Trên Ngàn Non Mây Xanh Khuất Thẳm

 
 
 

Giữa mênh mông mây trời, tôi đặt chân đến nơi cách đây gần tám trăm năm Đức Trần Nhân Tông đã chọn quy y lúc mới bước qua độ tuổi bốn mươi. Tôi đã đi như trốn chạy những cơn mưa vừa bắt đầu trút đổ trong thành phố. Không ai biết tôi đã mong mưa như thế nào sau những tháng nắng khô hạn nồng gắt. Vậy mà, khi mưa đến tôi tự nhủ phải đi đâu đó để thoát ra khỏi nó. Thoát ra khỏi sự trĩu nặng, oằn oải bám siết trái tim tưởng không còn có thể thở được.

Ngồi bên cội sứ già tám trăm năm tuổi, bổng dưng lời thơ ai quay mòng không mong. Tôi nhớ đến cụm từ “ngàn xanh dát biếc” khi nhìn quanh qua bao la bạt ngàn rừng núi Yên Tử. “Em chân trần đi qua hôm xưa còn. Và ngàn sau mất”. Ai chân trần đi qua đây đêm xưa mà nay vẫn còn trơ trơ cùng tuế nguyệt những bông hoa trắng mơ vàng khiết mộc e dè hương tỏa sắc khoe? Bên vách núi cheo leo này, chẳng lẽ người đàn ông vương giả, quyền thế Trần Nhân Tông đã cúi xuống, cần mẫn xới từng mảnh đất lèn đá sỏi rồi cắm vào đó những cành sứ non tơ? Khi ấy, ông có bao giờ nghĩ sẽ ngàn sau còn mãi? Tôi thật lẩn thẩn. Liên tưởng và so sánh sao quá khập khiễng!

Người đàn ông có tên húy Khâm ám ảnh tôi dọc dài trong suốt chuyến đi. Nhìn theo con mắt người đời, ông hẳn là người cực kỳ may mắn vì được sinh ra trong vương giả, nhung lụa. Mới ngoài hai mươi nhận quyền sở hữu riêng một thiên hạ và một đất trời. Trên đỉnh cao quyền lực ông quyết rời bỏ nó năm ba mươi tám tuổi. Từ giả kinh thành phồn hoa tìm lên Yên Tử, bốn mươi ba tuổi, xuống tóc khoác nâu sòng khổ hạnh. Sử sách ghi hờ hững, ngắn gọn “sự nghiệp trùng hưng sáng ngời” nhưng “để tâm nơi kinh Phật”. Không ai biết ông đã sống đã đau như thế nào để có thể đốn ngộ nhanh đến vậy. Ngoài cảm thức sâu sắc “thân ảo ảnh chẳng khác phù vân”, phải chăng chiếc gánh giang sơn nặng nề che khuất trái tim khát khao tự biểu hiện cũng là một trong những nguyên do? Tôi thật mạo phạm khi muốn đi vào bên trong tâm sâu khuất ẩn của ông. Điều chắc chắn không thể. Không bao giờ có thể.

Người đàn ông bốn mươi ba tuổi tự đóng kín cửa lòng đi tìm an tịnh trên ngàn non mây xanh khuất thẳm. Ông cũng may mắn hơn người bởi đã nhanh chóng tìm được cho mình một đỉnh núi tuyệt vời nên thơ, hùng vĩ để viên thành chánh quả. Kiếp phù sinh bỏ lại sau lưng, chắc hẳn trở nên nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi, người hậu sinh sau gần tám trăm năm tìm lên đỉnh núi của ông ngẩn ngơ ngồi mơ màng tự hỏi. Giữa cái có thể và không thể, có lẽ khoảng cách tám trăm năm giữa ông và tôi cũng trở thành vô nghĩa.

Bao nhiêu người rồi nhỉ, trên thế gian này từ thuở có ông đến nay, đã đóng chặt kín cửa lòng lúc vừa bốn mươi ba tuổi hay chỉ mới hai mươi nhưng vẫn mãi lay hoay trong bến mê hoang lạnh cõi đời. Giá tôi biết được làm sao sự quá khích, ương bướng lại bạo liệt đến thế. Hay cũng chính là một cách hành xử tự kỷ vì lỡ ngây dại quá yêu. Nỗi đau nhớ làm chai lạnh trái tim với người này và bạc trắng mái tóc của người kia. Cách nào thì cũng lặn ngụp trong trầm mơ khổ ải không tìm ra nơi chốn nào của riêng mình. Lơ mơ đứng trên mặt đất bao la vậy mà một khoảnh nhỏ hẹp tìm hoài không thấy. Tôi không phải là chàng Schwarz khốn khổ của E. M. Remarque. Không tìm được một Yên Tử như Đức Trần Nhân Tông, nhưng tôi có một thành phố tôi đã rất yêu và không thể xa rời. Vậy sao lại mãi khắc khoải gặm nhắm nỗi đau của chàng Schwarz? Tôi cần gì, Schwarz cần gì trong thế giới hỗn mang chúng tôi phải gánh đến oằn vai?

Vâng. Giá tôi biết được. Giá chúng tôi có thể biết được.

 
 

(tháng bảy)

Nguyễn Kim Anh