|
|
Hồn Ma Biển
|
|
|
|
|
1.
Làng Kim Bồng, tuy chỉ cách trung tâm thành phố Nha Trang chừng hai cây số nhưng cái xóm quê ngoại ô này lại rất đìu hiu, nghèo khốn. Đoạn sông Cái chảy ngang qua làng thì ngày càng bị thu hẹp hơn bởi những dề rau muống và các rặng dừa nước, nhưng tự xa xưa vẫn đóng vai như một vật chia cách ù lì, dửng dưng giữa một làng Kim Bồng khép kín, trầm mặc, với nhịp sống ồn ào, nhộn nhịp của khu phố chợ bên kia sông. Cái cầu gỗ chắp vá, xiêu vẹo, ốm yếu do tư nhân bỏ vốn bắt qua con sông, đã thay thế cho một cây cầu gỗ khác bị nước lũ sông Cái cuốn đi mất tích trong một trận lụt năm nào.
Khi đứng bên này sông, chưa bước chân xuống những tấm ván gỗ đen xĩn, so le trên mặt cầu, người ta đã thấy cả một vùng bát ngát những tán lá dừa. Dừa là loại cây trồng chiếm gần hết đất làng, khiến dân bên phố Nha Trang hay có câu nói “Qua Kim Bồng uống dừa…”.
Quanh năm, dù lúc nắng hay lúc mưa, ánh nắng trời đều bị che áng bởi tán lá dừa. Nhưng cái màu xám tối của toàn cảnh làng dừa này lại không phải là sự dịu mát đáng tán thưởng của một vùng tiểu khí hậu êm ả. Khi thắc mắc về chuyện ngẫu nhiên mà có khá nhiều dân làng đã và đang mắc bệnh lao phổi từ bao năm qua, có người cho rằng tình trạng thường xuyên thiếu ánh nắng, thiếu ánh sáng mặt trời ở làng này chính là sự thiếu lành mạnh trong môi trường sống.
Những ngôi mộ mới của những bệnh nhân bệnh lao, không thể chữa lành nên chết dần chết mòn, đã xuất hiện trong các mảnh đất vườn của dân làng. Ngay bên cạnh các gốc dừa xơ xác, những ngôi mộ tô xi măng, quét vôi thông thường kiểu này cứ chen chúc với những ngôi mộ đá ong rất xưa, tàn tạ như phế tích, mà rất ít dân làng còn nhớ lai lịch. Cũng không ai trả lời được câu hỏi tại sao trong diện tích thổ cư của một ngôi làng nhỏ bé, thưa thớt dân cư như làng Kim Bồng mà lại có quá nhiều mộ cổ đá ong.
Con đường cát mấp mô, quanh co dẫn vào đất hương hỏa họ Lý, ở giữa có một căn nhà rất xưa, được gọi là tổ đường hay nhà từ đường. Căn nhà này được cất từ hơn 100 năm trước, khi mà những dãy dừa nước hoang dại còn ken đầy dọc theo hai bờ sông Cái và những vạt rừng dừa nguyên sinh còn chen lẫn với những mảnh vườn dừa nhỏ bé của số dân làng ít ỏi.
Người đàn ông, người chủ nguyên thủy, xây dựng nên căn nhà bề thế này tên là Lý Đam, xuất thân từ một gia đình chủ phường đánh cá. Thời trai trẻ, Lý Đam sống ở tận ngoài hòn Bích Đầm – một hòn đảo lớn ngoài khơi vùng biển tỉnh Khánh Hòa. Anh lớn lên với nghề biển của gia đình và đến lúc đã có thể tự lực làm chủ một số ghe cá, Đam quả quyết ra riêng, thoát ly hẳn công việc làm ăn của cha mẹ. Chẳng bao lâu, anh trở nên giàu có còn hơn cả cha mẹ mình. Một ngày kia, tức gần đúng 100 năm trước, với kinh nghiệm dạn dày và thực lực mạnh mẽ của một ông chủ phường trung niên nghề lưới đăng, Lý Đam tạm rời biển khơi mà bước vào đất liền, tức thị xã Nha Trang thời còn sơ khai, thuộc triều đại các vua nhà Nguyễn. Lý do ông chọn làng Kim Bồng dựng nhà, tức một thứ bất động sản trên đất liền, thì không chỉ là để có cơ ngơi cho vợ con cư trú cho đàng hoàng, biệt lập, mà còn vì đoạn sông Cái ngay trước nhà có thể cho phép ông điều động toàn bộ những ghe cộ di chuyển, ra đi và trở về, dễ dàng từ nhà ông - như một hậu cứ - xuất phát ra biển, ra đảo Bích Đầm – như một tiền phương của nghề lưới đăng lưu truyền trong giòng họ…
Hằng năm, cứ vào đầu mùa lưới đăng, ghe thuyền được sửa sang, sơn phết như mới, ông Đam còn có lệ làm lễ ra quân rất linh đình, kéo dài hai, ba ngày đêm. Vườn dừa trước nhà người giàu nhứt làng Kim Bồng này biến thành sân chiêu đãi ăn uống và bài bạc cho các ông hương lý, chức việc và các phụ lão trong làng. Sân gạch trước gian nhà thờ biến thành sân khấu dã chiến, không cần phông màn chi cho rườm rà, để những gánh hát bội, hát bài chòi được chủ gia mướn về diễn các tuồng tích cho toàn thể dân làng xem cho mãn nhãn.
Giàu sang và được các quan chức địa phương nể trọng, lần hồi danh tiếng của ông Lý Đam vang tới triều đình Huế, đủ để ông được ban tước “tứ phẩm bá hộ”. Từ đó, họ Lý nổi tiếng không chỉ với gia sản kếch sù trên bờ dưới biển của một nghiệp chủ nghề đánh cá nữa mà còn với danh giá, phẩm hàm của vua ban. Một bức ảnh lớn, sơn son thếp vàng, chụp ông Lý Đam ngồi uy nghi với triều phục “tứ phẩm” được treo tại gian thờ trong nhà từ đường mà từ nay, phải gọi là “nhà quan” mới chính xác, chủ nhà nghe mới đẹp dạ.
Việc làm ăn ngoài đảo Bích Đầm vẫn tiến triển tốt. Làng chài Bích Đầm do họ Lý lập nên vẫn ngày càng nhộn nhịp ghe thuyền và thu hút thêm ngư dân đến sinh sống, làm ăn. Trong cái nghĩa địa nho nhỏ, quạnh hiu ở một góc làng đã bắt đầu nhô lên những núm mộ hiu quanh, vài cái không có cả tấm bia, gói ghém nắm xương tàn của một vài người dân vạn chài. Chính ông chủ làng, người xây dựng, đặt định mọi điều liên quan đến cuộc sống cùng cái chết của cư dân làng Bích Đầm, cũng đang chết. Có thể coi như ông Lý Đam đang chết, dù lúc bấy giờ ông chỉ già yếu, thường ở lì trong làng Kim Bồng mà bỏ đi biển, không ra làng chài ngoài đảo nữa.
Ta mới đẹp đẽ, uy nghi làm sao! Ngày ngày, sau khi dùng những thang thuốc Bắc cực kỳ bổ dưỡng do vợ con dâng lên, ông bá hộ tứ phẩm chỉ ngồi yên trên chiếc ghế tựa bằng song mây mà nhìn ngắm bức ảnh mặc áo mảo triều đình của mình. Người thanh niên ngư phủ rất cường tráng, rồi ông chủ sở lưới đầy quyền lực, từng dãi dầu sóng gió biển khơi ngày nào hai nhân cách này đã chết cả rồi. Trong tâm tưởng, ông không cảm thấy thú vị về những quãng đời - dù rất thành đạt - cùng những diện mạo - dù rất sống động – của chính mình trong quá khứ. Vào cuối đời, hình như lúc nào ông Lý Đam cũng mơ màng tưởng nghĩ duy nhứt về con người làm quan của mình, dù chỉ là chức quan “hàm” danh dự chứ không thực tế có mặt xớ rớ chốn quan trường mà ngồi cai trị thứ dân.
Dù sao thì bản chất dân dã, căn cứ xuất thân của chính ông, dù cho ông có muốn chối bỏ cuối đời mình, cũng đã giúp cho sự nghiệp của ông quá nhiều. Nếu không từng là loại thường dân cá biệt, tức một người dân thuộc hạng giàu có vượt bậc, dựng lập cả một làng chài, góp công mở mang hoàng triều cương thổ cho triều đình ở đảo xa, thì ông lấy đâu ra thế lực tiền tài để được nhà vua để mắt đến? Vừa bất công, không sòng phẳng với chính quá khứ xuất thân của mình, ông bá hộ cũng ít ngó ngàng tới cơ ngơi làm ăn của mình ở làng chài ngoài đảo. Nhưng lúc này đã có người con trai lớn là Lý Ân, thay thế cha mà lo liệu mọi việc liên quan đến nghề lưới đăng cũng như vai trò chủ làng Bích Đầm.
Rồi bức ảnh ông quan tứ phẩm chưng trên vách gian thờ ngày một mờ ảo dần dần trước đôi mắt không còn sinh khí của ông cụ già chỉ thích ngồi nhìn ngắm chính mình trên ảnh, còn hơn cả việc ăn uống, thuốc thang để kéo dài sự sống. Khi đã hôn mê, hấp hối, ông không được thanh thản cho lắm. Sau này, có người trong làng thầm lén bàn tán, rằng hình như ông “đi” không nhẹ nhàng vì còn nuối chờ một đứa con hoang, bị ông bỏ rơi đâu đó trong làng chài ở đảo hay bên phố Nha Trang. Rốt cuộc đứa con không được nhìn nhận kia cũng không xuất hiện, không rõ là do không biết tin ông chủ làng Bích Đầm qua đời hay chính người con ấy đã chết mất rồi…
Lúc lâm chung, ông bá hộ không có gì nhiều để trăn trối và trước đó, ông cũng không hề lập di chúc gởi cho một ngôi chùa nào đó giữ sẵn như theo kiểu cách riêng của giới phú gia địa phương. Cũng theo lệ thì phần gia sản hương hỏa sẽ được giao cho con trai trưởng hoặc trai con út. Căn cứ theo danh sách công khai - nhưng không thể chính xác như thực tế - thì ông bá hộ có mười người con vừa trai vừa gái, còn sống trên đời chỉ còn có bốn người và trong số đó, có hai người con trai. Theo truyền thống trọng nam khinh nữ thời phong kiến, người ta chỉ giao cho con trai trong họ “thủ từ đường”, tức quản lý, coi sóc phần hương hỏa, gồm nhà cửa, đất đai, vườn dừa, mộ phần tổ tiên. Và ông bá hộ đã gây ít nhiều bất ngờ cho cả giòng tộc và dân chúng trong vùng…
Theo kiểu phim truyện cổ trang Hồng Công, đây là trường đoạn nói về một sự kiện lớn lao xảy ra trong gia tộc họ Lý giàu nức tiếng ở tỉnh Khánh Hòa. Lão bá hộ, viên ngoại Lý Đam ở thôn Kim Bồng, với ý chí thầm lặng nhưng cương quyết, đã cắt đứt ảnh hưởng của cha mẹ mình, vốn sinh sống và quá vãng ở tận ngoài biển Đông Hải, thì coi như bấy giờ, vị thế của lão gia gia Lý Đam là mở đầu gia phả, tức đời thứ nhất họ Lý. Vào những ngày cuối của ông bá hộ, thường trực cận kề và chăm sóc lão gia gia thì có con trai thứ mười, cũng là con út trong nhà, tức tiểu thiếu gia đời thứ hai, tên là Lý Đới. Còn đại thiếu gia Lý Ân, dù là con thứ tám nhưng vì không còn người anh nào còn sống nên nghiễm nhiên ông thứ nam này đóng vai trưởng nam họ Lý. Khi ông bá hộ chết đi, ông Ân sẽ giữ vai vế trưởng tộc họ Lý. Trong tang lễ cha mình, không ai khác ngoài ông Ân nhận vai hiếu tử trưởng nam “đầu rơm mủ bạc” đi trước linh cữu. Điều quan trọng nhứt, xác định ưu thế về công lao, thành tích trong gia tộc, là ông Lý Ân đã và đang tiếp nối, gầy dựng thêm gia sản họ Lý ngoài biển Đông Hải.
Vậy mà lão bá hộ Lý Đam lại trăn trối giao lại điền trang, hương hỏa cho ông Lý Đới. Ông Lý Ân chỉ được nhận phần tài sản, gồm vàng bạc, tiền tệ, ruộng đất, nhà phố…, được cha mình chia cho riêng, giống như các chị em của mình mà thôi. Chỉ rất hợp lý là ông bá hộ không dám giao công việc làm ăn nghề biển của gia tộc cho ông con út đã có thành tích phá của. Ông Lý Ân được tiếp tục quản lãnh đội ghe thuyền và có nhiệm vụ nộp phân nửa lợi tức thu gom từ việc bán số lượng hải sản đánh bắt được về nhà từ đường, để bảo bọc cuộc sống cho các gia đình hai người chị và em trai út của mình. Có thể nói, tuy không minh danh, chính thức, nhưng giàn nghề biển cùng một nửa số lợi tức thu được từ biển khơi đã coi như thuộc phần thừa kế của ông Ân, người nắm quyền về mặt kinh tế của toàn thể gia tộc họ Lý.
Còn về tiểu thiếu gia Lý Đới thì ngoài phần hương hỏa được giao, cũng nhận được phần thừa kế riêng gồm tiền, vàng và ruộng đất rất bộn bề, nhiều nhất so với các phần của các anh chị mình. Nhưng ông con út này đã nhanh chóng tiêu phá cạn kiệt số tài sản riêng bởi tật mê cờ bạc. Đó là chưa nói đến cốt cách đầy bệnh hoạn cả xác lẫn hồn của vị công tử con nhà phú hào, phong lưu rất mực, ăn chơi khét tiếng này. Rốt cuộc cậu ta tránh không khỏi bệnh lao phổi, nhưng trầm trọng, dai dẳng nhứt là bệnh tiêm la.
‘Tao chơi biết bao nhiêu con mà nói, từ gái nhà lành cho tới gái điếm đàng, làm sao tao nhớ nỗi là con nào lây bịnh cho tao?”
Có lần, trong một cơn say bí tĩ, cậu út Mười đã thố lộ, suy đoán rằng mình bị đã lây bệnh phong tình vào một đêm quá cuồng nhiệt tại nhà từ đường. Sặc sụa hơi men, thả mặc khoái cảm, cậu công tử đã bốc đồng tung ra một số ngân lượng rất lớn, gạ gẫm một cô đào hát làm tình với mình. Đó là cô đào võ tên là Long Nga, thanh sắc vẹn toàn, nổi tiếng nhứt qua vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình, ngôi sao sáng của một gánh hát nổi danh ở đất Sàigòn, lần đó được nhà ông bá hộ mướn diễn hát trong dịp khai mùa lưới đăng tại làng Kim Bồng.
Cũng giống cha mình lúc tắt nghỉ, ông Lý Đới chẳng có gì nhiều để trối trăn, ký thác cho lâm ly, bi đát với bốn đứa con chính thức của ông. Dĩ nhiên đã vắng mặt đại thiếu gia đời thứ ba, vì cậu trai trưởng này tử trận sau thời gian đi quân dịch ở Sàigòn và vắng mặt cả những đứa con rơi con rớt, không được nhìn nhận nào đó của ông Lý Đới. Của hương hỏa đương nhiên giao cho cậu trai kế là Lý Thao - nhị thiếu gia đời thứ ba. Và tình hình người thủ từ đường họ Lý kỳ này còn thảm não hơn cả cha mình khi ông út không hề còn chút tài sản riêng nào mà để lại cho con cái. Tệ hơn là trước khi tiếp nhận cái gia sản trống không, cậu Lý Thao vốn cũng chỉ hoàn toàn sống nhờ vào cha mẹ nên không kịp hề tạo ra chút của nã riêng nào. Nhưng dù rất nghèo túng, cậu cũng bó tay, không dám đụng gì tới phần hương hỏa. Theo tập tục, cậu chỉ được phép khai thác vườn dừa cả trăm gốc trong đất hương hỏa để có tiền lo nhang khói, cúng kiếng cho tổ đường, và không được phép bán một tấc đất nào để xài riêng.
Rồi lần lượt những thiếu gia các nhánh, các đời thuộc đại tộc họ Lý cũng đi theo tổ tiên. Riêng Lý Thao, mãi đến sau ngày 30/4/1975 mới qua đời, cũng vì bệnh lao phổi. Chính ra, bộ phim gia đình nhiều tập kiểu Hồng Công về dòng họ Lý giàu nhất làng Kim Bồng, giàu nổi tiếng đất Khánh Hòa, coi như đã kết thúc sớm hơn nhiều, với cảnh nhị thiếu gia đời thứ ba đành buông bỏ gia phong mà lo kiếm sống với cái nghề chạy xe ôm bần dân, vất vả.
Lý Thao chết, cũng giống như kiểu chết của cha mình, làm gì có chuyện màu mè lập di chúc giao lại một cách cụ thể của hương hỏa cho đứa nào trong số bốn con trai của ông , tức đời thứ tư của họ Lý. Cả họ ngầm hiểu người thừa kế là Lý Đoàn, với danh xưng đơn giản là con trai trưởng chứ không còn là đại thiếu gia vì như đã nói, bộ phim cổ trang về gia phong họ Lý đã kết thúc xong xuôi hết rồi. Thật ra, lúc cha mất, Đoàn cũng chẳng mừng rỡ, thú vị gì về cái gọi là nhiệm vụ thừa tự hương hỏa. Chỉ là căn nhà cổ rộng mênh mông nhưng quá cũ kỹ, quá nhiều bóng tối. Gian nhà thờ - niềm hãnh diện của loại nhà từ đường - thường xuyên đóng kín ba ô cửa phí trước, như muốn che kín những bàn ghế, tủ thờ khảm xa cừ quí giá nhưng không thể được đem cầm,bán. Phía sau nhà thờ chỉ có những căn buồng trống trơn, lạnh lẽo, vừa đủ cho mấy gia đình nhỏ sống chen chúc, Âm thầm. Bên ngoài chỉ là mảnh vườn dừa xơ xác mà hằng ngày, mấy đàn ông trong nhà không thể ngó ngàng gì tới vì còn bận chạy qua phố Nha Trang kiếm ăn, nuôi vợ con bằng nghề phụ hồ và chạy xe ôm. Cứ sắp đến những ngày giỗ hằng năm là cả nhà rầu lo. Chén bát xưa để lại thì có dư để dọn, đãi cho cả trăm người, nhưng… Tiền đâu để lo kỳ giỗ tới đây? Hưởng của hương hỏa mà không lo cúng quãy coi cho được thì bị họ hàng làng xóm nói chết đi, mấy chú có thấy không? Cậu Đoàn thường rầu rĩ, thở than với các em mình.
Đám con cái của ba bà chị ông Lý Thao, ngụ trong mấy căn nhà cấp 4 ngoài rìa đất hương hỏa, cũng không khá giả gì hơn. Mấy cậu trai này cũng chạy xe ôm hay đi làm thợ hồ, phụ hồ, chung chỗ làm với đám em họ của mình. Có một anh còn làm một nghề là lạ. Là hậu duệ của tộc họ Lý có vườn dừa bát ngát ở đất làng Kim Bồng, nhưng bản thân lại không hề có chút đất riêng nào để trồng dừa mà bẻ trái, nên ngày ngày anh chàng phải choàng một cuộn dây thừng qua cổ, đạp xe qua phố Nha Trang, đến nhà ai có trồng dừa thì gạ mua, rồi trèo lên cây chặt buồng, bẻ trái đem bán kiếm chút lời.
Phép lạ chợt xảy ra. Chỉ nhờ canh me, tức rình chực từ rất lâu ngày chứ không hề có cây vàng nào mua chỗ, một đêm nọ Đoàn đã lọt xuống một chiếc ghe vượt biên ở Cam Ranh. Chiếc ghe tiến thẳng ra biển một cách suôn sẻ…
2.
Biển. Lại là biển. Vẫn là biển gắn chặt vào mấy đời họ Lý, dù ông lão ngư dân/bá hộ Lý Đam, có cố tình quên lãng vào cuối đời. Đến lượt ông Lý Ân thì thì trái hẳn với tâm lý ngụy tín của cha mình, ông vô cùng thân thiện với biển. Gã ngư phủ này, đúng hơn là một thủ lãnh của ngư dân, có khổ người cao lớn, vậm vỡ theo cách riêng của dân sống ngoài biển cả, khác hẳn tướng vóc nhỏ, gầy, của cha và cậu em út của mình. Khuôn mặt đanh cứng, lông mày rậm và hơi sếch như người Mông Cổ, nhưng nét hùng tráng trong vẻ đẹp rất đàn ông của ông Tám lại toát ra từ sóng mũi cao, trông hao hao như người Âu Tây, đúng hơn là giống các pho tượng các nam thần hay lực sĩ Hy Lạp. Một khuôn diện đẹp lồ lộ, rành mạch từng đường ngang nét sổ, nhưng lại ẩn chứa điều gì đó cổ xưa, như chỉ được tái hiện từ thăm thẳm quá khứ.
Có một ông thầy tướng nhận xét sau lưng ông Tám, rằng nét mặt ông có gì đó “tâm linh”, hay “thông linh”. Trong đời sống, người có kiểu mặt “tâm linh” không nhất thiết là người có sinh hoạt nội tâm phong phú hoặc phức tạp, bao gồm cả mẫu người bay bổng, đa sầu, đa cảm thường thấy trong giới văn học, nghệ thuật. Cũng không phải đương nhiên có kiểu mặt “tâm linh” nơi những người đeo đẳng công việc suy nghiệm, đau đáu trầm tư mặc tưởng, thuộc các hệ phái duy tâm/duy linh trong giới triết học, thần học Tây phương. Kể cả những người say mê tư tưởng, đạo học Đông phương, chủ trương tôn vinh thực tại tâm linh hơn thực tại vật chất, cũng không phải lúc nào họ cũng mang kiểu mặt “tâm linh”.
Kiểu mặt “tâm linh” muốn nói ở đây không khác thường, mắc mỏ cho lắm, vì tự thân kiểu mặt này không chọn lọc người muốn đeo mang nó. Kiểu mặt hiện ra trong cả hai trường hợp, là do người ta muốn làm dáng, hay ngược lại, bộc lộ tự nhiên, xuất phát từ một kiểu cách sinh hoạt lâu ngày. Đặc trưng của kiểu mặt “tâm linh” là vài nét gì đó u uất, khép kín, bí ẩn, có thể thấy nơi những người coi tướng số, coi chỉ tay, chấm tử vi, cùng các thầy bùa, thầy ngãi, thầy tụng, thầy tế, thầy cúng, thầy xem phong thủy, thầy lang vườn chữa bệnh bằng thuốc Nam…, tức gồm hết những quí thầy có thể hành nghề chuyên nghiệp, thường xuyên, cũng có thể chỉ là bán chuyên nghiệp, làm “nghề” chút đỉnh giúp bà con lối xóm trong lúc thầy thất nghiệp hay chưa có việc làm ổn định.
Cũng nét mặt đó, nhưng bay mùi “Âm khí” một cách dân dã, đại chúng, là nơi giới đồng bóng, xác chờ chực thần linh nhập vào, hay nơi những người bán nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, hàng mã, áo mão mặc cho tượng thần linh.v.v… Đặc biệt có lối tích tụ “Âm khí” một cách trí thức, cao đạo là những nhà ngoại cảm học, ngoại chất học khá hiếm hoi, chuyên nghề dẫn đường chỉ lối cho những ai cần tìm mồ mã thất lạc. Hay những người một mực kính tín, có khi cuồng tín, đối với tôn giáo của mình, siêng năng giảng đạo như tu sĩ chính danh, hay đi hành hương đây đó, hay phát tán những tin tức về phép lạ, cùng những người tình nguyện làm công quả ở cửa chùa, cửa đền, cửa phủ. Hay những người sáng tối thầm lặng tập tành một mình theo Thiền đạo, Yoga, Pháp luân công… một mình tại nhà. Hay ngược lại, họ hăng hái rao giảng, ca ngợi tất cả mọi thuật chuyển pháp luân, thiền định, vận khí, trì chú, quán tưởng, điều tức, buông xả, xuất hồn, ngưng thở giả chết.v.v…tại quán cà phê hay trong tiệm nhậu.
Nói chung, kiểu mặt “tâm linh” có ít nhiều, hơn kém nơi những người, một mặt vẫn hằng ngày sống thở bình thường với nhu cầu vật chất thực tế cơm-áo-gạo-tiền, nhưng mặt khác, tự họ cảm thấy mình - đặc biệt hơn người khác - được hòa bản thân vào một tuyến liên lạc huyền bí với ai đó ở cõi vô hình, siêu hình mà họ gọi là cõi trên, cõi Âm, cõi của người khuất mày khuất mặt… Hậu quả là với gương mặt tỏ ra “thông linh”, họ tự phong, tự giới thiệu là họ có khả năng thông tin hai chiều với thế giới siêu linh. Nhờ đó, thầy bói mới có cơ sở tin tức, tư liệu phi-vật-thể gì đó để “tiết lậu thiên cơ” mà thu tiền quẽ. Và thầy bùa mới có nguồn cảm hứng để thiết kế ra đuợc bùa Năm Ông hay bùa Lỗ Ban. Và thợ mộc/thợ hồ mới có thủ thuật phù phép vào giàn cột kèo ở những căn nhà mới cất, sau này có thể gây nên hiện tượng “mộc đè” gia chủ. Và các xác phàm mới nói bằng giọng nói xa lạ các Cậu, Cô nhập, hay người tập Thiền lâu năm mới tuyên bố là mình nhắm mắt mà thấy được mây ngũ sắc hay một cõi trống không, hư vô…Chính tác giả lên danh sách nhóm người có kiểu mặt “tâm linh” này, khi tìm hiểu, tiếp xúc với họ, cũng đã từng được họ hứa hẹn là tác giả sẽ kiếm được nhiều thành quả, quyền năng ghê gớm cho bản thân nếu chịu khó thụ giáo, tu tập.
Đúng ra là trong truyện này, cần phải có một chương, hồi chính thức dành nói về những người có kiểu mặt “tâm linh”, “thông linh”, nhưng việc này không cần thiết, vì ông Tám, nhân vật chính của truyện, đã không hề rảnh rang để nghiên cứu, theo đuổi tất cả những sinh hoạt, ngành nghề có vẻ siêu hình, cao đạo của nhóm người nêu trên. Theo cách riêng, ông Tám đã sẵn có một gương mặt như đươc sao chụp lại từ diện mạo của một bậc nam tử hán trong truyện cổ tích, vốn là mảnh đất huyền hoặc của thời kỳ mông muội, thường nẩy sinh sự chung đụng, giao thoa giữa con người với thần linh, ma quĩ. Rồi chính cái dấu ấn phảng phất “tâm linh” ấy đã ngưng tụ nhiều nhứt nơi đôi mắt hơi khác thường ông Tám.
Cũng ông thầy tướng kia nói tiếp rằng đó là cặp nhãn “Âm dương”. Trong truyện cổ tích hay trong phim kinh dị, người phàm có cặp mắt “Âm dương” thì có một khả năng khác người là, dù ban ngày hay đêm tối, đều có thể nhìn thấy ma quĩ, thần thánh các loại mà người bình thường không thể nào nhìn thấy được. Riêng về loài gia súc thân thuộc trong nhà là mấy chú chó ta thì thỉnh thoảng cũng có con hay sũa bâng quơ ban đêm, khiến người ta giải thích rằng nó cũng có mắt “Âm dương”, đã nhìn thấy ma quĩ vất vưởng, dạo chơi đâu đó. Nhưng xung quanh ông Tám, chủ nhân cặp “Âm dương”, thì không hề có một chú linh khuyển nào loại này dám xớ rớ, vì chủ gia không thích chó mèo, mặc dầu vẫn cho phép nuôi chó dữ trong nhà để canh giữ tài sản trong ngoài.
Trong giới khai thác nghề biển của đất Khánh Hòa, ông Lý Ân, chủ sở cá Bích Đầm – thời này người ta ít còn dùng chữ phường cá - đã có một ít tiếng tăm, chứ không còn núp dưới cái bóng to lớn của cha mình. Mọi người quen gọi ông là ông Tám, ít ai dám trịch thượng gọi tên tộc của ông. Từ lúc ông bá hộ không ra biển nữa, ông Tám một mình quán xuyến giàn nghề biển của gia tộc và dần hồi chỉnh đốn lại theo ý riêng. Từ ngày nắm quyền cai quản nghề biển của họ Lý, người trong nghề chính thức gọi ông chủ Tám là “ông thợ”, còn thợ, dân lao động theo làm nghề biển trên ghe, tàu thì lại được gọi là “bạn”, “bạn chài” hay “bạn lưới”… Thật ra thì ông “thợ” này không bình dân, thợ thuyền chút nào. Trái lại, đây là một ông chủ cao ngạo, đầy uy lực, nếu không muốn nói là độc đoán, phong kiến. Món vật tượng trưng cho uy quyền của ông Tám là một cái roi cật bò dài thượt mà không bao giờ ông ngần ngại sử dụng với người làm công và con cháu trong gia đình. Có một người cháu tuổi ngang với ông Tám, nhà quá nghèo và theo làm việc trong sở cá Bích Đấm đã lâu, thường xuyên bị cậu ruột mình đấm đá, lên gối, mỗi khi ông Tám cảm thấy roi cật bò là chưa đủ đối với kiểu chạp, bê trễ của cháu mình.
Không cần tới cây roi trên tay thì nội cái vóc người cao lớn, đầy vẻ áp đảo người đối diện của ông chủ Tám cũng đủ để con cháu phải khiếp vía. Với sức khỏe tráng kiện hơn người, ông Tám còn rất sung sức và ưa chuộng tình dục. Về người cha , tức ông bá hộ Lý Đam thì ở thời còn hoạt động, ông cụ chỉ chú tâm vào việc làm ăn, xây dựng cơ nghiệp, nên thiên hạ chỉ thấy ông có một bà vợ trong nhà. Biết sống hưởng thụ hơn cha mình, cùng lúc ông Tám có đến ba vợ. Và tuy cũng có lúc lang chạ, không cần tự kềm chế, nhưng chuyện chơi bời ngoài đường của ông Tám cũng khác hẳn cái thói trăng hoa của ông em út. Nhờ quan điểm khinh rẻ kiểu chung chạ bừa bãi, thiếu kén chọn bạn tình, xem đó chỉ là bạc nhược chứ không hề là phong phú trong sinh hoạt tình dục, ông Tám tránh được bệnh phong tình như em trai mình đã mắc phải.
Mặt khác, không phải chỉ riêng nơi một ngư dân tiêu biểu, nổi tiếng như ông Tám mới có lối sống vật dục, hiếu cảm. Sau lưng ông chủ Tám còn có cả một đoàn lũ ngư dân mà tự muôn đời, họ đã sống rất đơn giản, có tập tính chung là thiên về bản năng sinh vật hơn là bản năng văn hóa của con người. Cá tôm tươi sống vùng biển như một nguồn thực phẩm vừa dễ tìm vừa giàu chất bổ dưỡng. Cộng hưởng với loại dưỡng chất thiên nhiên này, môi trường sống thoáng đảng, trong lành của trời biển, sóng nước, còn giúp cho loại người lao động chân tay như đám ngư dân có được sức khỏe tốt, tốt hơn nhiều so với dân thành thị, nên họ thường có khả năng tình dục mạnh mẽ.
Dân biển thường trực sống với thân xác mình, bằng thân xác sinh động của mình, hơn là sống với tâm trí. Giống như những pho tượng nam thần hoặc lực sĩ của Hy Lạp cổ đại, đàn ông ngư dân trong mấy tháng sống trên ghe lưới đăng đậu cố định ngoài biển, không có bóng dáng đàn bà, thì hầu như ăn lông ở lỗ với những manh vải rách nát che tạm bộ phận sinh dục. Gặp nạn tai giữa biển khơi mà chết trôi dật dờ trong sóng nước thì xác của họ hoàn toàn trần truồng vì sóng dữ đã vùi dập, lột tuột mọi thứ quần áo trên người. Chính nếp sinh hoạt của dân chúng ở làng chài cũng vốn đã nặng tính phồn thực, rất vô tư về chuyện bày lộ thân thể. Đàn bà ở làng chài, nhứt là hạng nghèo khó, thiếu thốn, hầu như không biết đến quần áo lót là gì, cứ hồn nhiên, hời hợt phô bày vú vê, hông háng trước mặt mọi người. Nhà cửa ở làng chài thì rất đơn sơ, buồng riêng của sinh hoạt vợ chồng thường thiếu kín đáo và phần lớn không có nhà tắm riêng trong nhà. Cái gọi là nhà tắm hay nhà cầu – dù công cộng hay riêng cho từng gia đình - chỉ được cơi lên cho có ngoài vườn hay sau hè, được che chắn tạm bợ bằng vài manh lá dừa, phơ phất, hở trên hở dưới. Người đang ngồi đại tiện sau tấm ván che phần hạ thể của mình có thể vui vẻ chào hỏi, lớn tiếng chuyện trò với ai đó tình cờ đi ngang…
Do đó, một khi các bộ phận giới tính nam nữ ngày đêm lúc nào cũng phơi phới, sẵn sàng, thì không cần gì phải chờ thông qua giai đoạn được khêu gợi, kích thích cho đủ độ thèm muốn, người ta lao vào nhau, cùng thực hiện việc giao hợp chóng vánh, dễ dãi vô cùng. Ngư dân sống rất vô tư, hồn nhiên với thân xác mình, với tất cả nguồn cảm xúc nhạy bén và khát thèm, nhiều khi chìm đắm trong sinh hoạt giới tính, bản năng sinh vật. Dù là đàn ông hay đàn bà, dù nghèo khó cơ cực, không thấy ai tỏ ra e sợ chuyện sinh đẻ quá nhiều. Kế hoạch hóa sinh đẻ, làm chủ cái quyết định về số con cái trong gia đình, là những mối bận tâm xa lạ, mơ hồ đối với người dân ít học, vốn chỉ tin vào chuyện “trời sinh voi sinh cỏ”. Mặt khác, khoái lạc nhục dục mới giúp người ta có cảm giác mình được làm chủ chính thân xác mình. Hay riêng với cánh thợ bạn thấp cổ bé miệng, thường xuyên phải sợ hãi thần linh cùng quĩ ma biển cả và khép nép dưới con roi của chủ lưới, chỉ khi làm tình mới mơ hồ cảm thấy mình có chút quyền lực, ít ra là được làm chủ cái thân thể đàn bà nắm dưới mình.
Trong nhà từ đường họ Lý ở làng Bích Đầm, bề thế giàu sang như thế nhưng cũng không có nhà tắm riêng, hay chủ gia không hề nghĩ đến chuyện phải dựng phòng tắm trong nhà mình. Đàn ông trong nhà thì thường tắm táp ở cái giếng ngoài vườn dừa hay bên cạnh lu nước trong gian bếp rộng minh mông. Đàn bà thì chỉ có cách cài chốt cánh cửa nhà bếp lại khi cần thoát y tắm rửa với cái lu nước đó. Cài cửa hờ hững thì vài khi xảy ra chuyện bị ai đó vô tình, đột ngột tông cửa, khi người này có việc vội vã, cần xuống nhà bếp. Rồi có những ông chồng trẻ say rượu ban đêm, từ chiếu nhậu mò vào buồng riêng định đi ngủ một mình, nhưng quá biết cái thói quen tắm đêm của vợ mình. Trong đêm tỉnh mịch, trong tình huống những người khác trong nhà đã say ngủ, từ dưới nhà bếp đã vang lên khe khẽ tiếng xột xoạt cởi bỏ quần áo, tiếng nước chảy róc rách, tiếng chà xát, ấp vỗ trên da thịt … Bầy âm thanh quái quĩ này phút chốc đã dựng đứng một thân thể đàn bà trần truồng ngay trước trí tưởng tượng đã sẵn đói khát vì men rượu của người đàn ông. Nếu là loại đàn ông trí thức, sống nặng nội tâm, thì sự tưởng tượng về thân thể đàn bà như thế cũng gây rạo rực, thèm muốn, nhưng quí ông trí thức thường ứng xử dè dặt, ngại ngùng, tự kềm chế, nán chờ cho có được các điều kiện, khung cảnh thích hợp cho việc thỏa mãn tình dục của mình. Đằng này, sẵn tập tính sinh hoạt dễ dãi về nhục dục, thì không một chút đắn đo, gã ngư dân lập tức chỗi dậy, lom khom mang cái bộ phận cương cứng của mình mò xuống nhà bếp.
“Má thằng Bi đó hử?”, có thể có một câu hỏi ngắn ngủn, khẽ khàng. “Cái ông quĩ, giờ này mà…! Gài cửa lại đã, cái ông…!”, luôn luôn là sự sẵn sàng đáp lại. Rồi người ta thản nhiên trần truồng, quấn quít nhau ở tư thế đứng.
Nếu con cái trong nhà vui chơi, phá phách vượt quá sự cho phép của người lớn, điển hình như trò cỡi truồng tắm mưa, thì dân Nha Trang nói chung, dân làng Kim Bồng nói riêng, thường mắng chúng bằng một phương ngữ rất phổ biến. Hoang! Sao bây hoang dữ vậy hử? Người lớn đã quên rằng chính họ cũng có lúc rất hoang, còn hoang gấp bội con trẻ, chính là kiểu ái ân cuồng vội, không cần chọn nơi chọn lúc kia. Nhưng không hề gì. Sử sách tự xa xưa đã thường ghi rành rành những dòng nhạy cảm, kiểu “Vua Lê Long Đĩnh hoang dâm vô độ, đã…”.
Trong bóng tối ở sàn nước nhà bếp, gã ngư dân khỏa thân trông rất giống một pho tượng đàn ông Hy Lạp hay La Mã xưa, tuy trong số các pho tượng lực sĩ, chiến sĩ, người ngồi suy tưởng…đều trần truồng trong nghệ thuật điêu khắc của hai nền văn minh cổ đại này thì không thấy có kiểu tượng ở tư thế đứng làm tình. Chỉ tiếc là nét đẹp đầy nam tính, đầy sức sống nơi thân hình gã ngư dân cường tráng kia đã bị hạn chế khá nhiều bởi sự kém tương xứng của thân thể chị đàn bà mà gã đang ôm xiết và cật lực lay động trong động tác ái ân quen thuộc.
Phụ nữ Việt Nam nhìn chung là đẹp, rất đẹp ở khuôn mặt và gò ngực, nhưng tiếc là nơi rất nhiều giai nhân của chúng ta, đôi chân lại thường không đủ dài, khiến cho toàn thân mỹ nữ có vẻ mất cân đối giữa các bộ phận thân thể trên, dưới. Nói cho công bằng, khi người đàn bà khỏa thân đứng bên cạnh người đàn ông trần truồng của mình, mà chỉ đứng đến phần ngực, nách của cái thân thể cao lớn, vậm vỡ ấy thì sự chênh lệch về chiều cao giữa hai thân thể không phải là chuyện đáng bàn. Vóc dáng thấp bé, nhỏ gọn của phụ nữ Á Đông nói chung vẫn xinh đẹp, nếu đôi chân có một tỷ lệ thích hợp đối với toàn thân. Và chiều cao khiêm tốn của phụ nữ vốn cũng chỉ gây một ít khó khăn, không đến nỗi làm giảm sút hứng cảm, say đắm của bạn tình trong ái ân theo tư thế thông thường. Đằng này, như trường hợp cặp nam nữ đang yêu nhau ở sàn nước nhà bếp, đáng tiếc là chỉ bởi cặp chân ngắn ngủn của người đàn bà mà không thể tạo nên một cặp tượng người đẹp đẽ, hài hòa, giàu nét nghệ thuật.
Nghe nói về sau, khi nghe mô tả về sự bất toàn nơi cặp tượng người lõa thể đã xa xưa này, một số nhà nhân trắc học, giải phẫu học và mỹ cảm học đã chịu khó suy nghĩ về giải pháp cứu chuộc mỹ cảm của toàn nhân loại. Đại để đã họ nghiên cứu dở dang về một dự án giải phẫu, tháo khớp háng hay tháo khớp gối của thân hình đàn bà, loại bỏ cặp chân ngắn ngủn, thô kệch của chị nội trợ, để thay vào đó là một cặp chân thon dài, hoàn hảo của cô hoa hậu, khiến ai cũng thích nhìn ngắm.
Nhưng trở lại với lúc phải miễn cưỡng nhìn thấy cặp tượng người trong đêm tối, cái tượng nhỏ của thần Thổ Địa đang ngồi trên bếp, cạnh hai cái lò ba ngạnh – chính là Táo Quân, thần bếp – đã nhăn mặt, lắc đầu. Không rõ khi các vị thần phò hộ cái ăn, cái sống trong nhà này tỏ ra không hài lòng, là do cảm thấy bị cặp đàn ông đàn bà hỗn hào, bất kính, dám làm việc riêng tư, có phần dơ dáy ngay trước mặt thần linh, hay chỉ do sự kém thẩm mỹ của cặp tượng người đang cử động làm tình.
Đó chỉ là chuyện cặp vợ chồng này đã ân ái với nhau theo kiểu đột hứng, buông tuồng, bất kể nơi chốn, thiếu khuôn phép, thiếu tế nhị, chứ vẫn là việc ân ái hợp pháp, vì họ là vợ chồng có cưới hỏi, ai cũng biết. Nhưng ở một vài trường hợp khác, phải nói là chuyện không đúng đắn…
Từ lâu rồi, sát bên cạnh cây cầu gỗ của làng Kim Bồng, một cái quán lụp xụp của ai đó được dựng nên để bán đủ thứ hàng tạp hóa, thức ăn rẻ tiền, cũng là chỗ thu tiền người, xe qua cầu. Vào sẩm chiều, mấy phụ nữ rảnh rỗi trong xóm làng thường tụ tập trên chiếc chiếu rách trải ra ở sân quán. Họ chuyện trò với nhau đủ thứ đề tài trên đời. Chuyện mơ hồ bên Tàu, bên Tây xa lơ xa lắc cũng như chuyện có thật hay chỉ là đồn đãi, đã xảy ra tại đây, trong đời sống con người vùng này. Rôm rã nhất là những chuyện mà mấy chị gọi là chuyện lấy bậy…
Chuyện con nhỏ Na bắt đầu chưng diện từ khi được tuyển vô làm công nhân viên ở cửa hàng ăn uống của thị trấn, thì đã vô tầm ngắm của dân trong làng xóm lâu rồi, nhưng chuyện con này lén đi ăn nằm với anh cửa hàng phó thì là mới là loại tin thời sự nóng. Khi bắt quả tang đôi gian phu dâm phụ - gian phu kịp thời trốn chạy - không hiểu sao anh chồng, vốn là một bợm nhậu hung dữ, lại chỉ bộp tai và kiếm cây kéo sỡn tóc vợ. Không hề có chuyện chém giết, bóp cổ hay rạch mặt. Những vụ đổ máu như thế rất dễ xảy ra khi những anh chồng bị cắm sừng nổi điên lên mà trừng phạt mấy chị vợ lấy trai . Lui về quá khứ vào cỡ thập niên 50, chính cha đẻ chồng con nhỏ Na cũng bị một vụ chôm bôm, tức bị vợ ngoại tình. Nhưng lúc ấy, ông già chỉ sỡn tóc và đuổi bà vợ ra khỏi nhà rồi ra hội đồng xã tuyên bố để vợ, tức ly hôn. Đúng ra thì các dâm phụ dùng một, hai bộ phận thân thể khác để lấy bậy chứ không phải mái tóc, nhưng có thể hiểu là, tóc gắn liền với đầu, mà đầu theo luân lý dân ta thì là phần thân thể dành riêng cho việc thờ cha thờ mẹ. Thiên hạ thường nói, giỡn ở đầu là không được, vì đây là hành vi bất kính dây chuyền đến các bậc sinh thành. Vậy người bị sỡn tóc tức là bị trừng phạt do một tội lỗi rất nặng, đồng nghĩa với việc bị tước mất danh dự của mình cũng như của cha mẹ mình. Có thể rút ra ý nghĩa đạo đức cho kiểu trừng phạt sỡn tóc, cạo đầu vợ lấy bậy của mấy ông già người mình , trước tiên là hành động tượng trưng cho việc tước bỏ danh dự của vợ, sau đó là bêu rếu cha mẹ vợ không biết dạy con gái giữ đức chung thủy. Còn lối trừng phạt là ly dị vợ thì còn tùy nơi người đàn ông.
Dĩ nhiên, gã chồng con Na – vị chấp pháp xuất sắc theo truyền thống, lúc nào cũng có tâm nguyện cúc cung bảo tồn văn hóa, đạo lý của cha ông để lại – rất đau khổ, bối rối, vì ban ngày phải một mình chăm sóc mấy đứa con, ban đêm phải nằm ngủ một mình, không còn có thân thể vợ bên cạnh. Gã càng thấm thía cảnh đơn chiếc khi nghe bà già góa hàng xóm - có thể đáng tin cậy vì trước nay bà chưa hề công khai bị buộc tội lấy bậy - phân giải rằng: “Cũng tại thời thế mà mày cho nó đi làm, rồi nó mới hư. Thôi con, vợ chồng ăn ở đã quen mùi quen hơi, mà thời buổi này nghèo như mày thì làm sao lấy được con vợ khác để… ngủ ?”. Quả là người đàn bà góa chồng này rất sành tâm lý đàn ông khi nhấn mạnh rằng anh chồng kia cần có vợ là “để ngủ” chớ không phải để nấu cơm, làm việc nhà hay chăm sóc cha con anh.
câu ca dao Cha mày ngu, má mày ngu / Vợ chồng kình lộn, con c. nhịn thèm. Mụ đàn bà còn ngâm nga câu ca dao hết sức hiện thực ấy. Nhân việc làm cố vấn về luyến ái cho vợ chồng con Na, hiển nhiên là mụ đàn bà góa chồng đã vô ý thức phóng rọi ẩn ức “nhịn thèm” của chính bản thân mình vào người gã chồng vắng vợ kia. Ít lâu sau, anh chồng có đầu óc đơn giản , rất ngại suy nghĩ ấy đã tha thứ cho vợ. Con nhỏ Na trở về nhà. Đêm đó hai vợ chồng quấn quít nhau gần như cuồng loạn sau những ngày thiếu hơi thiếu hám, không hề bị vướng ngại chút nào bởi cái mớ tóc cụt ngũn, nham nhỡ trên đầu con nhỏ.
Kế đó, mấy chị đàn bà quay sang chuyện về gã đàn ông tên là Tư Dầm. Chuyện là bấy lâu nay, anh Tư phải thức dậy từ một giờ khuya, cùng một anh bạn mò xuống chiếc ghe cũ nát đậu dưới bờ sông. Chiếc ghe nhỏ không dám ra tới cửa biển, quẩn quanh trong những con sông nước mặn vùng này, xa nhất là tới cầu Hà Ra. Và dù đuợc bao nhiêu cá tôm, họ cũng quay về khi trời sáng bững. Về đến nhà, Tư Dầm chui luôn vào giường, ý như ngủ bù vì thường anh rất mệt mỏi và đói bụng. Anh còn đói thứ khác nữa. Nhà vắng vẻ, vì từ hừng đông, chị Tư đã dọn hàng ra bán cháo đậu ở trước cổng vườn dừa nhà ông bá hộ. Nhưng anh Tư không thể tự dỗ giấc ngủ của mình. Không cần phải trăn trở, anh ới gọi thằng con trai đang chơi trước nhà. Thằng nhỏ chạy te ra đầu đường, lớn giọng nói với mẹ: “Má, ổng kêu bà về kìa!”, và thường là nó nói tiếp luôn như đã được cha mình dặn dò kỹ càng “ Về liền đó nha!”. Người đàn bà ngán ngẫm đậy nắp nồi cháo, nói nho nhỏ là gởi gánh hàng cho cho bà già bán bánh căn bên cạnh. Bước vào nhà, chị chỉ khép hờ cánh cửa, đi thẳng vô buồng, nằm bên cạnh chồng. Anh chồng có hỏi nhỏ một, hai câu gì đó cho có lệ. Bên ngoài, trời đã sáng rõ nhưng trong căn buồng tối tăm chợt như tối hơn nữa khi hai nguời ôm nhau, đúng hơn là anh chồng nhào lên thân hình chị vợ đang nằm im lặng, chịu đựng… Một lát sau, nguời ta thấy chị Tư trở ra – không ai dám quả quyết là người đàn bà này có thì giờ rửa ráy mình mẫy, chân tay hay không – ngồi bán cháo tiếp. Và chồng chị đã tự ngủ được sau khi ngủ với chị. Đứa trẻ to đầu, lớn xác và được chìu chuộng - hầu như không có giới hạn - về món trò chăn gối này đã có thể ngủ một giấc tới trưa. Hay gã cùng của quí của gã có thể mặc sức ngủ luôn cho tới đợt ân ái kế tiếp, vào ngày hôm sau, vào giữa buổi sáng bán hàng của vợ mình. Nhưng ngày hôm sau, chị Tư lại gói ghém một ít đồ đạc, vôi vã đi về quê của chị ở tận Ninh Hòa, thăm bà má đang ốm nặng. “Ông ở nhà một mình ít ngày, coi chừng thằng nhỏ…”, chị căn dặn anh chồng rất minh bạch, nhưng gã đàn ông lại mơ hồ hiểu khác đi rằng, tình cảnh vợ đi vắng, mình phải ở “một mình”, chỉ có nghĩa là anh ta phải chịu đựng nỗi thiếu vắng món ân ái đầu ngày, y như phải nhịn ly cà phê sáng hay một món cá mặn quen thuộc ở bữa cơm trưa…
Cái tập quán, hay đúng hơn là thói tật ân ái kỳ khôi, trì độn của gã Tư Dầm, cứ diễn ra hoài sau những đêm anh đi lưới, lần hồi dân trong xóm làng – không biết bằng cách nào – biết hết và cho là quá dâm dục. Riêng đối với nguời đàn ông ít nói, trí tuệ cũng câm nín y như một cá chết khô này, đôi khi anh cũng có chút ý thức phản tĩnh. Chướng thiệt! Mơ hồ anh tự cảm thấy mình không ổn khi cứ ngày ngày đòi vợ phải ngưng ngang công việc buôn bán kiếm sống ngoài đường để tất tả đi về nhà cho anh thỏa mãn cơn dâm dục. Nhưng đã nói là anh vốn rất ngại suy nghĩ và rất mau quên là mình đã từng áy náy chuyện gì đó trong đời. Vợ chồng lấy nhau thì bình thường, không phạm đạo lý gì, nhưng kiểu lấy, ngủ với vợ của anh đã bị người ngoài kết án là bậy dù kiểu thèm muốn của anh lại hồn nhiên như trẻ thơ vô tội. Ngay khi anh còn ngồi trên ghe, lo kéo lưới kiếm cá trong đêm tối, thì y như một đứa bé đang làm một công việc nghiêm túc nhưng lại không tập trung, chỉ háo hức nghĩ về một món đồ chơi, một trò chơi thích thú mà lát nữa nó sẽ được hưởng, Tư Dầm đã cứ đực mặt ra, đôi mắt đứng tròng như ngây dại. Gã chìm ngập trong sự tưởng tượng dai dẳng tới chuyện ôm ghì lấy thân thể trần truồng của vợ mình. Mà hiện giờ, anh chàng khố rách áo ôm, gần như thất nghiệp quanh năm này còn có thứ hưởng-thụ-cuộc-đời nào khác, có sẵn trong nhà và hoàn toàn miễn phí, trong tầm tay? Chỉ tội nghiệp cho nguời đàn bà, trường hợp này không khác một con nô lệ chuyên cung ứng thân xác mình cho thú vui tình dục của ông chủ mà mình nuôi. Chỉ nội trong một buổi sáng phải chìu chồng như thế, chị phải cúi mặt chịu đựng - ít nhất là hai lần - cái nhìn của những nguời mua cháo, ngồi ăn cháo trước mặt chị, khi chị phải đậy nắp nồi cháo để tất tả đi về nhà và cả khi trở ra ngồi bán tiếp. Riết rồi thì cũng không còn ai trong làng thèm bàn tán về chuyện gã Tư Dầm quá dâm, cùng những cữ ái ân thường lệ khi trời đã sáng bách mắt của cặp vợ chồng cơ cực, nghèo tiền bạc, nghèo thú vui này. Có cùng một thân phận ngư dân lam lũ, cuộc sống quá khó khăn, quá ít niềm vui và thú giải trí, những người đàn ông trong làng có thể dễ dàng thông cảm cho anh bạn Tư Dầm. Và trước đó, bọn đàn ông đã kiếm ra lý lẽ để thông cảm cho chính bản thân mình. Nếu như chuyện ông Mười tung tiền ra lấy bậy cô đào hát bội thì không bà con dám lên án, thì chuyện tụi tôi mò xuống nhà bếp lúc vợ tắm đêm khuya, và cái chuyện gã Tư Dầm cứ đòi vợ lúc tảng sáng, có gì là tội lệ ?Đã là đàn ông còn khoẻ mạnh thì tụi tôi phải tự kiếm cách thỏa mãn cho chính mình chớ. Con người chớ đâu phải thần thánh! Cứ khi mặt trời thức giấc, con người như Tư Dầm có thường xuyên tưởng tượng rồi thực hiện luôn cữ chăn gối với vợ mình thì cũng không có gì khác chuyện những người đàn ông khác thường xuyên nghĩ tới và đi kiếm cữ cà phê đầu ngày – trong cuộc sống bình thường của con người. (Còn tiếp)
|
|
|
|
|