Tin Nhắn Tháng Bảy

 
 
 

Sao mà mưa nhiều đến vậy. Mưa lất phất, mưa rả rích, mưa ào ạt… suốt hai tháng bảy âm lịch. M chìm lịm tái tê theo mưa. H nhắn trong cell phone “M có vẻ bị ám ảnh nhiều về những cơn mưa”. Mười lăm năm không liên lạc, tưởng như mất tăm đâu trong đời, bỗng một sáng chủ nhật mưa, tiếng chuông tin nhắn cell phone vang lên “Thêm bao nhiêu nước đã trôi qua cầu nữa rồi?” – “ H đó sao? Ðang ở đâu vậy? Công tác hay việc riêng?” – “ Sài Gòn. Ði nghỉ” – “Với gia đình?” – “OK” – “Mấy hôm nay mưa quá, có đi đâu được nhiều không?” – “Ðang trên đường đến Củ Chi”. Mười lăm năm, người bạn cũ ấy chỉ có thể gửi được vài dòng tin nhắn để biết cả hai vẫn còn tồn tại.

Một tuần sau, cũng sáng chủ nhật, tiếng chuông tin nhắn cell phone lại vang “M đang làm gì đó?” – “ H đang ở đâu?” – “ Hà Nội” – “ Hà Nội có mưa không?” – “ Không, trời ở đây rất đẹp. M có vẻ bị ám ảnh nhiều về những cơn mưa?”. Chỉ một câu hỏi đã khái quát thành một nỗi ám ảnh. Ám ảnh? H khái quát cũng không sai tâm trạng của M. Sao không thể gặp nhau một lần sau mười lăm năm không tin tức, hả H? M tự hỏi và đã biết câu trả lời. Cũng như M chẳng thể đến gặp T, dù đã hơn hai mươi năm trôi qua. Người ta cứ chạy lòng vòng đuổi bắt kỷ niệm, vậy đó. Mười lăm năm trước, H cũng bất ngờ như thế gọi điện hỏi thăm, rồi lặng tăm dù H vẫn thường xuyên ghé qua Sài Gòn. Hai lần mười lăm năm, tóc ai cũng vương màu khói. M hỏi H bây giờ ra sao thì được trả lời “Trông giống một lão sinh viên Văn Khoa”. Không ai chịu quên cái gốc Văn Khoa lảng đãng, ngây thơ, non yểu của mình cả.

Tháng bảy thứ nhất của năm trôi qua theo những dòng tin nhắn của H, trôi tuột theo những cơn mưa to nhỏ tưởng sẽ ngưng khi tiếp qua một tháng bảy khác nữa. Nhưng mưa đã không ngưng mà như còn dầm dề dai dẳng hơn. Và, phải chăng vì mưa quá nhiều đã ủ mềm tâm hồn làm nhiều người chợt quên đi phút chốc con người thực tại khô lạnh của tuổi để quay về một thời xa lắc ngỡ không còn nhớ. Gần mười hai giờ khuya một tối thứ bảy, tiếng chuông tin nhắn cell phone bất ngờ vang làm M vội choàng dậy. “Có biết là Q đang nhớ M lắm không?” – “Xin lỗi, ai vậy?” – “M quên thật rồi sao? TQ đây” – “Ôi, Q hả? Q đang ở đâu?” – “VT” – “Làm gì?” – “Có lớp giảng, bỗng nhớ M da diết” – “Sao xưa không nói nhớ, bây giờ còn đâu xuân xanh để nói nhớ nữa” – “Tuổi trẻ nào mà không ngại ngùng”. Hai mươi chín năm, một chữ nhớ chuyển vội trong đêm thức say tỉnh, chân chất, câm lặng như tình cảm rụt rè của người bạn cũ. M trằn trọc quay lại khúc phim mờ nhạt. Những ngày ngồi học nhóm cùng nhau sau bảy lăm, Q hiền, ít nói bên cạnh M dịu dàng, thầm kín. M lúc đó ở đâu sao vô tâm không nhận thấy tình Q. M bỗng nhớ đêm Q đưa M ra ga đi HN học tiếp. Chiếc xe đạp cọc cạch Q chở M qua những con đường vắng ngắt. Suốt con đường dài Q và M đều câm lặng không ai nói với ai một lời. Rồi lá thư đầu tiên của Q đến với M nơi thành phố lạ. Q đã trách M sao không ngoái lại, để Q một mình vô vọng nhìn theo đoàn tàu lạnh lùng chuyển bánh. M hờ hững, vụng về chẳng nói được một câu từ biệt, cám ơn Q. Không một lời tỏ lộ, lại có thể ôm trong lòng suốt hai mươi chín năm?

M những tưởng chỉ còn mình là kẻ lãng mạn duy nhất, không còn xứng hợp với tuổi. Ai ngờ bao nhiêu người chung quanh vẫn thế, vẫn như M chập chờn trôi trong dòng sống mù mờ không phân định, không thể lãng quên. Một chớp mắt thanh xuân quyến rũ ấy bàng bạc mãi một đời nhọc mệt con người. Phải chăng là vậy? EB tin, một niềm tin chắc nịch “Những điều không đạt được sẽ là những điều tốt đẹp nhất”. Ai đó thì xác quyết “Chia tay là sự trùng phùng vĩnh cửu”. M hoài nghi, nhìn sự việc theo chiều tích cực. M vẫn nghĩ nếu người ta biết thương nhau nhiều hơn, biết sống vì người khác nhiều hơn bản thân một chút thì không chừng mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Có vẻ như M hơi đơn giản trong suy nghĩ. M cũng mong được thật sự đơn giản để sống. Nhưng cơn mưa cứ đến, luân phiên, đều đặn theo mùa rồi dông bão cũng tràn theo. Những cơn bão nhiệt đới đổ qua nơi đây không tàn khốc bằng những cơn bão đâu đó bên kia đại dương nhưng cũng đủ làm lao đao bao cảnh đời. Một người phụ nữ vừa quen bỗng dưng gửi đến M một bài hát có những câu buồn điếng “ …Chủ nhật nào tôi im hơi / vì đợi chờ không nguôi ngoai / bước chân người nhớ thương tôi / đến với tôi thì muộn rồi…”. Chị, với một bóng hình ba mươi bốn năm khắc khoải, tự dưng tìm đến M như một gửi trao bất chợt. M cứ vô tình đi lướt qua những góc ẩn khuất của cõi người như thế, và M buồn. Dĩ nhiên nỗi buồn ấy không ai cần vì M có vui hay buồn thì cuộc sống cũng cứ thế diễn ra, không khác đi được. Mưa. Ðêm. Tin Nhắn. P thì “Sao hồi đó M vô tâm quá vậy? M có biết mình vẫn còn giữ mấy dòng thơ rơi của M không?” – “Thơ của M? Ở đâu?” – “Lúc M nhờ chuyền cho nhỏ N, mình đã không chuyền và giữ lại” – “Ðể làm gì?” – “Ðể nhớ”. Lại nhớ, vu vơ một thời cắp sách. M ở đâu những ngày ấy, sau khi T ra đi M chẳng còn nhìn thấy được ai. M không ngờ những người bạn cũ của M đa cảm đến vậy. Ai cũng có một chút gì để nhớ, để bớt hoang mang, cô đơn khi chiều tà bóng xế. EB bảo, cấm M không được nói đến những từ già, đứng, cứng, chiều tà, bóng xế… Ừ, không nói thì không nói nhưng hiện thực vẫn là hiện thực, có cải biến được đâu, EB.

Thương, rất thương khi EB lặng lẽ: Người xưa ấy không muôn trùng xa cách / Người vẫn ở bên ta / Cùng trải muộn phiền nơi lều vắng / Người vẫn đi cạnh ta / Cùng chia lạc lõng giữa đông người. Trăm năm, ngàn năm câm nín, ai là người tri âm đây? Con người sẽ mãi hoài đi lướt qua nhau và chẳng bao giờ có thể nhìn thấy được nhau. Như những cơn mưa tháng bảy chợt đến chợt đi mất hút trong vô tận đất trời.

 
 

Nguyễn Kim Anh