|
|
Cô Dâu Của Ông Tướng Cụt Đầu
|
|
|
|
|
Anh Hiền dẫn tôi đi lòng vòng trong hẽm cả tiếng đồng hồ mới tìm ra được đúng cái địa chỉ mơ hồ mà tôi muốn tìm đến. Thấy cửa khóa im ỉm, chúng tôi hỏi hàng xóm thì được biết cặp vợ chồng già người Bắc làm nghề đồng bóng này đã lần lượt qua đời sau ngày 30-4, chỉ còn lại người con trai nhưng anh ta cũng đi vắng. Thấy bộ mặt thất vọng của tôi, anh Hiền rủ đi uống café:
- Anh muốn viết về nghề lên đồng, hát chầu văn của người Bắc? Mình tìm đến ông bà này là đúng chỗ rồi, hồi xưa ông bà rất nổi tiếng ở vùng Phú Nhuận, tiếc là…
- Vậy anh rành về chuyện đồng cốt của người Bắc lắm hả, kể nghe đi. Tôi thì chỉ biết chút ít về chuyện lên đồng, nhập xác của dân Nam bộ thôi.
Suy nghĩ một lát, anh Hiền nói:
- Thôi chuyện lên đồng kiểu người Bắc thì để hôm nào tụi mình sẽ bàn. Còn bây giờ, anh có biết tôi đã từng là… người hưởng ân huệ của chính cái chuyện người cõi âm nhập xác, như anh vừa nói không?
Trong một thoáng, tôi chợt nhìn kỹ lại anh bạn người "Bắc 54" mà tình cờ, tôi đã kết bạn trong những ngày tháng trôi giạt về miền biển vì việc kiếm sống ở Sài Gòn bế tắc. Đây là câu chuyện của người đàn ông gầy gò, hiền lành, ít nói này…
Vào đầu những năm 80, Hiền bỏ việc ở một tổ hợp sản xuất xà-bông gần phá sản ở Sài Gòn, mò xuống Bà Rịa thử thời vận. Cạn sạch tiền bạc, việc làm nặng nhọc thì không hợp, run rủi thế nào đó mà Hiền đến xin việc ở nhà bà Tư đầu nậu hải sản, nhà bà còn có nhiều đất đai, trâu bò nữa - nói gọn lại là một nhà giàu có tiếng ở Bà Rịa từ trước năm 75. Khi nói mình biết nghề mộc, Hiền được chủ nhà dẫn tới cái chuồng bò, cũng là một cái kho chứa đủ thứ phế thãi ở một góc sân. Tại "nhiệm sở" này, anh sửa chữa lặt vặt mấy cái gọng ách bò, bồ lúa, bánh xe chở lúa.v.v..
Chủ nhà còn căn dặn kỹ lưỡng, lập đi lập lại nhiều lần với Hiền là không được phép tự ý lên nhà trên, tức cái phòng lớn cách chuồng bò một cái sân lát gạch tàu rộng minh mông. Không nghĩ ngợi gì về điều cấm ấy nhưng vài lúc nhìn về phía nhà trên hay khi được gọi lên khiêng đi sửa mấy thứ bàn ghế hư, Hiền loáng thoáng thấy cô Sáu, con gái thứ của bà Tư. Cô gái có khuôn mặt khá xinh nhưng nghe nói đang bị một căn bệnh gì lạ lắm. Cô Sáu trầm lặng ít nói, rất ít khi đi ra ngoài. Không biết có phải vì lý do quá ít giao du, gặp gỡ với người ngoài nên đến nay cô vẫn chưa có người yêu, ý trung nhân gì. Xinh xắn, con nhà giàu - một đám quá tốt cho thanh niên trong vùng - nhưng chờ hoài duyên số không tới, tuổi càng chất chồng, chuyện hôn nhân của cô lại càng khó khăn thêm, lại còn bị thiên hạ cho là "làm cao" nữa. Bệnh cũng phải, Hiền nghĩ thầm, nhưng trong lòng anh lại nhen nhóm một mối thông cảm mơ hồ nào đó.
Cả năm rồi, cô Sáu cứ chán ăn, mất ngủ, mặt mũi thẩn thờ. Thuốc thang vô hiệu vì đêm nào có dùng thuốc ngủ hay chén thuốc bổ, cô thiếp đi rồi chỉ lát sau lại mở trừng mắt, rên rĩ, nói lẩm bẩm, có khi lại hét lên những câu vô nghĩa. Cao trào của vở diễn đã đến. Theo lời than thở, thố lộ - rất kín kẽ, nhưng không biết sao lại lọt ra ngoài - của ông bà Tư với một vài người lớn tuổi, có vai có vế trong xóm, cô Sáu đã bị nhập. Số là môt buổi tối - năm đó vùng này còn bị cúp điện liên miên - đang ngồi ủ rũ trước mặt cha mẹ, bỗng nhiên cô Sáu ngã ra bất tỉnh. Ông bà già chưa kịp có phản ứng gì thì cô đã ngồi phắt dậy, tỉnh khô như không có gì xảy ra nhưng giọng nói bỗng ồ ề lạ thường. Cô gái xưng mình là chiến sĩ cụt đầu, tử trận đã mấy trăm năm rồi tại khúc sông, cái cầu gần nhà. Nay "Ta muốn lấy con nữ này làm vợ vì nàng rất đẹp người đẹp nết. Nàng không cần phải sống ở cõi hồng trần nữa mà chuẩn bị về cõi âm làm vợ ta!".
Cái tin cô Sáu bị người cõi âm hiện về đòi cưới làm vợ chẳng bao lâu đã lan truyền khắp xóm, khắp vùng. Tuy chỉ là những lời "tam sao thất bản" thầm lén sau lưng ông bà Tư - người giàu luôn luôn được nể trọng, chuyện nhà người ta mà nói oang oang ra là bất kính - nhưng hình như cũng do lòng vị nể nhà giàu, hệ thống những lời đồn đại trong dân gian đã dần hồi nâng chàng-rể-nhà-giàu khuất mày khuất mặt kia từ một chiến sĩ cụt đầu lên thành ông tướng cụt đầu. Dù muốn giữ cho kín đáo nhưng khi bà Tư xuống bãi sông gần nhà, ngay dưới dạ cầu Mới, trình mâm quả thịnh soạn để cúng cầu ông tướng thì không khác gì một đám rước lễ nho nhỏ, Bà van xin cõi âm miễn cho mình cái ngôi vị vô cùng danh giá là mẹ vợ của một quí ông, tuy thuộc cõi âm - không thể thấy tướng tá, dung mạo- nhưng như lời ông đã tự giới thiệu qua miệng cô Sáu, nguyên là một nhân vật có chức vị cao trọng trong cái cõi hư ảo kia.
Buổi chiều trên sông rất buồn và lạnh. Khi gọi cái cầu ngắn ngủn này là cầu Mới, có thể do nguời ta muốn phân biệt với cầu Long Hương (cách đây khoảng hơn 1km bờ sông) đã được xây từ lâu lắm rồi, nhưng cũng có thể do người ta muốn phân biệt với chính một cây cầu cũ (tiền thân của cầu Mới) đã bị giựt sập trước ngày 30/4 không lâu để ngăn quân Giải phóng. Từ chỗ bà Sáu đứng van vái, có thể thấy pháo tháp của một chiếc xe tăng chìm ở gần giữa lòng sông. Nghe nói trong một ngày cận 30/4, chiếc tăng này tấn công từ phía cầu Long Hương, xe rẽ sang phải vì tưởng là còn đường đi, nhưng khi lạc vào Xóm Lưới ở gần nhà bà Tư, xe đi tuột luôn xuống sông. Chiếc tăng này đã được trục lên hồi nào không ai nhớ, nhưng dân ở đây vẫn còn nhớ như in là cũng vào những ngày cận 30/4, ở khu vực quốc lộ 15 này (nay là lộ 51), đoạn từ cầu Mới kéo dài đến cái ngã ba (cách cầu Mới khoảng 1km) rồi thêm một đoạn quẹo phải đi Vũng Tàu, đã tụ lại một đám người hoảng loạn, gồm lính của cả hai phe tham chiến, có cả một số thường dân tìm đường chạy nạn qua Vũng Tàu, nhưng vì cầu Cỏ May đã bị nổ sập nên họ cứ đùng cục lại ngay ngã ba. Đám người này hứng đủ loại đạn, pháo của cả hai phe từ nhiều hướng bắn tới, cả đống xác chết nằm rải rác dưới ruộng, trên bờ...
Gió chiều trên sông lành lạnh, chợt thổi chợt dừng, như thương xót, ngậm ngùi cho ngần ấy quân dân đã hy sinh, đã tử vong trong một thời điểm gai lửa, loạn lạc. Bà Tư có biết tưởng nhớ những oan hồn uỗng tử cùng thời này với mình không, hay chỉ biết van cầu một hồn ma chiến sĩ vô danh nào đó tử trận đã mấy trăm năm về trước?
Ở đây lại cần xem lại trường hợp cái hồn tự phong rồi được nâng cấp là ông tướng cụt đầu. Hoàn toàn từ miệng của cô Sáu mà xuất hiện và vỗ ngực xưng tên, hồn ma này có lý do gì trọng đại để cần phải trở lại nhân gian, tái xuất giang hồ sau mấy trăm năm ngủ yên trong bóng tối cõi âm? Cần làm rể cửa nhà giàu ư? Hay chính nhà giàu đang cần chú rể, do hoàn cảnh không có gã trai tráng nào - thuộc bất cứ tầng lớp, giai cấp nào - ở quanh đây đến xin ngõ lời cầu hôn? Các nhà tâm lý học, tâm phân học có thể lạnh lùng trả lời rằng: "Chẳng có hồn ma nào cả. Chẳng qua là, sau bao nhiêu tháng năm cô đơn, cô độc, khát vọng chính đáng là được yêu/ được làm vợ đã không được một người đàn ông nào thỏa đáp, cô gái tuyệt vọng chỉ còn biết sống bằng hoang tưởng, lần hồi phóng rọi hình ảnh người đàn ông trong mộng thành một người có thật, nhưng chỉ là có thật trong mộng ảo, tưởng tượng mà thôi! Không có một gã trai bằng xương bằng thịt nào đến cầu hôn thì cô dựng lên một hồn ma để làm công việc đó. Và để cho bọn trai tráng “vô dụng” trong làng phải kính nể, không thể là một hồn ma bình thường, xoàng xĩnh mà phải cao ngạo, kỳ quái cỡ tử sĩ cụt đầu, chết đã trăm năm mới được!”.
Rồi, như người Mỹ nói "The show must go on!", tiếp theo là một chuỗi những đợt thỉnh thầy, rước thánh về chữa bịnh mắc đàng dưới của cô Sáu. Liên tiếp nhiều đợt lễ cúng vang inh tiếng nhạc cổ lóc cóc leng keng, tàn nhang nước thãi vung vãy, khói đốt thuốc xông trừ tà cứ từ trong nhà trên tuôn ra mù mịt. Không kể đến những ông bà thầy bói quanh vùng chỉ làm công việc thu tiền quẽ mà mách nước chỉ đường, hay vài ông thầy pháp bán ra vô số bùa Lỗ Ban về dán vách, đáng chú ý nhất là có hai đoàn, một là xác cậu Hoàng Hai ở miệt Long Khánh, hai là xác được nhập bởi cậu Hoàng Yến ở xã Long Phước - toàn là cấp bậc ông hoàng, bà chúa cả - đã lần lượt được gia đình bà Tư rước về. Trổ tài đối đầu với ông tướng cụt đầu thì phải tính là công lao trừ yêu hay trừ tinh, là sứ mạng nguy hiểm, khó khăn hơn trừ ma rất nhiều.
Đoàn cậu Hoàng Hai trổ tài trước. Khi xác (bình thường là một bà nội trợ nào đó) được cậu nhập xong xuôi, giọng nói đã đổi khác, cậu dõng dạc ra lịnh âm binh âm tướng triệu hồi chiến sĩ/ông tướng cụt đầu phải xuất đầu lộ diện, nghĩa là phải nhập vô cô Sáu (lúc này cô Sáu là xác của ông tướng). Kìa, cô Sáu cứ tỉnh như không, chỉ ngồi yên, rầu rĩ nhìn xác cậu Hoàng Hai. Còn đến bữa xác cậu Hoàng Yến (một cô thợ may trẻ, nghe nói cứ còn đồng trinh dù đã có chồng, do người ta tin rằng cậu nguyên là một hoàng tử chết lúc còn là hài nhi thì xác mà cậu chọn để nhập nhất định phải còn trong sạch, trinh trắng) ra lịnh cho ông tướng nhập cô Sáu để hai bên nói chuyện thì cũng êm re. Chỉ thấy cô Sáu người-phàm còn ngước lên cười gằn, khinh bỉ nhìn thẳng vô mắt cô thợ may người-phàm.
Vậy là, tuy hai phe cõi âm và cõi dương đang tiếp cận nhau nhưng lại không cùng on-line (tức status nhập xác vì phải thông qua xác cái đã rồi người cõi âm, cõi trên gì đó mới nối mạng được mà lên tiếng với người cõi dương) nên không có màn hô phong hoán vũ, đánh bùa, đấu phép y như trong phim kiếm hiệp Hồng Công diễn ra giữa đôi bên, như lòng mong mỏi, háo hức của đám dân hiếu kỳ đang bu coi ngoài cổng. Còn lại chỉ là lần lượt các màn độc diễn của hai xác của hai cậu Hoàng, tức nào là đọc thần chú tiếng Phạn, tiếng Cam Bốt gì đó, nào là hớp rượu đế có pha tro bùa mà phun phèo phèo, chỉ cốt đuổi hồn ông tướng ra khỏi cô Sáu. Dù sao thì các thủ pháp cao tay, ghê gớm này cũng cần thiết vì có thể là bữa nay do ông tướng bận công chuyện ở đâu đó, không về nhập cô Sáu để trực tiếp nhận một đợt trừng phạt ra trò trước mắt gia chủ, nhưng nếu đến lúc khác, ông tướng rảnh rổi quay lại thì đã có lịnh trục xuất do hai cậu Hoàng ban ra sẵn đâu đó hết rồi.
Kết quả là, không biết có nằm trong dự báo nghề nghiệp của cả hai nhóm trừ yêu hay không mà lần nào cũng vậy, khi các nhóm trừ yêu vừa nhận thù lao - gọi tránh đi cho lịch sự là “tiền nhang đèn kính gởi thầy” rồi rút lui thì chừng một, hai tiếng đồng hồ sau, y như có hẹn với xác của mình, ông tướng nhập cô Sáu, mắng bà Tư "Tưởng rước mấy gánh cúng rẻ tiền đó về là ta phải ra đi hả? Còn lâu! Bà cốc mà còn làm trò này nữa thì ta sẽ rước dâu, đưa vợ ta đi sớm đó!".
Nhang đèn tốn đã nhiều, cô Sáu ngày càng xọp đi. Đến mức này thì bà Tư người-phàm càng nóng ruột, tìm cho ra “đối tác” quyền lực nhất để “hầu” ông tướng cõi-âm. Lực lượng dồn cho trận chiến cuối cùng mà bà Tư cầu viện được là một quí nhân tu ở tận trên núi Thất Sơn miền Tây được đích thân bà đi thỉnh về. Lão đạo sĩ có dáng vẻ rất tiên phong đạo cốt, râu tóc bạc như cước, y như trong phim đánh phép Hồng Công. Lão còn dắt theo bốn, năm nữ đệ tử mặt lạnh như tiền. Hỏi chuyện hồi lâu, ông đạo quyết định làm lễ trị tà vào đúng 12 giờ đêm, trong phòng kín hoàn toàn, chỉ có thêm sự hiện diện của mẹ bệnh nhân mà thôi, tất cả người khác trong nhà phải lui ra ngoài, càng xa càng tốt. Khu nhà trên biến thành một ngôi đền thiêng biệt lập, tất cả gia nhân được cho về từ sẫm tối, cửa khóa then cài. Chỉ có Hiền là được phép ngủ lại trong chuồng bò vì ngẫu nhiên lúc này có một con bò cái đang chuyển dạ và anh đã từng phụ ông Tư đỡ đẻ cho bò.
Hình như đã quá 12 giờ. Nhằm đêm cúp điện, toàn khu nhà bà Tư tối đen, cửa lớn và cửa sổ nhà trên đều đóng kín mít. Ở khu nhà trên chỉ có mơ hồ vài mảng ánh sáng hiu hắt, lay động của đèn cầy, đèn dầu hắt ra ngoài sân. Không thể biết điều gì đang diễn ra bên trong… Ngồi trong bóng tối, Hiền nghĩ ngợi mông lung, cảm thấy tội nghiệp cô chủ bệnh hoạn kéo dài và anh thật tình mong mỏi ông đạo kia đêm nay sẽ thành công, sẽ cứu được cô Sáu.
Thấy con bò cái vẫn bình thường, Hiền đứng dậy lấy cái áo mắc trên cột định mặc vào vì quá nhiều muỗi. Thình lình anh nghe tiếng la hét, kêu trời ở nhà trên. Quên hết mọi cấm điều nhà chủ qui định, anh lập tức chạy băng qua cái sân gạch tàu, cái áo vẫn còn cầm trên tay. Đạp bật cánh cửa vô nhà trên, Hiền thấy trước gian thờ trống trơn không có một ai. Té ra, lễ trừ tà được làm trong phòng riêng của cô chủ, ở ngay bên cạnh gian thờ. Xô đại cửa phòng, anh xông vào thì thấy ngay một cảnh tượng vừa kinh hoàng vừa lạ lùng. Cô Sáu đang nằm ngữa trên giường, khỏa thân phần trên, vừa ú ớ, dãy dụa, uốn éo thân mình vừa cố gắng dùng hai bàn tay dập tắt một đám lửa nhỏ đang cháy ngon lành trên cặp vú son. Bà Sáu thì khóc la ngay bên thành giường, một tay cầm một cái ly không, một tay cầm cây bông huệ, không biết để làm gì. Còn tệ hơn là ông đạo, ông đứng chết trân như tượng đá bên cạnh cái bàn bày lễ vật, tay ông còn cầm cây kiếm gỗ. Mấy nữ đệ tử của ông thì càng vô dụng trong việc chữa lửa cứu con bệnh vì họ đang bu lại cứu một đồng đạo cũng đang bị cháy đạo bào.
Kể lại thì dài dòng nhưng theo lời Hiền, lúc ấy anh chỉ còn biết nhào ngay đến giường cô Sáu, đắp luôn cái áo hôi hám mà tình cờ may mắn anh đang cầm theo lên bộ ngực bốc lửa - xin hiểu theo nghĩa bị lửa đốt chớ không phải là khêu gợi - của người con gái. Lại quên luôn mọi thứ thân phận, giai cấp, vị thế xã hội.v.v…, Hiền dùng cái thân cũng trần trụi của mình ôm cứng lấy thân thể người con gái, mặt anh áp sát vào mặt cô Sáu và nhìn thấy rất rõ đôi mắt thất thần của cô. Thời khắc kéo dài bao lâu không biết, chỉ biết lúc bà Tư kéo vai anh thì tình hình chắc đã tốt, lửa đã tắt thôi. Anh vội vã chỗi dậy, rời khỏi giường - rời khỏi thân thể người con gái - định thò tay giở cái áo của mình ra thì bà Sáu ngăn anh lại. Bà giở cái áo, xem xét bộ ngực của con gái mình, rồi… tiếp tục đắp áo lên người cô Sáu. Bà quay lại nhìn Hiền và gật gật đầu, mấp máy nói gì đó. Không hề nghe rõ được bà chủ ra lịnh gì với mình nhưng anh dư hiểu là đến đây, vai trò của mình đã kết thúc. Hiền bước ra khỏi phòng. Anh có lén nhìn người con gái thì thấy cô đang nằm yên, rên khe khẽ, hai mắt nhắm nghiến. Cô Sáu lập tức được đưa đi nhà thương cấp cứu…
Lần hồi diễn tiến vụ hỏa hoạn được kể lại rõ ràng hơn. Với lý lẽ là phải trục ông tướng không đầu ra khỏi chỗ trái tim của “cô dâu", nơi ông tướng đang đóng đô chờ ngày cưới, ông đạo đã buộc cô Sáu phải ở trần để ông dán bùa và làm phép ở vùng ngực. Rồi vì trong phòng quá thiếu ánh sáng, một nữ đệ tử đã cầm một cây đèn dầu hôi soi thêm cho thầy mình thấy đường quơ kiếm trừ tà. Chẳng may lưỡi kiếm chạm phải cây đèn làm nó rơi xuống mình mẫy cô Sáu (đang nửa mê nửa tỉnh sau khi phải uống một chén… không rõ thứ gì), dầu và lửa văng tung tóe, bắt cháy miếng giấy bùa dán trên ngực cô, văng tàn cháy luôn vạt áo cô đệ tử. Không phải là một vụ hỏa hoạn lớn nhưng phản ứng của mọi người có mặt lúc đó đều quá chậm chạp và không phù hợp, cho tới khi Hiền chạy vô phòng…
Vào gần ngày xuất viện, cô Sáu có ý muốn gặp người cứu mình kịp thời trong tai nạn, khiến độ phỏng không đến nỗi hũy hoại hoàn toàn bộ ngực của cô và về khuôn mặt thì cô cũng chỉ bị phỏng nhẹ ở càm. Dù đã xảy ra chuyện không hay là dung nhan, mình mẫy cô Sáu do bị cháy mà bị thương tổn, ít nhiều không được toàn vẹn như trước đây, nhưng rất hay là sau chính cái tai nạn ngoài ý muốn này, cô lại lành hẳn chứng bệnh bị đàng dưới nhập, tưởng đã vô phương cứu chữa.
Còn hay ho hơn nữa là từ nay cô gái cô đơn dài hạn này đã có bạn trai – chỉ là một người làm công hèn mọn trong nhà nhưng chính anh ta đã cứu cô kịp thời trong lúc hiểm nghèo.
Về phần lão đạo sĩ thì khách quan mà nói, tuy lão ta đã hoàn toàn thất bại trong việc chữa bệnh mắc đàng dưới cho cô Sáu, tệ hơn nữa là sự vụng về trật-bài-vị của lão còn gây vụ cháy làm tổn thương bộ ngực trinh nguyên của cô gái con nhà đại phú này, nhưng vô hình trung lão ta lại chữa lành được căn bệnh trầm kha là bệnh cô đơn của cô ta. Đúng là với cô Sáu, trong cái rủi lại có cái may. Do đó, nhà bà Tư đã giàu đến mức có “vàng ô, vàng hộp” thì sau này nên thực thi công bằng, tìm cách tạ ơn, thưởng thật hậu cho lão đạo sĩ, mà ngay trong cái đêm đầy biến cố ấy, gánh cúng của lão đã lẵng lặng rút êm, không hề dám hỏi tiền công trừ tà, trị bệnh.
Phần còn lại của câu chuyện thì dễ đoán thôi: một đám cưới. Vậy là có nhiều thứ trên đời này đã bị cái đám cưới gọn nhẹ nhưng nặng mang một tình yêu chân thực này vượt qua : quan niệm môn đăng hộ đối, mặc cảm tự tôn của dân giàu, cảm giác tự ti của kẻ nghèo.v.v… Dĩ nhiên chú rể nhất định không phải là ông tướng của cõi âm hay cõi hoang tưởng của cô dâu. Hiền, chú rể nghèo mạt của chúng ta, vốn rất tin vào những chuyện siêu hình, đã thầm mang ơn lão đạo sĩ vì cái rủi của lão lại là cái may cho anh: cưới được vợ giàu, đặc biệt chính là cô dâu của ông tướng cụt đầu.
Đám cưới thật vui vẻ, ai nấy đều phấn khởi, mãn nguyện bảo là duyên số Trời định cho đôi lứa. Chẳng là trong phim võ hiệp Hồng Công đã thường có một motif lãng mạn trữ tình, một lệ luật rất thú vị, đó là hễ một chàng trai tình cờ nhìn thấy thân thể - dù chỉ một phần đại khái, chẳng đả con mắt, chẳng bõ bèn gì - của một cô gái, thì nhất định đó là do duyên số, nên chàng trai phải cưới cô gái làm vợ hay sao?
|
|
|
|
|