Bình Rượu Quỷ


Chương 1:

Đêm Nguyên Tiêu

 
 
 

Còn một tuần lễ nữa là đến tết nguyên tiêu. Người dân trong huyện Thiên Lương ai cũng hân hoan phấn khởi. Một năm được mùa đã cho phép họ hưởng một cái tết nguyên đán sung túc hiếm thấy giữa thời buổi nhiễu nhương. Mà cái tết đã hết đâu: sau nguyên đán – buổi sáng đầu tiên lại đến nguyên tiêu – đêm trăng rằm đầu tiên. Và như người ta thường nói, tháng giêng ăn tết, vậy cứ thong thả ăn tết và hoà mình vào mùa xuân của thiên địa, của đất trời. Nguyên tiêu đúng là một cái tết ở trong tết vậy.

Nhà họ Lưu tuy giàu có nhưng những năm gần gặp lắm chuyện buồn. Bà Lưu mất sớm, lúc Lưu Bằng được mười một tuổi. Ông Lưu Hiển ở vậy nuôi con. Nhưng đối với Lưu Bằng, biến cố mẹ chàng qua đời đã khiến tâm hồn thiếu niên của chàng hụt hẩng, đúng hơn là một khủng hoảng thật sự. Kỷ niệm tuổi thơ của chàng gắn liền với mẹ như người bảo vệ trước cách giáo huấn nghiêm khắc của người cha. Chàng còn nhớ có lần cha chàng đánh đòn đứa con trai duy nhất của ông, mẹ chàng đã chạy đến bồng chàng đi nơi khác để tránh cơn giận dữ của Lưu ông. Và bà đã vì chàng hứng lấy hai cái roi mây quất thẳng cánh xuống lưng bà. Khủng hoảng mất mẹ ấy khiến Lưu Bằng không còn tha thiết với việc học nữa. Rồi từ chỗ thơ ơ với việc trau dồi kinh sử, chàng quay ra đàn đúm với những nho sinh phong lưu và biếng nhác. Mặc dù từ khi bà Lưu qua đời và nhất là từ khi nhận bảo bọc cho Dương Lý và em gái, ông không còn nghiêm khắc đánh đập Lưu Bằng nữa, nhưng chỉ ôn tồn nhẫn nại dạy bảo con mình như lời bà Lưu thường khuyên ông khi bà còn sống.

Nỗi buồn con không có chí tiến thủ thêm vào nỗi buồn bà Lưu mất sớm khiến năm năm sau ông Lưu Hiển bị bệnh qua đời. Trước khi mất, ông Lưu Hiển giao chút ít ruộng vườn còn lại trong đó có ba công ruộng hương hỏa cho quản gia Vũ Bính, trước kia là gia nhân sau kết nghĩa huynh đệ với ông để Vũ Bính quản lý cho đến lúc Lưu Bằng đến tuổi trưởng thành, biết sống tròn trách nhiệm đối với tổ tiên.

Dương Lý thì khác hẳn. Cha mẹ mất sớm vì bệnh dịch để hai anh em: Dương Lý và em gái là Dương Liễu phải bơ vơ giữa đời lúc Lý mới được mười tuổi và Liễu được tám tuổi. Lúc đầu hai anh em đến tá túc ở nhà người chú ruột. Ông này làm chủ một võ đường chuyên dạy võ cho những người theo võ ban chờ đến lúc nhà vua mở khoa thi võ ra ứng thí để làm quan võ. Võ đường làm ăn cũng khấm khá vì từ khi nổ ra cuộc chiến tranh giữa hai họ Trịnh-Nguyễn, thì ở dất Bắc Hà này võ học được chuộng hơn văn học. Thậm chí trong võ đường, người chú của Dương Lý treo cao một tấm trướng viết một câu rất hách “Tiên học võ, hậu học văn”. Hai anh em Lý và Liễu tá túc ở nhà chú là chuyện bất đắc dĩ của hai đứa trẻ mồ côi. Lý được học võ để khi cần có người giao đấu với môn sinh, người chú lôi chàng ra để làm bên đối kháng. Phần Liễu phải làm việc nhà vất vả, đôi lúc lại còn bị người thím đánh đập tàn nhẫn.

Vốn tính hiếu học, Lý xin chú cho đi học chữ, xin mãi hai năm sau mới được đi học. Dương Lý học cùng trường với Lưu Bằng; nhà nghèo nhưng học giỏi hơn lại luôn luôn tỏ ra khiêm tốn với bạn đồng môn đặc biệt với Lưu Bằng. Lưu Bằng có lần dẫn Dương Lý về nhà chơi và gặp Lưu ông. Từ đó Lưu Hiển hiểu rõ hoàn cảnh của hai anh em nên nhận chúng về làm gia nhân sau khi Bà Lưu đã mất được một năm. Mục đích của phú hộ Lưu Hiển là muốn con mình có bạn học để ganh đua và động viên học tập nên tuy gọi là gia nhân, ông chỉ giao cho Dương Lý những việc nhẹ. Lưu Bằng có bạn cùng nhà trong lòng thích thú. Tuổi thiếu niên, Bằng vui chơi với hai anh em họ Dương như người thân. Chúng chơi đánh đáo, đánh khăng, cờ gánh… Đôi lúc Dương Liễu bị anh la mắng, Lưu Bằng bênh đỡ hoặc an ủi cô bé bằng những lời êm dịu kèm theo những quả xoài, quả sấu, trái nhãn, trái mận. Xem ra vẻ đẹp duyên dáng, giọng nói nhẹ nhàng của Liễu đôi lúc làm Bằng thích thú nhưng chỉ thoảng qua.

Sau ngày Lưu Hiển mất, quản gia Vũ bính thường sai Dương Lý chạy chợ, thấy nơi hàng xén có một thiếu nữ xinh đẹp tuổi vừa đôi tám, hình như là con của một nhà nho nghèo và đoản thọ, họ Châu tên là Châu Linh. Dương Lý đem lòng yêu thương thiếu nữ , lân la đến mua hàng, thăm dò ngọn nguồn gia thế. Lâu ngày hai bên – trai nho sinh và gái thuyền quyên – đem lòng yêu thương. Thư đi, thư lại làm tình cảm hai người thêm thắm thiết. Việc yêu đương này mẹ Châu Linh cũng tán thành theo ý con gái. Thỉnh thoảng Châu Linh có đưa Dương Lý đến nhà thăm viếng mẹ nàng. Tết năm ấy, hai người hẹn cùng đi du xuân dưới ánh trăng rằm nguyên tiêu.



Hai ngày trước tết nguyên tiêu Lưu Bằng ra đi khỏi nhà. Chàng nói còn phải đi Tết các bạn tâm giao. Trước khi đi chàng báo với quản gia Vũ Bính năm ngày sau chàng mới trở về. Chàng ra bến đò lên một con đò dọc. Mái chèo khuấy nước đưa con đò trôi nhẹ trong sương sớm, xuôi dòng xuống hạ lưu đến huyện Thiên Tường. Ở đây những bạn bè tính tình phóng khoáng, đang chờ chàng đến để đón tết nguyên tiêu.

Dương Lý cũng phấn khởi vui mừng vì hôm nay chàng sẽ đi chợ huyện lần đầu tiên trong năm để mua sắm vài thứ cho nhà phú hộ họ Lưu. Khi mặt trời đã lênđược một con sào, Dương Lý đến gặp quản gia Vũ Bính nhận tiền rồi ra chợ huyện mua hàng. Sau khi mua những vật dụng để chuẩn bị vào mùa, và thuê xe ngựa chở hàng về, Dương Lý thong thả đi vào chợ huyện, đến chỗ bán nữ trang, ngắm nghía một hồi rồi mua một miếng khánh ngọc có dây đeo ngũ sắc với món tiền chàng dành dụm được trong những lần đi mua hàng và chịu khó cò kè bớt một, thêm hai. Cất gói nữ trang bằng nhung đỏ vào tay áo, chàng hớn hở đi đến cửa hàng bán tranh ở cuối chợ.

Bước vào phòng tranh, chàng choáng ngợp với sự pha trộn của màu sắc trong một không gian hạn chế. Những màu sắc trong các bức tranh linh động vừa tương phản vừa hài hoà như tạo thành một vũ khúc xung quanh chàng. Chàng có cảm tưởng mình đang đứng giữa một con thuyền mà sóng nước bốn bên được làm bằng màu sắc và đường nét. Đây là tranh tứ quý, mai-lan-cúc-trúc; kia là tranh tứ linh, long-lân-quy-phụng. Rồi đến tranh gà với những cái mồng đỏ chót và những cái đuôi ngũ sắc hùng dũng; tranh lợn mình mẩy phổng phao, bộ mặt thoả thuê, tranh Thiếu nữ hái dừa với một cô gái đang bám trên thân cây dừa, một cô ngồi trên ngọn dừa, một cô tốc vạt váy để hứng dừa, phía trước một vài đàn ông nhìn vào trong váy cười nhăn nhở. Kế đó là bức tranh Trai gái đùa vui, một thanh niên dùng bàn tay ‘đùa vui’ trên nhũ hoa tròn trịa của một thiếu nữ, một thanh niên khác ngồi cạnh chàng trai quay mặt hướng khác cười vừa như thích chí vừa như giễu cợt. Dương Lý dừng lại trước bức tranh Vinh quy. Cảnh tượng ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau và bốn xung quanh là lính hầu ăn mặc đẹp đẽ, cờ quạt vui tươi thật là lý thú. Chàng nhìn ngắm bức tranh mà lòng ngây ngất. Từ lâu chàng đã định mua bức tranh này tặng Châu Linh để xác quyết chàng sẽ thực hiện sự vinh hiển trong tranh cho Châu Linh yêu dấu của chàng trong kỳ thi sắp tới. Mãi chiêm ngưỡng bức tranh, Dương Lý không để ý một người khách lạ bước vào phòng tranh. Một người cổ quái.

Người này tuổi chừng ba mươi, đầu chít khăn đỏ, khuôn mặt sắc xảo và lạnh lùng, nhìn kỹ một mắt có tròng màu nâu, một mắt có tròng hơi vàng. Trên hai gò má lún phún bộ râu quay nón. Hắn tiến đến, vừa như chủ ý vừa như tình cờ, trước một bức hoạ vẽ một ông quan đứng trên mình một con cọp chết nằm ngay đơ, một tay cầm ngọn giáo còn cắm sâu vào lớp da dày vằn vện của cọp, một tay chỉ vào góc bức tranh mà nghệ nhân đã viết sẵn bốn chữ Vì dân trừ bạo nét chữ chân phương như dao khắc. Người khách lạ cười to, tiếng cười như bị dồn lại, giống tiếng gà cục tác:

 – “Hay! hay quá. Khéo! khéo thật nhưng sao ta thấy thật mỉa mai.”

Tiếng cười của người khách lạ làm Dương Lý choàng tỉnh giấc mơ ‘ngựa anh đi trước võng nàng theo sau’ quay lại nhìn người khách lạ. Bốn mắt gặp nhau và một sự dị cảm lạ lùng xâm chiếm cả hai. Nhưng người khách lạ vội quay mặt đi nơi khác như có vẻ bận rộn. Dương Lý nhận thấy áo và quần của người khách lạ có cùng một màu vàng-đen như da rắn vì mặt vải bóng loáng. Loại vải này của người Tây Dương đem vào, chưa có bán trong chợ huyện.

Không để ý đến sự có mặt của Dương Lý – điều này càng làm chàng thêm bực tức, hắn bước đến một cái kệ lớn gần bàn tính tiền của chủ tiệm, nhìn ngắm những bình vại và các loại đồ sứ khác trên các ngăn kệ. Ở mỗi đồ sứ có dán một mảnh giấy nhỏ ghi rõ món đồ thuộc triều đại nào và giá tiền. Người khách lạ lẩm bảm đọc, “sứ Toàn Thịnh, nhà Minh 4 lạng”… Bỗng mắt hắn sáng lên khi nhìn thấy một bình đựng rượu nhỏ bằng một cái ấm trà bên ngoài là một lớp men vàng sáng loáng như vàng thật. Trên nền vàng ấy, hắn thấy một vệt màu đỏ thẫm vắt chéo như một ngọn lửa đỏ. Vẻ mặt hắn xúc động như một người tìm lại được một vật mà mình đã lâu ngày đánh mất. Không thấy ghi xuất xứ nhưng giá tới 6 lạng bạc khiến hắn tò mò hỏi người chủ tiệm: “Cái bình rượu kia sao không thấy ghi triều đại mà giá những 6 lạng?”. Người chủ tiệm hơi bất ngờ, đắn đo một lúc rồi nói:

 – “Trước đây tôi mua nó của một nông dân, y bảo là trong một lần ra ruộng gặp mưa to phải chạy vào một cái chòi để tránh mưa. Bỗng nhiên có một tiếng sét lớn sau đó là hai tiếng kêu thất thanh làm rung chuyển cả cánh đồng làm y giật mình phủ phục xuống dất run sợ. Nửa canh giờ sau trời bớt mưa, trên đường về y thấy một vật bóng loáng trong đám ruộng gần chỗ một cây đa bị cháy xém một bên. Lúc đầu y tưởng là lưỡi tầm sét nhưng khi lại gần là chiếc bình này. Không ai xác định nó thuộc triều đại nào nhưng chuyện sét đánh là có thật vì trước khi mua lại tôi đã cho người đi dò hỏi. Còn giá cả thì ông biết đấy tiền nào của nấy mà.

 –“Chuyện hoang đường thế mà ông cũng tin sao ?” Người khách lạ nói với vẻ bối rối rồi đưa tay cầm lấy cái bình ngắm nghía, trong lòng tự nhủ, “ Đúng là cái bình này … Lúc đó mình và Lục nương đang bay trên không trung giữa những đám mây, thình lình Thiên Lôi xuất hiện chính tại nơi đó, vung lưỡi tầm sét đánh vào hai đứa chúng tôi, lúc tỉnh dậy thấy mình là hai con rắn vắt mình trên cây đa nhìn xuống cánh đồng Bà Lõm. Mãi sau mới nhớ lại mình là hai con yêu quái lấy cắp cái bình rượu ở miếu Bà Chúa Thai Sanh tỉnh Sơn Đông, quê hương Khổng Tử, bay xuống phương nam thì bị nạn.”

 –“Tin hay không là quyền của ông, tôi mua sao thì bán vậy,” người chủ tiệm nói.

Hắn không nói gì thêm vì hắn tin điều đó còn hơn cả chủ tiệm: cái bình này do chính hắn và Lục nương ăn cắp vì nó chứa đựng một sức cám dỗ huyền bí giữa đôi nam nữ. Cái vệt khói màu đỏ mà lúc ở miếu Bà Chúa Thai Sanh chưa có, chính là lửa sét còn để lại làm cho bình ấy càng thêm đẹp một cách lạ lùng.

Khi người khách lạ còn đứng tần ngần, Dương Lý trả tiền bức tranh Vinh quy cho chủ tiệm; trong lúc chủ tiệm cúi xuống lấy những đồng tiền kẽm trong ngăn kéo thối lại cho Dương Lý, chàng nói nhanh vào tai ông ta:

 – “Thằng cha cổ quái này đích thị là gián điệp của Chúa Nguyễn ra Bắc Hà để do thám, tôi sẽ đi báo quan. Ông tìm cách giữ chân hắn lại.”

Chủ tiệm làm thinh không nói gì, còn Dương Lý ra khỏi tiệm chạy thẳng đến đồn binh của quan Đô Úy họ Trần.

Cử chỉ khác thường của Dương Lý và vẻ bối rối của chủ tiệm không thoát khỏi cặp mắt của người khách lạ. Lúc đó hắn bỗng có một quyết định mau lẹ. Hắn đồng ý mua cái bình đúng giá, ngoài ra còn đặt vẽ một bức tranh với nội dung cụ thể Cọp của quan: quan nuôi cọp trong cũi sắt, trong cũi sắt còn có những bộ xương người nằm rải rác. Ngoài cũi sắt, quan cầm một sợi dây thừng, đầu kia là cái thòng lọng tròng vào cổ của một người ốm yếu và rách rưới dẫn người này đến cửa chuồng cọp. Mười ngày sau hắn sẽ quay lại lấy tranh. Thoả thuận xong, hắn lận từ trong thắt lưng ra tám lạng bạc: sáu lạng là tiền mua bình rượu, hai lạng trả trước tiền đặt vẽ tranh, rồi không cần chào thưa khách khí hắn cầm cái bình đi ra khỏi tiệm thật nhanh. Chủ tiệm thấy không thể giữ chân hắn lại, ném tám lạng bạc vào ngăn kéo, chạy vội ra cửa đón Dương Lý: Không còn nghi ngờ gì nữa người khách lạ chính là gián điệp của Chúa Nguyễn.

Trong chớp mắt, Dương Lý cùng bốn binh lính cũng kéo đến; chủ quán báo ngay hướng đi của tên gián điệp mà trong đám bụi mù người ta còn trông thấy cái khăn đỏ đội đầu chập chờn mỗi lúc một xa. Dương Lý cùng đám binh lính đuổi theo. Qua khỏi một khúc quanh của khu phố chợ, đoàn người chạy vào cánh đồng,

Dương Lý nói to, “Hắn lẫn vào đám ruộng kìa”. Thật vậy, chiếc khăn đỏ đâm vào một đám ruộng rồi biến mất. Phía xa ở chân trời sừng sững cái bóng đen của cây đa mà chủ tiệm đã nói đến. Dương Lý và đám binh lính chạy dọc theo những thửa ruộng được một lúc cái khăn đỏ lại xuất hiện nhưng không chuyển động, cả bọn mừng rỡ . Nhưng khi đến gần, họ mới biết cái khăn đã được cởi ra và đội vào đầu của một thằng bù nhìn bằng rơm. Cả bọn chửi thề. Người lính lớn tuổi nhất nói, “Nó dương đông kích tây đấy, phải đổi hướng đuổi theo nó,” cả bọn quay một góc chín mươi độ, không còn nhắm hướng cây đa nữa. Họ chạy thêm tàn một cây nhang đến một khu đất sỏi pha cát trên mọc những cây gai mà loài dê rất thích, sau đó là bờ sông Nại chỗ bắt đầu chảy ngang qua huyện lỵ. Dòng sông thì thầm chảy, chói chang trong nắng ban trưa. Cuộc rượt đuổi chấm dứt.

Trên đường quay về đoàn người đều ngạc nhiên vì kẻ bị truy lùng không hề để lại một vết chân cả những nơi đất mềm nhão. Như thế cho dù họ có chạy đến tận cây đa cũng chẳng tìm thấy tên gián điệp, cùng lắm chỉ thấy hai con rắn Lục Xà và Hồng Xà đang nằm cuộn tròn ở một hốc nào đó trên cây cổ thụ mà chu vi năm người ôm không hết. Đó là tên mà các bô lão trong vùng thường gọi hai con rắn. Người ta còn cúng vái chúng vì tin chúng là rắn thần. Thầy phù thuỷ trong làng thì gọi là quỷ: quỷ đầu đỏ và quỷ đầu xanh. Ngoài ra, trong những ngày mưa to gió lớn nhiều sấm sét, dân làng thường thấy hai thanh niên một đội khăn đỏ, một đội khăn màu lục chạy vào các chòi ruộng có người đang canh luá hoặc các mục đồng đang chăn bò, chăn vịt để trú mưa. Chúng luôn tìm cách đứng sát vào người trong chòi. Chúng thừa biết Thiên Lôi là một thần cầm đao nhưng không phải là một xạ thủ bắn cung. Nếu người trong chòi chưa tới số chết thì Thiên Lôi không thể ra tay với chúng, vì một đao của thần mạnh lắm sẽ làm chết oan thêm mấy người khác đứng gần. Làm thế không được việc mà thần còn bị Ngọc Đế phạt cho.

Phần chủ tiệm sau khi suy tính chỉ mong người khách lạ chạy thoát để khỏi bị quan quân kêu lên hạch sách phiền hà và cũng không bị mất một món hời. Đang ăn dở bữa cơm trưa, hắn giật mình nhớ lại tiếng các nén bạc kêu khi được ném vào ngăn tủ. Một sự chẳng lành. Hắn rời bỏ mâm cơm, chạy vội đến để kiểm tra. Trước mắt hắn giờ đây không phải là tám nén bạc mà là tám cục đất sét hình bạc nén. Hắn choáng cả người, vò đầu và gào to lên: “Thằng gián điệp đó là quỷ sứ, ối trời ơi!” Rồi hắn ngừng lại thở hổn hển. Chợt nhớ có lần mấy binh lính chỉ vào kệ đồ sứ nói đùa với hắn, “Ông chủ ơi, mấy cái bình bằng đất ấy mua bằng tiền đất được không ?” hắn càng thêm tức giận và hổ thẹn, lần này thì hắn chửi luôn Dương Lý, “Cả cái thằng mua bức tranh cũng là đồ quỷ sứ!” Ngồi bệt xuống đất bỏ ăn, hắn ôm mặt khóc tức tưởi.



Mặt trăng đêm nguyên tiêu vừa nhô lên chân trời, Dương Lý đã rời nhà đến nơi hẹn hò với Châu Linh. Chàng không quên mang theo miếng khánh ngọc mà chàng mua sáng nay trong tay áo. Bức tranh Vinh quy thì chàng đã đưa trước cho nàng rồi.

Mặt trăng tròn và to từ từ lên khỏi chân trời sau rặng tre xa của làng quê. Những ngôi sao trên bầu trời như cũng sáng hơn, lấp lánh hơn tạo thành những viên ngọc quý trang điểm cho mặt trăng tròn và sáng như một cái đĩa bạc lơ lững giữa không trung. Ánh trăng dịu dàng chiếu xuống muôn vật trên mặt đất như môt biển sữa lung linh, tạo thành một sự phối hợp ánh sáng và bống tối rất huyền hoặc vì cả bóng tối cũng trở nên dịu dàng hơn. Tâm hồn Dương Lý rộn ràng khôn tả lại cảm thấy lâng lâng như đang bước vào một thế giới khác – thế giới của sự luyến ái – không còn là thế giới của cuộc đời thường.

Đến hàng dương liễu gần chỗ cầu Voi chàng đã nhận ra Châu Linh đang đứng đợi giữa đám nam thanh, nữ tú lũ lượt kéo nhau đi dạo chơi đêm tết nguyên tiêu.
Chàng đã lên một chương trình cho đêm du xuân này của hai người: đi ăn chè trôi nước ở chợ Âm Phủ rồi quay về phố Hà Trì xem kịch chèo, sau đó ra bờ sông Nại ngồi ngắm trăng và sau cùng … lên đồi Hậu Sinh “đi dạo”. Đến trước mặt Châu Linh, chàng nắm lấy hai cổ tay mềm mại của nàng, hỏi han vài lời rồi cả hai cùng nắm tay đến chợ Âm Phủ.

Chợ Âm Phủ chỉ họp vào ban đêm trên một khu đất gần bến đò chuyên bán các món ăn chơi như chè, cháo, nước trà cho những khách đi đò và những người lái đò hay những người bốc vác. Giữa mỗi bàn cho khách là một cài dèn hột vịt toả ra một ánh sáng tù mù. Đêm nay ánh trăng mới là ánh sáng chính. Vẻ tù mù âm u ấy bất chợt làm Dương Lý liên tưởng đến cảnh Phạm Công xuống Âm Phủ tìm vợ chàng là Cúc Hoa mà chàng đã xem trong tuồng …

Hai người ngồi xuống một cái bàn, một tay chàng vẫn luôn nắm lấy tay nàng. Gió từ sông thổi lên mát rượi. Lúc này, Dương Lý ngắm kỹ Châu Linh. Nàng mặc một cái váy lĩnh đen, cái yếm màu hồng sáng lên trông tối, cái áo tứ thân màu lam nhạt, đầu quấn khăn bằng nhung tím rất khéo làm nổi bật khuôn mặt trái soan với đôi mắt bồ câu, cái mũi dọc dừa và đôi môi hình trái tim luôn đỏ hồng. Châu Linh thẹn thùng nói, “Có gì mà anh cứ nhìn em mãi thế?” Dương Lý đáp, “Anh muốn nói hôm nay trông em đẹp lắm, nhất là trong cảnh trăng sáng mơ màng, em không khác Hằng Nga xuống thế.” Nàng vùng vằng nói, “Thế trong lúc ban ngày chắc em không đẹp như thế? Và thật ra anh chỉ nói nịnh em thôi.” Chàng chối ngay, “Không, anh chỉ muốn nói trong lúc này em có sắc đẹp thần tiên, còn ban ngày em có sắc đẹp của một bông hoa khoe sắc dưới mặt trời,” rồi chàng nói tiếp “Em đã xem bức tranh Vinh quy anh tặng em chưa?” Nàng đáp, “Em đã xem rất kỹ… nét vẽ trong tranh thật sắc xảo, nhưng cứ nghĩ đến cái cảnh anh thi đậu vinh quy, em luôn tự hỏi mình có được cái may mắn “võng nàng theo sau” không?” Chàng vội trả lời, “Sao em nói thế, em không tin rằng vì em mà anh sẽ cố gắng đoạt được bảng vàng để hai ta sẽ cùng nhau hưởng phúc hay sao? Nàng thở dài nói, “Em chỉ dại mồm nói thế thôi, từ trước đến nay em biết anh là người rất có chí, tuy tá túc nhà phú hộ họ Lưu nhưng anh luôn phấn đấu để lập công danh. Đó là điều làm em kính yêu anh. Lòng em lúc nào cũng mong anh thành đạt…”

Lúc đó một cô bé nhếch nhác bưng đến hai chén chè trôi nước, một bình trà vối và hai cái ly bằng đất. Dương Lý vừa ăn vừa ngây ngất nhìn Châu Linh, đầu nàng hơi cúi xuống thẹn thùng, thỉnh thoảng nàng ngước lên nhìn chàng mỉm cười hạnh phúc. Ăn xong, hai người nắm tay nhau thong thả đến phố Hà Trì.

Đến trước rạp chèo, họ thấy một đám đông tụ tập chờ mua vé. Đoàn chèo vẫn chưa bắt đầu vở diễn. Một anh hề đứng trên ghế cao cầm loa kêu gọi mọi người đến xem vở LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ, một vở chèo nói lên tình bạn nhà nho cao cả v.v… Đặc biệt cô đào Xuân Nương nổi tiếng thành Nam sẽ vào vai CHÂU LONG, người thiếp của DƯƠNG LỄ thay chồng nuôi bạn là LƯU BÌNH ăn học thành tài.

Ngồi ở hàng ghế giữa cạnh Châu Linh, Dương Lý nhìn lên sàn diễn khi nhân vật nữ Châu Long xuất hiện. Chàng rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp của cô đào Xuân Nương mà nếu nhìn kỹ có những dáng vẻ và diện mạo của Châu Linh khiến chàng bất giác quàng tay qua chiếc lưng thon thả của Châu Linh siết nhẹ làm nàng cảm động. Nếu các vai chính và chèo nam, chèo nữ khác nhập vai thì Dương Lý, Châu Linh cũng nhập vào không khí của tích truyện. Một sự tương thông và đồng cảm lạ lùng xảy ra đến nỗi cả trên sàn diễn và bên dưới sàn diễn trở thành một sân khấu duy nhất. Dương Lý rất hào hứng và thích thú vì sự tương đồng giữa tích truyện với cuộc đời chàng. Hẳn Châu Linh sẽ cho rằng sự ngẫu nhiên này đã được xếp đặt trước. Nhưng đã sao nào? Vở diễn quá tuyệt và quá thành công.
Trăng đã lên quá một con sào khi hai người ngồi xuống một phiến đá bằng trên bờ kè dòng sông Nại. Một vài đám mây nhỏ rời rạc như bông lững lờ trôi dưới ánh trăng tạo ra ảo giác mặt trăng cũng đang đi dạo. Anh trăng làm sóng nước lấp lánh như hàng triệu mảnh gương kết vào nhau nhịp nhàng rung chuyển nhấp nhô. Dương Lý và Châu Linh ngồi bên nhau im lặng ngắm trăng trong làn gió mát mẻ. Cũng trên bờ sông ấy, những cặp tình nhân khác ngồi bên nhau với khoảng cách đều dặn, như những ụ cỏ đen dưới trăng. Châu Linh ngồi xếp hai chân quặt sang một bên tựa vào người Dương Lý ngồi trong tư thế xếp bằng.

Một lát sau chàng lấy sợi dây có cái khánh ngọc từ trong tay áo đưa cao dưới trăng và nói cùng nàng, “Anh có món nữ trang này tặng em như lễ vật để đính ước. Dưới ánh trăng tròn đêm nguyên tiêu, anh nguyện yêu mến em chân thành, dù vật đổi sao dời, lòng anh yêu em lúc nào cũng tròn đầy và sáng tỏ như ánh trăng kia,” chàng dừng lại một lúc rồi nói tiếp, “Cuộc đời có lúc thăng trầm, nhưng anh nguyện yêu em trọn kiếp. Còn em, em có dám hứa cùng anh?” Châu Linh cúi đầu bẽn lẽn nói khẽ khàng, “Em cũng xin hứa cùng anh, mà anh đã biết em yêu anh nhiều biết mấy!”

Dương Lý quàng tay qua chiếc cổ cao và thanh tú của nàng để đeo cho nàng cái khánh ngọc. Mùi tóc của nàng xông vào mũi chàng một làn hương của hoa nhài. Sau đó chàng siết nhẹ nàng vào lòng và âu yếm hôn vào cổ nàng. Nụ hôn chuyển dần ra phía trước và đậu lại trên đôi môi thắm. Châu Linh thì thầm nói, “Em ước tình yêu của em làm anh thật hạnh phúc.” Rung động yêu đương này làm nàng bay bổng. Nàng tưởng mình sắp khóc. Hạnh phúc được yêu làm nàng xúc động tận chỗ sâu thẳm của tâm hồn… Lúc đó nàng nằm dài trên phiến đá, kê đầu trên đùi chàng để yên cho chàng vuốt ve cái eo thon nhỏ và cái lưng ong tạo nên những đường nét quyến rũ của thân thể nàng.

Đã có những cặp tình nhân rời bỏ bờ sông đi ngược lên thượng lưu, tới ngã ba sông và đi vào đồi cát. Ở đó họ làm chuyện”trong bộc trên dâu”; thỉnh thoảng một luồng gió đưa tiếng rên rỉ trong cơn khoái lạc của họ từ các lùm bụi đi xa.

Một lát sau Dương Lý nói, “Chúng mình lên đồi Hậu Sinh đi em.” Nghe Dương Lý nói đến đồi Hậu Sinh, Châu Linh bàng hoàng chỗi dậy: địa danh này đồng nghĩa với sự nhục dục trai gái mà ở huyện Thiên Lôi này ai cũng biết. Nàng nghiêm giọng thong thả nói, “Thôi, đã muộn lắm rồi, em phải về đây,” rồi với một vẻ nũng nịu nàng nói tiếp, “Mình về đi anh, đêm nay đối với em đã là một hạnh phúc lớn.” Dương Lý miễn cưỡng đứng lên, trong lòng càng thêm trân trọng Châu Linh. Họ lại nắm tay nhau sung sướng ra về.



Trên cầu Voi, lúc ấy Trần Đô Úy cùng mấy chú lính đang đứng canh tuần. Những ngày lễ hội dân chúng vui chơi cũng là những ngày nhưng việc quân bận rộn vì trách nhiệm giữ an ninh cho huyện lỵ. Nhỡ bọn gián điệp chúa Nguyễn lợi dụng lúc đục nước béo cò thì sao?

Đứng trên cầu Voi, ông hướng mắt nhìn về đồi Hậu Sinh với vẻ hóm hỉnh. Ông nhớ lại hai năm trước đây khi mới về huyện này nhận nhiện vụ, sau gần mười lăm năm chiến đấu ở chiến tuyến sông Gianh với quân chúa Nguyễn, những việc vi phạm phong hoá ở đồi Hậu Sinh đã làm ông rất khó chịu. Ông không thể chấp nhận trong lúc nơi chiến trường bao nhiêu thanh niên ngã xuống dưới làn tên mũi giáo của quân Đàng Trong, kể cả những người bạn cùng chiến hào với ông, lại có những thanh niên khác đi tìm những lạc thú buông thả và bất chính. Chính ông đã tư giấy lên tri huyện, tri phủ thậm chí cả tổng đốc đề nghị phong toả khu đồi Hậu Sinh bằng rào giậu và bắt đi làm lao công những kẻ làm phong hoá suy đồi, nhưng các quan trên đều im hơi lặng tiếng. Nhưng rồi một hôm trong lúc chỉ đạo cuộc tuyển quân, ông tò mò thấy trong đám lính mới có một cái tên Phạm Hậu Sinh. Ông cho gọi riêng chú lính. Chú lính hoảng hốt đến trình diện, ông hỏi:

 – “Tên cha cậu là gì?”

 – “Thưa quan cháu không có cha. Còn tên mẹ?

 – “Phạm Thị Thường.”

 – “Có nhớ ngày sinh không?”

 – “Dạ mẹ cháu bảo là ngày hai mươi mấy tháng mười, nhưng cháu không nhớ”

 – “Thôi được về hàng ngũ đi,” ông nói với giọng bỡn cợt “Cậu họ Phạm nhưng nhớ đừng ‘phạm’ quân kỷ nhé!”

Ngồi lại một mình trong phòng chỉ huy, ông thẫn thờ suy nghĩ : Sau ngày rằm độ mười ngày thì đúng là đứa con của một đêm trăng ân ái. Cái tên Hậu Sinh không phải là vô nghĩa. Nghĩa là cách nay mười bảy năm trên đồi cát đó… Giờ ông mới hiểu sự im hơi lặng tiếng của các quan trên. Ông buồn bã nghĩ tiếp: nói cho cùng thâm tâm ông vẫn cho rằng cuộc chiến giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn là phi nghĩa. Sự tranh giành quyền bính cát cứ của hai dòng họ đã kéo trăm họ ở cả hai miền vào cảnh tương tàn, nhân dân lầm than khốn khổ. Hạnh phúc nhỏ bé mà họ còn có là nhục dục ái tình trong chốc lát nhưng rồi thành quả của nó cũng bị hai họ trưng thu. Bỗng ông thở dài khi nhớ đến con trai tuổi thiếu niên và vợ ông còn sống nơi quê nhà phụng dưỡng bố mẹ ông. Mai kia nếu cuộc chiến này chưa chấm dứt thì con ông cũng phải vào quân ngũ phục vụ cho một cuộc chiến phi lý. Ông kết luận: cuộc chiến này đã gây ra hai điều lớn, hai ‘đại sự’cho cả một thời kỳ là ‘tham vọng quyền lực hùng cứ’ và sự ‘nhục dục ái tình của nam nữ’ mà các quan trên thường giả vờ như không biết. Giữa hai cái đó, đôi khi người ta phải tương nhượng cái này để có được cái kia. Còn những điều lớn khác xem ra chỉ là phụ thuộc. Tình hình này sẽ đẩy đám lê dân đến với đạo mới của người Tây Dương vì hình như đạo ấy ra sức rao giảng nào là Đức Mẹ còn đồng trinh, nào là Vua Trời trở thành anh thợ mộc … Đang miên man suy ngẫm, tiếng trống báo tan hàng kéo ông trở về thực tại.

Bây giờ thì ông đang đứng trên cầu Voi dưới trăng giữa giờ tý nhìn đồi Hậu Sinh với tâm hồn bình thản. Ông dặn dò binh lính dưới quyền đôi điều về việc canh gác rồi một mình cỡi ngựa quay về doanh trại. Đường phố giờ đây đã thưa người, một vài thanh niên về muộn bước đi lảo đảo chừng đã uống quá nhiều rượu. Bỗng ông thấy phía trước ông một bóng người phụ nữ, dáng người đậm đà nhưng bước đi yểu điệu. Ông nhận ra ngay đó là Thu Ba. Khi ngựa đến gần nàng, ông lấy cán roi quất ngựa khẽ đập vào vai nàng. Thu Ba giật mình kêu ‘ối’ môt tiếng khá to. Nhưng khi nhận ra Trần Đô Úy, cô giẫy nẫy phàn nàn, “Suýt làm người ta để rơi chai rượu.” Ông nói như đùa, “Ai cho phép đàn bà con gái như em uống rượu”. Nàng đáp lại, “Cuộc đời cô phụ của em cho phép. Nếu muốn em không uống thì mời anh đến nhà uống giúp em.” Ông nói “Hôm nay thì không được, tối mai vào giờ như mọi khi.” Nói rồi ông liếc mắt đưa tình và cho ngựa đi nhanh. Thu Ba là tình nhân của Trần Đô Úy. Nàng là người mà bốn năm trước đây ông đã gặp để báo tin chồng nàng tử trận ở sông Gianh và khi về đây nhậm chức ông đã gặp lại nàng.

 
 

(Xem tiếp Chương 2)

Vĩnh An Nguyễn Văn Sơn