khi ngồi với EB tôi thường không cười nhiều hoặc đôi khi tắc nghẹn đầy cảm xúc như với CB.
Độ rày tôi thường chăm lục lại những tờ thư cũ, những hình ảnh cũ. Phải chăng đó là động thái thường tình của người đang xuôi cuối dốc chiều? Không lẽ nhanh đến vậy sao? Loáng thoáng qua những khung gương, tôi thấy một khuôn mặt rạng rỡ đang chăm chú nhìn tôi giễu cợt. Ai đó? Đâu là tôi tươi xinh và đâu là tôi héo hắt phôi phai? Khuôn mặt nào là khuôn mặt thật của chính tôi? Nỗ lực tự tạo hầu mong ngăn ngày tháng dường như cũng vô ích. Này đây, một bức ảnh cũ vàng vọt. Hai cô bé gầy mỏng được chụp một lần đi làm công tác xã hội đâu đó tận Thủ Đức, tôi không nhớ rõ. Hàng chữ “Thân mến gửi tặng NK” làm tôi nhớ đến người viết tặng, TL. Tôi chắc rằng chị ấy đã quên. Còn tôi, đi theo tấm ảnh, suốt hơn ba mươi năm thỉnh thoảng tôi nghĩ về chị và tự hỏi không biết hiện giờ chị đang làm gì, ở đâu bên phần trái đất xa lắc kia. Ký ức tôi bị xé vụn khi tôi nhìn tấm ảnh một người đàn bà lạ lẫm mới được gửi về vào mùa hè vừa qua. Tôi không nhận ra chị dù tôi vẫn nhớ đến chị, người con gái có vẻ ngoài cương nghị, bản lĩnh tôi thầm mến phục. Thật vô vọng khi cố xới tìm qua vùng trí nhớ bị lảng quên. Thời gian và khoảng không gian xa đã làm biến đổi hết cả rồi còn đâu. Tôi cầm tờ thư của EB. Tờ thư màu hồng bạc phếch, rách nát. Tôi cũng không nhớ mình đã đọc bao nhiêu lần tờ thư ấy trong mấy mươi năm qua. Duy một điều tôi nhớ rất rõ là mình đã nhận bức thư của EB vào ngày đầu tiên của tháng mười một. Những tháng mười một bắt đầu và mãi mãi. Những tháng mười một duyên và nợ sâu. Tháng mười một năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm cũng là một tháng mười một như thế, với riêng tôi.
Ai đó vứt bỏ chiếc áo màu vàng đầu tiên trong đời để vội vã ra đi, rồi lưu nuối mãi. Còn tôi, tôi ở lại ôm giữ vạt nắng vàng mơ rực rỡ của góc sân Văn Khoa ngẩn ngơ, chờ. Chẳng biết chờ gì và chờ ai khi ngày qua ngày những khuôn mặt quen dần dần biến mất tăm không vết dấu. Cây cao su già ở góc sân sau ngôi trường chứng kiến buồn bã những buổi chiều tôi ngồi một mình trên bệ thang cấp cũ mòn đếm từng chiếc lá rơi non. Một ngày không chịu nổi tôi bỏ trường, bỏ EB ở lại xuôi về một vùng đất bazan đỏ quạch, nghĩ sẽ biến đi để tìm cho mình một cuộc sống khác, không cần ý nghĩa. Rồi cũng lại những buổi chiều trên vùng đất bazan bạt ngàn cây café tươi xanh trĩu quả tôi lẩn thẩn đứng chờ những đoàn tàu qua lại. Bao nhiêu chuyến tàu vội vã đi qua và không một chuyến tàu nào dừng lại. Có chăng, chỉ những tiếng còi áo não còn lẩn khuất trong sương đêm. EB gọi: NK NK NK… Thì ra muôn đời vẫn một hình ảnh thân quen… Hãy thôi ngủ mơ NK… Nhanh nhanh lên NK… Hãy trở lại trường cùng các bạn, cùng EB vì cuộc sống sinh viên bao giờ cũng là cuộc sống tuyệt vời, tươi đẹp nhất… EB bảo: Nếu ta đến với cuộc đời, với mọi người bằng tình yêu thật đầy trong lòng, vạn vật sẽ nở hoa chào đón ta… Tờ thư của EB đã đến với tôi lúc ấy trong trẻo, vang ngân thanh khiết như tiếng thiên sứ từ trời cao lộng. Tôi trở lại Văn Khoa vừa kịp đứng trong hàng những người ghi danh sau chót. Như mấy câu thơ EB chép tặng tôi ngày tôi trở lại: Đêm xưa là đêm của ngàn sao / Em xưa là dân bộ lạc nào / Đêm hết là đêm của ngàn sao / Em vẫn còn em của thuở nào…Tôi vẫn là tôi của thuở nào nhưng từ đó tôi bắt đầu biết mở lòng đón nhận cuộc sống, biết chấp nhận nó dễ dàng hơn.
|
|