|
Sau một cái Tết bình thường, T. bỏ nhà ra đi. Một lá thư bốn trang giấy vở học trò để lại trong ngăn kéo bàn học. Vẫn nét chữ mộc mạc của cô sinh viên ngoan ngoản, hiền lành, nhưng lần này, sau lời “Kính thưa ba me” lại đột khởi một hành vi không hiếu thảo, ngoan hiền chút nào. Ba mẹ T. đau khổ gần như điên dại. Dò hỏi bạn bè thân sơ trong trường, ngoài lớp của T.; bắn tin cho bạn bè, bà con thân thuộc - kể cả bà con ở ngoài Sài Gòn hay tận dưới quê; lục tìm danh sách bệnh nhân trong các trung tâm cấp cứu, bệnh viện, cả nhà xác của những nơi này; đem ảnh của T. đến báo cho công an phường, đăng lời rao trên mấy tờ báo và ti-vi; ra bưu điện đăng ký dịch vụ " hiển thị số máy vừa gọi đến".v.v… Chỉ trong vòng vài ngày, ba mẹ, các em của T., thêm sự giúp sức của thân-bằng-quyến-thuộc, đã vận dụng tất cả mọi phương cách có-thể để truy tìm tin tức, hành tung của cô bé. T. vẫn biệt tăm. Rõ ràng, T. đã thành công cho ý định bỏ nhà ra đi. Đi mãi không về…
Vào thập niên 60, Albert Camus, nhà văn Pháp, một trong những nhà tiền phong của nền văn học hiện sinh đang lên ngôi thời đó, cũng đã để cho nhân vật của mình ra đi. Một buổi tối, một người đàn ông bảo với vợ rằng ông ra phố mua gói thuốc lá. Rồi không bao giờ ông trở về nhà nữa. Từ lâu, ông đã âm thầm chịu đựng nỗi nhàm chán kéo dài của mọi sinh hoạt đời sống. Ngày ngày đến sở làm, vẫn những câu chào hỏi, bông lơn giả tạo và hờ hững, vẫn cái cà-vạt màu mè không-thay-đổi của anh đồng nghiệp… Rồi về nhà, vẫn những buổi tối lạnh lẽo ngồi đọc báo, xem ti-vi cùng người vợ “quá đỗi trung bình”, vẫn những câu gợi chuyện, hỏi han lập đi lập lại trong cuộc hôn nhân “quá đỗi bình thường” theo năm tháng… Sự đơn điệu, nhàm nãn đến mức buồn nôn về nỗi phi lý của cuộc đời đã đẩy ông đến chỗ phải quyết định đào thoát - ra đi!
Hồi đó, tuy chỉ là an ổn ngồi đọc Camus, nhưng những tên sinh viên mới trưởng thành như tôi đã ít nhiều không thoát khỏi nỗi ám ảnh âm ĩ, nặng nề của Hư Vô, nhất là khi hiểu ra rằng chính cuộc ra đi bởi "lý do triết lý" - một nhân sinh quan vô vọng - của người đàn ông trong truyện, kỳ cùng cũng không thoát khỏi nỗi phi lý dày đặc, bao trùm lên hiện hữu con người.
Rồi cách đây 10 năm, tưởng rằng đã đổi đời, thực tế sinh hoạt xã hội còn quá nhiều khó khăn, nan giải thì không còn chỗ cho triết lý, tâm linh gì ráo trọi, tôi lại bị… biết một vụ bỏ nhà ra đi khác. Đó là vợ của một anh phóng viên một tờ báo Công giáo ở Sài Gòn, chị coi sóc thư quán của tổ chức tôn giáo mà cả hai vợ chồng đều là tín đồ sùng đạo và có đức hạnh. Rồi một hôm, chị lặng lẽ bỏ đi. Không một lời giải thích để lại. Người chồng đau khổ và đáng kính - 10 năm qua, anh vẫn gà trống nuôi con và nuôi hy vọng…- cho biết bản tính vợ mình rất trầm lặng, rõ hơn là có bị bệnh trầm cảm, lại thích Thiền. Rồi ngẫu nhiên lại kết bạn thân thiết với một ni cô đến thư quán mua sách. Cho nên, anh chồng cố gắng tìm cách lý giải, cho rằng rất có thể vợ anh đã bỏ nhà ra đi vì một "lý do tâm linh" u uẩn nào đó.
Còn cô sinh viên T. vừa ra đi thì bởi lý do gì, nếu không phải là lý do tâm linh hay triết lý? T. vốn là nữ sinh giỏi của trường trung học vốn là trường Pétrus Ký cũ, đang là trường phổ thông danh giá nhất thành phố, và đã từng đoạt giải nhất, nhì các cuộc thi tiếng Nga cấp thành phố. Cô bé nhà chỉ-đủ-ăn này còn trội hơn những bạn học thuộc gia đình cán bộ cao cấp, giàu có (cũng phải học giỏi tương đối mới được tuyển vào trường) khi được quĩ bảo trợ Vì Ngày Mai Phát Triển do một tờ báo vận động, cấp học bổng cho nhiều năm liền. Ở tuổi 22, T. sắp tốt nghiệp đại học khoa ngữ văn, còn chịu khó rèn thêm Anh ngữ trung cấp. Cô bé sống thiên về nội tâm, hơi khép kín với người xung quanh và chưa có bạn trai, theo nghĩa bồ bịch yêu đương.
Nhân thân "lý lịch" là thế, sao T. đột ngột bỏ nhà ra đi ? Tuy giữ khư khư chứng tích cuối cùng của con gái mình, nhưng mẹ T. cũng đã cho bạn bè nghiên cứu lá thư. Khó có thể khẳng định lập tức đây là thư tuyệt mạng vì trong thư không hề có các từ "chết”, “từ giã cõi đời”, “rời bỏ kiếp nhân sinh"… hay đại loại như thế. Phần lớn lá thư chỉ là sự bày tỏ lòng biết ơn công đức sinh thành “chưa báo đáp mà đã phạm tội bất hiếu”, cùng tình thương yêu dành hết cho cha mẹ và các em, hay lời nhắn nhủ các em phải chăm học và vâng lời… Nhưng đáng chú ý là sau khi tự cho là việc ăn học của mình đã chất chồng lên gánh nặng kiếm sống khổ cực của ba mẹ, khiến cha phải quanh năm vất vã, khiến em trai kế phải bỏ học, đi làm…, T. đã lập lại hai lần trong thư mình. rằng cô có ước mơ thiết tha được sớm đi làm để giúp gia đình.
Để rồi, T. tự nhận xét: "Con đã thấy mình là người không thể nào thành đạt, bước vào đời thì con chỉ là thứ lục bình trôi giạt".
Một người bạn lại nêu nghi vấn: "Có thể cháu T. thiếu sức khoẻ, thậm chí có thể đang bị một bệnh nan y, nên mới bi quan về tương lai mình?". Cha T. đã giải đáp là tuy con gái mình co ́dáng gầy ốm nhưng lâu nay cháu không mắc một trọng bịnh nào, kết quả khám sức khoẻ tổng quát gần đây cũng bình thường. Mẹ T. cho biết là mẹ con chị rất gần gũi nhau, không có gì ngăn cản T. tâm sự, thố lộ về một căn bệnh kín, bệnh nặng nào đó, ung thư chẳng hạn, nếu như cháu nó vừa biết là mình mắc phải. Loại trừ được lý do bệnh tật mà dấu kín khiến con bỏ nhà ra đi nhưng bà mẹ cứ khóc mà nhắc mãi một câu chí tử trong thư "Ba mẹ đừng đi tìm con, vô ích".
Tôi lại thấy điểm “chí tử”, căn nguyên của thảm kịch, rất có thể nằm ở đoạn "không thể nào thành đạt", dù ở một đoạn thư trước đó, cô cho biết rất thấu hiểu về sự hy sinh vô bờ bến của cha mẹ mình, rằng hai đấng sinh thành đã nỗ lực nuôi các con ăn học, chỉ là để chúng có điều kiện ra đời kiếm sống, được thành đạt thì có thể tự lo lấy bản thân cùng gia đình nhỏ của chúng sau này, chứ thâm tâm ông bà không chủ định vào việc con cái phải quay lại chăm lo cho mình. Nhưng, cô viết tiếp rằng bổn phận làm con là phải khác, không thể ỷ vào tấm lòng trời biển của cha mẹ mình mà chỉ biết nhắm về một cuộc sống ích kỷ cho bản thân trong tương lai mà xem nhẹ trọng trách báo hiếu cho mẹ cha. Vừa phải lo cho bản thân vừa phải lo cho cha mẹ lúc tuổi già, sức yếu, đứa con nào có thể tránh né, tự miễn cho mình trách nhiệm thành đạt?
Cô bé đã tuyệt vọng đến nỗi không hề cho biết khi bỏ nhà ra đi thì sẽ đi đâu, làm việc gì để thay đổi, khắc chế nỗi ám ảnh "không thể thành đạt". Nhưng làm sao một cô sinh viên nết na, học giỏi lại hoàn toàn bi quan về năng lực của mình khi bước vào đời? Theo lời anh chị bạn thì nếp sống khép kín của con mình chỉ vài lúc xao động nhẹ nhàng, như khi T. bước thử vào đời. Trong hai tháng sau Tết, T. có đi làm một công việc bán thời gian cho một công ty du lịch, rồi do bị chuyển sang làm ban đêm nên cô bé phải nghỉ, bỏ qua cơ hội lần đầu tiên đi làm ra tiền . Kế đó, đã rảnh rang nên T. tham dự một chuyến cắm trại dã ngoại của sinh viên tổ chức ba ngày ở vùng biển Phan Thiết. Và đây cũng là lần đầu tiên trong đời, hai đêm liền cô sinh viên hiền lành đã không ngủ ở nhà mình…
Có lẽ là từ lâu, T. đã bắt đầu thầm lặng đau khổ, nhận ra những hạn chế nơi con người mình. Tốt nghiệp ngữ văn thì chỉ có thể đi dạy học hay làm việc ở các viện nghiên cứu, toàn những nơi thu nhập kém. Đằng này, T. đã nhắm vào các chỗ có lương bổng khá để mang về giúp ba mẹ, như ngành du lịch hay xuất nhập khẩu, nên đã nổ lực học Anh ngữ. Và chính nhờ vốn liếng Anh ngữ, T. mới được nhận vào làm "một buổi" ở công ty du lịch kia. Nhưng khi đã có mặt ở môi trường hoạt động của ngành du lịch, cô bé không tránh được ít nhiều tủi buồn , hụt hẫng khi thấy quá rõ giá trị của phần ngoại hình - lợi thế trời cho của nhân viên nữ và cũng là một điều kiện "ưu tiên" ghi trong những bảng thông báo tuyển dụng. Tuy trông cũng dịu dàng, dễ mến, nhưng đặt trong thang điểm dung mạo, vóc dáng thì cô bé chỉ đạt mức "trung bình yếu". Làm sao tiến thân, lên chức, lên lương, ngay khi chỉ được làm ở bàn giấy? Ông giám đốc, ông trưởng phòng nào chẳng ưu ái một cô thư ký, một cô đồng nghiệp xinh đẹp, hấp dẫn? Hơn nữa, dù có thể châm chước cho sự "thiếu ngoại hình" thì những hoạt động nghề nghiệp làm ra nhiều tiền như T. nhắm đến bao giờ cũng tất bật, náo nhiệt, thậm chí chụp giựt, đãi bôi, "mồm mép đỡ chân tay", làm sao phù hợp với bản tính nhút nhát, ít năng động nơi một thiếu nữ hiền lành, chỉ quen sống hướng nội, trầm lặng và khép kín?
Cảm nhận về sự bế tắc ước vọng đầu đời còn được cô sinh viên nghĩ suy, nghiền ngẫm trong những đêm ngủ ngoài trời, vào dịp đi dã ngoại ở miền biển. Đâu cần tới sức ma mị của những ca khúc sầu đời của TCS mà T. rất yêu thích như Phôi pha, Bên đời hiu quạnh, Cõi tạm…, mà chỉ cần ở hoàn cảnh xa cách không khí ấm cúng, quen thuộc của gia đình, một mình đối diện với bóng đêm câm nín, cô sinh viên mảnh khảnh đã sụp đổ tinh thần , mất tự tin vào mình.
Đôi khi…, ngậm ngùi như TCS, ta thấy mình chỉ là "một thứ lục bình trôi giạt" vào những tháng ngày vô định. Bước vào đời, chọn một nghề nghiệp là chỉ mong giúp đỡ gia đình. Nhưng tương lai, sự nghiệp ta lại không có triển vọng, dù cho có nỗ lực trí tuệ đến đâu đi nữa. Có thúc thủ ở những nghề nghiệp không sáng sủa tiền tài khác như nghề dạy học, thì cũng chỉ là kiểu lục bình bèo bọt, không làm chủ được sự thăng tiến công danh. Thôi thì từ bỏ tất cả, để làm chuyến dã ngoại cuối cùng của đời mình. Chuyến dã ngoại xuôi về chốn Hư Vô!
"Không công danh nát với cỏ cây!", thật sắt đá cho cái tư tưởng của ông nhà nho Nguyễn Công Trứ thế kỷ 19. Nhưng ở thế kỷ 20 và 21, không phải chỉ có bọn trẻ như T. phải học thuộc lòng mà cả người lớn, dù muốn dù không cũng khó tránh được kiểu suy nghĩ cứng nhắc, khắc nghiệt của số đông người. lề thói xã hội ấy. Từ lâu rồi, thầm lặng dựng nên một nền văn hóa sính bằng cấp, đại đa số các gia đình cứ xua con cái vào lối đi rất hạn hẹp là vào đại học. Phải tốt nghiệp đại học để vào đời kiếm công danh. Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng hằng năm đã gây tốn hao không biết bao nhiêu là công sức, tiền bạc…của cả nuớc mà vẫn luộm thuộm, kém trung thực, kém hiệu quả. Trong một diễn đàn về đề tài "Đại học có phải là con đường duy nhất?", có tới trên 600 ý kiến tham gia. Giới học sinh thi rớt - đành thôi học mà đi làm - thì rên xiết, bị stress nặng nề khi chỗ làm nào cũng đòi tiêu chuẩn tốt nghiệp đại học, trong khi, như một vị giám đốc – có suy nghĩ tiến bộ - đã nói: "Ví dụ cần nhân viên quản trị mạng thì kỹ thuật viên về mạng cũng đủ, tại sao phải cần tới người tốt nghiệp đại học?". Nhưng giới chủ công ty thú nhận là cứ tuyển người “dư điều kiện” cho chắc ăn, vì sinh viên mới ra trường thường không có kinh nghiệm làm việc. Xã hội suy tôn bằng cấp nên mới có nạn bằng cấp giả … Và thảm kịch xảy ra, như một học sinh trường NTH. đã tự tử chết vì thi rớt đại học. Một phụ huynh nói: "Nghe tin này tôi kinh hoảng, không dám rầy thằng con tôi thi rớt nữa và nói với nó rằng, thôi, ba không cần con đậu vào đại học, ba không cần sĩ diện với thiên hạ nữa, chỉ cần có con là đủ!".
Tiếp theo gánh nặng học hành, gánh nặng thành đạt lại nặng trĩu trên vai bọn trẻ. Sắp tốt nghiệp đàng hoàng như cô sinh viên T. cũng nào có an ổn một khi những gia đình nghèo hay chỉ đủ ăn, như ba mẹ T., dù ít dù nhiều cũng không tránh được nỗi kỳ vọng - rất tự nhiên và chính đáng - vào sự thành đạt của con cái, để có cơ hội thoát nghèo, thoát khổ. Thảm kịch đã tiếp diễn…
Trong cuộc sống, lúc nào cũng có những sự việc không thể nào sửa chữa. Sau một năm không biết con mình sống chết thế nào, ba mẹ T, đã lập bàn thờ, ngày giỗ là ngày cô bé bỏ nhà ra đi. Sự ra đi đã không có "lý do triết lý", "lý do tâm linh" mà chỉ vì "lý do xã hội - thời thế sính bằng cấp và thành đạt". Trước kia, cô bé T. giỏi văn đã được đăng báo một truyện ngắn đầy cảm xúc, tựa là Chú chim nhỏ, còn được in lại trong một tuyển tập truyện học trò. T. kể chuyện một con chim bị mưa bão phải dạt vào mái hiên nhà cô bé, được chăm sóc, cứu chữa xong thì chim bay đi, nhưng thật dễ thương, một hôm chim lại quay về, đậu hót ngoài hiên. Lần này thì chính cô bé tác giả, với tất cả những mường tượng tuyệt vọng về chính mình, đã mơ hồ chọn lấy thân phận con chim lạc loài, tắt tiếng hót, và điều đau xót là chim không bao giờ quay về nữa…
(Tuyển tập ký/truyện THỨ NHỤC DỤC TỦI NHỤC, in ở Australia 2007)
|
|