Bình Rượu Quỷ


Chương 4:

Sĩ Tử

 
 
 

Mùa thu năm ấy đã qua được một nửa, mưa gió nhiều và ngày thi cũng gần đến. Lưu Bằng và Dương Lễ cùng ra sức học hành, nhưng xem ra sự tập trung của Lưu Bằng không còn được bao nhiêu. Hình ảnh của Tiên Hương luôn lỡn vỡn trong đầu chàng và những việc làm mà nàng luôn tìm cách giấu giếm luôn khiến chàng lo lắng. Chàng thường tự hỏi tình yêu say đắm của chàng dành cho nàng được đáp lại mấy phần. Cái phần bí mật kia của nàng là gì mặc dù mỗi khi có chàng bên cạnh, nàng luôn tỏ ra hạnh phúc và luôn chiều chuộng chàng nhất là trong việc chăn gối? Mỗi lần như thế, nàng vẫn cùng chàng tận hưởng tình yêu nhưng có một phần con người nàng chìm sâu vào bóng tối của một kỷ niệm hay quá khứ nào đó mà chàng không hiểu được. Và đáng sợ hơn khi linh tính báo cho chàng biết một việc chẳng lành, một điều bất trắc sẽ xảy ra, vì có lần chàng nằm mơ thấy nàng nằm lõa thể trên một bờ sông mắt nhắm lại và một nửa khuôn mặt nàng đầm đìa máu đỏ.

Kể từ tết nguyên tiêu chàng còn đi đến huyện Thiên Tường bồn lần nữa. Vẫn là đàn đúm với mấy người bạn chí cốt, đánh bạc và vui vẻ với Tiên Hương. Sau đó lại về. Chàng đã hẹn cùng nàng sẽ ghé lại Thiên Tường gặp nàng trên đường xuống thành Nam dự thi. Vả lại tú tài Phan Khắc Tứ nhận chuẩn bị cho Lưu Bằng một việc mình đã từng làm là sắp sẵn lều chõng, bút giấy và những thứ đồ dùng khác trong kỳ thi để, như chính Khắc Tứ đã nói, lưu lại nơi chàng một kỷ niệm trước khi Khắc Tứ về chùa quy ẩn. Vì thế Lưu Bằng đã lên đường trước Dương Lý mấy ngày. Đưa chàng ra bến đò Thiên Tường có Dương Liễu, Thu Đán và cả Dương Lý. Mọi người đi từ khi trời còn mờ tối, trên đường cái, sương mù còn bay lãng đãng xung quanh họ. Thu Đán đi trước với Dương Lý, sau đó một quãng ngắn Dương Liễu và Lưu Bằng theo sau.

Thu Đán lâu nay đã cư xử bình thường với Dương Lý, để chàng biết cô không còn bám theo chàng nữa, và sự lạnh lùng của chàng đã làm cô bỏ cuộc. Vì thế cô nghĩ cách tốt nhất là gợi câu chuyện về vị hôn thê tương lai của Dương Lễ. Dù Dương Lễ cố tình tránh né không muốn đề cập việc ấy với Thu Đán, thì cô cũng biết thêm vài điều về Châu Linh như nàng đẹp và quyến rũ, con của một nhà nho mất sớm, buôn bán ở chợ huyện v.v… Những điều đó làm Thu Đán bớt tủi thân khi là người đã biết rút lui trước. Đó cũng là cái khôn ngoan trong việc tiến thoái. Tuy nhiên cô cũng có một niềm tự hào mà chắc Châu Linh không thể nào có được: Cô ngụy tín tin rằng cô đã có một nghĩa cử cao đẹp đối với thằng Côi vì đã cứu vớt nó và nhất là – Dương Lý không biết việc này – cô đã trở thành một lá chắn cho Dương Liễu, vì giờ đây thằng Côi chỉ còn biết có Thu Đán là phụ nữ trên đời. Nó thấy nơi cô có mọi vẻ đẹp, nước nôi và cái gì cũng đẹp, cũng tuyệt vời, cũng to khỏe và nóng bỏng. Nó đã chẳng có lần kêu lên với cô , “Hoàng hậu ơi, chị ơi, em ơi, Thu Đán ơi …” là gì? Cô không thấy những nghĩa cử của cô phôi pha vẩn đục, không hoàn toàn trong sáng và chỉ thực hiện trong đêm tối. Nhưng với thằng Côi, liệu có cách nào khác?

Lúc đó, Dương Liễu sung sướng đi bên cạnh Lưu Bằng trong sương mai bềnh bồng và cô chợt nghĩ rằng hai người đang bước vào một cõi thần tiên. Họ đi gặp Tây Vương Mẫu để được Mẫu chúc phúc cho tình yêu của họ. Cái tính mơ mộng của cô là thứ áo giáp mà cô thường mặc trước những tấn công nghiệt ngã của đời. Nó giúp cô chịu đựng nhẹ nhàng sự cô đơn, nghèo khổ, khinh khi, và những điều không vừa ý khác. Cô đã nắm lấy tay của Lưu Bằng một lúc lâu bằng thời gian đi qua ba cánh đồng, rồi buông ra khi cô nghĩ đến Tây Vương Mẫu; không khéo Mẫu lại mắng là cô lẳng lơ: con gái của Mẫu không được phép lẳng lơ. Sau đó cô lại nắm lấy tay của Lưu Bằng vì cô nhớ đến một kỷ niệm gần đây và lúc nào cũng mới nguyên trong tâm hồn cô.

Tối hôm ấy trời se lạnh, Thu Đán đã nấu một nồi chè hạt sen cho cả nhà. Dương Liễu bưng hai chén, một cho Dương Lý một cho Lưu Bằng lúc Lưu Bằng chong đèn ngồi đọc Kinh Thư, đúng hơn chàng đang mơ tưởng đến Tiên Hương. Chàng nhớ đến dáng người cao ráo, thanh mảnh của nàng nhưng ngực và hông nở nang cân đối tạo nên những đường nét làm chàng rung động. Khi gần nàng khoái lạc nhục cảm làm chàng không còn cảm thấy cô đơn và nó như một sự trấn an nào đó, nhưng khi bước vào một không gian khác không có nàng thì sự cô đơn và bất an lại to lớn hơn. Lúc Dương Liễu bưng chén chè bước vào, chàng cảm thấy lòng mình trống trải. Chàng thấy giọng nói cô run run nhưng lúc đó chàng dường như vô cảm. Chỉ khi dáng người thon thả của Dương Liễu sắp quay ra chàng mới như tỉnh mộng. Chàng gọi cô lại và hỏi, “Em lạnh phải không?” Dương Liễu nhìn chàng cúi đầu không đáp. Chàng đứng lên bước ra khỏi án thư nói tiếp, “Liễu lại đây!” Khi cô đến gần chàng, chàng khoác cái áo choàng của mình cho cô. Rồi nắm hay bàn tay cô kéo sát vào người chàng. Chàng quàng tay ôm chặt nàng và nói, “Em thật đáng yêu, còn anh không tốt”. Dương Liễu lắp bắp nói, “Em cứ nghĩ là anh không yêu em.” Chàng nói vào tai nàng sau khi đã hôn đôi má đỏ ửng bởi thẹn thùng, “Anh càng không tốt khi còn muốn yêu em.” Nàng vội nói, “Không, anh không xấu như anh nghĩ đâu. Em lúc nào cũng tin anh sẽ rất tốt.” Họ đã cùng ngồi xuống giường mà không biết, cùng ăn một chén chè, cùng uống một chung trà ấm. Rồi Lưu Bằng lại ôm lấy nàng hôn vào đôi môi còn dính chất đường và vào cái cổ trắng trong lúc nàng nói, “Anh có biết em nhớ thương anh nhiều lắm không? Nhưng em buồn vì anh có người khác và không yêu em…” Lưu Bằng nói, “Lúc này anh không thể quên người ấy… nhưng anh cũng yêu em…” Dương Liễu bắt đầu cảm thấy rung động mạnh vì khuôn mặt của Lưu Bằng đã áp vào đôi gò bồng đảo của cô. Cô nằm trên giường, chân co và khép chặt, háo hức chờ đợi việc tiếp theo, nhưng cô cũng lo sợ. Chỉ còn một khoảng cách rất nhỏ, rất mong manh để cô dâng hiến trọn vẹn cho chàng, bỗng cô đẩy nhẹ Lưu Bằng ra, ngồi dậy và thảng thốt nói, “Không, không được đâu anh, em sợ anh ơi, dù em rất yêu anh và rất hạnh phúc mỗi khi gần anh.” Lưu Bằng như cũng tỉnh ngộ. Chàng dừng lại và sau đó hai người chỉ hôn nhau, vuốt ve nhau. Đối với Dương Liễu, như thế cũng đủ để cô vô cùng mãn nguyện và cho rằng giấc mơ trong rừng hoa đã trở thành hiện thực. Chắc là cô sẽ khóc khi cái hiện thực thô lậu đi tới chỗ tận cùng làm hỏng những giấc mơ và phá vỡ chất thơ mộng trong con người đơn sơ của cô. Và hình như cô chưa được chuẩn bị cho một hành động bản năng sau cùng ấy của việc yêu đương. Phần Lưu Bằng dù có mê muội đối với Tiên Hương, chàng cũng có đủ sáng suốt để biết rằng buông theo tình cảm với Dương Liễu trong lúc này, chàng sẽ trở thành người lợi dụng kẻ cha chàng thi ân, và làm muối mặt bạn chàng là Dương Lễ trừ phi họ đã ra khỏi nhà này và để đôi bên đều đẹp mặt và danh phận rõ ràng, hai người phải chờ đợi cho đến lúc ấy. Và khi ấy biết đâu mọi sự sẽ khác hẳn.

Họ đến bến đò khi nắng vừa lên, Lưu Bằng bịn rịn lên thuyền khi thấy Dương Liễu rớm nước mắt. Đúng là “Tiêu Tương chàng đến, Tần bang em về”. Tiếng mái chèo khuấy nước đưa con thuyền đi xa dần. Đến khi khuất vào một khúc quanh sông, mọi người mới rời khỏi bến đò. Thu Đán và Dương Liễu vào chợ huyện mua sắm ít vải vóc của đàn bà, hai cô cũng mua thêm những thứ vải dày để may đồ cho Vũ Bính và dĩ nhiên cho cả thằng Côi nữa. Dương Liễu mua riêng ít loại lá cây và quả dùng để tắm và làm cho da tóc thêm đẹp. Còn Dương Lý đi mua sắm những thứ vật dụng cho kỳ thi sắp tới, dĩ nhiên chàng không quên ghé lại chỗ Châu Linh bán hàng như đã có hẹn.

Ba hôm sau, cũng vào sáng sớm Dương Lý xuống bến đò huyện Thiên Lương để xuôi xuống thành Nam, Thu Đán và Dương Liễu tiễn chàng đi với lời những lời chúc tốt đẹp nhất trong kỳ thi. Ra bến đò tiễn đưa còn có Châu Linh. Nàng mua cho chàng hai cây giò, ít thịt heo khô, thịt ruốc và ít hoa quả, một lọ thuốc tể để bồi bổ tinh thần trong những ngay trí óc căng thẳng. Đây là lần đầu tiên Châu Linh làm quen với hai người phụ nữ gần gũi bên Dương Lý bao năm nay. Xem ra họ có một mối đồng cảm về nhiều việc nhất là cái công danh mà một người đàn ông phải đạt được trong thời buổi nhiễu nhương này, bằng nghệ thuật chiến tranh hay bằng khoa cử. Dương Liễu thấy mình có cảm tình dặc biệt với người mà anh cô chọn làm hôn thê. Cô ấy quả là xinh đẹp với khuôn mặt trái xoan, đôi môi đỏ thắm và nước da trắng nỏn. Dương Liễu không cảm thấy ganh tị với Châu Linh nhan sắc hơn người như Thu Đán, nhưng cô tự hào vì anh cô đã chọn được một thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng và như anh cô thường khoe, chị ấy còn biết đọc chữ nho là chữ của thánh hiền.

Khi chiếc thuyền đã đi khuất sau một khúc sông cong. Châu Linh mời Thu Đán và Dương Liễu đến chỗ cô bán hàng xén. Thu Đán bận việc nhà nên cáo từ về trước. Dương Liễu ở lại nói chuyện với Châu Linh vui vẻ, hòa hợp như đôi bạn lâu ngày. Cô hỏi Châu Linh nhiều điều về nghề buôn bán mà cô rất thích. Buổi trưa hai chị em đi ăn cơm hàng trong chợ huyện.

Xế chiều, Dương Liễu một mình đi bộ về nhà như đã đi bộ lên huyện lỵ. Những cánh đồng hai bên đường xanh rờn màu lúa mới sắp trổ đòng đòng. Gió chiều thổi mạnh làm những cây lúa rập rờn như sóng nước. Xa xa là những mảnh vườn nhỏ với những mái nhà tranh ẩn mình dưới những cây dừa rủ lá và những cây cau đứng thẳng. Chúng như những hải đảo giữa sóng nước màu xanh cây lúa. Bỗng ánh sáng dịu hẳn, những đám mây kéo đến che khuất mặt trời báo hiệu một cơn dông. Cảnh vật trở nên u ám. Dương Liễu lo lắng khi có hai khách bộ hành một đội khăn xanh, một đội khăn đỏ qua mặt cô và nói với nhau,”Nhanh lên, trời sắp mưa to, Thiên Lôi sắp đến rồi!” Họ đi như bay vào đám bụi mù gió bốc lên từ mặt đường. Lúc đó một chiếc xe ngựa chở hàng chạy ngang qua, Dương Liễu vẫy tay kêu, “Cho cháu về nhà Lưu ông với!” Chiếc xe dừng lại, rồi chạy tiếp; được một quãng, hai khách bộ hành lúc nảy cũng vẫy tay xin quá giang. Dương Liễu ngồi trong thùng xe cạnh hai thanh niên với bộ mặt rất hốt hoảng và sợ hãi. Người đội khăn đỏ cố gượng cười nói với cô một câu chớt nhả, “Cho anh về nhà em đụt mưa được không?” Dương Liễu không buồn đáp lại. Khi đến gần nhà Dương Liễu bước xuống xe, hai người kia cũng bước xuống và chạy vội vào túp lều của các tá điền ở thửa ruộng bên kia đường cái và đến sát bếp lửa nơi họ nấu cơm. Dương Liễu chạy theo con đường lát đá dẫn vào nhà. Cô vừa bỏ cái nón lá xuống và rửa xong khuôn mặt dính bụi đường thì bên ngoài trời bắt đầu mưa như trút nước. Tiếng sấm sét nổi lên trong lúc Lục Xà và Hồng Xà ngồi yên vị bên cạnh hai tá điền đang chuẩn bị bữa ăn.



Lưu Bằng đến bến đò Thiên Tường đầu giờ ngọ, chàng đeo tay nải, đến ngay nhà tú tài Phan Khắc Tứ. Bạn chàng đang tiếp khách. Khi thấy chàng vào, người khách đứng lên thi lễ. Lưu Bằng cũng vái chào đáp lễ. Khách tóc đen để quá vai không đội khăn, mắt nâu, mũi cao trên bộ ria mép như thường thấy nơi người Tây Dương. Khách là một thương buôn đến Thiên Tường để tìm đường đưa hàng hóa vào mua bán. Thủ lễ xong, Lưu Bằng xin phép vào nhàsau để cất hành lý. Sau khi đã rửa mặt mũi, chân tay, Lưu Bằng lên lại nhà trên lặng lẽ ngồi vào một góc nghe chuyện. Hẳn câu chuyện đã đề cập nhiều vấn đề vì khi ấy khách lạ sôi nổi nói tiếp:

 – “Nhà nho các ông biết có đạo trời, nhưng không biết đạo thờ Trời vì các ông đã thay thế bằng đạo thờ vua. Ông Phật có đáng kể gì với các ông. Như chúa Nguyễn ở phương Nam tuy mang tiếng sùng đạo Phật nhưng chẳng qua chỉ tạm thời lấy cái Trời-Phật chống lại cái trời-vua của chúa Trịnh. Tôi dám chắc với các ông sau này khi chúa Nguyễn có hoàn cảnh để xương vương thì người dân Việt đàng trong cũng buộc phải giữ đạo thờ vua trong một thứ nho giáo còn khắc nghiệt hơn cả chúa Trịnh ở đàng ngoài. Phần tôi là người đi buôn, tôi buôn bán cho mọi chế độ nên điều đó không ảnh hưởng gì đến tôi. Tuy nhiên tôi chỉ tiếc cho các cố đạo Tây Dương đến truyền đạo xứ này chỉ làm việc uổng công vì khi người bản xứ theo dạo Thiên Chúa với tâm tình thờ vua như thế thì cái đạo người dân xứ này đi theo trong thực tế không còn là cái đạo mà họ muốn truyền bá nữa. Chẳng qua là thay ông Trời này bằng ông Trời khác thế thôi, không đem lại cho tín đồ điều gì mới mẻ.”

 – “Thế ông bảo cái đạo thờ vua của chúng tôi có gì là không đúng?” Lưu Bằng nói chen vào, “Chúng tôi không tin vào thứ Thiên Chúa huyền hoặc của các cố đạo Tây Dương như trước đây Hàn Dũ không tin vào sự huyền hoặc của cốt Phật có gì là sai đâu?”

 – “Có lẽ các ông không sai vì với các ông luôn luôn trời là phụ, vua là chính nhưng việc chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều cho rằng mình mới là người thật sự thờ vua Lê thiết tưởng cũng là một điều huyền hoặc không kém chuyện cốt Phật đối với ông Hàn Dũ nào đó bên Tàu.”

Nói xong khách lạ đứng lên, cáo từ. Khi thi lễ hắn cúi mình thật sâu theo kiểu người Nhật, rồi lui ra. Khắc Tứ cùng Lưu Bằng quay vào nhà. Khi mở gói quà mà khách lạ tặng gia chủ, hai người nhận ra một cái la bàn. Họ xăm xoi món đồ một lúc lâu mới chịu cất vào tủ và vào nhà sau dùng bữa ăn trưa.

Sau bữa ăn và nghỉ ngơi một lúc, Lưu Bằng vội vã đến nhà trọ của Tiên Hương. Chàng rất ngạc nhiên vì cửa bị khóa chặt. Gọi mãi không thấy ai thưa, chàng định quay về thì chủ nhà gần đấy nhận ra chàng chạy đến trao lại cho chàng một bức thư. Thư viết trên giấy hoa tiên. Đại khái nội dung như sau:

“Lưu quân kính mến,
“Em biết chàng sẽ ghé qua Thiên Tường, để gặp em trước khi trẩy trường thi, nhưng vì một người chị của bố em mà em mới biết hiện đang sống ở Đô Lương muốn gặp em gấp và định sẽ đưa em về sống chung với gia đình bà nên em không thể đợi chàng được. Khi mọi việc thu xếp ổn thỏa, em sẽ đến Thiên Lương tìm chàng hoặc báo cho các bạn chàng ở Thiên Tường.

“Em rất nhớ thương chàng và cảm kích tấm lòng tri ngộ mà chàng đoái đến em trong lúc hoa trôi bèo giạt. Em cầu xin chàng luôn được bình an và ghi tên bảng vàng trong kỳ thi tới. Xin chàng cứ yên tâm lo việc công danh trong lúc đợi chờ ngày chúng ta sẽ một nhà xum họp v.v…”

Lưu Bằng chết điếng trong lòng khi đọc bức thư Tiên Hương, mặc dù chàng vẫn mơ hồ nghĩ đến một kết cục đau buồn giữa chàng và Tiên Hương. Câu chuyện này chàng chưa bao giờ nghe Tiên Hương nói đến và chàng tự hỏi nên tin được mấy phần. Chàng quay về nhà tú tài Khắc Tứ, chân bước lảo dảo dưới cái nắng gắt ban trưa. Khi đến nhà Khắc Tứ, chàng đi thẳng vào buồng, nằm vùi đầu xuống giường như người sắp chết. Chàng chỉ tỉnh lại khi nghe những tiếng ồn ào từ nhà bếp vọng lên. Tối nay, Khắc Tứ đãi tiệc một người khách từ Hà Trung, người này là một Phật tử sùng đạo muốn cúng cho ngôi chùa Phổ Minh nơi Khắc Tứ sẽ về quy ẩn một tượng Quan Âm bằng đồng nặng gần hai tấn. Ngoài người khách đặc biệt ấy, còn có những người bạn chí cốt của Khắc Tứ như Bá Cường, Phụng Thiên, ông quản Huấn, ông Cử Nhiên và dĩ nhiên có cả Lưu Bằng nữa.

Lưu Bằng ra nhà sau rửa mặt cho tỉnh táo. Nghe có tiếng người nói như tiếng của Thanh Hạc, em gái Phụng Thiên, chàng nhìn vào bếp thấy đúng là Thanh Hạc đang nói chuyện với Khắc Tứ. Hình như cô đang giới thiệu với chủ nhà món ăn do chính tay cô làm ngoài những món ăn mà chị Út, chị đầy tớ trong nhà đã chuẩn bị. Lưu Bằng luôn nhận ra vẻ ngây thơ, nước da đậm đà và khuôn mặt duyên dáng của Thanh Hạc. Chàng sửa lại khăn áo và thong thả lên nhà trên chào đón các bạn chàng.

Khi chủ khách đã yên vị, tuần trà giới thiệu nhau đã mãn, người khách lạ tên Trần Thường, pháp danh Minh Diệu ngồi cạnh Khắc Tứ; cái bình tích và những chung trà được dẹp sang án thư là lúc bữa tiệc bắt đầu. Thanh Hạc tự mình bưng món gỏi cá của cô lên. Cô khẻ cúi đầu chào mọi người một lượt và ngạc nhiên lẫn vui mừng khi thấy Lưu Bằng có mặt. Nàng chào Lưu Bằng và ánh mắt dừng lại một lúc trên khuôn mặt chàng. Rồi nàng thẹn thùng đỏ mặt khi Lưu Bằng mỉm cười lại với nàng. Mọi người nâng ly rượu mơ chúc tụng rồi dùng các món. Thực khách trong bàn ăn đều tấm tắc khen món gỏi cá tươi xắt mỏng trộn thính ăn với các loại lá như là mơ, lá lốt, lá xoài non, lá điên điển. Đặc biệt món nước chấm làm bằng tương bắc, mẻ chua, chao và các gia vị khác. Lưu Bằng tuy gượng cười, gượng nói vì lòng chàng nặng như đeo chì cũng cảm thấy đôi phần nhẹ nhỏm bởi sự ngon miệng. Đến tuần rượu thứ ba, Trần Thường cao hứng đọc bài kệ của thiền sư Huệ Năng rồi đọc luôn bài dịch nôm:

Bồ đề không phải cây,
Gương sáng cũng không đài.
Xưa nay không một vật,
Bụị trần bám vào đâu.

Trần Thường còn đưa ra mấy lời giảng giải. Mặc dù thực khách có thể không hiểu ý nghĩa của đạo thiền nhưng ai cũng đều tỏ vẻ thán phục. Riêng Lưu Bằng thấy cách dịch nôm hơi lạ. Chàng tự hỏi tại sao lại dịch “bản lai” giống với “cổ lai” nghĩa là xưa nay. Vả lại nếu câu ba dịch nôm nói rằng xưa nay không một vật thì tại sao đến câu tư lại còn một vật nhỏ xíu là bụi trần. Chàng không nói ra những suy nghĩ trong lòng vì không muốn làm câu chuyện trở nên khó khăn nặng nề trong bữa tiệc tẩy trần này. Chàng còn chua chát nghĩ rằng chúa Nguyễn và chúa Trịnh sẽ rất thích câu nôm thứ ba khi đẩy vào chỗ chết bao nhiêu lê dân vì giấc mộng mưu bá đồ vương của họ. Chàng thở dài và lơ đãng nhìn vào góc nhà nơi Thanh Hạc đang đứng với chị Út. Chàng thấy hôm nay sao nàng duyên dáng và dịu dàng đến thế.

Sau đó câu chuyện xoay quanh việc vận chuyển pho tượng Quan Âm từ Hà Trung về chùa Phổ Minh bằng đường thủy. Việc này phải làm cẩn thận, vì khi đưa xuống thuyền không khéo đáy thuyền có thể bị vỡ. Và khi đưa lại lên bờ, thuyền có thể bị lật. Sau cùng Khắc Tứ, Phụng Thiên nhất trí với Trần Thường phải có một chuyến xuống Hà Trung để xem xét trọng lượng và các chiều kích của pho tượng trước khi Phụng Thiên đưa ra phương án vận chuyển pho tượng . Họ quyết định ba hôm nữa sẽ khởi hành vì Trần Thường còn phải đi thăm một người bà con trong huyện, đó cũng là ngày Lưu Bằng xuôi xuống thành Nam để vào trường thi. Chắc hẳn Dương Lý đã đến trước thuê sẵn nhà trọ cho hai người.

Khi Trần Thường xin cáo lui thì tiệc cũng tàn dần, Bá Cường bận rộn với hôn sự của mình cũng xin về trước. Khắc Tứ và Phụng Thiên ngồi lại thêm một lúc để bàn về chuyến đi Hà Trung. Lưu Bằng định lui vào phòng trong thì Thanh Hạc đến gần nói cùng chàng:

 – “Em nhờ anh đưa em về trước không biết có làm phiền anh không?”

 – “Không những không phiền mà còn là việc nghĩa nữa?” Chàng thong thả đáp lại.

 – “Vậy ta đi thôi!” Cô nói vì mọi vật dụng để làm thức ăn cô đã cho trước vào một cái giỏ lát để mang về.

Hai người đi ra đường trong ánh trăng hạ huyền vừa mới xuất hiện. Họ lặng lẽ đi bên nhau một lúc. Lưu Bằng phá vỡ sự im lặng khi khen món cả của Thanh Hạc, chàng bảo nàng đưa giỏ lát cho chàng xách hộ. Thanh Hạc nói rằng chàng chỉ khéo nịnh. Họ đi sát bên nhau, Lưu Bằng cảm thấy có những lúc chiếc váy đũi của nàng như quấn vào chân chàng khi có gió mạnh. Đến đoạn đường đi dọc bờ sông, Thanh Hạc nũng nịu nói:

 – “Anh cho em nghỉ mệt và hóng mát một lát nhé.” Nói xong nàng chạy đến một vạt cỏ thấp bên bờ sông và ngồi xuống.

Lưu Bằng đi theo xuống bờ sông. Hai người ngồi bó gối cách nhau một sải tay nhìn dòng sông lấp loáng mơ hồ dưới ánh trăng. Lưu Bằng lại thở dài khi nhớ lại đêm đi chơi thuyền giữa sông trăng và sông nước với Tiên Hương. Thanh Hạc nói:

 – “Hôm nay trông anh có vẻ ủ dột và buồn bã. Anh có chuyện gì muốn kể em nghe không?” Không nghe Lưu Bằng đáp lại, nàng hỏi tiếp, “Anh đã đi gặp chị Tiên Hương chưa?”

Lưu Bằng liền kể lại bức thư mà chàng nhận được trưa nay, đồng thời cũng nói đến nỗi lo lắng của chàng vì giấc mơ mà chàng thấy trước đó. Thanh Hạc cũng bày tỏ nỗi băn khoăn:

 – “Chị ấy đi xuống Đô Lương làm gì nhỉ? Có cần phải đi một mình như thế không?” Thanh Hạc ngừng lại một lúc rồi nói tiếp, “Hay sáng mai em đưa anh đi xem bói một ông thầy người Tàu để xem sự thể ra sao, vì nếu cứ đau buồn mãi trong lúc ngày thi đến gần chẳng ích lợi gì.”

Không thấy Lưu Bằng đáp lại nhưng gục mặt xuống đầu gối, Thanh Hạc tiến lại ngồi sát vào người chàng, nàng nắm lấy tay chàng giật nhẹ và hỏi:

 – “Anh có sao không, anh Bằng?”

 – “Không sao đâu,” chàng ngửng đầu lên đáp lại, thấy mặt mình gần sát mặt nàng. Chàng ngửi thấy một mùi hoa ngâu từ người nàng toả ra, “Có em bên cạnh, anh cảm thấy nỗi buồn vơi đi nhiều lắm.” Rồi không thể kềm chế được, chàng quàng tay ôm chặt Thanh Hạc vào người chàng, hôn lên mái tóc thơm mùi bồ kết một nụ hôn thật dài và thật nhẹ. Chỉ thế thôi cũng đủ làm nàng rất xúc động. Sau đó hai người lại ngồi cách xa nhau. Đến nhà nàng, Lưu Bằng nắm hai bàn tay nàng thật lâu dưới ánh trăng trước khi từ biệt. Họ hẹn sáng hôm sau hai người sẽ cùng nhau đi xem bói.

Sáng hôm sau Lưu Bằng đến chỗ bán hàng của Thanh Hạc lúc mặt trời lên được một con sào. Hôm nay nàng ăn mặc chải chuốt hơn mọi ngày, váy the, áo lụa, yếm thắm. Hình như nàng còn giắt vào thắt lưng xanh những hoa nhài xâu lại bằng chỉ mảnh nên người nàng toả ra một mùi thơm thoang thoảng làm chàng cảm thấy dễ chịu. Nàng nhờ một bạn hàng kế bên trông hộ cửa hàng rồi cùng Lưu Bằng đến xóm Lò Vôi để gặp ông thầy bói.

Thầy bói là một khách trú tuổi trung niên lưng còng, lông mày dài và rủ xuống tận gò má, miệng rộng, mắt cú. Ông ta hai vợ, một vợ người Tàu, một vợ người Việt nên ông ta nói được tiếng Việt dù không rành lắm, thế nhưng lại hay thích nói. Thỉnh thoảng ông ta nói một vài câu ngớ ngẩn, đại loại, “Cái con người An Nam là vợ bé của tôi, nó làm tôi sung sướng hơn cái con người Tàu vì đất bên An Nam hẹp hơn đất bên Tàu.” Nói xong ông ta cười khằng khặc như mắc nghẹn và vuốt cái cằm trơ trụi, không có lấy một cọng râu.

Khi Lưu Bằng và Thanh Hạc ngồi xuống chiếc chiếu hoa trước mặt thầy bói, ông ta quan sát hai người rồi nhíu đối lông mày lại một lúc, sau đó gieo ba đồng tiền kẽm để bói chuyện Tiên Hương. Khi quẻ đã hiện ông bấm đốt ngón tay của bàn tay phải mấy lượt, môi mím lại, trán nhíu lại, làm thinh một lúc. Thanh Hạc nóng lòng giục:

 – “Quẻ nói thế nào xin tiên sinh cho biết đừng ngại tốt hay xấu?”

Lúc đó, thầy bói nói trong tiếng thở dài:

 – “Xấu lắm! xấu lắm!” rồi đọc tiếp như sau:

Ngộ bất ngộ,
Phùng bất phùng.
Nguyệt trầm hải để
Nhân tại mộng trung...

(không gặp, không gặp, trăng chìm đáy biển, người trong giấc mộng….)

Sau đó ông nói, “xong rồi!” và không nói thêm gì nữa. Thanh Hạc nhìn Lưu Bằng để xem phản ứng của chàng, không thấy chàng tỏ vẻ gì muốn hỏi thêm nên nàng cũng thôi. Rồi nàng rụt rè xin thêm hai quẻ cho mình và cho Lưu Bằng. Thầy bói hỏi tuổi của hai người, lâm râm khấn vái trong miệng, rồi gieo thêm hai quẻ nữa. Khi quẻ hiện ra ông lại bấm đốt ngón tay. Với Thanh Hạc, thầy bói đọc hai câu thơ để nói ý quẻ:

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.

(Chợt thấy đầu đường màu cây dương liễu,
Hối hận đã xui chàng tìm kiếm công danh.)

Với Lưu Bằng, vừa chỉ công danh vừa chỉ việc tình duyên là một câu ngắn gọn, “Mộng trung hữu mộng”(Trong mộng thấy mình nằm mộng). Ông thầy bói người Tàu còn nói thêm một vài câu nữa nhưng rất lộn xộn không đầu không cuối. Sau cùng Thanh Hạc trả tiền quẻ rồi hai người ra về. Họ ghé vào một quán bún chả trên đường để dùng bữa, Lưu Bằng tranh thủ giải thích mấy câu chữ nho của thầy bói. Cứ theo lời nói của thầy bói hẳn Tiên Hương đang gặp sự nguy hiểm nơi sông biển, nhưng những tin tức về sông biển vốn rất nhanh ở huyện này sao đến nay chưa nghe một ai nói đến. Quẻ của Thanh Hạc chỉ về một tương lai xa vời khi nàng đã lấy một nho sinh làm chồng. Còn quẻ của chàng xem ra quá mơ hồ, nếu đời là mộng ảo thì cái gì trong đời lại không là mộng ảo. Việc xem bói tuy không làm họ vơi bớt lo lắng nhưng cũng có một chút yên tâm là biết mình đang lo lắng điều gì . Riêng Thanh Hạc lại có được niềm vui ở bên cạnh Lưu Bằng một buổi sáng. Không biết tự bao giờ nàng thấy mình cần có chàng bên cạnh đến thế.

Hai hôm sau trên bến đò Thiên Tường, Thanh Hạc tiễn đưa Lưu Bằng xuống thành Nam vào trường thi và đi cùng Khắc Tứ, Trần Thường, Phụng Thiên, anh nàng, xuống Hà Trung xem tượng Quan Âm để lên kế hoạch vận chuyển. Tối hôm trước cả bọn họ đã kéo nhau đến nhà trò nghe hát ca trù. Lúc nào Thanh Hạc cũng đi bên cạnh và ngồi kế bên Lưu Bằng. Thỉnh thoảng họ trao cho nhau những cái nhìn âu yếm.



Kỳ thi tam trường này quả là một biến cố lớn. Hàng ngàn sĩ tử tề tựu về đây tranh tài cao thấp để đạt được công danh họ hằng mơ ước. Công danh này sẽ thay đổi cuộc đời bản thân và gia đình họ, cũng để khẳng định nhân cách và vị trí của họ trong bộ máy phong kiến.

Lưu Bằng gặp Dương Lý ở nhà trọ ông Ngưu, nơi họ hẹn trước. Sau khi đã ổn định chỗ nằm nghỉ, cả hai ngồi tính toán đã mang theo bao nhiêu và phải chi tiêu cách nào cho hợp lý. Tiền bạc do quản gia Vũ Bính chu cấp cho cả hai Dương Lý mang theo đủ, Những món ăn khô, thuốc bổ của Dương Lý do Dương Liễu (và cả Châu Linh) chuẩn bị không nhiều hơn của Lưu Bằng do Khắc Tứ và Thanh Hạc chuẩn bị gom lại để dùng chung và khi cần sẽ nhờ ông Ngưu làm món. Có mấy người cùng quê ở trọ nhà ông Ngưu rủ hai người đi chơi và đến nhà trò giải trí nhưng cả hai đều từ chối. Họ tranh thủ những ngày chờ thi để ôn tập văn bài.

Khoa thi năm ấy là ân khoa chia làm bốn kỳ, kỳ đệ nhất thi kinh nghĩa; đệ nhị thi chiếu, chế, biểu; đệ tam thi thơ phú; đệ tứ thi văn sách. Người nào đỗ khoa này sẽ vào hội thí và đình thí để lấy tiến sĩ hay phó bảng. Người nào không đỗ, năm sau phải thi lại chính khoa rồi mới vào lấy tiến sĩ.

Những ngày cùng nhau ôn tập, tình cảm Lưu Bằng, Dương Lý một thời lạnh nhạt từ cái chết của Lưu ông nay trở lại thắm thiết như khi còn để chỏm học chung trường. Sở dĩ có sự lạnh nhạt ấy vì Lưu Bằng thoáng thấy tham vọng của Dương Lý từ ngày Lưu ông mất. Có những lần Dương Lý xum xoe bên cạnh quản qia Vũ Bính và tìm cách gây ảnh hưởng vào những quyết định của ông này nhất là khi Lưu Bằng đi vắng. Anh ta còn vồn vã với Thu Đán làm cho cô này có lúc tưởng mình đã được yêu. Dương Lý muốn gạt bỏ Lưu Bằng ra khỏi ngôi nhà Lưu ông, cũng như ra khỏi quá khứ chịu hàm ơn mà chàng cho là tủi nhục. Cách làm ấy có khác gì chúa Nguyễn, chúa Trịnh lợi dụng sự hư hỏng, nhu nhược của các vua Lê để tiếm quyền. Nhưng Lưu Bằng không chấp vì chàng hiểu rõ Vũ Bính, một ông lão từng trải và nhất mực trung thành với cha chàng không dễ dàng bị người mua chuộc. Còn Thu Đán tuy là phận nhi nữ thường tình nhưng lòng hiếu thảo của cô không thua gì nam tử. Vả lại đối với Lưu Bằng, cô em Dương Liễu khả ái giờ đây đã trở thành sợi dây nối kết vô hình hai người bạn, và nhất là nỗi hối hận đã bỏ bê việc học chạy theo một ca kỷ đã làm chàng nghĩ lại. Chính nỗi hối hận ấy làm chàng nhiều lần phải đấm ngực khóc than trước bài vị của cha mẹ chàng trên bàn thờ trong phòng. Sự hoán cải này xem ra vẫn chưa muộn lắm.

Mấy ngày ngắn ngủi học chung với Dương Lý giúp Lưu Bằng lấy lại phong độ văn chương của chàng trừ những lúc đám mây mù Tiên Hương làm tâm hồn chàng trở nên buồn bã ủ dột. Sự an ủi của Thanh Hạc dường như cũng có nhiều hiệu quả.

Sáng ngày vào trường, hai người thức dậy thật sớm. Ông Ngưu đã chuẩn bị xong bữa điểm tâm. Ăn xong, họ ôm lều chỏng, giấy bút và cả bữa ăn trưa lên đường. Ngoài đường trời còn tối đen, những sĩ tử mang vác lều chỏng lỉnh kỉnh như những bóng ma âm thầm lê bước. Họ bước đi trong đêm tối với hy vọng sẽ bước lên đài vinh quang qua những kỳ thi nghiệt ngã như số mệnh. Vâng người ta phải bước lên đài xuân từ trong khổ nhục tối tăm. Sức mạnh của công danh không phải là chuyện nhỏ.

Đến trước khu trường thi Lưu Bằng thấy một đám đông người tụ tập, nhiều người có vẻ mệt nhọc vì vác nặng đi xa. Họ lật đật tìm đến cửa vi nơi mình sẽ vào trường. Bên ngoài cửa vi những cây đình liệu bập bùng soi sáng, tàn nó theo gió bay tứ tán. Khoảng nửa canh giờ sau trong nhà thập đạo kiểng đồng cùng với trống khẩu dõng dạc đánh luôn ba hồi. Rồi sau đó là đám rước, quan chánh chủ khảo ngồi trên ghế tréo sau lưng ngài có cắm lá cờ khâm sai. Tiếng ồn ào của sĩ tử ở các cửa vi im bặt. Mấy nghìn con mắt dồn về phía quan đại thần đứng đầu các khảo quan.

Thình lình ở khoảng không trên đầu mọi người vang lên tiếng hô to: “Báo oán giả tiên nhập! Báo ân giả thứ nhập! Sĩ tử thứ thứ nhập!” Khi quan chánh chủ khảo đã dâng hương xong, một viên thư lại giở sổ đọc tên thí sinh và một người lính đứng cạnh quan chánh gọi to lên cho mọi người cùng nghe. Sĩ tử được gọi tên hô to một tiếng “vâng dạ”. Các anh lính kiểm soát bắt đầu công việc coi trong lều chỏng và vật dụng cùng lương thực thí sinh mang vào trường thi có gì trái quy định không. Các sĩ tử lúc đó mới nhận quyển củ mình để làm bài.

Khi bầu trời sáng dần cũng là lúc các sĩ tử đã vào hết trong khu trường thi. Lưu Bằng vào khu bên tả của nhà thập đạo, Dương Lý vào khu bên hữu. Họ nhanh chóng dựng lều, ráp chỏng trên khu đất trống có lẽ trước kia là đất ruộng mới được đắp nền cao vì đất còn mềm nhão và gồ ghề. Khi các sĩ tử tạm ổn định, một hồi trống báo hiệu ra đề. Lúc đó hai chiếc lọng xanh rước quan giám khảo đề điệu đi giữa hai vệ sĩ mang đao tuốt trần sáng quắc trong ánh sáng ban ngày mới xuầt hiện, mang đề thi từ nhà thập đạo đến yết tại nhà lợp cót ở giữa các khu. Chờ khi quan đề điệu lui về nhà thập đạo, hàng ngàn sĩ tử đồng loạt xúm lại trước bảng kẻ đọc người viết. Bài thi kinh nghĩa năm ấy là:

Hai bài truyện gồm có: Luận Ngữ, “Tắc hà dĩ tai?”; Mạnh Tử, “Vị thiên hạ đắc nhân”.

Năm bài Kinh : Kinh Dịch, “Bạc mao dĩ kỳ vựng chính cát”; Kinh Thư, “Dụng nhữ tác châu tiếp”; Kinh Thi, “Nam sơn hữu đài”; Kinh Lễ, “Tuyển hiền dữ năng”; Kinh Xuân Thu, “Cập Tề nhân minh vu U”.

Nhân lúc ghi chép đề thi, Lưu Bằng và Dương Lý nhanh chóng trao đổi một vài ý chính. Khi thấy quan giám thị đi ngang, họ giả vờ như không quen biết và trở lại lều mình để bắt đầu viết bài thi. Dương Lý chọn cả hai đề Kinh Thi và Kinh Dịch mở quyển ra trên chỏng khom long viết liên tục những câu phá và thừa. Đến cuối giờ tị, khi đi lấy dấu nhật trung chàng đã làm xong một bài Luận Ngữ, một bài Kinh Thi và gần hết bài Kinh Dịch. Trong buổi sáng Lưu Bằng cũng làm xong một bài Mạnh Tử một bài Kinh Dịch và phần nhập đề của bài Kinh Lễ. Buổi trưa họ vừa ăn cơm nắm với chả lụa và thịt ruốc, uống bầu nước trà mang theo vừa tranh thủ viết bài. Đến giữa giờ mùi một hồi trống thu quyển vang lên. Dương Lý đã sẵn sàng nộp quyển, Lưu Bằng còn cố viết thêm mấy dòng kết luận và đóng vội quyển đem đến nộp ở nhà thập đạo. Quan giám khảo bỏ tất cả các quyển vào một hòm to rồi niêm phong. Sau đó là một hồi trống báo hiệu báo hiệu chấm dứt việc thu quyển. Các sĩ tử lần lượt đeo lều chỏng đi ra. Cuối cùng là một hồi trống thật dài báo hiệu kết thúc một ngày thi cử. Các sĩ tử về nhà trọ nghỉ ngơi chờ đợi kết quả kỳ đệ nhất trong khi các giám khảo vẫn tiếp tục công việc trong trường thi là cắt phách và chấm bài ngày này qua ngày khác với hàng ngàn quyển của các thí sinh.

Lưu Bằng tranh thủ những ngày chờ đợi để ôn tập cho kỳ đệ nhị bù lại thời gian chàng đã ăn chơi lêu lổng. Dương Lý tự tin hơn với văn bài chàng đã làm được nên nhận lời ngay khi các bạn khác rủ chàng thuê thuyền đi chơi trên sông cùng các ca kỹ nhà trò và mấy tay đàn địch suốt đêm trăng sáng. Thật là một sự thư giản thích thú hiếm có trong đời.

Năm ấy, Lưu Bằng trúng được ba kỳ, trở thành ông tú tài. Nhưng phải chờ chính khoa để thi lại, lấy cử nhân mới được vào thi hội. Chàng không đợi yết bảng các tú tài nhưng vội vã xuống thuyền về lại phủ Thiên Tường để nghe ngóng tin tức Tiên Hương.

Phần Dương Lý trúng tuyển cả bốn kỳ được đỗ cử nhân, năm sau chàng lên Hà Nội thi hội và được vào thi đình đỗ tiến sĩ đệ nhất giáp đứng hàng thứ ba là Thám Hoa. Trong lúc chàng cỡi ngựa vào hoàng cung dự yến vua ban, lúc qua phố Quốc Tử Giám được con gái thượng thư bộ công gieo cầu trúng vào vai chàng, quan thượng thư cho đó là lương duyên tiền định nên quyết định gã ái nữ Kim Ngọc cho chàng. Dương Lý từ chối nói mình đã đính ước với Châu Linh, nhưng quan thượng thư cho rằng chàng có thể lấy Châu Linh làm thiếp sau khi đã chính thức cưới Kim Ngọc. Ông còn hứa rằng khi Kim Ngọc đã trở thành chánh thê của Dương Lý, ông sẽ nhận Châu Linh làm nghĩa nữ, và như thế chị em sẽ xum họp một nhà, thử hỏi còn hạnh phúc nào hơn.

Dương Lý nghĩ mãi thấy không có cách nào từ chối nên phải bất đắc dĩ nhận lời quan thượng thư. Không ngờ sau đại đăng khoa, Dương Lý có ngay cái tiểu đăng khoa, không phải một mà đến hai lần. Cuối năm đó triều đình bổ chàng làm tri phủ huyện Thiên Thành. Chàng đến lạy chào trước hương án của Lưu ông. Trong lúc dâng hương, với tất cả long kiêu hãnh, chàng hứa với hương hồn Lưu Ông sẽ trả hết ơn nghĩa mà Lưu Ông đã dành cho chàng. Sau đó ít ngày Dương Lý cùng Kim Ngọc, Châu Linh và em gái Dương Liễu, đến huyện Thiên Thành nhậm chức. Lúc đó Lưu Bằng còn lưu lạc chưa về.

 
 

(Xem tiếp Chương 5)

Vĩnh An Nguyễn Văn Sơn