|
Xưa nay, trong cuộc sống đầy thăng trầm của mỗi con người thì ở tù là một nốt nhạc trầm đặc biệt là… đau khổ!
Theo lối nói, lối viết xưa một chút thì nghe khá văn vẻ là "mắc vòng lao lý", nhưng trong ngôn ngữ đại chúng, đường phố thì chỉ đơn giản, lạnh lùng là vô trại cải tạo, vào trại cai nghiện, nhập trường giáo dục nhân phẩm, hay nói theo giọng giang hồ thì là nằm ấp, vô ấp, đi xé lịch, đi trồng mít .v.v.. Dĩ nhiên, người ở trong tù, trong trại thì mất tự do đã đành, mà gia đình, người thân của họ ở ngoài tù, ngoài trại cũng truân chuyên nhiều nổi.
Trước hết, về chuyện trại cải tạo thì quí anh SQ chế độ cũ đã quá rành. Do đó, xin phép thuật lại một câu chuyện nhỏ của một người bạn nhà giáo. Năm 1981, không còn chịu nỗi khó khăn, thiếu thốn quá sức quẫn bách ở Sàigòn, vợ anh đã tự ý ôm thằng con ba tuổi mò xuống nhà cha mẹ ruột ở khu Rạch Dừa, VũngTàu để tìm đường "canh me" vượt biên. Rốt cuộc là chị…thua! Hai mẹ con bị đưa về trại giam dân vượt biên bị bắt nằm ở khu ngã tư Giếng Nước, tạm gọi là trại Cựu chiến binh (cũ). Còn chồng chị đâu rồi nhĩ? Anh bạn tôi đã buồn bã thú nhận rằng lúc ấy anh thuộc loại người mà một thời đã bị gọi là dân 3N, tức là do Nghèo, Nhát và Ngu mà không dám tìm-đường-cứu-nước. Đã không dám đi cùng vợ con, cũng không có lý lẽ gì thật thuyết phục để can ngăn, rồi khi vợ con mình ở tù, anh cũng không dám công khai đi thăm nuôi. Anh sợ tên tuổi chồng-của-tội-phạm-vượt-biên có thể bị công an Đồng Nai báo cáo ngược về Sàigòn thì chắc chắn là anh mất chỗ làm công nhân viên nhà nước, nghĩa là…hỗng giò, mất luôn cái chỗ bám kiếm sống dù hết sức là bạc bẽo. Cứ nửa tháng một lần, vào ngày cuối tuần là anh mang số tiền ít ỏi vay mượn được cùng vài món đồ ăn, đồ dùng bèo bọt xuống Vũng Tàu, đưa hết cho bà mẹ vợ. Anh vừa nghe bà mẹ kể lại chuyến thăm nuôi mới vừa rồi và mô tả vợ con anh mập ốm, xanh trắng thế nào, vừa nhìn cái giỏ đệm cũ kỹ vẫn dùng để đựng thức ăn, đồ dùng thăm nuôi có tô đậm tên người nhận - cái tên yêu dấu của vợ anh. Anh bạn tôi đã không thể cầm được nước mắt, nhớ vợ nhớ con đến đau thắt tâm can. Lại có chuyện thằng nhỏ vô trong đó cứ vô tư ham ăn khoai lang. Trong trại thì còn thứ gì dễ kiếm hơn khoai lang, khoai mì nên cu cậu cứ đòi ăn mãi, nửa đêm đau bụng đến ĩa bậy làm thối rùm cả phòng giam, khiến mẹ nó lúng túng, tất tả dọn dẹp đến phờ người. Anh bạn càng ngây dại vì nhớ con mình - người tù bất đắc dĩ nhỏ tuổi nhất trại - với tất cả cảm giác vô vọng, bất lực. Anh đã đành xuôi tay chịu đựng vì vợ và mẹ vợ anh đã thầm lén bàn với nhau là bà ngoại phải tìm cách từ chối, không nhận đem cháu về, để thêm lý do "hoàn cảnh" cho ban quản trại thả phứt con gái mẹ nó sớm sớm một chút. Thôi thì bạn tôi, người thân của hai kẻ tội tù, ráng mà cúi mặt, ẩn mặt trong khi gậm nhấm nỗi niềm khổ đau, lo lắng cho vợ con mình còn ở trong trại tạm giam…
Những năm sau này cuộc sống vật chất nói chung cũng có phần đỡ hơn, nhưng đối với những người phải chịu gánh nặng cưu mang cho thân nhân ở tù, ở trại thì dù họ có khấm khá gấp trăm lần anh bạn tôi đi nữa cũng vẫn một tình cảnh vất vã, nhọc nhằn như trước kia thôi. Mở đầu câu chuyện của gia đình cậu thanh niên tên P. là vào đầu năm 2002, trước những dấu hiệu nghiện xì ke không thế nào che dấu được nữa, ba mẹ P. đã quyết định mời bác sĩ của Trung tâm cai nghiện Bình Triệu đến nhà. Gía chữa trị đến hơn 2 triệu đồng/tuần nhưng chỉ mới có một ngày đêm, sau khi vô hai liều thuốc cai ( trị giá 200,000 đồng) , con nghiện đã quằn quại, vật vã như sắp tắt thở. Xót ruột quá nên ba mẹ P. gởi cậu vô luôn trong Trung tâm Bình Triệu . P. nằm tại Bình Triệu được 2 tháng rưỡi ( mỗi tháng gia đình phải đóng 1.9 triệu đồng) thì thành phố mở chiến dịch thu gom tất cả con nghiện. Dù gia đình có trình bày hết lời thì xe của công an cũng tới trung tâm Bình Triệu "rước" P, để cho cậu chính thức nhập trường trại cai nghiện của nhà nước. Đó là trại Lâm Hà, nằm tuốt ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Bộ phim "con đường đau khổ" của người thăm nuôi cũng chính thức trình chiếu!
Mỗi tháng một lần, sau thủ tục làm đơn xin thăm nuôi đã được duyệt xét, người đi thăm trại viên phải "tập kết" lúc 2 giờ sáng tại trụ sở lực lượng thanh niên xung phong thành phố ( quản lý hệ thống trường, trại cai nghiện) nằm ở đầu đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn. Người ta không có chọn lựa nào khác hơn là xe ca của cơ quan này với giá vé khứ hồi160,000 đồng, xe máy lạnh thì 180,000 đồng. Xe khởi hành lúc 3 giờ sáng và mọi người phải mất 8 tiếng đồng hồ mệt mõi, hốc hác bởi mất ngủ và dằn xóc vì đến ngã ba Đức Trọng còn phải đi thêm 50, 60 cây số đường rừng mới đến trại. Buổi trưa gặp mặt nhau qua rất nhanh, chưa kịp han hỏi, dặn dò cho đàng hoàng thì đã bị kêu tập trung ra xe quay về Sàigòn… Đến đầu năm 2004, cha của P. chết vì tai nạn xe cộ. Chưa liệm người quá cố thì gia đình đã chạy lo thủ tục xin cho P. được về phép đột xuất để chịu tang cha.
Lần này, vì người dày dạn kinh nghiệm cay đắng về việc đi lên trại cai nghiện là bà mẹ của P. đãvừa khổ đau, vừa bận bịu sốt vó cho tang sự nên một bà cô đã thế vào. Chạy nộp đơn cho lực lượng TNXP ký duyệt xong, bà cô còn phải mang thẻ chứng minh nhân dân của mẹ P. lên ủy ban phường xin chứng tờ giấy mẹ P. ủy quyền cho bà cô thay mặt mình đi rước P. về. Thư ký phường bảo là không cần thiết. Đã quá quen cái thói nhì nhằng, trở chứng bất thường của các cửa quan nên bà cô đã nài nĩ, nhất định xin chứng cho thứ giấy "không cần thiết" ấy cho chắc ăn vì lỡ cái nơi cách ủy ban phường này mấy trăm cây số mà làm khó dễ thì chỉ có chết! Chiếc xe bao với giá cao khởi hành ngay vào lúc 3 giờ chiều tại đầu xa lộ Biên Hòa vàphải chạy không ngừng nghỉ dọc đường. Tại nhà đám, dù đã tẩn liệm người chết vì không thể nào kịp để cho P. được nhìn mặt cha lần cuối, suốt đêm chúng tôi mòn mỏi chờ đợi, lạy trời cho cuộc hành trình của bà cô không gặp trục trặc gì. Như có hương hồn của cha P. phò trợ, vào đúng 3 giờ sáng, chiếc xe đã mang được đứa con tù tội, mới mất cha về đến nhà của nó!
Bà cô đã kể rằng, nỗi chịu đựng cái lạnh ghê gớm của vùng cao nguyên cùng đoạn đường rừng tối đen, vắng lặng đã không có nghĩa lý gì so với nỗi căng thẳng khi tiếp xúc với mấy "quan" trên trại. Té ra, đúng là bị hỏi giấy ủy quyền đi rước trại viên. Chưa hết, cái thẻ CMND mà bà cô tình cờ quên trả lại cho mẹ của P. đã có giá trị ngàn vàng khi cán bộ trại đòi trình ra vì người ký tên ủy quyền vắng mặt ( ủa mà nếu đã có mặt thì còn làm giấy ủy quyền cho người khác chi nữa?). Cũng chưa hết, nại cớ phải có cái thẻ CMND để photo, lưu lại một bản kèm theo đơn mới đúng thủ tục nên giữa đêm tối, cán bộ gọi phone về nhà giám đốc trại để xin ý kiến chỉ đạo. Lòng nóng như lửa đốt và chịu không nỗi cảnh hai "quan" trao đổi với nhau quá lâu, bà cô đã xin phép chen vào bằng lý lẽ " Nếu đúng là bản sao CMND là phải có để kèm theo đơn của người mẹ xin cho con về phép đột xuất thì sáng hôm qua, cán bộ của lực lượng TNXP, tức cơ quan cấp trên, chủ quản trại, đã yêu cầu rồi chứ đâu bỏ qua?". Rốt cuộc là người ta đuối lý, đành tuyên bố " đây là linh động cho phép thôi đấy!".
Trở về trại sau đám ma cha mình, P. hoàn toàn đổi tánh, học tập và lao động rất chăm chỉ nên được chuyển từ trại Lâm Hà về trại cai nghiện/dạy nghề Nhị Xuân ở Củ Chi, gần Sàigòn hơn nhiều. Hai tuần một lần, mẹ P. có thể đi thăm nuôi bằng xe bus rẻ tiền cho chặng đường khoảng 30 cây số, rồi thêm ba, bốn ngàn đồng xe ôm từ quốc lộ chạy vô trại. Đến tháng 5/2005, P. được trại cấp quyết định công nhận "đã hoàn thành thời gian cai nghiện", nhưng…đường về nhà vẫn mờ mịt. Trớ trêu là đúng thời điểm này, chính quyền thành phố thực hiện (thí điểm) chương trình giữ lại người đã hoàn thành thời gian cai nghiện (qui định là 2 năm) để chuyển qua lao động, sản xuất thêm 2 năm nữa, thay vì cho hồi gia (thả cho về nhà). Do đó, cũng trong tờ quyết định công nhận "đã hoàn thành…", có thêm phần ghi P. được xếp vào danh sách tình-nguyện viện (?) lao động hai năm ở phân xưởng làm gạch. P. được chuyển qua ở chung của thanh niên xung phong nhưng không có gì là hồ hỡi vì khoản lương tháng chỉ có vài trăm ngàn đồng của tình-nguyện viên đã bị trừ gần hết bởi các khoản ăn, ở, vật dụng sinh hoạt… Nghĩa là mang tiếng đã cai nghiện xong và đã lao động, sản xuất làm ra của cải vật chất cho xã hội và lương bỗng nuôi bản thân, nhưng chàng thanh niên của chúng ta vẫn tiếp tục sống trong vòng rào dây thép gai, thật lâu mới được đi phép về thăm nhà như vào dịp giỗ cha P. vừa rồ "chuyên gia" thăm nuôi là mẹ P. vẫn tiếp tục những chuyến đi tiếp tế cho đứa con trai đã lành mạnh của mình. Có một chuyện rất đáng suy nghĩ là mẹ P. đã làm đơn bảo lãnh cho con được về. Kèm theo đơn có một thứ bắt buộc: giấy chứng nhận của công an phường, rằng ba thành viên còn lại trong gia đình (gồm mẹ, em gái và em trai P.) không nghiện ma túy và không can tội hình sự. Đơn bị bác vì lý do là nơi cư trú của gia đình, phường 7 quận Bình Thạnh, chưa được thành phố công nhận là "địa bàn đã xóa xong tệ nạn ma túy". Bức xúc vì chuyện địa bàn cư trú chưa sạch nạn ma túy đâu phải là tại gia đình mình, mẹ P. đã xách đơn lên xin gặp tới cấp thành phố. Một vị phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã tiếp bà nhưng phê cho trái-banh-hành-chính chuyển qua lực lượng TNXP xem xét. Nơi đây vừa trách bà đã chạy đơn "vượt cấp" vừa cho biết là vẫn không duyệt đơn vì lý do P. đã tự khai rằng nghiện ma túy tới 4 năm rồi mới đi cai thì với quá trình nghiện ngập thâm căn như vậy sẽ rất dễ bị bọn xấu ở địa phương rủ rê mà nghiện trở lại. Vậy là không rõ công lao và vai trò của cả một hệ thống trường, trại cai nghiện và hướng nghiệp, từ Bình Triệu, Lâm Hà cho đến Nhị Xuân, cùng hệ thống an ninh trật tự, trừ tà diệt bạo ở mỗi địa phương còn có một chút giá trị nào không?
Trở lại với trại Nhị Xuân thì tình hình cũng không vui vẻ gì. Không khí làm việc ảm đạm vì kém hiệu quả, năng suất thấp do những người chủ đầu tư, bỏ vốn lập ra các phân xưởng sản xuất lại không có toàn quyền tổ chức, bố trí công nhân và dây chuyền công nghệ. Bên cạnh anh tổ trưởng chuyên môn - người của phân xưởng - còn có một anh cai không lao động gì nhưng phân xưởng vẫn phải trả lương, đó là cán bộ TNXP đi theo kềm cặp các tình-nguyện viên như P, nhiều khi lại ra lịnh lạc ngược lại với yêu cầu điều động sản xuất…
Dù sao, câu chuyện thăm nuôi người trong trại của gia đình P. tuy đã kéo dài lê thê đến bốn, năm rồi nhưng gần đây cũng đã có một kết cuộc tạm thời nhưng khá phấn khởi. Luôn luôn ưu tư cho cuộc sống và tương lai của con trai mình nên năm ngoái, mẹ P. đã dắt lên trại một thiếu nữ, trung bình về các mặt, để giới thiệu cho con trai mình làm quen. P.đã tỏ ra không có ý định tiến xa với cô này với lý do muốn tập trung làm việc "trả hiếu cho mẹ". Nhưng mùa Tết vừa qua, cũng do gia đình dàn xếp, P. đã vui vẻ thư từ, gọi điện thoại cho một cô bạn cùng lớp từ hồi còn học ở trường Cao đẳng công nghiệp 4, tức là quen nhau khi P. còn học hành đàng hoàng và chưa vướng vào ma túy.
Từ nay, vẫn còn đó những bước chân mòn mõi, dãi dầu theo ngày tháng thăm lo cho đứa con trai chưa được trại tha cho về với gia đình nhưng trong lòng bà mẹ "chuyên-gia-thăm-nuôi" đã có được một niềm hy vọng thật ngọt ngào, ấm áp…
|
|