|
1.
Hôm nay đã mùng 10 tháng chạp, cái chợ nhỏ bên cạnh nhà thờ Xóm Thuốc Gò Vấp rộn rịp người đi mua sắm đồ Tết. Chờ bà xả vào chợ mua mấy bộ quần áo làm quà Tết cho cháu nội, Hòa ngồi ở một quán cà phê gần cổng nhà thờ. Anh chạnh nhớ đâu khoảng hơn 20 năm trước, có thời gian mình đã thường ghé nhà hai người bạn thân ngụ trong giáo xứ này.
Hòa có nhóm bạn 4 – 5 người, cùng dạy học ở chế độ cũ, nay cùng ngụ ở vùng Gò Vấp, gặp nhau vẫn thường gọi nhau “thầy” dù chế độ mới không cho dạy học nữa. Bạn trong nhóm đều rơi vào khó khăn, thiếu thốn ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 75. Có điều là, dù cùng xuất thân là nhà giáo, kiểu truân chuyên, khó khăn của riêng mỗi thầy lại đều mang đầy cá tính, không ai giống ai.
Mở đầu là thầy Ngạn. Là chủng sinh nhà dòng giỏi tiếng Pháp, Ngạn tu xuất năm 17 tuổi, chỉ mới có tú tài I đã lập tức được một trường tư thục ở Đà Lạt mời dạy môn Pháp văn. Sau tháng 4-75, Ngạn đi học tập cải tạo với tư cách hiệu trưởng một trường tiểu học công lập và “được” nghỉ dạy luôn. Trôi nổi mãi qua mấy huyện nông thôn Hốc Môn, Bình Chánh…, cuối cùng anh về được vùng ven đô là giáo xứ Xóm Thuốc thuộc quận Gò Vấp. Cuộc sống bắt đầu dễ thở một chút khi chồng đạp xích lô, vợ bán quần áo trẻ em trong cái chợ nhỏ cạnh nhà thờ.
Một sinh nhật của Ngạn nhằm tháng chạp âm lịch, anh chỉ mời nhóm bạn nhà giáo cũ. Thời ấy, không được dạy học nữa, đám Ngạn, Hòa… mỗi người làm một nghề, không dính gì tới công nhân viên chức nhà nước, như: đạp xích lô, dịch sách, chạy hàng tạp hóa, thư ký văn phòng hợp tác xã, coi số tử vi…, tất nhiên thu nhâp đều thấp mà sống qua ngày. Do đó, sinh nhật phu xích lô Ngạn chỉ có vài lít rượu thuốc, một con gà vừa nấu cháo vừa làm gỏi và vài gói đậu phộng rang. Về “vật chất” chủ nhà bình thãn dọn ra chỉ như thế, về “tinh thần” cũng không kém phần đạm bạc một khi khách đến cũng bình thãn chìa ra quà sinh nhật chỉ là cuốn sách cũ mèm hay tập thơ vàng ố. Cũng không có gì bất tiện khi cả đám trải giấy báo ngồi dưới đất rồi ung dung nhấm rượu theo cách riêng…
2.
Cuộc đổi đời 30 tháng 4 đã khiến các thầy giáo ít nhiều đều từ chán đời đến bất đắc chí, từ bi quan đến buông trôi, nên khác với thời trước 30 tháng 4, hể gặp nhau thì thay vì chỉ uống cà phê, nay có thêm uống rượu. Nghĩa là trong cao trào người dân ở phía Nam nhậu rộ lên, uống rượu nhiều hơn trước thời “được giải phóng”, lần hồi các cựu giáo chức vốn dĩ mực thước đã thỉnh thoảng gầy độ nhậu, y như đàn ông ở các ngành nghề khác. Có điều là, sau 30 tháng 4, do hầu hết người dân nghèo mạt đi, còn hàng hóa, lương thực – trong đó có các loại bia, rượu tây – thì khan hiếm, mắc mỏ nên dân nhậu – trong đó có các thầy giáo - chuyển qua rượu đế, rượu thuốc rẻ hơn nhiều.
Giống những tín đồ nhút nhát mới vào đạo, các thầy giáo e ngại bị hối, bị phạt ở kiểu uống ‘xây tua’ thông thường nên khi nhậu với nhau, cách uống được sửa lại cho hiền lành hơn, cũng như sẽ miễn sát phạt nhau. Đó là không có ly ‘xây tua’ mà có chai rươu nhỏ ‘xây tua’, chai đến ai thì người đó tự rót tới-đâu-cũng-được vào ly riêng của mình, còn chưa uống cạn ly của mình thì cứ cho chai ‘xây tua’ qua người bên cạnh. Dù kiểu uống này đã từng bị vài ông, vài anh không phải nhà giáo tình cờ tham gia phê bình rằng không vui bởi không hào hứng, sôi động, nhưng đám Ngạn, Hòa… vẫn không thay đổi kiểu uống, bởi chỉ với kiểu uống ‘xây tua’ mềm mỏng, ‘không sát phạt’ ấy họ mới thấy thoải mái, dễ chịu. Phong cách nhà giáo rơi rớt của họ là dù có đang nghèo khó, thiếu thốn cũng vẫn có cái chất từ tốn, nho nhã trong cư xử, ăn uống…
Hòa nhớ khi đã ngà ngà, Ngạn xướng một câu:
Chiều ba mươi, thầy giáo tháo giầy ra chợ bán,
Một thầy tên Thiện, cũng ngụ trong giáo xứ Xóm Thuốc, đã đối lại khá chỉnh:
Sáng mùng một, giáo chức ‘dứt’ cháo đón xuân sang.
Men rượu thuốc càng lúc càng khiến cho mỗi câu chuyện, mỗi đề tài trao đổi giũa bạn bè trở nên thú vị, hào hứng hơn. Độ nhậu hiền lành của các thầy giáo kết thúc ở liều lượng vừa phải khi vị khách ít nói nhất lên tiếng nhắc nên dừng cái chai ‘xây tua’ để chủ nhà còn dọn dẹp, nghỉ ngơi vì sớm mai chị còn phải dọn hàng ra chợ, anh còn phải đẩy xe ra kiếm khách…
3.
Sau bao nhiêu khó khăn, run rủi thế nào đó mà cuộc sống của Ngạn thầy-giáo-đạp-xích-lô một thời nay lại rất ổn, đó là nhờ có 3 con gái thì vợ chồng đứa đầu đang làm chủ một doanh nghiệp lớn về ngành IT và hai đứa sau đều yên bề gia thất khá giã ở châu Âu. Bạn bè cũ đã tròn mắt bất ngờ khi nghe Ngạn từng đi du lich Mỹ và vài nước châu Âu, còn chơi ngông sắm xe mô tô phân khối lớn…
Cũng run rủi thế nào đó, những người khác của nhóm thầy-giáo-tháo-giày hơn 20 năm trước nhìn chung cũng thoát nghèo, cũng khá lên. Dẫn đầu chính là thầy Thiện - người duy nhất sau 30 tháng 4 được cho tiếp tục dạy môn Văn ở một trường cấp 3 trong quận. Vốn mộ đạo, nhút nhát và không đẹp trai, bạn bè đã làm cò tình giới thiệu cho Thiện 1-2 cô cũng đều là con chiên ngoan đạo, hiền hậu nết na, nhưng không vụ nào thành đôi. Run rủi đến năm 58 tuổi, Thiện gặp gỡ trong giáo họ một cô đã 45 tuổi, y tá trong BV Nhi đồng 2, nên duyên trong xác định rằng lấy nhau chỉ để có bạn đời chăm sóc nhau. Nhờ bên gia đình cô y tá rất giàu, anh em ở cả nước ngoài nên cặp ‘tình già’ không có con này đã định cư an nhàn ở đất Mỹ…
Về các thầy khác trong nhóm, ngẫu nhiên thú vị là họ thoát nghèo, khá lên đa phần là nhờ con cái. Như thầy Hạnh, khi cuộc sống bắt đầu tạm ổn bằng chấm số tử vi thì khổ thảm vì vợ mất bởi ung thư cùng con trai mất bởi tai nạn xe cô, nay anh già ngoài 70 vẫn coi như “độc thân vui tính, tiền bạc rủng rỉnh” bởi trong dòng tu của cô chị - con gái lớn của Hạnh - đã giới thiệu một ông người Pháp giàu có về cưới cô em, ông rể đã cất luôn cho cha vợ một căn phố lầu 3 tầng… Đến thầy San, sau 30 tháng 4 từng ngồi sửa giày dép ngoài đường, bán cà phê cóc, dịch tài liệu giảng dạy cho nhà dòng…, cặm cụi phụ cho con gái du học Pháp với học bổng bán phần, tốt nghiệp thạc sĩ trở về làm việc lương cao, lấy chồng không thể không giàu… Đến thầy Hòa, người trẻ nhất, cũng mơ mộng, lãng đãng nhất trong bọn, bấy lâu nay việc ngăn phòng trong nhà cho sinh viên thuê lấy thu nhập cũng tạm ổn trong khi chờ xét đi định cư ở Úc do con bảo lãnh…
4.
Nay lại tháng chạp, lại sinh nhật thầy Ngạn. Bán căn nhà nhỏ xíu trong giáo xứ, Ngạn đã về một căn phố lầu ‘3 tấm’ trong hẻm lớn. Chủ nhà gõ ly, tuyên bố khai mạc đại tiệc ê hề cao lương mỹ vị: “ Các thầy à, thầy Thiện có gởi về 200 đô, dặn là phụ vô cho tôi làm vừa sinh nhật vừa tất niên cả nhóm bữa nay, và… Đặc biệt đáng cho điểm 10 là dù bao năm qua rồi, thầy Thiện đã nhắc cái ước-gì-có-đủ-bốn-màu của thầy Hòa ngày trước. Và cái hiện thực đủ-bốn-màu đã có hôm nay các ông ạ!”.
Trong quãng hơn 20 năm về trước, trong một độ nhậu ở nhà Ngạn, tất nhiên là rượu thuốc nhà nghèo, nhân khi nhắc đến những thứ bán với giá hạ trong PX Mỹ mà đám thầy giáo có thể nhờ mấy người bạn Mỹ mua dùm, như: quẹt máy Zippo, kiếng mát Rayban, các loại rượu Blach and White, Johnnie Walker …, Hòa đã xuýt xoa: “Ước gì giờ này mà tụi mình có chai Johnnie Walker nhãn đỏ, hay ngon hơn, chai nhãn đen! Thôi, ước gì có đủ luôn bốn chai bốn nhãn đỏ, đen, xanh, vàng đi, mới là nhất trên đời!”
Kìa, ở đầu bàn thầy Ngạn-hay-chơi-ngông đã cho khui cùng lúc các chai whisky nhãn Johnnie Walker đủ bốn mùi/hương vị thông dụng tức bốn nhãn (label) của loại whisky hay được gọi tếu là “Ông Mỹ Đi Bộ” này, là: đỏ (red), đen (black), xanh (blue) và vàng kim (gold). Tại bàn còn để rải rác nhưng lon soda ướp lạnh cùng những cái chung nhỏ, để các thầy ung dung tự tại, tha hồ nhấm rượu theo ý riêng, hoặc là uống whisky pha soda (consomation), hoặc uống nguyên chất whisky (sec) từng chung nhỏ cho “thơm râu” tùy ý; còn kiểu cách thì ‘xây tua’ mềm mỏng, không sát phạt lâu nay của riêng họ,
5.
Thật chậm rãi với xen kẽ các quãng dừng nghỉ, Hòa lần lượt thưởng thức từng nhãn Johnnie Walker đỏ, đen và xanh bằng từng cặp ly, một chung nhỏ nguyên chất rồi một ly pha soda. Phải nói là đã thấm rượu, đã bắt đầu say nên Hòa ra dấu cho cậu phục vụ bàn khoan rót chai Johnnie Walker nhãn vàng kim vào chung nhỏ trước mặt anh. Hòa ngồi im ắng, nhìn bạn bè quanh mình, thoáng khép hờ đôi mắt.
Từ khi bước vào tuổi già, đối diện năm sắp tàn tháng tận, thường thì tâm-trạng-tháng-chạp của Hòa là một kiểu trầm cảm, bâng khuâng phiền muộn mơ hồ.
Vài năm gần đây, khi ngồi suy nghĩ tính sổ năm cũ, nhân tiện cho cả quãng dài vài chục năm quá khứ, dần hồi không hiểu sao trong lòng anh nhạt dần cảm giác thất vọng, chỉ còn dửng dưng trước cuộc đời.
Như hôm kia, tình cờ ngồi cà phê một mình cạnh nhà thờ Xóm Thuốc mà nhớ quãng thời gian hơn 20 năm về trước hay ghé nhà Ngạn và Thiện, phải nói cảm nhận của Hòa đã đầy thương cảm đối với quá khứ, dù khách quan mà nói, cuộc sống của anh cùng nhóm bạn cựu nhà giáo đã sáng sủa hơn thời 20 - 30 năm trước khá nhiều khi thầy nào thầy nấy tuy không phất lên giàu sụ nhưng cũng tạm đủ sung túc nhờ đám con cái thành đạt, có thể hợp sức nhau nuôi bố mẹ già. Rồi một lát sau, hoài niệm dĩ vãng bi quan ấy lại chuyển sang dửng dung, hanh khô cảm xúc.
Và hôm nay, Ngạn cùng Thiện đã bỏ ra vô số tiền tổ chức họp mặt tất niên nhóm bằng bữa tiệc ê hề các món đặc sản cùng rất tốn hao, chơi ngông là món uống whisky Johnnie Walker đủ bốn màu; chủ tiệc còn nhấn mạnh đây là thực hiên một mơ ước bâng quơ của Hòa đã thố lộ vào cái thời cả đám bạn còn rất khó khăn, thiếu thốn. Vậy mà Hòa, từ cảm giác ban đầu hồ hỡi hòa mình vào không khí náo nhiệt chung với mọi người tại bàn tiệc, dần hồi anh như mỏi mê gục ngã vào nhưng hoài niệm đầy ray rức. Rượu ngon, rươu mơ ước nay đã có đấy nhưng anh uống một cách ung dung chừng mực để chỉ say nhẹ nhàng, nhưng rốt cuộc, càng uống trong lòng Hòa càng phiền muộn không đâu…
Có lẽ trong bất cứ hoàn cảnh đã ‘đổi đời’ cao sang, phú quý nào, người ta – nhất là một nhà giáo - luôn thầm lặng có cảm xúc nợ nần đối với quá khứ nghèo và buồn của mình?
|
|