Hành Hương Núi Tà Cú


 
 
 

Năm nay người ta bắt đầu làm đường từ ngã ba quốc lộ 01, thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận, vô gần tới chân núi. Bên trên đám bụi mịt mù, phủ chụp những vườn thanh long èo uột là hàng dây điện mới được kéo tới cái xã tối tăm này nhưng đừng vội mừng, chỉ duy nhất có cái phòng bán vé kia là có điện. Khách phải mua vé tham quan 5000 đồng một người để... đổ mồ hôi leo núi. Dù sao con số này cũng không đáng để ý cho bằng con số "2500 m" tô đậm trên một tảng đá sát bên phòng vé . Theo đài điện thoại 1080 chuyên giải đáp đủ thứ chuyện trên đời thì núi Tà Cú - cái bảng "Di tích lịch sử văn hóa núi TAKOU" còn bỏ nằm dưới đất gần phòng vé - chỉ cao 649 mét nhưng con đường mòn quanh co như đường đèo dẫn lên đỉnh núi rồi dốc xuống một chút ở triền núi bên kia để nhập chùa Linh Sơn Trường Thọ, thì lại dài đáng ngại như vậy. Còn con số không thể nào đếm được là những bậc thang núi hỗn độn, gồm nào những tảng đá to nhỏ, tròn méo đủ kiểu, những mô đất đen đất vàng, những khúc rễ cây nằm vắt ngang mặt đường, cho đến những phiến đá chẽ, đá ốp lát được kê xếp khá ngay ngắn. Đáng sợ là có nhiều bậc đá cao đến 3,4 tấc. Cứ thế, cái cầu-thang-núi hoang dã ẩn hiện dưới tán cây rừng nguyên sinh gồm đông đảo họ mộc như sao, bằng lăng, si, vông...

Nghe nói hồi mới Giải phóng, khách phải vạch lá cây, đu dây leo mà tìm đường lên núi. Dĩ nhiên lúc đó leo núi khỏi trả tiền. Giờ đây, ba Phật tử, vốn là ba tay buôn bán nhỏ, có chung một tâm nguyện là cứ sau mùa Tết hằng năm là đi chùa núi Tà Cú xin bùa cầu buôn may bán đắt và gia đạo bình an, đã rũ thêm tôi và X., hai gã viết lách vớ vẩn và không tin tưởng trời Phật nhiều cho lắm. Năm khách hành hương bụi đời cỡi ba chiếc Honda 67 cũ mèm, rời bỏ Saigon giữa trưa nắng, rong rủi gần 250 cây số quốc lộ không đèn. Đáp xuống bãi biển Mũi Né của Phan Thiết thì đã 10 giờ đêm. Nhậu đến 2 giờ sáng, hình như có ngủ chút ít trên mấy cái ghế bố. Giá thuê ghế bố là 5000đ./cái, trong khi ngủ phòng hai giường của nhà nghỉ từ 10 giờ đêm đến sáng là 100.000đ./phòng. Muỗi biển và tiếng sóng vỗ bờ, đành chỗi dậy 5 giờ , uống thứ café tồi tàn của nhà nghỉ mà nhìn X. thu hình cảnh mặt trời mọc. Trong lúc người khác đi nhúng nước biển thì X. thu cảnh đồi cát. Tôi mệt mỏi hơn ai khác vì đã bị thoái hóa cột sống mà ngồi Honda chạy đường trường, chỉ bấm đại mấy "bô" hình. Một anh bán vé số kiêm nghề guider dở hơi đã vẽ cho đường đi tới vài thắng cảnh như Bồng lai tiên cảnh, Đồi hồng... trước con mắt háo hức con nít của X. Tôi lén vất vô bụi cây mảnh giấy vẽ đường. X. chữi thề nhưng nhờ tôi làm vậy cả bọn mới kịp rời Phan Thiết chạy ngược về hướng Saigon, kịp rẽ vào núi Tà Cú lúc sẫm chiều, để khỏi phải leo núi với đèn pin như những đoàn hành hương muốn ghé thật nhiều cảnh chùa chỉ trong một chuyến đi...

Chỉ mới leo được một, hai trăm mét đã phải cỡi bỏ áo blouson. Tên C. thoát y chỉ chừa quần đùi. Nhìn hắn giống một gã sơn dân, liệp hộ man dã chớ không có chút gì là một lái buôn đồ phụ tùng xe. Mồ hôi và khát. Cái Canon AE1 đeo trên người đang nặng như một khối sắt đặc. Cũng may là những thứ kềnh càng, nặng nề đã được gỡi cùng với ba chiếc xe cho cái quán dưới chân núi. Chừng ba, bốn cái quán đơn sơ khác nằm cheo leo trên sườn núi, dọc theo đường dốc làm chỗ nghỉ chân cho đám người ướt đẫm mồ hôi. Mấy cụ già chống gậy vượt dốc, hình như không còn đủ sức để đặt thân mình vào mấy chiếc võng mà chỉ ngồi phịch xuống ghế đá. Nằm thở trên võng một lát, cả bọn chỉ gọi 5 ly nước đá cục, uống với nước suối Vĩnh Hão mang theo, rồi kêu tiếp món sương sâm, loại sâm mọc trong rừng ngon mát quá đã ! Tên C. bắt đầu gợi chuyện, thả dê với hai cô gái trẻ. Có lẽ vì thấy hai cái camera, hai nàng lại xoay qua tôi và X. Mấy chú là thợ chụp hình, quay phim? Tôi ầm ừ cho qua vì còn mệt. Không, chỉ đi săn ảnh. Một cô rất nhiệt tình. Vậy chụp hay là quay cho tụi em dùm đi, quên đem theo máy rồi. Rồi tụi em biên địa chỉ, về Saigon bữa nào mấy chú giao hình cũng được. Chụp dùm em đi , tính bao nhiêu một tấm cũng được mà. Cô gái ân cần cúi mình về phía tôi, mãi mê nói. Tay C. bấm vào chân tôi. Gò vú son trẻ lộ bày gần như nguyên vẹn. Mấy con mắt đạo tặc chợt đứng tròng. Tim tôi chợt đập mạnh hơn với nỗi rạo rực quái quĩ. Thèm muốn lan tỏa khắp cái thân xác đang mệt lữ đến mức đã tưởng là không thể nào lên cho nỗi. Chỉ có một chút nõn nà, hở hang như vậy thôi mà nó cứ chồm chồm lên, Trời ạ!

Chợt nhớ đêm hôm qua, khi bước vào căn nhà mát tối thui ở Mũi Né, chưa hỏi giá cả thì đã thấy hai, ba cô gái đêm nằm trên võng cười cười, nháy nháy mắt. Bọn đàn ông hiểu ngay nhưng chỉ cười trừ vì đang quá mệt và đói, chỉ muốn tắm, muốn ăn. Hay là còn tại mấy cô gà-móng-đỏ ở đây, có thể là có gốc ngư dân, có vẻ thô kệch quá? Còn bây giờ, đang đạo mạo lên chùa hành hương thì lại...? Thì ra bản chất cái libido vốn là vô đạo đức, vô chánh phủ và nó có thể quậy vào bất cứ lúc nào, không ai đoán trước được. Rồi libido cũng từ từ rút lui, trả lại thăng bằng cho thân xác khi hai cô gái đứng dậy bước đi – cảnh sexy kết thúc. Bọn đàn ông nhìn nhau, cười, muốn nói gì đó lại thôi, gom đồ đạc, trả tiền nước, chê mắc rẻ. Leo núi tiếp, có vẻ tiến bộ hơn, nhất là về phần người mới leo núi này lần đầu tiên. Con số trên các cột đá dọc đường cứ nhỏ lần nhưng khổ thay tốc độ leo càng lên cao càng chậm đi. Chỉ có mấy người gánh mướn, giá 50 ngàn đồng một gánh hành lý, là vẫn bình thãn bước nhanh. Có người nói "lên khó, xuống dễ" nhưng tôi đã bắt đầu cảm thấy chán cái trò leo núi, cũng chán luôn cái khối thịt xương đeo máy ảnh mà tôi đang phải vất vã gánh lên núi. May thay, ở khoảng 900 mét cuối đã thấy tấm bảng "Hết dốc. Chúc mừng quí khách". Rồi cổng chùa hiện ra với hàng chữ cổ kính, nhòa nhạt " Linh Sơn Trường Thọ Tự – Tổ đình Trà Cú ". Đây có vẻ là một ngôi chùa nghèo, nên còn giàu nét cổ kính, hoang sơ. Đổ tháo mồ hôi cho gần 100 bậc xi măng nữa rồi ngã uỵch xuống một chữ ĐÍCH được vẽ thật lớn trên mặt một mâm nghỉ rộng mênh mông. Sân chùa. Khổ nạn 2500 mét dốc núi thách đố cơ bắp và gân cốt đã kết thúc tốt đẹp!

Ê chụp một cái đi. Quay luôn đi chớ! Cười hả hê vì người ta nói cỡ thanh niên thì leo hết cỡ tiếng rưỡi đồng hồ mà đoàn hành hương gàn dỡ này toàn dân bốn, năm chục tuổi nhưng chỉ mất có gần hai tiếng. Chợt tiêu tán đâu mất những nỗi chán chường, yếm thế lãng đãng, thầm lặng trong tâm tưởng bấy lâu. Dường như là một chút hạnh phúc. Sướng khoái rõ rệt, cụ thể hơn là lúc đi tắm. Dòng nước chảy liên lĩ từ trong đá núi được dẫn vào dãy phòng tắm. Gáo nước đầu lạnh điếng người khiến phải hét om, nhưng lát sau thì niềm thống khoái lại nồng ấm lạ lùng khiến thân xác trần truồng nhục dục cũng muốn hét lên cái ngôn ngữ của riêng nó. Tắm giặt xong, đi tìm chỗ ngủ qua đêm, đi báo cơm ở nhà bếp của chùa, còn gọi là nhà trai vì dĩ nhiên là cơm chay. Trời tối hẳn, một nhà sư đi mở máy điện, đèn đóm bừng sáng lên cùng một lượt. Hôm nay, nhà chùa ít khách ở lại. Một ca-rê bốn người ăn thì được một dĩa bắp cãi xào đậu hũ và một tô canh rau có vài miếng tàu hũ ki, còn cơm và chao thì xin thêm thoải mái. Ngon lạ thường, thứ gì đưa vào miệng cũng tạo cảm giác vừa ý, thỏa mãn. Một gã trong bọn đã làm một hơi hết tám chén cơm vung. Một tay chủ xe du lịch ngồi gần bên lại ăn ít nhưng nói nhiều. Hắn bắt người ta nghe một đề tài mà có lẽ là duy nhất hắn biết nói, đó là hắn mới tân trang chiếc xe này, mới sắm thêm chiếc xe kia, mới bắt được một đoàn khách nữa....

Ăn uống xong xuôi, mọi người cùng đi cúng lạy trước những tượng Phật lớn nhỏ được đặt khắp nơi trong khuôn viên chùa, nhất là trước chánh điện. Một người đàn bà, dáng vẻ cơ cực, đau ốm, vuốt ve chân trước cùng chân sau của tượng ông Hổ rồi vuốt lên tay chân mình. Riêng về ba Phật tử của chúng tôi thì ngoài phần tiền cúng công đức trước chánh điện, mỗi người còn đến bàn của một vị sư cúng thêm một ít nữa. Kế đó, tên nào cũng nói tên tuổi để vị sư ghi vào một lá bùa cầu may mắn cho năm nay, còn lá bùa xin năm ngoái sẽ trả lại cho nhà chùa để đem đốt. Phong thái sùng tín, kính cẩn của những người già mà đại đa số là các cụ bà còn đáng kính phục hơn nữa. Có cụ không còn thấy đường, có cụ phải nhờ người dìu đến trước Phật đài như cả nửa ngày qua đã nhờ người dìu lên từng bậc đá. Nghiêm nghị trong bộ nâu sòng, các cụ khấn lạy thật lâu. Sự bình an, thanh thản hiện rõ trên nét mặt, trong tiếng nói cười, như thể là nếu có phép lạ, bí tích thì con người cũng không hề nóng ruột, mong mõi phép lạ sớm hiện ra. Chợt nhớ đến Alexis Carrel. Ông đã viết rằng khi nhìn những người đau ốm, tàn tật đi hành hương về, điều khiến cho một người vô thần như ông phải cảm kích chính là nét mặt vẫn tràn đầy đức tin, hay đúng hơn là đức tin đã thăng hoa , nơi những người không được phép lạ nào hiện ra cho mình...

Máy điện ngưng chạy lúc 9 giờ, chỉ còn một ngọn đèn bão trước chánh điện. Âm thanh cơ khí nín bặt, chỉ còn tiếng dòng nước róc rách cùng tiếng chim chiêm chiếp xa xa. Tôi một mình ngồi nán lại ở bộ ghế đá. Núi rừng chỉ một màu thâm thẳm của đêm. Tôi định triết lý vụn chút đỉnh cho tiêu cơm nên nghĩ ngợi mông lung. Chẳng có ý tưởng nào được theo đuổi cho đến kỳ cùng. Chẳng có cảm xúc nào được nghe ngóng, theo dõi. Như thể mọi suy tư về mình, ai khác hay về cuộc nhân sinh lắm trò dâu bể, đều tan loãng trước đất trời bao la vô hạn. Tôi mơ màng đi vào giấc ngủ, tai nghe văng vẳng tiếng nước nguồn bí ẩn. Giấc ngủ nhẹ nhàng, êm ả. Thầm biết ơn cái quyết định sáng suốt của cả bọn là không mua rượu đem lên chùa vì giấc ngủ sau chầu nhậu thường nặng nề, vật vã. Gió núi lồng lộng, đêm càng khuya càng giá lạnh, phải cuộn mình vào tấm đệm nhà chùa. Nửa đêm trở giấc vì tiếng cười nói của một đoàn hành hương lên chùa ban đêm khi núi rừng đã yên giấc. Tôi biết ngày mai sẽ xuống núi sớm, sau khi lên viếng tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn nằm trên một tầng núi còn cao hơn ngôi chùa. Trong chuyến cả bọn đi Tà Cú năm ngoái chưa có tôi tham dự, X. đã từng thu hình đầy đủ góc cạnh tượng Phật màu trắng tuyệt đẹp, dài 59 mét, dài nhất nước này. Giờ đây, tôi còn nhận ra được rằng phần đẹp kỳ vĩ nhất của pho tượng chính là đầu tượng. Phật như tựa đầu vào núi đá triệu năm cùng rừng già nguyên thủy, như tựa đầu vào thời gian cùng không gian vô thủy vô chung. Đôi mắt Phật khép lại tuyệt cùng thanh thản, siêu vượt mọi được mất, tốt xấu, hơn kém, đực cái, nhanh chậm... của kiếp người, bỏ xa vời vợi những triền phược, khổ lụy của con người về ba cái chuyện libido, sex, buôn bán lời lỗ, cơm ăn áo mặc, vân vân và vân vân...

Và hình như tôi cũng đã được thấy, thoáng qua như một sát-na, một vẻ bình an diệu vợi khác nơi cụ già có đôi mắt thông manh, quì lạy pho tượng Phật mà cụ không thể nào trông thấy, trong lúc màn đêm sắp buông phủ xuống sân chùa núi Tà Cú.

 
 

Phạm Nga