Bình Rượu Quỷ


Chương 5:

Vượt Biển

 
 
 

Từ trường thi về lại huyện Thiên Tường, như mọi khi Lưu Bằng ghé lại nhà tú tài Phan Khắc Tứ. Chuyến đi Hà Trung vừa qua đã đem lại cho Khắc Tứ và Thiên Phụng nhiều điều lợi ích vì một khi nắm được các số liệu về pho tượng Quan Âm do cư sĩ Trần Thường cúng dường Tam Bảo chùa Phổ Minh, về địa thế của bến đò Hà Trung, Thiên Phụng đã lên kế hoạch chi tiết cho việc vận chuyển. Lúc Lưu Bằng vào nhà, chàng thấy Khắc Tứ, Thiên Phụng và Hà Đăng, một phụ tá mà Khắc tứ mới tìm cho Thiên Phụng đang đứng bên cạnh án thư trước một tờ giấy bản. Hai người quay lại chào Lưu Bằng, Khắc Tứ nói:

– “Cậu về sớm thế, không chờ xem tên mình trên bảng các tú tài sao. Đàng nào cậu cũng ở trong nhóm đứng đầu bảng?”

– “Tôi chỉ đi được ba phần đường, phần còn lại mới là quan trọng thì lại hỏng.” Lưu Bằng rầu rĩ đáp.

– “Lo gì, cậu còn trẻ vẫn còn cơ hội, có người tuổi đã ngũ tuần, lục tuần còn lều chỏng đi thi. Thôi cứ nghỉ ngơi một thời gian rồi tiếp tục việc học để kịp sang năm thi chính khóa. Tôi nghĩ thế nào cậu cũng thi đỗ tiến sĩ. Nhưng lần này phải tu tỉnh và học hành nghiêm túc mới có kết quả.” Khắc Tứ ngừng lại một lát rồi nói tiếp, “Tôi thấy cậu có tư chất lại có dáng vẻ của một nho quan, tiền đồ sẽ có lúc xán lạn.”

– “Nhưng anh Bằng phải khao cái danh ’tú tài’ của mình trước đã,” Thiên Phụng phấn khởi nói, “trong nhóm bạn của chúng mình bây giờ có những hai anh tú tài kể cũng oai. Chỉ có mình tôi suốt đời gắn liền với thuyền bè sông nước không bao giờ biết được hương vị công danh như thế nào.”

– “Nếu tôi nói nó vừa ngọn ngọt vừa cay đắng, liệu cậu có tin không?” Lưu Bằng nói với Thiên Phụng.

– “Với cậu, phải nói câu ‘nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.’” Khắc Tứ cười nói rồi quay sang Lưu Bằng, “Cậu lại đây mà xem kế hoạch chở pho tượng của Thiên Phụng, rất đầy đủ, mình còn phải khen là hoàn hảo nữa.”

Lưu Bằng đến bên án thư, nhìn vào hình vẽ trên tờ giấy trong lúc tú tài Khắc Tứ giải thích đó là cần cẩu mà Thiên Phụng phác thảo để chở tượng. Trước khi xuống thuyền tượng phải được bó rơm, ngoài cùng quấn bằng một lớp vải dày. Cần cẩu làm thành một nhịp cầu dựng cách thành thuyền hai thước ta. Hai thanh gỗ vuông dày một tấc nối mặt đất với cần cẩu thành một cầu tàu trên đó những con lăn được dùng để lăn tượng đặt nằm trên một tấm ván dày bằng một tấm phản. Bên dưới hai thanh gỗ có những cột chống cách nhau hai thước ta. Khi tượng đến gần mạn thuyền, nó được móc bằøng dây thừng vào một bánh xe sắt trên cần cẩu để hảm bớt tốc độ khi nó trượt trên một tấm ván khác nhẹ hơn được dùng làm một cầu tuột đưa tượng đi nhẹ xuống lòng thuyền. Khi đưa tượng lên bờ ở bến Thuận Mỹ thì làm ngược lại. Từ Thuận Mỹ lên chùa Phổ Minh tượng được chở bằng xe do bốn con bò kéo theo đường đồi để lên chùa. Khắc Tứ giải thích xong, Lưu Bằng khen kế hoạch Thiên Phụng khá đơn giản nhưng hiệu quả. Sau đó mọi người góp thêm một vài ý về cần cẩu và các cột chống là phải làm thế nào để những cái đế đặt xuống lòng sông không bị lún bùn, như vậy phải đóng cọc xuống lòng sông trước khi đặt chân đế. Theo kế hoạch lúc đưa tượng lên thuyền và xuống thuyền đều phải chờ nước thủy triều lên để độ dốc của cầu tuột xuống lòng thuyền đừng quá gắt. Sau đó mọi người ở lại nhà tú tài Khắc Tứ dùng bữa trưa và hẹn sáng ngày kia sẽ đưa công cụ xuống thuyền đến Hà Trung chuyển tượng. Khắc Tứ mời Lưu Bằng cùng đi đến Hà Trung để giúp chàng một vài việc giao tế nếu chàng không bận việc gì. Lưu Bằng hẹn đến tối sẽ trả lời. Buổi chiều hôm đó chàng còn đi đến lầu xanh Ngân Bích nghe ngóng tin tức Tiên Hương. Ma ma và những kỹ nữ ở đây cũng như bà chủ nhà trọ không biết được một tin tức gì về Tiên Hương. Bà chủ nhà trọ còn thấy nàng hiện về như một bóng ma, trên người bám đầy rong rêu như cờ rũ. Tối hôm đó Lưu Bằng quyết định theo Khắc Tứ đến Hà Trung khi họ cùng đi đánh chén ở một quán thịt cầy trên bờ sông Mạ.

Để chuẩn bị cho chuyến đi Hà Trung, hôm sau khi trời vừa sáng Lưu Bằng cùng Thiên Phụng chuyển công cụ xuống một chiếc thuyền dài hơn mười mét mà Khắc Tứ đã thuê của một phú hộ ở làng chài. Buổi trưa, họ ghé chỗ Thanh Hạc buôn bán để cùng với cô đi ăn cơm hàng. Trong lúc chờ tiểu nhị đem bữa ăn ra, Lưu Bằng ngồi nghe hai anh em trao đổi một vài câu chuyện. Thiên Phụng nói:

– “Làm xong việc chuyển tượng, anh sẽ lấy tiền công mua cho em thuốc trị thương ở đầu ngày trước theo toa mà lương y đã cho. Lần này anh phải chữa cho em khỏi hẳn.” Thiên Phụng muốn nói đến chấn thương hồi Thanh Hạc còn bé khi một rường nhà rơi trúng đầu cô.

Thanh Hạc cúi đầu đáp:

– “Có lẽ chưa cần đâu anh. Vả lại bệnh em cũng nhẹ lâu lâu cơn đau mới trở lại. Em nghĩ nên dùng tiền đó may thêm ít áo quần cho anh và mua sắm thêm ít đồ dùng trong nhà…”

Thiên Phụng ngắt lời cô:

– “Đừng cãi lời anh, năm nay em đâu còn bé nữa. Chẳng bao lâu nữa phải nghĩ đến việc chồng con … Em phải biết lo cho sức khỏe của mình để còn lo cho người khác. Anh đã quyết rồi, cứ làm như thế đi.”

Thanh Hạc thẹn thùng vâng dạ, lúc đó cơm đã dọn ra. Trong lúc ăn Thiên Phụng và Lưu Bằng trao đổi thêm về công việc phải hoàn tất trong buổi chiều để sáng mai xuống thuyền đi luôn không phải chờ đợi. Thỉnh thoảng ánh mắt Lưu Bằng và Thanh Hạc giao nhau âu yếm. Chàng thấy Thanh Hạc hôm nay khả ái quá và tính hay thẹn thùng của cô càng làm cô thêm duyên dáng. Cảm giác này chàng chưa bao giờ có.

Ăn xong Thanh Hạc trở lại cửa hàng, Lưu Bằng theo Thiên Phụng trở về nhà mình để lấy một ít vật dụng mà Thiên Phụng phải đưa xuống thuyền trước. Lúc đi đường chàng cảm thấy như có người đang theo dõi hai người vì xóm Cồn này thưa thớt và có ít người qua lại. Lúc Thiên Phụng vào nhà, chàng dừng lại ở cửa hàng rào một lúc để quan sát, chàng thấy có một người đội nón lá che mặt, áo quần rách rưới từ phía sau đi tới kéo nón lên nhìn vào nhà, thấy chàng người lạ lúng túng đi thẳng, một lát sau người lạ đi vòng lại lần này cố ý đi thật nhanh, khi ấy Lưu Bằng vừa quay lưng để vào nhà. Suốt buổi chiều hôm đó, Lưu Bằng luôn có cảm giác mình bị theo dõi. Chàng cố nhớ khuôn mặt của kẻ lạ đi ngang nhà Thanh Hạc là ai nhưng không tài nào nhớ nổi.

 Hôm sau trời còn tối đất nhưng bầu trời phía đông đã rạng sáng, Khắc Tứ và Lưu Bằng khăn áo chỉnh tề mang tay nải ra chỗ thuyền đậu thấy Thiên Phụng, Hà Đăng cùng mấy người chèo thuyền và giúp việc đã có mặt. Họ ngồi trên bờ kè ăn bánh nếp, bánh dầy, uống nước trà nóng hút thuốc lào chờ giờ xuất phát. Mấy người nông phu ra đồng đi ngang đó nhìn họ rồi đi thẳng. Bỗng có một người đội nón lá dừng lại, tiến đến chỗ Lưu Bằng và nói:

– “Xin lỗi có phải cậu là Lưu Bằng, bạn tri âm của cô Tiên Hương không ạ? Người lạ hỏi, khuôn mặt anh ta còn chìm trong bóng tối của vành nón vì trời chưa sáng hẳn.

– “Vâng, chính tôi đây nhưng anh là gì của cô ấy?” Lưu Bằng vội vàng hỏi lại.

Lúc này người lạ giở nón ra, đầu anh ta cột khăn trắng, anh ta nói:

– “Tôi là Lục Hổ, cậu không nhận ra sao? Hôm qua tôi đi theo cậu nhưng tôi không dám chắc. Sáng nay thấy cậu sắp đi xa nên tôi phải đánh liều hỏi cậu vì tôi muốn báo cậu biết chuyện của cô Tiên Hương…”

– “Anh chờ tôi một tí, tôi sẽ quay lại.” Nói xong, Lưu Bằng chạy đến chỗ Khắc Tứ và Thiên Phụng đang đứng và sắp sửa xuống thuyền, chàng nói:

– “Mình xin cáo lỗi hai anh vì không thể cùng hai anh đến Hà Trung. Người lạ đội nón kia chính là người nhà của Tiên Hương đến báo tin tức của nàng. Xin hai anh lượng thứ.”

Khắc Tứ đáp lại: – “Không sao, chẳng phải cậu đang chờ tin tức của cô ấy? Chúc hai người vui vầy cuộc xum họp. Anh em chúng tôi phải đi thôi.”

Nói xong hai người bạn cùng những người giúp việc xuống thuyền. Những người chèo thuyền đã xuống trước. Ngay sau đó con thuyền rời bến, quay mũi hướng ra giữa dòng sông còn trắng xóa sương mù. Lúc đó Lưu Bằng trở lại chỗ Lục Hổ đứng, chàng nói:

– “Bây giờ mình đến một hàng quán nào gần đây và anh cho tôi biết Tiên Hương hiện ở nơi nào.”

– “Không cần đâu, ta đến nhà trọ của tôi cũng gần đây thôi, rồi tôi sẽ kể cậu nghe mọi chuyện về cô Tiên Hương.”

Lục Hổ đi trước dẫn đường. Chỉ một lúc sau họ bước vào một căn phòng nhỏ vách làm bằng đất trộn rơm trông rất tồi tàn. Giữa phòng có một cái bàn mộc với hai cái ghế tre, trong góc bên phải là cái chỏng tre trên trải một mảnh chiếu rách với một cái gối đan bằng tre và một cái chăn cũ có vẻ bẩn thỉu. Rót hai cốc nước trà còn nóng, Lục Hổ bắt đầu câu chuyện:

– “Tôi và Mã Diện trước đây là binh lính trong đội quân của Phạm đề đốc, thân phụ cô Tiên Hương. Có lẽ cậu không biết việc này. Là người cùng quê với đề đốc, nên ngoài việc binh, chúng tôi còn được nhận vào làm những việc phục dịch trong dinh đề đốc. Lúc ấy cô Tiên Hương, con gái của đề đốc với người vợ sau vừa mới lớn. Hai người con trai mà người vợ đầu vắn số đã sinh cho ông đều làm lãnh binh trên Lạng Sơn nhiều năm chưa thấy về nhà. Tuổi dậy thì với sắc đẹp hiếm có của cô Tiên Hương như hoa mới nở khoe sắc, khoe hương làm nhiều cậu trai mê mẩn. Oan nghiệt thay, trong số đó có Mã Diện. Mối tình câm lặng ấy dày vò hắn, làm hắn đau khổ và như kẻ mất hồn, nhưng những bạn bè bên cạnh hắn không ai hay biết. Tình yêu ấy càng câm lặng dồn nén càng làm hắn đau đớn, tuyệt vọng. Mãi về sau, qua một vài cử chỉ và hành vi của hắn lúc thức cũng như lúc ngủ tôi mới phát hiện tình yêu bí ẩn của hắn. Có những lúc ngủ mê, hắn rên siết và gọi tên Tiên Hương một cách vô vọng. Lần khác trong gói hành trang của hắn, tôi tình cờ thấy có những vật dụng của Tiên Hương mà hắn lấy trộm như cái yếm, cái thắt lưng, cái kẹp tóc hay cái lược của nàng. Khi chỉ có một mình, hắn lấy ra ngắm nghía, trò chuyện như kẻ điên khùng. Tôi không có gì trách cứ hắn dù biết hắn đang si mê cô chủ cao sang, đài các nhưng chỉ nhẹ nhàng khuyên hắn hãy dẹp bỏ những mộng tưởng hão huyền, gối rơm theo phận gối rơm, có đâu dưới thấp mà chồm lên cao. Hắn lầm lỳ không nói và tôi cũng biết rằng hắn không dễ dàng từ bỏ mối tình man dại ấy.

Thời gian phó tướng Nguyễn Long về dưỡng quân tại nhà và nhất là khi tiếng sét ái tình làm Nguyễn Long và Tiên Hương yêu nhau đắm đuối, Mã Diện đau đớn và lồng lộn như con thú bị trúng thương. Đúng hơn hắn cũng tự gây thương tích cho mình. Hắn lấy dao rạch vào ngực hắn hai vết sâu và phải nằm liệt cả tuần. Tôi là người duy nhất biết chuyện và phải săn sóc vết thương cho hắn, đồng thời che giấu người nhà sự điên dại của hắn. Sau đó chúng tôi phải trở lại chiến trường, quân chúa Trịnh lần đó bại trận, Phạm đề đốc bị bắt làm tù binh. Nguyễn phó tướng bị thương và cũng bị bắt, sau đó phó tường đã quy hàng chúa Nguyễn. Tôi và Mã Diện may mắn thoát chết, về đến Thanh Hóa chúng tôi được cho xuất ngũ vì không tập họp đủ quân số. Hai chúng tôi liền về lại Kinh Bắc và thấy mọi sự đã thay đổi còn cô Tiên Hương lưu lạc đến huyện này. Mã Diện muốn kéo tôi cùng đi tìm cô ấy. Lúc đầu, tôi từ chối dù không có gì bận bịu vì tôi không còn ai là người thân. Tôi cũng đã định lên Lạng Sơn, đầu quân dưới trướng của Cậu Hai. Nhưng sau đó nghĩ lại, tôi đồng ý đi cùng Mã Diện vì tôi sợ hắn có thể làm hại Tiên Hương bởi sự ngông cuồng của hắn.

Khi chúng tôi tìm gặp cô ấy ở đây, cô ấy rất vui mừng. Mấy ngày sau cô ấy cho chúng tôi biết ý định muốn tìm đường trốn vào Nam để tìm lại cha cô. Mã Diện đồng ý ngay. Lúc đầu họ định đi bằng đường bộ, nhưng sau vụ hổ tấn công xé xác một đoàn người chạy trốn vào Nam, Mã Diện đề nghị đi bằng đường thủy. Vả lại chúng tôi cũng thấy rằng cô Tiên Hương không đủ sức đi bộ băng rừng vượt núi suốt cả tháng trời. Nhờ món tiền mà cô ấy nói là mượn của cậu, chúng tôi đã chuẩn bị một con thuyền khá to và lương thực đầy đủ để vượt biển vào Nam. Và như cậu đã biết, con thuyền đã khởi hành vào một ngày cách nay đúng hai tháng mấy ngày. Cô ấy rất buồn khi xa cậu nhưng rồi cũng phải xuống thuyền”.

“Trên thuyền có tất cả năm người vì có thêm hai tay chèo. Hai người này cũng là lính của Phạm đề đốc – Lục Hổ nói tiếp – Thuyền chúng tôi tranh thủ đi trong đêm khi còn trong đất liền, ngụy trang như một thuyền chở hàng. Ban ngày chúng tôi nghỉ lại một bờ sông nào đó có bóng cây rậm rạp chồm ra mặt nước. Thỉnh thoảng tôi và Tiên Hương vào một chợ quê gần sông mua thêm ít lương thực và dụng cụ. Buổi trưa chúng tôi mắc võng trên những cành cây nằm nghỉ ngơi giữa tiếng ve kêu chim hót. Một hôm tôi bỗng thấy võng của Tiên Hương và của Mã Diện để trống, tôi ngồi dậy đi tìm họ trong đám cây rừng rậm rạp. Qua đám lá cây tôi thấy Tiên Hương và Mã Diện ngồi trên một khúc gỗ mục để trò chuyện, tôi núp lại cố ý lắng nghe. Đôi khi gió thổi đưa tiếng nói lại gần và tôi biết được Mã Diện đang bày tỏ với Tiên Hương mối tình si câm lặng bao năm trong lòng hắn, trong lúc Tiên Hương cúi đầu bối rối. Thình lình tôi thấy hắn đứng lên mở tung vạt áo bày ra trước mặt nàng hai vết sẹo lồi màu sáng trên ngực. Tiên Hương lùi lại thảng thốt kêu lên. Còn tôi lặng lẽ trở về võng nằm, mắt nhắm lại mà lòng nghĩ ngợi không yên.

Chúng tôi phải mất bảy ngày để ra đến biển qua Đô Lương và Bến Thủy. Thuyền xa đất liền lướt đi trên biển mênh mông nhấp nhô, những con sóng xanh biếc. Thuyền giương buồm quay mũi về hướng nam thẳng tiến. Theo dự tính chúng tôi phải đi mất gần nửa tháng để vào đất Bình Định. Trừ Tiên Hương lo việc nấu nướng lương thực, bốn người chúng tôi chia nhau thành hai nhóm thay phiên nhau cầm lái và điều khiển cánh buồm theo hướng gió. Nhóm nào lái thuyền ban ngày, ban đêm được nghỉ trong khoang thuyền và ngược lại. Vả lại thuyền có hai khoang, một khoang chứa lương thực và một khoang để nghỉ ngơi được ngăn ra bằng một bức vách. Khoang nghỉ ngơi có một cánh cửa lùa, khoang kia chỉ được đậy lại bằng một tấm phên để tránh bụi nước.

Đêm tối ngày thứ năm trên biển, tôi ngồi canh dây buồm vừa nhìn sao trời lấp lánh trên bầu trời trong như cẩm thạch tìm một ngôi sao nào mờ nhất để nhận làm ngôi sao bản mệnh của mình. Bỗng tôi nghe có tiếng hét to của Tiên Hương cùng những tiếng động như có người vật lộn. Sau đó im lặng chỉ còn tiếng gió và tiếng sóng biển rì rào hai bên mạn thuyền. Một lát sau lại có tiếng hét của Tiên Hương. Lúc đó tay chèo chung với tôi đang cầm lái và tay chèo chung với Mã Diện đang ngồi thả câu bắt cá ở mũi thuyền. Tôi liền néo dây buồm lại đi đến khoang thuyền, đẩy cửa lùa để xem việc gì xảy ra, tiếng hét của cô ấy như một lời cầu cứu. Tôi thấy Mã Diện và Tiên Hương ngồi cách nhau một thước ta. Cánh tay của Tiên Hương bên chỗ Mã Diện ngồi quặt ra sau lưng như bị trói, tóc cô lòa xòa rối tung trên đôi vai gầy, khăn đội nằm dưới chân Mã Diện; hắn không thèm nhìn tôi, tiếp tục đùa chơi với con dao găm có lưỡi sắc lạnh và bóng loáng. Hắn thẩy dao lên thành một vòng tròn rồi chụp lại cán dao. Điều làm tôi giật mình là dưới ngọn đèn bão, một quầng đen như mây mù bao quanh đôi mắt hắn và đồng tử long lên như một tia lửa tím. Tôi hỏi Tiên Hương, “Cô có việc gì không, tôi nghe như có tiếng cô gọi?” Cô ấy cúi đầu ngập ngừng nhưng sau cùng cô ấy nói, “Không có việc gì đâu, anh cứ ra lái thuyền đi”. Tôi quay ra còn nghe tiếng cửa lùa khép lại và tiếng gài chốt. Tôi tự nhủ phải ngừng lại nghe ngóng, nhưng không nghe được gì thêm ngoài một câu Mã Diện gào to. “Mày tưởng tao tin mày vào nam tìm cha sao? Tao không dễ tin như Lưu Bằng đâu, mày vào trong đó tìm thằng Nguyễn Long thì có!” Rồi có tiếng động của hai người vật nhau, sau cùng là tiếng dộng đều đặn trên sàn thuyền. Tôi biết là Mã Diện đang cưỡng dâm cô ấy, nhưng tôi không thể làm gì được. Tôi giận dữ muốn phá nát con thuyền và như một người mất hồn tôi trở lại chỗ cột buồm. Đêm hôm sau sự việc ấy lại êm thắm diễn ra như hôm trước”.

Lúc ấy đang ôm đầu lắng nghe bỗng Lưu Bằng chồm lên hét to, “Quân khốn nạn, chắc nó phải đe dọa nàng trước khi cưỡng đoạt.” Lục Hổ đáp, “Hẳn là thế nhưng lúc bấy giờ tôi không biết.” Ngừng lại một lúc, Lục Hổ kể tiếp:

“Sáng ngày thứ bảy trên biển, đến phiên Mã Diện cầm lái, tôi ăn một cái bánh nếp cũ rồi định nằm ngủ tiếp trong khoang, thì thấy cô Tiên Hương vào khoang dọn dẹp. Tôi lén nhìn cô với tâm trạng bất an khôn tả. Gần nửa tháng sống trong thuyền lênh đênh trên mặt nước đã lấy dần đi những nét tươi đẹp nơi cô. Tuy dung nhan và dáng vẻ vẫn còn những đường nét quyến rủ nhưng da cô đã ngăm đen, đuôi mắt có những vết nhăn nhỏ, đuôi tóc cháy vàng và khô cứng không còn mượt mà như xưa, đôi bàn tay đã chai lại. Tôi thấy xót xa vì vẻ đẹp của một mỹ nhân chóng bị tàn phá đến thế. Còn đâu cô thiếu nữ ở tuổi dậy thì trong dinh đề đốc? Khi cô Tiên Hương đến gần chỗ tôi nằm, tôi ngồi dậy muốn nói một câu nhưng ngần ngại một lúc tôi mới nói được, “Sao cô để Mã Diện hành động vô lễ với cô?” Cô ấy nhìn tôi với ánh mắt buồn vời vợi như ngọn đèn leo lét từ xa sau lớp sương mù. Cô rầu rĩ đáp, “Nó dọa sẽ giết chết tôi và đập nát con thuyền để mọi người cùng chết nếu tôi không làm theo ý nó. Thằng điên đó dám làm chuyện nó nói lắm.” Tôi tức giận kêu lên, “Trời ơi, quỷ đã nhập nó rồi!” Tôi đứng lên định ra đuôi thuyền để xử hắn, chỉ cần một dao đâm thẳng vào ngực hắn trong lúc hắn vừa cầm lái vừa ngủ gục. Nhưng tôi nghĩ lại, tôi ngồi xuống và nói với cô Tiên Hương, “Rồi tôi sẽ phải xử tội hắn, đến đất liền tôi sẽ đánh gãy chân nó để nó hết làm khổ cô. Nhưng từ nay cô phải cương quyết không làm theo ý nó nữa.” Tiên Hương im lặng không nói, nhưng mặt cô có vẻ như đang đăm chiêu suy nghĩ. Sau đó cô ấy ra ngoài và một lúc sau trở lại, tay cầm một gói nhỏ bằng lụa, đưa cho tôi và nói, “Anh giữ hộ tôi gói nữ trang và tiền bạc này mà Lưu Bằng đã tặng tôi. Khi nào cần, tôi sẽ lấy lại.” Cô ấy không giải thích tại sao và tôi cũng không kịp hỏi vì cô đã vội đi ra để chuẩn bị bữa cơm trưa. Còn tôi thì nhét vội gói ấy vào lưng quần.

Tôi nằm lại, quay mặt vào mạn thuyền như muốn ngủ nhưng một ý nghĩ mê tín đến với tôi, tôi thấy sự việc xảy ra như một điềm xấu. Vì thế sau bữa ăn trưa tôi vòng ra chỗ khoang chứa lương thực và dụng cụ để kiểm tra lại mấy bao lát to đựng vỏ dừa khô dùng để nấu ăn. Tôi lấy dây cẩn thận cột chặt miệng bao lại, cả cái bao đang dùng dở mà sáng nay cô Tiên Hương lấy ra để nấu nướng. Đó sẽ là những chiếc phao cứu hộ khi tai nạn xảy ra.

Đến tối khi thay phiên cho Mã Diện, tôi bảo tay chèo chung cho thuyền chạy vào gần bờ hơn, dù làm thế thuyền dễ bị các tàu tuần của chúa Nguyễn và chúa Trịnh phát hiện và giữ lại vì nghi ngờ là gián điệp. Tôi ngồi cầm lái ở đuôi thuyền, nhìn sao trời để định hướng. Cuối giờ tuất, tôi thấy mây trắng kéo ngang trời, mặt trăng bán nguyệt có quầng sáng, bên trong nổi lên một vòng màu hồng. Sóng mạnh lên và gió to bắt đầu thổi. Bỗng tôi thấy cần lái gục xuống và một tiếng “rắc” to làm tôi kinh hoàng. Bánh lái đã gãy. Thuyền tiến lên đảo qua đảo lại như rắn bò. Tay chèo cùng nhóm biết có sự cố chạy vào khoang chứa lương thực và dụng cụ lấy một bánh lái dự phòng đem lại rồi cùng tôi cố sức gắn vào thuyền thay cho bánh lái đã gãy. Tay chèo thứ hai vẫn ngồi đầu thuyền câu cá chạy vội về khoang nghỉ ngơi để kêu Mã Diện ra giúp sức nhưng cửa lùa đã cài then, không sao gọi được. Cả ba chúng tôi loay hoay một lúc mới gắn được bánh lái mới. Mũi thuyền ổn định tiến lên theo đường thẳng, thế nhưng gió vẫn không ngừng thổi mạnh hơn. Chúng tôi quyết định cho thu buồm lại để thuyền thả nổi. Một vài ngọn sóng cao như những ngọn đồi đã tung nước vào thuyền trong lúc hai tay chèo kéo dây thu cánh buồm lại. Khốn nạn cho chúng tôi! ngay lúc đó dây buồm bị đứt. Tôi báo động hai tay chèo phải chuẩn bị bỏ thuyền thôi. Trừ Tiên Hương, bốn chúng tôi đều là những tay bơi giỏi. Lần này chính tôi chạy đến khoang đập mạnh vào cánh cửa lùa để gọi Mã Diện và Tiên Hương. Tôi hét to, “Dậy ngay đi, nguy ngập rồi, thuyền gặp bão to.” Tôi ngừng lại nghe ngóng và trong tiếng sóng gió gào thét, tôi nghe thấy tiếng gào to của Mã Diện “Buông tao ra, đồ dâm nữ …”. Tôi chạy về khoang sau lôi những bao vỏ dừa ra. Đúng lúc đó một cơn gió giật đánh tạt vào cánh buồm làm thuyền bị lật, tiếp theo là một con sóng mạnh đập vào đáy thuyền nhận chìm một nửa cột buồm xuống nước, tôi chỉ kịp ôm lấy một bao vỏ dừa khô nhào xuống biển lạnh giá khi những con sóng nối đuôi đập vỡ đáy thuyền, hất tung khoang thuyền và nhận chìm nó vào lòng biển.

Tôi không biết những người trên thuyền ra sao, riêng tôi bản năng sinh tồn buộc tôi bám chặt vào cái bao dưới ngực nhắm hướng bờ biển bơi vào. Những ngọn sóng to lạnh giá tung tôi lên cao mấy mươi thước rồi thả tôi rơi xuống đáy nước giữa hai con sóng như hai ngọn đồi, nhưng tôi luôn ôm chặt bao vỏ dừa khô. Tôi tự nhủ nếu tôi có ngất đi vì kiệt sức tôi cũng sẽ không buông cái bao ấy ra. Và nếu tôi có chết, nó sẽ là chiếc xe tang đưa tôi sang cõi khác. Tôi vật lộn với sóng biển suốt đêm, sau đó tôi không còn điều khiển nổi tay chân đã hoàn toàn rã rời, tê dại. Khi những tia sáng mặt trời xuất hiện ở phương đông, tôi nhắm mắt lại rồi tôi không còn hay biết gì và ngất đi vì kiệt sức.

Khi tỉnh dậy tôi lờ mờ thấy hai khuôn mặt nhìn tôi một già một trẻ. Người thanh niên đang đổ cho tôi uống những thìa gỗ nước trà ấm có pha đường phèn. Sau đó tôi từ từ nhận thấy mình nằm trong một túp lều trên bãi biển, quấn trong một cái chăn cũ để giữ ấm. Tôi đã dược hai cha con họ Đoàn cứu sống và đưa vào bờ trên chiếc thuyền thúng của họ khi họ đi câu mực ban đêm. Người cha nói với con, “Con lấy ít gạo nấu cháu cho chú ấy đi.” Người con vâng dạ rồi đi ra sau túp lều. Tôi muốn ngồi dậy lạy tạ ơn cứu mạng của họ nhưng không làm nỗi vì không còn sức. Ông lão bảo tôi cứ nằm nghỉ, ông ra bãi biển để tìm những người khác vì tôi đã ra dấu cho ông biết còn bốn người nữa bị nạn như tôi.

Một canh giờ sau, ông họ Đoàn quay lại trong lúc con trai ông đang đổ cháo lõng cho tôi. Ông nói ở làng chài hướng nam đã cứu sống một thanh niên họ Lý giạt vào bờ. Đó là tay chèo chung nhóm với tôi. Ngoài ra chưa tìm thấy ai khác. Sau đó ông lấy xâu chuỗi có hình một người bị đóng đinh vừa lần chuỗi vừa lẩm nhẩm đọc kinh. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông vội phân bua, “Sự chết chóc của người khác hay của chính mình nhắc người ta nhớ đến đời sau và sự cứu rỗi những người chết mà Con Thiên Chúa đã ban cho nhân loại”. Rồi ông giải thích về tôn giáo mà các cố đạo Tây Dương mới truyền sang cho dân nghèo An Nam: Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành tối cao đã cho con một của Người xuống thế gian làm con của Đức Mẹ Đồng Trinh nước Do Thái chịu chết trên cây thập tự giá lúc Người 33 tuổi để cứu chuộc nhân loại. Sau ba ngày Người sống lại và nhờ Người mà mọi kẻ chết sẽ sống lại trong ngày sau rốt của thế gian. Tôi thấy tôn giáo này quả đã đem lại một niềm hy vọng cho dân nghèo trong thời buổi nhiễu nhương do cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn gây ra. Dân nghèo đã rơi vào tình cảnh vô vọng trong lúc chính giáo Khổng Mạnh suy tàn, Phật giáo tìm sự yên thân thoát tục, một số kẻ tu hành hùa theo kẻ mạnh có tiền và quyền thế… Đọc hết một chuỗi, ông đưa xâu chuỗi ấy cho con trai dặn con chăm sóc cho tôi rồi ra biển đánh lưới bằng bè mảng. Anh thanh niên cầm lấy xâu chuỗi, đưa lên miệng hôn cây thập tự giá rồi ngồi xuống bên tôi lần chuỗi. Chốc chốc lại đổ nước hoặc đổ cháo cho tôi.

Nghe đến đây, Lưu Bằng kêu lên thảng thốt, “Tiên Hương ơi, không thể như thế với em được. Em có lỗi gì khi vào nam tìm cha và tìm người mà em yêu thương. Phải chăng em không còn muốn sống vì Mã Diện đã làm tổn thương em quá nặng nề… Tiên Hương ơi, sao em bỏ anh lại mà ra đi như thế….” Rồi chàng gục đầu xuống mặt bàn khóc nức nở. Lục Hổ bối rối lay vai chàng nói, “Xin cậu bình tỉnh lại tôi mới dám kể tiếp.” Tiếng khóc nhỏ dần và một tiếng nói nghẹn ngào đáp lại, “Anh kể tiếp đi, giờ đây những ác mộng tôi thấy đã trở thành sự thật.” Lục Hổ nén cơn xúc động và kể tiếp.

“Nhờ cha con họ Đoàn chăm sóc hai ngày sau tôi có thể đứng lên đi lại trong nhà. Tôi lấy ít tiền trong cái gói của cô Tiên Hương để lại nhờ họ mua thêm ít thức ăn và thuốc men. Ngày thứ ba khi mặt trời vừa nhô lên biển một vành sáng to hơn cái bánh xe bò, một góc chân trời và mặt biển biến thành lửa đỏ rực, ông Đoàn báo cho tôi biết có hai cái xác phụ nữ trôi vào làng chài hướng nam cách nơi ấy bốn dặm. Tôi quyết đi đến đó, ông Đoàn sai con trai ông đi theo tôi để dẫn đường, vả lại chân tôi còn yếu những đoạn đường khó đi phải có người dìu. Chúng tôi đi đường men theo bờ biển mất gần một canh giờ.

Đến nơi tôi thấy dân làng đã kéo hai xác người lên bờ và quấn lại trong hai cái chiếu. Một thầy cúng trong làng mặc bộ đồ đen có vẽ hình Thái cực và bát quái quàng khăn đỏ trên vai, vừa gõ kẻng vừa tụng đọc một bài kinh cầu siêu của Lão giáo. Họ đang chờ một chiếc xe bò đến để chở lên nghĩa trang trên đồi cát, nơi đó rất nhiều nấm mồ nằm kế bên nhau của các thủy binh chúa Trịnh, chúa Nguyễn đã chết trên bờ hay dưới nước trong các lần giao tranh. Tôi nói với dân làng tôi là thân nhân của người quá cố muốn được nhìn mặt người chết. Một người tuổi trung niên nắm lấy mép chiếu giở ra. Cả hai xác đều lõa lồ, xỏa tóc và đã chương lên dị dạng, các ngón chân ngón tay đều bị cá biển cắn đứt. Tôi nhận ra ngay Mã Diện vì hai vết sẹo trên ngực hắn, bộ phận sinh dục của hắn cũng bị cá cắn đứt tái tím và teo lại vì ngâm trong nước biển lâu giờ. Có lẽ vì vậy mà người làng nói hai người đàn bà. Tôi sụp xuống cạnh chỗ cô Tiên Hương kêu khóc một hồi. Sau đó tôi bỏ tiền nhờ đóng hai cỗ quan tài bằng ván thuyền cũ, bày một bàn thờ với ít hương hoa đèn nến. Đến giờ chôn cất, tôi ngồi bên người đánh xe bò đưa hai quan tài lên đồi cát theo con đường mòn giữa hai hàng cây xương rồng, có mấy phụ nữ và thanh niên trong làng đi theo. Trên hai ngôi mộ mới đắp, tôi cho chôn hai bia mộ cũng bằng ván thuyền: Phạm Tiên Hương, quê Kinh Bắc, hưởng dương 25 tuổi và Mã Diện quê Kinh Bắc, hưởng dương 34 tuổi. Về đến nhà ông Đoàn, tôi kiệt sức nằm bẹp hai ngày liền, lòng miên man suy nghĩ. Lẽ ra Mã Diện không chết vì hắn khỏe và bơi giỏi nhưng đúng lúc thuyền sắp chìm cô Tiên Hương đã ôm chặt lấy hắn. Cô ấy đã không muốn sống nữa và cũng không muốn kẻ làm cô ô nhục còn sống. Vào phút chót hắn tìm cách thoát khỏi đôi tay và đôi chân cô ấy siết lại như hai gọng kềm nhưng không được hay đã quá muộn. Sự nghiệt ngã này của số phận tôi không tài nào hiểu nổi.

Hỡi cô Tiên Hương mà tôi rất yêu quy ùvà những mỹ nhân hiếm có khác trên đời, nếu các người đã cho tôi thấy sắc đẹp nghiêng thành đổ nước của các người trong tuổi thanh xuân, tôi van các người đừng để tôi thấy lúc các người già nua lụ khụ, chân tay run rẩy, da nhăn nheo tóc bơ phờ bạc trắng, hoặc thấy các người bị chết vì tai nạn. Các người cũng đừng cho tôi thấy xương thịt các người rụng rơi, thối rữa trong chiếc quan tài. Nỗi đau lòng này trước sự tàn phá những gì tươi đẹp của thời gian nơi những mỹ nhân một thời lòng tôi say đắm làm sao tôi chịu nổi. Thà tôi chết còn hơn .

Những việc về sau cậu cũng đã biết, tôi từ giả ông Đoàn đi bộ về đây tìm cậu. Ngày đi đêm nghỉ gần nửa tháng trời. Gặp cậu và đưa lại cậu gói nữ trang và tiền bạc còn lại là bổn phận tôi phải làm để bày tỏ lòng tôi yêu quý cô Tiên Hương và những kỷ niệm về cô ấy. Khi đến huyện này tôi đã ghé chùa Huyền Không đưa cho trụ trì một lạng bạc để làm một lễ cầu siêu cho Tiên Hương và Mã Diện. Sáng mai tôi và cậu sẽ đến chùa ấy tham dự lễ cầu siêu.”

Khi Lục Hổ ngừng nói, một sự im lặng tràn ngập căn phòng, thỉnh thoảng người ta nghe thấy một tiếng thở dài hay một tiếng nấc nghẹn ngào. Im lặng như một vực sâu không đáy lặng lẽ kéo tuột và nhấn chìm mọi vật vào hư vô đen tối.



Tiếng người chủ phòng trọ phá tan sự im lặng khi gọi Lục Hổ xuống nhà ăn dùng bữa, Lưu Bằng lau nước mắt theo sau, chàng ăn qua loa một bát cơm vơi rồi về lại phòng trọ nằm bẹp như kẻ mất hồn. Lục Hổ nằm dài dưới dất, kiệt sức vì câu chuyện sáng nay. Lúc Lưu Bằng gọi anh ta dậy đi xuống phố với chàng, bên ngoài trời đã nhá nhem tối. Lưu Bằng dẫn Lục Hổ vào một nhà hàng kêu một vài món nhắm và một bầu rượu. Lục Hổ định can ngăn nhưng không kịp. Bình rượu được đem ra, Lưu Bằng rót đầy hai chén rồi không đợi Lục Hổ nâng chén, uống liền một hơi cạn chén. Trong suốt buổi, Lưu Bằng uống nhiều hơn ăn và không ngừng nhắc lại những kỷ niệm về Tiên Hương, về mối tình si của chàng với nàng, về việc chàng vay nợ, bán ruộng để cung phụng cho nàng và về những hạnh phúc phù du mà hai người đã tận hưởng. Lục Hổ cũng nhắc lại những kỷ niệm hồi Tiên Hương còn ở Kinh Bắc. Nàng đã để lại cho hai người quá nhiều kỷ niệm, đã hẳn sẽ làm cho họ khó quên nàng dù nàng đã khuất. Đến bình rượu thứ ba thì câu chuyện trở thành cuộc độc thoại hai người. Giọng hai người lè nhè và chẳng ai lắng nghe ai. Đến lúc ra về Lục Hổ phải dìu Lưu Bằng ra khỏi quán. Lưu Bằng hét vào tai Lục Hổ, “Kêu xe thồ tôi về xóm Cồn, nhà Thiên Phụng … Biết xóm Cồn không?” Lục Hổ chỉ hơi ngà ngà, vâng dạ làm theo.

Buổi tối, Thanh Hạc vừa làm việc nhà xong định vào giường ngủ nghe có tiếng người gọi cửa vội chạy ra. Cô không thể tin vào mắt mình. Chẳng phải sáng nay Lưu Bằng đã theo Khắc tứ và Thiên Phụng, anh nàng, đi Hà Trung sao? Trước mắt cô là một Lưu Bằng say khướt nói với cô mấy câu mà cô không nghe ra. Lục Hổ cho cô biết Lưu Bằng uống rượu giải sầu về chuyện cô Tiên Hương bạc mệnh. Thanh Hạc chỉ cái giường tre của Thiên Phụng ở ngay gian nhà ngoài và Lục Hổ xốc nách Lưu Bằng đặt chàng nằm xuống giường. Anh chàng lúc này chìm ngay vào giấc ngủ như người chết. Trước khi về lại quán trọ, Lục Hổ không quên nhờ Thanh Hạc chăm sóc cho Lưu Bằng. Thanh Hạc vội vàng lấy khăn ướt lau khuôn mặt, hai cánh tay và hai bàn tay của Lưu Bằng, rồi xếp gọn cái khăn ướt đặt trên trán chàng. Hung tin Tiên Hương đã chết đuối làm cô bàng hoàng xúc động và chuyện Lưu Bằng say khướt là một điều dễ hiểu và có thể cảm thông. Cô nghĩ Lưu Bằng đã yêu nàng say đắm và nếu cô là trai chắc cô cũng bị nhan sắc của Tiên Hương quyến rũ. Lòng cô xót xa cho người đã chết khi cô đi pha một ly trà nóng với một ít đường phèn và một lát chanh, cô gọi Lưu Bằng tỉnh lại uống hết ly nước trà để giải rượu. Trước khi vào lại gường cô ở phòng trong, cô lấy cái chăn độc nhất trong nhà đắp lên người Lưu Bằng để tránh cho chàng khỏi bị cảm lạnh. Cái chăn ấy độc nhất vì Thiên Phụng không bao giờ đắp chăn, cả trong những đêm trời rét, lúc đó anh cô chỉ khoác thêm một cái áo choàng bạc màu để ngủ. Sáng hôm sau, Thanh Hạc đã đánh thức Lưu Bằng trước khi cô đi bán hàng. Sau một giấc ngủ mê, chàng cảm thấy tâm tư trống rỗng và sự trống rỗng này làm chàng thấy mình nhẹ nhỏm trừ một cảm giác hổ thẹn vì đã say mèm tối qua. Chàng xin lỗi và cám ơn Thanh Hạc trong lúc cô nói với chàng những lời chia buồn và an ủi. Cô nói Tiên Hương thật đáng thương nhưng đây quả là sự an bài nghiệt ngã của số phận. Sau khi ăn vội chén cơm hấp lại để đi sớm, cô cũng bới cho chàng một bát cơm đầy trên có đặt một khúc cá khô là bữa ăn sáng cô chuẩn bị cho chàng rồi dặn dò một vài điều về cửa nẻo rồi ra đi. Lúc Lục Hổ đến dẫn Lưu Bằng lên chùa Huyền Không, chàng đã khăn áo sẵn sàng. Chùa Huyền Không nằm ở hướng bắc của huyện Thiên Tường khoảng hai dặm đường trên một ngọn đồi thấp dưới những tàng cây cổ thụ. Ngôi chùa cổ kính này tường mái đã rêu phong, mặt trước có vẽ hình hai vị hộ pháp một trông hiền lành, một trông dữ tợn. Trên những hàng cột những câu đối sơn son thếp vàng lấy từ trong kinh kệ đã phai màu. Chính điện âm u, phía trước là sàn lát gạch tàu, trên trải chiếu hoa đã cũ. Đi qua sân chùa Lưu Bằng và Lục Hổ vào trong gian nhà ở bên phải chính điện ngồi uống nước trà cùng một sư trẻ quê ở Hưng Yên, trao đổi một vài câu chuyện trước giờ làm lễ cầu siêu cho hai người quá cố. Khi vị sư trụ trì xuất hiện, tay cầm phương trượng bước vào chánh điện, những vị sư khác theo sau và sau cùng là Lưu Bằng và Lục Hổ. Trước mặt mỗi sư giờ đây là một cuốn kinh nhàu nát. Sau khi dâng hương lễ Phật, mọi người ngồi vào chỗ trên chiếu, xếp bằng tụng đọc mấy đoạn kinh trong sách . Có lẽ là kinh A-di-dà và kinh Địa Tạng. Nửa canh giờ sau, sư trụ trì đứng lên ra khỏi chánh điện về phòng mình. Mọi người ra theo vào hậu điện nơi có treo một bức tranh vẽ Bồ Đề Đạt Ma vác gậy trúc, đầu gậy treo một chiếc hài phía trên những hàng kệ đặt những bài vị thành một hàng dài. Nghỉ ngơi một lúc một sư khác bước đến bàn thờ đặt cạnh kệ bài vị, trên bàn thờ có hai bài vị mới viết của Tiên Hương và Mã Diện ghi rõ quê quán, năm sanh, năm mất bằng chữ nho mà trong hai người gia quyến chỉ có Lưu Bằng đọc được. Trên bàn thờ còn đặt hương hoa đèn nến, mấy đĩa trái cây và mấy chén sôi chè. Vị sư bắt đầu tụng đọc, ở những chỗ ông gõ kẻng, Lưu Bằng và Lục Hổ phải sụp lạy. Có những lúc ông ngừng đọc để đốt vàng mả trong một cái chậu đất. Chưa được nửa canh giờ, nghi thức chấm dứt. Sau đó Lưu Bằng và Lục Hổ đi tản bộ dưới những cây cổ thụ hay ngồi nghỉ chân ở những tảng đá to, nghe tiếng gió xào xạc trong cây và ánh nắng vàng pha xanh khi chiếu qua đám lá rậm rạp. Thỉnh thoảng có vài tiếng chim hót giữa cảnh u tịch thâm nghiêm như tiếng than van đời là bể khổ. Hai người đang mơ màng theo đuổi những ý nghĩ riêng tư, một chú tiểu chạy ra mời họ vào nhà ăn thọ trai buổi trưa cùng tăng đoàn trong chùa. Khi ăn không ai được nói chuyện. Cuối giờ ngọ Lưu Bằng cáo từ sư trụ trì rồi theo Lục Hổ đi về phòng trọ anh ta. Lục Hổ đưa cho chàng gói tiền bạc và nữ trang của Tiên Hương. Chàng nhận lại nữ trang và một nửa tiền bạc, nửa kia chàng đưa cho Lục Hổ. Buổi tối hai người lại ra quán ăn hôm trước nhưng lần này mỗi người chỉ uống một chén rượu vơi. Sau đó Lưu Bằng về nhà Thanh Hạc nghỉ đêm. Chàng định sáng hôm sau sẽ về lại Thiên Lương cáo tội trước bài vị của song thân vì chàng đã không thi đậu tiến sĩ khoa thi năm đó. Vừa mới tới cửa hàng rào, Lưu Bằng đã thấy Thanh Hạc ngồi trước hiên nhà đợi chàng. Bóng của cô nổi rõ trước căn nhà tranh đã thắp sáng. Lưu Bằng đến ngồi xuống thềm nhà gần bên cô. Lần này cô cũng có mấy lời an ủi chia buồn như ban sáng. Nhân khi Lưu Bằng nói ngày mai chàng sẽ về nhà ở Thiên Lương, cô khuyên chàng hãy quên đi quá khứ và tập trung vào việc học. Aùnh trăng non lúc này đã mọc chiếu lờ mờ như sương mù trên mặt đất và con đường hẻm vắng người. Lưu Bằng kể lại chi tiết câu chuyện Tiên Hương cho Thanh Hạc mà chàng đã nghe Lục Hổ nói. Chàng thấy thỉnh thoảng Thanh Hạc lấy tay lau nước mắt. Được kể ra nỗi niềm đau khổ và được lắng nghe, chàng cảm thấy tâm hồn vơi nhẹ như trút được một gánh nặng nề. Hình như sương bắt đầu xuống kèm theo gió lạnh, Lưu Bằng và Thanh Hạc vào nhà, chàng vào giường ngoài nghỉ sớm, trong lúc nàng vào nhà sau làm mấy việc lặt vặt trước khi đi ngủ. Ngọn đèn hột vịt trên bàn thờ trước bài vị của song thân Thanh Hạc làm tỏa lan một ánh sáng vàng vọt xung quanh chàng. Những nén hương Thanh Hạc thắp mỗi tối đã tàn một nửa. Chàng cảm thấy cuộc đời sao quá phu du và mong manh như sương khói. Bỗng nhiên chàng tự hỏi nếu như ngay mai chàng không bao giờ thức dậy thì giấc ngủ sắp đến này là một giấc thiên thu. Đang mơ màng đi vào giấc ngủ, Lưu Bằng chợt nghe có tiếng rơi của cái đèn đất rồi sau đó là tiếng ngã vật xuống giường rất mạnh trong phòng Thanh Hạc. Chàng ngồi dậy ngay, lúc này trong đêm thanh vắng tiếng thở khó khăn cùng tiếng rên từ trong phòng tối đen vọng ra. Chàng khêu cao bấc ngọn đèn trên bàn thờ nhẹ nhàng bước vào. Trước mắt chàng là một Thanh Hạc khác, cô nằm trên giường cong người như tấm ván uốn, hai cánh tay giơ lên hình thước thợ, cứng ngắt, hai bàn tay khép lại thẳng đơ như hai đầu con rắn đang ngóc lên khi chúng đánh hơi con mồi, hai chân cô dính sát vào nhau, duỗi thẳng và run lên bần bật. Chỉ mất một giây Lưu Bằng biết ngay Thanh Hạc đang lên cơn động kinh do chấn thương cũ ở đầu nàng bị rường nhà rơi trúng khi còn bé trong vùng giao chiến. Chàng vội tìm khăn ướt đắp lên trán nàng, và với một cái khăn ướt khác chàng không ngừng lau khuôn mặt đỏ gay, cái miệng bị giật méo và những bọt nước miếng trào ra từ hai khóe môi đỏ đậm. Chàng cẩn thận lấy một góc cái khăn chặn giữa hai hàm răng sợ nàng cắn trúng lưỡi. Nàng ú ớ với chàng mấy tiếng nhưng không thành lời. Sau đó Lưu Bằng chạy vào bếp thấy có mấy nhánh xả còn tươi, chàng giả nát pha vào ít nước trà rồi lấy muỗng gỗ chế vào miệng nàng. Chàng ngồi bên cạnh giường một tay nắm lấy vai một tay nắm lấy chân nàng im lặng theo dõi. Hơn một khắc sau, cơn động kinh chấm dứt trả lại nàng một thân thể đau đớn, thất thần và mệt mỏi. Lưu Bằng ngồi thêm một lúc lâu, lấy cái chăn còn để ở giường chàng đắp cho nàng, mắt nàng nhắm lại vì kiệt sức. Thấy Thanh Hạc đã nằm yên, hơi thở đều đặn, Lưu Bằng trở ra giường mình, nằm nghe ngóng suốt đêm. Khi tiếng chuông chùa gần xóm Cồn báo giờ công phu, Lưu Bằng dậy vào bếp nấu cho Thanh Hạc nồi cháo trắng ăn với hột vịt muối. Khi nàng thức dậy, cháo và nước trà đã nấu xong. Chàng bưng tô cháo vào tận giường đút cho nàng ăn, gạn hỏi mãi nàng mới chịu đưa toa thuốc cho chàng viện cớ “thỉnh thoảng cô mới bị như thế, mấy ngày sau khỏe lại bình thường”. Toa thuốc Thiên Phụng để trên bàn thờ, dưới lớp giấy hồng đơn đã cũ có lẽ đã nằm ở đó mấy năm rồi. Khi trời sáng hẳn, chàng khăn áo ra nhà vị lương y trong huyện. Chàng quyết định hôm nay không về Thiên Lương nữa, ở lại đây chờ đến tuần sau đi vào bản Mường ăn cưới Trần Bá Cương rồi về thẳng Thiên Lương. Chắc hẳn Thiên Phụng sẽ quay về nhà trước ngày đó. Vị lương y họ Tống nhìn toa thuốc nhận ra một bệnh nhân cũ. Sau khi nghe Lưu Bằng kể lại bệnh tình, ông nói: – “Lần này tôi sẽ cho thuốc tốt hơn để phu nhân hết hẳn vì tôi mới mua được mấy vị thuốc quý ở Vân Nam đưa qua, lát nữa tôi sẽ ghi thêm vào toa này, chú cứ yên tâm.” Vị lương y nghĩ chàng là chồng của Thanh Hạc. Ông nói tiếp, “Cô nhà phải uống mười thang sau đó uống thuốc tể trong một tháng bệnh sẽ không còn tái phát”. Lưu Bằng quyết dùng số tiền Tiên Hương để lại vào việc trị bệnh cho Thanh Hạc, chàng nói: – “Ông cứ bốc thuốc và cho làm thuốc tể . Lần này tôi sẽ mua đủ. Bây giờ tôi lấy ngay mười thang thuốc, còn thuốc tể ba ngày sau tôi sẽ đến lấy”. Nói xong chàng đợi lấy thuốc trả tiền rồi ra về. Trên đường về, chàng ghé lại nhà trọ của Lục Hổ định mời Lục Hổ đến ăn cơm trưa với chàng, nhưng chủ nhà bảo anh ta đã ra đi lúc trời còn tối với một người khách lạ. Chàng chỉ hơi thắc mắc sao anh ta đi sớm thế vì nghĩ rằng Lục Hổ trở về Kinh Bắc. Sau đó chàng ghé vào chợ mua ít thịt nạc và rau quả rồi cũng vội vàng về nhà Thanh Hạc. Hôm nay chàng sẽ là “phu quân” của nàng, chăm lo thuốc men và bữa ăn cho nàng như lời vị lương y đã đoán mò và nói trật.  Tối hôm trước, Lục Hổ đã gặp một người khách lạ tuổi trung niên, ăn mặc nghèo nàn nhưng không có vẻ gì là dơ bẩn, người ấy đến gần anh chìa tay xin ăn. Thấy Lục Hổ không cho, người khách lạ xin được ngủ nhờ phòng trọ để ngày mai đi sớm. Lục Hổ bực mình nói: – “Bác ra gầm cầu mà ngủ, đừng có đứng đó mà lải nhải với tôi.” – “Tôi biết cậu đang đau buồn vì đã mất người cậu yêu thương nhất, và cậu đang trên vực thẳm tuyệt vọng, bởi cái chết ấy quá sức chịu đựng của cậu khi mỗi ngày cậu phải đè nén tình yêu ấy vào sự câm nín. Cậu giống như ngưới bạn cùng quân ngũ với cậu nhưng hắn chỉ câm nín một thời gian, sau đó hắn bộc lộ mối tình si của hắn như một con thú dữ sổng chuồng. Bây giờ cậu đành chôn vùi trong im lặng mối tình cậu nuôi dưỡng cũng trong im lặng. Cậu không hy vọng điều gì khác sao?” Lục Hổ kinh hãi nói: – “Sao ông biết những chuyện riêng tư của lòng tôi…” Anh ta ngừng lại một lúc vẻ lo âu rồi nói tiếp, “Bây giờ ông hãy vào phòng nói tiếp chuyện này với tôi, tôi không bỏ qua cho ông đâu.” Lục Hổ mở cửa và hai người cùng vào phòng, anh thắp cái đèn đặt trên bàn trước mặt người khách lạ rồi anh ngồi xuống ghế đối diện. Khuôn mặt người khách lạ vẫn bình thản, có những nét của người Tây Dương, như mũi cao, tóc quăn nhưng cách ăn mặc nói năng đều giống như người An Nam nên Lục Hổ không chắc lắm. Anh im lặng không nói gì, khuôn mặt lộ vẻ bối rối và hổ thẹn vì những tâm tư sâu kín của anh đã bị phát hiện. Vâng từ lâu rồi anh đã yêu Tiên Hương say đắm, có lẽ trước cả Mã Diện. Sắc đẹp của nàng luôn có sức mê hoặc lạ lùng và cũng như Mã Diện anh luôn giấu kín trong tâm khảm mối tình oan trái ấy. Mã Diện còn có lúc bộâc lộ mối tình ấy khi đau khổ quằn quại và hành hạ bản thân trong lúc anh im lặng để cho mối mọt tình yêu ấy đụïc ruỗng tâm hồn. Cóù hai lần anh muốn bày tỏ tình yêu một cách điên cuồng nhất và cũng ác độc nhất nhưng anh đã không làm. Lần đầu khi Tiên Hương hiến thân cho phó tướng Nguyễn Long trong đêm trăng nơi đình tạ, lúc đó sau bụi hoa thược dược Lục Hổ chỉ cần nhẹ nhàng bước ra lấy thanh gươm mà Nguyễn Long dựng bên lan can đâm vào lưng hắn một nhát để kết liễu đời hắn (May mà hôm đó Mã Diện không trông thấy cảnh ái ân nơi đình tạ!). Lần thứ hai khi Mã Diện cưỡng bức nàng trong khoang thuyền. Riêng đối với Lưu Bằng, anh thấy dửng dưng với chàng nho sinh này vì ngay từ đầu khi chuẩn bị chiếc thuyền, anh biết Lưu Bằng không có mặt trên con thuyền sẽ vào Nam đó. Cũng giống Mã Diện, anh cho rằng Tiên Hương chỉ lợi dụng Lưu Bằng. Lục Hổ đã không hành động, đã không giết người vì anh cảm thấy mình có tội khi yêu một tiểu thư đài các và tiểu thư ấy là một mỹ nhân hiếm có. Anh vẫn luôn nghĩ rằng mỹ nhân hiếm có phải ưu tiên dành cho vua quan, phú hộ và hạng người thứ ba là những nho sinh thành đạt. Những kẻ nghèo hèn như anh chỉ được đụng đến mỹ nhân đã- qua-sử-dụng bởi ba hạng người ấy sau khi họ tận hưởng chán chê. Chính mặc cảm tội lỗi ấy bắt anh im lặng và đã giày vò anh. Bây giờ nàng đã chết, anh không im lặng nữa, anh nói to vào mặt người khách lạ: – “Tôi yêu cô ấy thì đã sao nào? Trước đây yêu trong mộng, giờ thì yêu như mộng và tôi không hề làm tổn thương cô ấy. Tôi sẽ tiếp tục yêu nàng ngày nào tôi còn sống, nhưng nếu tôi chết được thì hay hơn. – “Anh không hy vọng gì sao?” – “Hy vọng điều gì nữa khi tất cả với tôi giờ đây đều vô nghĩa” Lục Hổ ngắt lời. – “Anh không hy vọng gặp lại nàng sao?” – “Chuyện hoang đường; chỉ trừ khi nàng sống lại và còn trong trắng như ngày nàng mới lớn,” Lục Hổ nói, miệng nở một nụ cười méo mó. – “Có một Người sẽ giúp anh việc đó nhưng anh phải tin Người, và sau này anh cùng nàng sẽ trở thành đôi bạn hạnh phúc. Một hạnh phúc mà trần gian này không có được.” – “Người ấy là ai, là một ‘bạch quỷ’ như ông phải không?” Lục Hổ hồ nghi đáp. Người khách lạ không tỏ vẻ khó chịu bởi cách nói sỗ sàng của Lục Hổ , ông lấy từ trong tay áo xâu chuỗi mà anh ta đã thấy nơi nhà cha con họ Đoàn, những người đã cứu sống anh, rồi đưa cao người bị đóng đinh trên thập tự giá ông nói: – “Chính Đấng này sẽ giúp anh vì Người đã từ trong cõi chết sống lại và ai tin vào Người sẽ được sống lại như Người…” – “Vậy ra Ông ta nói cho ông nghe câu chuyện của tôi…” Lục Hổ đáp lại trong nỗi bàng hoàng. – “Đúng hơn Thánh Thần của Người vì Người là Đấng Thánh.” – “Tôi muốn gặp Ông ấy ngay hôm nay…” – “Nhưng anh đã tin chưa? Anh hãy theo tôi để tôi kể lại chuyện Người cho anh nghe và một lúc nào đó anh sẽ gặp gỡ và tin Người.” Lục Hổ ôm đầu nhìn xuống mặt bàn không nói, anh ta còn đang nghĩ ngợi. Tiếng trống canh tư đã điểm, có tiếng vỗ cánh và tiếng vạc bay qua dưới trời sương. Sự tĩnh lặng của thời gian và không gian sao mỏng dòn dễ bị mai một đến thế! Lúc này người khách lạ nói thêm một câu: – “Tôi là cha cố An-tôn Giáo, còn tên anh tôi đã biết.” Bất chợt, Lục Hổ đứng lên và nói: – “Thưa cha An-tôn Giáo, tôi sẽ theo ông như lời ông nói.” Cha An-tôn cũng đứng lên ôm chầm lấy anh ta. Và đến giữa canh năm họ gọi chủ nhà đến trả tiền phòng trọ rồi ra đi trong sương sớm.  Về đến nhà Thanh Hạc và thấy nàng còn chập chờn ngủ, Lưu Bằng đi thẳng vào bếp bắc siêu thuốc rồi chuẩn bị nồi cháo thịt. Uống bát thuốc và ăn cháo xong, Thanh Hạc thấy trong người khỏe lại. Lưu Bằng cũng nấu ít cơm và kho ít thịt cho chàng ăn trong ngày. Khói vỏ dừa dùng để nấu bếp làm chàng cay mắt khiến chàng nhớ lại ngày xưa còn bé hay lẩn quẩn bên chân mẹ trong bếp khi bà lo bữa ăn cho gia đình. Và khi lớn thêm mấy tuổi chàng đã đòi mẹ chỉ cho chàng cách nấu cơm kho cá và mấy món thông thường như luộc rau hay nấu canh cua. Vậy mà bây giờ chàng vẫn còn nhớ. Ăn cháo xong, Thanh Hạc đem bát xuống nhà sau thấy chàng loay hoay bếp núc không khỏi cảm động. Nàng đến ngồi bên chàng kể lại chuyện cha mẹ nàng ngày xưa, những chuyện nào nàng còn nhớ được, trong lúc chàng giục nàng vào giường nghỉ. Buổi trưa êm ả trôi qua với tiếng gió nhẹ ngoài vườn, tiếng lá động lao xao, tiếng chim gáy thỉnh thoảng hót lên mấy tiếng. Một lúc nào đó, một ý nghĩ thoáng qua và chàng bâng khuâng tự hỏi: “Tại sao Tiên Hương không là Thanh Hạc?” Buổi tối hai người ngồi dưới hiên nhà nói chuyện. Nàng nói ngày mai nàng sẽ đi bán lại, Lưu Bằng không đồng ý nhưng nàng nói mình đã khỏe sau môt ngày nghỉ ngơi. Cuối cùng chàng cũng thuận theo nhưng bắt nàng không được đi sớm trước khi mặt trời mọc. Rồi nàng kể cho chàng nghe câu chuyện ngày xưa khi nàng bị thương nằm trong rừng cách xa chiến trường, lúc đó anh nàng quay về tìm xác cha mẹ nàng để lo việc chôn cất, mấy người phụ nữ trong làng đi quanh quẩn trong rừng kiếm cái ăn để nàng nằm lại một mình. Vừa buồn vừa sợ, nàng khóc nức nở. Lúc đó một bà thật xinh đẹp với áo choàng màu xanh da trời nhẹ nhàng bước đến cùng nàng. Bà hỏi: – “Sao con khóc, không ai ở với con sao?” – “Vâng thưa bà, sáng nay con chỉ có một mình và con sợ,” sau đó em nói tiếp khi thấy bà có vẻ nhân hậu và lắng nghe em với sự cảm thông sâu sắc, “Bố mẹ con đã chết hôm qua rồi bà ơi!” – “Chính vì vậy hôm nay bà đến với con. Con lại đây với bà đi.” Bà ấy ngồi xuống một vạt cỏ xanh mướt, em đến cùng bà, nằm dưới chân bà, kê đầu vào gối bà và hỏi trong lúc bà vuốt nhẹ tóc em: – “Vậy bà từ đâu đến mà trước giờ con không thấy” – “Bà từ trên cây kia xuống đây,” bà chỉ lên đỉnh núi cao ở đó có một cây to như cây dừa in bóng trên nền trời. – “Sao cây đó to thế!” – “Mọi cây cối lớn bé đều của con bà.” – “Ở đó bà không sợ thú dữ trong rừng sao?” – “Mọi con thú lớn bé đều của con bà.” Nhưng rồi em lại nhớ đến bố mẹ em nên em nói: – “Bà ơi, hôm qua bố mẹ con đã chết rồi!” – “Bố mẹ con không chết, bố mẹ con đang ngủ và không còn đau khổ nữa.” – “Bà biết chỗ bố mẹ con đang ngủ sao?” – “Phải, rồi con cũng sẽ gặp lại hai người.” Thanh Hạc kể tiếp: “Lúc đó em không hỏi nữa, em mân mê đùa chơi với xâu chuỗi bằng ngọc ở thắt lưng bà và sau cùng em ngủ yên trên đầu gối bà ấy. Khi thức dậy em thấy anh Thiên Phụng đang nhìn em, đầu em kê trên một cái gối làm bằng cành lá cây quấn lại. Những người trong ngôi làng bị tàn phá quây quần bên nhau để qua đêm, họ chuẩn bị đốt một đống lửa to để ngăn không cho thú dữ đến gần. Từ ngày đó khi gặp chuyện bất trắc hay hiểm nguy em đều kêu tên ‘Đức Bà áo xanh’, có mấy lần bà giúp em nhưng không còn cho em thấy bà nữa”. Rồi Thanh Hạc nhìn vào khuôn mặt trầm ngâm của Lưu Bằng nói: “Từ ngày đó em vẫn tin rằng bố mẹ em đang ngủ, và những lúc em đi ngủ, em ước ao được gặp hai người.” Bỗng một ngôi sao băng xẹt qua trên bầu trời chỗ họ đang ngồi. Thanh Hạc chụp lấy tay của Lưu Bằng ghì chặt và ép sát vào người chàng. Nàng sợ. Sau đó nàng định lùi ra nhưng Lưu Bằng đã nắm tay nàng giữ lại, chàng dịu dàng nói: – “Em không thấy chúng ta rất bình an khi ở bên nhau sao? Anh không biết nói thế nào về cảm giác ấy, nhưng hôm nay anh phải thú nhận từ lâu rồi anh rất yêu em nhưng lúc đó anh không thể nói ra vì anh xấu quá. Rồi anh sẽ về quê nhà, nhưng lần này trước khi đi anh phải nói ra điều đó. Anh rất yêu em!” Mấy phút im lặng trôi qua. Dù Thanh Hạc không tin vào tai mình nhưng cô đã cảm nhận một tình yêu chân thành vì có lần cô nhận thấy khi Tiên Hương còn sống, lạc thú mà chàng tận hưởng không xóa đi trên khuôn mặt chàng những nét đăm chiêu. Và cũng rất chân thành với lòng mình, cô nói: – “Từ lâu rồi em cũng rất yêu anh, và em vẫn nghĩ đó là một tình yêu đơn phương. Thế nên dù anh có làm gì em không hề trách móc anh mà lại càng thương anh nhiều hơn. Em cũng không biết tại sao em cứ mãi yêu anh, khi có người muốn cầu hôn em và giúp đỡ hai anh em, nhưng em từ chối.” Nói đến đây nàng nhớ đến lời câu hôn mà mới tháng trước tú tài Phan Khắc Tứ đã đề nghị với nàng. Khắc Tứ còn nói nếu nàng đồng ý, anh ta sẽ không về chùa quy ẩn. Việc làm chủ chùa sẽ được giao cho người khác quản lý. Nhưng nàng đã từ chối Khắc Tứ và cả của cải của anh ta. Sau đó nàng không nói việc ấy cho ai khác vì nàng thường không nói ra những điều mình không thích. Thanh Hạc nói tiếp, trong lúc Lưu Bằng vuốt nhẹ hai bàn tay nàng: – “Nhưng lúc đó em chỉ biết yêu anh âm thầm và cũng không thể bày tỏ cùng anh. Em thật hạnh phúc khi hôm nay biết được tình yêu anh dành cho em. Phải chăng Trời cao đã định …” – “Chắc thế, nhưng em cũng thật xinh đẹp dịu dàng, nhân hậu và đáng yêu lắm.” Nói xong Lưu Bằng ôm thanh Hạc vào lòng, đầu nàng tựa vào ngực chàng tỏa một mùi hương nhài thoang thoảng. Họ ngồi tâm sự thêm gần một canh giờ rồi vào nhà nghỉ ngơi. Chàng để cái đèn trên bàn thờ cháy sáng thay vì vặn nhỏ lại vì nhớ đến tích Quan Công ban đêm đốt đuốc đứng phò nhị tẩu. Chàng vào giường với tâm trạng nhẹ nhỏm hân hoan vì một tình yêu mới đến mà lẽ ra đã thành tựu từ lâu nếu chàng không điêu đứng vì tiếng sét ái tình với Tiên Hương. Kẻ lụy vì tình đôi khi là người có nhiều khả năng nhất để cảm nhận hạnh phúc to lớn của tình yêu. Lòng chàng giờ đây yên ắng và tịch mịch như đêm xung quanh chàng. Tuy nhiên có một lúc chàng thao thức nhớ đến Tiên Hương, nhưng chàng tự nhủ “Tiên Hương đang ngủ say.” Và chàng cũng nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ. Buổi sáng, Lưu Bằng dậy sớm định nấu siêu thuốc cho Thanh Hạc, nhưng nàng đã dậy sớm hơn và nước đầu của thang thuốc sắp xong. Chàng đến ngồi bên cạnh nàng trước bếp lò nhìn khuôn mặt nàng hồng lên trong ánh lửa, đôi mắt lá răm với hàng mi dài của nàng rạng rỡ và quyến rũ. Họ âu yếm trao đổi một vài câu chuyện. Thanh Hạc kể sơ qua quãng đời gian nan từ ngày hai anh em nàng rời bỏ quê hương đi lưu lạc cho đến khi Thiên Phụng trở thành thuyền viên của chiếc tàu vừa chở hàng vừa đánh cá của một phú hộ ở Quỳnh Lưu, cô bé lọ lem Thanh Hạc trở thành nữ tỳ của bà phú hộ. Bà rất thương yêu Thanh Hạc vì hai ông bà vừa mất một đứa con gái trạc tuổi nàng. Cô chủ chết vì viêm não. Bà dạy bảo và chỉ vẽ cho nàng những điều bổ ích của một phụ nữ và chính trong thời gian này nàng đã học được cách nấu những món ăn ngon của người giàu có và quyền quý. Lúc mặt trời chiếu lên vạn vật những tia sáng đầu tiên trong ngày, Thanh Hạc uống bát thuốc đã nguội bên trên có đặt nằm ngang một con dao nhỏ, rồi ngậm một viên xí muội mà vị lương y họ Tống đã bán kèm theo các thang thuốc cho miệng bớt đắng và chuẩn bị ra chỗ bán hàng. Trước khi nàng đi ra khỏi nhà, Lưu Bằng ôm chặt nàng trong vòng tay chàng một lúc và vừa hôn, vừa nói vào tai nàng những lời yêu thương âu yếm. Chàng còn theo nàng ra đến tận hàng rào nhìn theo nàng cho đến khi nàng khuất bóng sau những lùm cây trên con hẻm nhỏ. Ở nhà một mình, chàng ăn vội một bát cơm nguội đã hấp nóng, uống một ly trà xanh bốc khói sau đó xắn tay dọn dẹp và làm mấy công việc nhà để đến chiều khi Thanh Hạc trở về nhà nàng không phải bận rộn nữa. Trong lúc lấy ít quần áo đi đường của chàng ra giặt bên giếng nước, chàng thấy bộ đồ nàng mặc hôm qua treo trên mắc áo gần chỗ giường nàng, chàng lấy xuống bỏ vào một chậu gỗ đem đi giặt, luôn cả cái chăn hôm qua giữ ấm cho nàng mà mùi da thịt vẫn còn ngai ngái. Buổi trưa chàng ra chợ Cồn mua thêm ít thức ăn cho bữa ăn trưa và bữa ăn tối. Ăn trưa xong chàng nằm nghĩ trên giường miệng nhẩm lại những bài thơ, bài văn cổ mà chàng ưa thích. Phần Thanh Hạc, việc khởi đầu một ngày với những cử chỉ âu yếm của Lưu Bằng đem lại cho nàng tâm trạng vui vẻ quảng đại để chịu đựng những phiền nhiễu mà một cô bạn hàng nơi nàng bán than củi gây ra. Cô ấy tên Thu Liên, bán trái cây cho khách đi đò. Ngồi trên một cái ghế thấp sau mấy cái mâm thiếc chất đầy các thứ trái cây như cam, quýt, vải thiều, na, Thu Liên không bao giờ mời khách đàn ông mua hàng. Anh chàng nào có một vài hành vi không tốt dù nhỏ là cô chửi vào mặt như tát nước. Cô ghét đàn ông và cô sẽ mãi như thế mà không ngờ rằng mình đã ghét một nửa thiên hạ rồi. Cô cho rằng mọi đàn ông đều xấu xa độc ác nếu không nói mọi điều độc ác xấu xa đều do họ mà ra: chiến tranh, bất công, sự hà hiếp, dối trá, giả hình… Chúa Trịnh chúa Nguyễn chẳng phải là đàn ông sao? Đàn ông mười mươi đấy và số phụ nữ phục dịch cho họ ngày cũng như đêm bất kể giờ giấc nhiều hơn của một thằng đàn ông bình thường. Rồi Thu Liên lại tội nghiệp cho những người phụ nữ ấy. Đàn ông không xấu sao được khi những người đàn ông đầu đời và gần gũi bên cô đều xấu xa. Cha cô ghét cô khi cô sinh ra là gái, ông không ngó ngàng gì đến cô khi cô còn bé và lớn lên ông đánh đập cô hầu như mỗi ngày, đã thế anh Hai cô đã tìm cách đổ tội lên đầu cô khi hắn nghịch ngợm, phá phách khiến cô phải bị trừng phạt thay cho hắn. Bản thân hắn cũng thường kiếm cớ để hành hạ, đánh đập cô. Anh Ba cô cũng mong cô bị đánh đập cho hắn có dịp an ủi cô nhưng hắn đi tìm khoái cảm trong những lúc an ủi cô, hắn lau nước mắt cho cô, vuốt ve tóc cô, tay cô, lưng cô, chân cô những chỗ có vết roi hằn… rồi sau đó hắn còn vuốt ve những chỗ kín trên người cô khiến cô phải vùng lên bỏ chạy. Thu Liên ghét đàn ông là điều chắc chắn nhưng cô cũng rất yêu đàn bà. Mỗi lần Thanh Hạc gặp cô, nàng thường nhớ lại đề nghị của Thu Liên, “Chị Hạc ơi không hiểu sao em mến chị vô cùng… Em sẽ không lấy đàn ông đâu, em chỉ muốn chị và em sống chung thành một gia đình và em sẽ chăm sóc chị cho đến tuổi già.” – “Không được đâu em, hai anh của em và anh Thiên Phụng của chị không bằng lòng đâu.” Thanh Hạc viện cớ thoái thác. – “Hay là em lấy ở nhà ít tiền rồi ta đến xứ khác sống đi chị. Em chỉ muốn đi cho khuất mắt họ.” Thu Liên nhanh nhảu đề nghị. – “Cho chị một thời gian để chị tính toán đã.” Thanh Hạc nói dối để thoái thác, sau đó cô nói sang chuyện khác. Sáng nay khi thấy Thanh Hạc ra cửa hàng sau một ngày nghỉ bán, Thu Liên đon đả chạy qua. Cô xuýt xoa khi biết nàng bị ốm, rồi cô vuốt ve bàn tay và lưng nàng, quàng tay qua vai nàng, sau đó cô ngả đầu vào vai Thanh Hạc than thở hộ nàng đồng thời cũng tỏ bày tâm tình nồng thắm. May cho Thanh Hạc lúc đó có mấy bà khách bộâ hành ghé vào hàng Thu Liên mua một tá cam sành, một bạn hàng kế bên gọi Thu Liên về lại cửa hàng. Cả ngày hôm đó việc bán hàng làm cho hai người không đến gần nhau nữa. Đôi lúc, một tình cảm thương xót Thu Liên dâng lên trong lòng Thanh Hạc khi nhớ đến những hờn ghen của Thu Liên những lần cô này thấy Lưu Bằng ghé vào cửa hàng Thanh Hạc. Thu Liên đã nói, “Chị Hạc ơi, chị đừng tin những nho sinh bảnh bao đó, họ ăn nói khéo miệng lắm lại hay dẫn giải sách vở thánh hiền nhưng rồi khi mình mắc bẫy vào tròng, họ cũng chỉ làm khổ mình thôi…” Thanh Hạc đã đáp lại, “Có gì mà tin với không tin, anh ấy là bạn của anh Thiên Phụng; vợ anh ta đẹp và quyến rũ lắm, một nhan sắc hiếm có đấy!” Lúc đó Thu Liên thở dài, “Tội nghiệp cho một mỹ nhân rơi vào hầm sư tử…”. Rồi Thanh Hạc tự hỏi phải chăng Lưu Bằng cũng là loại nho sĩ đạo đức giả thích “ăn người” mà Thu Liên nói. Nhưng nàng đã dứt khoát đáp lại là không. Buổi chiều Thanh Hạc về sớm như đã hứa với Lưu Bằng nhưng nàng có cảm tưởng như mọi khi vì bầu trời buổi chiều trở nên xám xịt làm trời mau tối. Nàng về đến nhà được một lúc thì trời đổ mưa lất phất. Sau khi cùng Lưu Bằng dùng cơm, Thanh Hạc uống chén thuốc nấu lại rồi hai người ngồi lại trước bàn thờ trò chuyện cho đến cuối giờ hợi. Bên ngoài mưa nhỏ vẫn không ngừng rơi và gió thu đem theo ít nhiều hơi lạnh. Lưu Bằng kể cho Thanh Hạc nghe những kỷ niệm của chàng thời thơ ấu và nhất là kỷ niệm về mẹ chàng. Nàng rất vui khi chàng nói nàng có những tính cách rất giống mẹ chàng như hiền lành, nhân hậu và nhẫn nại. Tay trong tay, vai kề vai câu chuyện cứ thế mà liên tục. Chàng hứa sẽ cho người đến xin anh nàng làm một lễ hỏi; rồi sang năm, sau khi thi xong dù kết quả thế nào chàng cũng sẽ cưới nàng về Thiên Lương. Thiên Phụng có thể sẽ về làm việc ở bến đò Thiên Lương để anh em luôn được gần nhau. Họ còn đồng ý về nhiều dự tính khác trong đó có việc nàng sinh cho chàng một con trai nối dõi tông đường họ Lưu. Sau cùng mỗi người về giường mình đi ngủ. Chàng khoan khoái nằm xuống giường vẽ ra trong đầu những hình đẹp của tương lai bên Thanh Hạc. Nàng sẽ giúp chàng hồi phục sau những chuyện buồn mà Tiên Hương đã gây ra cho chàng. Về khuya, không khí trong nhà trở lạnh và khi chàng kéo chăn để đắp, chàng mới chợt nhớ đó là cái chăn duy nhất trong nhà. Tối nay khi đem chăn phơi bên ngoài vào, Thanh Hạc đã để nó lại giường chàng. Chàng cảm động vô vàn vì sự ân cần và hy sinh này và thấy mình có nghĩa vụ đem cái chăn đến cho nàng. Lưu Bằng nhẹ nhàng bước vào phòng trong, tay cầm cái chăn mới giặt sáng nay đến bên giường nàng. Chàng thấy nàng nằm nghiêng mặt quay ra ngoài mắt đã nhắm lại, hai tay khoanh trước ngực, hông to nổi cao, chân co và khép lại song song. Chàng tung nhẹ cái chăn để với một động tác nhẹ nhàng đắp kín người nàng từ vai đến hai bàn chân, không làm nàng giật mình thức dậy. Nhưng khi vừa quay lưng lại để ra phòng ngoài, chàng nghe tiếng nàng gọi: – “Sao anh không giữ chăn để đắp, em không lạnh đâu, chỉ sợ thôi.” – “Em sợ gì?” Lưu Bằng quay lại hỏi – “Sợ chị Tiên Hương buồn giận em!” nàng đáp. – “Chị ấy ngủ yên rồi! Anh tin như thế” chàng nói. – “Chị ấy ngủ rồi thì anh ở lại đây và đắp chung chăn với em cho ấm.” nàng nói trong lúc nắm lấy cổ tay chàng kéo nhẹ về phía mình. – “Ừ, anh ở lại với em !” Lưu Bằng leo lên giường còn Thanh Hạc lùi sát vào trong vách. Chàng nằm xuống quay mặt vào nàng, tay đặt và eo nàng và nhẹ nhàng ve vuốt. Thanh Hạc cũng vuốt ve cổ và vai chàng. Trong ánh sáng đèn lờ mờ họ nhìn nhau say đắm và yên lặng. Bỗng nhiên chàng tìm lại sự hưng phấn của niềm hoan lạc đã đánh mất và tưởng như đã chết đi cùng với Tiên Hương. Bàn tay chàng giờ đây leo lên bờ hông nở nang tạo nên đường nét ấn tượng của thân thể nàng. Một lúc sau khi cái chăn và cả y phục của hai người đều rơi xuống đất, chàng chồm lên giữa đôi chân nàng trong lúc chàng nói thì thầm, “Hạc ơi, anh yêu em …” Lúc nàng đáp lại một câu tương tự thì chàng đã xâm nhập và đi sâu vào nàng. Nàng cảm thấy rùng mình vì hơi nhói. Cảm giác khó chịu ấy qua nhanh để sau đó một cảm giác của lạc thú xâm chiếm nàng theo động tác nhịp nhàng lên xuống của chàng như một con nước lũ tràn ngập mọi vùng của cơ thể cả những nơi ẩn kín nhất. Cùng với động tác liên tục ấy của mình, Lưu Bằng áp ngực vào eo bụng nàng, miệng môi chàng tìm kiếm mùi hương trên đôi gò bồng đảo mịn màng mềm mại, Thanh Hạc tưởng mình sắp ngất; nàng thở dồn và rên rỉ. Nàng ghì lấy vai và lưng chàng trong động tác phi ngựa kéo dài ấy cho đến lúc nàng muốn hét lên, đó là lúc hai người đã hòa tan vào nhau như sự hợp lưu của hai dòng nước chảy vào sông lớn. Thanh Hạc đã bấu chặt lấy chàng, đầu ngữa ra sau mắt khép hờ dưới đôi mi cong, hai lún đồng tiền hiện ra, môi trên nàng hớt lên và nàng đón nhận cảm giác mãnh liệt sau cùng ấy. Đó cũng là lúc chàng đã rót vào thân thể nàng một mầm sống của họ Lưu. Sau đó, họ trần trụi ngủ bên nhau như hai đứa trẻ. Bình an như cây cỏ trong đêm mưa lất phất. Gần sáng tiếng chuông trống, tiếng khánh tiếng mỏ ở chùa Cồn theo gió đưa vang lại rất rõ. Theo thói quen Thanh Hạc trở mình thức dậy, nàng ngắm thân thể chàng trong giấc ngủ từ đầu đến chân với sự ngạc nhiên thán phục rồi ngồi dậy tìm lại y phục của mình, nhưng một bàn tay của chàng đã cào nhẹ vào lưng nàng và kéo nàng nằm xuống lại. Giữa tiếng chuông, khánh vang lên nhịp nhàng cùng tiếng kinh kệ ê a trầm bổng buổi công phu, chàng và nàng lại đan vào nhau, trao ban và tận hưởng. Họ hòa vào âm thanh kinh kệ ấy hơi thở nhịp nhàng và tiếng rên rỉ của họ, biến sự hòa tan trong niềm hạnh phúc tình yêu của họ thành một nghi thức u huyền trước khi bình minh thức giấc. Làm sao chúng tôi có thể nghe theo các người để diệt dục khi cái dục ấy mở cánh cửa sinh thành và xây dựng ngũ luân. Đạo vợ chồng không phải là một trong ngũ luân sao? Từ nó đã sinh ra những giềng mối khác. Vả lại không có giềng mối nào giống với âm dương và thái cực như nó. Mặt khác niềm hoan lạc mà nó đem lại trong giây lát không đủ bù đắp công lao cùng trách nhiệm vất vả, sinh thành và dưỡng dục con cái. Thế nên nó đáng là một nghi thức dù các người cho đó là ái dục vô minh và cố tình chạy trốn, từ bỏ hay chà đạp. Khi nắng sớm vừa lên Thanh Hạc cũng kịp ra khỏi nhà đi bán hàng. Nàng cảm thấy tự tin hơn vì nhờ có Lưu Bằng nàng đã sở hữu nàng trọn vẹn và dò thấu bề dày thân xác và chiều sâu của nội tâm mình. Nàng cười một mình khi nghĩ đến việc đó giống như một cơn động kinh thú vị và thương cảm cho Thu Liên chưa biết được cái hạnh phúc mà đàn ông đem lại cho người phụ nữ họ yêu. Sáng hôm ấy, Thu Liên lại đến an ủi, vuốt ve nàng và nói vài câu ve vản vì vẻ mặt thẫn thờ của nàng vì dư vị lạc thú làm cô ấy tưởng lầm nàng chưa hết bệnh . Buổi trưa ngồi một mình trong cửa hàng nhìn nắng thu ấm áp bên ngoài, Thanh Hạc nhớ lại một giấc mơ khi Lưu Bằng còn ở trường thi chưa về. Thanh Hạc thấy mình đứng trên một bờ ruộng, cách đó không xa là một đập nước nhỏ. Nàng thấy Lưu Bằng đứng trên đập nước. Bỗng chốc cánh cửa đập mở ra và nước chảy tràn ngập hết cánh đồng và lên đến gần đến nửa ống chân nàng. Nàng kêu cứu cùng chàng và chàng đã chạy đến lõm bõm trong nước. Đến nơi chàng kéo nàng lên chỗ gò cao. Lúc bàn tay chàng nắm lấy tay nàng, lạ lùng thay mặt nước đỏ màu phù sa trên khắp cánh đồng thình lình đổi thành màu xanh nước biển long lanh rất đẹp làm cả hai kinh ngạc. Chàng thấy cái yếm lụa của nàng ướt sủng và trở nên mỏng dính, có thể thấy rõ hai đầu vú đỏ thẫm . Nàng e thẹn cúi đầu và ngạc nhiên thấy bụng nàng gò lên cao hơn ngày thường. Cảnh tượng ấy mỗi khi nhớ lại nàng thấy rất rõ nhưng không hiểu ý nghĩa của nó. Trưa nay cũng thế nhưng mỗi khi nhớ lại nàng thấy trong lòng vui vẻ và cũng không hiểu tại sao. Kể từ hôm đó mỗi đêm chí ít lúc chùa Cồn làm giờ công phu buổi sáng Lưu Bằng và Thanh Hạc lại quấn quyện vào nhau. Đến ngày thứ bảy chàng đón đò ngang qua bờ bên kia sông để đi vào bản Mường ăn cưới Trần Bá Cương. Hơn nửa tháng sau Thanh Hạc biết mình đã có mang với Lưu Bằng sau những đêm miệt mài với niềm hoan lạc vốn có của tình yêu. Lúc đó nàng mới hiểu ra ý nghĩa của giấc mơ. Nàng rất vui mừng trước kết quả ngọt ngào ấy nhưng cũng đầy lo lắng bởi lẽ Lưu Bằng chưa quay trở lại như chàng đã định trước: chàng chỉ mang theo ít tiền và quà tặng cho hôn lễ của Bá Cương, và đưa cho nàng cất giữ các món nữ trang của Tiên Hương; còn Thiên Phụng, anh nàng vẫn chưa về và biệt tăm từ chuyến đi cùng Khắc Tứ.  Khi Lục Hổ và cố An-tôn ra khỏi huyện Thiên Tường khá xa thì trời sáng hẳn. Hai người dừng lại dưới một khu đất cây cối xanh tươi và bắt đầu một ngày mới với một thời gian ngắn dành cho việc cầu nguyện. Họ quỳ gối bên nhau trên cỏ ướt trong lúc cố An-tôn lấy một cuốn sách mỏng đọc những kinh nguyện tiếng Việt đại ý ca ngợi vinh quang và quyền năng của Đấng Tạo Thành đã cho họ sống một ngày mới cũng xin những ơn lành để sống ngày hôm ấy cho đẹp lòng Chúa v.v. Lục Hổ im lặng tập trung lắng nghe hiệp ý cùng cha cố. Anh rất ngạc nhiên là bao nhiêu năm nay không ai, kể cả những nhà nho, bảo anh phải biết cảm ơn Trời vì những điều tốt đẹp trong cuộc đời mình như khi được cơm ăn áo mặc, được thoát chết ở chiến trường. Có chăng họ bảo anh phải nhớ ơn vua, làm như nếu không có vua thì mặt trời không mọc ở phương đông, lặn ở phương tây được. Anh tự nhủ thì ra mình đã sống như một người bội bạc mà không biết. Cầu nguyện xong, họ lấy mấy cái bánh giò mua của chủ nhà trọ ra ăn và nhắm hướng Hà Trung đi tiếp. Tối hôm qua cố An-tôn đã mơ thấy một việc mà ông phải thực hiện ở Hà Trung. Đến Hà Trung đã quá giờ ngọ, hai người đến một hàng quán nhìn ra bờ sông để nghỉ ngơi và dùng bữa. Dưới bờ sông có bốn năm người đang loay hoay đóng cọc để làm trụ chống cho một cầu tàu giả, gần đó có một bức tượng to quấn trong vải dày. Họ đóng thử mấy cọc rồi nhưng đều không xong vì đất của đáy sông nuốt cọc mà không giữ cọc. Từ hôm qua đến hôm nay họ đã thử mấy chỗ rồi nhưng không có kết quả. Vẻ mặt người nào cũng mệt mỏi chán nản. Và đó chính là nhóm người chở tượng của Phan Khắc Tứ và Bùi Thiên Phụng. Họ không ngờ lớp bùn dưới đáy sông dày đến thế. Cố An-rê nãy giờ ngồi uống nước và quan sát Thiên Phụng, ông nhìn kỹ khuôn mặt sáng sủa và cỏ vẻ khắc khổ của chàng và trầm ngâm suy nghĩ. Một lát sau, ông nhờ cậu bé dọn bàn ra gọi Thiên Phụng vào vì ông có chuyện cần nói. Thiên Phụng bực mình ngồi xuống đối diện hai người khách lạ. Nhất là anh chàng trẻ tuổi có bộ mặt ngây ngô làm chàng rất khó chịu. Cố An-rê từ tốn nói: – “Xem ra anh không thể làm xong công việc ấy mà không có người giúp đỡ.” Cha cố nói thế cũng đúng vì hai ngày nay, chàng vất vả về việc đóng cọc này. Những chỗ lòng sông trước đây không có cát, nhưng khi cọc đóng xuống đều gặp lớp cát dày không giữ được cọc. – “Ông làm nghề gì ? Ông lấy tư cách gì mà nói với tôi như thế?” Thiên Phụng xẵng giọng đáp. – “Không phải tôi định giúp ông mà người khác,” cố An-tôn nói và dùng bàn tay phải chỉ lên trời. Thiên Phụng trố mắt nhìn người khách lạ và nhận ra ngay đó là một cố đạo trong lúc người này nói tiếp: – “Tại sao anh không làm công việc cao thượng mà cái tên anh đã chỉ ra? Chẳng phải ‘Thiên Phụng’ là ‘thờ Trời’ sao? Hãy theo tôi để tôi chỉ cho anh làm việc đó?” – “Tôi không thể bỏ ngang công việc này mà bạn tôi ủy thác…” – “Anh không bỏ ngang nhưng liệu anh có muốn đi theo tôi không?” – “Tôi sẵn sàng khi làm xong việc đóng cọc này.” Thiên Phụng nói giọng cả quyết, nhưng chỉ để thoái thác. – “Được rồi. Bây giờ từ chỗ anh đang đóng cọc anh hãy lùi lại mười bước chân và đóng xuống đó ba cây cừ tràm và ngày hôm nay anh sẽ xong việc. Tôi sẽ ở đây đợi anh như một người anh cả, anh hiểu chứ?” cố An-tôn nói như thách đố. – “Nhưng chỗ đó chính là nơi chúng tôi đã làm sáng nay mà không được…” Thiên Phụng lo lắng nói. – “Anh cứ làm đi khắc biết ai sẽ giúp anh.” Cố An-tôn mỉm cười đáp lại. Thiên Phụng lưỡng lự bước ra khỏi quán sau khi không quên uống bát nước mà người trẻ tuổi hơn tức Lục Hổ đã rót sẵn cho chàng. Khắc Tứ ngạc nhiên khi nghe Thiên Phụng nói đóng cọc lại chỗ đã làm sáng nay nhưng không thành công. Dù không hiểu lý do, Khắc Tứ cũng đồng ý thử lại. Khi cái chày vồ đập xuống đầu cây tràm cừ đến nhát đập thứ mười thì cây cừ đứng im bất động còn ló lên trên mặt nước hai thước, tay chèo cầm chày nói: – “Cứ như là bên dưới không có cát mà chỉ là đất sét có lẫn sỏi thôi. Thế mà sáng nay nó không chịu giữ cọc…” Mọi người kinh ngạc nhưng chỉ mình Thiên Phụng biết được tại sao. Chàng sợ hãi. Đợi lúc mọi người chuẩn bị đóng tiếp cây cọc thứ hai, chàng chạy vào trong quán. Chàng nói với hai người khách lạ: – “Tôi sẽ đi theo hai ông. Ta hẹn nhau tối nay giờ đầu giờ tuất ở cầu Lợn, phía đông huyện này.” – “Chúng tôi sẽ đợi anh, hãy thu xếp cho xong mọi việc còn lại của anh,” cố An-tôn nói và khi Thiên Phụng ra khỏi quán, ông cùng Lục Hổ trả tiền cơm cho chủ quán và khăn gói đi tìm một nơi có bóng mát trên bờ sông nghỉ ngơi chờ đến xế chiều mới đi tiếp. Phần Thiên Phụng, sau bữa ăn chiều với nhóm thợ chàng gặp riêng Khắc Tứ cho biết chàng đã tình cờ gặp lại một người anh họ cùng quê sau nhiều năm lưu lạc. Chàng sẽ đi theo về nhà chào thăm gia quyến người ấy. Việc chở tượng Quan Âm, Khắc Tứ có thể trông cậy vào phụ tá Hà Đăng. Vả lại phần việc ở bến đò Thuận Mỹ và từ đó lên chùa Phổ Minh không khó khăn như ở nơi này. Chàng cũng nhờ Khắc Từ chuyển cho Thanh Hạc em chàng tiền công xá mà Khắc Tứ phải trả cho chàng và nhắn lại rằng chàng sẽ sớm quay về. Khắc Tứ hơi bị bất ngờ nên không nói thêm gì chỉ gật đầu đồng ý. Lúc ấy là cuối giờ dậu. Khắc Tứ nhìn theo Thiên Phụng ra đi dưới ánh trăng bán nguyệt mờ ảo. Lúc quay bước vào trong, như chợt nhớ ra điều gì, Khắc Tứ liền đi đến quán ăn gần chỗ đóng cừ sáng nay. Chàng hỏi cậu bé bưng bê ngày hôm ấy có thấy người khách nào khả nghi trong quán không. Cậu bé nói có hai người khách lạ nói chuyện với Thiên Phụng và một trong hai người có vẻ như một cố đạo Tây Dương. Khắc Tứ xuýt gào lên một tiếng thật to nhưng cố dằn lại. Sau khi cho cậu bé mấy xu lẻ, chàng ra khỏi quán, lòng tức giận và ghê tởm, miệng lẩm bẩm nói một mình, “Thiên Phụng ơi, mày điên rồi… Mày tự sát rồi…” Khi về gần đến chỗ trọ và để làm nguôi nỗi giận dữ, chàng đổi hướng đi đến xóm bình khang, trút ngay cơn giận lên một gái làng chơi làm cô ta kêu đau trong lúc hai người hành lạc. Con người Khắc Tứ - kẻ quy ẩn - lánh mặt cho con người Khắc Tứ - kẻ chơi hoa - xuất hiện. Ở Thiên Tường, tú tài Khắc Tứ đã từng có quan hệ với một kỹ nữ cùng một kỹ viện của Tiên Hương và chỉ cắt đứt quan hệ với cô ta khi biết mình sẽ là chủ chùa của một ngôi chùa lớn. Dĩ nhiên Khắc Tứ sung sướng về việc hành dâm thì ít nhưng về sự bày tỏ thái độ căm thù đạo gia-tô thì nhiều theo đúng giáo huấn của vua quan. Trong thái độ này, Khắc Tứ đã lấy cái siêu ngã (xã hội) để thay thế hoàn toàn cho sự hướng dẫn của lương tâm. Sự tầm thường của Tứ chính là chỗ đó.

 
 

(Xem tiếp Chương 6)

Vĩnh An Nguyễn Văn Sơn