Tạp Văn

"Bài HÀNH PHƯƠNG NAM" của Dân Nhập Cư

 
 
 

1.
Hai ta lưu lạc phương Nam này,
Đã mấy mùa qua én nhạn bay.


Đó là hai câu mở bài thơ tựa là Bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính. Cần nói thêm là là từ ‘hành’ trong tựa bài thất ngôn này không chỉ có nghĩa là “đi” mà còn là biểu thị một dạng thơ cổ xuất từ thi ca Trung Quốc. Tương tự như hành khúc bên âm nhạc, hay tự sự, bút ký bên văn chương, ‘hành’ của thi ca là một hình thức, một giai điệu phô diễn những cảm thán của thi sĩ về một chuyển dịch, một hành trình ,điển hình như những bài thơ nổi tiếng: Tống Biệt Hành, Hiệp Khách Hành, Tỳ Bà Hành.v.v... Nguyễn Bính làm bài thơ này năm 1943, đề rõ là làm tại Đakao (một khu phố nhỏ, xưa còn gọi là Đất Hộ, nay thuộc Quận 1, Sài Gòn) tặng bạn mình là Văn Viễn khi nhà thơ ngán ngẩm nhìn lại chuyện hai người tìm vào phương Nam, để rồi:

Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo,
Ta trói thân vào lụy nước mây.

Vậy là vào thời ấy, chuyến du hành của họ vào đất Sài Gòn đã không phải là một chuyến du lịch nhàn hạ, dễ dàng, được tha hồ vui chơi. Nào là ‘vòng cơm áo’ thiếu thốn đã kềm hãm chí khí làm việc lớn, nào là cứ sống hoang tưởng theo cảm xúc, theo ý thơ trong cảnh giới nước mây phiêu lãng thì phải chịu cảnh cơ cực trói buộc mãi. Nghĩa là một khi đã lưu lạc vào phương Nam thì nhóm văn nghệ sĩ của Nguyễn Bính đã gặp phải những khó khăn không tránh khỏi. Tình cảnh này cũng không hứa hẹn thắng lợi, thành đạt gì nếu như mục đích vào phương Nam của họ là đi làm ăn xa. Nhưng giọng thơ hào sảng “Người ơi, buồn lắm mà không khóc / Mà vẫn cười qua chén rượu đầy!” trong bài cho thấy chính cái máu “chí nam nhi tại bốn phương”, thích phiêu bạt giang hồ đã là động cơ chính yếu thúc đẩy đôi bạn làm cuộc Nam tiến riêng tư của họ.

Nhưng thời nay, từ lâu lại có một số đông người từ đất Bắc, đất Trung, cũng cũng tìm về phương Nam một cách quả quyết không kém nhóm Nguyễn Bính dăm ba người ra đi vào thời tiền chiến. Chỉ có điều họ không dính líu gì đến thi ca, vì ngay từ lúc bỏ xứ ra đi, họ chỉ xác định duy nhất một điều: vào Nam kiếm sống. Chuyện con người phải tha phương cầu thực vốn đã có từ lâu đời và tiếp diễn mãi qua các thời kỳ lịch sử.

Thời thập niên 60, cũng là tiến vào phương Nam, như một làn sóng thầm lặng, liên lĩ, một số dân nghèo miền Trung đã rời bỏ mảnh quê hương “đất cày lên sỏi đá” làm không đủ ăn của họ, cộng thêm lý do chiến tranh loạn lạc, mà tìm vào đất Sài Gòn mưu sinh. Như ở nhóm dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, đàn ông thường đạp xích lô và phụ nữ thì đi ở mướn (trước kia gọi là người ở, con sen; báo chí thì gọi đùa là liên tử do từ liên tiếng Hán Việt chỉ hoa sen) mari-sến; thời nay lại gọi là ôshin). Cực khổ, ky cóp được ít tiền là họ gởi về quê giúp gia đình. Có điều là thời đó, đất Sài Gòn “dễ làm ăn” cũng không dễ hớp hồn người dân Quảng nặng tình hoài hương, nên không có nhiều người trong nhóm họ có ý định ở lại lập nghiệp hẳn ở xứ người.

Thời sau ngày 30/4/75, tại VN đã có tới hai đợt di dân lớn, ngược chiều nhau. Chiến tranh kết liễu, trong khi một số người miền Nam di tản ra nước ngoài (đợt di dân thứ nhất), lại có một số người ở phía Bắc - hay ở gần hơn là từ những chiến khu rừng rậm tây nguyên - gồm bộ đội, cán bộ, viên chức, công nhân… - cùng vào Nam với lý do nghiêm túc là công tác, tức kiểm kê, quản lý, phục hồi sản xuất... mọi thứ đất đai, nhà cửa, tài sản, cơ sở vật chất – kỹ thuật bị tiếp quản. Rồi một cách đương nhiên nhưng thầm lặng, không ít những người thuộc gia đình, thân nhân xa gần của những người chính thức đi công tác này, tìm cách đi ‘tư tác’ vào Nam luôn, với mục tiêu rất rõ ràng: kiếm sống ở Sài Gòn - vùng đất dù sao cũng còn mới mẻ, hứa hẹn giàu có, phát đạt.

Vậy là nối tiếp bài thơ “Bài Hành phương Nam” của Nguyễn Bính thời tiền chiến, cả hai nhóm công tác và ‘tư tác’ nói trên đã làm nên “Bài Hành phương Nam” thời hậu chiến (đợt di dân thứ hai) chẳng chút thi vị nhưng cũng rất rầm rộ, náo nhiệt.

Những nhà lý luận thường sính dùng từ “qui luật” khi lý giải mọi vấn đề. Vậy thì ở đây, hiện tượng di dân “nằm ngoài qui hoạch Nhà nước” là người dân dắt díu nhau cùng rời bỏ một nơi chốn khó kiếm sống để đi đến một nơi khác dễ sống hơn, thì nhất định là có tính qui luật, đáng được tìm hiểu bằng tinh thần thông cảm. Hơn thế, người từ Bắc tìm vào Nam ‘tư tác’ ngay sau ngày 30-4 thì không phải ai cũng nghèo, cần đi “cải thiện” miếng ăn, mà trái lại, cũng có một số người, không biết bằng cách nào vẫn làm giàu được, đã sống khá giả tại miền Bắc, đã đáp tàu đáp xe vào Sài Gòn với cứu cánh duy nhất là tìm cơ hội làm giàu thêm nữa. Ngoài ra, dân Nam tại chỗ mới bắt đầu vỡ lẽ, hiểu ra cái ý nghĩa cùng công dụng cực kỳ lớn lao, lợi hại của cái hộ khẩu – về mặt hành chính, để cho dễ quản lý, bản ngã cùng nhân cách mỗi con nguời được giản lược lại thành cái miệng (khẩu) – chính là niềm mơ ước của dân Bắc với câu thời danh “(Không có) hộ khẩu là hậu khổ!”. Còn dân Nam, trước kia có để ý gì đến cái sổ gia đình của chế độ cũ đâu, giờ mới biết thế nào là ‘hậu khổ’ khi cần xin phép làm ăn, buôn bán, chữa bịnh, học hành, khai sinh, khai tử.v.v.., nhất là khi mới học tập cải tạo về.

Rồi đến thời hai thập niên 70 - 80, đã được nhìn nhận là một thời kỳ kiệt quệ, bế tắc sau một thời gian bị cấm vận, sản xuất trong nước thì thấp kém nhưng lãng phí, mất mát thì nhiều vì quản lý kém, hình như chỉ có tham nhũng là ngày càng khởi sắc. Đất Sài Gòn vẫn cứ là một bầu sữa “công cộng” có sẵn đấy nhưng cũng phải hao cạn theo ngày tháng bởi đám con cái trong nhà và cả con hàng xóm cứ đông lên gấp bội. Sài Gòn mà còn hao gầy vì thời bao cấp thì các vùng khác, kể cả Hà Nội, chịu gì thấu! Thế là... lại tiến vào phương Nam, có đủ mặt dân tứ xứ của miền Bắc, miền Trung, miền Tây, miền cao nguyên.

Cuối những năm 70 lại có một biến động xã hội trái ngang, bức bối. Đó là với chính sách giản dân, giảm mật độ dân cư ngày càng tăng ở đô thị, một số dân Sài Gòn cố cựu dù có hộ khẩu hay không cũng bị yêu cầu rời khỏi nơi cư trú bấy lâu để đến các vùng kinh tế mới được vội vàng dựng lên ở những tỉnh xa. Trong khi đó, không ai ngăn được làn sóng dân nghèo miền Bắc, miền Trung... cứ thầm lén liên tục nhập vào thành phố một cách bất hợp pháp. Cũng không ai thống kê được các trường hợp được nhập hộ khẩu vào thành phố (đang phải giản dân!) nhờ “nhứt thế, nhì thân” tức là thế lực và quan hệ thân thuộc. Lại là một kiểu di dân ngược chiều đầy cay đắng cho kẻ phải ra đi, không khác hồi mới Giải phóng, chỉ khác là có qui mô nhỏ hơn. Nhưng cũng may là chương trình kinh tế mới nhanh chóng phá sản, lưu dân lại tìm cách quay về - một cách chính đáng - cái nền nhà xưa ở xóm cũ của mình trong thành phố.

2.
Đặc biệt là từ thời “mở cửa” cho phép thông thoáng hơn trong làm ăn, buôn bán, đưa đến sự ra đời nhiều hơn những cơ sở sản xuất – xây dựng - dịch vụ tư nhân, hợp tác công – tư... tức công ăn việc làm nhiều hơn, người ta càng đổ dồn về các vùng đô thị phía Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Cần nói thêm là thành phố Sài Gòn ngày nay mở rộng, nở ra về phía biển (huyện Cần Giờ) và về phía biên giới Tây Nam (huyện Củ Chi), nhưng hai vùng xa xôi mới được kết nạp cho hưởng ké danh xưng ‘thành phố’ ấy chẳng thể thu hút được dân từ phương xa đến. Chỉ có ở TP.HCM là dễ làm ăn nhất. Do đó, dân tứ xứ cứ tập trung vô khu nội thành, miễn cưỡng thì ra vùng quận ven và ngoại thành, nhất là các quận mới thành lập như quận Tân Phú, Thủ Đức, quận 2, 7, 9 và 12.

Đến thập niên 90, quan hệ kinh tế “mở cửa” càng nới rộng ra khỏi khu vực Đông Nam Á, khiến cho chính ở những quận , huyện ngoại thành nói trên đều nhanh chóng mọc lên thêm những nhà máy, xí nghiệp do ngoại quốc đầu tư. Danh từ “dân nhập cư có tay nghề” được chính thức sử dụng phổ biến trên báo chí và công văn để gọi tên con số hằng trăm ngàn, rồi cả triệu người, đa số ở tuổi thanh niên, từ các tỉnh dồn về TP.HCM để đáp ứng nhu cầu lao động của các nhà máy, công ty nước ngoài mà nhiều nhất là công nhân ngành may công nghiệp.

Còn người nhập cư không có tay nghề, chỉ có thể làm công việc chân tay lặt vặt, tạm gọi là lao động phổ thông, đồng thời không có tiền, không có vốn liếng thì sao? Cho đến ngày nay đã là đầu thế kỷ 21, bộ mặt của những con người nghèo khó ấy hầu như rất ít thay đổi theo thời gian, thời cuộc. Ở thời nào nào thì họ cũng là người nghèo, không tài sản, đất đai, đi tha phương cầu thực hầu như chỉ với hai bàn tay trắng. Năm 80, gặp dân từ Bắc vào tìm lên vùng Long Khánh làm đất thuê, dân địa phương lắc đầu khi nhìn thấy lưỡi cuốc tai tượng của họ quá lớn, gần gấp đôi lưỡi cuốc thường dùng phổ biến trong vùng. Lưỡi cuốc lớn làm đất nhanh, nhiều hơn nhưng đồng thời tốn sức hơn nhiều. Đám người cùng khổ đã chấp nhận kiểu lao nhọc, cực khổ như thế vì không hề mơ màng như các nhà nghệ sĩ phiêu bạt giang hồ. Dân lao động dư biết là ở những vùng đất xa lạ, dù là đất hiếu khách đi nữa thì họ cũng phải bươn chải mới sống được vì luôn luôn có nhiều khó khăn chờ đón kẻ nhập cư. Hãy thử đi theo những bước chân kiếm sống của họ...

Có người Sài Gòn nhận xét rằng hiện nay, dân nhập cư đã lần hồi thay thế dân địa phương trong những nghề cần ít tiền vốn, đứng đầu là nghề bán hàng rong. Từ 3 - 4 giờ sáng, những người bán rau cải, tôm cá... bằng xe đạp rong ruỗi trong hang cùng ngõ hẻm đã có mặt tại các chợ hàng bông bán sỉ ở Gò Vấp, Bà Chiểu. Hỏi thăm quê quán thì các chị bảo mình dân Hải Dương, Thái Bình. Các anh đi bán hàng bông ( rau cải) bằng xe đẩy, xe ba gác thì nói mình dân Hà Nam - thì ra là đồng hương với nhà thơ Nguyễn Bính. Một nhóm rất đông, toàn là thanh niên vùng Thanh Hóa thì rủ nhau vào nghề thợ hồ, phụ hồ. Lại gặp các chị chuyên đi mua ve chai cũng là dân Thanh Hóa. Nhìn từ sau lưng trông các chị rất giống nhau: từ chiếc nón lá, găng tay đen, khẩu trang… cho đến cái gọng bằng gỗ, cái rọ sắt gắn ở yên xe đạp để chở hàng ve chai. Một nhóm thanh niên khác làm nghề tẩm quất (đấm bóp) thì cùng quê Thái Bình. Họ cũng giống nhau lạ lùng, cứ như được đúc ra từ một cái khuôn chung, từ kiểu để tóc ngắn, kiểu áo bỏ vô thùng, cho đến kiểu ràng cặp-táp đồ nghề ở yên sau xe đạp cũng y chang nhau.

Còn nữa. Trên đường phố, những tiếng rao bán những món hàng rong như bánh chưng, bánh giò, dừa tươi, rau cải, trái cây.v.v.. nghe hầu như toàn là giọng Bắc, không rõ thuộc các tỉnh nào. Vậy dân Nam bộ bán hàng rong đâu rồi? Cũng còn, nhưng không “chuyên ngành hóa” và ‘đồng hương hóa” như dân nhập cư. Đó là bà già bán xôi, chị bán vé số, anh bán cây kiểng rẻ tiền, mấy anh thu gom rác.v.v.. Riêng nghề chạy xe ôm thì chỉ có một ít dân miền Trung tham gia, phần lớn vẫn là dân Sài Gòn, dân Nam bộ mà không thấy dân nhập cư gốc Bắc, gốc Trung. Lý do dễ hiểu là muốn chạy xe ôm thì phải có tiền sắm xe và rành đường xá, là hai điều kiện không thể dễ dàng có được nơi dân nghèo mới nhập cư.

3.
Cuối cùng là chuyện một số ít dân nhập cư chọn “nghề” lang thang, xin ăn. Vài năm trước đây, theo lời kể một anh thợ hớt tóc, dân ‘Bắc kỳ 54’ ở Gò Vấp, tại gần khu nhà thờ Xóm Mới Gò Vấp, có một gia đình dân nhập cư, nói giọng nghe như giọng Bắc, đến thuê nhà ở để làm nghề... xin ăn. Từ sáng sớm, già, trẻ, lớn, bé gì của gia đình “cái bang” này cũng đều túa ra đường, chia nhau đến các địa bàn bên các quận nội thành để hành nghề môt cách rất bài bản. Nghe chuyện này, một cụ già người Bắc thẳng thắn cho biết rằng vào thời trước năm 54, ở làng quê của cụ (xin miễn nói chính xác là ở đâu) từ xa xưa, dân trong làng đã có một cái lệ quái lạ là cứ hằng năm, vào thời gian nông nhàn, mùa vụ đã xong xuôi là cả làng kéo nhau đi ăn xin ở những vùng khác. Lý do không phải chỉ là việc kiếm sống quá khó khăn ở vùng quê này, mà còn vì một lý do thâm sâu, “tâm linh” khó tưởng tượng nổi: vị thần làng (Thành Hoàng) của cụ vốn có một thời phải đi xin ăn để sống qua ngày trước khi thành đạt danh phận và được triều đình phong sắc làm thần. Và hằng năm, dân làng kéo nhau đi ăn xin tuy ‘ngắn hạn’ nhưng chính là thực hiện một việc làm linh thiêng, bắt chước theo một phần “lý lịch” của thần làng mình. Không biết gia đình cái bang ở Gò Vấp kia có phải là hậu duệ của thần không nhỉ?

Bước xuống từ xe đò, xe lửa, đặt bước chân bở ngở lên vỉa hè của thành phố lớn, dân nhập cư lập tức phải đối đầu ngay với rất nhiều khó khăn trước mắt tại quê người, như công việc làm ăn, chỗ ở, nơi học hành của con cái nếu như còn ráng ‘nách’ chúng theo, hay còn phải lo dành dụm gởi tiền về quê giúp gia đình… Và thời gian để họ ổn định kế sinh nhai, nơi ăn chốn ở tại thành phố thì không biết dài đến bao lâu. Phải đầu tắt mặt tối, cắm cúi làm ăn (làm nhiều mà ăn thì rất ít) 2 - 3 năm hay kéo dài nhiều năm hơn không chừng.

Nếu gặp đâu đó ngoài đường phố những người dân nhập cư, từ chị bán rau đến anh gom ve chai, vào Nam đã khá lâu, nay đã được tạm gọi là ‘cơ bản’ thành công khi kiếm sống nơi quê người, đã sắm sửa được chút ít, cho con cái đi học trở lại, gởi tiền về quê khá hơn.v.v…, mới thấy những nỗ lực, nhẫn nại, chịu khó, tháo vát, cần kiệm hết mực… của họ đáng nể phục đến cỡ nào!

Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn những khó khăn, trở ngại không thể dự báo đối với mong muốn an cư lạc nghiệp của họ. Như vào đầu tháng 10 vừa qua, có tin một dự thảo nghị định mới được xây dựng có liên quan đến cư trú của công dân tại các thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có việc ‘siết’ người dân nhập cư vào các thành phố này.Theo nghị định này, một trong những điều kiện người tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố thuộc trung ương là phải có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 1 năm trở lên. Riêng đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại TP Hà Nội, TP.HCM phải bảo đảm diện tích tối thiểu 5m2 sàn/người. Thực tế là ở những khu, xóm dân nhập cư tụ lại thuê phòng ở trọ nằm ở các quận ven, vùng ngoại thành TP.HCM, với mức tiền thuê tháng gói ghém chia nhau chỉ 200,000 – 300,000 đồng/người, thường mỗi người chỉ được một chỗ ăn, ngủ cỡ bằng chiếc chiếu đôi, nghĩa là chỉ 2 – 3m2, chưa nói đến chuyện còn phải chừa chỗ để thúng, rọ, xe đạp, xe đẩy…

4.
Cùng là rời bỏ quê hương mà vào Nam, cùng là thân phận lưu lạc giang hồ, nhà thơ Nguyễn Bính thời tiền chiến đã cảm khái những khó khăn, thiếu thốn của nhóm mình mà viết nên câu thơ “Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo”, nghe đã thê thiết, nhưng có nghĩa lý gì so với khúc ca bi tráng ‘nhiều tập’ về gánh nặng cơm áo của người dân nhập cư nghèo mà vô cùng chịu thương chịu khó, đáng nể đáng phục thời nay?

 
 

PHẠM NGA