Hồn Ma Biển


 
 
 

11.
Dù sao, lão ngư ông vui tính, nói nhiều, thông minh trên mức láu lĩnh, đã tự dưng hiện ra trước mặt ông Tám đêm nào, quả là một ông lão dễ mến. Người ta chỉ có vẻ dễ mến, dễ gần khi có lộ ra ít nhiều bất toàn, yếu đuối trước mắt nhìn của người khác. Một người đã hoàn hảo, đầy quyền lực, chỉ nằm ở một chiều quan hệ duy nhứt đối với người khác là ra lịnh và ban ơn thì kỳ cùng, chỉ được người khác, nhứt là người thọ ơn, kính nễ ngoài mặt chứ không hề thương yêu. Ngay cả nơi những mẫu người đời biết xem ơn sủng của ai đó ban cho mình như một gánh nặng tinh thần, trước sau gì cũng phải cố gắng báo đáp, thì chính vô thức của những con người này lại tự gây ra cho họ cảm giác thấp kém, như thể giá trị nhân cách của họ bị xếp dưới người ban ơn. Lập tức bản năng sinh tồn chỗi dậy, cố gỡ gạc cho sự xuống giá nhân phẩm gì đó, khiến người ta không thể nào thương yêu kẻ đang vượt lên trên mình, nếu không nói là đã nhen nhóm cảm giác thù hận. Ngược lại, người ta có cảm tình dễ dàng với người nhận ơn sủng của mình – người bị xếp dưới mình...

Trong đám đông nhân loại, một số con người cá biệt, tài trí hơn đồng loại – như mẫu người ông Tám, thường ngấm ngầm cảm thấy loài người mà họ đại diện đã mất tự do trước sự an bài của số mệnh. Dù có nhận được thứ số mệnh tốt đẹp, như: giàu có, thông minh, nhan sắc, buôn may bán đắt, trên đường đời cứ gặp bế tắc là tự nhiên được hanh thông…, thì thực chất con người cũng chẳng có chút tự do nào để chọn lựa cuộc sinh tồn của mình, một khi số mệnh con người hoàn toàn do bàn tay của Thượng đế và các thần linh nhào nặn, định đoạt. Chua chát nhứt và có tính chất nhục mạ niềm kiêu hãnh chủ quan của loài người – loài sinh vật thượng đẳng trong vũ trụ – là ngay có ý muốn chơi ngông, muốn từ chối phắt những thứ số mệnh đẹp đẽ kia, thì con người cũng không có được cái quyền thực hiện nghĩa lý sâu sắc nhứt của ý niệm “tự do” là quyền nói “không!”, quyền phủ quyết, phủ định.

Có thể nhìn giản đơn là trong đời người, có hai mối quan hệ chính yếu nhứt. Một là quan hệ theo chiều đứng, là quan hệ người – thần, được thiết lập do khía bản ngã linh thánh vốn có nơi hữu thể con người, kể cả những người chủ trương vô thần. Có bản năng thông hội với thần linh nên con người mới có nhu cầu tín ngưỡng, khát vọng tâm linh, ý thức được rằng ở bên ngoài cõi người – ai đó muốn hiểu là ở trên hay ở dưới đều không thành vấn đề - còn có cõi Thiên và cõi Âm. Còn lại là mối quan hệ theo chiều ngang, tức quan hệ người – người, được thiết lập do khía bản ngã xã hội, liên kết con người với nhau, ít nhiều gần với bản năng sinh vật, như đa số loài vật có tập tính sống thành bầy đàn. Vậy mà trong quan hệ người - thần, thứ tự do căn bản - tự do thiết kế chính số mệnh của mình, đã vắng mặt hay bị tước đoạt, thì thật đáng tội nghiệp cho những thứ tự do khác có trong quan hệ người – người, thứ tự do hạng thứ cấp, kém giá trị, như: chọn ngành học, hành nghề, theo đạo, lập gia đình, kiếm chỗ ở, bầu tổng thống…

Đằng nào thì trong chiều kích tâm linh của mình, con người cũng đã tỏ ra tôn thờ thần linh, khiếp sợ ma quĩ, điển hình là qua tín ngưỡng dân gian của người Việt. Trước hết, phổ biến trong dân gian nhứt là tín ngưỡng “thờ cúng ông bà”, còn được gọi là đạo “thờ cúng tổ tiên” hay vắn tắt hơn, đạo “ông bà”. Lần hồi đạo “ông bà” nhuốm màu sắc ngoại lai là đạo Khổng từ phương Bắc truyền xuống. Vốn là một hệ triết lý nhân sinh, đạo Khổng Nho của Hán tộc ít chú đến các vấn đề siêu hình như Thiên Mệnh, Thượng Đế, Tạo Hóa…, mà chỉ tập trung bàn về đạo sống của con người, như Tứ Đức, Tam Tòng, Tam Cương, Ngũ Thường v.v... Khi hòa nhập với các tín ngưỡng dân gian đa thần ở đất Việt, tư tưởng Khổng Mạnh đã có đặc trưng tôn giáo nhiều hơn là triết lý. Còn những ai tin tưởng bói Dịch, bùa Lỗ Ban, ái mộ giới thầy pháp, thầy cúng thì đã vô hìng trung hoặc gián tiếp là đệ tử của đạo Lão với các thuyết Thái Cực, Lưỡng Nghi... Rốt cuộc, trong nhà của hầu hết người Việt, dù khá giả hay nghèo khó, thường có rất nhiều bàn thờ, trang thờ khác nhau, ngoài phần thờ phượng tổ tiên, ông bà. Trong nhà Phật tử và người theo đạo “ông bà”, ngoài bàn thờ Thích Ca và Quan Âm, thuộc đạo Phật, còn có các trang thờ Thần Tài, Thổ Công ở phòng khách và thờ Táo Quân ở nhà bếp mà ba vị này có mặt là do sự hòa quyện hai đạo Lão/Khổng, cùng trang thờ ngoài sân để cúng Trời tức Thiên/Thái Cực, thuộc đạo Lão. Trong nhà người theo đạo Hòa Hảo hay đạo Cao Đài thì trước tiên là thờ đức Phật Thầy Tây An sáng lập đạo Hòa Hảo hay thờ Con Mắt, biểu tượng đạo Cao Đài. Đó là chưa nói những ảnh hưởng nhứt định của đạo Bà La Môn và sau này là đạo Hồi nguyên thủy của người Chăm Bà Ni để lại trong quá trình nước Việt thôn tính nước Chiêm Thành. Ảnh hưởng của hai tôn giáo đến từ phía Tây này có thể tìm thấy trong các tập tục thờ Bà Chúa Xứ, Ngũ Hành nương nương, cùng các nghi thức tế lễ, rước tượng, bóng rỗi…, trong tín ngưỡng dân gian của dân ta, nhứt là giới bình dân.

Thú vị nhất là về Quan Nhị Ca mà trong các phim hình sự, xã hội đen của Hồng Công, các anh chị “police hoàng gia” thường thắp nhang cho ngài trước khi đi phá án. Có thể đây là nguyên Tổ của nghề bộ đầu/công an/cảnh sát bên Trung quốc từ thời xưa truyền lại nhưng không biết từ lúc nào. Quan Công, hay Quan Thánh - biểu tượng cho đức trung liệt Khổng Nho - hùng dũng với mặt đỏ, râu dài của Hán tộc đã được người Việt cùng thờ phượng vì cảm phục đức độ anh hùng. Chùa thờ Quan Công – đúng ra phải gọi là đền Quan Thánh - cũng thường được gọi là chùa Ông, như kiểu thờ Ông Nam Hải của ngư dân. Riêng về Thần Tài - thần tượng ưa chuộng nhứt của ông Tám, nhân vật chính trong truyện này, phải thờ vị này cho đúng cách: trang thờ đặt dưới đất và quay mặt ra đường, không được có đồ vật gì che phía trước, và phải thường xuyên sáng đèn. Có khi còn kèm theo các pho tượng nhỏ nữa cho đủ bộ ba thần Phúc Lộc Thọ. Trong giới con chiên Thiên Chúa giáo - tôn giáo chủ trương ngoài tượng Chúa ba ngôi và các thiên sứ ra thì giáo dân không được phép thờ ngẫu tượng nào khác - vẫn có một số giáo dân thờ ông Thần Tài. Có lẽ các nhà thờ địa phương đã châm chước cho kiểu thờ “phụ trội” của con chiên.

Thế mà một con người đặc biệt là ông Tám lại có riêng mình một kiều kính tín kỳ lạ và hầu như luôn luôn tìm cách thách đố số mệnh. Cũng cúc cung cúi lạy trước mặt thần Biển, tỏ vẻ thành kính gọi bản ký kết là giao ước “thiêng liêng”, nhưng đối với con người cứng đầu, bất khuất này, “thiêng liêng” chỉ có nghĩa đây là thứ giao ước vô hình, bất-lập-văn-tự, ký với với một đối tác vô hình, chứ không có là một bản hợp đồng thượng đẳng vì được ký với một pháp nhân thật danh giá, cao trọng, siêu vượt người phàm. Và dù cho là cái khía cạnh siêu linh trong giá trị của bản hợp đồng ký với thần Biển là có thật đi nữa, thì từ thâm tâm, ông Tám cũng đã hư vô hóa giá trị khác thường ấy. Ông xem bản hợp đồng không có gì khác những bản ký kết, viết tay hay nói miệng cũng thế, với những ông chủ bán dầu chạy ghe hay anh lái buôn nước mắm.

Và cũng do từ thâm tâm, nỗ lực phục hiện Tự Do đã mất của loài người, trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng ký với thần Biển, có hành vi nào có tính chất vi phạm những điều ký kết nhưng chủ quan ông Tám cho ông phải hành động, thì ông vẫn dửng dưng làm theo ý mình. Có khi ông Tám còn xem đó là một dịp gỡ huề, lấy lại chút đỉnh danh dự của con người đang yếu thế, phải đầu lụy thần linh.

Vậy là trong quan hệ người – thần, trong một cuộc chiến không cân sức, ông Tám giống một lực lượng yếu thế, chỉ có thể rình rập, chờ dịp là đánh du kích vào sau lưng, dưới gót chân hoặc dưới háng cái tập đoàn có sức mạnh siêu linh. Ngược lại, như để tìm cách bù lại cho cái tư thế cúi mặt, ẫn nhẫn đáng xấu hổ của mình trước thần linh, ông Tám tự biến mình thành một bạo chúa, một thế lực bề trên trong quan hệ người – người, qua thái độ cư xử rất phong kiến đối người trong gia đình và thợ bạn, người giúp việc.

Trước một đối tác phức tạp, đầy cá tình gai gốc như ông Tám, thần Biển vẫn ngông nghênh, tung hê mọi sự thủ thế cần thiết, mặc dù với khả năng của thần linh là có thể thấu thị, biết rõ thói đời, thói bạc bẽo của bọn người trần gian. Hơn thế, mới ở phút sơ giao mà thần đã thú nhận nhược điểm cá nhân mình là còn lệ thuộc vào Thượng Đế - cấp trên của mình, về chuyện hình hài, vật chất thể hiện cái hồn thần của mình. Thần còn thố lộ mình khâm phục óc thông minh của con người qua cảm tình dành cho con cá heo, chỉ muốn mang hình hài cá heo, chỉ vì nó sáng dạ, thông hiểu gần bằng con người.

Cảm động nhứt là lời bộc bạch thống thiết “chọn tên Lý Ân, phò độ cho hắn không phải do phẩm hạnh của hắn”. Biển cả ngàn triệu năm qua hẳn là buồn thảm, hiu quạnh lắm. Nghiêm khốc nhứt là biển cả đơn điệu, ù lì và phi lý đến nỗi vị thần cai quản biển, như một cơn nổi loạn cuồng ngạo, đã thả lỏng mọi khuôn phép của chư thần, hành động như một trò chơi. Phi lý y như biển cả có thể cùng lúc gây phúc/họa cho con người, miếng chơi ngoạn mục của thần cũng bất chấp cái lệ luật chai cứng thiên địa là hướng về người tốt, thần đã nhứt định chọn tên Lý Ân không đủ đức độ. Có thể nói, chính thần Biển cũng không ý thức được chỗ tuyệt đỉnh, điều có ý nghĩa nhứt của quyền năng mình, là có thể tự do, tự ý làm việc trái thường như thế. Nhưng đó cũng là chỗ đáng tội nghiệp nhứt của một vị thần. Vì quá cô đơn, cô độc, cứ phải sống nặng nề, bế tắc cả trăm năm, ngàn năm qua, lại thiếu vắng mọi trò vui cho khuây khỏa, nên thần mới tự dẫn dắt mình tới hành vi có phần điên đảo như thế. Nhưng dù có điên rồ thì thần Biển cũng đã ký thác hết danh phận và hạn mức tự do của một vị thần vào cuộc chơi biết đâu là cuối cùng này.

Chỉ tiếc là cuộc chơi đó lại đang bị đe dọa biến thành bi kịch khi thần Biển, bằng tất cả cảm xúc hơn là cân nhắc mà lao theo trò chơi ngông ngạo, đã gặp phải mẫu người đầy khát vọng quyền lực như ông Tám. Luôn luôn tự xếp mình trên người khác và miễn cưỡng khi thọ ơn phò độ, thì làm sao ông Tám ý thức được sự chiếu cố phá lệ của thần Biển dành cho một đối tượng thiếu xứng đáng như mình? Đứa thí sinh dốt nát thì khi được chấm đậu vớt ít khi biết chân thành cảm ơn giám khảo. Đứa con rơi con rớt thì ít khi tiêu hóa được cho hết niềm oán hận khi được người cha trở lại, nhìn nhận mình. Cảm nhận bội bạc của ông Tám – một phàm nhân - đối với thần Biển đã rất mang vẻ tà ma, ngạ quĩ. Ngược lại, thần Biển lại rất con người – theo nghĩa là có nhân tính bất toàn, hạn chế, nên có thể hành động dửng dưng ở cả hai mặt đúng/sai, tốt/xấu… - khi chọn phò độ ông Tám.


12.
Ông chủ sở cá Bích Đầm thì giàu có, làm ăn khấm khá từ lâu rồi, nhưng để lý giải những đợt lưới thu hoạch bội thu gần đây của ông thì dân nghề biển chỉ nói đến chuyện cái miếu thờ Ông – một cá voi thiếu niên quá cố nào đó, theo lời lão thần Nam Hải - mới xây trên bãi cát. Cứ như số tài sản ông Tám kiếm được trước ngày xây miếu chỉ là do ngẫu nhiên, tình cờ, không hề do vài lý do hay thuận lợi nào khác, chẳng hạn như tài năng, mệnh số, phúc đức tổ tiên…có sẵn nơi ông. Cứ như trước ngày Ông lụy – ngư dân thường phát âm dễ dãi, khỏi uốn lưỡi, là “lị” để nói cái chết của cá voi - người “ trưởng nam của Ông” chỉ là một tên trọc phú quê mùa, vô danh tiểu tốt.

Cần xem lại đoạn phim – rất giả tạo, vô duyên – mấy ông chức sắc, bô lão làng chài Bích Đầm làm lễ tấn phong ông chủ sở cá vào chức “trưởng nam” ấy. Vào buổi hừng động định mệnh ấy, chị đàn bà nghèo khó đã lánh ra phía sau, nhường lại cho chồng mình vai trò người đầu tiên nhìn thấy xác cá voi. Ngay sau đó, gã bạn chài chạy đi báo với ông chủ Tám. Cần biết là gã làm chuyện này chỉ với ý định là để cho chủ mình xử lý sự việc, chứ không phải gã có ý nhường lại cho ông chủ - người thứ ba theo thứ tự những người nhìn thấy xác Ông - cái danh dự làm trưởng nam của Ông. Vậy mà khi đã nắm rõ diễn tiến của sự việc, mấy lão chức việc trong làng vẫn tôn ông chủ làng – ông Tám nắm chức này thay cho cha mình – đồng thời là ông chủ sở lưới, vào chức trưởng nam của Ông, y như màn đánh tráo thái tử mới sinh ra trong cung cấm trong một tuồng hát bội ai cũng biết. Và cay đắng hơn cho gã bạn chài, chính ông chủ Tám cũng lẵng lặng, không nói ra sự thật để trả lại công bằng cho kẻ tôi tớ của mình. Ông chủ thản nhiên quấn đầu rơm mủ bạc, thể hiện cái vai con trưởng để tang “cha”. Danh giá đúng là thứ ông nhà giàu cần đến để tô vẻ thêm cho số tài sản vật chất của mình , nhưng riêng về cái danh “trưởng nam” của thần linh mà ông Tám có được lại do mấy lão chức việc trấn lột từ một kẻ nghèo, đem dâng ông như một trò nịnh bợ, lấy lòng.

Sự việc còn tác tệ hơn khi bàn theo cách nhìn siêu hình. Hẳn là có một ban bệ thần linh nào đó, đã ngồi họp trên chín từng mây - hay ngược lại, là ở mấy vạn dặm dưới đáy biển - tuân theo mệnh Trời mà thảo ra quyết định thiêng liêng chọn vợ/chồng gã bạn chài làm con trưởng của Ông cai quản biển đảo Hải Nàm, khiến khi hồn một thần Biển được lịnh triệu hồi, xác Ông chỉ trôi dạt đến đúng vị trí đã được chư thần sắp đặt, nghĩa là phải xuất hiện ngay trước mắt cặp vợ chồng này. Nhưng chính bọn phàm nhân đã làm sai lệch mệnh Trời bằng liên tiếp hai hành động nghịch đạo, phá rối sự xếp đặt của chư thần. Một là gạt bỏ chị vợ gã bạn chài, tức phế hạ nữ giới – bao hàm tiềm năng trở thành tiên nữ trên tiên giới – ra khỏi vị trí ứng viên con trưởng, trưởng nữ của Ông. Hai là gạt bỏ luôn gã bạn chài, tức ứng viên dự khuyết chấp-nhận-được theo ý chư thần, vì dù là trúng vô vợ hay chồng, gia đình này cũng đang quá khốn khó, xứng đáng được nâng đỡ cho đổi đời.

Thiên mệnh còn bị sai lạc ở một điểm khác. Đó là phần tiền định cho hậu vận của người đầu tiên trông thấy Ông lụy, rằng trong suốt ba năm để tang Ông, trưởng nam sẽ phải chịu cảnh nghèo kiết xác, mãn tang Ông rồi thì người đó mới được giàu sang, phú quí, con cái đời sau cũng cao sang quyền quí. Nhưng chư thần và người phàm đều biết rõ, khi chức danh “trưởng nam” bị cưỡng đoạt mà lọt vào tay ông Tám, thì ông ta đã giàu có sẵn rồi. Mệnh Trời đã mất tác dụng thì còn có quyền năng nào đủ sức treo lơ lững của cải của ông Tám trong ba năm tang khó, buộc ông phải nghèo đi, để rồi sau đó lại cho ông tiếp tục làm giàu? Ở cõi trần, ít ai có thể cẩn thận, chu đáo như ông chủ phường lưới Bích Đầm.Vào đêm trước ngày cữ hành lễ tang Ông lụy, đồng thời xưng danh người trưởng nam của Ông, ông Tám đã cho vời gã thợ bạn. Ông chủ đằng hắng , trao cho tên làm công mà lần đầu tiên, ông chủ mới biết mặt và nhớ mang máng tên tuổi của hắn: - Được lắm. Vợ chồng bây tốt, biết mau chưn mau cẳng chạy lo Ông lị ở làng mình. Đây, mấy đồng thưởng bây, cho đi uống rượu, và nhớ đưa con vợ bây mua gạo, mắm. Bây làm cho tao lâu chưa?

- Dạ, bẩm ông thợ, con làm được bốn năm rồi, từ hồi cụ quan lớn còn…

- Thôi được rồi. Đám bạn bây đông quá nên tao không nhớ đứa nào. Thôi để tao biểu thằng thư ký chuyển bây qua phường Hòn Khô, có mấy chiếc ghe mới đóng mà chưa đủ bạn, công việc nhiều hơn nên mùa nào bây cũng được đi kéo lưới hết. Sống khá hơn ở đây con à. Vợ chồng bây chuẩn bị dọn qua bên đó, nghe chưa hử?

Vậy là hai chứng nhân, hai ứng viên hụt vào chức trưởng nam của Ông lụy đã được sắp xếp cho khỏi có mặt ở tang lễ của ông, cũng như từ đây về sau, khỏi có mặt ở làng Bích Đầm này.

Có người còn cho rằng, trên cõi thần cũng có những thủ đoạn giàn xếp không khác cõi trần. Hiển nhiên đã có một thế lực mạnh mẽ, độc đoán nào đó, âm thầm dọn đường cho ông Tám nhà giàu nắm được chức trưởng nam của Ông lụy, và không chừng kiếp trước của ông Tám có thể thuộc dòng con-ông-cháu-cha trên cõi thần, theo quan hệ với thế lực cố cựu nghìn năm ấy. Do đó, chuyện tiếp theo là khi đến với ông Tám, thần Biển Nam Hải cũng phải nể nang thế lực này, không hề dám đề cập với đối tác về những tình tiết tiền định khó hiểu, trái qui luật của chư thần, tạo cơ hội cho ân sủng từ-biển-trôi-vào lọt vào tay ông chủ sở cá Bích Đầm.

Đó là chuyện thần quyền bị lủng đoạn trên cõi thần, còn ở cõi người, bọn phàm nhân chỉ chắc lưỡi, nhận xét là “nước chảy chỗ trủng”. Câu tục ngữ nhân gian đã quá chính xác cho trường hợp của ông chủ Tám. Đã nói là ông đã giàu sẵn từ lâu rồi. Mỉa mai hơn, dù cho quyết định thiêng liêng về chức phận “trưởng nam” của Ông Hải Nàm có bị thi hành sai lạc thì tiếp theo, của cải còn tiếp tục chảy vào túi ông Tám do Ông Nam Hải đương chức đương quyền - vị thần Biển thích hình hài cá heo, đã chọn phò độ cho ông Tám như một trò giải khuây của thần.

Đầy vẻ tự mãn của một thí sinh đậu vớt nhưng có thế lực ngầm nên không thể nào rớt bảng, trong ngày làm lễ tang Ông, ông chủ Tám khuyến khích bà con dân làng ráng trườn bò trên cát, chui qua dưới gầm cái quách gỗ to lớn, chứa hài cốt cá voi sau nghi thức hỏa thiêu. Lý do mà nhiều người biết là cứ chui dưới cốt Ông như vậy thì người ta sẽ được mạnh giỏi, sức khỏe khang cường. Bây không thể nào được Ông độ cho giàu như ta đây thì hãy tạm bằng lòng với sức khỏe mạnh giỏi đi, cũng do Ông độ vậy. Đó mới là thâm ý của ông chủ Tám, để cho người khác, cả làng Bích Đầm cùng hồ hỡi, phấn khởi với ông. Tro cốt, cát biển thì câm nín thiên thu nhưng sóng biển thì nanh ác, tánh khí bất thường. Cuối mùa gió thổi, chiếc ghe chỉ huy của ông Tám đã gặp sóng dữ bất chợt nổi lên trong lúc từ luồng cá ngoài khơi quay trở vô đảo. Nhưng ông Tám đã thoát khỏi cơn phong ba khốc liệt, toàn mệnh trở về bờ.

“Đúng là Ông độ. Có một cái bóng đen dài lắm, lớn lắm, kê mình vô gầm ghe, đỡ cho ghe khỏi bị lật úp…”.

“Thì Ông đó chớ cái bóng cái báng gì nữa! Ông lớn cỡ bao nhiêu, dài lắm?”.

“Lúc đó sóng dữ lắm, đảo điên hết, ai nấy sợ mất hồn nên không để ý. Nhưng chắc dài bằng chiếc ghe…Chắc dài bằng Ông lụy năm ngoái. Mà hỏi gì nữa? Đúng là hồn Ông dứa làng mình đang thờ đã kêu Ông khác đến độ cho ông Tám mình”.

Trong những lời của những bạn chài cùng đi trên chiếc ghe bị trúng bão, rồi những lời nhận xét, bình luận của dân làng, người ta lại đề quyết rằng, trong cộng đồng cá voi còn sống ngoài biển khơi và hồn linh của con cá voi đã chết rồi bộ cốt được thờ trong ngôi miếu từ năm ngoái, đã có những mối thông tin – liên lạc bí ẩn, miễn sao có thể cử ra một “bóng đen” kịp thời có mặt trong cơn bão. Tất cả là để cứu độ ông Tám, trưởng nam của Ông, thoát chết trong cơn bão bất ngờ ấy.

Riêng ông Tám, nhân vật chính trên sân khấu biển cả, trong vở kịch gay cấn, bi tráng có chủ đề nói về thân phận con người trước sức mạnh mù quáng của thiên nhiên, đã trầm ngÂm trong nhiều ngày sau đó. Ông để yên cho dân làng sống với suy nghĩ sai lầm rằng, qua việc ông tổ chức thờ phượng con cá voi dứa chết trên cạn năm ngoái, ông đã được hồn cá voi báo đáp hay ân thưởng gì đó.

Thật ra, xưa nay trên suốt bề dài của bờ biển đất nước này, đã không ai thống kê được chính xác là có bao nhiêu ngôi miếu, đền lớn nhỏ đã được người dân các vùng duyên hải dựng lên để thờ bất cứ xác con cá voi nào tắp vào bờ. Đó là mối quan hệ tâm linh, qua lại giữa một bên là những xác cá voi/hồn Ông và một bên là những ngư dân kính thờ xác cá voi / trưởng nam của Ông. Vậy mà, cũng suốt trong không biết bao nhiêu trận bão biển hằng năm, vô số ngư dân đã bị biển cả lấy mệnh, trong đó có cả những chủ phường lưới, những bạn chài đã cúc cung tin tưởng và thờ phượng xác cá voi không thua gì ông chủ sở cá Bích Đầm. Thậm chí, những người chết vì biển này còn có lòng kính tín đối với các Ông của họ chân thực hơn nhiều so với mức tin tưởng của ông Tám dành cho Ông “thiếu niên” Hải Nàm. Và hẳn là, nếu có xảy ra thật đi nữa thì việc cứu độ của những cá voi còn sống / hồn Ông đã không hiệu quả, nhiều ngư dân thờ các Ông đã không thoát chết, ngay cả bên cạnh vụ ghe ông Tám vừa bị nạn, một số ngư dân khác, ở một ghe khác cũng mất tích.

Như thế, thực thể ngoài biển khơi nào đã cứu ghe ông Tám phải là một thế lực siêu hình khác, chứ không phải là các hồn Ông quen thuộc với giới ngư dân. Khi cho rằng chính Ông dứa đang được thờ tại làng đã cứu độ cho “trưởng nam” của mình thì quả là kiểu lý giải của dân làng chài Bích Đầm quá nông cạn và phiến diện. Còn ông Tám thì nhứt định im lặng, không hé miệng chia sẻ với bất cứ ai cái ẩn tình về bản hợp đồng thiêng liêng ký kết giữa ông và Ông Nam Hải chính danh đương nhiệm.
(Còn tiếp)

 
 

Phạm Nga