BAUDELAIRE

(1821-1867)

 
 
 

I. Tiểu sử
Charles Pierre Baudelaire sinh tại Paris ngày 9 tháng 4 năm 1821 và mất ngày 31 tháng 8 năm 1867 là một thi sĩ Pháp, tác giả tập thơ gây tranh cãi “Hoa Sự Ác”- Les Fleurs du Mal. Ông chỉ được ít bạn bè hiểu và thông cảm. Trong báo Le Figaro ra ngày 5 tháng 7 măm 1857, Gustave Bourdin phản ứng khi tập thơ “Hoa Sự Ác” được xuất bản: “Người ta có lúc nghi ngờ tình trạng tâm lý của Ông Baudelaire, có lúc không; - chính sự lặp lại thường xuyên và tính trước của cùng những sự việc, cùng những ý tưởng. Cái ghê tởm đi cạnh cái đê tiện; điều gớm ghiếc đi với điều tồi tệ…” Ngày nay khi được công nhận như một cây viết hàng đầu của lịch sử thi ca Pháp, Baudelaire đã trở thành một nhà cổ điển. Barbey d’Aurevilly đã coi ông như một “Dante của thời đại suy đồi”.
Qua tác phẩm của mình, Baudelaire đã cố gắng dệt nên và chỉ ra những liên hệ giữa cái ác và cái đẹp, bạo lực và khoái lạc (Une Martyre). Song song với những bài thơ nghiêm túc hoặc gây phẫn nộ cho thời đại, ông đã diễn tả nỗi sầu muộn (Moesta et Errabunda) và ước muốn viễn du (L’Invitation au Voyage). Ông cũng rút cái đẹp ra từ điều khủng khiếp (Une Charogne)
Năm 1827, cha ông, Joseph-Francois Baudelaire, sinh năm 1759 ở Neuville-au-Pont, miền Champagne mất khi Charles được sáu tuổi. Con người có học thức, say mê những ý tưởng của hời kỳ Ánh Sáng, chơi tranh và cũng là hoạ sĩ để lại cho ông một gia tài mà ông sẽ không bao giờ có toàn quyền thu lợi. Một năm sau, mẹ ông tái hôn với tiểu đoàn trưởng Jacques Aupick. Nhà thơ tương lai sẽ không tha thứ cho mẹ mình cuộc hôn nhân ấy và viên sĩ quan Aupick trở thành ông đại sứ, dưới mắt ông thể hiện những trở ngại cho những cái mà ông yêu quý: mẹ ông, thi ca, sự mơ mộng, và đời sống không có gì ngẫu nhiên.
Bị đuổi khỏi trường Louis-le-Grand vì một lỗi nhỏ năm 1839, Baudelaire sống trái ngược với những giá trị tư sản mà mẹ và cha dượng là hiện thân. Ông này cho rằng đời sống đứa con vợ gây ra vấp ngã nên quyết định gởi nó du lịch qua Ấn Độ, nơi mà ông sẽ không bao giờ đến.
Trở lại Paris, ông phải lòng Jeanne Duval, một cô gái lai da đen đã làm cho ông nếm hưởng những ngọt ngào và cay đắng của đam mê. Chàng công tử bị mắc nợ, và bị đặt dưới sự bảo trợ của tư pháp, từ năm 1842 phải sống trong cảnh thiếu thốn. Lúc đó ông bắt đầu soạn nhiều bài thơ của Hoa sự Ác. Là nhà phê bình nghệ thuật và ký giả, ông bảo vệ Delacroix như người đại diện cho chủ nghĩa lãng mạn trong hội hoạ. Năm 1848, ông tham gia phong trào chống đối, nhưng chỉ mong xúi giục, như người ta nói, những phần tử khởi nghĩa xử bắn Aupick. Sau này, ông chia sẻ nổi oán hận của Gustave Flaubert và của Victor Hugo đối với Napoléon III, nhưng không đi xa trong tác phẩm của mình (Như ông viết trong bài thơ Paysage: Sự nổi dậy, cuồng phong vô ích bên ngoài cửa kính/ Không làm tôi ngước trán khỏi bàn.)
Năm 1857, cha dượng ông, tướng Aupick qua đời.
Tháng năm, năm 1857 Hoa Sự Ác được xuất bản với 500 bản. Tác phẩm sẽ bị truy tố vì “xúc phạm đến đạo đức tu hành “ và “thuần phong mỹ tục”. Chỉ cái tội sau cũng khiến ông bị phạt 300 quan, được giảm bớt 50 quan sau khi được hoàng hậu Eugénie can thiệp. nhà xuất bản Auguste Poulet-Malassis về phần mình chịu trả 100 quan và phải chịu cắt bỏ sáu bài thơ mà kiểm sát trưởng Ernest Pinard đã yêu cầu cấm đăng (Les Bijoux; Le Léthé; À celle qui est trop gaie; Lesbos; Femmes damnées; Les Métamorphoses du Vampire). Mặc dù sự khoan dung tương đối của các hội thẩm so với bản buộc tội 11 bài thơ. Tuy nhiên bản án đã làm Baudelaire xúc động mạnh, buộc ông phải viết thêm 32 bài thơ cho ấn bản mới năm 1861. Năm 1866, tác giả đã thành công trong việc ấn hành ở Bruxelles sáu bài thơ đã bị cấm cùng với 16 bài thơ mới, nghĩa là bên ngoài phán quyết của toà án Pháp với nhan đề Les Épaves.
Lúc đó nhà thơ đi qua Bỉ và sống định cư tại Bruxelles. Tại đây ông làm một bài văn đả kích đất nước đó mà dưới mắt ông thể hiện bức tranh biếm hoạ của một nước Pháp trưởng giả. Tiên cảm cái chết không thể tránh khỏi của vương quốc giả tạo ấy, ông tóm tắt mộ chí của nó trong một từ: “Thế là hết!”
Ở đó ông gặp Félicien Rops, người vẽ minh hoạ cuốn Hoa Sự Ác. Năm 1866, Baudelaire thực hiện một chuyến đi thuyết trình khắp nước Bỉ, thế nhưng tài năng phê bình nghệ thuật sáng suốt của ông không làm quần chúng chấp nhận những quan điểm khác. Khi đến thăm nhà thờ Saint-loup de Namur, Baudelaire té ngã và rơi vào hôn mê. Đưa vào bệnh viện Bruxelles ông bị liệt nửa người và mất ngôn ngữ, cùng căn bệnh cũ là giang mai. Được đưa về Paris ngày 31 tháng tám, ông mất ở tuổi 46 trong bệnh viện của bác sĩ Duval, được mai tháng trong nghĩa trang Montparnasse trong cùng ngôi mộ của ông tướng Aupick, bố dượng và mẹ ông.
Năm 1929, Louis Barthou làm đơn xin xét lại bản án năm 1857; tuy nhiên không có thủ tục nào được tiến hành vào thời kỳ đó đối với trường hợp của Baudelaire. Nhờ có bộ luật ngày 25 tháng 9 năm 1946 mà quyền xét lại các tác phẩm văn chương được thiết lập và được vị chưởng ấn thi hành theo yêu cầu của Hội các Nhà văn. Năm đó Hội các Nhà văn yêu cầu xét lại trường hợp của Hoa sự Ác – Les Fleurs du Mal và được phòng Hình sự của Toà phá án chấp thuận.

II. Bối cảnh của tác phẩm
Có lần, Baudelaire đã viết: “Khi còn nhỏ, tôi cảm thấy có hai tình cảm trái ngược trong lòng tôi: sự ghê tởm sự sống và sự xuất thần trước sự sống.”
Tất cả những tác phẩm lãng mạn lớn đều làm chứng cho sự đi qua từ điều ghê tởm đến sự xuất thần. Những ấn tượng này sinh ra trong Baudelaire từ tình cảm sâu xa về lời nguyền đè lên tạo vật sau sự sa đoạ ban đầu. Theo nghĩa này thì những Hoa sự Ác thuộc về Génie du christianisme(Thiên tài của Kitô giáo) Khi phân tích cái được gọi là “sự mơ hồ của những đam mê” trong lời tựa năm 1805 của tác phẩm ấy, Chateaubriand đã viết: “Người kitô hữu luôn luôn nhìn mình như một người lữ hành đi qua đời này trong một thung lũng nước mắt và chỉ được nghỉ ngơi trong một nấm mồ.” Đối với Baudelaire điều quan trọng không phải là văn chương, những khái niệm ít nhiều trừu tượng, nhưng là “cảnh quang sống động của nỗi khốn cùng buồn bã” của con người. Như tự nhiên, con người bị tội tổ tông làm ô uế, và bắt chước theo René hoặc Werther (nhân vật của Goethe), Baudelaire thường chỉ cảm thấy tởm lợm trước một “đám đông đê tiện” (Recueillement). Điều làm ông xúc động trước nhất là tính ích kỷ và hung dữ của con người, sự tê liệt về tinh thần, sự thiếu vắng cảm thức cái đẹp và cái tốt lành trong con người.
Baudelaire còn phải đau khổ hơn mọi người khác: Albatros tố giác khoái cảm mà kẻ “dung tục” tìm kiếm khi làm đau khổ, đặc biệt hành hạ nhà thơ. Trong cuốn Art Romantique, Baudelaire nhận xét rằng: “Chính một đặc quyền kỳ diệu của Nghệ thuật làm cho điều ghê tởm , khi được diễn tả một cách nghệ thuật trở thành cái đẹp và sự đau đớn có nhịp điệu đem lại cho tinh thần một niềm vui bình thản. Những bài thơ như Le Mauvaise Moine, L’Ennemi, Le Guignon cho thấy khát vọng biến đổi đau khổ thành cái đẹp ấy. Trước Baudelaire ít lâu, Vigny và Musset cũng đã ca ngợi sự đau khổ.
Làm thế nào Baudelaire có thể tin tưởng vào khả năng hoàn thiện của các nền văn minh? Một mặt ông chỉ thấy khinh thường đối với chủ nghĩa xã hội, mặt khác cả với chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên. Với một ngoại lệ đối với Hororé de Balzac nhà văn theo xu hướng tự nhiên, trong đó Baudelaire coi Balzac như một nhà quan sát thực tại xã hội, hơn thế nữa một người có thị kiến say mê.
Những lời mỉa mai đối với các học thuyết xã hội, hiện thực và tự nhiên có rất nhiều trong tác phẩm của ông. Cũng như Edgar Poe mà ông đã dịch thơ, ông quan niệm “Sự tiến bộ, ý tưởng vĩ đại hiện đại, như một sự xuất thần của những anh ngốc cả tin”. Để dứt khoát với “những tà thuyết” hiện đại, Baudelaire còn từ bỏ cả “tà thuyết” trong giáo huấn”: “Chỉ cần người ta muốn xuống trong chính mình, tra hỏi tâm hồn mình, nhắc lại những kỷ niệm nhiệt thành thì thi ca không có một mục đích khác ngoài chính nó.[…] Tôi nói rằng nếu nhà thơ đã theo đuổi một mục đích luân lý, ông đã giảm bớt sức mạnh thi ca của mình; và không có gì là khinh suất khi nói rằng tác phẩm của ông ta là tác phẩm tồi. Nhà thơ không vì thế mà không phản kháng trước sự khốn cùng của nhân loại cả trong hình thức tân thời là ‘khôi hài đen’.
Từ bỏ thuyết hiện thực và thực chứng của thời mình, Baudelaire thừa hưởng quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” của phong trào Thi Sơn. Ông đã thăng hoa tính cảm xúc và tìm cách đạt đến chân lý chủ yếu, chân lý của con người về vũ trụ, điều này đưa ông đến gần những từ ngữ triết học của học thuyết Platon. Trong tạp chí Salon de 1859, ông viết: “Người nghệ sĩ, người nghệ sĩ chân chính, nhà thơ chân chính, chỉ nên mô tả theo điều mình thấy và cảm nhận. Anh ta phải thật sự trung thành với bản tính của riêng mình.” Như thế Baudelaire phát biểu sự khám phá nền tảng của tính cảm xúc hiện đại: “Cái đẹp luôn luôn kỳ dị. Tôi không muốn nói rằng nó phải cố tình kỳ dị, một cách lạnh lùng, vì trong trường hợp này nó sẽ là một quái vật đi ra từ đường ray của đời sống. Tôi nói rằng nó luôn luôn chứa đựng một chút kỳ dị không cố ý, vô thức và điều kỳ dị ấy làm nó trở nên cái đẹp đặc thù.”


III. Nghệ thuật thi ca
Vì thế, đối với Baudelaire, trí tưởng tượng là “bà hoàng của mọi khả năng”. Nó thay thế cho sự kiện bằng “một thể hiện theo truyền thuyết về đời sống bên ngoài”; cho hành động, sự mơ mộng. Quan niệm thi ca này loan báo quan niệm của hầu hết các thi sĩ theo sau ông. Tuy nhiên Baudelaire đã không sống tác phẩm của mình, là “thi sĩ bị nguyền rủa”, theo ông đời sống và thi ca trong một mức độ nào đó bị tách rời. Ông diễn tả điều đó khi nói rằng: “Có cái gì thật hơn trong thi ca, cái gì chỉ hoàn toàn đúng trong một thế giới khác”. Chỗ mà Baudelaire và Stéphane Mallarmé chỉ nghĩ là tác phẩm nghệ thuật thì những nhà siêu thực sau Athur Rimbaud và họ sẽ liên kết hành động với ngôn ngữ. Mặc dù có sự bất đồng với các thi sĩ đến sau, Baudelaire được tôn vinh như người mà Rimbaud đã coi là một mẫu mực: “Baudelaire là nhà thấu thị (người có thiên nhãn) đầu tiên, vua của các nhà thơ, Thượng Đế thật.” Phải chăng Sartre sẽ dùng cái pour soi (tự quy) của ông để giải thích sự thấu thị này trong cuốn sách phê bình viết về Baudelaire? Tuy nhiên để nhìn thấy mối liên hệ giữa thi ca của Baudelaire với thế hệ sau ông chỉ cần so sánh vài phát biểu của Baudelaire:
“[…] liệu người ấy biết được những giờ phút đầy cảm thán đó, những lễ hội thật sự của trí tuệ, ở đó các giác quan chăm chú nhận biết những cảm giác âm vang hơn, bầu trời xanh biếc chìm tan vào một vực thẳm bao la hơn, tiếng chuông trong trẻo đầy chất nhạc, màu sắc nói nên lời và hương thơm kể về những thế giới ý tưởng không? Thế nên, hội hoạ của Delacroix hiện ra với tôi như như sự diễn tả những ngày tươi đẹp ấy của tinh thần. Hội hoạ ấy đã mặc lấy một cường độ và vẻ huy hoàng của nó rất đặc trưng. Như thiên nhiên được những dây thần kinh siêu nhạy cảm nhận, nó bộc lộ tính chất siêu tự nhiên.”
Với đoạn sau đây trong Tuyên Ngôn đầu tiên của Chủ Nghĩa Siêu thực (Premier Manifest du Surréalisme):

“Việc thu nhỏ trí tưởng tượng vào tình trạng phụ thuộc, cho dù người ta còn gọi một cách thô bỉ đó là hạnh phúc, đó là lẩn tránh những gì ngườ ta tìm thấy là công bình cao cả trong lòng mình. Chỉ trí tưởng tượng làm tôi nhận thức điều có thể hiện hữu, và thế là đủ để có thể giở bỏ điều cấm cản đáng sợ; cũng đủ để tôi buông mình theo nó mà không sợ bị sai lầm.”
Như thế, trong mầm mống học thuyết siêu tự nhiên bao hàm một số khía cạnh trong tác phẩm của Lautréamont, của Rimbaud và của chính học thuyết siêu thực.
Khi đề cập đến hội hoạ của Eugène Delacroix và tác phẩm của Théophile Gautier, Baudelaire đã sử dụng công thức nổi tiếng ấy xác định rất đúng nghệ thuật của ông: “Vận dụng tài tình một ngôn ngữ, chính là thực hiện một loại ma thuật cầu đảo. Chính lúc đó màu sắc nói, như một âm thanh sâu xa và rung động, các công trình vươn lên, nhô vào không gian sâu thẳm; thú vật và cây cỏ, những đại biểu cho điều xấu xí và hung ác, nói ra vẻ nhăn nhó của chúng không chút mơ hồ, hương thơm gợi lên tư tưởng và kỷ niệm tương thông; và đam mê thì thầm hay gầm rống ngôn ngữ của nó muôn đời vẫn thế.”
Trước Baudelaire, chỉ có Gérard de Nerval, đã tạo nên một thi ca không phải là văn chương. Giải thoát mình khỏi cái ách của lý trí, từ nay thi ca có thể diễn tả cảm giác trong sự thô bạo của nó.
Và vì thế trong những bài thơ hay nhất của mình, Baudelaire cũng như Mallarmé và Maurice Maeterlinck chỉ giữ lại âm nhạc của thơ cổ điển, khi tránh xa tính chất quá máy móc của câu thơ mười hai âm tiết bằng những ngắt đoạn không đều đặn, những chỗ vắt dòng, những câu vắt, và họ loan báo bước đầu của những câu thơ có âm tiết lẻ của Verlaine, những khổ độc của Laforgue để sau cùng tạo ra những câu thơ tự do. Như thế, dù không biết Baudelaire đã thành lập những cơ sở của điều mà sau này người ta sẽ gọi là chủ nghĩa tượng trưng.

Cùng Độc Giả
(Au lecteur)

Sự ngu xuẩn, tội tình và biển lận
Chiếm lĩnh hồn ta và hành hạ xác thân
Nuôi chúng ta bằng nuối tiếc vô vàn,
Như hành khất nuôi một đàn chí rận

Tội lỗi cứng đầu, ăn năn hèn nhát
Ta trả nặng nề giá của ước mơ,
Và vui mừng quay lại nẻo đường nhơ
Tưởng lệ nóng đủ xóa đi tỳ tật.

Trên cái gối của Xatan độc ác
Ta để hồn bị ru ngủ lâu ngày
Ý chí này sắt thép hóa hơi bay
Trong tay quỷ dùng luyện kim tạo tác.

Chính quỷ dữ cầm đầu dây kéo giật
Ta thấy đồ ô uế hóa mồi mê,
Và mỗi ngày, một bước xuống âm ty
Không sợ hãi qua đêm ghê mùi xác.

Kẻ trác táng đớn hèn hôn, nhấm nháp
Vú của nàng kỹ nữ chịu cực hình,
Lén lút tìm lạc thú cuộc phù sinh
Như cố nặn giọt đường từ cam héo.

Như hàng ngàn con giun chen chúc bám
Bộ não ta là tiệc rượu của bầy yêu,
Và khi thở, Tử Thần trong phổi nám
Âm thầm than như nước thối chân cầu

Nếu hỏa tai, thuốc độc, sự cưỡng dâm
Chưa thêu dệt bằng tranh vui kỳ quái,
Và tấm vải số phần ta thảm hại,
Vì hồn ta, khổ nỗi, hóa ươn hèn.

Nhưng giữa sài lang, hổ báo, rắn trùng,
Loài diều hâu, bò cạp lửa, heo rừng
Bầy thú kêu la, nhảy nhót, rống gầm
Trong khu vườn thế nhân đầy tật xấu.

Đây tanh hôi quái thú rất hung tàn
Dù không nhảy, không kêu gào to tiếng.
Nó chủ tâm làm thế nhân tan biến
Nuốt mọi người qua cái ngáp vô tâm.

Chính Chán Chường mắt đẫm lệ thất thần,
Hút tẩu thuốc mơ màng nhìn máy chém,
Bạn biết nó, con thú hoang cả thẹn,
Hỡi người đọc giả hình – đồng loại – bạn thân.


Chim Đại Hải Âu
(L’Albatros)

Thường để đùa vui đoàn thủy thủ trên tàu,
Bắt những hải âu, loài chim to của biển
Làm bạn đồng hành trong cuộc viễn du
Theo con tàu lướt qua nhiều vực thẳm.

Khi đặt chim trên sàn tàu trơn trượt,
Loài chim vua xấu hổ kéo vụng về
Đôi cánh dài trắng mượt não nề
Rũ bên thân đôi mái chèo vô dụng.

Kẻ du hành trên không đi lạch bạch,
Xưa đẹp sao, giờ xấu xí khôi hài,
Thủy thủ này ống vố gõ mõ dài
Còn anh nọ nhại chim đi khập khiểng.

Người thi sĩ như ông hoàng mây gió
Thách bão bùng nhạo báng kẻ giương cung.
Khi bị đày trên mặt đất ác hung,
Đôi cánh lớn ngăn ông hoàng đi đứng.


Lên Cao
(Élévation)

Trên ao hồ và trên những lũng sâu
Trên núi, trên rừng, trên mây, trên biển,
Xa hơn mặt trời, bên ngoài khí quyển
Những biên bờ của các tinh cầu.

Tinh thần tôi ơi, em vận hành linh hoạt
Như người bơi nhảy múa với sóng xanh
Em mở đường xuyên khối nước mênh mông
Vẻ cường tráng trong niềm vui chất ngất.

Bay đi em, xa trần nhơ bệnh hoạn;
Tẩy trắng mình trong không khí thượng tầng
Và uống tinh tuyền một chút rượu thần,
Lửa thanh khiết đầy không gian tươi sáng.

Sau những đau buồn, phiền muộn bao la
Bởi mang nặng gánh đời như sương khói,
Phúc thay người trên cánh bay vời vợi
Lao mình qua cánh đồng sáng chói lòa;

Người nào có tư duy như chim sáo,
Buổi sáng tự do cất cánh về trời,
Không nhọc công, khi bay lượn trên đời
Biết lời hoa và những điều diệu ảo.


Tương Thông
(Correspodances)

Thiên nhiên là ngôi đền hàng cột sống
Đôi khi làm phát tiết những ẩn ngôn
Người lãng du qua cánh rừng biểu tượng,
Ánh mắt thân quen chiêm ngắm sáng hồn.

Như âm hưởng từ xa về hòa nhập
Cùng bóng đen của Nhất thể thâm sâu,
Rộng như đêm và bát ngát ánh mầu
Cho hương sắc cùng âm thanh đối đáp.

Có hương thơm tươi nguyên da trẻ nhỏ
Tiếng sáo dịu dàng, đồng cỏ xanh non
Khiến giàu sang và hãnh tiến héo hon,

Điều vô hạn cơ duyên này khai mở
Như oải hương, cánh gián với hương trầm,
Hát trường ca ngây ngất của thân tâm.


Tôi yêu thích những thời xưa hoài niệm
Thái Dương thần trang điểm các tượng đài
Khi đàn ông, phụ nữ rất khoan thai
Vui hạnh phúc không lo buồn gian diếm
Bầu trời tình vuốt ve lưng trắng mượt
Tập tành cho thân xác họ tươi hồng
Thần Mẫu Cybèle rộng rãi nhiêu phong
Không cảm thấy đàn con là gánh nặng
Nhưng sói cái căng phồng tim ban tặng
Núm vú nâu cho bú mớm trần hoàn
Và con người cuờng tráng tỏ oai phong
Phô vẻ đẹp làm quân vương trái đất;
Trái vườn xuân tròn căng không tỳ tật
Vỏ láng trơn mời gọi dấu răng người.


Thi sĩ hôm nay, khi muốn ngắm nhìn
Điều cao cả khởi nguyên, ôi! chỉ thấy
Những đàn ông cùng phụ nữ trần truồng
Cảm nhận hồn mình lạnh trong vỏ tối,
Trước bức tranh đầy cảnh tượng hãi hùng.
Những quái thú khóc trên đồ nhung lụa
Những thân cây tứa máu dáng não nề,
Những thân người quằn quại vẻ thảm thê
Những anh chàng bụng phệ hoặc nhão nhè.
Chính ông thần Đại Lợi rất khắc khe
Quấn tả lót đồng thau cho các bé
Và các bà, than ôi! xanh xao như đèn sáp
Mà lửa hồng nuôi dưỡng sự bê tha
Làm mòn mỏi, còn các cô trinh nữ lượt là
Mang trong máu di căn bà mẹ xấu
Ghét vô cùng nữ tính vốn phong nhiêu.


Nàng Thơ bệnh
(La Muse Malade)

Nàng Thơ hỡi, sáng nay em sao thế?
Mắt em sâu chan chứa mộng không lành
Tôi băn khoăn nhìn ngắm nước da xanh
Vẻ câm nín như điên cuồng, ghê sợ.

Ma quái nào xanh và tiểu quỷ nào hồng
Làm em sợ và vấn vương bình đựng cốt?
Ác mộng nào với nắm tay tàn khốc
Nhận em chìm vào Âm phủ hoang đường.

Tôi muốn xông em mùi hương khoẻ mạnh
Cho vú xinh nuôi ý tưởng ngọt ngào
Máu tín đồ đạo hạnh sóng lao xao

Như đồng vọng nhạc xưa sầu tha thiết
Nơi bậc thầy nhã nhạc hát dâng công
Lên Thái Dương thần, và cả Thần Nông.


Nàng Thơ Mua Lại
(La Muse Vénale)

Nàng thơ tôi, người tình lâu đài lạnh,
Khi tháng giêng gió bấc sẽ thổi về
Những chiều buồn tuyết đổ lê thê
Này cốc ruợu sưởi chân em tái tím.

Em có muốn vai chai gầy mềm mại
Hứng trăng đêm len lén qua mành
Túi đựng tiền và trống trải nhà tranh
Sẽ gặt hái sao vàng luôn nhấp nháy.

Để có bữa cơm chiều, ôi em phải
Như trẻ con ban ca thánh xông hương,
Hát bài Te Deum lòng chẳng vấn vương,

Hay khoe chút sắc hương em man dại
Và giấu lệ khô trong tiếng em cười
Khiến những chàng thô tục được vui tươi.


Thầy Tu Xấu
(Le Mauvais Moine)

Tu viện lớn, bức tường dày liền cạnh
Bày những tranh vẽ đời Chúa cứu nhân;
Khách hành hương tìm lại chút đạo chân
Sưởi ấm lại sự lạnh lùng khổ hạnh.

Giữa những thời Đức Kitô gieo vãi,
Lắm thầy tu danh tiếng bị đời quên
Lập xưởng tranh trên tang tóc cánh đồng
Khen cái chết với tấm lòng thơ dại.

– Linh hồn tôi là nấm mồ thầy tu xấu
Từ muôn đời an trú với đi về
Không có gì trang trí đẹp cảnh quê
Vách tu viện tỏa lan mùi xú khí.

Hỡi thầy tu vô dụng, khi nào tôi sáng tạo
Biến cảnh đau buồn thành sống động vui tươi
Thành công trình đôi tay cho mắt nhìn ưa thích?


Kẻ Thù
(L’Ennemi)

Tuổi trẻ tôi là cơn dông mờ mịt
Qua nhiều nơi bởi ánh nắng chói chang;
Sấm và mưa đã phá phách hoang tàn,
Chỉ còn lại trong vườn vài trái chín.

Tay tôi chạm đây mùa thu ý tưởng,
Để hồi sinh tôi dùng xẻng và cào,
Và sửa sang khu đất lũ lật nhào
Còn đào huyệt – những lỗ sâu to tướng.

Ai biết được những hoa xinh mùa mới
Mà tôi mơ, trên sỏi cát tinh tuyền;
Dưỡng chất nào vốn thần bí thiêng liêng
Nuôi chúng lớn kiên cường hơn mong đợi?

- Ôi đau khổ! Thời gian ăn Sự Sống,
Khi Kẻ Thù đen tối khoét tim ta,
Làm hao mòn tàn tạ máu tinh hoa
Máu đã mất sẽ lớn lên kiên vững.


Vận Rủi
(Le Guignon)

Để nâng lên khối đá nặng nề,
Sisyphe hỡi, người hãy luôn can đảm!
Dù lòng đã sẵn sàng đảm nhận,
Nghệ thuật dài, Thời gian ngắn cơn mê.

Hãy xa lánh những nấm mồ danh giá
Để hướng về vắng vẻ bãi tha ma,
Lòng ta ơi, như một cái trống rè,
Hãy đánh khúc hành ca tang lễ.

– Đồ châu báu ngủ sâu trong đất
Trong bóng đêm và giữa lãng quên
Còn cách xa những mũi cuốc đào lên.

Nhiều loài hoa tỏa hương bí mật
Mùi hương mềm chất chứa niềm riêng
Giữa quạnh hiu hoang vắng một miền.


Kiếp Trước
(La Vie Antérieure)

Tôi từng sống dưới hàng hiên to rộng
Những mặt trời miền biển sưởi lòng,
Hàng cột to đứng thẳng oai phong,
Và ban chiều giống như trong hang động.

Những làn sóng cuốn trôi bao hình ảnh
Của bầu trời, pha trộn thật nhiệm mầu
Những hòa âm mạnh mẽ nhạc đêm thâu
Với sắc hoàng hôn mắt tôi phản ánh.

Tiền kiếp ấy, tôi sống trong khoái lạc
Giữa trời xanh, sóng nước, vẻ huy hoàng
Những người hầu lõa thể khét mùi nhang.

Họ lấy lá quạt trán tôi tươi mát,
Săn sóc tôi nhưng chỉ với chỉ một điều
Khuấy niềm đau tôi dậy giữa tịch liêu.

 
 

Vĩnh An Nguyễn Văn Sơn