Điểm phim:

Phim A GOOD YEAR, Tâm Thức Lãng Mạn Pháp Lên Ngôi

* A Good Year: Sản xuất: 20thCenturyFox Pictures 2006 - Đạo diễn: Ridley Scott - Kịch bản: Marc Klein - Diễn viên: Russell Crowe , Marion Cotillard , Didier Bourdon , Freddie Highmore, Abbie Cornish, Albert Finney… - Trailer&movie HD upload mới nhất (tháng 10- 2012): http://phim4v.com/phim/2705/mua-tinh-yeu.html
 
 
 

TÓM TẮT TRUYỆN PHIM
Cậu bé mồ côi Max Skinner (Freddie Highmore đóng) được ông chú ruột người Anh Henry (Albert Finney ) đem về bảo bọc ở điền trang trồng nho La Siroque, vùng Provence nước Pháp. Cứ cho là ông điền chủ Henry phong lưu, háo sắc, cũng còn được chút ít rảnh trí giữa những cuộc tán tỉnh phụ nữ trong vùng, thì ông cũng chẳng quá nhọc công nuôi dạy cháu mình. Chỉ thấy hai chú cháu cùng chơi cờ, bơi lội, đánh tennis, ném banh dã cầu…. Đặc biệt là nhà sản xuất rượu nho này đã truyền hết cho cháu mình tất cả kinh nghiệm - với cung cách chuyên nghiệp, sành điệu hiếm có – về việc thử rượu, giám định phẩm chất của các loại rượu nho. Cậu thiếu niên Max không những rất thông minh, bộc lộ năng khiếu xuất sắc trong việc nếm rượu mà hơn thế, cậu còn có thể thay chú mình lo liệu mọi công việc quản lý sổ sách, tiền bạc… cho hoạt động của điền trang. Nhìn vào chữ ký của mình được thằng cháu ký thế y chang trên các tờ ngân phiếu, ông chú khen ngợi mãi: “Cháu quá xứng đáng với danh hiệu “Max 1 triệu”. Max à, cháu có thể thay thế ta được đấy”.

Thời gian qua… Max (Russell Crowe) trở thành một tay tư vấn kinh doanh chứng khoán năng động, táo bạo – đến mức phải nói là ranh ma, cực kỳ thành đạt ở thủ đô Luân Đôn. Cứ đều đều, “Max 1 triệu” mang về cả triệu euro “trúng quả” cho tập đoàn Nigel mà anh đang cộng tác.

Khi nhận được tin chú Henry đã qua đời bên đất Pháp, thì đã 10 năm trôi qua mà Max không gặp chú mình. Vì không tìm được thân nhân nào khác cùng họ Skinner nên bên Pháp tiến hành thủ tục cho Max thừa kế toàn bộ điền trang gồm nhà cửa, trại sản xuất rượu, vườn nho… Không chỉ thu xếp công việc cho một chuyến bay qua Pháp thật ngắn ngày, Max còn dự tính sẽ bán luôn tài sản thừa kế này để một mực tiếp tục nghề “binh” cổ phiếu đang rất phát đạt của mình tại nước Anh.

Điền trang xác xơ, buồn thảm. Nhãn rượu nho “La Siroque” của dòng họ Skinner đang ế ẩm, xuống hạng. Chú Francis Duflot (Didier Bourdon), thợ làm vườn người Pháp, quá giỏi giắn để ông chủ Henry bay bướm ngày nào đã phó mặc tất thảy công việc chăm sóc vườn nho, làm rượu, giao dịch bên ngoài…, nay đã già đi nhiều. Còn vợ chú, chị Barceline, một phụ nữ Pháp đầy sức sống, ăn mặc thật “mát mẻ” nhưng nấu ăn tuyệt ngon, thì vẫn giữ cái kiểu nói tiếng Anh trộn bừa tiếng Pháp.

Một khi đã tính bán điền trang, Max không hề quan tâm đến việc cứu vãn nhãn rượu “La Siroque” mà chỉ lo dọn dẹp, chỉnh trang qua loa cái cơ ngơi thừa kế này cho có bộ mặt sạch, đẹp hơn, để chụp ảnh gởi về Luân Đôn. Tại nước Anh, khi một tay trùm môi giới, bạn thân của Max, đưa ảnh ra chào mời các nhà đầu tư thì đã có người đưa ra giá nóng sốt là 5 triệu euro để mua lại điền trang, nhằm xây dựng khách sạn 5 sao hay khu du lịch, nghỉ dưỡng gì đó.

Thủ tục chuyển giao thừa kế cho Max đang tiến hành suôn sẻ thì thình lình xuất hiện cùng lúc tới hai cô gái đẹp. Giai nhân người Pháp là cô nàng Fanny Chenal (Marion Cotillard), hồi xửa hồi xưa là con gái riêng của một phụ nữ bị ông chủ Henry quyến rũ, nhưng giờ đây Max không hề nhớ ra con bạn thời niên thiếu của mình khi anh vô tình lái xe chạy ẩu, hất Fanny té xuống ruộng nho. Bị “coup de foudre” của thần Ái Tình phụ trách địa phận Pháp quốc, gã trai người Anh mò đến quán rượu ở thị trấn gần đó, nơi cô nàng Pháp đang phục vụ và bị Fanny sỉ vã cho một trận nên thân. Kẻ si tình làm mặt lì, cố lập công chuộc tội là nhào vô làm bồi bàn, phụ giúp đắc lực cho Fanny trước đám du khách người Mỹ nhất định đòi đặt rượu, kêu món ăn chỉ với người phục vụ rành tiếng Anh. Cảm động trước mối chân tình của Max, Fanny nhận lời hẹn hò…

Còn về giai nhân người Mỹ, một cô nàng rất hippy, bụi đời thì ngay khi xuất hiện, cô đã cho biết mình là con gái vô thừa nhận của ngài Henry Skinner. Trong một chuyến tham quan các trại làm rượu nho ở vùng Bắc California bên đất Mỹ, ông đã bắt tình với một nữ chủ trại. Rồi khi trở về Pháp, ông không hề biết mình đã đề lại một bào thai, tên khai sinh sau này là Christie Skinner (Abbie Cornish). Lập tức vợ chồng chú Francis khen cô gái Mỹ có “cái sóng mũi kiểu nhà Skinner”.

Nguy cho Max hơn là theo luật của nước Pháp, chỉ cần một vài thư từ, hình ảnh… làm bằng chứng, đứa con vô thừa nhận như Christie vẫn được chia phần thừa kế.

Bất ngờ đã xảy ra trong một bữa chè chén “đặc sản Pháp” thịnh soạn ở nhà vợ chồng Francis/Barceline. Từ chối dùng rượu “nhà”, nàng Christie tán thành ý kiến của Max – đã từng là một cậu bé “nếm rượu bậc thầy” đầy công tâm – rằng “La Siroque” chỉ đáng xếp vào loại rượu hạng nhì. Hơn thế, khi lục lạo, tìm tòi trong lò nấu rượu ở đây, cô gái đã phát hiện ra tạp chất mà cha mình đã lén thêm vào thùng ủ để rượu lên men nhanh hơn, có lợi hơn trong qui trình sản xuất nhưng rượu trở nên dở hơn. Thì ra, với cô gái Mỹ - chuyên gia về rượu nho, chuyến qua Pháp lần này chỉ là để được nhìn thấy nơi chốn người cha bạc bẽo của mình đã sống và làm rượu thôi. Rồi cô sẽ trở về California chứ không có mục tiêu tranh giành gia tài với anh họ mình.

Sau đêm chăn gối với Fanny, Max lại phải nghe một lời giã từ thấm thía. Cô gái Pháp bảo rằng đã yêu Max nhưng đồng thời, do quá biết óc suy tính thực dụng – tiếc là hiển nhiên cũng có trong tâm hồn lãng mạn của người tình - sẽ khiến Max bán điền trang và trở về Luân Đôn, cô cho đây là một cuộc tình “không có tương lai”.

Đoạn kết có hậu của cuốn phim diễn ra qua hình ảnh Max lén bỏ vào hành lý lên đường về Mỹ của Christie một “lá thư” do anh vừa viết xong trong một đêm dài thao thức với đầy những tranh chấp nội tâm. Dùng loại mực cũ, giấy cũ còn sót lại trên bàn làm việc của ông Henry, anh ngụy tạo lá thư và ký tên “Henry” bằng giọng điệu của chú mình, rằng vào cuối đời, ông muốn gởi gắm cho cháu mình một đứa con gái ruột mà ông thú nhận rằng đã bỏ rơi đâu đó bên đất Mỹ.

Thế là Christie hũy ngay chuyến về Mỹ, ở lại đất Pháp để điền trang trồng nho La Siroque không hề bị đổi chủ một khi người nhận thừa kế là một nữ chuyên gia trồng nho, ủ rượu. Có điều là về chuyện ươn trồng, chăm sóc cây nho, thì chú Francis, thợ trồng nho lão luyện và nhà “nho học” Christie cứ thỉnh thoảng tranh cải om xòm, mặc dù chú ta rất thích gọi cô chủ là “Henry có cái mông hấp dẫn”.

Đằm thắm hơn là anh chàng “Max 1 triệu”. Anh đã từ chối một chức vụ cao hơn mà công ty chứng khoán Nigel ở Luân Đôn vừa bổ nhiệm cho anh để qua định cư bên Pháp, tham gia sản xuất rượu trong điền trang La Siroque. Và tay cựu chuyên gia sừng sõ trên thị trường chứng khoán rất ngoan ngoản, chẳng cải lấy một câu khi cô vợ xinh đẹp Fanny bắt học thêm tiếng Pháp, để gọi tên cây nho, thùng rượu, men ủ… theo đúng giọng dân trồng nho, làm rượu vùng Provence.

NHỮNG THƯỚC PHIM NỒNG NÀN HƯƠNG VỊ RƯỢU NHO….
Nhìn chung, phim A Good Year là phim hay, đáng xem bởi nhiều yếu tố thuộc nghệ thuật điện ảnh hơi cổ điển một chút. Đó là kịch bản hay, diễn viên đẹp (nhứt là cô đào Marion Cotillard vai Fanny), cảnh trí thơ mộng, phần thoại dí dỏm và sâu sắc, nhạc nền chọn lọc với những ca khúc Pháp quốc tuyệt vời, như La vie en roseItsy bytsy petit bikini do các nữ danh ca Edith Piaf và Dalida trình bày…

Và độc đáo là các tác giả làm phim đã nhân-vật hóa rượu – rượu nho biến thành/trở nên một trong những nhân vật chính của phim. Rượu nho Pháp góp mặt suốt từ cảnh đầu cho đến cảnh cuối của phim. Nhân vật “rượu” cứ lặng lẽ xuất hiện mà lại góp phần dẫn dắt các bước diễn tiến của phim. Cứ như Tửu thần Bacchus lúc nào cũng giữ vai cố vấn cho đạo diễn Ridley Scott. Suốt các trường đoạn, hình ảnh lập đi lập lại nhiều lần là chuyện nếm rượu, nhấm nháp ly thấp, ly cao… của cậu bé Max, gã Max trưởng thành, cô nàng Fanny, ông chủ Henry…, cùng vô số các diễn viên phụ khác đóng vai du khách, dân địa phương, thợ trồng nho.v.v…

Đặc biệt là ở tất cả những gặp gỡ giữa toàn những “bậc thầy”, dân “pro.” về rượu trong phim, cứ rót ly đầu tiên hay khui chai mới là có ngay những cử chỉ, điệu bộ sành sõi ‘nhà nghề’ nhất khi uống rượu nho. Theo thứ tự thì đó là: lắc nhẹ ly, ngữi thoáng qua miệng ly, từ tốn uống ngụm nhỏ, ngậm kín và nhóp nhép miệng, sục cho rượu loang thấm hai vách trong gò má và vòm họng và sau rốt - nuốt từ từ. Kinh nghiệm dày dạn về uống, thưởng thức rượu nho đã cho biết rằng chỉ với kiểu cách nhiêu khê như thế mới giúp cho hương vị của ngụm rượu có thể cùng lúc tiếp xúc với mọi ngỏ giác quan của người uống. Nếu người Nhật Bản có những nghi thức rất trang trọng trong “trà đạo” thì dân Pháp ở khu vực điền trang La Siroque trong phim cũng rất đỉnh đạc phong cách trong “tửu đạo” - đúng hơn là “bồ đào tửu đạo” do tiếng Hán Việt gọi rượu nho ngon là “bồ đào mỹ tữu”.

Một điều thú vị khác là dân làm rượu trong phim đã cho khán giả thấy rằng không phải lúc nào loại rượu “cây nhà lá vườn”, rượu do chính họ sản xuất, cũng đều là ngon nhất, đứng đầu bảng. Trong đoạn phim về bữa tiệc ở nhà chú thợ trồng nho Francis, người góp phần làm nên danh giá rượu La Siroque của dòng họ Skinner, thì chính hai “con cháu trong nhà” là Max và Christie đã quả quyết từ chối chai “La Siroque” lâu năm nhất. Ngược lại, phải nói là cả hai nhân vật này đã sáng mắt lên, vồ vập ngay một chai “Un Coin Perdu” thật cũ do một cụ già - cha của chú Francis – thậm thụt bày ra với ý định uống riêng một mình tại bàn tiệc. “Un Coin Perdu” (tạm dịch là Một Góc Khuất Lánh) là nhãn rượu được làm từ những giống nho không phổ biến đại trà, ở những vườn nho/ trại ủ rượu nhỏ bé ở tận những vùng trồng nho hẻo lánh nhất, có thể đã mất tăm trong trí nhớ của mọi người và đặc biệt là chỉ được sản xuất với số lượng rất ít ỏi. Nhưng chất lượng, hương vị của loại “rượu ẩn tích” này thì “cực kỳ”, khiến cho chính giới chủ nhân sản xuất rượu nho cũng phải tôn lên hàng “siêu rượu” khi thưởng thức riêng cho mình hay chiêu đãi khách quí.

Giai thoại về siêu rượu “Un Coin Perdu” bên nước Pháp khiến nhớ tới các nhãn rượu đế lừng danh ở miền Nam VN, như rượu Gò Đen /Bến Lức Long An, rượu Hòa Long Bà Rịa… Cũng giống ‘cách chơi’ của mấy ông chủ lò rượu nho vùng Provence, các ông chủ lò rượu đế mình gặp lúc chè chén với nhau hay cần đãi khách thì thường họ không hề lấy rượu của mình nấu – dù là loại thượng hạng – mà chỉ dùng rượu của chỉ một, hai ‘siêu’ lò rượu được chọn qua nhiều vòng bình chọn và thường xuyên có cập nhật hóa của toàn thể chủ lò rượu tại địa phương. Lý do không chỉ là họ kiếm cho được loại rượu mà họ cùng đánh giá là ngon nhất – như kiểu rượu “Un Coin Perdu” trong phim – mà còn lý do “biết riêng với nhau” nữa, rằng đây là loại rượu đế uống an toàn nhất, được nấu đàng hoàng, lành sạch nhất.

Rượu ngon, hiếm như “Un Coin Perdu” thì phải quí, giá phải rất mắc, rất “chãnh”. Có vậy nên trong buổi hẹn hò đầu tiên giữa anh chàng Max và cô nàng Fanny, gã si tình đã “thủ” theo một chai nhãn này. Cô nàng thông minh đã nhận xét ngay: “Anh chọn chai rượu rất mắc tiền này, hẳn rất muốn lấy lòng em?”

TÂM THỨC LÃNG MẠN PHÁP LÊN NGÔI
Hẳn đã đến thời khắc chín muồi – như men rượu nho đã vừa đủ khiến ta ngà ngà say… - để nói đến khía cạnh tư tưởng nghệ thuật của bộ phim. Có thể nói, toàn bộ vẻ đẹp của tư tưởng bộ phim nằm trong sự thắng thế của tâm thức lãng mạn, trữ tình Pháp quốc trước óc thực dụng kiểu Anh Mỹ. Trong phim nhiều lúc màn ảnh cứ thay đổi chớp nhóa đến gây khó chịu về những hình ảnh tương phản giữa thị trường chứng khoán Luân Đôn nước Anh hào nhoáng, náo nhiệt với nhịp sống phố thị chụp giựt, “khôn sống dại chết”…, với vùng quê trồng nho tỉnh Provence nước Pháp êm đềm, thơ mộng và hoang sơ, với nhịp sống điền dã trôi đi chậm rãi, mơ màng. Về tâm lý các nhân vật trong phim cũng có nhiều chỗ đối nghịch, tranh chấp. Như đang chẳng quan tâm gì đến tình trạng suy kiệt của cánh đồng nho và định bán phứa điền trang thì Max Stinner, tay trùm chứng khoán ngưới Anh rất khó chịu khi thấy Francis, chú làm vườn dân Pháp cứ ung dung vừa chăm chút từng gốc nho vừa hát khe khẽ và bảo rằng “Cây nho cũng cần nghe hát mới lớn tốt”.

Đúng là có cuộc xích mích không tránh khỏi giữa chủ nghĩa duy thực, duy nghiệm của Anh Mỹ với chủ nghĩa duy cảm, duy mỹ kiểu Pháp. Nêu theo tâm hồn Pháp, cuộc trở về mảnh điền trang mà mình đã sống cả một thời thơ ấu tuyệt diệu phải được xem là một chuyến hành hương về với nguồn cội tâm linh, đằng này “Max 1 triệu”chỉ xem đấy là một chuyến vi hành “buziness” rặc mùi làm ăn, săn lợi nhuận. Ở nơi chốn xưa cũ ấy, có lúc dường như thời gian chợt dừng lại, quá khứ chợt hiện về, là những lúc Max tần ngần trước những lối đi, căn phòng, góc vườn, những cái ly thử rượu…, những thứ đã nhắc nhớ muôn vàn kỷ niệm sâu kín về cuộc sống êm đềm của cậu bé Max bên cạnh ông chú Henry thân yêu. Nhưng lập tức, thói tánh thực dụng ở hiện tại nơi Max lại cắt ngang mọi hồi tưởng đầy xúc cảm ấy. Max lại tiếp tục dọn dẹp, vứt bỏ nhiều thứ, chỉ để chỉnh đốn khung cảnh điền trang sao cho sáng sủa hơn, có giá hơn được chút nào hay chút nấy trước mắt những nhà đầu tư sắp từ Mỹ sang.

Gay cấn nhất, bị thử thách nặng nhất là cuộc tình giữa Max và Fanny. Trước tình yêu thiết tha, say đắm cùng phần tính cách tình cảm ân cần, cởi mở nơi anh chàng người Anh, cô gái Pháp đã yêu, đã dâng hiến, nhưng cùng lúc, cô nhận ra một mối đe dọa nghiệt ngã, rất dễ gây tan vỡ tình yêu, chính là phần tính cách lý trí, ích kỷ của người mình yêu.

Tuy nhiên, chính nhờ bị Fanny chia tay, Max mới sực tỉnh, mới thay đổi. Đúng ra phải kể thêm ảnh hưởng của thái độ vô tư, không trục lợi, không tranh giành quyền thừa kế điền trang, mà chỉ yêu cây nho, yêu việc làm rượu, yêu khung cảnh cha mình đã sống…, nơi cô em họ Christie, đã khiến Max tự xét lại mình mà lần hồi tự thắng được cái “ngã” thực dụng, duy lợi của mình. Để rồi, Max đã làm được một nghĩa cử chính trực là tạo điều kiện mà chỉ có chính anh mới tạo ra được như chứng cứ để cho cô em họ được hưởng thừa kế gia sản của cha cô ta để lại. Lẽ phải, lẽ công bằng đã được thực hiện. Và phần thưởng tuyệt vời dành cho “người tốt – việc tốt” là tình yêu đã nối lại cho cặp tình nhân đẹp đôi Max - Fanny…

Nhìn chung, tình yêu vẫn là một chủ đề nổi trội trong phim A Good Year. Nhưng ý nghĩa nhân sinh của bộ phim còn phong phú hơn nhờ một chủ đề phụ khác tưởng chỉ là thứ yếu nhưng nào ngờ các tác giả làm phim lại khai thác rất tài tình, đó là rượu. Như tục ngữ La Mã cổ đại có câu “In vino veritas”, có nghĩa là “ Trong rượu có chân lý, có lẽ phải”, biết đâu cái hương vị nồng thắm, bay bổng của rượu nho, vào lúc vừa đủ giúp cho người uống phấn chấn và cởi mở, chợt trở nên hào sảng hơn, chợt thấy yêu đời, yêu người hơn…, cũng góp phần – nhẹ nhàng thôi - giúp cho nhân vật chính của bộ phim là anh chàng Max Stinner gạt bỏ được tính vị kỷ của mình mà trở nên con người tốt hơn, biết hành động vị tha, biết hướng về các giá trị Chân Thiện Mỹ trong cuộc sống thời đại?

 
 

PHẠM NGA