Cái Giá Của Việc Học

 
 
 

TTCN - Bộ Giáo dục - đào tạo đã có hẳn một đề án tăng học phí từ nay đến năm 2007. Theo các giới chức có trách nhiệm, tăng học phí để có thêm kinh phí nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Chưa biết cách biện giải đó đúng đến đâu, nhưng chúng tôi muốn nêu vài ý kiến về chi phí cho việc học.

Nếu như nói rằng học sinh, sinh viên bây giờ phải đi mua chữ thì thật có tội với cha ông, nhưng quả là đối với người nghèo, có khi họ phải đổi cái ăn để lấy cái chữ. Số liệu điều tra của Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM năm 2001 cho thấy mức bình quân mà một sinh viên phải chi cho một năm học của mình là 3,1 triệu đồng, với một học sinh THPT là 2,6 triệu đồng, một học sinh THCS là 1,49 triệu đồng, và ngay với học sinh tiểu học vẫn được tiếng là không phải đóng học phí cũng phải chi đến 1,1 triệu đồng. Mức chi thực tế này so với mức học phí mà ngành giáo dục qui định thì khoảng cách là một trời một vực.

Như ở TP.HCM, mức học phí qui định cho một học sinh THCS là 135.000đ thì mức chi thực tế gấp đến 11 lần, và với một học sinh THPT thì gấp 9,6 lần. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu phát triển Swansea cho thấy các lý do của sự chênh lệch này. Đó là gia đình phải đóng góp các khoản phí xây dựng, phí vệ sinh, quĩ hội phụ huynh học sinh, phí bảo hiểm... Ngoài ra, gia đình còn phải trả tiền các kỳ thi, mua sách vở, đồng phục, dụng cụ học tập cũng như các khoản chi không chính thức khác như quà mừng nhân ngày 8-3, Ngày nhà giáo VN 20-11, quà mừng năm mới...

Mức chi cho việc học rất khác nhau giữa các tầng lớp. Khi chia dân cư thành năm nhóm thu nhập từ thấp tới cao (nhóm 1 thấp nhất, nhóm 5 cao nhất), thì ở tất cả cấp học, mức chi của nhóm có thu nhập cao luôn cao hơn mức chi của những học sinh, sinh viên thuộc nhóm có thu nhập thấp (bảng dưới cho ta thấy điều này).

So sánh mức chi giữa nhóm 1 và nhóm 5, rõ ràng là nhóm có thu nhập cao đã chi cho giáo dục cao hơn hẳn. Số liệu ở trên cho thấy mức chi của những hộ nhóm 5 cho một học sinh THPT cao hơn gấp 1,65 lần, ở cấp THCS gấp 1,94 lần và ở cấp tiểu học gấp 1,74 lần. Sự khác biệt về đầu tư cho việc học của con em ở những gia đình có mức thu nhập khác nhau dĩ nhiên sẽ dẫn đến kết quả học tập khác nhau: con em những gia đình nghèo thường học không bằng con em những gia đình khá giả.

Cho dù mức chi cho việc học của những gia đình có thu nhập cao cao hơn nhiều so với những gia đình có thu nhập thấp, nhưng so với thu nhập bình quân nhân khẩu của gia đình thì tỉ lệ chi của những gia đình nghèo lớn hơn rất nhiều. Nói khác đi, người nghèo nếu muốn cho con em mình đi học phải bớt cái ăn của cả gia đình. Một hệ quả ta có thể dễ dàng thấy được: ở những lớp học càng cao thì con em của những gia đình nghèo càng ít.

Như vậy, với mức chi cho việc học như hiện nay chúng tôi thấy đã là quá cao. Chúng tôi cho rằng để tăng mức học phí, cần có những nghiên cứu thận trọng hơn chứ không chỉ đơn giản là so sánh với các nước trong khu vực hoặc ở đâu đó rồi ấn xuống cho những người đi học và gia đình họ phải gánh chịu. Mức chi cho việc học như chúng tôi vừa nêu trên đã tạo ra một rào cản không cho phép một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên đến trường, huống gì là còn tăng lên nữa.

Bình quân tổng chi cho việc học năm 2001 (1.000Đ/người)

 

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhóm 3

Nhóm 4

Nhóm 5

Tiểu học

996

1.025

1.048

1.418

1.738

THCS

1.098

1.256

1.446

1.453

2.133

THPT

1.972

2.545

2.442

2.338

3.270

Cao đẳng, Đại học

2.538

3.106

3.025

3.337

3.121



Ghi chú: mức chi được tính theo giá so sánh năm 1998; để tính theo giá năm 2001, chỉ cần nhân với 1,1715621

 
 

Nguyễn Thu Sa