Bình Rượu Quỷ


Chương 3:

Chuyện Nhà

 
 
 

Buổi sáng sau đêm nguyên tiêu, quản gia Vũ Bính cho gọi Dương Lý đến gặp ông. Ông bảo chàng ngồi xuống ghế rồi nói:

 – Sang thu này triều đình mở khoa thi tam trường, bác biết cháu đang chuẩn bị cho kỳ thi và sẽ giật lấy bảng vàng. Nếu Lưu Bằng có ở nhà bác cũng đã mời cậu ấy đến đây nhưng lần này chắc cậu ấy cũng về trễ mà việc sôi kinh nấu sử cho kịp kỳ thi không thể chậm trễ được. Kể từ ngày mai, ngoài việc chạy chợ, cháu không phải làm thêm việc gì trừ khi cần kíp để có thời gian chuẩn bị thi cử. Cháu cũng nên dọn đồ đạc, sách vở đến phòng Lưu Bằng mà ở cho tiện việc học. Còn Lưu Bằng sẽ dọn sang phòng của Lưu ông. Căn phòng ấy mấy năm nay đã bỏ không lạnh lẽo, bụi bám nhện giăng; vả lại đêm hôm khi bác cần gì sẽ nhờ cháu giúp bởi lúc này bác thấy trong người cũng đã yếu lắm rồi. Cháu thấy thế nào.

Dương Lý vừa cảm động, vừa mừng rỡ. Chàng vui mừng bởi ước mơ của chàng càng thêm thuận lợi. Đại đăng khoa rồi tiểu đang khoa đang chờ chàng phía trước. Nhưng trước mắt chàng sẽ thoát khỏi sự quấy nhiễu của con “quỷ cái” Thu Đán , vì ban đêm khi dãy nhà trước khoá lại, những gia nhân nhà sau không dược bén mảng. Dương Lý rớm nước mắt thiếu điều muốn sụp lạy quản gia:

 – Con xin vâng theo lời bác dạy, con cũng xin hứa với bác sẽ cố gắng thành danh để không phụ lòng bác quan tâm. Về phần anh Lưu Bằng, con sẽ có dịp tìm cách khuyên bảo anh ấy. Bản chất hào hiệp của anh ấy sẽ có lúc làm anh ấy hồi tâm.

 – Thôi dược, cháu đi mà thu xếp như lời bác nói. Bác chỉ khuyên cháu một điều là cố thực hiện cho được hai câu đối trong Văn Miếu tỉnh ta là “Nhật nguyệt trung thiên minh thánh đạo./ Giang sơn đại địa tích văn nhân.”(Mặt trời, mặt trăng giữa trời soi sáng đạo thánh nhân, cương thổ của tổ quốc bao la để lại sự tích người có văn học).

Dương Lý vâng dạ, định lui gót, thì quản gia nói thêm:

 – “Bác nghe nói cháu đã tìm được ý trung nhân là một đứa buôn bán ở chợ huyện phải không?”

 – “Dạ con không phải. Con chỉ mới quen biết cô ấy nhưng không dám nghĩ đến chuyện xa xôi. Cho đến khi nào thành danh, con mới nghĩ đến việc hôn phối cùng cô ấy.“

 – “Thế cũng phải.” Quản gia Vũ Bính thở dài nói, “cháu nhớ kêu em cháu phụ dọn dẹp một tay”. Rồi ông cho Dương Lý lui gót.

Ngồi lại một mình bên chén trà mới rót, quản gia Vũ Bính nhớ lại chuyện ngày trước khi ông ngồi bên giường bệnh của Lưu Hiển, chủ ông cũng là người anh kết nghĩa của ông. Hơn năm năm trời đã trôi qua nhưng ông vẫn còn nhớ những lời Lưu Hiển dặn dò, giao phó cho ông như một gia nhân trung tín và lòng trung tín này còn hơn cả những bề tôi của vua chúa. Chúa Nguyễn, chúa Trịnh sử dụng lòng trung quân như những kẻ giả hình chỉ để che đậy tham vọng mưu bá đồ vương. Trong khi Vũ Bính phục vụ cho nhà họ Lưu chỉ vì cái ân tình Lưu Hiển đã cứu vớt ông trong cảnh dầu sôi lửa bỏng lúc ông là tàn binh của họ Mạc bị truy đuổi. Nhiều lúc vì gia nghiệp của họ Lưu mà ông đã quên cả hạnh phúc bản thân và sau khi vợ ông mất, ông quên cả việc chăm sóc vỗ về cho con gái ông là Thu Đán. Nhắc đến Thu Đán, ông càng thương vợ ông. Lúc bà ấy mang thai Thu Đán, bà ấy luôn ao ước sinh cho ông một con trai để nối dõi tông đường. Và bà tin như thế vì vậy bà đã nói ông chọn cho nó một cái tên con trai là Nguyên Đán. Nhưng trời không chiều lòng người và Thu Đán ra đời. Bà buồn lắm, buồn gấp mười lần ông vì ông đã mau chóng chấp nhận số phận và tự an ủi mình, “Bính này có gì để nối dõi đâu, nói trắng ra chỉ có cái nghèo và cái khổ!” Rồi ông tìm cách an ủi bà, “Mẹ nó xem kìa, con bé giống hệt con trai, trán vồ, mắt sâu, môi dày nữa…” Bà gượng cười miệng méo xệch; bà vẫn luôn cảm thấy mình có lỗi với ông. Không sanh thêm lần nào nữa càng làm bà đau khổ. Chỉ đến khi Thu Đán bảy tám tuổi, mạnh khoẻ nhanh nhẹn và ngang bướng lại biết làm những việc vặt giúp bà, bà mới nguôi ngoai. Bà tự nhủ, “Sau này con bé sẽ đỡ đần cho cha nó thay mình”. Linh tính của bà đã đúng. Bà đã vội vã về với tổ tiên, để lại cõi trần nhiều đau khổ này chồng và con gái. Những năm gần đây khi Lưu Bằng lao vào cuộc đỏ đen, trác táng, ruộng vườn bán dần cho người khác. Các gia nhân và tá điền bỏ đi theo chủ mới, Thu Đán kiêm luôn một công việc của đàn ông: đánh xe bò chở thóc, thỉnh thoảng còn nhận chở thuê cho người khác. Tội nghiệp con bé… còn ai dám lấy nó làm chồng? Hít một hơi thuốc lào và uống cạn chén nước trà thứ ba, ông chậm rãi đứng lên vì hình như có ai đang gọi ông ngoài ngõ. Tai ông không còn thính như xưa, cái lạnh đầu xuân thường làm ông đau nhức các khớp xương. Bên ngoài nắng đã lên được một con sào.



Dương Liễu lúc này không còn nhỏ nữa. Đúng là “ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu”. Môi cô không còn nhợt nhạt như người thiếu máu nữa. Mắt cô không còn trắng nhợt như mắt cá thường thấy nơi các ni cô, mà xanh đen lóng lánh. Những đường nét trên thân thể cô cũng trở nên rõ ràng nở nang sau cái yếm vải thô và cái váy đũi. Cô vừa dùng dây chuối cột một chồng sách thánh hiền màu vàng ố, vừa nói với anh cô:

 – “Chiều hôm qua lúc anh ra chợ huyện vui tết nguyên tiêu, chị Thu Đán tìm anh không thấy đã đến hỏi em biết anh đi đâu không. Em nói không biết, chị ấy cuống lên bồn chồn không yên. Sau đó chị ấy nói rằng anh đi chơi với một kỹ nữ.”

 – “Không phải đâu,” Dương Lý bực mình đáp,” không phải với một kỹ nữ mà với chị dâu tương lai của em đấy?”

 – “Kể cho em nghe về chị dâu tương lai của em đi.”

 – “Sau này anh sẽ kể hết cho em. Nhưng Ngọc Đán tìm anh có việc gì?

 – “Em không biết vì chị ấy có nói đâu. Nhưng xem cách chị ấy em biết chị ấy thích anh. Chắc là muốn cùng anh đi chơi đêm nguyên tiêu ấy mà,” cô ngừng lại một lúc rồi tiếp, “mà anh cũng tệ thật, có em gái đây vậy mà chẳng chịu dẫn em đi chơi ngày hội, để em ở nhà một mình thui thủi!”

 – “Em hãy hiểu giùm anh. Em lớn rồi nên anh ngại người đời dị nghị.”

Dương Liễu trầm ngâm nói:

 – “Nhiều lúc em cũng thấy thương chị Ngọc Đán. Chị ấy tuy không có nhan sắc nhưng đâu phải là xấu xí. Ngoài cái trán hơi vồ và đôi mắt hơi sâu, khuôn mặt chị ấy trông cũng dễ coi. Thân thể khỏe mạnh cứng cáp nhưng không mất sự cân đối. Thế mà đã mang tiếng gái già ở cái tuổi hăm bảy. Nói cho cùng giữa thời buổi Trịnh–Nguyễn phân tranh, trai thiếu gái thừa, chị ấy không có duyên gặp được người vừa ý. Cũng không có cơ hội vì cả ngày làm việc quần quật có lúc nào rảnh rang đâu.” Cô cảm động nói tiếp, “Phận đàn bà chúng em là như thế, nhiều lúc em lại buồn vì như thế này mãi, chắc em cũng thành gái già mất.”

 – “Cái con này chỉ nói chuyện gỡ,” Dương Lý trách em, “Em thấy đấy, mấy năm nay anh cố sức học hành dù điều kiện rất khó khăn là để khi thành đạt anh sẽ lo cho em. Em lại có chút nhan sắc sợ gì. Chí ít sau này anh cũng tìm được một thuộc hạ của anh làm chồng em, được chưa?” …

Tuy trách em như thế, nhưng trong thâm tâm Dương Lý biết em mình có lý. Thế giới của nho giáo là thế giới của đàn ông, của phụ quyền. Người phụ nữ phải phục tùng nam giới theo đạo tam tòng: ở nhà theo cha, lớn lên theo chồng, chồng chết theo con trai. Còn tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh để làm cho phụ nữ tốt đẹp bên trong lẫn bên ngoài cũng là để phục vụ tốt cho cái đạo tam tòng ấy. Thế nhưng ở đâu có sự đè nén thì ở đó có sự phản kháng để bù trừ, dù chỉ do vô thức nhất là nơi các phụ nữ tầng lớp dưới chịu sự đè nén nặng nề nhất. Trước hết bù trừ bằng cái miệng với những lời chanh chua, châm chọc, dè bỉu, nói đâm, nói thọc kể cả nói dối. Rồi độc địa hơn là dùng cái của quý trời cho để chửi người khác. Bạn hãy đợi đấy! Có lúc nào đó bạn sẽ gặp trong cuộc sống hình ảnh sống sượng của một con mẹ la ó thô tục: Chúng mày đừng khinh miệt bà là đàn bà, đàn ông các người cũng từ cái đó của đàn bà chui ra để hăm hở đòi chui vào. Bà có sẵn cái đó những ngày bẩn thỉu để cho chúng mày, vợ chồng chúng mày, con cái chúng mày ăn, nuốt. Mà đó là của quý thật vì khi chúng mày chửi thề chúng mày có ý xem việc chiếm hữu cái đó của mẹ đối phương là sự chiến thắng. Khi chửi thề, chúng mày đặt mình ngang bố đối phương rồi còn cỡi lên đầu bố người ta vì mẹ đối phương không còn dành độc quyền chiếm hữu cho bố nó. Cái của quý ấy còn là một vũ khí lợi hại mà bọn nhà nho quyền mưu thường hay sử dụng: kế mỹ nhân, vũ khí chống lại bọn đàn ông hiếu sắc. Vì thế khi bà chửi lộn, bà sẽ trèo lên ghế cao, bà sẽ vỗ vào giữa háng bà và bà chửi ba đời nhà nó, cũng như khi hai tướng dàn quân chửi nhau trước lúc giao chiến, vừa chửi vừa vung cao gươm giáo, gõ trống khua chiêng giống như bà lúc chửi vỗ đồm độp vào chỗ đó của bà. Dương Lý bỗng cười một mình về sự hình dung khôi hài ấy, trong đó chàng cố tình coi Thu Đán là một hiện tượng. Dương Lý có lý do để gọi Thu Đán là “quỷ cái”. Chàng đã bị nó lừa một keo, nghĩ lại chàng vừa tức giận vừa tức cười. Thượng tuần tháng chạp vừa qua, quản gia Vũ Bính sai chàng ra canh thửa ruộng hương hoả đã chín vàng chờ ngày gặt. Buổi tối chàng ở lại trong chòi bên cạnh ngọn đèn bão, sắp sữa ngả lưng nằm nghỉ thì Thu Đán bước vào, một tay thì cầm giỏ tre đựng cơm, một chân thì đi khập khiễng, còn áo và váy thì ướt sũng. Dương Lý vờ như không thấy, càu nhàu với giọng lạnh lùng:

 – “Sao hôm nay đưa cơm muộn thế, định bỏ đói tôi à?”

 – “Không thấy người ta bị ngã xuống mương sao, áo quần ướt hết, lạnh gần chết còn bị bong gân đây.”

 – “Ai bảo cô đi muộn, nếu đi lúc trời còn sáng làm sao vấp ngã được.”

 – “Thưa ông, tôi đi lúc còn sớm nhưng vì muốn mua cho ông bình rượu thành ra đến trễ… thứ đồ vô ơn…” Thu Đán vừa chua chát nói, vừa đặt mạnh cái giỏ xuống, “Này ăn đi kẻo chết đói.”

Dương Lý không thèm nói nữa, chỉ tốn hơi. Chàng lặng lẽ giở cơm ra ăn. Đúng là có bình rượu màu vàng trên có những đường vân như ngọn lửa. Chàng vừa ăn vừa nhâm nhi như một người trưởng thượng, trong lúc Thu Đán ngồi gần đó trên một khúc gỗ hai tay ôm bàn chân đau rên khẽ. Dương Lý làm như không nghe thấy. Trời đánh còn tránh bữa ăn mà.

Cuối bữa ăn khi bình rượu đã cạn, tiếng rên đau của Thu Đán càng to dần. Cô nhăn nhó cầu xin Dương Lý:

 – “Anh làm ơn bóp giùm chân em cho bớt đau để em còn về.”

 – “Được thôi, đưa chân đây.” Chàng nói và không để ý việc Thu Đáng đã gọi mình bằng “anh” thay vì bằng “cậu”, trong lúc cô ngoan ngoản kéo váy ướt cao lên, những dòng nước làm cho ống chân cứng cáp của cô trơn láng và mát lạnh. Dương Lý thấy mình xao xuyến.

 – “Anh bóp chỗ đầu gối em một tí.” Cô nói trong lúc Dương Lý nhủ thầm, “Chà rượu quỷ gì làm mình thấy phấn khởi thế này!” bàn tay chàng đưa lên đầu gối cô, sau đó đưa dần lên khỏi gối đến những chỗ mềm mại hơn là đùi và cặp vú mướp chảy dài trên ngực như hai khối thạch nhũ. Chàng kéo mạnh Thu Đán nằm xuống đất bắt đầu sờ bóp, dày vò khắp người, cô kêu lên:

– “Xin anh nhẹ tay với, chân em còn đau mà!”

Làm sao Dương Lý nhẹ tay với cô được vì trong thâm tâm chàng ghét cô. Và khi mọi mảnh vải trên thân được trút bỏ, cảnh “cơm no bò cởi” diễn ra. Thu Đán lại rên rỉ nhưng lần này không phải vì đau chân.

Lúc Thu Đán sắp ra khỏi nhà chòi, Dương Lý còn nằm trên đất nói theo:

 – “Đi cẩn thận kẻo lúc về lại ngã đấy.”

 – “Anh Hai khỏi lo, Thu Đán này dễ gì ngã được!” Cô vừa nói vừa chạy đi như ngựa. Chân cô có bị đau bao giờ đâu.

Dương Lý chợt hiểu ra mình bị Thu Đán đánh lừa. Nó đã đi xuống mương cho áo và váy ướt hết, nếu té ngã thì giỏ thức ăn cũng phải ướt chứ. Nó liều mạng thật, trời cuối năm rét thế này mà nó dám nhúng mình xuống nước lại còn giả vờ đau chân để gài bẫy mình. Dương Lý ngồi bật dậy gào to, “Con quỷ cái” rồi cười lớn một mình trong tối.

Từ hôm đó, có những đêm Thu Đán mò đến phòng Dương Lý kêu cửa, nhưng chàng đã cài chặt then cửa và làm như đã ngủ say, không hay biết chuyện gì.



Lúc Dương Lý cười vì bức tranh châm biếm mà chàng vẽ ra trong đầu thể hiện sự phản kháng của đàn bà, Dương Liễu không nghe thấy cũng không biết sau đó anh cô đã ra khỏi phòng để mặc cô em một mình dọn dẹp vì cô đang đắm chìm trong mộng tưởng. Không biết từ lúc nào cô thường hay vẩn vơ nhung nhớ Lưu Bằng, nhất là những lúc chàng đi xa. Rồi những kỷ niệm thời niên thiếu lại trở về.

Cô nhớ đến những đêm mưa ngâu tháng bảy hay đêm đông trời rét đậm, bên ngoài vườn tiếng gió heo may rên rỉ trong đám lá cây. Anh em cô với Lưu Bằng, và chú Vũ Bình cùng một vài gia nhân khác ngồi quây quần xung quanh bếp lửa. Trên bếp là một nồi bắp rang kêu lách tách, khi hạt bắp ngả màu nâu, một gia nhân đổ bắp xuống nia, mỗi người vừa thò tay nhặt bỏ vào miệng vừa xuýt xoa cái lạnh. Lần nào cô cũng vô tư ngồi cạnh Lưu Bằng, cảm nhận hơi ấm từ Bằng lan sang cô. Bằng nhặt những hạt bắp to cho cô, một lát sau cô cũng nhặt lại cho Bằng. Suốt buối tối hết mẻ bắp này qua mẻ khác, họ quây quần bên nhau nghe chú Vũ Bính kể chuyện chiến tranh Trịnh-Mạc hay Trịnh-Nguyễn, rồi cả chuyện ma với đủ thứ ma: ma đói, ma lính, ma quan, ma gái bị lính hiếp, ma nhát lính, ma giả làm người để tìm chồng, tìm vợ. Nghe chuyện chăm chú nhưng Liễu sợ lắm cứ ngồi nép sát vào anh Bằng. Anh Bằng biết ý nắm chặt bàn tay mềm mại của cô. Đến khuya, Bằng phải đưa cô về tận phòng vì cô sợ trong bóng đêm sẽ có bóng ma với bộ mặt to bằng cái nia xuất hiện.

Mùa hè đi ra ngoài thích hơn, hoặc vào vườn hái trái cây, hoặc cùng đi câu cá. Một hôm cả ba đứa rủ nhau đi ra bên bờ sông câu cá. Chúng bước đi trong vườn cây râm ran tiếng ve kêu như ru ngủ. Đường đi trong làng vương vải lá cây khô, vòng vo dưới những hàng tre phủ bóng mát. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi nhẹ làm các thân tre vặn vẹo chạm vào nhau kêu cọt kẹt. Đến một con lạch nhỏ, nước sâu quá gối, Dương Lý đi trước nhẹ nhàng nhảy qua theo cách phi thân của một người biết võ nghệ. Lưu Bằng và Dương Liễu đi sau. Bằng bảo Liễu đứng bên này chờ, đừng lội xuống nước. Chàng nhảy qua trước, quay lại đưa tay cho Liễu bảo, “Em nắm chặt lấy tay anh rồi nhảy mạnh một cái là được.” Liễu ngập ngừng nói, “Liệu có được không anh?” Bằng nói mạnh, “Được mà, nào đưa tay đây.” Liễu đưa tay cho Bằng rồi nhảy liều. Bằng kéo mạnh quá nên Liễu mất thăng bằng ôm chầm lấy chàng, mặt cô áp sát vào cổ chàng, bộ ngực mới nổi thành gò áp sát vào ngực chàng. Cô bẽn lẽn gượng đứng lên ngay. Cảm giác ấy làm cô thẹn thùng và ngỡ ngàng nên suốt đoạn dường ra đến bờ sông hai người đi bên nhau mà không nói bởi bối rối vì dư âm của sự va chạm ấy như vẫn còn kéo dài. Lúc về, Liễu dặn trước Dương Lý chờ nơi con lạch, Lý nắm tay truyền sức mạnh cho em. Cả hai cùng nhảy kẻ trước người sau. Dương Lý chạm đất nhẹ nhàng, Dương Liễu chạm đất trong tư thế ngồi xổm. Tuy nhiên cái cảm giác của lần đi vẫn còn đọng lại trong lòng cô. Buổi tối đó, bên bếp lửa ba đứa vừa nướng bánh đa, vừa nướng cá tươi ăn uống ngon lành.

Nhưng vui nhất là đêm trung thu, anh Kiên, một thợ gặt lúa rất khéo tay đã làm sẵn một cái lồng đèn kéo quân to bằng cái nia, cao hơn một thước ta bằng giấy mờ bên ở giữa đặt một cái đèn dầu lạc. Chiều xuống khi mọi vật nhạt nhoà, chỉ còn thấy dáng mà không thấy hình người khác, anh Kiên đem lồng đèn ra đặt giữa sân trước lót gạch tàu, chờ trăng lên mới đốt đèn dầu lạc. Anh kiên nói, “Đèn dầu lạc hơi nóng bốc mạnh hơn làm tán đèn quay nhanh và các quân chạy nhanh hơn.” Trăng vừa lên khỏi ngọn cây thì cái đèn dầu lạc được đốt lên, các quân hiện lên và từ từ chuyển động, một lát sau khi hơi nóng đã đủ, các quân chạy đều đều, liên tục. Mọi người trong nhà bu lại xem anh Kiên chọn đề tài nào để làm quân. Bác Vũ Bính à lên một tiếng, “Đề tài này có vẻ hợp thời thế đây, Chúa Trịnh hộ giá vua Lê đánh chúa Nguyễn”. Trong lồng đèn vua Lê ở vị trí cao nhất trên một ghế to, trông ngất ngưỡng nhưng lắc lư, không vững. Trước vua là quân tiên phong do một tướng cỡi một con ngựa thấp dẵn đầu, sau vua là chúa Trịnh ngồi trên một con ngựa to trông rất hùng dũng, tay cầm một cây đao dài quá đầu vua Lê và lưỡi đao ngay phía sau đầu vua. Mọi người tấm tắc khen chú Kiên khéo bài trí các quân, chỗ cao chỗ thấp, chỗ dày chỗ mỏng nên khi quân chạy người ta có cảm tưởng như một con sóng khí thế mạnh mẽ. Lúc đó Dương Liễu và Thu Đán trải hai cái chiếu hoa trên mặt sân đã ngập ánh trăng rồi các phụ nữ bày ra trên chiếu những cái khay bánh dẽo và những chén sôi chè. Thằng Côi thì bưng bình nước trà to và những cái tách bằng sành. Cả nhà vừa ăn bánh, uống nước, vừa ngắm trăng. Sau đó Lưu Bằng và Dương Lý góp vui bằng hai bài thơ, Lưu Bằng bài Điểu Minh Giản của Vương Duy và Dương Lý bài Tĩnh Dạ Tư của Lý Bạch. Cả hai lần lượt ngâm bài chữ nho và bài dịch nôm của họ. Bài nôm Khe chim kêu của Lưu Bằng như sau:

Người nhàn hoa quế rụng,
Đêm xuân núi vắng teo.
Trăng lên chim núi hãi,
Dưới khe bỗng chốc kêu..

Và bài nôm Cảm nghĩ đêm thanh của Dương Lý:

Đầu giường tỏa ánh trăng,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cuối đầu nhớ cố hương.

Rồi chú Kiên hát một bài Lý ngựa ô, tay chân chú làm điệu bộ như một chiến sĩ cỡi ngựa chạy nhanh. Sau cùng là những bài hát lý đối đáp giữa chú Lý và mấy cô thợ gặt làm không khí đêm trung thu vui tươi, phấn khởi.

Trên bầu trời ánh trăng vằng vặc. Cả một trời trăng, cả một biển trăng. Không biết tự bao giờ, trăng luôn đồng hành và đồng cảm với người. Nơi này trăng vui cùng mọi người. Còn ở ngoài biên cương, nơi lính thú đóng đồn trăng thương nhớ cố hương. Lúc đó Dương Liễu tưởng mình đang bơi trong trăng: cô đã rời chỗ ngồi lúc ban đầu để đến ngồi cạnh Lưu Bằng. Hai người cùng chia một cái bành dẽo mà cô nghĩ mình ăn không hết…

Một ngày dọn dẹp thư phòng cho anh cô trôi qua trong hoài niệm và nhớ thương vời vợi. Buổi tối về phòng, Dương Liễu ngồi trầm ngâm nhìn chiếc bóng cô đơn của cô mà anh sáng tù mù của cái đèn con hắt lên vách đất. Cô biết Lưu Bằng giờ này đang vui vầy với một ca kỷ. Tất cả nỗi buồn dồn nén trong ngày vỡ tung, cô gục đầu vào gối khóc nức nở như một đứa trẻ. Tình yêu đơn phương của cô chưa bao giờ được đáp ứng. Sao Lưu Bằng lại tiếc với cô một lời âu yếm? Chỉ một lời của chàng thôi dù giả dối, cô sẽ hiến dâng cho chàng tất cả. Cô khóc và thiếp đi trong giấc ngủ. Cô thấy mình đi vào một khu vườn đẹp có nhiều hoa thơm cỏ lạ, tiếng chim ngàn hót véo von trong đám lá cây tạo thành một tấu khúc vui tươi hoan hỉ. Rồi cô dừng lại nghỉ chân dưới một gốc cây cổ thụ như một tán dù rất lớn. Bỗng chốc có tiếng hài nhẹ bước từ sau cây, cô ngước mặt lên đã thấy Lưu Bằng đứng trước mặc cô, tay cầm một cái tráp nhỏ khảm xà cừ. Chàng ngồi xuống bên cô, mở tráp ra cho cô thấy bên trong có rất nhiều hạt ngọc trai và chàng tặng cô cái tráp. Cô rụt rè nói, “Cảm ơn anh, em không lấy đâu, em không cần đâu, có anh là em có tất cả.” Lưu Bằng nhẹ nhàng nói, “Của em đấy, anh chỉ trả lại những cái thuộc về em… Ngọc trai trong cái tráp này chính là những giọt nước mắt em khóc vì nhớ thương anh.” Cô ngạc nhiên vui sướng. Lúc đó những cành lá cổ thụ rủ xuống xung quanh họ quây thành một màn che màu xanh cây lá, thơm hương hoa đồng nội. Chàng ôm lấy cô vuốt ve và như một nghi thức cô dâng hiến cho chàng.



Giấc mộng đẹp đêm hôm trước làm Dương Liễu thẹn thùng với chính cô khi sáng hôm sau cô thức dậy thấy chăn xô gối lệch. Tuy nhiên một niềm hân hoan êm ái tràn ngập tâm hồn cô. Cô gom những quần áo và ít khăn vải bỏ vào một cái thau gỗ, rồi đi ra cầu ao nơi một con lạch nhỏ đem nước vào ao là nơi cô thường giặt giũ. Bên dưới dòng nước cách đó một khoảng bằng một cái ném đá là chuồng heo và cái chòi của thằng Côi.

Thằng Côi cao gầy nhưng khỏe mạnh. Mẹ nó là người cùng làng với Bà Lưu. Cha nó làm lính cho chúa Trịnh. Khi cha nó chết trận, mẹ Côi bồng con đến xin Bà Lưu cho tá túc làm gia nhân trong nhà; mẹ Côi nói khi nào bà tìm được việc nấu bếp, hay làm nô tỳ cho một nhà giàu có, mẹ Côi sẽ bồng con đi. Năm tháng sau, một buổi sáng sương mù ảm đạm, người ta nghe thấy tiếng thằng bé Côi khóc rất lâu nhưng không chịu nín. Bà Lưu cùng một gia nhân khác đến, thì không thấy người mẹ, chỉ thấy thằng bé khóc đến lả cả người. Chị gia nhân ôm lấy dỗ dành một lúc sau Côi nín. Từ đó người ta không gặp lại mẹ Côi. Có người kể lại mẹ Côi đã đi theo một người đàn ông mà trước đó thỉnh thoảng có ghé thăm hai mẹ con và tự xưng là anh họ của người chồng quá cố. Từ ngày ấy, thằng Côi sống trong nhà phú hộ họ Lưu như một thành viên nhỏ tuổi nhất của đám gia nhân. Tên Côi là do Lưu ông đặt cho nó. Nó không có họ và cũng không bao giờ dùng đến cái họ đi với tên người. Nó lầm lũi, ít nói và cô độc. Có lẽ nó bằng tuổi Dương Liễu, nhưng anh em Dương Liễu và dĩ nhiên Lưu Bằng không bao giờ chơi với nó. Vả lại không mấy khi thấy nó trong nhà. Được mười tuổi nó đi chăn vịt, mười ba tuổi chú Kiên bảo nó đi chăn bò. Khi nhà họ Lưu chỉ còn lại cặp bò kéo xe giao cho Thu Đán, nó về chăn nuôi heo bên con rạch và ở trong cái chòi kế bên chuồng heo. Cơm ngày ba bữa lấy trong nhà bếp đem về chòi ăn và một mình chăm cho đàn heo chừng mười con mau lớn. Những lúc quá cô độc, nó nói chuyện với heo, những người bạn duy nhất của nó. Sự cô độc ấy làm tính nó côc cằn đôi khi dữ tợn.

Ngay từ lúc còn nhỏ thằng Côi đã ganh ghét Dương Liễu, vì nếu nó bị la mắng đánh đập thì không ai dỗ dành nó. Nó khóc chán rồi thôi. “Mày có nín không thì bảo!” .Trái lại Dương Liễu khi bị Lưu bà la mắng hoặc bị anh đánh đập thì không thiếu người đến dỗ ngay. Lưu Bằng hái những quả mận, quả doi đến gần bên dỗ dành. Nếu không có Lưu Bằng thì sẽ có Thu Đán hay một người nào đó. Thằng Côi nghĩ rằng Dương Liễu cũng mồ côi như nó sao lại may mắn thế. Đến tuổi Dương Liễu dậy thì, diện mạo ngày càng xinh đẹp thì ngoài sự ganh ghét, thằng Côi còn sinh lòng thèm muốn. Các người đối xử tàn nhẫn với tao, một đứa trẻ khóc nhưng không có một ai đến dỗ dành.Nếu mẹ tao gạt bỏ tao một lần để đi chạy theo thằng đàn ông đểu cán, thì các người đã gạt bỏ tao cả trăm lần. Rồi các người sẽ thấy hậu quả mà các người đã gây ra cho tao.

Sáng hôm đó khi Dương Liễu đem thau đồ đến bãi cỏ gần cầu ao, thằng Côi từ sau một thân cây nhảy ra ôm chặt sau lưng Dương Liễu. Cô làm rơi cái thau gỗ và hét lên, “Buông tôi ra!” Không kịp nói thêm, thằng Côi đã nhét giẻ vào miệng cô rồi nó cột hai tay cô quặc ra sau lưng. Trước khi nó vật cô ngửa ra trên bãi cỏ, nó nói hổn hển vào tai cô, “Hôm nay anh cùng em sung sướng nhé!” . Dương Liễu giẫy giụa, kêu ú ớ trong cổ không thành tiếng, “Anh Bằng ơi, cứu em với!”, “Anh Lý ơi, cứu em với!” Mọi sự kêu cứu đều vô ích . Cái yếm nâu của cô đã bị giật đứt, để lộ đôi nhũ hoa tròn trịa trắng như bông bưởi với hai đầu vú đỏ như trái táo tàu. Váy cô đã bị tốc lên đôi chân mịn màng và trắng như sữa. Dương quản của thằng Côi như quả cà tím còn cách “hoa đen nhụy đỏ” nổi lên giữa da đùi trắng mịn của Dương Liễu một khoảng cách bằng thước thợ may. Dương Liễu nhắm mắt lại kêu trong cổ, “Bố mẹ ơi, cứu con với!” … thình lình thằng Côi kêu lên một tiếng đau đớn cùng với tiếng roi gân bò vút thật mạnh vào lưng nó mấy cái liên tiếp. Thu Đán đã có mặt hét to, “Thằng mất dạy, bỏ Dương Liễu ra. Cút ngay hay muốn bà đánh chết mày!” Dương Liễu vùng lên; thằng Côi kéo quần chạy mất vào bụi rậm. Thu Đán đến cởi trói cho Dương Liễu, rồi rút cái giẻ ra khỏi miệng và lấy khăn choàng che bộ ngực của cô. Cô ôm chầm lấy Thu Đán với đôi tay tê dại hai cổ tay tím bầm và khóc nức nở:

 – “Thằng Côi khốn nạn nó định làm hại em… may mà có chị.”

 – “Không sao đâu, có chị ở đây với em rồi, nó mà làm gì hại em, chị sẽ đánh chết không tha.” Rồi cô vỗ về ủi an Dương Liễu. Dương Liễu nghẹn ngào nói:

 – “Em mang ơn chị cả đời em”, cô lo lắng nói tiếp, “Em có nên nói chuyện này cho anh Lý em biết không. Anh ấy mà biết được chắc sẽ giết chết nó”.

 – “Không, em chẳng cần nói với ai cả.” Thu Đáng bình thản nói

 – “Nhưng nếu không nói em sợ thằng Côi lại giở trò với em .”

 – “Để thằng nhãi nhép ấy cho chị trị nó. Nó sẽ không dám làm bậy nữa đâu.”

Câu nói ấy làm Dương Liễu yên tâm bởi cô biết Thu Đán là một người đàn bà mạnh mẽ. Lúc đó Thu Đán đứng lên dìu cô về phòng để thay y phục.

Khi Dương Liễu vào trong, Thu Đán nhớ có một việc mà cô định hỏi nên không đi ngay mà đứng lại chờ ở phòng ngoài. Thu Đán nhìn thấy ở vách có treo một tờ giấy dó trên viết những câu chữ hán. Cô chắp hai tay sau lưng, bước qua bước lại từng bước ngắn, miệng lẩm nhẩm, đầu gật gù như đang thưởng thức ý vị của từng câu chữ. Khi Dương Liễu quay ra, nhìn phong cách của Thu Đán, không khỏi ngạc nhiên liền hỏi:

 – “Chao ôi, chị giỏi chữ nho mà em không biết.”

 – “Ai bảo em như thế, chữ nhất một chị còn không biết nữa là. Chẳng qua chị nhại cách làm dáng của nhà nho thôi. Không thiếu những nho sĩ, chỉ biết đọc chữ mà không hiểu ý của người viết, nhưng vẫn cứ làm ra vẻ hiểu được ý tứ thâm trầm của văn chương. Chẳng qua chỉ để lòe bịp người đời mà thôi.”

 – “Vậy mà em cứ tưởng là thật…” cả hai cô nhìn nhau cười thoải mái. Thì ra, Thu Đán tìm cách chọc cười Dương Liễu cho cô quên đi nỗi sợ.

 – “Chị muốn hỏi em việc này: anh Dương Lý dọn đi đâu mà để phòng trống trơn vậy?”

Dương Liễu kể lại sự sắp xếp của quản gia Vũ Bính. Cô còn thật thà khoe người chị dâu tương lai của mình, người bạn gái đính ước cùng Dương Lý. Bỗng khuôn mặt của Thu Đán tối sầm lại, cô nói còn phải đánh xe chở thóc rồi vội vã bỏ đi. Thu Đán đi đánh xe thật: sở dĩ sáng nay cô chần chờ đi muộn vì muốn hỏi Dương Liễu về Dương Lý. Trước khi cho xe ra đường cái, cô không quên dặn nhà bếp đem cơm cho thằng Côi vì như cô nói hôm nay nó ốm.

Khi Thu Đán đi rồi, Dương Liễu mới biết mình lỡ lời khi tiết lộ chuyện người yêu của anh mình. Cô quay vào nhìn bài thơ trên vách mà Lưu Bằng đã viết thảo cho cô:

Dương Tử giang đầu, dương liễu xuân,
Dương hoa sầu sát độ giang nhân.
Sổ thanh phong địch ly đình vãn,
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần.

Cô còn thuộc lòng bài dịch nôm của Lưu Bằng:

Sông Dương liễu thắm đôi bờ,
Hoa Dương xui khách thẩn thờ sang ngang,
Ly đình tiếng sáo thở than,
Tiêu Tương chàng đến, Tần bang em về.

Lưu Bằng viết tặng cô bài Hoài thủy biệt hữu này của Trịnh Cốc vì bài thơ có nhắc tên cô. Nhưng Dương Lý anh cô thì cho rằng “sầu sát” thì buồn quá. Đối với cô, điều quan trọng vẫn là một kỷ niệm của Lưu Bằng.

Đầu giờ ngọ, cô ra đảo lúa phơi nắng trên sân gạch. Được nửa sân cô thấy Lưu Bằng lững thững đi vào. Cô vội chạy đến cầm lấy tay nải, mừng rỡ nói, “Anh đã về!” Lưu Bằng vuốt nhẹ má cô nói, “Vâng, anh trễ mất hai ngày, ở nhà Liễu đón nguyên tiêu vui không?” Cô đáp, “Có gì để vui đâu anh?” Mặt cô đã hồng lên vì nắng lại đỏ thêm vì thẹn khi nhớ đến giấc mộng đêm qua. Lưu Bằng đưa cho cô gói hồng khô bảo nấu nước trà làm cho mỗi người trong nhà một quả, rồi chàng đi vào nhà. Cô chỉ kịp nói về căn phòng của Lưu ông từ nay dành cho chàng. Rồi cô tự nhủ, “Cứ để anh ấy nghỉ ngơi vài ngày đã, rồi hôm nào mình sẽ khuyên bảo anh ấy việc học hành thi cử cũng không muộn”. Xế trưa, Dương Lý đi chợ huyện cũng về tới, lúc cô xúc lúa đổ vào bồ. Khi mặt trời sắp tắt nắng, chị Thu Đán cũng về. Hai con bò nhìn Thu Đán lấm lét sợ hãi, chúng không biết tại sao hôm nay chủ nó quất roi vào lưng chúng liên tục. Khuôn mặt Thu Đán lộ vẻ mệt mỏi lại có vẻ đăm chiêu. Cả ngày hôm ấy, cô nghĩ ngợi về “chị dâu tương lai của Dương Liễu”. Cô biết rõ vị trí của mình đối Dương Lý. Cô đấu tranh với chính mình một cách khó khăn. Cô cũng không quên chúc dữ cho Dương Lý vớ phải một người nữ lăng loàn. Và cô đã chấp nhận sự việc. Nhưng cô không đầu hàng số phận. Cô biết mình phải làm gì nên tối hôm đó cô yên tâm đi ngủ và tiếng cô ngáy có thể nghe rõ trong đêm.

 Sáng sớm hôm sau khi sương mù còn lẫn khuất trong cây cỏ, một tay xách giỏ thức ăn, một tay cầm cây roi gân bò, dù hôm nay không phải là một ngày đánh xe, Thu Đán đi đến cái chòi của thằng Côi, gần chuồng heo. Cô giắt cây roi bên ngòai vách lá, rồi đẩy cửa bước vào.

Thằng Côi đã dậy sớm cho heo ăn, rồi nó vào nằm lại trên chỏng tre và nghĩ ngợi. Càng nghĩ nó càng phẫn uất. Mọi chuẩn bị trước giờ hành động của nó phút chốc hóa uổng công. Nó đã canh đúng ngày Dương Lý đi chợ, Lưu Bằng thì chưa về, Thu Đán thì đánh xe bò và khi nó chỉ còn cách “mục tiêu” khoảng cách của một cây thước thợ may thì con “quỷ cái” Thu Đán lại xuất hiện. Bây giờ nó uất hận và xấu hổ quá, nó chỉ muốn tự tử. Cuộc đời nó nhục nhằn quá không đáng để nó sống. Sáng nay khi cho heo ăn, nó xem xét kỹ cây mít gần hố phân heo có một cành cây to nằm ngang cách mặt đất khá cao. Nó định sẽ tìm một sợi dây thừng và cành mít ấy sẽ là nơi nó treo cổ. Rồi các người sẽ phải hối hận vì đã đẩy tao vào chỗ chết. Cái chết của tao chính là một lời tố cáo sự độc ác của các người và trách mắng lương tâm các người.

Thằng Côi nghe tiếng đẩy cửa, nó ngồi dậy và bàng hoàng khi thấy Thu Đán. Miệng nó há hốc ra, hàm răng trên đóng khói thuốc lào tưởng chừng rơi xuống. Nó chưa kịp nói vì không biết Thu Đán sẽ làm gì, thì với một giọng nói nhẹ nhàng, Thu Đán bảo:

 – “Lại đây mà ăn cái này, sao cứ ngồi đó như phỗng đá thế?” Nói xong, cô lấy ra trong giỏ một cái bánh đúc bột trắng đục to bằng nửa trái dừa khô và một gói mắm tôm. Thằng Côi như cái máy đến bàn gỗ mộc lặng lẽ ngồi ăn, trong lúc Thú Đán nhìn nó ăn, thỉnh thoảng nó nhai trúng một hột đậu phọng mềm bên trong cái bánh thì rất thú vị. Cô bắt đầu ôn tồn nói:

 – “Hôm qua chị có mạnh tay với Côi, nhưng chỉ vì Côi đã làm một chuyện động trời. Chị nói Côi biết từ nay không được đụng đến Dương Liễu nữa. Với lại muốn chinh phục người ta thì phải ăn nói nhỏ nhẹ, chứ đâu phải hơi tí là động binh, động mã như chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Phải làm cho người ta tâm phục khẩu phục chứ đâu chỉ quy phục, lụy phục. Nhớ đấy…”

 – “Nhưng có bao giờ mọi người nhỏ nhẹ với Côi này đâu. Toàn là những lời chửi mắng và tệ hơn nữa là sự thờ ơ lạnh nhạt.” Thằng Côi đáp lại.

 – “Côi nói cũng có chỗ đúng, nhưng từ nay chí ít chị sẽ nhỏ nhẹ với em.”

Thằng Côi cũng vừa ăn xong, lấy vạt áo chùi miệng. Thu Đán lấy trong giỏ ra một chai dầu gió bảo nó quay lưng lại, kéo áo cho cô xức dầu vào chỗ nổi lên mấy con lươn đỏ chót vì rướm máu. Bàn tay cô nhẹ nhàng êm ái trên cái lưng rộng và ấm. Thằng Côi thật sự cảm động. Nó nhớ lại những vuốt ve của mẹ nó mà kỷ niệm như còn lưu giữ ở nơi tăm tối nhất của tâm hồn nó. Nó sắp khóc nếu không quá xấu hổ. Mình khoan nghĩ đến chuyện tự tử để xem chị ta sắp giở trò gì. Khi Thu Đán về, thằng Côi hơi bị hoang mang, nhưng nó nghĩ mãi không ra nên sau cùng nó nghĩ Thu Đán là người đầu tiên biết hối hận trong số những người ngược đãi nó. Bốn ngày sau mọi việc cũng xảy ra tương tự, Thu Đán đến chăm sóc bồi dưỡng cho thằng Côi trước khi đi làm việc đồng áng hay đánh xe. Tối ngày thứ năm, cuối giờ dậu khi mặt trăng hạ huyền như một lưỡi liềm bạc treo trên không trung, Thu Đán lặng lẽ đến chòi thằng Côi. Lúc ấy thằng Côi đang gác tay lên trán nghĩ đến số phận hẩm hiu. Thu Đán bước vào bày ra bàn những miếng thịt chó luộc gói trong một cái lá sen, có cả mắm tôm gói trong lá chuối, rồi đặt trên bàn một bình rượu nhỏ màu vàng trên có những đường vân như lửa, cô nói:

 – “Lại nhắm rượu với tí thịt chó đi Côi.”

Thằng Côi ngồi dậy ngay vì đây là món khoái khẩu của nó, nhưng nó vẫn nói:

 –“Chị cứ bày vẽ, Côi này mấy khi uống rượu lại quen kham khổ lâu ngày.”

Rượu vào làm nó phấn chấn cả người, như có gì đang rục rịch chuyển động. Rồi lại xức thuốc … Khi Thu Đán đem cái đèn con từ sau lưng thằng Côi để lại trên bàn, thì nó tưởng mình hoa mắt. Nửa thân trên của Thu Đán đã trần trụi, cặp vú to thòng xuống trên ngực, bày ra mời mọc. Thu Đán ngồi lại giường trước mặt thằng Côi, nói với nó bằng phương ngữ của vùng Ngã Yên như tiếng chuột kêu. Thằng Côi hiểu tiếng ấy vì đó là phương ngữ của quê mẹ nó. Nó có vẻ thấm thía nhưng vẫn ngồi lùi dần vào một đầu của chiếc chỏng tre, Thu Đán cũng tiến theo, một đầu vú gí vào mũi thằng Côi với mùi da thịt của phụ nữ. Sau cùng cô cũng trút bỏ cái váy. Lúc này thằng Côi bật dậy, nó biết mình phải làm tiếp công việc dang dở với Dương Liễu mấy ngày trước, nó phều phào, “Mẹ ơi… chị ơi… em ơi… Thu Đán ơi!” Cô kêu khẽ một tiếng, sau đó tiếng rên rỉ của hai người hòa với tiếng côn trùng. Thu Đán trở thành người bù đắp những mất mát trong tuổi thơ của thằng Côi. Đến đầu giờ dần, Thu Đán mới gọn gàng trở về phòng mình.

Từ ngày ấy, Thu Đán sống với thằng Côi “già nhân ngãi, non vợ chồng” dù ít năm sau đó, Thu Đán cũng tìm được một tấm chồng chính thức. Đến khi thằng Côi được bốn mươi tuổi, nó chết vì bệnh thương hàn. Thu Đán khóc thương nó vô hạn. Thằng Côi là việc thiện lớn lao, là người mà cô thể hiện một nghĩa cử cao quý trong đời, giữa một thời buổi mà gươm giáo, chiến mã, các khí tài chiến tranh được chúa Trịnh và chúa Nguyễn dùng làm sức mạnh biện minh cho chính nghĩa không hề có của họ. Vâng, Thu Đán, một người tình và một người chị.

 
 

(Xem tiếp Chương 4)

Vĩnh An Nguyễn Văn Sơn