NHỮNG VIÊN GẠCH LÓT ĐƯỜNG


 
 
 

4. Trung Úy Hỉ

Trong đồn lính ấy, các binh lính da vàng và da đen Phi Châu đều gọi ông ta là trung úy Hỉ mặc dù đó không phải là cái tên do cha mẹ ông đặt cho vì ông là người Pháp, quê ở Gascogne. Ông đã tham gia đoàn quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương được bốn năm. Tên thật của ông là Jean-Jacques Ricoeur. Một thượng sĩ già người Việt, tên Trọng Lương, con của một nhà nho mạt vận, đã chuyển cái tên ấy sang nghĩa tiếng Việt là Hỷ Tâm. Nhưng vì chữ Tâm hơi có vẻ nữ tính nên ông chỉ giữ lại một chữ Hỷ: trung úy Hỷ. Từ ngày mang tên Việt ông tranh thủ học tiếng Việt từ Trọng Lương, học ăn trầu, học hút thuốc lào, đọc thơ văn tiếng Việt để như lời ông thường nói với người thượng sĩ già thuộc cấp, “Tôi phải có đủ trình độ để làm một chàng rể ở xứ này”.
Thỉnh thoảng ông vẽ ra trong đầu mình một kịch bản vừa bi vừa hài : “Ông bị CS bắt làm tù binh trong một trận đánh ác liệt mà đồng đội ông chết gần hết. Trong lúc bị giam giữ, một sĩ quan bộ đội khuyên ông từ bỏ chủ nghĩa thực dân tình nguyện làm lính cụ Hồ, họ sẽ trả tự do cho ông và cưới cho ông một cô hộ lý to khỏe. Ông sẽ chiến đấu dưới lá cờ của Đảng cho phong trào vô sản toàn cầu, nghĩa là sau này ông sẽ quay về giải phóng nhân dân vô sản Pháp bên cạnh những người CS Pháp. Nhưng ông xin được cưới vợ trước mà ông vừa ý rồi sẽ chiến đấu cho Đảng sau, người sĩ quan bộ đội đồng ý vì biết ông muốn hưởng thụ trước rủi có chết trận cũng không hối tiếc. Ông nhiều lần thoát chết dưới bom đạn của Pháp. Khi hòa bình lập lại Đảng không cho ông về Pháp vì tình hình để tiến hành cách mạng chưa chín muồi, ông ở lại và sống hết cuộc đời mình ở Việt Nam.” Lúc ấy ông chưa quen Cô Hồng Nhuỵ là một đào nương mà ông rất say mê, ở Đồng Xa phường Mai Dịch. Nếu khi bị bắt mà ông đã quen cô Hồng Nhụy, thì kịch bản phải thay đổi: ông sẽ xin cho người đưa cô Hồng Nhụy vô bưng để người của Đảng chủ trì hôn lễ. Tuy nhiên trong kịch bản có một chỗ mà ông không xử lý được là khi gặp quân Pháp ông có bắn vào họ không. Nếu bắn lên trời thì ông chết chắc, và Hồng Nhụy lấy ông chưa được bao lâu chắc chắn sẽ trở thành vợ một người khác trong chiến khu và nhiều khả năng là một sĩ quan bộ đội.
Trong thâm tâm, ông sống cuộc chiến này như một bi kịch và yêu cô Hồng Nhụy với chủ nghĩa lãng mạn hậu kỳ của văn học Pháp. Vì ông luôn cho rằng, trong cuộc chiến tranh này người Pháp sẽ thua và CS sẽ thắng không cần kể đến chính nghĩa (nếu có). Bản thân ông sống trước trong tâm tư định mệnh nghiệt ngã ấy của mình như một bi kịch Hy Lạp và để nhấn mạnh đến tính quyết liệt và nghiệt ngã ấy ông nói với một Phật tử thân quen, biết chút ít tây học, “Với tôi, phải là bi kịch Hy Lạp vì Phật giáo tuy bị trách là bi quan yếm thế nhưng trong Phật giáo dường như không có bi kịch”. Lần ấy người bạn Phật tử An Nam ‘đáp lễ’ ông một câu bề ngoài có vẻ chí lý, “Đối với người đã diệt dục, đến chỗ phi thiện phi ác nghĩa là ngay cả điều thiện còn không muốn làm theo như giáo huấn nhà Nho đã dạy, không còn sống theo một bảng giá trị nào thì bi kịch còn có nghĩa gì?”. Với cái phi thiện phi ác được “phán” một cách bừa bãi, vung vít, mọi tranh luận đều chấm dứt. Tuy nhiên lần ấy, người bạn An Nam định đào sâu thêm văn hoá Pháp, nhưng với sự chứng ngộ “phi thiện phi ác” ông thôi, lòng tự nhủ: “Ngoài văn minh vật chất ra, nước Pháp chẳng có gì đáng học: Bảy mươi hai phép thần thông của Tôn Ngộ Không còn bị một bàn tay Phật Tổ đè bẹp nữa là.… Những phát minh của người Tây Phương cho văn minh hiện đại chỉ là chyện nhỏ.”
Sáng hôm ấy, lúc chín giờ rưỡi Trung úy Hỉ tiếp Minh Nhật đến trình diện sau mấy đêm chung sống với Lãm Trang. Ông vừa lấy tay xoắn bộ râu mép (giống râu mép của triết gia Descartes) hỏi chàng vài câu. Rồi ông định hỏi chàng một câu sỗ sàng ví dụ như: “Tại sao một người còn trẻ như cậu lại không tham gia CS, một lực lượng nay mai sẽ trở thành người chiến thắng, ngoài sự thành danh, cậu sẽ được kể là người yêu nước vì cớ gì lại đi theo đoàn quân lê dương nay mai sẽ thành người chiến bại dù chỉ với danh nghĩa một người phiên dịch?” nhưng ông thôi không hỏi mà chỉ cau đôi chân mày rậm vòng cung. Sau đó ông nhìn xuống chỗ ghi tôn giáo trong tờ giấy, ông định nói “Thì ra cậu khác phả hệ với họ nên dù có thật lòng theo họ chắc gì họ đã tin trừ khi cậu trở thành một Giuđa bán Chúa khác,” nhưng lần này ông cũng cầm lòng không nói. Hồ sơ giấy tờ của Minh Nhật nói lên tất cả. Trung úy Hỉ bảo Minh Nhật lui ra chờ đến giờ ông giới thiệu chàng với tập thể binh lính trong đồn vào bữa ăn trưa.
Còn lại một mình trong phòng ông lan man nghĩ ngợi. Cách nay không lâu, ông đã học được một câu châm ngôn của Tàu khá hay: “Con chó thằng Chích cắn vua Nghiêu không phải vì vua Nghiêu bất nhân nhưng vì vua Nghiêu không phải là chủ nó”. Rồi ông nhớ lại xứ này, người ta nuôi chó giữ nhà từ khi nó còn nhỏ, chắc hẳn chó thằng ăn trộm tên Chích cũng thế. Còn khi mua hoặc xin được một con chó đã lớn thì trước sau họ cũng giết thịt vì họ cho rằng chó lớn không còn nhận ai khác làm chủ nó. Người đạo Chúa ở xứ này cũng thế : Họ có mặt ở trên quê hương họ như những người đã thuộc về một phả hệ KHÁC. Trên nguyên tắc là thế vì phả hệ còn phụ thuộc vào cách sống của người trong cuộc. Dù sao, họ cũng mặc nhiên bị loại trừ ra khỏi truyền thống… Trung úy Hỉ nghĩ đến đây liền thở dài và tự nhủ: “Lại thêm một bi kịch nữa!” Ông đứng lên nhìn nắng thu chan hoà trước sân cờ, trên đầu cột cờ, lá cờ tam tài bay uể oải với một vẻ sầu muộn nào đấy, cùng những chiếc lá vàng bay ngang trong gió. Rồi thong thả ông tiến về hội trường nơi ông sẽ giới thiệu trung sĩ thông dịch Minh Nhật với đại đội và thông báo về những cuộc hành quân sắp tới.
Buổi họp toàn đại đội chấm dứt. Trước khi rời hội trường, ông nói sẽ gặp lại các trung đội trưởng, trung đội phó ngay sau đó tại phòng chỉ huy, ông cũng bảo Minh Nhật cùng đến. Khi mọi người đến đông đủ, trung uý Hỉ lấy từ trong tủ sắt một chai rượu Bordeau rót ra cho mọi người nửa ly và nói:
“Uống mừng một thành viên mới của đại đội, trung sĩ Minh Nhật, kiêm thông dịch.” Rồi ông nâng ly uống cạn và mọi người cùng uống theo.
Trên bàn có một gói giấy bạc mở sẵn với những miếng phô mai vàng ửng, trung úy Hỉ lấy một miếng trong lúc mời đồng đội:
“Ăn phô-mai đi các bạn.” Rồi ông giải thích, “Chai rượu này là của trung úy Charnier, bác sĩ quen ở quân y viện cho tôi hôm tôi về thăm cô Hồng Nhụy nhưng không được cô ấy tiếp, còn phô-mai ở nông trại nhà mình bên Pháp gởi sang.” Sau phần uống rượu, mọi người dùng cơm trưa chung thành hai ca-rê, tất cả là tám người kể cả Minh Nhật. Kế đó là giờ nghỉ trưa độ 45 phút. Buổi chiều trung đội 2 của thiếu úy Rôdière, đã nhận thêm Minh Nhật vào quân số làm một số việc để chuẩn bị cuộc hành quân càn quét dọc theo trục lộ đi Bắc Giang. Ngày mốt cuộc hành quân ấy sẽ bắt đầu. Đêm đầu tiên nằm trong đồn lính, trên chiếc giường sắt sơn màu xanh cứt ngựa lót một vạc giường bằng gỗ trên lớp lưới lò xo, Minh Nhật thao thức mãi, sự lạ lẫm của khung cảnh cùng nỗi hụt hẫng trong tâm hồn làm dậy lên trong lòng chàng một nỗi buồn man mác. Có một lúc chàng có cảm tưởng đời chàng bị cắt vụn và mảnh đời hôm nay như lơ lửng giữa cái vô cùng của quá khứ và cái vô tận của tương lai. Đáng sợ hơn nữa là hai cái vô cùng ấy chìm sâu trong bóng tối bên ngoài cái quầng sáng yếu ớt hiện tại chiếu vào sân khấu của cuộc đời chàng. Chàng cố gắng hồi tưởng những việc trong ngày khi đến nơi này từ thái độ cởi mở, thân thiện của trung úy Hỉ, cả tiếng thở dài của ông mà chàng nghe thấy, rồi chai rượu vang Bordeau cùng câu chuyện tình mơ hồ của ông với một cô đầu nào đó tên Hồng Nhụy và buổi chiều chuẩn bị súng ống đạn dược cho một cuộc hành quân truy quét xoá sổ các ổ du kích. Khi hồi tưởng những điều đó, chàng cố tìm một điểm tựa chắc chắn để bám víu và để cố định cho đoạn đời bấp bênh hiện tại, cho cái phù du và mong manh của một kiếp người mà chưa bao giờ chàng cảm thấy vô cùng bấp bênh như lúc này.
Thế nhưng trong cái phù du ấy, chàng cảm thấy dai dẳng nỗi thương nhớ Lãm Trang và tình yêu sôi sụïc mà chàng luôn hướng về nàng. Bốn tối qua họ đã dâng hiến nhau trọn vẹn trong đam mê cuồng nhiệt. Giờ đây mỗi người mỗi nơi buồn nhớ về nhau da diết. Giữa đêm chàng ngồi ngay dậy lấy gói thuốc Camel mà Lãm Trang đã mua cho chàng, rút ra một điếu và đốt hút một mình trong đêm và chàng có cảm tưởng qua ánh lửa đỏ của thuốc, chàng có thể nhìn thấy bóng dáng của nàng còn khoả thân sau lúc làm tình nằm ngủ với khuôn mặt mãn nguyện sát bên chàng…. Mãi đến gần sáng chàng mới chợp được mắt.
Cuộc hành quân có một xe thiết giáp hỗ trợ, vả lại những ổ du kích chỉ kháng cự qua loa rồi rút lui, việc truy quét được giới hạn trong một mức độ nào thôi. Chiến lược của cả hai bên là kềm chân nhau để chờ những cuộc đánh lớn ở một số chiến trường quan trọng mà hai bên cùng dụ nhau vào để kết thúc chiến tranh. Vòng đai an ninh xung quanh Hà Nội lúc này không phải là chiến trường lớn. Đối với Nhật Minh cuộc hành quân này không hề là một cuộc đi dạo dưới trời thu có lá vàng rơi lác đác và trên bầu trời mây trôi lãng đãng như những cuộn bông trắng khổng lồ. Mỗi người lính phải vác ít nhất năm ký, vừa ba-lô trên lưng, vừa băng đạn trên vai, vừa súng cầm tay lăm lăm chỉa vào những lùm cây bụi cỏ, bước lên đều đặn đồng thời giữ một khoảng cách nhất định. Đến chiều tối họ đến một làng cách Bắc Giang mười cây số, đóng quân dựa lưng vào một giáo xứ, ban chỉ huy đặt trong một cái miếu thổ thần. Trọng Tải, một binh nhất người Việt xin được mấy cây nhang của dân, dâng hương cho thần cầu xin bình an cho đại đội. Khi lều trại vừa dựng xong, những người có nhiệm vụ canh gác phiên đầu đã vào chỗ thì một cơn mưa lớn tuôn xuống xối xả, ở trong miếu có bốn người: thiếu úy Rôdière, thượng sĩ Trọng Lương, binh nhất Trọng Tải, giữ máy truyền tin và Minh Nhật. Trong thời gian hai mươi phút, Trọng Tải đã chuẩn bị bốn ly cà-phê nhờ cái nồi như đồ chơi làm bằng lon gô và cái bếp đèn cầy. Uống cà phê xong bốn người thay phiên nhau ngủ chờ ngày mai trời sáng, trung đội 2 sẽ phối hợp với lính bảo an tấn công tiêu diệt các ổ du kích ở xã này. Rôdière ngủ trước, sau hai tiếng sẽ thức dậy thay cho một người khác để lúc nào cũng có ba người thức canh.
Bấy giờ thượng sĩ Trọng Lương bảo Trọng Tải kể lại chuyện tình của trung úy Hỉ với đào nương Hồng Nhụy cho Minh Nhật cùng nghe để khỏi buồn ngủ vì theo Trọng Lương, Tải là người đi theo sát trung úy Hỉ trong những lần chinh phục trái tim nàng ca kỷ nên biết rõ ngọn ngành. Dĩ nhiên Trọng Lương sẽ bổ sung những chi tiết cần thiết cho câu chuyện thêm đầy đủ, thi vị. Hai người đã kể lại chuyện này nhiều lần đến thuộc lòng như hai diễn viên thuộc làu kịch bản.
Hai năm trước, một hôm trung úy Hỉ theo Tải về Hà Nội đến ăn giỗ nơi nhà người cậu của Tải ở phường Mai Dịch. Trong bữa tiệc ông đã gặp cô Hồng Nhụy cùng khu xóm với người cậu. Hôm ấy cô Nhụy mặc áo dài tân thời đúng kiểu của một phụ nữ Hà Nội: áo xoa Pháp, quần lĩnh và cô nổi bật trong đám phụ nữ được mời. Có mấy thanh niên xúm lại quanh cô còn trung uý Hỉ từ xa nhìn ngắm vẻ đẹp cô không chán. Khuôn mặt trái soan mũi thanh tú môi trái tim đỏ hồng, ngực nở nang trên dáng người thanh mảnh. Sau cùng ông phải nói Tải giới thiệu cô cho ông làm quen. Tải hỏi lại có nên không vì cô Nhụy có một người anh hình như đã theo CS trong ban văn nghệ cứu quốc, tay này vốn nhiều tham vọng sẵn sàng gã bán cô em cho cấp trên để mưu cầu danh vị. Cha cô mất cách nay đã gần mười năm vì bạo bệnh. Cô đang sống với mẹ già mù loà và chăm lo cho mẹ. Trung úy Hỉ nói cứ làm quen đã, chí ít cũng sẽ còn được ngắm cô nàng, nghe cô nàng hát ca trù, còn việc ganh đua với các cậu ấm nho phong để chinh phục trái tim nàng ông không dám nghĩ đến vì các cậu ấm nho phong có ưu thế hơn lại có nhiều tự tin mà truyền thống dành cho họ.
Sau cùng Tải phải làm người giới thiệu, cô Hồng Nhụy đỏ mặt không phải vì thẹn mà vì cô quá ngạc nhiên được lọt vào mắt xanh (màu xanh thật của con ngươi) của một anh “bạch quỷ”. Cô bối rối vì không biết phải biến sự đố kỵ vô thức thành phép lịch sự tối thiểu như thế nào nên chỉ đáp lại sơ sài bằng vài câu ngắn ngủn. Xem ra lúc đó cô nói tiếng Việt còn ấp úng và vấp váp hơn một anh Tây biết nói rõ ràng gãy gọn tuy nói chậm hơn cô. Ngoài sự bối rối cô còn xúc động, một sự xúc động mà cô không muốn có. Thà chửi vào mặt hắn là quân xâm lược, là quỷ dữ trong hoả ngục, là hình ảnh của những gì xấu xa nhất (sự xấu xa trừu tượng) có lẽ làm cô dễ xử sự hơn và dễ chịu hơn. Đàng này hắn đẹp trai, hắn lịch sự, hắn làm như hắn và nàng có thể đứng ngoài cuộc chiến để yêu nhau, hoặc nếu muốn có thể đi vào một không gian của tình người không chiến tranh, không thù hận. Tình huống ấy có một vẻ nghiệt ngã mơ hồ nào đó.
Sau khi ăn giỗ xong, trung úy Hỷ và Trọng Tải đưa cô Hồng Nhụy về nhà cách đó mấy căn. Đó là một căn nhà cổ xây gạch chung quanh có tường bao, trước sân rộng có lót gạch tàu, qua phòng khách là một sân nhỏ lộ thiên rồi đến nhà sau. Chủ và khách ngồi ở một cái bàn kê ngay sau lưng bàn thờ gia tiên, cách một bức màn đỏ thêu ren. Họ nhìn ra sân lộ thiên nơi mà trong những ngày có hát, những chiếc chiếu hoa được trải ra và hai bên hành lang xếp những chiếc băng dài cho khách nghe ngồi thưởng lãm. Trọng Tải ở phòng ngoài lúc đầu còn ngắm nghía những câu đối sơn son thếp vàng hơi bị bạc màu, những tấm trướng chữ vàng chữ bạc, sau đó anh ta ra ngồi ở hàng hiên chờ trung úy xong chuyện để cùng về. Ngồi nhâm nhi tách chè xanh, trung úy hỏi Hồng Nhụy:
“Nghề ca hát này hẳn cô là một nghệ nhân chuyên nghiệp, vậy dám hỏi cô ông tổ của nghề là ai?”
Bị hỏi bất ngờ, Hồng Nhụy lúng túng không đáp được:
“Dạ trước đây em học nghề nơi một gia đình hai ông bà chồng là giáp công ca, vợ là đào nương ca nhưng chưa nghe nói đến tổ nghề bao giờ…”
“Phải chăng là một tôn thất nhà Trần hay là vua Lê Thánh Tôn?”
“Em chịu thôi.” Đôi mắt phượng của cô lúng liếng khi nói câu này. Thế nhưng lòng cô lại tức giận vì bị một người Tây muốn qua mặt cô trong kiến thức văn hoá nghề nghiệp. Và như đã định trước, trao đổi thêm một vài câu rời rạc, cô nói mình có một cái hẹn phải đi hát nơi làng bên nên phải cáo lỗi và tiễn khách ra về. Trung úy Hỉ buộc phải đứng dậy và nói:
“Hôm nay cô bận thì thôi vậy. Hôm nào cô hát tại nhà xin phép được đến nghe giọng oanh vàng của cô.”
“Vâng ạ, mời trung úy đến ngày mùng tám và hai mươi mốt mỗi tháng để chúng em được hân hạnh đón tiếp.” Cô ra vẻ lạnh lùng với một lời mời chiếu lệ.
Thật ra cô không có cái hẹn nào cả nhưng chỉ vì cô không muốn kéo dài câu chuyện với một ‘kẻ thù’. Nhưng thử bình tĩnh để hỏi tiếp ‘Kẻ thù của ai?’ Đã hẳn là của anh cô đang ở trong hàng ngũ CS, của đảng và của dân tộc nhưng hình như ngoại trương càng mở rộng thì anh ta càng trở thành kẻ thù nói chung và không còn gì là cụ thể cả trong khi anh ta đến với Hồng Nhụy bằng con người và trái tim cụ thể. Có thể cô biết như thế nhưng dù sao, tốt nhất cô nghĩ mình không nên làm điều mà xã hội nói chung lên án hay dị nghị.
Vậy hai tháng sau, bốn lần liên tiếp trung úy Hỉ đến vào ngày mùng 8 và ngày 21 nhưng lần nào cũng thế một đào nương lớn tuổi ra bảo Hồng Nhụy hôm ấy không có mặt, đồng thời cũng ngăn hoặc đuổi khéo, không cho ông vào nghe hát. Cô có mặt nhưng cô không tiếp. Và trong hai tháng ấy cô không ngừng nghĩ đến trung uý Hỉ, người đã làm trái tim cô rung động dù cô luôn tìm cách lên án để rồi sau đó bào chữa cho anh ta. Và cô cũng lên án và bào chữa chính cô như một kẻ ‘đồng mưu’ trong tình yêu ấy. Nói cho cùng thì đó chỉ là những cách phát biểu khác nhau của một chọn lựa duy nhất của trái tim cô. Chúng chống đối nhau làm cô phải cùng lúc sống hai con người: một quan toà buộc tội tình yêu cô hướng về trung úy Hỉ và một luật sư bào chữa hùng hồn.
Đây quả là tình yêu tiếng sét, vì cho đến lúc đó cô không chọn được một ai trong đám những người ái mộ cô: nhà nông có, thương gia có, con nhà nho nhã có, mặc dù đã có mấy chàng trai khá giả với tiền đồ xán lạn đề nghị cưới cô. Cô thấy nơi trung úy Hỉ một kiểu người khác không nằm trong khuôn khổ quen thuộc mà cô thường gặp nhưng cũng thường rất chán: họ nghiêm cẩn nhưng cao ngạo, khiêm tốn nhưng khinh bạc, ân cần nhưng coi trọng đồng tiền hơn vì thương người. Và trong số những người ái mộ cô có không ít những kẻ đại ngôn.
Người đầu tiên để ý đến cô phải nói là thủ trưởng Đinh Nguyên của anh cô tên Hồng Lĩnh. Anh cô đã mời ông ta đến nhà cách nay ba năm, trước lúc họ cùng nhau rút lên chiến khu. Lúc ấy Hồng Nhụy mới mười bảy tuổi và Đinh Nguyên đã ba mươi bốn tuổi; trước đó ông đã lấy vợ, vợ ông là một nữ cán bộ đảng viên, được ba năm thì vợ ông bị trúng mảnh bom máy bay Pháp ném và bà tử nạn. Từ đó ông chưa tìm được một người đàn bà nào khác ưng ý để tục huyền.
Gặp Hồng Nhụy tại nhà và được nghe cô hát, ông không giấu giếm tình cảm và thổ lộ với cô ý định sẽ cưới cô sau khi cô tròn hai mươi tuổi. Lúc đó cô đi từ tâm trạng sửng sốt đến sợ hãi không biết nói gì chỉ lắc đầu từ chối, nhưng Đinh Nguyên cho rằng cô lắc đầu chỉ vì e thẹn. Cô sợ hãi vì không biết Đinh Nguyên nói với lòng thành hay với kỹ năng của một người quen làm công tác dân vận. Sau này trong chiến khu những lúc rảnh rỗi khi đã xong việc viết lách tuyên truyền, Đinh Nguyên và anh cô Hồng Lĩnh cùng ngồi uống trà, Đinh Nguyên cũng nói đến ý định đó với anh cô, và anh cô rối rít vui mừng bởi sự hạ cố ấy của thủ trưởng, đồng thời thấy mình có bổn phận phải ‘để dành’ em gái cho thủ trưởng Đinh Nguyên.
Thật ra từ ngày cha cô mất dường như cô chưa gặp được anh chàng nào xứng danh là một trang nam tử. Khi trung úy Hỉ xuất hiện bất ngờ, vẻ phong lưu và sự chân thành của chàng làm cô rất thích. Vâng, con tim có nhưng lý lẽ mà lý trí không biết đến. Nó đã lên tiếng trong cô và đã dày vò cô.
Sau hai tháng theo đuổi vô vọng một bóng hình gặp trong một buổi để sau đó không dễ dàng phai nhạt, lãng quên, trung uý Hỉ rất nản lòng. “Rồi mình cũng phải cố quên, cô ấy đâu chịu tiếp mình. Cũng có thể cô ấy đã có ý trung nhân xứng đáng.” Ông tự nhủ và không nghĩ đến nữa. Thật vậy ông thừa biết nghề ca hát là môi trường thuận lợi cho việc nên duyên vì sau buổi hát, đào nương có thể mời một người khách nào đó ở lại ăn trầu hút thuốc và trò chuyện thêm một lúc về ca từ và nghệ thuật thể hiện. Thậm chí có thể mời khách ở lại dùng bữa tới khuya. Có một chi tiết khá thú vị là mẹ Hồng Nhụy, một bà cụ bị mù đã giao ước với con gái: Về ngoại hình và tính cách đối tượng, con gái bà có quyền tự do lựa chọn, còn về trí tuệ và bản lĩnh phải qua cuộc sát hạch của bà với những câu hỏi bà cho viết ra giấy giống như một cuộc sát hạch của vua chúa ngày xưa để tìm kiếm hiền tài. Thế nhưng cho tới bấy giờ chưa có anh chàng nào qua được vòng ngoài để lọt vào vòng trong.
Thời gian chiến cuộc căng thẳng trôi xuôi, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác và trung úy Hỷ hầu như đã quên được Hồng Nhụy. May thật, thế nhưng một giai đoạn khác lại đến.
Trong một lần hành quân đi qua làng lụa Hà Đông, trước khi đến chỗ đóng quân, lúc trời vừa tối và trăng vừa mới mọc, ông ngạc nhiên thấy một cụ già tóc bạc nhưng trông còn quắc thước đang quay tơ dưới trăng, trước sân của một gian nhà tranh. Bên cạnh ghế ngồi của ông lão còn có một cái ghế khác trên đặt một cuốn sách đang mở nhưng chỉ toàn giấy trắng. Khi xe thêm sợi mới vào guồng, ông lại nghiêng đầu nhìn vào cuốn sách. Trung úy Hỷ thấy kỳ lạ nhưng vẫn tiếp tục đi theo trung đội I mà ông chỉ huy cuộc hành quân. Đi thêm chừng mười bước, ông gặp một nông dân lớn tuổi đi coi ruộng về muộn thấy ông lão quay tơ liền thốt lên một câu: “Hay quá, hôm nay Nguyệt Lão lại xe tơ, mình phải hỏi duyên phận con gái mình mới được.” Lần này thì ông cho đoàn quân dừng lại người nào ở yên vị trí ấy trong tư thế mai phục, rồi ông ra hiệu cho Trọng Tải cùng ông đến gần Nguyệt Lão. Lúc ấy bác nông dân bước ra, mặt mày hớn hở vì Nguyệt Lão cho bác biết chàng rể tương lai, chồng của con gái bác sẽ là một chàng trai hiền lành con của một phú hộ. Bác ta có biết cậu trai ấy thậm chí có lần bác nghĩ nếu con gái mình lấy thằng đó làm chồng, bác phải chỉ cho nó cách đánh vợ vì con gái bác chanh chua và dữ tợn lắm.
Sau khi hỏi ý kiến của Trọng Tải, trung úy Hỉ đến trước Nguyệt Lão cúi chào và lễ phép nói:
“Tối nay cháu tình cờ đi qua đây, may mắn gặp được Nguyệt Lão. Cháu dám xin Nguyệt Lão cho cháu biết về câu chuyện lương duyên của cháu”.
Nguyệt Lão ngước mắt ra khỏi trang sách trắng, nhìn lên thấy một thanh niên dưới ánh trăng có vẻ giống người Tây, mặc đồ lính nói tiếng Việt rất sõi. Lão im lặng một lúc như để giải toả một mối hồ nghi nào đó rồi nói giọng nhát gừng:
“Tên gì và quê quán ở đâu?”
“Dạ cháu tên Hỉ Tâm, quê ở Gác-côn (Gascogne)…”
“Hỉ Tâm… Gác-côn…” Nguyệt Lão vừa lặp lại với chính mình để ghi nhớ, vừa cầm cuốn sách lên lật từng trang giấy trắng không chữ. Sau đó lão gật gù nói:
“Đây rồi, Hỉ Tâm sẽ có hai người vợ, người đầu là Hồng Nhụy, quê Hà Nội. Người thứ hai tên Cúc Hoa cùng quê. Nhưng đừng vội mừng con ạ, nhân duyên càng nhiều càng có những nỗi khổ tâm chẳng sướng ích gì”.
“Vâng, đúng thế, Cháu đã gặp cô Hồng Nhụy ấy nhưng cô ấy đã từ chối không cho cháu gặp mặt nên lâu nay cháu không lui tới nữa.” Trung úy Hỉ thú thật.
“Đồ khờ,” Nguyệt Lão gắt, “cậu là nhà binh mà không biết câu ‘cải trang để tiếp cận’ hay sao. Cứ về nhà cải trang làm một nhà nho mù hay quáng gà mà theo lão thời nào cũng có, đặc biệt thời này lại có rất nhiều thì cậu sẽ được gặp mặt và sẽ vào tận vườn hồng … thôi đi đi đừng bắt người khác đợi.”
Nguyệt Lão nói đúng vì cả trung đội không biết lý do trung úy ra lệnh dừng lại. Nhưng khi ông cám ơn Nguyệt Lão và quay ra thì Trọng Tải đã tự ý đến hỏi Nguyệt Lão về mình. Ít phút sau Trọng Tải quay ra vừa ưu tư vừa vui sướng. Ngay sau đó cuộc hành quân tiếp tục. Kể từ lúc đó trung úy Hỉ lại bỗng nhớ Hồng Nhụy thiết tha, và ông suy nghĩ một kế hoạch để chinh phục trái tim khó tính của nàng. Lúc đó ông chợt nhớ ra trong thần thoại Hy Lạp thần chiến tranh và thần ái tình là hai nữ thần không ưa nhau nên khi se duyên cho đôi nào như Nguyệt Lão, thần ái tình không cần tham khảo ý kiến của thần chiến tranh, nếu không nói là làm ngược lại biến kẻ thù nhau thành kẻ yêu nhau.
Ngày mùng tám tháng sau, vào giờ có hát trước cửa nhà Hồng Nhụy một thanh niên khăn đóng áo the hai lớp, da nâu đeo mắt kính đen, tay quơ cây gậy trúc thủng thẳng bước vào. Một đào nương trung niên chưa kịp hỏi cũng chưa kịp ngăn lại vì là người lạ, anh chàng cốt cách có vẻ nho phong ấy đã đi vào trong ngồi vào chỗ khán giả. Khi đã yên vị anh ta chống tay vào gậy trúc cúi đầu nghe hát. Lúc đó giữa hai người, một khảy đàn đáy, một đánh trống cơm, một ả đào đội khăn nhung, áo gấm Tứ xuyên, quần lụa đang hát bài Nợ tang bồng của cụ Nguyễn Công Trứ rồi bài Phổng đá của cụ Nguyễn Khuyến. Ở những đoạn ngân nga, luyến láy tiếng thẻ tán thưởng thảy lên chiếu nghe rào rào. Anh mù cũng mua một ít thẻ, thấy khi nào khán giả thảy nhiều, anh ta cũng thảy lên.
Sau hai bài mở đầu ấy, khách xem được mời trà, anh mù dúi vào ta thằng bé bưng trà mấy xu nhờ nó đưa cho cô Hồng Nhụy bài thơ mà anh ta viết tặng cho nàng: bài Hoàng hạc lâu và bản dịch. Công việc này anh ta đã thuê một nhà nho mạt vận làm hộ vì anh ta không biết chữ nho. Anh ta chính là trung úy Hỉ. Bài dịch nôm như sau:

Người xưa cỡi hạc xa bay,
Lầu thơ còn lại nơi này gác thơ.
Hạc đi bóng khuất mịt mờ,
Ngàn năm mây trắng thờ ơ qua cầu,
Sông in rõ bóng cây dầu,
Bãi xa Anh Vũ xanh màu cỏ non.
Xa quê nỗi nhớ hoàng hôn,
Trên sông khói toả cho buồn lòng ai?

Thằng bé bưng trà vào trong một lúc, chưa hết tuần trà, trở lại chỗ của trung úy Hỉ nói:
“Cô Hồng Nhụy nói ông cuối buổi hát ở lại xơi nước ăn trầu với cô ấy.”
Tấm lòng lâu ngày bị trói nay như được cởi, trung úy thích thú cho nó thêm mấy xu nữa. Nó cười toe toét và chạy biến đi.
Sau tuần trà, Hồng Nhuỵ xuất hiện. Nàng mặc áo dài nhung màu đỏ đậm, quần lụa đen, trông rất huyền hoặc, đầu vấn khăn nhung đen, má đánh phấn hồng, môi tô son màu cánh sen làm khuôn mặt nàng thêm đẹp. Trung úy giương to đôi mắt sau lớp kính xanh đen nhìn nàng say đắm. Nàng cầm hai thanh tre vừa gõ nhịp vừa hát, có khi gõ vào cái khánh đồng ngay trước mặt nàng. Hôm ấy nàng hát ba bài: Vịnh tỳ bà của Nguyễn Công Trứ , Hương Sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh và bài Gặp xuân của Tản Đà. Tiếng hát nàng trong trẻo, thánh thót, luyến láy đẩy đưa kết dính như tha, như thiết. Trung úy gục đầu xuống gậy tre, tai nghe mà lòng xao xuyến. Tiếng thẻ tre ném lên rào rào, dĩ nhiên có cả những thẻ của ông. Từ sau khi nghe Hồng Nhụy hát cho tới cuối buổi hát với điệu hát xẩm huê tình và ví dặm của hai đào nương khác, ông không còn nghe nữa vì dư âm tiếng hát của Hồng Nhuỵ đã chiếm hết tâm trí ông.
Sau buổi hát mọi người nhanh chóng ra về, một vài người tò mò muốn biết ai là người được hân hạnh ở lại ăn trầu và uống nước với cô chủ. Nhưng khi thấy một anh chàng mù còn ngồi lại họ không chắc lắm vì nghĩ hắn phải để người ta về trước sau đó mới rút lui để khỏi quơ gậy trúng mọi người.
Bên ngoài nắng chiều đã xế, ánh sáng trong khoảng sân chỗ trải chiếu hát nhạt dần và sau cặp mắt kính xanh đậm, trung úy Hỉ tưởng chừng đã gần nửa đêm và mọi vật quanh ông bồng bềnh trong bóng tối. Một lúc sau Hồng Nhụy tiến đến bên trung úy Hỉ hỏi nhỏ:
“Có phải huynh đài là Hỉ Tâm?”
“Vâng, thưa cô Nhụy, chính là tôi. Tôi xin thất lễ với cô vì tôi đau mắt…”
“Xem ra không nặng lắm vì ông còn viết được thơ tặng tôi và tôi cám ơn ông về bài thơ dịch đó.” Nàng ngừng lại một giây rồi nói tiếp, “Ta lại ngồi ở bàn kia để tôi được mời trầu ông…”
Nói xong nàng nắm lấy gậy trúc của ông dẫn ông lại cái bàn mà hai người đã ngồi khi lần đầu tiên ông đến nhà nàng. Vừa ngồi xuống trung úy nói:
“Thật ra bệnh mắt này tôi đang chạy chữa và sẽ khỏi để nếu hôm nay tôi đã được “văn kỳ thanh”(nghe tiếng nàng hát) sau này tôi sẽ được “kiến kỳ hình” (nhìn thấy hình dáng nàng). Tiếng hát của cô làm tôi xao xuyến, nên tôi nghĩ rằng khi nhìn rõ dung nhan cô tôi sẽ còn rung động nhiều hơn. Ngay bây giờ tôi đã mến mộ cô rồi đó và biết đâu mai sau lại có chút duyên gì với nhau chăng”.
Hồng Nhụy mỉm cười trước sự tán tỉnh của một anh mù xa lạ (cô không biết tên tiếng Việt Hỉ Tâm của trung úy Jean-Jacques Ricoeur). Sự tán tỉnh ấy nghe có vẻ như một bài học thuộc lòng. Nàng nghĩ phải chận đứng những lời văn vẻ ấy để anh ta đừng có sa đà mà rơi vào ảo tưởng như trường hợp của Đinh Nguyên miệng trơn như mỡ. Nàng vừa đưa cho trung úy Hỉ một miếng trầu vừa nhìn hắn nhai trầu như nhai kẹo cao su và nói:
“Tôn huynh có nhã ý như thế thì tôi xin cảm ơn. Vả lại lương duyên giai do tiền định (duyên vợ chồng đều do định mệnh an bài) không phải là ngọn lửa rơm, chỉ sau một lần nghe hát là có thể quyết định được. Hơn nữa tôi còn một mẹ già nếu tôn huynh có chủ định thì phải có đủ ba điều kiện: thứ nhất phải làm một bài thơ tỏ bày thiện ý, thứ hai phải giải một câu đố của tôi và thứ ba phải làm một bài “cầu hôn sách” do mẹ tôi ra đề.”
Lúc đó một cô bé chừng mười bốn tuổi bưng bình trà và một cái đèn dầu đến bàn nói với Hồng Nhụy:
“Thưa cô, trà này cháu mới pha…”
“Em để đấy cho chị.” Hồng Nhụy đáp.
“Tiếng ai nói đấy?” Trung uý Hỉ giả vờ không thấy hỏi.
“Cái Lan là cháu họ ở đây học hát với chúng tôi.”
Sau đó trà được rót ra chung. Hai người nam nữ im lặng không nói, họ thưởng thức hương vị trà sen bốc hơi vào khuôn mặt họ. Dù vậy ngay sau đó Hồng Nhụy có chỗ tự trách mình: “Sao mình lại chỉ vẽ cho hắn những điều kiện cầu hôn, mình nghĩ sẽ làm cho hắn nản lòng nhưng có thể là nghĩ cạn, nếu hắn liều mạng và gặp may như chó ngáp phải ruồi thì sao?” Phần trung úy Hỉ nghe nói những điều kiện về thơ và văn sách thì chán nản vô cùng, thôi thì phải tiếp tục nhờ cụ đồ Hoa và cụ đồ Lâm làm giúp. Còn lời tiên tri của Nguyệt Lão không lẽ lại sai. Ông uống thêm một ngụm nước trà rồi nói:
“Dù không dám nghĩ mình có tài cán gì nhưng tôi cũng muốn xem tiền định thế nào. Xin lần sau sẽ có thơ ngỏ ý và sẽ nhận được đề bài của mẹ cô …”
“Tôi thấy ông có vẻ vừa tự phụ lại vừa hấp tấp. Nếu thế thì lần sau ông cứ đến.” Hồng Nhụy bực bội nói đồng thời có cảm giác đã gặp người lạ ở đâu rồi. Cảm giác mơ hồ ấy kéo dài mãi cho đến lúc hắn ra về và đôi lúc cảm giác ấy làm nàng thẹn thùng trước người đàn ông khó hiểu đó.
Ngày 21 tháng ấy, trung úy Hỉ lại đến cũng với áo dài khăn đóng, mắt kính râm nhưng không cầm gậy trúc. Hôm ấy Hồng Nhụy vấn khăn nhung biếc, áo lụa hồng, quần lĩnh hát mấy bài hát nói trữ tình. Tiếng hát tình ngọt ngào đưa đẩy của nàng làm trung úy Hỉ như say như đắm. Trong lúc thằng bé mời nước, trung úy lấy ra hai tờ giấy nhờ nó đưa một tờ cho mẹ cô Hồng Nhụy, một tờ cho cô ấy nhưng đừng để hai người thấy nhau. Một lát sau thằng bé báo cô Hồng Nhụy mời ông Hỉ Tâm ở lại cuối buổi hát. Đến khi buổi hát sắp tàn thằng bé lại ra đưa một tờ giấy nói với ông : “Bà cụ bảo đưa đề bài này cho ông làm, lần sau sẽ khảo”. Trung uý Hỉ cất vội đề bài vào túi áo rồi lại đưa cho thằng bé thêm mấy xu, cố tập trung nghe hai bài hát sau cùng, chờ tan buổi hát để gặp Hồng Nhụy.
Mọi sự diễn tiến nhanh gọn vì ngay sau khi cầm tờ giấy trong tay, bà mẹ loà đã bỏ việc nghe hát, lấy gậy tre đi lẻn ra cổng sau lúc nào cũng đóng kín, qua nhà ông giáo Thuấn tín đồ đạo Chúa, dạy học ở một trường tiểu học phường Đống Đa, nhờ ông giáo đọc giùm. Cầm tờ giấy trong tay ông thấy có hai bài thơ một tiếng Pháp, một tiếng Việt ý tứ giống nhau không biết bài nào làm trước còn bài nào là bài dịch. Bài tiếng Pháp thể song thất lục bát như sau:
Depuis que je te connais
Jusqu’ici six sept saisons.
Amour devient Passion
Je dois te demander la main.

Bài tiếng Việt thể lục bát như sau:

Từ khi anh được quen nàng
Đến nay đã mấy mùa màng trôi qua.
Đam mê, tình đã hoá ra,
Tơ hồng anh muốn đôi ta kết liền.

Đưa mắt xem một lượt giáo Thuấn cười to, sau đó đọc một bài tiếng Việt cho mẹ Hồng Nhụy nghe và nói:
“Hoá ra là thư cầu hôn cô Hồng Nhụy đấy, bà sắp có rể đông sàng. Cô Nhụy mới đưa cho bà phải không?”
“Không, con Nhụy có nói gì với tôi đâu. Thằng bé bưng trà mới đưa tôi lúc nảy.”
“Thế bà tính sao?” Vừa nói giáo Thuấn vừa nghĩ kiểu cầu hôn này hơi giống với việc Lưu Bị cầu hôn Giang Tả.
“Còn nghĩ gì nữa, tôi sẽ ra sách cầu hôn cho thằng nào đó thích con gái tôi rồi mới chọn. Ông giáo viết đề tài giùm tôi nhé.”
“Vâng, bà đọc đi…” giáo Thuấn nói sau khi đã chuẩn bị giấy bút.
Mẹ Hồng Nhụy đọc đề; giáo Thuấn viết xong và đọc lại như sau: (1) Á Đông có phản ứng gì trong cuộc gặp gỡ Phương Tây: về đạo Giatô và về văn minh vật chất; (2) Tiền đồ của dân tộc Việt Nam trong tương lai. Miệng đọc nhưng trong lòng giáo Thuấn phải công nhận bà cụ láng giềng ra đề quá khó. Bà cụ đúng là ái nữ của một nhà nho mạt vận vẫn còn giữ được sự thâm trầm sắc sảo của nho phong. Cầm lấy tờ giấy đề bài từ tay giáo Thuấn, bà mẹ Hồng Nhụy cám ơn, xếp tờ giấy lại rồi quay về nhà ngay. Sau khi về đến nhà và ngồi lại vào chỗ thường dành cho bà để nghe hát, bà nhờ thằng bé rót trà đưa đề bài cho trung uý Hỉ mà Hồng Nhụy không hay biết.
Phần giáo Thuấn, khi bà cụ láng giềng đi rồi, giáo Thuấn bỗng kêu lên : “À ra thế”. Ông hiểu vì sao lại có cái vụ kén rể nhiêu khê này. Trong một xã hội mà nghề ca hát bị khinh khi là “xướng ca vô loại” vì nó phục vụ cho kẻ có tiền và có quyền thậm chí có thể bị ép buộc bán rẻ thân xác thì việc ‘cầu hôn sách’ nhiêu khê này muốn chứng minh một điều ngược lại. Chính tài năng được coi trọng trong hôn nhân của con bà chứ không phải là tiền bạc…” “Thâm trầm thật!” giáo Thuấn kêu lên. Còn một lý do khác để giáo Thuấn khen bà mẹ thâm trầm là bà không hề lẫn lộn đánh đồng giữa kitô giáo với chủ nghĩa thực dân và giữa chủ nghĩa thực dân với việc canh tân. Bà quả là một người mù sáng suốt, vô tư và khách quan, không thiên kiến. Một lát sau ông chợt nhớ chữ Passion ngoài nghĩa ‘đam mê’ còn có nghĩa trong đạo ông là ‘cuộc thương khó’và nếu hiểu theo nghĩa này thì câu thứ ba ‘Amour devient Passion’ có thể áp dụng cho Chúa. Lần này giáo Thuấn nói một mình to hơn để khen chàng thanh niên cầu hôn mà ông không thấy mặt, “Tay này cũng thâm trầm không kém…”
Buổi hát kết thúc, Hồng Nhụy lại cùng Hỉ Tâm ngồi vào bàn, cô têm trầu cho ông và rót nước mời ông và nói:
“Tôi không ngờ hôm nay ông làm thơ cầu hôn thật … mà làm cả thơ tiếng Pháp nữa,” rồi cô đưa đẩy nói tiếp, “ông làm tôi cảm động rồi đấy.”
“Cô cảm động thật chứ … thế thì cô hiểu tôi yêu cô đến mức nào rồi … không phải mới bây giờ mà từ cách nay mấy tháng …”
Nói đến đây trung úy Hỉ lấy khăn tay lau lớp xi-ra nâu trên khuôn mặt, tháo mắt kính râm và lúc này trước mặt Hồng Nhụy là trung úy Ricoeur mà cô đã mấy lần đuổi khéo. Tuy trong lòng mừng rỡ nhưng cô vẫn nhăn mặt kêu lên :
“Ông dám đánh lừa tôi… ông coi thường tôi…”
“Không, anh không đánh lừa em…” Ricoeur nắm lấy hai bàn tay thon mềm của cô và cô để yên trong lúc ông nói tiếp, “Anh không dám… nhưng tình yêu anh dám vượt qua điều bị cấm đoán vì anh không thể sống thiếu em sau khi số phận đã an bài cho anh gặp em dù anh là người Tây và em là người Việt. Và hôm nay thì mẹ em cũng biết anh là một người si mê em. Vậy nếu mẹ có hỏi thì em phải nói thế nào để anh còn được gặp em, còn được nghe em hát dù sự cảm động của em chưa đủ để em gọi đó là tình yêu em dành cho anh.”
“Em gọi đó là sự bắt đầu của tình yêu… nhưng vì anh không biết đấy thôi. Mẹ em vốn là con gái của một nhà nho mạt vận mà hoàn cảnh đã đưa em đến nghề này nên bà không muốn em lấy chồng vì tiền hay vì quyền để xoá đi tiếng xấu “xướng ca vô loại”. Tuy anh không có tiền cũng chẳng uy quyền gì to lớn, nhưng anh là người Tây mà anh biết đấy dư luận đều cho những cô gái lấy Tây đều vì tiền cả. Nhà báo Vũ Trọng Phụng trong thiên phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây cũng nói như thế. Nhưng thử hỏi có một cô nào dám nói mình yêu Tây vì tình đâu hay vì một sự tri ân, thán phục nào đó, như thế sẽ chuốc vào mình cái tội vọng ngoại, phản quốc, còn nói mình lấy Tây vì tiền thì xã hội lại được dịp tỏ ra cao thượng bằng sự bao dung với cái mà họ gọi là nhi nữ thường tình vẫn luôn trọng tài khinh nghĩa đâu được ‘quân tử’ như họ trọng nghĩa khinh tài. Đấy anh thấy cái hẹp hòi, ích kỷ của bọn nhà nho chưa? Trước đây em cũng phải đau khổ lắm khi cho đuổi khéo anh về.”
“Thế ra câu hát Chim đa đa đậu nhánh đa đa/ Chồng gần em không lấy lại lấy chồng xa… lại là một lời buộc tội. Vậy anh xin em đừng nói cho mẹ biết Hỉ Tâm này là lính Tây mắt xanh mũi lõ nhé.”
“Nhưng từ nay anh và em cũng không nên gặp nhau trong các buổi hát tại nhà em. Chúng mình sẽ gặp nhau ở một địa điểm khác mà em đến trình diễn hoặc ở một địa chỉ mà em sẽ báo cho anh biết vào ngày mùng tám tháng sau.”
“Hay quá, em phải nhớ đấy nhé…”
“Hai người chuyện trò tâm sự với nhau thêm một lúc nữa. Trung úy Hỉ không quên ca tụng sắc đẹp của Hồng Nhụy mà ông vui thích. Ông lấy bàn tay vuốt mái tóc và đôi má hồng của nàng, hôn vào đôi bàn tay xinh đẹp của nàng. Và trước lúc ra về, khi đi ngang qua tủ thờ ở phòng ngoài mờ ảo chỉ với một ngọn đèn thờ le lói, giữa những bức liễn và câu đối, ông ôm nàng vào lòng, rồi môi ông tìm kiếm đôi môi mọng đỏ tươi và mềm mại của nàng để mút: nụ hôn dài, nụ hôn ngọt ngào và nóng bỏng ấy làm người nàng nghiêng ra sau, rung lên như một dây đàn rung lên hoan hỉ… trước sự chứng giám của linh hồn các tổ tiên trên tủ thờ.
“Tình yêu họ bắt đầu như thế đó và người kể lại cũng là một nhân chứng”
Binh nhất Trọng Tải lên giọng, ngừng kể câu chuyện ở thời điểm của nó cách nay ba tháng. Trọng Tải cũng hứa sẽ kể tiếp những chuyện về sau này nếu được thông tin và … còn được hành quân dưới mưa như tối hôm đó. Ngoài miếu thổ thần lúc này trời vẫn mưa nhỏ. Còn khoảng mười lăm phút nữa, thiếu úy Rôdière sẽ thay phiên cho Trọng Tải được đi ngủ. Trong mười lăm phút đó cả ba im lặng không nói lời nào, chỉ nghe tiếng mưa rơi đều đều và buồn bã. Tiếng ếch nhái từ các đám ruộng à uôm vọng lại càng làm người canh thức nặng trĩu nỗi buồn.
Khi việc thay phiên đã xong, Minh Nhật đến ngồi bên thượng sĩ Trọng Lương trong lúc thiếu úy Rôdière lấy tiểu thuyết Pháp ra đọc. Minh Nhật hỏi Trọng Lương:
“Vậy trung úy Hỉ có làm Cầu hôn sách không?”
“Dĩ nhiên là phải làm và phải nhờ hai cụ đồ nho là cụ Hoa và cụ Lâm làm hộ.”
“Thế có trả thù lao không?”
“Chắc là không, nhưng rượu Tây, phô-mai, chả lụa, trà tàu lúc nào cũng có. Có lúc có cả thịt cầy, mắm tôm dùng với rượu Tây nữa. Uống rượu Tây mà ăn thịt cầy thì phí rượu thật, nhưng hai cụ lại thích thế. Thỉnh thoảng tôi mang rượu và đồ nhắm đến cho hai cụ, nghe hai cụ bàn bạc tranh luận có khi cãi nhau trước khi viết ra ý tứ mà hai cụ thống nhất. Vả lại tôi là con út của một nhà nho mạt vận lúc nhỏ có theo học chữ nho vài năm nên cũng lỏm bỏm hiểu được những gì hai cụ nói. Đôi lúc tôi còn vô lễ nói xía vào một vài câu vớ vẩn nào đó để góp vui.
“Thượng sĩ có biết bài sách ấy nói gì không?” Minh Nhật tò mò hỏi. “Về nội dung tôi chỉ nhớ mấy ý chính thôi. Thế này nhé: trước hết đối với đạo Giatô, các nước Á Đông đều có cách đối phó giống nhau là tống khứ và tiêu diệt dù chỉ cần nhân danh một trong ba tư tưởng truyền thống là Nho, Phật, Lão (và không cần nhân danh cả ba) cho dù việc truyền giáo có gắn hay không với chủ nghĩa thực dân xâm lược là điều mà các nhà truyền giáo cố hết sức tránh. Lý do chính rất đơn giản vì nó không cùng một phả hệ với ba thứ tư tưởng ấy ví như con chó thằng Chích phải cắn vua Nghiêu đến gần nhà nó dù vua Nghiêu có nhân từ thì cũng là kẻ lạ. Hoặc con ông Lý Toét không thể yêu ông láng giềng Xã Xệ như bố đẻ của mình. Lễ phép là đủ rồi. Nếu hai người bạn già ấy đánh nhau thì chưa cần biết phải trái, con nhà nào bênh vực ông bố của nhà ấy.
“Nhưng đối với văn minh vật chất Tây phương thì phản ứng có khác nhau tuỳ theo tâm thức của từng dân tộc. Người Tàu lấy tư tưởng tích cực của Nho giáo tức là thái độ dấn thân nhập thế hành đạo để tiếp thu và họ bắt tay ngay vào việc canh tân sau khi ký được hoà ước với các nước trong liên quân thực dân xâm lược song song với việc họ tìm cách lật đổ nhà Mãn Thanh. Nhật Bản còn tích cực hơn đã mau chóng lao vào cuộc canh tân vì nghĩ rằng khoa học Tây phương đã khám phá được sự huyền vi của Đạo, nguyên lý ban đầu của Lão giáo.
“Riêng Việt Nam do tâm thức nặng về Phật giáo là một tư tưởng yếm thế bi quan, thiên về sự xuất thế, coi thế gian này và cả thế giới tự nhiên chỉ là hư không khổ hải nên ngay từ đầu đã có cái nhìn hoài nghi đối với văn minh vật chất Tây phương thậm chí còn coi đó là ma thuật làm hỏng việc tu tâm. Thái độ sĩ phu lúc đó rất giống với cụ già trong sách của Trang tử leo từng bậc thang xuống giếng múc nước không chịu làm đòn bẩy vì sợ tư tâm tư dục phát sinh. Vì thế từ vua quan cho đến những người giàu có trong nước là những người có khả năng tài chính theo đuổi việc canh tân đều không coi trọng việc canh tân. Những bài điều trần của Nguyễn Trường Tộ và của người khác đều bị nhìn với cái nhìn nghi ngờ và sau cùng bị xếp xó. Như thế qua cuộc tiếp xúc với Tây Phương mới thấy rõ cấu trúc văn hoá của mấy nước Á Đông, tức phần nổi và phần chìm, phần bên ngoài và bên trong, phần lý trí và tình cảm, phần hữu thức và vô thức, tóm lại phần dương và phần âm của các nước ấy trong thời điểm đó như sau:
+Trung Hoa: (ngoài) Nho/ (trong) Nho.
+Nhật Bản: (ngoài) Nho/ (trong) Lão hay Thần đạo.
+Việt Nam: (ngoài) Nho/ (trong) Phật.
“Căn cứ vào đâu để nói rằng tâm thức bên trong của Việt Nam thời điểm ấy (cũng là một vận hội mới cho dân tộc) là đạo Phật, khi mà cụ Đào Duy Anh trong cuốn Việt Nam Văn Hoá Sử Cương cho rằng sang đời Hậu Lê, Phật giáo suy vi và Nho giáo trở thành độc tôn?” Minh Nhật vặn lại.
“Dĩ nhiên bài Cầu hôn sách phải có căn cứ để lý luận,” Trọng Lương nói tiếp, “thế này, phải đi từ một cột mốc quan trọng là Lý Công Uẩn, không cha (thật ra cha là một nhà sư mai ẩn), mẹ mang thai khi ra đồng đặt bàn chân mình vào dấu một bàn chân to lớn in trên ruộâng (có người còn nói là chân Phật). Công Uẩn lớn lên trong chùa và là vị vua đầu tiên của Nhà Lý. Có thể nói ông vua này là nước cờ thành công mà thế lực Phật giáo đã chuẩn bị từ trước để đưa Phật giáo từ thời kỳ bị Lê Long Đỉnh bách hại qua thời kỳ phát triển và bước lên sân khấu chính trị. Vậy ngay từ lúc ban đầu các thế lực Phật giáo đã muốn sử dụng triều đình như một phương tiện hoằng pháp. Qua hai triều đại Lý Trần, Phật giáo đã phát triển mạnh và công khai dựa vào các thế lực của vua quan mà đỉnh cao là sự thành lập tông phái thiền Trúc Lâm Yên Tử của một ông vua nhà Trần. Tại sao thiền tông mà không phải Tịnh độ? Vì thiền tông có trước tịnh độ và với quan điểm phủ định của phủ định của không tính rất dễ khế hợp với bất cứ chế độ chính trị vô thần nào nghĩa là cùng một phả hệ và cũng dễ biến hoá cho hợp với tình thế.
“Nhưng đến nhà Hậu Lê, vua Lê Thánh Tôn đã có những hạn chế hành chính đối với Phật giáo chính thức, có lẽ vì e dè thế lực Phật giáo. Kế đến là cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh, giành giật vương quyền càng làm cho bề nổi của xã hội có vẻ nho nhiều hơn Phật. Lúc đó, tuy Phật giáo không còn công khai trên sân khấu chính trị của triều đình nhưng vẫn hiện diện ở hậu trường. Nói cách khác, Phật giáo dưới hình thức văn hoá vẫn tiếp tục phát triển và hình thành tâm thức tiềm ẩn, tâm thức văn hoá của đa số người Việt. Cuộc nội chiến Trịnh, Nguyễn thời hậu Lê càng thúc đẩy quá trình ấy. Có thể nói ngay sau thời Lý-Trần, Phật giáo đã trở thành một cây đa to lớn, từ thời Hậu Lê trở đi là thời kỳ nó phát triển bộ rễ, rễ chính và rễ phụ ăn sâu vào mảnh đất vô thức tập thể của quần chúng. Vì thế khi không thấy Phật giáo xuất hiện trên sân khấu chính trị lúc đó như trong các thời kỳ trước, ông Đào Duy Anh và nhiều học giả khác lầm tưởng, cho rằng Phật giáo đã suy vi. Thực ra chính khi Phật giáo đi vào hậu trường, âm thầm hoạt động chiếm lĩnh lãnh vực văn hóa là lúc nó phát triển mạnh nhất dù khó được nhận thấy (phát triển bộ rễ), vì đó là lúc nó khuôn đúc tập quán suy nghĩ, và cách ứng xử của nhân dân bằng triết lý tiêu cực của nó trong bối cảnh xã hội loạn lạc nhiễu nhương. Bối cảnh Trịnh Nguyễn phân tranh, nhân dân đồ thán chẳng phải là một chứng minh hùng hồn triết lý Đời là bể khổ của Phật giáo hay sao?
“Thật vậy cuộc nội chiến cát cứ Trịnh Nguyễn xem ra đã giúp cho Phật giáo trở nên có lý để phát triển về giáo thuyết và học thuật. Chúa Trịnh và chúa Nguyễn cần có cuộc nội chiến để bảo vệ quyền lợi của họ trên nửa phần đất nước mà họ chiếm đoạt của nhân dân. Họ bỏ mặc lê dân sống trong cảnh nghèo khổ, bất an, dầu sôi lửa bỏng, và như một phản ứng tiêu cực, lê dân tìm đến sự an ủi trong Phật giáo là một tôn giáo có sẵn hoặc trong đạo Gia-tô là một tôn giáo mới du nhập với tâm trạng hoài nghi các giá trị của nho giáo suy đồi mà hai đại diện lớn là chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Vả lại tư tưởng Phật giáo trong giai đoạn này phát huy được cả hai mặt. Một mặt nó an ủi lê dân với quan niệm cho đời là bể khổ, vô thường, và cái khổ do các cuộc nội chiến liên miên không ngoài luật chung ấy, lê dân hãy bình tĩnh nhận lấy hậu quả cái nghiệp trước đây của mình (chức năng tôn giáo). Đó là chữ ‘nhẫn’ của đạo Phật: nhẫn trước bất công, trước bạo ngược, không giống với cái uy vũ bất năng khuất của Nho giáo chính thống. Nhưng từ một góc độ khác, nó có vẻ muốn biện minh và giữ nguyên trạng cuộc chiến tranh do lòng tham không đáy và sự hung bạo của hai chúa (chức năng ý thức hệ). Nó là thuốc mê ru ngủ quần chúng để hai chúa tha hồ bóc lột sử dụng xương máu của nhân dân coi đó là chuyện bình thường, là cái nghiệp mà họ phải chịu và cam chịu một cách thụ động trừ một vài phản kháng lẻ tẻ như cuộc nổi dậy của Tây Sơn. Khía cạnh này nói lên sự khả dụng của Phật giáo đối với vua quan và các nhà nho quyền bính. Trong khi đó đạo Giatô có chức năng an ủi (chức năng tôn giáo) nhưng không có hoặc chưa có chức năng biện minh (chức năng ý thức hệ), nghĩa là sự thoả hiệp ngầm hoặc công khai với một quyền lực xấu hiện hành. Trái lại ở đây tôn giáo ấy còn bị cấm cách và bách hại. Dĩ nhiên cám dỗ trở thành ý thức hệ là một cám dỗ thường xuyên đối với mọi tôn giáo lớn và người ta có thể nhìn thấy qua cách chú giải tiêu cực trong giáo huấn của huấn quyền hoặc của người nắm giữ “chánh pháp”.
“Làm thế nào Phật giáo trong nhiều tông phái khác nhau có thể cùng lúc làm hai chức năng, an ủi và biện minh, trái ngược nhau như thế? Đó là do cách hiểu của họ về tính bất định của giáo pháp (của tính không) cùng việc cố ý áp dụng sai trái thuyết nghiệp báo: lúc này lấy nhân làm quả, lúc khác lấy quả làm nhân. Ví dụ lê dân khổ sở vì cuộc chiến tranh cát cứ của Trịnh Nguyễn, họ có thể hiểu là do [ác] nghiệp hiện tại của một trong hai chúa hoặc của cả hai. Nhưng họ cũng có cách giải thích nghiệp báo theo ý thức hệ và cho rằng nỗi khổ ấy cũng có thể hiểu là do [ác] nghiệp quá khứ của chính nhân dân nghèo khổ nên kiếp này họ phải sống triền miên trong cảnh loạn lạc do hai chúa gây ra. Hai chúa chỉ là tác nhân báo ứng. Giáo huấn chập chờn ấy của tăng giới Phật giáo với những tư tưởng hư vô, tiêu cực và bại liệt nhờ hoàn cảnh đen tối ấy của lịch sử và sự áp dụng giáo huấn tùy tiện đã thành công.”
“Giáo huấn những điều tiêu cực mà lại thành công sao?” Minh Nhật ngạc nhiên hỏi.
“Thế mới lạ phải không?” Trọng Lương nói tiếp, “Nhưng trước hết phải xác định lại một vài cái tiêu cực của chính bản thân Phật giáo như thế gian là trò ảo hoá, sắc sắc, không không, nghĩa là không có giá trị gì cả, rồi con người bị nghiệp chi phối khốc liệt bất chấp hoàn cảnh xã hội bên ngoài là tốt hay xấu. Cái xấu hay cái tốt bên ngoài cũng do cái nghiệp trong tâm sinh ra và con người có rất hiếm điều kiện được giải thoát, phần lớn phải bị trôi lăn mãi trong vòng sinh tử từ kiếp này sang kiếp khác….Một cá nhân có những tư tưởng tiêu cực như thế làm sao có đủ động lực lạc quan để làm nên sự nghiệp to lớn huống hồ cả một tập thể ngày càng đông, quốc gia không sớm thì muộn khó tránh được cảnh suy vi. Vì thế trong ba nước Trung Hoa, Nhật bản, Việt Nam, cái bên trong của Việt Nam là bạc nhược nhất và là một nội lực kém nhất, chính nó ngăn cản việc tiếp thu văn minh vật chất và khoa học tân tiến của phương Tây.” Thượng sĩ Trọng Lương nói đến đây thở dài, sau đó nói tiếp:
“Hôm ấy tình cờ tôi đưa ra một nhận xét chung chung: Cháu thấy bài ‘vọng cổ hoài lang’ở Nam bộ giống như giọng tụng kinh trong chùa cải biên thành làn điệu để đưa lên sân khấu. Vì thế cháu thường khái quát và tưởng tượng rằng đó là tiếng thở than của một người vợ Phật giáo thương nhớ người chồng nho giáo trong thời mạt vận, hai cụ thấy đúng không?” Và để minh hoạ tôi đứng lên hát một câu vọng cổ trong tuồng Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà:
“Bạch Thu Hà em ơi, hôm nay giữa chiến trường anh sa cơ thọ tiễn xin gởi về cho em tấm khăn quàng đỏ máu để em biết anh yêu em nhiều như trời như biển, như gió như mây, như rừng cây xanh lá và lai láng như một dải sông (ư, ứ…) dài.”
“Rồi tôi chống tay ngả xuống đất như một người ngả ngựa tay kia ôm ngực chỗ bị tên bắn trúng, làm bộ mặt đau đớn như một diễn viên trên sân khấu. Cụ Hoa ôm bụng cười nắc nẻ, trèo lên đứng trên một ghế cao và nói: ‘Lai láng’(cụ phát âm là nai náng) như thế thì lụt lội sắp đến nơi này nên tôi phải trèo lên ghế,’ trong lúc cụ Lâm cũng cười sau đó kêu lên ‘Ồ’, rồi hai cụ cười bảo với tôi, ‘Quỷ thần nào xui chú nhắc chúng tôi thế’. Hai cụ nói thế vì cho rằng tôi gợi ý hai cụ phải tìm cách chứng minh sự thành công của giáo huấn Phật giáo tiêu cực trong văn hoá qua sự phản ảnh của giáo huấn ấy trong văn học và nghệ thuật. Hôm ấy hai cụ bảo tôi phải ở lại cùng đánh chén với hai cụ, dĩ nhiên không được uống say trước khi hoàn thành bài Cầu hôn sách . Nhờ đó hai cụ mới biết bố tôi là đồng môn với hai cụ nhưng là bậc đàn anh trên hai cụ mấy lớp… Ngày hôm sau hai cụ trình bày sự chứng minh ấy dựa vào văn học:
“Xét đến nền văn học thời kỳ cuối Lê, đầu Nguyễn có ba tác phẩm tiêu biểu nói lên sự thành công của giáo huấn Phật giáo tiêu cực. Đó là ba tác phẩm lớn: Cung oán ngâm khúc; Chinh phụ ngâm và Truyện Kiều. Cả ba đều lấy người nữ làm nhân vật chính và cả ba đều chịu khổ mỗi người một cách: chinh phụ khổ vì chiến tranh nhất là vì nội chiến; cung nữ khổ vì bị bỏ mặc không được vua đoái hoài, thế nên tuổi xuân nàng trở nên uổng phí; kỹ nữ vì bị tước đoạt mất tình yêu đích thực với một nho sinh rồi trở thành một đồ vật mua vui cho kẻ có tiền và có quyền.
Không có gì là quá đáng khi cho rằng những cái khổ của ba nhân vật nữ ấy biểu trưng cho những khổ đau của lê dân– vì người đàn bà được xếp bên dưới đàn ông như lê dân được xếp dưới quan lại– trong một thời đại cùng với những khổ đau vật chất như thiếu ăn, thiếu mặc, thiên tai dịch bệnh…. Đặc biệt trong Cung oán ngâm khúc và Truyện Kiều giữa khung cảnh tối đen và khổ não ấy, giáo thuyết của Phật giáo luôn được trân trọng tuyên xưng cùng với hai chức năng biện minh và an ủi như chính thực trạng của Phật giáo ngoài xã hội. Trong Truyện Kiều, nó nhằm giải thích cái khổ của Kiều và sự nhiễu nhương của xã hội nhưng giải thích ấy dựa vào thuyết nghiệp báo và định mệnh, trở thành sự biện minh cho thực trạng hiện tồn và là một sự giải thích trừu tượng cái khổ. Khi đưa sự giải thích cái khổ tập trung vào nghiệp cũ hay mới của cá nhân, nó tránh né việc quy trách nhiệm cho xã hội nhất là cho kẻ cầm quyền.
Mặt khác nó còn an ủi nàng Kiều khi nói về sự tu tâm của người mang nghiệp xấu như nàng, coi đó như một giải pháp cứu khổ. Nhưng theo thiển ý đó là giải pháp ảo chỉ để ru ngủ mà thôi vì Nguyễn Du mời gọi người ta nhìn vào điều không ai thấy là nghiệp xấu của Thúy Kiều trong khi bỏ qua điều ai cũng thấy là tội ác của thằng bán tơ và các quan lại tham ô. Nguyễn Du không hề lên án mạnh mẽ những kẻ ác ấy trong một xã hội đầy rẫy những kẻ lưu manh xảo trá.
Trong Cung oán ngâm khúc khi hoà tan, pha loãng nỗi đau của nàng cung nữ vô danh (nghĩa là cung nữ trừu tượng) vào khổ đế của Phật giáo, người đọc sẽ khó phân biệt được chủ ý của Nguyễn Gia Thiều là lấy cuộc đời nàng cung nữ để minh hoạ khổ đế hoặc lấy khổ đế để giải thích cuộc đời nàng cung nữ nhất là khi phần giáo thuyết và phần thuật sự có số câu không chênh lệch nhau bao nhiêu. Trong cả hai trường hợp, thì những khổ đau của nàng đều đã bị trừu tượng hoá và đều làm người đọc không còn chú ý đến sự ham hố nhục dục, sự cưỡng đoạt nhan sắc và sự tham lam chiếm hữu đến mức thừa mứa không xài hết của Đấng quân vương, một kẻ có uy quyền tuyệt đối và tiền bạc vô song. Trường hợp thứ hai có nhiều khả năng là chủ ý của nhà thơ và càng nổi rõ tính chất biện minh bêân cạnh tính chất an ủi của đạo Phật dười ngòi bút của Nguyễn Gia Thiều.
Tóm lại cả ba tác phẩm đều thể hiện gián tiếp một bài kệ rất bi quan và tiêu cực trong kinh Phật: Nhất thiết hữu vi pháp / Như mộng huyễn bào ảnh/ Như lộ diệc như điển/Ưng tác như thị quán (Tất cả các pháp hữu vi đều như mộng ảo, ảnh trong bọt, như sương như chớp. Và cứ thế mà làm) Người dân khốn khổ vì chiến tranh và cường quyền nên sống và làm theo sự quán ấy trong bài kệ. Câu thứ tư thật nguy hiểm vì nó khuyên người ta thụ động chịu đựng những tiêu cực ghê gớm của đời sống.
“Chính ảnh hưởng tiêu cực của Phật giáo trong tâm thức Việt Nam đã ngăn cản việc canh tân đất nước và tiếp thu văn minh khoa học của phương Tây. Chính những tư tưởng hư không, tiêu cực và bại liệt ấy là phần chìm của băng đảo với thể tích và khối lượng lớn hơn đã định hướng đi cho phần nổi là triều Nguyễn vừa mới làm chủ giang sơn nhưng kiệt sức sau cuộc nội chiến kéo dài và không làm chủ và thống nhất được lòng người. Đó cũng là cái phản tác dụng của công thức Trời-Phật (trời chính là Phật) mà các chúa Nguyễn dùng để đối kháng với công thức Trời-Vua (trời chính là vua trong tay chúa) của chúa Trịnh. Công nghiệp hoá làm gì khi đời chỉ là mộng ảo? Canh tân làm gì khi con người – chủ thể và người thụ hưởng canh tân – mang tâm thức xuất thế, thoát tục, coi mình chỉ là: Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê ?
“Ảnh hưởng tiêu cực của Phật giáo còn trầm trọng hơn trong một xã hội loạn lạc nhiễu nhương từ cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn làm đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Sự chia rẽ của hai họ Trịnh Nguyễn kéo theo sự chia rẽ của trăm họ. Từ đó óc bè phái tính sĩ diện, ganh tị, ăn xổi ở thì, không tính chuyện lâu dài… mà chúng ta thấy tồn tại trong thói đạo đức giả hình hương nguyện. Người ta đánh mất lòng tương kính, nếu còn thì chỉ là vẻ tương kính bề ngoài hoặc sự nịnh bợ vô sỉ, thử hỏi một dân tộc vừa không đồng tâm nhất trí canh tân, vừa tự mãn không chịu học hỏi cái hay của người làm sao có thể đoàn kết xây dựng và phát triển đất nước?
“Dĩ nhiên do những hoàn cảnh bên ngoài bắt buộc, cuộc canh tân rồi cũng sẽ phải tiến hành dù bị chậm lại một vài thế kỷ. Vả lại tiền đồ Việt Nam tùy thuộc vào sự canh tân muộn ấy. Nhưng để sự canh tân này được mau lẹ và bền vững đem lại kết quả tốt cho sự giàu mạnh của đất nước thì đồng thời với việc canh tân phải giải trừ, gạt bỏ hay chế tài những tư tưởng tiêu cực, bại liệt ra khỏi học thuyết Phật giáo nói riêng và của các tôn giáo khác nói chung.”
Thượng sĩ Trọng Lương ngừng lại một lúc, uống hết tí cà phê còn sót dưới đáy cốc nhựa rồi nói tiếp:
“Trung sĩ có biết hai cụ nho nhà mình đã biến trung úy Hỉ thành một mẫu danh nho không?”
“Có như vậy thật sao?” Minh Nhật ngạc nhiên hỏi.
“Này nhé, để tôi đọc cho cậu nghe phần kết luận bài sách rồi cậu sẽ hiểu: “Tiểu sinh theo sự sắp xếp của ông tơ bà nguyệt trót đem lòng mến mộ cô nương Hồng Nhụy tài sắc vẹn toàn, làm bài “Cầu hôn sách” này để tỏ tấm lòng chân thật muốn được nên duyên Tần Tấn với cô nương, xây dựng gia đình, nối nghiệp nho phong. Lòng tiểu sinh luôn canh cánh một nỗi lo trước thiên hạ là góp phần tiêu trừ tinh thần bạc nhược của thanh niên. Vả lại cổ nhân có nói, ‘Thần [linh] có thiêng thì người mới mạnh’, đó là điều kiện cần thiết để dân giàu nước mạnh. Vì thế tiều sinh quyết nối chí tiên nho Hàn Dũ cải đổi phong hoá, sửa chữa cái thói ươn hèn, bạc nhược của thanh niên mà Phật giáo có trách nhiệm không nhỏ ngõ hầu góp phần làm cho tiền đồ của dân Lạc Việt được mở mặt mở mày với vạn quốc lân bang. Chút lòng thành này xin lão phu nhân đoái thương chuẩn nhận. Ký tên Hỉ Tâm.”
“Hai cụ đồ này nghịch ngợm phá phách như vậy thật là quá đáng, không còn lời để nói.” Minh Nhật kêu lên.
“Cậu nói vậy tức đã biết Hàn Dũ là người dâng biểu lên vua bài bác việc rước cốt Phật từ Thiên Trúc về Trung Nguyên.”
“Nhưng vua không nghe Hàn Dũ và chỉ có số ít các nhà nho có tâm huyết với tiền đồ của đất nước mới tán thành bài biểu ấy…” Minh Nhật nói tiếp.
“Cậu nói đúng, nhưng phải thừa nhận hai cụ đồ Hoa và Lâm rất chân thành trong sự ký thác tâm sự của mình vì khi làm bài sách xong, hai cụ nói với nhau: ‘Chúng mình chẳng có được cái dũng khí và sự sáng suốt của tiên nho Hàn Dũ ngày xưa. Bây giờ cả đất nước lậm Phật như thế này không biết có giải gỡ được không?’ Và như để tự phạt tội mình hai cụ hôm đó uống say bí tỉ nằm lăn ra nhà vung vãi đủ thứ làm hôm đó tôi phải dọn dẹp gần như phát bệnh.”
“Còn ý kiến của mẹ cô Hồng Nhụy thế nào khi nghe trung úy Hỉ đọc cho bà bài Cầu hôn sách ?”
“Dĩ nhiên nó đã đáp ứng đúng ý của người ra đề nên khi nghe trung úy Hỉ đọc bài văn mẹ cô Hồng Nhụy cũng phải hài lòng và để cho hai cô cậu kết thân. Bà còn nói với trung úy Hỉ, “Cậu nói cũng có lý, mấy nước Phật giáo như Miến Điện, Tích Lan xem ra cũng rất ì ạch trong sự canh tân phát triển như thể có một cản trở vô hình nào đó.” Rồi bà nắm hai bàn tay của trung úy Hỉ (đã cạo sạch lông tơ) và của cô Hồng Nhụy đặt vào nhau nói tiếp, “Mẹ muốn hai con phải giữ gìn cho nhau cho đến khi nào bố mẹ Hỉ ở quê lên gặp mẹ…”
Dĩ nhiên người mẹ mù chưa hề biết bạn tâm giao của con gái mình là một sĩ quan người Pháp. Bà cũng không quên gói bài Cầu hôn sách của Hỉ vào một mảnh lụa bạch, cất vào tủ để làm bằng chứng bà không gả bán con bà vì tài lợi.”
Khi ấy bên ngoài trời còn mưa lâm râm, đồng hồ chỉ hai giờ sáng, sắp đến lượt Minh Nhật đi ngủ. Trong khi chờ thay phiên, chàng và Trọng Lương không nói thêm lời nào. Hình như họ có mối đồng cảm với mẹ cô Hồng Nhụy, thỉnh thoảng họ nhìn lên thiếu úy Rôdière vẫn đang đọc tiểu thuyết Pháp, khuôn mặt nghiêm cẩn như một học giả đang nghiên cứu trong thư viện quốc gia buổi tối.
Từ sáng ngày hôm sau cho đến ngày chấm dứt cuộc hành quân, ngày nào cũng có đụng độ. Đối phương không cầm cự lâu, chủ trương bảo tồn lực lượng nên mau chóng rút lui. Tuy vậy trung đội II cũng bị thương bốn người. Trước ngày thu quân về đồn, Minh Nhật bị một phát đạn trúng vào cạnh sườn bên trái gần chỗ trái tim nhưng viên đạn đi trượt ra bên ngoài thay vì chui thẳng vào tim. Chàng bị thương nhẹ, nên khi rút quân về, thiếu úy Rôdière để chàng cùng ba thương binh khác được ngồi trên xe thiết giáp về đồn.
Chàng và binh nhất Bakasô, gốc Phi châu được điều trị tại bệnh xá trong đồn, còn hai binh nhì cũng người Phi châu phải đưa xuống quân y viện Hà Nội.
Mười ngày dưỡng thương ở đồn là thời gian Minh Nhật nhớ thương Lãm Trang da diết. Chàng nghĩ rằng việc ‘sinh ly tử biệt’ giữa hai người giờ đây có lẽ đang dần dần trở thành hiện thực, chàng cũng nhớ lại mấy đêm yêu cuồng sống vội với nàng ở nhà chị Tám. Mỗi lần như thế thì dư âm hoan lạc lại vang dội trong lòng chàng, tuy nhiên cùng lúc chàng hối hận về điều đó. Chàng biết mình phạm giới răn thứ sáu trong đạo Chúa. Mặc dù chàng rất yêu nàng nhưng khi họ gặp lại, nàng đã làm vợ người khác. Tình yêu có thể tha thứ cho hai người nhưng không thể miễn tố hành động của họ. Rồi chàng chợt hiểu rằng biết trước số phận của mình không phải là điều có lợi. Chẳng phải Lãm Trang biết trước qua thầy tử vi cuộc sinh ly tử biệt của họ hay sao? Khi biết trước một tương lai xa gần nào đó, người ta có thể phản ứng bồng bột theo suy nghĩ hạn hẹp của mình hoặc tìm cách bù trừ hay sửa chữa theo sự chủ quan, nhưng vô hình trung có thể làm hư hỏng hay chí ít làm mất đi vẻ đẹp một toàn cục mà phần lớn vẫn còn nằm trong bóng đêm và còn là ẩn số.
Trên giường bệnh, chàng luôn tự nhủ phải tập quen với việc sẽ không bao giờ gặp lại Lãm Trang trong cuộc đời này. Đây là một điều rất bi đát nhưng có lẽ như thế là tốt nhất với chàng và nàng hiện tại vì thật éo le chồng nàng và chàng vừa là tình địch cùng yêu một Lãm Trang, vừa là đối phương ở hai bên chiến tuyến. Thế nhưng ngay từ đầu chàng đã coi người bên kia chiến tuyến là “đối phương”, “đối thủ” – như hai đội bóng gặp nhau trong một giải đấu lớn – không coi họ là “kẻ thù”ø. Chàng gọi giải đấu ấy là “Đường đi của Ý Chí lịch sử”. Và để có thể nghiêm túc với chính mình trong bổn phận, chàng nhắc mình phải luôn nhớ đến Hiền Giang. Chàng lấy hình chàng chụp chung với Hiền Giang trong ca đoàn giáo xứ hơn nửa năm trước ra nhìn ngắm. Lần đầu tiên chàng chân thành muốn một năm hẹn ước chóng trôi qua để về cưới xin nàng như đã hứa. Chàng viết cho Hiền Giang hai bức thư nhưng không nói việc chàng bị thương. Lúc đó lòng chàng thấy vơi đi những buồn chán và dằn vặt. Chàng cũng nghĩ đến đời sống đức tin trong giáo xứ chàng mà trong thư hồi âm Hiền Giang có cho biết một phần tư đã bỏ đạo để theo Đảng CS thay vì vẫn giữ đạo trong khi theo Đảng. Vả lại Đảng cũng không chấp nhận việc này.
Chàng nhận thấy ở quê chàng có ba lọai tín hữu theo kiểu mẫu trong bài Cầu hôn sách: ngoài Chúa/ trong Nho; ngoài Chúa/trong Phật và ngoài Chúa/ trong Chúa. Và hình như mỗi người tín hữu phải đi qua hai giai đoạn trên để đến giai đoạn thứ ba là giai đoạn ít bị sự chi phối của văn hóa làm trung gian và do đó ít bị sự xâm thực của các phả hệ khác. Giai đoạn thứ ba cũng là giai đoạn có nhiều chất thần bí nhất. Với giai đoạn này, đức tin trở nên mạnh mẽ hơn khi đối đầu với những khác biệt giữa các nền văn hóa đặc biệt với những giá trị, những lý tưởng mà các văn hoá ấy đưa ra. Thế nhưng giai đoạn thứ ba chỉ có thiểu số người đạt được, đa số người nằm trong hai giai đoạn trước. Và khi một tín hữu dù là người trí thức đã cố định trong hai giai đoạn trên họ rất dễ bỏ theo CS là một phả hệ khác. Một số người khác còn phát minh ra một thứ ‘thần học’ phong cho Chúa làm một Bồ Tát hay một Thánh nho nào đó (!?) để được an thân trước những áp lực của văn hoá bản địa.
Khi sức khoẻ chàng thật sự bình phục, trung đội 2 lại bắt tay chuẩn bị cho cuộc hành quân kế tiếp sau đó mười ngày, lần này họ sẽ hành quân truy quét dọc theo trục lộ từ Hà Nội đi Vĩnh Yên.



Mùa thu Hà Nội 1950 đã trôi qua một nửa, ngày nào trời cũng u ám quá nửa ngày; công việc chuẩn bị đang tiến hành, một hôm trung úy Hỉ cho họp ban tham mưu gồm các trung đội trưởng và phó, binh nhất trọng tải có tham dự chủ yếu để phục dịch nước nôi. Ông vừa chỉ lên bản đồ quân sự vừa báo cáo tình hình: chiến dịch biên giới mà CS đang tiến hành để khai thông biên giới Việt–Trung và đưa khí tài chiến tranh từ phương Bắc xuống đã thành công, quân viễn chinh Pháp ở Đông Khê thất thủ, số còn sống phải bỏ chạy về Thất Khê, trong khi Cao Bằng bị bao vây và Thất Khê bị uy hiếp. Có lẽ sắp tới quân Pháp cũng phải bỏ Thất Khê và Lạng Sơn và như thế địch sẽ làm chủ đường 4 chạy dọc theo biên giới. Khí tài chiến tranh của Trung cộng sẽ trực tiếp chuyển giao cho CS Việt Nam đồng thời áp lực của địch sẽ theo hướng Tây Nam tiến về Hà Nội. Vì vậy sắp tới đồn binh này phải cảnh giác cao độ để đối phó với những cánh quân tiên phong của CS tìm cách xâm nhập thủ đô. Sau đó trung úy Hỉ lên một phương án truy quét và phòng thủ mới chặt chẽ hơn và quyết liệt hơn, đặc biệt phải bảo vệ phi trường Gia Lâm vì địch có thể tấn công phá hoại.
Sau buổi họp, mọi người giải tán, trung úy Hỉ đến bên Minh Nhật hỏi han sức khoẻ và vết thương của chàng. Khuôn mặt ông buồn rầu thấy rõ khiến Minh Nhật phải kinh ngạc. Dĩ nhiên ông buồn vì biết rõ quân viễn chinh Pháp không thể giữ vững vùng biên giới, việc mất kiểm soát con đường 4 chiến lược là không tránh khỏi và được tính từng ngày. Nhưng không chỉ đơn giản là thế, vì ông buột miệng nói:
“Thật kinh khủng và thật đáng tiếc…”
“Tại sao, thưa trung úy …” Minh Nhật hỏi.
“Tôi vừa mất một người bạn ở tiền đồn Đông Khê cùng quê tôi ở Gascogne, nhưng tôi không buồn lắm vì khi đã là một người lính, người ta phải chấp nhận bị giết chết bất cứ lúc nào. Điều tôi đáng tiếc nhất là tiền đồ của dân tộc cậu: tôi bi quan về tiền đồ của cậu, của Hồng Nhụy mà tôi yêu…
“Trung úy có thể nói rõ hơn được không …”
“Này nhé, cậu hãy nhìn vào bản đồ Trung Hoa và Việt Nam rồi cậu thử tưởng tượng một người đang đội đá. Người này là Việt Nam đội trên vai mình tảng đá Trung Hoa to gấp trọng lượng của mình nhiều lần. Nói theo điển tích của Trung Hoa và Việt Nam là “đội đá vá trời”: Việt Nam vá trời Á Đông là gián tiếp giúp hình thành con linh vật “Đế quốc Á Đông” để sau này nó giao chiến với các đế quốc khác (mà biểu tượng là các con linh vật khác) ở phương Tây và ở các châu lục khác. Và lợi ích của việc đội đá vá trời ấy đối với Việt Nam có thể là không đáng kể và Việt Nam chỉ là cái đuôi của linh vật Á Đông đó”
“Trung úy nói về lịch sử mà nghe như huyền sử…” Minh Nhật nhận xét.
“Huyền sử và lịch sử có khi nào tách rời nhau đâu. Chẳng phải cuộc đại chiến đầu tiên của nhân loại ở thành Troie bắt đầu với huyền sử “trái táo vàng” của nữ thần Bất Hoà hay sao? Bây giờ nếu tôi sử dụng huyền thoại của phương Tây, tôi sẽ nói Việt Nam là Sysiphe đang vác trên vai tảng đá Trung Hoa leo lên đỉnh núi, trong lòng chỉ có một ước mơ duy nhất là được đến đỉnh núi để vứt tảng đá ra khỏi vai mình cho nó lăn xuống chân núi và trong thời gian ngắn ngủi đi bộ xuống lại chân núi giữa những cây cỏ còn sót lại khi đá lăn qua, Sysiphe cảm thấy mình có được những khoảnh khắc tự do và giải phóng đích thực… Vì thế dân tộc này luôn có khát vọng tự do mà cho đến nay chưa bao giờ có tự do thực tế. Để Sysiphe Việt Nam ấy có được điều này, theo tôi nghĩ anh chàng phải từ bỏ và thoát khỏi chủ nghĩa hư vô của cái vòng lẫn quẫn: xô đá, vác đá lên rồi lại xô đá, đồng thời phải thay cái ruột Phật giáo đã trở thành ý thức hệ bằng một giá trị thuộc về một phả hệ khác nhân bản và lạc quan hơn cả nho giáo và quên đi quá khứ lâu dài đen tối trong lịch sử của mình, dĩ nhiên quá khứ ấy bao gồm cả cuộc nội chiến phi nghĩa Trịnh Nguyễn .”
“Nhưng Sysiphe ấy bị tội gì mà chịu cực hình như thế?”
“Tội lừa dối Thần Zeus … đó là một cách nói thái độ dối trá và xúc phạm thần linh của Sysiphe mặc dù anh chàng rất khôn ngoan mưu trí và quỷ quyệt. Bây giờ tôi xin cậu tưởng tượng tiếp một cơn hồng thủy từ Hoa Bắc, cụ thể hơn là đất Diên An ầm ầm đổ xuống Hoa Nam và trên đường đi xoá sạch những gì chống lại nó, nó đẩy Tưởng Giới Thạch phải chạy ra đảo Đài Loan. Chưa đầy một năm nó đã đến biên giới Việt Nam. Nó chịu dừng lại không? Không, chiến dịch biên giới vừa qua đã mở cửa-xả-lũ cho nó vào và nó sẽ áp đặt ý chí sức mạnh và hướng đi cho cách mạng Việât Nam và xô đẩy Việât Nam vào một nghịch lý là người Việt giành được độc lập tự do từ tay thực dân Pháp nhưng lại rơi vào sự lệ thuộc một ý thức hệ. Cơn hồng thủy đó sẽ tràn qua Việt Nam trước hết ở miền Bắc sau đó không lâu sẽ qua miền Nam trước khi đi qua những nước khác ở Á Đông ….
“Không lẽ những tài năng quân sự và chính trị Việt Nam không thể ngăn nổi cơn hồng thuỷ ấy?” Minh Nhật nóng lòng hỏi.
“Không thể vừa lợi dụng sức mạnh của dòng lũ quét qua, vừa ngăn chặn nó vì yêu cầu quan trọng nhất của sử mệnh hiện nay hình như muốn thống nhất phả hệ Á Đông trong một Đế quốc, đặt dưới quyền cai quản của một đệ nhất đẳng thần linh. (Cậu có nhớ bảng Phong thần trong truyện Phong Thần không? Đó là sách lịch sử cũng có thể hiểu là một thứ triết lý để giải mã lịch sử đấy). Trong đế quốc đó, Việt Nam hình như được giao cho việc bảo tồn Phật giáo là một trong ba giá trị chính của phả hệ này nên những thiên tài ấy xem ra đều bị tư tưởng tiêu cực của Phật giáo khống chế, Vả lại những tài năng ở đây – nếu gọi được là tài năng – trong thời kỳ này phần lớn được biểu lộ qua việc họ hành động cùng chiều với dòng lũ cuồn cuộn. Chỉ cầu xin sao họ không bị dòng lũ cuốn trôi ra biển vì không có gì ngăn cản sức mạnh giúp họ chiến thắng hằng loạt như hôm nay lại không vùi họ dưới đáy biển ngày mai. Vả lại những người tài ba ấy vừa không tránh khỏi sự an bài thần bí lại vừa thiếu phúc phần nên dường như họ giống với những người bị sao sát chủ chiếu mệnh, vì thế không chắc họ làm chủ được sức mạnh đã giúp họ thành công.
“Để ngăn chặn cơn hồng thủy ấy, theo thiển ý của tôi phải sử dụng một phả hệ khác, phả hệ này phải có một lực lượng khá dày chiếm từ 20% dân số trở lên và phải có một sự đồng thuận của đa số nhân dân.
“Mặt khác, khi ưu tiên chọn nước Tàu ngoài nho- trong nho, sử mệnh chọn sự hữu dụng của nó cho một cứu cánh đã định và đang chuẩn bị cây roi sắt Á Đông để đánh phạt các đế quốc khác mà trước hết là đế quốc phương Tây vì những tội lỗi mà họ đã làm qua việc đem quân đi thực dân các nước lạc hậu, đàn áp bóc lột dân bản xứ, cùng với việc buôn nô lệ qua châu Mỹ, thường xuyên tàn phá thiên nhiên, chiếm đoạt và vắt kiệt tài nguyên của trái đất, phổ biến một thứ văn hoá hưởng lạc, xúi giục những cuộc chiến tranh ý thức hệ ở các khu vực bất ổn dưới những chiêu bài rất kêu…”
“Vậy bản thân người Thiên Chúa giáo ở Việt Nam có ngăn chặn nổi cơn hồng thủy ấy không?”
“À, cậu định nói đến một vị thượng thư họ Ngô nào đó ở Huế chăng? Vô ích thôi vì Thiên Chúa giáo là một thiểu số như các nhóm thiểu số khác ở Việt Nam, lực lượng ấy không đáng kể lại còn bị Nho-Phật cố chấp gây ra thiên kiến xấu trong đa số nhân dân nên một khi người Pháp sẽ ra khỏi Việt Nam, tập thể chủ trương bất bạo động ấy sẽ không có chỗ dựa. Vả lại điều quan trọng là vì khác phả hệ, ông thượng thư ấy rơi vào tình trạng có hô mà không có ứng, ông ta sẽ bị cô lập, bị cản phá và sau cùng thất bại. Ông ta bơi ngược dòng cơn hồng thủy nên dù có tự do nhiều nhất vẫn bị cơn hồng thủy ấy nhận chìm trước tiên. Có thể ông ta như vua Nghiêu dù không bất nhân cũng vẫn bị chó thằng Chích nó cắn trọng thương. Vì thế người Thiên Chúa giáo tốt hơn nên tìm kiếm Nước Trời, sống với lịch sử cứu độ thay với lịch sử thế tục và làm chứng cho sự hiện diện của lương tâm giữa một thế giới mà lương tâm ngày càng đảo điên mờ mịt bởi sự xuất hiện của những kẻ bất lương lại được đám đông tín nhiệm.”
Khi thấy Minh Nhật im lặng thở dài, trung úy Hỷ lớn tiếng nói một mình :
“Đối với Việt Nam, âu đó cũng là châu về Hợp phố: ngọc phương Nam về lại phố xưa phương Bắc.”
Trong lúc Minh Nhật lạnh xương sống và dựng tóc gáy thì trung úy Hỉ lại nghêu ngao hai câu thơ ghi trong một cuốn sổ tay của một cán binh CS mà ông tịch thu được trong lúc đi hành quân và đã thay một từ ngữ trong thơ bằng một từ ngữ khác:
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Trường An
Trung úy Hỉ đã thay Trường An cho Thăng Long trong nguyên văn của một nhà thơ CS ở Bình Dương; Trường An là kinh đô xưa của Trung Quốc. Nói xong trung uý Hỉ bỏ đi để Minh Nhật đứng lại một mình vừa chua xót vừa hụt hẫng nếu không nói là tuyệt vọng. Buổi chiều hôm đó với tâm trạng uể oải, chàng trở lại việc chuẩn bị cuộc hành quân sắp tới.
Hai hôm sau, đúng ngày rằm tháng bảy trung úy Hỉ có cái hẹn với cô Hồng Nhụy. Họ hẹn nhau ở một quán nước của người quen lúc bốn giờ chiều để trung úy Hỉ đưa cô Nhụy đi cúng rằm ở một ngôi chùa. Hỉ đội tóc giả màu đen đeo kính râm, áo sơ mi trắng tay dài. Cô Hồng Nhụy mặc quần lĩnh đen, áo nhung tím than đội khăn nhung đen. Khi đến cổng chùa cô Nhuỵ hỏi:
“Anh vào không?”
“Làm sao học trò của Hàn Dũ vào chùa được?” Hỉ cười hóm hỉnh nói, “Em vào đi thắp hương xong ra ngay nhé, anh đợi ở quán nước bên kia đường.”
Hồng Nhụy vào chùa, trung úy Hỉ vào quán, kêu nước ngọt lấy thuốc Mélia ra hút. Chàng nhớ lại ngày xưa ở Pháp trên quêâ hương Gascogne, cậu bé Hỉ thường nắm tay mẹ đến ngôi nhà thờ nhỏ trong làng mỗi chiều thứ năm và Chúa nhật. Rồi đến tháng mười, tháng Mân côi, chiều nào trong nhà thờ cũng vang lên giọng trầm hát bài Ave Maria của giáo dân lần chuỗi và những chiều thứ bảy là múa dâng hoa cho Đức Mẹ. Giờ đây chàng không chắc mình còn giữ đức tin như ngày xưa còn bé, nhưng có một điều chàng luôn chắc chắn là phải có một ơn cứu độ để đời sống con người không hoá ra vô nghĩa và bị vực thẳm hư vô nuốt chửng. Chàng càng giữ sự xác tín này khi phải đối mặt với cái chết trong chiến tranh. Chàng cũng tin rằng tình yêu có thể đem lại một dấu chỉ về sự vĩnh cửu nhưng liệu Hồng Nhụy có nghĩ như chàng vì dù sao nàng cũng thuộc về một phả hệ khác. Nhưng khi yêu nhau người ta có thể trở thành giống nhau. Liệu chút đức tin còn lại của chàng có làm Hồng Nhụy được chiếu soi? Mấy thanh niên theo bạn gái đi chùa thấy Hỉ đeo kính râm tưởng Hỉ là mật thám làm phận sự giữ an ninh trong ngày lễ hội.
Nửa giờ sau, Hồng Nhụy chen giữa đám đông các bà các cô đi chùa bước ra khỏi cổng tam quan. Nàng đứng trước quán chờ trung úy Hỉ bước ra đưa nàng dạo chơi một buổi chiều Hà Nội. Họ đi qua một công viên, tay trong tay. Bàn tay mềm mại và mát mẻ của Hồng Nhụy làm Hỉ tươi tỉnh nhưng chàng không giấu được vẻ buồn. Khi ngồi ở Hồ Bảy mẫu để hóng mát, Hồng Nhụy nói:
“Anh có vẻ buồn buồn thế nào ấy…”
“Vì các cô hồn đang bị đày đoạ trong địa ngục không được ai cho ăn uống…” trung úy Hỉ đáp.
“Không đúng, vì chuyện khác … kể em nghe đi”
Hỉ kể lại người bạn cùng quê chàng vừa tử trận ở Đông Khê, ngày xưa khi còn bé chàng, người bạn ấy và cô em gái của bạn tên Marguerite (Cúc Hoa) thường chơi chung với nhau. Sau đó Hỉ trầm buồn nói tiếp:
“Sau chiến dịch biên giới ấy của đối phương, anh chắc người Pháp sẽ thua và sẽ thu quân về nước. Phần anh, mặc dù rất yêu em anh cũng không biết mình có được ở lại đây để sống với em không?”
Hồng Nhụy cúi đầu im lặng, một lúc sau nàng nói:
“Nếu số phận an bài như thế và nếu suy nghĩ buồn rầu cũng không giải quyết được gì thì tốt hơn nên để mặc cho số phận định đoạt. Em xin anh đừng bận tâm đến việc ấy nữa…”
“Nhưng anh sợ rằng anh sẽ trở thành nỗi khổ nhục của em sau này…”
“Em không cần biết điều đó, em chỉ biết mình đang yêu nhau, và em cấm anh một điều…”
“Điều gì?”
“Không được buồn khi ở bên em.”
“Vâng , anh sẽ cố.”
Sau đó Hồng Nhụy đứng lên trước kéo tay Hỉ đứng lên, lúc đó bờ hông nở nang của cô ở ngay trước mặt chàng. Chàng tưởng ngửi thấy mùi cỏ mực từ chỗ ấy toả ra. Chàng cất kính râm vào túi áo rồi cả hai tiếp tục đi dạo trong những tia nắng cuối cùng của một ngày. Những tia nắng để lại vô vàn mảnh sáng phản chiếu lung linh lay động trên mặt hồ trong xanh, những tia sáng từ sau những đám mây trắng như bông chiếu xiên qua màu xanh cây cỏ như những sợi tơ vàng trên một khung cửi vô hình, Họ nắm tay nhau hay quàng tay qua vai bước đi chậm rãi trên con đường xanh trong buổi hoàng hôn buồn và thơ mộng. Thỉnh thoảng mấy chiếc lá vàng rơi theo cơn gió, có mấy cánh hoa dính vào tóc hoặc vai nàng. Chàng giữ nàng lại để gở ra trong lúc mắt nàng uống no nê hình ảnh chàng rồi họ cùng cười với nhau và đi tiếp. Khói lam chiều đang bồng bềnh xung quanh họ.
Đến khi trời tối hẳn họ đến một nhà hàng mà dân Tây hay vào vì chủ Tây làm những món ăn Tây theo ý khách. Hôm ấy trung úy Hỉ kêu hai ly rượu Champagne một món khai vị một món súp hành với hai ổ bánh mì, thịt bíp tếch, khoai tây chiên và bánh phờ-lăng tráng miệng sau cùng là cà phê cho chàng và trà cho Hồng Nhụy. Hỉ nhìn Hồng Nhụy qua ngọn nến đỏ đặt giữa bàn làm khuôn mặt nàng đẹp lung linh. Cạnh ngọn đèn là một bông hồng vàng trong một bình thủy tinh nhỏ và cao. Hỉ âu yếm nói với Hồng Nhụy: “Và anh thấy hai đóa hoa hồng khi chiều xuống” làm Hồng nhụy thẹn đỏ mặt.
Bữa ăn kéo dài hai tiếng như của những nhà quý tộc. Vui nhất là khi Hỉ dạy Hồng Nhụy cách cầm muỗng nĩa và dao, cách đặt những ngón tay khi cầm những ly chân cao để uống rượu tây . Cách sử dụng muỗng nĩa của cô vừa gượng gạo vừa duyên dáng khiến chàng phải mỉm cười và mấy người khách Tây gần đó cũng quay lại nhìn. Có lúc chàng làm nháp ở đĩa chàng và đút cho nàng ăn, sau đó giục nàng phải trả lại một miếng thức ăn bằng ấy không được nhỏ hơn hay to quá và phải đút vào miệng chàng.
Sau bữa ăn họ đi dạo thêm một lúc nữa, Hỉ thấy tâm trạng chàng khá hơn: quả thật khi một người lính biết trước mình sẽ thua trong cuộc chiến, nhưng vẫn phải sống với những nhiệm vụ mỗi ngày và vẫn phải tiến lên là một gánh nặng tâm lý như đá đeo vào cổ. Nếu không cởi bỏ quả thật nặng nề không chịu nổi. Khi chàng gọi xe kéo đưa nàng về nhà, bác xe kéo nói:
“Phường Mai Dịch tối nay bị bố ráp, nghe nói có một cán bộ cấp cao lẻn về đó. Khi nào bố ráp xong người ta mới cho xe cộ và khách bộ hành vào.”
“Nếu vậy mình tìm chỗ nào nghỉ qua đêm, mai em về sớm cũng được.” Hồng Nhụy nói.
“Thế còn mẹ em ở nhà…”
“Không sao đâu, có cái Lan chăm sóc cho bà lúc cần.”
Trung úy Hỉ suy nghĩ một lúc: chàng sợ sáng mai có người thấy nàng từ khách sạn lớn bước ra sẽ sinh lắm chuyện thị phi, còn nhà trọ qua đêm kín đáo không có ở gần đó. Chàng nói:
“Hay ta vào quân y viện nói bạn anh trung úy Charnier cho mượn hai giường trống ngủ nhờ.”
“Thế cũng được.”
Đến một ngã tư hai người rẽ phải, cổng quân y viện có đèn chiếu hiện ra cách đó chừøng năm mươi mét. Hôm ấy phòng cô y tá phụ việc cho Charnier để trống vì cô nghỉ phép. Charnier sai người đem thêm một tấm nệm đặt dưới sàn nhà cho Hỉ. Hồng Nhụy ngủ trên giường của cô y tá. Hai người sẽ mặc áo bệnh nhân cho thoải mái. Thay đồ xong, Hỉ qua phòng Charnier nói chuyện và uống thêm hai ly rượu vang. Khi quay về phòng cô y tá, chàng thấy Hồng Nhụy còn trong buồng tắm. Chàng nằm xuống nệm dưới sàn, lấy tờ báo che mặt tránh ánh đèn và chờ giấc ngủ. Hỉ tưởng mình sắp ngủ, đã thấy Hồng Nhụy trong bộ áo bệnh nhân thùng thình, tắt đèn trong phòng, đến nằm kế bên chàng, một mùi hương từ tóc nàng đã tháo khăn vấn và từ da nàng thoả ra thoang thoảng. Hỉ nói:
“Em lên giường nằm đi cho dễ ngủ.”
“Anh lên đi, đàn bà phải nằm dưới sàn nhà…” Hồng Nhụy ỏn ẻn đáp. Hỉ chợt nhớ vị trí mà người Á Đông thường dùng để bố trí các sự vật như nam tả, nữ hữu v.v…, trong khi chàng lại suy nghĩ theo kiểu nịnh đầm của người Pháp, chàng liền nói:
“Cho anh nằm nhờ vậy.”
“Với điều kiện anh phải giải được câu đố của em.” Hồng Nhụy nói, vì cô hồ nghi bài Cầu hôn sách không phải do Hỉ tự làm và cô đã hồ nghi đúng. Vả lại câu đố ấy cô đã đố thử ba người, cả ba đều không giải được.
“Ra đề đi.” Hỉ đáp.
“Ngày xưa vua nước Âu Lạc là An Dương Vương và Triệu Đà kết làm thông gia để hai bên giao hảo tốt với nhau. Con trai Triệu Đà là Trọng Thuỷ kết duyên cùng con gái An Dương Vương là Mị Châu. Đôi vợ chồng Trọng Thủy và Mị Châu sống trong yêu thương và hạnh phúc. Sau Trọng Thủy nghe lời cha xúi giục, xin Mị Châu cho xem nỏ thần, rồi lập mưu đánh tráo nỏ thần của bố vợ mà thần Kim Quy ban tặng, sau đó giả vờ về thăm vua cha của mình để khởi binh đánh nước Aâu Lạc. Trong lúc chia tay hai vợ chồng trẻ dặn nhau khi có loạn lạc sẽ dùng lông ngổng trên chiếc áo choàng của Mị Châu làm dấu hiệu chỉ con đường nàng đi qua. Bị mất nỏ thần và bị địch tấn công bất ngờ, Cổ Loa thành thất thủ. An Dương Vương cùng con leo lên lưng ngựa chạy ra Đông Hải để tìm thần Kim Quy vì nhà vua tưởng nỏ thần đã bị Kim Quy thu hết pháp thuật. Chạy mãi, chạy mãi khi gặp thần ở biển Đông, thần chỉ vào sau lưng vua, nói: ‘kẻ thù ở sau lưng nhà vua đó’. Khi vua quay lại, không thấy Mị Châu mà chỉ thấy một ni cô đầu trọc mặc áo cà sa tay cầm kéo, vua tức giận giết chết người nữ đó rồi nhảy xuống biển theo Kim Quy biến mất. Vậy em đố anh, Mị Châu lúc đó ở đâu?”
“Câu đố này khó quá, trong lúc loạn lạc lại bị quân phương Bắc đuổi ráo riết, biết nàng ấy ở đâu? Để anh suy nghĩ đã…” Hỉ giả vờ nói vì thật ra chàng đã có đáp án rồi: có lần chàng đã nghe hai người lính Việt trong đồn ngồi uống rượu đố nhau những câu đố. Họ lấy rượu thưởng nhau và nhéo tai để phạt nhau. Họ đưa ra những câu đố còn khó hơn nhiều. Câu đố của Hồng Nhụy không khó nhưng ý nghĩa rất sâu xa theo quan điểm trình bày trong bài Cầu hôn sách. Chàng nghĩ mình gặp may vì ‘trúng tủ’. Sau gần hai phút nhăn mặt, nhăn trán, chàng mỉm cười nói:
“Mị Châu chính là ni cô đó. Tóc nàng đã bị nàng cắt trọc vì khi lông ngổng trên áo đã hết sạch mà biển Đông chưa thấy, nàng liền lấy tóc làm dấu hiệu thay cho lông ngổng. Còn chiếc áo khoác khi đã rứt hết lông ngổng vẫn còn giữ lại những đường may chận trông giống với áo cà sa do nhiều mảnh ghép lại… Đúng không?”
“Hay quá, anh đáp rất đúng.” Hồng Nhụy thán phục nói, bây giờ cô đã tin tài năng của Hỉ rồi cô nói tiếp:
“Nếu sau này phải xa anh vĩnh viễn, em cũng sẽ vào chùa làm một ni cô.”
“Không, em không được vào chùa, em phải ở nhà nuôi mẹ và nếu có con thì chăm con. Em không nhớ câu: Tu đâu cho bằng tu nhà sao…”
Những lời ấy của Hỉ làm nàng cảm động, nàng bâng khuâng tự hỏi trong lòng: vậy phải chăng chàng đáng được hưởng thụ nàng trước thời gian cho phép. Rồi không cần suy nghĩ thêm nàng ôm lấy ngựïc chàng, hôn hít.
Tuy đèn trong phòng đã tắt nhưng ánh sáng đèn ngoài hành lang hắt vào mắt cáo bằng xi măng sát trần đủ để họ thấy nhau. Trong ánh sáng mơ màng ấy, khuôn mặt đẹp của nàng càng thêm huyền ảo. Chàng đưa đôi môi mình gắn vào môi nàng khiến nàng bất chợt rùng mình. Mái tóc nàng đã xoả ra trên nệm trắng thành một cái quạt lụa đen óng ả xoè ra phía trên tấm thân đã cởi bỏ y phục và trắng như cẩm thạch, trong lúc Hỉ đi sâu vào nàng giữa háng và đôi môi chàng dạo chơi trên ngực nàng như núi đôi đầy đặn nhô cao thơm mùi hoa cỏ. Họ cùng rên rỉ theo động tác “âm dương giao hoà” như hai dòng suối chảy mạnh rộn ràng đi đến chỗ hợp lưu; Cảm giác ấy lần đầu tiên Hồng Nhụy cảm nhận tuyệt vời làm sao, nó trào dâng từng đợt như sóng biển vỗ bờ đá rêu phong; khi ấy bên ngoài bắt đầu một cơn mưa ngâu tháng bảy hoà lẫn với tiếng thở và kêu rên của họ … trong đêm.
Bốn giờ sáng hôm sau khi Hỉ còn ngủ, tiếng chuông nhà thờ của một giáo xứ vọng lại Hồng Nhụy thức dậy thay y phục, nàng đứng quay mặt vào tường nghĩ mình hẳn đã rất kỳ dị trong bộ quần áo bệnh nhân. Khi nàng định xỏ tay vào áo dài, Hỉ đã nhẹ nhàng bước đến sau nàng, áp sát ngực chàng vào làn da trắng mịn màng của lưng nàng thon đẹp, và hông chàng áp vào đôi mông to mẩy tròn đầy. Chàng vòng tay giữ nàng lại nói nhỏ vào tai nàng, “Anh muốn yêu em”. Áo dài rơi xuống sàn nhà nằm gọn trên bộ y phục bệnh nhân. Chàng kéo nàng lại cái giường sắt. Một lúc sau, tiếng lò xo kẽo kẹt vang lên cùng tiếng rên nho nhỏ của hai người. Một lần nữa họ cùng nhau tận hưởng lạc thú. Năm giờ sáng hôm ấy trời Hà Nội còn mờ hơi sương, Hỉ đưa nàng về sớm. Từ đó thỉnh thoảng họ lại hẹn nhau sau những phiên đi hát của nàng, khi thì đi xem phim, khi thì đi xem kịch Tây Việt hoá. Họ không bao giờ xem cải lương vì Hỉ không thích! Sau những buổi đi chơi ấy, họ đến một khách sạn nhỏ của một bà đầm già trong một con hẻm cụt vắng vẻ để cùng hiến dâng và tận hưởng hạnh phúc qua việc “âm dương giao hội”. Có lần sau cuộc vui nàng nói với chàng: “Chính anh khai phá em và đã giúp em khám phá chính mình với những phẩm chất tốt lành của nữ tính khiến em thấy mình gần gũi với bầu trời nghệ thuật. Chưa bao giờ em cảm thấy mình rung động với những lời hay ý đẹp trong các bài ca trù mà em hát như bây giờ…”. Vâng, họ thật sự yêu nhau theo sự an bài của định mệnh mà Nguyệt Lão ở làng lụa Hà Đông là người phát ngôn chính thức.
(Xem tiếp phần 5)

 
 

Vĩnh An Nguyễn Văn Sơn