Vọng Động Một Bài Thơ Cũ (*)

 
 
 

Những ngày cuối năm này, trời Sài Gòn lạnh se, heo hắt. Trong cái heo hắt bất chợt ấy, trước mắt tôi, hình ảnh một chàng trai hai mươi sáu tuổi, một mình lang thang “đi qua phố chiều mà rưng rưng nước mằt” trong ngày sinh nhật của mình, thật thảm đạm. Thảm đạm và tuyệt vọng như những câu thơ được viết

Ta sờ tay lên định mệnh của mình
Phía này gai lửa phía nọ rêu xanh
Cái làm thành ta ngày xưa và hôm nay vẫn chỉ là tuyệt vọng
Nỗi tuyệt vọng lớn lên như mầm xanh những ngày mưa

Tuyệt vọng, nhưng sao lại ví như những mầm xanh của ngày mưa? Tôi nghĩ, khi viết câu thơ ấy, người viết thật ra là vẫn còn dành cho chàng trai tràn đầy hy vọng, tràn đầy khao khát, dù cái hy vọng, khao khát chỉ là “cây trái đời mật đắng”.

Ta chưa gục ngã trong niềm cô đơn trùm kín
Chưa chết ngộp giữa lời thầm thì của mưa của biển


Tôi, với cảm xúc đàn bà, bỗng thấy mắt mình cay khi đọc được những mong chờ, hy vọng nhỏ nhoi, bình thường đơn sơ của một chàng trai tuổi xanh vừa chín tới

Vẫn thương yêu đứa con chưa có mặt
Đi trong mưa vẫn nghĩ đến mái nhà lứa đôi

Chúng ta sẽ đến chỗ hẹn hò ngày xưa
Trên trái đất mênh mông sông núi biển rừng buồn thảm
Một chút diện tích nhỏ làm tổ ấm
Ích kỷ riêng tư như hạnh phúc
Như chỉ riêng anh và em giữa nghìn triệu giấc mơ
Giữa nghìn triệu con người ngoài đời thú dữ

Cái hy vọng, mong ước nhỏ nhoi bình thường đơn sơ ấy liệu định mệnh có cho tất cả mọi người không. Và, tự dưng tôi lại bị ám ảnh về hai chữ định mệnh trong bài thơ. Hai mươi sáu tuổi, chàng trai đã dự cảm rất linh ứng cái gọi là định mệnh của đời mình

Ngó sửng chính đời mình đang trôi đi mất
Định mệnh đã nghiêm khắc với ta ngay từ buổi đầu


Tôi từng không muốn tin vào định mệnh, đã rất cố gắng để đấu tranh chống lại nó. Bây giờ, sau những gió bão cuộc đời, tóc không còn đen nữa, tôi thấm thía một câu đã đọc từ xưa xa “Con người chỉ là trò chơi tất định của Thượng Đế”. Cao xanh hình như có khi hào phóng với người này và khắc nghiệt với người kia. Có lẽ, ông nghĩ, như thế để tạo cho con người biết thế nào là đau đớn, khát thèm, đấu tranh, hy vọng, vô vong... chăng? Chợt nhớ khập khiểng câu thơ của cụ Tiên Điền “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Trời xanh đâu chỉ ghen với má hồng, ông ghen cả với tài tử.

Hai mươi sáu tuổi, biết bao những chàng trai khôn ngoan cạn cợt khác đang vui vẻ sống, cố luôn lách thay đổi số phận, thì với người viết, SỐNG không phải là SỐNG nữa “mà chỉ là sống sót”. SỐNG, đối với chàng trai đã chấm dứt. Đi lại, nói năng, ăn uống, hít thở... đã là một tồn- tại- không- phải- chàng. Một cách chọn lựa, hay phải là như thế. Tôi hiểu, và tôi biết, có không ít người đã không thực SỐNG nữa khi họ vừa qua tuổi đôi mươi, thuở ấy.

Ba mươi ba năm. Tuổi của bài thơ đã nhiều hơn tuổi chàng trai dạo nọ. Những rung cảm vẫn rưng rức dù người đọc hôm nay mắt nhìn không còn sáng rõ nữa. Và, một đời người, nhiều đời người đã trôi đi. Lặng đắng. Như buông bỏ. Nhưng, có thể nào lại tự buông bỏ đời mình khi nó đã nằm trong lòng tay dửng lạnh của số phận?

NKA
31.12.2011

___________________________________________________
(*) Khi Ngó Lại Đời Mình Thơ Phạm Kim Tần