|
Buổi sáng như đã hứa, Hiền Minh đưa cho Lưu Bằng một xâu tiền kẽm và nói:
– “Cậu cầm lấy tiền này về nhà cho sớm. Tiếc là chỉ còn ba tuần nữa là Tết nguyên đán, nên tôi không đưa cậu về tận nhà. Hôm nay tôi cũng đưa đoàn quân cái bang về làng để cáo với thành hoàng và chuẩn bị cho làng ăn tết. Sang năm khi đi khất thực, chúng tôi sẽ ghé nhà cậu chào thăm.”
– “Tiểu nhân xin cám ơn Hiền Minh, ơn này không biết bao giờ tiểu nhân mới đền đáp được” Lưu Bằng đáp lại.
Sau đó chàng lấy bộ đồ tươm tất nhất trong tay nải ra thay và ra khỏi miếu thổ thần, trong lúc Hiền Minh bận rộn cùng đàn em chuẩn bị rút về bản quán là làng Trường Lỗ.
Đến trước huyện đường, chàng tìm gặp người lính hôm qua. Anh ta bảo chàng chờ gọi. Trong lúc chờ đợi, chàng nhìn người qua kẻ lại trong phố, kẻ gặp bạn bè, người gánh hàng đi buôn dáng điệu vội vã. Nếu không có Hiền Minh nhắc, hẳn chàng đã quên luôn ngày tháng. Giờ đây năm hết, tết đến thế mà chàng vẫn còn giong ruổi trên đường nơi đất khách, một nỗi buồn sâu kín lại trào dâng. Có những chị bán hàng rong chè cháo đi qua bước đi nhịp nhàng dưới những cây đòn gánh oằn xuống. Một anh chàng bán bánh đi qua đẩy một cái xe có hai bánh xe làm bằng cây mây rừng uốn lại thành vòng tròn. Phía trên có mấy loại bánh như bánh chưng, bánh dầy, bánh nếp v.v… Chàng định chạy ra mua một cái bánh chưng lót dạ, nhưng lại thôi vì sợ quan huyện sắp cho vào. Chàng đợi mãi, đợi mãi… đã hai canh giờ và mặt trời đã phóng xuống mặt đất những tia nắng nóng. Lúc đó anh lính bước ra tay cầm một bát cơm trên đăët một khúc cá khô đến nói với Lưu Bằng:
– “Quan huyện bận việc công không thể tiếp anh được, vả lại trời cũng gần trưa nên sai tôi mời anh chén cơm rồi về lần khác hãy đến.”
Lưu Bằng nghe những lời đó tức giận vô cùng, chàng định đập vỡ bát cơm trước mặt anh lính nhưng nghĩ lại anh ta cũng chỉ là người thừa hành nên gằn giọng nói:
– “Nhờ chú ăn hộ tôi, tôi không đói. Lần sau có đến hẳn tôi phải đến với một tư thế khác…”
Nói xong chàng bỏ đi. Sau khi ghé vào chợ ăn trưa xong, chàng vội vã theo đường cái quan đi xuống làng Son, một làng nhỏ ven sông cách Thiên Thành bảy dặm chàng sẽ ngủ đêm tại đó vì mỗi ngày chỉ có một chuyến đò dọc từ làng Son về Thiên Lương và chỉ đi trong buổi sáng.
Khi chàng ra khỏi huyện thị thì có một người trung niên từ cổng tây huyện đường theo chàng bén gót. Ông ta chính là Nguyễn Cát Dương, một người lính hầu già trong huyện nha được Dương Lý sai đi. Đến khi Lưu Bằng bước vào một quán trà cách huyện thị ba dặm đường để uống nước, Cát Dương cũng bước vào quán ngồi xuống cùng bàn và đối diện với chàng. Uống xong một ngụm nước, người lạ tươi cười bắt chuyện:
– “Tôi đoán là cậu về huyện Thiên Lương vì trông cậu quen quen như người ở đấy.”
– “Vâng tôi định về Thiên Lương, nhưng có lẽ sáng mai mới có chuyến đò. Thế ông có người quen nào ở đó?”
– “Đó là tôi nói trước kia, còn bây giờ tôi đã dọn đi nơi khác,” Cát Dương uống thêm một ngụm trà nữa rồi nói tiếp, “Lúc ấy tôi biết ở nhà Lưu ông có hai hai nho sinh học giỏi nhất huyện là Lưu Bằng và Dương Lý, tôi rất thán phục. Mới đây tôi được biết thêm Dương Lý đã thi đậu làm quan, còn Lưu Bằng không may thi rớt, chuyến này theo ý của cháu gái tôi, tôi đến đấy là để tìm cách hỗ trợ cho Lưu Bằng ăn học thi đỗ, đạt được công danh nhờ thế tôi cũng được thơm lây và có thêm sự tôn trọng của mọi người”.
Lưu Bằng ngạc nhiên khi thấy câu chuyện người lạ nhắm vào mình, nhưng chàng không tin vội. Kinh nghiệm tủi nhục sáng nay chỉ sau mấy canh giờ đã mau chóng trở thành một bài học cho chàng. Vì thế chàng thờ ơ hỏi lại:
– “Vậy người sẽ giúp cho ‘Lưu Bằng nào đó’ ăn học là ông hay cháu gái của ông. Nếu là cô ấy thử hỏi cô ấy được gì khi đem tiền bạc, công sức phung phí cho anh ta?”
Cát Dương không khỏi bất ngờ trước câu hỏi ấy nhưng vì đã chuẩn bị trước nên đáp ngay:
– “Đúng ra là cháu gái tôi đã nhờ tôi làm việc này. Vả lại nó cũng muốn kiếm một tấm chồng nhà nho như người ta thường nói, “Lấy chồng cho đáng tấm chồng. Bỏ công trang điểm má hồng môi xinh” hay câu “Chẳng tham ruộng cả ao liền, Chỉ tham cái bút, cái nghiên anh đồ”.
Lưu Bằng không thể không cười to và hỏi lại:
– “Cô ấy quá tự phụ đấy, cô ấy có dữ tợn không?”
– “Nó ngoan hiền lắm!”
– “Có chua ngoa không?”
– “Nó thật thà lắm!”
– “Có lười biếng không?”
– “Nó siêng năng lắm… à mà sao cậu hỏi về cháu tôi nhiều thế?”
Bấy giờ Lưu Bằng chồm qua bàn nhìn thẳng vào người lạ nói:
– “Tôi là Lưu Bằng đây, tôi sẽ tự mình thành danh mà không cần ai giúp đỡ. Ông về mà nói với cháu gái ông như thế…”
Lúc đó Cát Dương nhăn mặt muốn khóc vì sự việc diễn tiến hoàn toàn trái với dự kiến ban đầu. Ông ta đành phải năn nỉ:
– “Không được đâu nếu cậu không hứa cho cháu tôi một lần gặp mặt. Rồi mọi việc sẽ được giải quyết êm thắm, không bên nào phải miễn cưỡng trong việc này. Sẵn quán nước này có phòng cho khách qua đêm, xin cậu ở lại đây, tôi quay về và sáng mai đưa cháu tôi đến, dù sự việc thế nào chí ít tôi cũng làm tròn lời hứa với cháu gái tôi, cậu thấy thế nào?”
Lưu Bằng chưa kịp đáp lại, người lạ nói tiếp:
– “Tiền ăn uống và thuê phòng tôi nhận trả cho chủ quán.”
– “Thôi được, tôi sẽ chờ ông sáng mai cho tới giờ ngọ, nếu sau giờ ngọ thì ông đừng đến.”
Cát Dương mừng rối rít chạy vào trả tiền cho chủ quán rồi theo đường cũ về lại Thiên Thành.
Hôm sau vào giờ mão, Cát Dương đến quán cùng Châu Linh ngồi trên lưng lừa. Không khí trong lành buổi sáng cùng với sự thức dậy của cỏ cây, đồng lúa, vườn tược làm nàng tỉnh táo trở lại sau một đêm gần như thức trắng với Dương Lý.
Họ bước vào quán hỏi chủ quán mấy câu rồi đi thẳng vào phòng trọ của Lưu Bằng. Tối qua chàng thao thức mãi khi nhớ đến Thanh Hạc, một cô gái trung thực và ngây thơ, đằm thắm và nồng hậu và chàng nghĩ mình sẽ không còn tình yêu nào như thế với một phụ nữ khác. Nghe tiếng gõ cửa, Lưu Bằng chạy ra và trước mặt chàng là Cát Dương và một thiếu nữ xinh đẹp dáng người mảnh mai, nước da trắng xanh có những nét hấp dẫn giống với Tiên Hương. Chàng mời khách vào phòng. Chiếc bàn tre trong phòng chỉ có hai cái ghế nên Cát Dương phải ngồi trên giường, còn Lưu Bằng ngồi đối diện với thiếu nữ . Cát Dương giới thiệu:
– “Đây là Khánh Loan, cháu gái tôi mà hôm qua tôi đã nói với cậu; còn đây là nho sinh Lưu Bằng mà cậu đã tìm gặp theo yêu cầu của cháu. Bây giờ hai người có thể trao đổi trực tiếp với nhau.”
Lưu Bằng tiếp lời nói, có vẻ vội vàng như phải đi gấp:
– “Hôm qua tôi có nghe cậu cô nói cô muốn giúp một nho sinh như tôi ăn học thành tài và nhờ đó được thơm lây sự thành danh của người mà mình bảo trợ và cũng có thể gặp được lương duyên …”
Khánh Loan –tên mới mà Châu Linh sử dụng để che giấu thân phận của mình khi giúp chồng trả ân cho họ Lưu – cúi đầu e thẹn nói:
– “Tiện nữ quả có chỗ đường đột và tự phụ, chẳng qua vì tấm lòng thiết tha với nho học và chính giáo, muốn có những tài năng nối tiếp cử nghiệp của các tiên nho và cũng nhân đó tìm một chút ‘hư danh’ bên cạnh người quân tử, mặt khác cũng muốn nêu một tấm gương cho nữ lưu sau này giúp đỡ các đấng trượng phu bảo tồn nho học. Còn việc lương duyên nếu có nghĩ đến cũng để tự châm biếm mình thôi. Vả lại lương duyên do tiền định không thể miễn cưỡng được. Vì cái lẽ tiền định ấy mà nhiều lúc tiện nữ nghĩ sau khi đã trả ơn mưa móc đối với đạo nho, tiện nữ sẽ tìm vào chốn không môn nương nhờ nơi cửa Phật. Và như thế cũng không ra ngoài cái tâm ý ban đầu tán dương nho học vì Nho nào khác hôn phu và Phật nào khác hôn thê tình sâu nghĩa nặng. Vậy chẳng hay ý tôn huynh như thế nào?”
– “Cô nói cũng phải, nhưng chỉ nêu được mặt tốt chưa đụng gì đến mặt xấu” Lưu Bằng đáp, “Giả như tôi không có số thi đậu làm quan thì sao, lại nữa nếu tôi đã có ý trung nhân mà còn tham hương tiếc ngọc thì sao. Hoá ra chúng ta vì chút công danh và hư danh mà làm trò cười cho thiên hạ. Nếu không thông suốt chỗ này e rằng tôi không dám.”
– “Tôn huynh không nên nghĩ xấu việc mình chưa làm. Tiện nữ không hề phàn nàn nếu ý trời ngược lại ý mình. Còn như khi tôn huynh thành danh chỉ xin công bố một tấm gương của một nữ lưu giúp người tài năng thành đạt như hai người bạn Lưu Bình Dương Lễ ngày xưa giúp nhau để làm bài học cho hậu thế. Và dù không xứng đáng với tình cảm của tôn huynh, lúc đó chỉ xin tôn huynh nhận tiện nữ làm nghĩa muội, bù đắp và chăm sóc phần nào cho tiện nữ để đáp lại chút ân tình thì dù ở ngoài đời hay vào cửa Phật, tiện nữ cũng hài lòng mãn nguyện.”
Những lời nói của Khánh Loan làm Lưu Bằng an tâm, xem ra có vẻ là việc tìm kiếm một hư danh còn chàng cũng không thiệt hại gì, lại có thêm trách nhiệm để chăm lo vào việc học. Chàng liền nói:
– “Nếu cô nói thế tôi xin đồng ý, nhưng mọi việc phải chờ sau tết nguyên đán mới xúc tiến được. Hôm nay tôi phải đến bến đò để sáng mai về lại quê nhà, hẹn sau tết sẽ gặp lại. Nếu sau tết cô đổi ý cũng chẳng hề gì vì đây là hảo ý của cô không phải của tôi. Cậu cô đã từng ở quê tôi, chắc sẽ tìm tôi không khó.”
Lúc đó Cát Dương nói chen vào:
– “Tôi sẽ đi theo cậu về lại Thiên Lương một chuyến, ở chơi nhà cậu mấy ngày cho quen thuộc vì tôi sợ cảnh cũ đã thay đổi khác xưa. Sau tết tôi lại qua đón cậu.”
Khánh Loan đồng ý ngay với Cát Dương rồi chào từ biệt Lưu Bằng. Lúc đó người dắt lừa đang đợi nàng trước quán ngoài đường cái. Khi nàng đi rồi, Lưu Bằng và Cát Dương cũng ra đi. Tối nay họ phải ngủ lại bến đò làng Son vì ngày mai đò dọc đi sớm vào lúc rạng đông. Gần bến đò có một quán thịt mèo, Cát Dương kéo Lưu Bằng đi tìm một hủ rượu và mấy đĩa thịt “tiểu hổ” để nhấm nháp. Cát Dương uống một hơi hết một bát đầy trong lúc Lưu Bằng nghĩ bụng, “tay này tửu lượng khá đây, một lít rượu nếp chẳng ăn thua gì với hắn”. Uống xong Cát Dương nói:
– “Sau này cậu gọi tôi bằng gì ‘cậu’ hay ‘anh’?”
Lưu Bằng mỉm cười nói:
– “Bằng ‘cậu’ như Khánh Loan cháu cậu chứ bằng gì? Biết đâu nhờ vậy mà sau này tôi cưới được cháu cậu”.
– “Chà khó nghĩ quá, hai người cũng xứng đôi lắm. Nhưng nói chuyện khác đi, việc đó tính sau.” Cát Dương vừa khoát tay nói vừa uống hết chén thứ ba, trong khi Lưu Bằng chưa uống xong nửa chén, chàng chú ý việc ăn thịt mèo hơn việc uống.
Qua câu chuyện, Cát Dương cho Lưu Bằng biết Khánh Loan là con gái của một nhà nho yểu mệnh hiện đang bán hàng xén ở huyện Thiên Thạch. Mẹ sống với cháu trai là trưởng tộc ở tỉnh Thanh. Huyện Thiên Thạch có trường của quan đốc học họ Bùi về hưu nổi tiếng trong vùng. Uống đủ một lít, phần của Lưu Bằng chưa đầy một chén, hai người về quán trọ chờ ngày mai trời sáng. Trên đường về Cát Dương hơi xỉn, luôn miệng lải nhải một câu khó hiểu:“Về Thiên Thạch tớ không được phép uống nhiều đâu… còn phải lo canh gác khu vườn”. Chỉ một mình hắn hiểu khu vườn ấy là Châu Linh và từ nay hắn phải gọi là Khánh Loan, ở giữa khu vườn có một cái “hoa đen nhụy đỏ”, vật sở hữu của quan huyện họ Dương.
Xế chiều ngày hôm sau Lưu Bằng có Cát Dương đi theo mới về đến nhà, khi từ con đường lát đá bước vào cổng, chàng nhìn thấy Thu Đán trong chuồng bò đi ra. Cô vừa đánh xe bò về tới và cho bò vào chuồng ăn cỏ. Thấy Lưu Bằng về nhà sau gần nửa năm lưu lạc, cô xúc động sững sờ và kêu lên. “Cậu chủ đã về rồi, trời ơi sao bây giờ cậu mới về!” Rồi không nén được nỗi xúc động cô chạy lại ôm chầm Lưu Bằng thật chặt, gục đầu vào vai chàng, ép bộ ngực mà cô thường cho thằng Côi bú mớm vào ngực chủ cô rồi cô khóc, không cần giữ ý trước người khách lạ đi theo chủ cô. Lúc đó quản gia Vũ Bính cũng từ nhà bước ra giọng nói nghẹn ngào, “Cậu chủ về rồi phải không? Trời còn thương ông già này…” Rồi ông cũng khóc. Lúc đó Lưu Bằng cũng khóc theo. Làm sao chàng có thể nén được nỗi cảm xúc trước ngôi nhà này, những con người thân thương này cùng với bao nhiêu kỷ niệm còn mới nguyên trong nơi sâu nhất của tâm hồn chàng. Hai cha con Vũ Bính nắm tay chàng đưa chàng vào nhà. Có một lúc Thu Đán ép bàn tay Lưu Bằng lên ngực cô. Rồi cô chạy ra nhà sau báo cho mọi người biết để họ ra chào cậu chủ và chuẩn bị bữa tiệc tẩy trần.
Cái chiếu hoa trải dài trên nền nhà lót gạch tàu bày những thức ăn mới nấu, nào là thịt gà luộc, thịt heo nấu cải ngọt, thịt kho, bắp cải xào lòng gà, một liễn miến nấu xương, thịt bò xào cà chua. Ba ngọn đèn soi sáng cả gian nhà. Lưu Bằng kể lại việc thi cử của chàng, chàng xin lỗi mọi người vì đã làm họ thất vọng, sau đó là tai nạn ở bản Mường. Dĩ nhiên chàng không kể đến việc chàng đã thành thân với Thanh Hạc và ăn nằm với Na-thả. Quản gia Vũ Bính nghe kể thở dài nói:
– “Nhờ ơn trời và phúc đức của hai ông bà mà cậu tai qua nạn khỏi. Tôi nghĩ vận hạn đen đủi của cậu đã qua rồi, bây giờ không còn phải lo lắng gì nữa.”
Lưu Bằng nhìn người quản gia tóc bạc trắng nay đã già hơn, lưng còng nhiều hơn càng thêm thương cảm. Rồi chàng kể lại cho cả nhà nghe việc Dương Lý đã khinh thị chàng, không cho gặp. Và việc chàng gặp hai cậu cháu Cát Dương hứa sẽ hỗ trọ chàng ăn học thành danh. Mọi người trong nhà đều khen ngợi và cám ơn Cát Dương và đều trách Dương Lý từ khi ra làm quan đã trở thành một con người khác. Thu Đán còn kể lại việc Dương Lý trước khi đi nhậm chức ở Thiên Thành đã dò hỏi cô có biết nơi chôn giấu của cải nhà họ Lưu không. Và cô đã mắng cho hắn một trận nên thân. Rồi cô nói tiếp ngay trong bữa ăn:
– “Tội nghiệp Dương Liễu không như anh mình. Lúc nào cô ấy cũng nhớ thương và nhắc đến cậu chủ. Cô ấy nói sẽ đợi chờ cậu cho đến lúc thành danh, nếu không được ở bên cậu cô ấy sẽ vào chùa đi tu.”
Nghe nói như thế, Lưu Bình thấy lòng mình đau nhói, chàng chỉ còn biết lắp bắp:
– “Như vậy tôi phải quyết chí thành danh để không phụ tấm lòng Dương Liễu.”
Nói xong chàng quay sang nhìn Cát Dương như có ý nói cho ông ta biết chàng đã có ý trung nhân và xem ra toan tính của Khánh Loan, cháu gái ông chỉ là mơ mộng hảo. Sau đó họ nói sang việc mùa màng và cái tết sắp đến. Thu Đán nói ngày mai cô sẽ làm một mâm để Lưu Bằng dâng cúng song thân, và đốt hương trước mộ hai người. Tối hôm đó Lưu Bằng nghỉ ở phòng chàng, Cát Dương phòng Dương Lý còn Thu Đán mò ra cái chòi của thằng Côi, đến quá nửa đêm mới về phòng mình.
Hôm sau với một mâm cúng mà Thu Đán và nhà bếp chuẩn bị, Lưu Bằng thắp hương và quỳ lạy trước bàn thờ cha mẹ. Rồi chàng ra khu đất có phần mộ của hai người, chàng thắp hương và đốt vàng mả cầu xin cha mẹ chàng tha thứ việc chàng đã sống bê tha, đã thi rớt và hứa sẽ sống tốt hơn. Trong lúc chờ hương tàn chàng ngồi dưới gốc một cây khế nhìn thẳng vào hai bia mộ. Khoảng trống nhìn qua hai bia mộ là một dãi đất bằng phẳng sau đó là một vườn mía có trồng xen kẽ những luống khoai sắn và khoai lang. Lưu Bằng buồn bã ngồi nghĩ về những hy sinh của cha mẹ chàng và những kỷ niệm về họ, bỗng nhiên chàng thấy xuất hiện trên dãi đất ấy ba con rắn to bằng ngón chân cái dài chừng một cây thước thợ may. Chúng ngóc đầu lên uốn éo, phần thân còn chạm đất chỉ độ một phần ba chiều dài, những cái đầu rắn lắc lư qua lại và ánh nắng sớm làm vảy chúng lóng lánh làm thành ba ngọn lửa màu xanh lục. Những con rắn ấy vừa múa vừa như hớp lấy những tia nắng mặt trời như lấy lửa của mặt trời để đổi màu và làm nên ngọn lửa của chúng. Lưu Bằng im lặng theo dõi, gần bên chàng có sẵn một cành cây khô to như một gióng mía, chàng cầm lấy để thủ thân. Khi những cây nhang trước các phần mộ vừa tàn, ba con rắn ngừng múa, hạ đầu xuống và bò nhanh vào vườn mía. Lưu Bằng bước chậm đến quan sát và thấy chỗ rắn múa vừa rồi là một tảng đá hình vuông sần sùi to hơn những tảng đá lót đường khác, bình thường khó phân biệt nhau vì những tảng đá này không nằm liền nhau mà cách nhau bằng nửa bước chân để làm chỗ bước đi khi trời mưa làm đất nhão. Linh tính báo cho chàng biết có điều gì huyền bí mà chàng chưa biết được, nên chàng tìm ba viên sỏi màu trắng chèn xuống đất cạnh tảng đá ấy rồi quay về, lúc đó mặt trời sắp đứng bóng.
Bữa ăn trưa hôm đó có một khách mời, một thanh niên ngoài ba mươi tuổi phải chống nạng vì mất một bàn chân trong chiến tranh có lẽ do trúng pháo của quân chúa Nguyễn. Anh ta tên Đỗ Trọng mới đến làng này từ lúc ra quân, nhà ở xóm dưới cách nhà Lưu ông chưa được nửa dặm. Anh có ý định kết hôn cùng Thu Đán và đã cho người đến gặp Vũ Bính để xin được làm thông gia. Sau khi hỏi ý con gái, Vũ Bính đã đồng ý nhưng yêu cầu được giữ chàng rễ lại vì Thu Đán là con một. Hai gia đình định sẽ làm hôn lễ cho hai con của họ vào giữa năm tới. Lưu Bằng ngồi trên chiếu cạnh Đỗ Trọng, chúc mừng cho đôi Thu Đán và Đỗ Trọng; Thu Đán cười thích chí vì lời chúc ấy, còn Đỗ Trọng chân thành mời Lưu Bằng sang nhà mình chơi trong dịp tết. Thằng Côi hôm nay không có mặt vì bận canh heo đẻ. Nó không có gì để buồn phiền cả vì Thu Đán đã lấy trời đất thề hứa với nó sẽ làm vợ cho cả hai người. Một thằng mồ côi như nó còn mong muốn gì hơn.
Buổi tối, Lưu Bằng đem chuyện rắn múa kể lại cho quản gia Vũ Bính nghe, ông sững sờ và không giấu nỗi vui mừng, nói nhỏ với Lưu Bằng:
– “Như vậy ông bà thân sinh cậu đã biết cậu có ngày nay tu tỉnh lại, không còn cờ bạc và chạy theo kỹ nữ nên đã chôn giấu trước cho cậu một ít của cải mà ông bà dành dụm mấy mươi năm. Trước khi mất cha cậu đã dặn tôi không được bán khu có phần mộ của ông bà, đồng thời để lại một bản đồ chỉ có hình vẽ và con số mà không có chữ nào hiện tôi đang giữ kỹ, trong đó có vẽ hình ba con rắn mà ông đã dùng bùa trấn yểm. Bây giờ cậu cứ coi như không hay biết gì, sau tết vẫn đến Thiên Thạch học thi. Khi cậu thành tài chúng ta sẽ tìm cách khai quật của cải ấy lên cũng không muộn.”
Chàng ở lại với Vũ Bính đến khuya, xem bản đồ nơi giấu của cải. Đó là một mảnh da dê, ở góc phải trên cao vẽ mặt trời hình tròn, góc trái ghi một ngày trong năm vào đầu thu, giữa vẽ hình ba con rắn múa, quanh một cây sào có chỉ rõ dài năm thước ta, và cái bóng của cây sào trên mặt đất. Đầu bóng là một vòng tròn nhỏ. Trong một khắc Lưu Bằng đã giải mã ra chỗ chôn của cải nhưng không tiết lộ gì với Vũ Bính. Sau đó về phòng mình, chỉ dặn Vũ Bính đến ngày ghi trong bản đồ nhớ cho người gọi chàng về. Vũ Bính cất lại bản đồ vào nơi bí mật.
Cát Dương đã đi ngủ sớm. Trước ngày đưa ông Táo về trời hai ngày, Cát Dương về lại Thiên Thạch gặp cô cháu gái Khánh Loan như lời ông ta nói.
Một cái Tết xum họp qua nhanh, nhưng trong thời gian đó Lưu Bằng càng thấy tấm lòng trung tín của quản gia Vũ Bính đối với gia đình họ Lưu và sự quý trọng của Thu Đán đối với chàng mà cô luôn gọi là cậu chủ, trong khi cô khinh thường ra mặt ông quan Dương Lý.
Đúng ngày nguyên tiêu Cát Dương đến Thiên Lương, sau đó hai ngày Lưu Bằng theo hắn ta đến huyện Thiên Thạch bắt đầu việc học hành và chuẩn bị cho kỳ thi cuối thu.
Buổi tối khi hai người đến nơi, Khánh Loan đã có mặt ở nhà, một ngôi nhà khang trang và đã dọn dẹp, tô điểm từ trước Tết, nàng đã chuẩn bị cơm nước sẵn sàng và ngồi đợi cậu nàng và Lưu Bằng đến. Chào hỏi xong, Khánh Loan bưng trà lên nghe hai người kể lại một vài câu chuyện đi đường, rồi mời hai người dùng cơm tối, bữa cơm đầu tiên mà Lưu Bằng ăn chung với hai cậu cháu.
Trong ánh đèn vàng vọt, khuôn mặt của Khánh Loan có vẻ đẹp hơi sầu não. Nếu nét buồn của Tiên Hương là một vẻ buồn xa vắng mênh mang thì nét buồn của Khánh Loan trong bữa ăn ấy là vẻ buồn thất vọng chua xót. Khi nàng cười để bày tỏ sự vui vẻ, Lưu Bằng thoáng thấy trong ánh mắt nàng một điều ngược lại. Ba người tranh thủ câu chuyện trong bữa ăn để lên kế hoạch cho những ngày sắp đến. Ngày mai Khánh Loan bắt đầu đi bán hàng xén lại sau Tết như lời nàng nói, buổi trưa nàng ở lại cửa hàng, mua bánh trái ăn qua loa, buổi chiều về sớm để lo bữa ăn tối. Sáng ngày kia Cát Dương đưa Lưu Bằng đến ghi tên học tại trường của quan đốc học họ Bùi trong huyện, mỗi tháng đến lớp tám buổi để làm bài văn. Những ngày ấy chàng đem cơm ăn tại trường. Như vậy công việc của Cát Dương là lo bữa trưa cho chính mình và cho Lưu Bằng những ngày chàng ở nhà ôn tập văn bài, ngoài ra sáng sớm và lúc xế chiều ông ta còn phải ra chợ phụ dọn hàng cho cháu gái. Về chỗ ngủ Khánh Loan có một buồng riêng có cửa cài chốt bên trong nhìn ra cửa chính và một cửa sổ có treo màn. Cát Dương và Lưu Bằng ngủ ở bên chái nhà vì nhà hình chữ đinh, giường của Cát Dương nằm khoảng giữa buồng của Khánh Loan với giường của Lưu Bằng.
Mọi việc diễn tiến bình thường như một gia đình đúng nghĩa chí ít ở bề ngoài và Lưu Bằng cảm thấy hài lòng và yên tâm, vả lại những buổi học đầu tiên ở nhà thầy Bùi làm chàng phấn khỏi vì học vấn quảng bác và cả khoa truyền đạt của ông thầy. Những điều ấy đem lại cho chàng sự hứng thú đối với việc học. Nhà nho nói đến sự hứng thú ấy khi nói rằng “thư trung hữu nữ nhan như ngọc” nghĩa là “trong sách thánh hiền có người con gái khuôn mặt đẹp như viên ngọc”, đến nỗi có những lúc chàng không nhớ bên cạnh mình có một mỹ nữ là Khánh Loan tức Châu Linh.
Có lúc chàng thắc mắc về nét buồn trong đôi mắt cô ấy, nhưng không hiểu nổi cũng như trước đây chàng đã không hiểu tại sao đôi mắt của Tiên Hương buồn đến thế. Sau cùng để bình tâm trong việc học chàng không muốn tìm hiểu một điều mà chàng cho là vô ích và không kết quả. Nói chung môi trường mới thuận lợi, duy chỉ một điều làm chàng hơi bực mình là Cát Dương nói với những láng giềng tò mò rằng chàng là chồng của cô cháu gái Khánh Loan và chỉ còn vài tuần nữa là đúng một năm ngày họ cưới nhau khiến một vài người láng giềng lắm chuyện nghĩ ra câu chuyện kỳ ngộ của đôi trai tài và gái sắc.
Làm sao Lưu Bằng hiểu được nét buồn chán và chua xót trong đôi mắt của Châu Linh -Khánh Loan. Vả lại chính nàng cũng không biết mình buồn đến mức nào vì nàng luôn nhẫn nại và cam chịu từ khi về làm vợ Dương Lý, nên dù không thích chứng cuồng dâm và tính hiếu thắng đầy uy vũ của chồng, nàng vẫn ngoan ngoản phục vụ. Nàng chỉ hơi nuối tiếc đã đánh mất một mối tình thơ mộng và đằm thắm cùng với sự tương kính và đồng cảm. Xem ra nàng không còn tin có một tình yêu đẹp như trong Tình sử.
Mặt khác sự đáp ứng chồng của nàng với ít nhiều khoái lạc đã thành một thói quen đến nỗi nàng thấy mình hụt hẫng khi đêm đêm không có bóng chồng. Thiếu vắng Dương Lý và những cuộc giao hoan giờ đây làm nàng vô cùng trống vắng. Ham muốn này hành hạ nàng, có khi làm người nàng tê cứng và tay chân run lẩy bẩy như bị rét run, có khi làm nàng nóng bừng bừng như lên cơn sốt, chỉ muốn nhúng ngập mình vào nơi có nước. Nếu lúc này là mùa mưa hẳn nàng sẽ chạy ra ngoài giữa đêm mưa. Vì thế thời gian này sau khi ăn xong và dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, nàng vội lui vào buồng vì không muốn hai người đàn ông trong nhà nhìn thấy căn bệnh “thèm theo nếp cũ” cùng sự bối rối của nàng.
Đôi lúc, Lưu Bằng không nhìn thấy nhưng nghe thấy tiếng nàng thở dài não nuột trong buồng nàng khi chàng ngồi học ở án thư giữa đêm thanh vắng. Có lần chàng tò mò nhìn qua bức màn cửa sổ thấy bóng nàng dường như vật vã không yên. Trước đây có khi nào nàng ngủ trước giờ mùi đâu, vì cho đến giờ đó Dương Lý chồng nàng vẫn còn sung sức. Sáng hôm sau Lưu Bằng lo lắng hỏi thăm sức khoẻ của nàng, nàng bảo không có gì, chỉ thỉnh thoảng thường gặp ác mộng. Lưu Bằng chỉ biết thở dài thương cảm, khuyên nàng nên mua ít thuốc tể an thần mà uống.
Châu Linh đã chiến đấu chống lại sự ham muốn theo thói quen cũ giày vò nàng trong hơn một tháng. Những lúc như thế, nàng bắt mình phải ngồi dậy trong giường, nếu bị lạnh nàng nắm chặt cái gối mặc cho đôi tay run rẩy; nếu bị nóng nàng lấy khăn ướt mà nàng đem vào phòng buổi tối đắp lên vai mình. Khi tháng thứ hai gần qua hết, một bà thầy thuốc người Hải Dương mà theo lời bà nói là con gái duy nhất của một danh y Bắc Hà thường hay đến bán thuốc cho các bạn hàng trong chợ đã đến bắt mạch cho nàng. Bà nói rằng gan và thận nàng bị nóng phải uống thuốc làm mát gan và mát thận. Mặc dù những triệu chứng bà thầy thuốc kể ra chưa đúng được một nửa, nàng cũng mua cho mình hai gói thuốc tể mỗi gói hai mươi viên. Và thật lạ lùng như câu người đời hay nói “Phúc chủ may thầy” sau khi uống hết một gói, nàng cảm thấy không còn căng thẳng và ham muốn nữa. Nàng có thể ngủ sớm hơn và ngon giấc; khi thức dậy nàng cảm thấy trong người nhẹ nhỏm, thư thái. Thế là sau gần hai tháng, nàng mới quen dần với hoàn cảnh mới. Dĩ nhiên thời gian đó, nàng không ưa gì Lưu Bằng vì chính hắn đã làm cho nàng phải xa Dương Lý và đánh mất cơ hội gần chồng và sinh cho chồng một đứa con ngoan. Vì theo một cách suy diễn đơn giản, nàng cho rằng khi có được một đứa con với Dương Lý, nàng sẽ không còn buồn chán nữa và nó sẽ giúp cho nàng chịu đựng vui vẻ sự cuồng dâm của chồng và có khi còn vui thích với sự cuồng dâm ấy.
Một buổi sáng khi phụ dọn hàng cho Châu Linh, Cát Dương buột miệng kể lại cho nàng mối tình si giữa Lưu Bằng và Dương Liễu mà khi từ Thiên Lương về hắn ta quên mất vì bận rộn lo chuyện tết nhất trong huyện nha và ở gia đình hắn. Một cái tết khá sung túc vì khi nhận cùng Châu Linh lo cho Lưu Bằng việc ăn học, gia đình hắn đã được quan huyện Dương Lý cấp thêm ba mẫu đất lấy từ đất công trong huyện. Dĩ nhiên Cát Dương cố tình thêm thắt những tình tiết, biến câu chuyện mình kể thành một trang tình sử đẹp và cảm động để Châu linh thêm chán ghét Lưu Bằng. Nàng lắng nghe trong lòng tự nhủ, “Con bé Dương Liễu đó quỷ thật, ăn nhờ ở đậu nhà người còn cám dỗ con trai của người …” Cát Dương còn nói ý định làm ni cô của Dương Liễu nếu sau này cô ấy không được sống chung với Lưu Bằng khiến Lưu Bằng phải thề hứa sẽ không còn yêu ai nữa dù gặp được một giai nhân như Điêu Thuyền hay Tây Thi giáng thế. Châu Linh bực bội tự hỏi, “Lưu Bằng có gì hay đâu mà phải đi tu, chỉ nói láo cho thành bài bản lâm ly mà thôi … cái con khỉ ấy có đáng gọi là mỹ nhân không, chẳng qua hơi xinh gái, mà loại này trong đời đâu có thiếu. Đúng là một câu chuyện nực cười.” Nhưng rồi nàng nhớ lại việc Dương Liễu đã từ chối một “đám tốt” khi một quan tri huyện người Ngãi Yên muốn cưới em chồng nàng làm vợ, sau đó nó còn nói riêng với nàng và Kim Ngọc, “Em phải gặp anh Lưu Bằng dù là lần cuối, rồi sau đó mới quyết định việc hôn nhân …”. “Cũng chung tình đáo để!… ” Châu Linh nghĩ bụng.
Làm xong việc phụ dọn hàng, lúc quay về nhà Cát Dương gặp A Hồng, một anh chàng có râu quai nón, màu đồng tử hai mắt hơi khác nhau, chuyên khuân vác hàng hoá cho bạn hàng trong chợ. A Hồng kéo Cát Dương đi ăn sáng và nói chuyện thời cuộc. Hai người mới quen nhau từ ngày Cát Dương về Thiên Thạch. A Hồng có một người dì mà hắn gọi là dì Nhỏ tên A Lục. A Lục bán bánh chưng, bánh dầy, bánh giò, bánh nếp và vài thứ bánh khác cũng làm bằng nếp. Nếu thằng cháu A Hồng thích cột khăn đỏ quanh đầu, thì dì A Lục thích vấn tóc trong vải gấm màu xanh lá trông rất đồng bóng. Thế nhưng ngay trong lần gặp đầu tiên Cát Dương đã đem lòng mơ tưởng đến A Lục. Trưa nào, cô ả cũng đến sạp hàng của Châu Linh mời nàng mua bánh.
Không hiểu sao câu chuyện sáng nay của Cát Dương khiến nàng không vui. Lẽ ra nàng phải vui vì tình duyên của đôi uyên ương Lưu Bằng – Dương Liễu mới phải, nhưng nàng đã không vui vì khi còn ở Thiên Lương nàng luôn mơ ước mình sẽ gặp được một tình yêu đẹp như trong tình sử dù phải gặp một vài cảnh ngộ ngang trái. Tình duyên của nàng với Dương Lý thuận lợi quá sau cùng trở thành thô thiển tầm thường.
Hôm đó bà thầy thuốc quê ở Hải Dương trở lại chợ huyện Thiên Thành sau khi đã đi một vòng chữa bệnh cho các bạn hàng trong chợ huyện Thiên Lương, Thiên Tường và các huyện khác. Bà đến gặp Châu Linh và với trí nhớ rất tốt bà hỏi:
– “Hôm nay cô khoẻ rồi phải không,” và không chờ Châu Linh đáp lại bà cầm tay nàng bắt mạch và nói tiếp, “Tôi biết cô bị nóng gan và thận, bây giờ gan thận cô mát lại rồi, không những thế thuốc đó còn làm cho máu huyết cô nhuận trở lại rất tốt cho đàn bà muốn sinh con…”
– “Cám ơn bác, uống thuốc bác cháu thấy trong người nhẹ nhàng, phấn chấn.” Châu Linh vui vẻ đáp lại.
– “Cô cứ tin tôi đi. Khi nào cô muốn sớm có con nói cho tôi biết, tôi sẽ làm thuốc tể Viên mẫu hoàn cho cô và cả chồng cô nữa. Bảo đảm đấy…”
Lúc đó A Lục ở đâu đi trờ tới nói chen vào:
– “Bà làm ngay thuốc ấy cho cô Loan đi. Hai người lấy nhau đã được hơn một năm rồi đó…”
– “Lại là chị, đồ quỷ sứ chuyên ăn nói càn dở.” Châu Linh mắng A Lục, rồi quay lại bà thầy thuốc nàng nói:
– “Chúng cháu đã hứa với nhau: Khi chưa thi đỗ thì chưa động phòng…”
A Lục lại ngắt lời:
– “Nghe đây nói càn dở này, nhỡ chồng cô thi mãi không đỗ thì sao, cứ mỡ treo mèo nhịn suốt đời hả?”
Châu Linh chưa biết đáp lại thế nào đã nghe bà thầy thuốc ôn tồn nói:
– “Cái công danh đúng là điều quan trọng của đàn ông, còn phụ nữ chúng mình con cái mới quan trọng. Cô không biết đấy, tôi phải vất vả đi lang thang làm thuốc chữa bệnh cho chị em bạn hàng là để lo cho ông nhà tôi và hai đứa con trai. Ông ấy đã lều chỏng sáu lần rồi nhưng chỉ được cái tú tài. Chừng mấy năm nữa chắc là ba cha con cùng đi thi một lượt.”
– “Vâng cháu sẽ nghe theo lời bà.” Châu Linh ôn tồn đáp lại.
– “Có thế mới phải đạo vợ chồng chứ!” A Lục cười nói.
Sau đó bà thầy thuốc cáo lui, còn A Lục cũng chuồn mất quên cả việc mời mua bánh, trong lòng ả thắc mắc tự hỏi, “Hay là cô ấy biết mình là quỷ nên mới nói “đồ quỷ sứ”.
Câu chuyện trao đổi vừa rồi làm Châu Linh vui lại vì tính chất khôi hài khi câu chuyện quá đứng đắn với một điều không có thật. Lưu Bằng đâu phải là chồng nàng. Hai người ấy làm sao biết được nội tình này. Nhưng nàng đã lầm, bà thầy thuốc chắc chắn không biết, còn A Lục đã biết trước khi Châu Linh đến Thiên Thạch này. Ả đã biết uẩn khúc ấy trước khi đến đây cùng với A Hồng vì chúng là hai con rắn thần trên cây đa cách huyện thị Thiên Lương gần hai dặm. Dĩ nhiên ả cũng biết việc Châu Linh hứa sẽ nghe theo ý kiến của bà thầy thuốc chỉ để cho qua câu chuyện mà thôi.
Mùa xuân đã qua rồi mùa hạ đến, một vài cơn gió nồm giữa trưa không đủ làm dịu cái nóng của những tháng hè. Thỉnh thoảng gió Lào thổi qua làm không khí như trong một lò lửa nóng. Cây cối trong vườn xơ xác không còn xanh tốt như giữa mùa xuân. Mỗi người chuần bị cho mình một cây quạt nan hay quạt mo để phe phẩy những buổi trưa khí trời gay gắt. Lưu Bằng phe phẩy quạt nan suốt ngày cả khi ngồi làm văn bài nơi án thư.
Căn nhà quay mặt hướng bắc nên gió nồm nam thổi từ sau tới. Sau gian nhà chính có một dãy nhà nhỏ, một nửa dùng làm nhà bếp từ gian trên đi thẳng xuống, một nửa dùng làm nhà kho có lẽ trước đây để chứa thóc, ở trên vách hướng nam và hướng tây có hai cử a sổ nhỏ có chấn song. Cửa sổ hướng tây nhìn sang một khu vườn trồng nhãn, cửa sổ hướng nam nhìn ra một cánh đồng kéo dài đến tận chân núi xa, cách nhà bởi một cái mương rộng dùng để dẫn nước vào ruộng và để chống úng. Trong nhà kho còn có mấy tấm đệm để trên một cái sạp gỗ trước đây có lẽ để chất những bao gạo cho khỏi bị ẩm mốc, ở một góc có những mảnh gỗ nhỏ hay nẹp dài và một ít phên tre cuộn lại. Mỗi lúc có gió khi cây lá quanh nhà lay động, Lưu Bằng thường tranh thủ đến đứng trong cửa sổ hướng nam để hóng gió và ngắm ruộng lúa xanh đến tận chân trời.
Tối hôm đó, Cát Dương đi ngủ sớm: buổi chiều sau khi dọn hàng, A Hồng đã kéo hắn đi nhậu và mặc dù tửu lượng rất cao, mỗi lần hắn đi uống với A Hồng dù chỉ một vài chén về đến nhà đều say khướt và ngủ như chết, thế nhưng hắn không bao giờ tự hỏi liệu A Hồng đã cho thuốc ngủ vào rượu, không muốn cho hắn tỉnh táo để ngăn cản tình cảm có thể phát sinh giữa Châu Linh và Lưu Bằng. Họ là những người biết lễ nghĩa nhưng ai mà biết được khi lửa đã gần rơm.
Vừa làm xong một bài văn, Lưu Bằng tranh thủ vào nhà kho nơi cửa sổ phía Nam hóng mát. Lúc đó chàng nghĩ hai cậu cháu đã đi ngủ trừ một mình chàng vì nhiều khi mãi học, chàng không còn chú ý đến giờ giấc. Trong nhà kho không có đèn nhưng hôm ấy có ánh trăng chiếu xiên vào ô cửa sổ và chàng suýt kêu lên khi thấy trên sạp có bóng người nằm nghiêng. Nhẹ nhàng bước đến gần, chàng thấy Châu Linh đang ngủ quên trên sạp có trải tấm đệm nàng mặc yếm trắng quay lưng trần ra ngoài, váy lụa mềm làm nổi bờ hông to và đôi chân dài thon thả.
Lưu Bằng dừng lại nín thở nhẹ nhàng cúi xuống khuôn mặt nàng. Hai mắt nàng nhắm lại trên khuôn mặt phảng phất một nét buồn mà ngay lần đầu chàng đã nhận thấy. Nhưng trong vùng tranh sáng tranh tối ấy, chàng còn nhìn thấy đọng lại trên khuôn mặt nàng vẻ mệt mỏi sau một ngày buôn bán nhọc nhằn. Một nỗi cảm thương bỗng trào dâng trong lòng chàng. Chiều nay khi nàng ở chợ về, chàng đã nhìn thấy trán nàng lấm tấm mồ hôi. Giá như không có Cát Dương và không sợ hiểu lầm, hẳn chàng đã lấy khăn lau những giọt mồ hôi quý giá trên trán nàng vì chứa đầy ý nghĩa của sự hy sinh và tận tụy.
Sau đó chàng lặng lẽ tiến đến ô cửa sổ kia, đứng trong bóng tối, đón ngọn gió đêm nhẹ nhàng thổi vào phòng, thỉnh thoảng lại quan sát Châu Linh, lòng băn khoăn khó nghĩ, rồi lại bàng hoàng tự hỏi sao nàng giống Tiên Hương những đêm trăng nơi nhà trọ đến thế. Bất chợt nàng thức dậy và như nhớ ra một việc gì còn dang dở, nàng chỗi dậy vội vàng đi qua nhà bếp. Một lát sau, chàng thấy nàng cầm đèn hớt hải đi tìm miệng kêu khe khẻ tên chàng. Lưu Bằng núp mình vào sau một cuộn phên tre thấy nàng đi ngang qua nhà kho soi đèn vào quan sát nhưng không thấy, nàng lại đi tìm thêm một lần nữa khuôn mặt lộ vẻ hoảng hốt. Khi nàng đến gần chỗ chàng núp, chàng hù lên một tiếng, Châu Linh kêu thét lên ngả người ra sau, cái đèn rơi thẳng xuống đất nhưng không tắt, và cái lưng trần của nàng tựa hẳn vào ngực chàng nếu không nàng đã ngã ngửa ra nền nhà. Chàng nói:
– “Anh đây, làm gì mà hoảng hốt thế, anh không bỏ trốn đâu mà tìm…”
– “Cái anh này kỳ thật, làm người ta giật mình. Anh vào đây từ lúc nào?” Châu Linh đỏ mặt, xẵng giọng hỏi.
– “Lúc em còn ngủ quên ở đây và anh muốn để em ngon giấc.” Lưu Bằng đáp.
– “Em nấu nước pha trà ngon mới mua sáng nay cho anh, nằm đây chờ nước sôi rồi ngủ quên. Khi pha trà xong tìm anh thì không thấy.” Châu Linh giải thích.
– “Vậy em đem trà vào đây hai ta cùng uống có ánh trăng có gió mát. Nhà trên mùa này hơi bí, em thấy thế nào?” Lưu Bằng đề nghị.
– “Cũng được, em uống tí trà với anh cho vui vì không uống nhiều được. Anh chờ đây nhé và chớ làm em sợ đó.” Vừa nói, Châu Linh vừa lên nhà trên đem một bình trà và hai tách nhỏ và một phong bánh đậu xanh.
Bây giờ hai người ngồi trên sạp chỗ nàng nằm lúc nãy. Nàng rót nước ra hai tách, hai tay cầm phong bánh đã mở mời Lưu Bằng rồi nói:
– “Mời anh,” rồi nàng nói tiếp, “Lúc nãy anh vào đây làm gì thế?”
– “Vào hóng gió từ cửa sổ vì nơi này luôn luôn có gió nồm thổi vào.”
– “Ừ gió mát thật, chắc mùa hè em phải ra đây ngủ, ngủ trong buồng nóng nực lắm…”
– “Đúng đấy, để ngày mai anh sửa lại cái chốt cửa, anh thấy ở góc nhà có đủ kềm búa và cả đinh nữa. Sẵn có hai cây cột anh sẽ đóng tấm phên tre lên cho đỡ trống trải.”
Vừa nói Lưu Bằng vừa ngắm Châu Linh trong thế ngồi quặt chân sang một bên hai tay để trên đùi. Trong ánh sáng cái đèn nhỏ đặt giữa hai người Lưu Bằng tưởng tượng nàng như một bình hoa, dưới tròn bầu trên cao thanh tú, còn cổ và khuôn mặt nàng là cành hoa và đoá hoa. Châu Linh, xao xuyến thẹn thùng vì ánh mắt của Lưu Bằng, nói tiếp:
– “Cám ơn anh, nhưng anh sẽ không còn chỗ để hóng mát buổi tối”.
– “Anh sẽ ra mái hiên hóng mát. Nhưng anh muốn hỏi em thời gian qua anh có phiền hà gì em và cậu em không?”
– “Không, trái lại em thấy mừng vì anh chuyên cần học tập, nhiều lúc em có cảm tưởng anh mãi học mà không biết có em bên cạnh,” Rồi nàng nói có vẻ như trách yêu, “Nhưng lúc nào anh chẳng có cô Dương Liễu bên cạnh anh và trong lòng anh. Bây giờ thì em hiểu tại sao những điều em mộng tưởng trở thành lố bịch vì vô tình em như muốn chen giữa hai người”.
Lưu Bình bối rối vì câu chuyện đã bất ngờ chuyển hướng, chàng chống đỡ:
– “Đúng là có chuyện tình cảm giữa anh và cô ấy và có lúc anh có nghĩ về cô ấy nhưng đó là chuyện sau này. Hiện giờ anh chỉ nghĩ đến việc thi cử thành danh. Anh không mong cô ấy chờ anh. Thật tình anh muốn cô ấy gặp được nơi vừa ý.”
– “Lúc hai người mới yêu nhau điều gì đã làm anh yêu cô ấy?” Châu Linh giả vờ hỏi để thăm dò.
– “Em muốn hỏi điều gì? Về nhan sắc ư? Cô ấy không đẹp bằng em. Về sự giỏi giang ư? Cô ấy không hơn em. Nhưng yêu nhau cần gì phải có lý do. Anh yêu vì cảm thấy yêu và muốn yêu thế thôi. Không cần lý do này nọ. Nếu ví dụ anh nói yêu em vì lý do này nọ em có thích không. Khi những lý do đó qua đi thì sao. Anh yêu một người nào thì chỉ vì người ấy là người ấy, thế thôi…” Rồi chỉ tay vào sợi dây chuyền có miếng khánh ngọc mà Châu Linh đeo ở cổ nàng bên ngoài yếm trắng mềm nâng bộ ngực to tròn, Lưu Bằng nói tiếp,
– “Nếu anh nói anh yêu em vì em có sợi dây chuyền xinh đẹp mà Dương Liễu không có, em có tin anh không? Chắc chắn em sẽ coi tình yêu đó không còn giá trị.”
Châu Linh thẹn thùng vì lời ví von đó, nhưng nàng cảm thấy đó là một tình yêu mà nàng vẫn ước mơ tìm được từ khi còn con gái nàng. Nàng cúi đầu, đôi mi cong hạ thấp, khẽ nói:
– “Cô ấy quả là hạnh phúc, không biết sau này em có được hạnh phúc giống vậy không.”
Thêm một lượt trà nữa cho Lưu Bằng, phần Châu Linh, nàng chỉ ngậm mấy cái bánh đậu xanh cho tan trong miệng, trả lời những câu hỏi của Lưu Bằng về việc buôn bán. Chàng chờ đợi nàng sẽ than thở nỗi cực nhọc vất vả của nàng trong nghề buôn bán, nhưng nàng không đả động đến. Sự hy sinh ấy đối với nàng là chuyện nhỏ.
Sau đó nàng xin phép trở lại buồng trong lòng không khỏi xúc động, rồi nàng tự trách mình về sự xúc động ấy, đã vậy lại còn thèm được hạnh phúc của Dương Liễu. Điều này làm nàng thấy anh chàng Lưu Bằng mồm mép này thật đáng ghét nhưng cũng không thiếu chân thành. Phần Lưu Bằng lui về án thư và nửa canh giờ sau chàng vào giường lòng sầu muộn nhớ đến Thanh Hạc và Dương Liễu thầm mong hai cô nàng gặp được một tấm chồng hiền hậu. Riêng đối với Châu Linh chàng cảm thấy thanh thản vì tình yêu của Dương Liễu đã cất đi sự bó buộc trong tình cảm chàng nghĩ mình phải có đối với “nữ thí chủ” của mình. Nếu có yêu Châu Linh, tình yêu chàng hoàn toàn không có gì là miễn cưỡng, mà là một sáng kiến tự do.
Hôm ấy, Châu Linh nghỉ bán, nàng đi lễ hội làng Song cùng Lưu Bằng, Cát Dương, A Lục, A Hồng. Họ đi từ sáng sớm, khi đến nơi mặt trời đã lên một con sào. Rất đông dân trong làng và ngoài làng về đây tham dự. Nhiều thanh niên nam nữ đi từng đôi hay từng nhóm ăn mặc đẹp nói cười vui vẻ. Cờ xí treo khắp nơi xung quanh đình làng. Lúc họ vừa hoà nhập, đoàn rước sắc chỉ phong thần vua ban và bài vị thần hoàng đã bắt đầu đi vào đường chính đẫn đến cổng tam quan trước ngôi đình. Các bô lão, kỳ mục đi trước, có trống chiêng gõ nhịp mở đường, sau đó đến kiệu sơn son thếp vàng do bốn thanh niên cao ráo khiêng trên vai, bốn thanh niên khác cầm lọng che kiệu rồi đến đội nghi lễ mặc đồng phục, đầu đội nón dấu, quần quấn xà cạp, tay cầm giáo hay cầm cờ ngũ sắc.
Khi kiệu đã vào trong đình, trống chiêng khua lên inh ỏi một lượt. Sau đó một tiên chỉ hình như là niên trưởng đọc lại sắc chỉ phong thần, một tiên chỉ chủ sự đọc lời khẩn cầu rồi lần lượt các tiên chỉ dâng hương, khói hương nghi ngút bay lên. Sau các tiên chỉ đến các chức sắc rồi các ông các bà theo độ tuổi lên bái quỳ và dâng hương, trong lúc phía sau đình một đám phụ nữ đang chuẩn bị bữa tiệc cho cả làng, tiếng trò chuyện ồn ào, tiếng gọi nhau giục giã.
Trên sân đình rộng có những trò chơi truyền thống như đấu vật, đánh cờ, đánh đáo, kéo co và ở một góc sân đình gần con mương dẫn nước, một cột đánh đu đã được dựng lên bằng những thân tre rừng. A Lục, A Hồng nói họ không chịu được khói hương nên cùng Lưu Bằng đứng gần chỗ đu quay chờ Châu Linh và Cát Dương vào thắp hương lạy thần. Nhân lúc trò chơi còn chưa bắt đầu vì người quản trò còn trong đình chưa ra, A Hồng bắt chuyện với Lưu Bằng:
– “Hôm trước dì em có rủ cô Khánh Loan, vợ huynh đi chùa Bà Banh một chuyến để cầu con vì nghe nói hai anh chị đã lấy nhau hơn một năm trước khi về huyện này, cô ấy chối không đi và cho dì em biết hai anh chị đã quyết tâm ‘khi chưa thi đỗ thì chưa động phòng’, em nghe nói lại trong lòng rất ngưỡng mộ anh là người có chí lớn và thấy hổ thẹn cho vì mình đàn ông như em là loại người kém cỏi, suốt đời chắc chỉ khuân thuê vác mướn mà thôi.”
Lưu Bằng vốn không thích loại đàn ông lắm chuyện nhưng chi tiết “diệt dục vì lý tưởng công danh” gợi sự tò mò của chàng, chàng mỉm cười bí hiểm đáp lại:
– “Ừ, anh cũng chẳng phải thần thánh gì, chỉ tại cô ấy muốn thế. Cô ấy lo lắng gìn giữ cho anh khỏi sa đà nên anh phải cố theo …”
Tuy nói thế nhưng trong lòng Lưu Bằng nghĩ khác, nếu điều này là sự thật thì đây quả là một chuyện giống với tích “Lưu Bình – Dương Lễ” ngày xưa nhưng lần đầu tiên khi nghĩ đến tích chuyện này, chàng đã cho rằng chuyện ngụ ngôn ấy không có thật mà chỉ để răn đời nên không thể có sự trùng hợp nào cả. Còn việc lấy tích người xưa để làm theo sau cùng chỉ là ý muốn được như người xưa lưu danh thơm cho hậu thế đối với chàng là một việc làm phù phiếm mà chàng không bao giờ thích. Lúc đó Châu Linh và Cát Dương dâng hương xong, từ đình quay ra; người quản trò cũng vừa ra tới. A Lục liền đề nghị Lưu Bằng cùng đánh đu với Châu Linh. Lưu Bằng nhận lời ngay có lẽ vì câu chuyện vừa rồi làm chàng hứng thú. Đứng trên thang đu và ngược chiều nhau, Lưu Bằng cho phép mình nhìn Châu Linh đắm đuối. Nàng trông giống một nàng tiên bay trong gió, áo và váy phất phơ như cánh chim trời, dán chặt vào những đường cong của thân thể nàng, và đối chân nàng song song thanh tú. Khi hai thang đu ngược chiều gặp nhau nàng e thẹn mỉm cười cùng chàng. Hết lượt, Lưu Bằng dìu Châu Linh tựa vào một gốc cây to cho đỡ mệt, đi kiếm nước cho nàng uống và vui vẻ nói chuyện với nàng. Họ không để ý xem sau đó là A Lục đánh đu cùng Cát Dương như thế nào. Cái thang đu của A Lục bay lên rất cao nhưng ả không hề sợ hãi.
Trong đám người đứng xem có một đạo sĩ áo đen, lúc đầu thán phục cô ả nhưng sau lão ta nghi ngờ có chuyện bất thường. Sẵn trong tay nải có hai bửu bối, một của Tây Dương là cái ống nhòm và một của Tàu là kính chiếu yêu, lão liền lấy ống nhòm ra nhắm vào A Lục quan sát; A Hồng thấy vậy liền theo dõi lão đạo sĩ. Bên kia ống nhòm, lão đạo sĩ thấy ẩn sau cái váy dài, ở giữa hai chân A Lục có một vật như đuôi con rắn quấn thành một vòng vào thang đu như cái dây neo tàu cột chặt vào trụ, vì vậy A Lục không sợ rơi ngã. Lão kinh hoàng thốt lên, “Con rắn yêu tinh, hôm nay mày sẽ tan xác dưới tay tao, từ độ cao đó rơi xuống chỉ có nát xương…” A Hồng đứng gần bên nghe được cũng kinh hoàng không kém. Nó liền lùi lại và đúng lúc lão đạo sĩ rút kính chiếu yêu ra nó chạy lao vào lão đạo sĩ làm kính chiếu yêu văng xuống mương nước, miệng nó gào to, “ Trả lại túi tiền cho tao, đồ quân cướp giật”. Những người đứng quanh đó tưởng có người bị kẻ cắùp giật tiền, người quay ngang, người quay dọc tìm kẻ cắp vô hình làm nhốn nháo một góc sân làng. Nhân lúc đó A Hồng chạy lại chỗ người quản trò bảo dừng thang đu của A Lục lại và nó kéo A Lục chạy ra khỏi sân chơi. Riêng lão đạo sĩ chạy đến bờ mương, kêu lên, “Ôi, kính chiếu yêu của tôi rơi xuống mương rồi, ai xuống nhặt hộ.” Rồi khi chợt hiểu ra lão la to, “Trời ơi, đồng bọn của nó đã làm văng cái kính của tôi để giải cứu nó rồi”.
Lưu Bằng và Châu Linh mãi trò chuyện dưới gốc cây sung nên không thấy sự cố vừa xảy ra, dường như sáng nay hai người bỗng có hứng thú với việc trò chuyện riêng tư, hẳn Châu Linh sẽ phải trách mình về sự hứng thú và yếu lòng đó. Chỉ khi một cậu bé mà A Hồng và A Lục cho một ít tiền lẻ, nhờ nó đến bên hai người báo A Lục, A Hồng có chuyện đột xuất phải về trước, lúc đó hai người mới biết dì cháu họ đã bỏ về.
Lưu Bằng, Châu Linh và Cát Dương được mời ở lại ăn cỗ trong làng vì ông lý trưởng có người con trai học cùng với Lưu Bằng tại Thiên Thạch. Trong bữa ăn, những phụ nữ cùng chiếu đều khen Châu Linh xinh đẹp và khi họ biết Lưu Bằng cũng có mặt và ngồi trong một chiếu đàn ông, họ khen hai người thật đẹp đôi làm nàng thẹn thùng đỏ mặt. Một bà lớn tuổi còn nói với Châu Linh, “Cô sớm sinh quý tử nhé, giống cô hay giống cậu cũng đều xinh cả, nho nghiệp sẽ có người nối dõi”.
Lúc tiệc tàn mọi người uống nước ăn trầu thêm một lúc rồi về. Lúc đó trời đã xế chiều. Trên đường về lại Thiên Thạch, Châu Linh cảm thấy vui thích vì chưa bao giờ nàng được chú ý như trong bữa tiệc cúng thần này. Những lần đến nhà quan đồng liêu của Dương Lý dự yến, giữa những người sang trọng với thức ăn mỹ vị cao lương, nàng thấy mình chỉ là một cái bóng mờ bên cạnh Kim Ngọc, vì gia thế Kim Ngọc cao sang lại là vợ cả. Vả lại không khí chân tình của làng xã khác hẳn thói giả tạo sáo rỗng của các nho quan. Với tâm trạng vui thích ấy, nàng đã để yên cho Lưu Bằng nắm lấy tay nàng dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi rồi lại buông ra. Phần Cát Dương cứ mãi nghĩ đến A Lục mà anh ta đã cảm mến vì ánh mắt lờ đờ, dáng đi đưa qua, đưa lại, mỗi bước đi A Lục hơi nẩy nhẹ đầu và vai ra sau rồi chúi nhẹ tới trước như một con rằn đang bò.
Châu Linh nhìn cảnh đồng ruộng trong nắng chiều tươi đẹp khác thường. Những cánh đồng với hai màu xanh vàng của vụ đông xuân sắp gặt kéo dài đến tận chân núi và dãy núi xa như một bức màn xanh lá phơi trong nắng xế. Những cánh cò màu trắng lướt nhẹ trên những ngọn cây và đâu đây có tiếng sáo diều vi vu vọng lại. Ôi cánh cò bay lượn tự do sáng lên trong nắng chiều như nàng đang cảm thấy mình tự do thoát khỏi chiếc lồng son của dinh quan huyện Dương Lý ở đó nàng sống một cái máy ngay cả trong những lúc Dương Lý hành lạc với nàng. Bây giờ nếu có trở về cái lồng son đó, nàng sẽ mang theo tâm trạng tự do này. Rồi nàng thấy mình bất công khi căm giận Lưu Bằng, chẳng phải vì có chàng nàng mới khám phá lại tự do mà nàng đánh mất hay sao. Việc còn lại là nàng sẽ sử dụng tự do của mình như thế nào. Nàng phải làm ngay hai việc một là trong mùa hè nóng bức này, nàng sẽ dọn ra ở nhà sau cho thoáng mát ngay sau khi Lưu Bằng sửa chữa bố trí lại như chàng đã nói, nàng không thể nhốt mình trong căn buồng ngột ngạt ở nhà trên trong tầm mắt quan sát và theo dõi của lính già Cát Dương; hai là nàng sẽ cởi mở thân thiện với Lưu Bằng và sẽ sẵn sàng nhận sự giúp đỡ của chàng khi cần thiết, không thể nhìn chàng với vẻ thờ ơ lãnh đạm và khinh ghét. “Mình có mất gì đâu vì lúc nào mình cũng là người của Dương Lý”, nàng tự nhủ có đôi chút ngụy tín.
Lúc ấy họ đi ngang qua một ao sen, Lưu Bằng thích thú ngắm những bông sen hồng nhạt tươi nở. Thấy có mấy bông ở sát bờ ao, Lưu Bằng vói tay hái một bông và đi nhanh theo Châu Linh đưa cho nàng và nói:
– “Tặng em hoa này để em biết mình cũng là hoa …”
– “Ồ đẹp quá! Cám ơn anh.” Nàng kêu lên.
– “Nhưng sao đẹp bằng em… Hôm nay em đẹp lắm.” Lưu Bằng nói.
Châu Linh đỏ mặt nghĩ thầm, “Anh chàng đang giở trò tán tỉnh mình đây, chỉ hoài công thôi.” Rồi dù không đáp lại và tiếp tục ngắm cảnh hai bên đường, nàng thấy mình cảm động. Trong lúc như để minh chứng lời mình, thỉnh thoảng chàng quay sang nhìn ngắm nàng say đắm. Chàng tự hỏi phải chăng chàng đã yêu nàng vì nàng có nhiều nét giống Tiên Hương. Vậy Dương Liễu đang chờ đợi chàng thì sao? Sau cùng chàng nghĩ thầm “Thôi cứ để số phận an bài. Đã hai lần chàng đã để mất những người mà chàng tưởng mình có mãi. Nếu may ra lần này khác trước thì Dương Liễu hẳn sẽ cùng nàng có chị có em.”
Tối hôm đó, lúc cắm hoa sen vào cái bình, Châu Linh nghĩ phải động viên chàng việc học tập nên lại gần nói với Lưu Bằng:
– “Anh có nhiều ‘hoa’ trong nét bút, sao anh không tặng những hoa ấy cho em?’
– “Ý em là…?”
– “Em muốn xin anh viết tặng em một bài thơ Đường, chỉ bốn câu thôi, được không?”
– “Anh rất hân hạnh, nhưng hãy thong thả ít hôm để anh chọn cho em một bài có ý nghĩa.” Lưu Bằng vui mừng đáp lại và nhìn theo dáng đi uyển chuyển của nàng khi lui gót.
Châu Linh không ngờ rằng nàng xin thơ vì ghen với Dương Liễu: có lần Dương Liễu khoe nàng bài thơ với thủ bút của Lưu Bằng. Phần Lưu Bằng chàng không bao giờ nghĩ mình đã đề tặng bài thơ Hoài thủy biệt hữu cho Dương Liễu vì cô ấy có biết chữ nho đâu. Chẳng qua chàng muốn nói với cô ấy rằng “dương liễu” là một hình ảnh đẹp trong thơ hơn là việc cô ấy đã là một hình ảnh đẹp trong lòng chàng khi cô ấy tới tuổi dậy thì. Và Dương Lý anh cô ấy cũng hiểu đơn giản như thế. Cũng như sáng nay Châu Linh đã cất sợi dây chuyền có miếng khánh ngọc mà Dương Lý tặng nàng vì sợ rơi mất khi đi cúng đình làng Song, nhưng nàng quên rằng chính câu nói tối hôm kia của Lưu Bằng lúc ngồi uống trà đã làm cô xao xuyến và bớt đi lòng kiêu mạn về nhan sắc của nàng. Sau này Cát Dương đã lấy cắp sợi dây chuyền ấy bán lấy tiền để gia nhập nhóm thanh niên ăn chơi lêu lổng ở Thiên Thạch do Khắc Viên làm thủ lãnh.
Ba ngày liền, Châu Linh ở chợ không thấy A Lục đi bán qua cửa hàng của nàng, cũng không thấy A Hồng khuân vác hàng hoá cho bạn hàng. Nàng không hề biết hai dì cháu chạy trốn lão đạo sĩ và kính chiếu yêu của lão. Và hai con rắn yêu tinh ấy đã bàn nhau phải rút lui khỏi huyện này vì đã bị phát hiện. Nhưng trước khi ra đi chúng phải làm xong một việc quan trọng: A Lục sẽ có một buổi trò chuyện với Châu Linh và A Hồng phải giới thiệu Cát Dương cho một tay chơi bời phóng đãng là Khắc Viên.
Nếu trước đây ngồi bán hàng một mình, đôi khi nàng nghĩ đến Dương Lý hoặc cảm thấy buồn chán thì nay thỉnh thoảng nàng nghĩ đến Lưu Bằng. Nàng thấy ánh mắt chàng trên thang đu lúc lên cao, lúc xuống thấp nhìn nàng âu yếm. Cái dư vị của sự âu yếm ấy còn đọng lại trong nàng mấy hôm nay làm nàng nửa băn khoăn nửa vui sướng. Mặt khác nếu trước đây nàng nghĩ Dương Liễu tinh ranh làm Lưu Bằng ngả lòng yêu thương ‘con bé’, giờ đây nàng nghĩ cái thói mộng mơ của Dương Liễu xem ra cũng có ích vì đã giúp ‘con bé’ chọn đúng cho mình một người nho nhã, điềm đạm lại phong lưu. Nàng nghĩ không thể coi thường nó được. Ngày xưa, Châu Linh cũng hay mơ mộng nhưng hoàn cảnh cuộc sống phải buôn bán vất vả và nhất là thực tế thô nhám gồ ghề sau ngày hôn lễ đã buộc nàng buông bỏ mộng mơ và đầu hàng thực tế.
Châu Linh còn nhớ như in tiết trùng dương năm ngoái ba chị em chờ mãi không thấy Dương Lý về mặc dù rượu và hoa cúc đã sẵn sàng bên cạnh một ít giò thủ, thịt quay. Kim Ngọc đề nghị mỗi người làm một bài thơ nôm trong đó có hai chữ “sắc-không” trong kinh Bát Nhã Ba la mật, kết quả bài hay nhất theo đánh giá của Kim Ngọc là bài của Dương Liễu một người ít chữ nhất trong ba người. Ba bài ấy như sau:
Bài của Kim Ngọc:
“Có câu sắc sắc, không không,
Những là chất để bên mình chờ nhau,
Tơ duyên bởi việc gieo cầu,
Những mong bền vữõng bạc đầu sắc son.”
Bài của Châu Linh:
“Nhớ anh nào kể sắc không,
Lòng son luôn vẫn chờ mong anh về,
Đốt hương trầm giữa phòng khuê,
Để anh trả lại cơn mê cho nàng.”
Bài của Dương Liễu:
“Phật môn tụng niệm sắc không,
Đôi ta đã kết tơ hồng trao nhau,
Xa anh vò võ nỗi đau,
Hộp ngà ngày một đầy châu lệ buồn.”
Hôm ấy, Châu Linh không hoàn toàn đồng ý với sự đánh giá của Kim Ngọc, vì trước lúc ứng khẩu làm thơ, Kim Ngọc phải giải thích cho hai người ý nghĩa của “sắc không” trong kinh. Nhưng đến hôm nay khi đã đối diện mỗi ngày với đối tượng trong bài thơ của Dương Liễu, Châu Linh càng thấy Kim Ngọc có lý. Nàng cho rằng tình yêu chân thật có những sáng kiến mà tài năng không biết. Vậy phải chăng một tình yêu không sinh hoa trái sẽ là một tình yêu cằn cỗi. Và rồi nếu người Dương Liễu mến yêu là một kẻ hèn kém, liệu ‘cô bé’ có nghĩ ra được điều gì hay ho thú vị không. Vì thế câu “tôi yêu” xem ra không quan trọng bằng “tôi yêu AI?” và câu hỏi này có lúc đã chất vấn chính nàng.
Buổi tối khi về đến nhà, Châu Linh thấy gian nhà kho cũ đã được Lưu Bằng bố trí lại thành một căn phòng. Cả ngày hôm ấy Cát Dương không về nhà sau khi dọn hàng buổi sáng cho Châu Linh, buổi chiều hắn có ghé giúp nàng thu xếp hàng hoá sau đó lại đi vui chơi hẹn tối mới về. Từ ngày làm bạn với A Hồng, Cát Dương hay đàn đúm nhậu nhẹt với những kẻ chây lười, trác táng. Những ngày như thế, buổi trưa Lưu Bằng phải ăn cơm nguội hay phải tự mình xuống bếp nấu cơm và cũng từ việc nấu nướng ấy, chàng nghĩ mỗi chiều tối phải phụ giúp Châu Linh chuẩn bị bữa cơm tối vì nàng đã vất vả cả ngày ngoài chợ huyện rồi. Dù Châu Linh có bảo chàng ra khỏi nhà bếp, chàng vẫn lẩn quẩn bên cạnh để giúp một tay hay nói một vài câu chuyện cho vui như ngày xưa còn bé, chàng hay vào bếp lẩn quẩn bên chân mẹ.
Trong lúc chờ cơm chín, Châu Linh xem qua căn phòng mới của nàng. Cuộn phên tre đã được đóng lên trên cột thành một bức ngăn, bên trong có cái sạp gỗ thành một cái buồng thoáng mát với hai cửa sổ nhỏ và một cửa vào bên tay trái của cửa nhà kho. Ngày mai tấm phên tre sẽ được dán giấy hoa bên trong và chỗ cửa treo một bức màn bằng vải hoa là sử dụng được. Lưu Bằng đi theo bên cạnh Châu Linh nói hai tấm đệm to còn mới chàng sẽ giặt sạch rồi dùng một tấm bọc lại mặt sạp, tấm kia có thể dùng làm một cái nệm rơm khi mùa đông đến. Châu Linh rất hài lòng và hai ngày nữa nàng sẽ ngủ đêm trong căn phòng mới. Lưu Bằng cũng vui lây. Sau đó Châu Linh dọn cơm và hai người dùng bữa.
Trước đây dù có lúc chỉ có hai người ăn cơm chung, nàng luôn giữ vẻ lạnh lùng như băng giá, nhưng gần đây nàng thấy thẹn thùng khi đối mặt với Lưu Bằng, nhất là những khi chàng nhìn nàng dịu dàng âu yếm. Nàng tự nhủ: “Nguy hiểm quá, hay là mình cũng đã phải lòng chàng”. May mà nàng đem những câu chuyện ở chợ kể lại để giả vờ không biết nàng đã bắt đầu có những cảm xúc của một kẻ đang từng bước nhỏ đi vào tình yêu.
Sau ba ngày vắng bóng A Lục xuất hiện, đến sạp hàng của Châu Linh nói lời từ biệt vì phải về lại Thiên Thành mà theo lời ả là chỗ quê nhà:
– “Chị phải về lại Thiên Thành nên đến chào em,” ả nói “Xa em chắc chị sẽ nhớ em nhiều, sau này gặp lại chắc em đã tay bồng con thơ…”
– “Em thấy ở đây chị bán bánh cũng được đấy chứ, A Hồng cũng có việc khuân vác trong chợ.” Châu Linh ngắt lời ả và thật thà nói.
– “Đúng đấy, nhưng ở nhà có báo cho chị biết Thiên Thành có mở một võ quán dạy võ nghệ cho thanh niên và họ cần một người nấu cơm cho các võ sinh và quét dọn võ đường nên người nhà đã xin cho chị vào làm, thế nên chị và A Hồng phải về Thiên Thành ngay. Phần A Hồng coi việc quét dọn phòng ốc cho các võ sinh. À mà em có biết không, ông chủ võ quán là Dương Lập, chú của quan tri huyện Dương Lý đấy.”
Nghe nói đến Dương Lý, Châu Linh giật nẩy mình vì chuyện chú chồng nàng mở võ quán ở Thiên Thành nàng đã biết trước, vì Dương Lý muốn chú chàng truyền hết võ công cho chàng trước khi chàng nhận chức Tán lý quân vụ đi dẹp “loạn đảng” và bọn dân ngu theo đạo Tây Dương.
– “Em có biết không, quan huyện Dương Lý ấy có tới hai bà vợ nhưng “việc ấy” của ông ta mạnh lắm thỉnh thoảng ông ta có ghé lầu xanh tìm kỹ nữ, lúc đó chị đang ở đợ cho lương y họ Trình, thấy thỉnh thoảng ông ấy đến lấy thuốc ngâm rượu để tăng lực trong chỗ phòng the. Có lần chị ở sau bình phong nghe lén mới biết đó là toa thuốc Thắng dương rồi chị nhìn kỹ mặt quan huyện, thấy ông ta cao ráo như cậu Lưu chồng em nhưng da xanh nâu không trắng hồng như cậu Lưu, mắt tri huyện sâu cằm hơi nhọn lại có nốt ruồi bên phải cằm, chị biết ngay con người này đa dâm vô độ. Lúc đó tri huyện nhờ Trình lương y xem mạch để biết mình có đủ sức gánh vác trọng trách trong quân không. Thầy Trình đều khen là tốt. Nhưng khi tri huyện ra về thầy Trình thở dài nói với phu nhân, ‘Con người ấy làm cho những phụ nữ qua tay mình rất sướng nhưng không thể sinh con vì lửa thận là lửa diêm sinh trong hoả sơn mà không có nước mưa nguồn hoá giải’…Chị nghe lén được cũng cảm thấy xót xa… Nhưng sao em mặt mày xanh xao thế kia, em có trúng gió không đấy…”
Châu Linh cố gắng lắm để giữ thái độ bình thản trước câu chuyện kinh hoàng mà có thật này vì có lần nàng đã đến lấy thuốc trị no hơi ở Trình lương y và biết ông rất giỏi y thuật. Còn việc Dương Lý dùng toa thuốc Thắng dương nàng cũng có biết. Nàng vội nói với A Lục:
– “Em không sao đâu chỉ thấy hơi mệt. Chị làm ơn mua giùm em một ly trà vối.”
A Lục vộâi chạy đi ngay, không lâu sau quay lại với cốc trà vối và một ít bánh đậu xanh, ả cũng tìm được một lọ dầu để xức ở chân và tay cho Châu Linh. Ả không nói thêm gì nữa, chỉ tập trung săn sóc cho nàng. Khi thấy nàng đỡ mệt, ả đi tìm Cát Dương đang ngồi nhậu với A Hồng và Khắc Viên ở một quán cuối chợ, ả bảo Cát Dương phải đi dọn hàng và đưa Châu Linh về sớm. Cát Dương phải bỏ dỡ buổi nhậu. A Hồng cũng đứng lên theo dì hắn về nhà và chỉ trong nháy mắt hai con người bí ẩn ấy hoàn toàn biến mất khỏi Thiên Thạch, không để lại một dấu vết nào, trong lúc lão đạo sĩ đang lang thang trên con đường từ chợ huyện đến huyện nha sau ba ngày lục lạo khắp làng Song tìm hai con rắn tinh để trừ hại.
|
|