Hồn Ma Biển


 
 
 

21.
Bấy lâu nay, có thể nói bà Lụa được ông Bảy quí yêu bởi hai thành tích tuyệt vời, một là mang lại cho chồng nhục cảm phong phú khi chăn gối, hai là nhờ làm chủ đề, bà mang lại thu nhập đáng kể cho chồng, cả khi bà kinh doanh lẫn khi vui chơi trong cờ bạc. Tiếc rằng, cùng lúc bà huyện tự mình giàu lên nhờ cờ bạc thì số người tán gia bại sản, bỏ xứ trốn đi hay tự tử vì chơi đề theo đường dây của bà, đã càng ngày càng nhiều lên. Nếu có được cặp nhãn “thông linh” như ông Bảy, thì trong giấc ngủ trong phòng riêng hay trong bóng tối của gian nhà sau, chắc chắn bà Lụa sẽ thấy được những khuôn mặt xám xịt, ghê tỡm của những hồn ma, tạm gọi là ma đề, của những người chết tức tưởi bởi tham dự vào đường dây cờ bạc do bà chỉ huy. Đối với những hồn ma này, bà Lụa có tới hai tội. Tội thứ nhứt là tổ chức cờ bạc, làm đề, tạo điều kiện cho người ta chơi đề đến nỗi cùng mạt mà tự tử. Tội thứ hai thì có vẻ oan sai, không hợp lý đối với bà huyện nhưng lại đúng đắn, hợp tình theo tâm lý dân cờ bạc. Xưa nay, thắng bạc, ăn bài vốn là khát vọng của dân cờ bạc, nhưng tệ hơn, khi thắng thì họ muốn một mình mình thắng thôi, còn khi thua thì họ thù ghét người khác thắng bạc. Do tâm lý cực kỳ ích kỹ này của dân cờ bạc mà bà Lụa bị thù hận và lên án, một khi bà cứ dửng dưng thắng đề, phát tài, sống phơi phới chứ không hề thua bạc, cùng khổ đến mức tự hũy cả mạng sống như ai khác.

Khăng khăng xem người thân quá cố của mình là “nạn nhân” của mụ trùm đề, nhiều gia đình tan nát đã không tiếc lời nguyền rũa bà Lụa, khấn cầu thần linh bắt mạng mụ huyện đề cho rồi. Có lẽ bà huyện phải chết, tức chung số phận nghiệt ngã với những kẻ thua đề, thua bạc, thì mới thôi bị nguyền rũa. Dù sao thì ở góc phố, xóm làng xa xôi nào đó, những tiếng khóc khổ đau trong gia đình những kẻ đã tự tử hay đã bỏ nhà trốn đi vì thua đề, đã khó lọt tới tai bà Lụa.

Còn về ông Bảy, từ khi bỏ biển lên bờ, mặc dù thần Nam Hải không thể trừng phạt cái tội bội ước của ông nhưng thật ra, ông cũng không được sống yên ổn hoàn toàn, trái với nỗi mong mỏi mà ông đã ký thác vào cái tên Yên ông đặt cho đứa con gái có với bà Lụa.

Lời Địa Mẫu còn văng vẳng bên tai ông: “… Bây phải nghiêm chỉnh thực hiện ba điều. Một là kết thúc luôn cho rồi cái tánh tà dâm của bây. Hai là phải thương yêu, công bình đối với con cái trong gia đình. Ba là bây phải làm việc thiện nhiều hơn nữa. Giúp đỡ con cái, người thân trong nhà và cả dân chúng ngoài đường cho tận tình, đàng hoàng mới chính là việc thiện bây phải làm. Ta lập lại lần nữa, bây phải siêng làm việc thiện lành và không được làm việc ác đức, hại người”.

Về điều thứ nhứt, sự tiến bộ, hối cải của ông Bảy được ghi nhận. Do tài nghề, thân xác tuyệt vời mà bà Lụa đã cống hiến cho, ông Bảy có vẻ đã no nê khoái cảm với bà vợ thứ tư này. Chỉ có vài lần, khi về Phan Rang kiểm tra công việc sản xuất ở nhà thùng, ngủ lại ban đêm thì ông Bảy không thể để thiếu hơi đàn bà. Sung sướng được chồng tìm lại thân thể mình, bà vợ thứ ba của ông đã thọ thai, sinh ra được một đứa gái nữa. Nghĩ rằng chuyện đứa con út này đột nhiên xinh xắn hơn hai con chị của nó là do Mẫu Mẹ ân thưởng, ông Bảy đặt tên con là Hoàn, theo nghĩa dung diện con gái họ Lý đã trở lại, đúng theo cái gen tuấn tú, bảnh trai của ông bố. Ngoài chuyện ăn nằm chính chuyên như trên với bà vợ thứ ba, ông Bảy đã ít đi mua vui lẻ tẻ với đàn bà bên ngoài. Ông cũng không hề có ý muốn kết nạp thêm thê thiếp.

Nhưng đến điều thứ hai thì ngược lại, ông Bảy mất điểm hoàn toàn.Trước kia, ông quá tệ bạc khi để cho ba mẹ con bà vợ kế khổ đau cùng cực về cả hai mặt tình cảm gia đình và miếng cơm manh áo, khiến hai người chết thảm và một người bỏ nhà ra đi. Còn vừa rồi, ông lại nhẫn tâm từ chối cô Đường, con gái thứ mà ông có với bà chánh thất quá cố, khi cô này từ Sài Gòn tất tả chạy về quê nhà Nha Trang cầu xin cha cứu giúp cho tình cảnh chồng cô bị bắt tù chính trị. Thái độ lạnh lẽo, ghét bỏ của ông Bảy thầm lặng phát xuất từ chuyện đứa con gái này đã ly dị với tay công tử bột mà ông đã gán gã cho môn đăng hộ đối, để sau đó lấy một nhà báo góa vợ và chính vẻ trí thức dửng dưng của anh này thì ông Bảy không ưa. Cặp vợ chồng này sớm hiểu sự ghẻ lạnh của ông nên đã bỏ xứ sở vào Sài Gòn kiếm sống. Chính cậu Lào, đứa con còn lại của bà vợ kế, trước khi tập kết ra Bắc, cũng đã bỏ vào Sài Gòn mà nương nhờ bà chị mình nghèo của mình một thời gian. Sài Gòn và Nha Trang thì xa xôi, cách trở, lời oán than của hai đứa con thuộc hai dòng vợ chánh và vợ thứ hai của ông Lý Ân khó mà lọt đến tai người cha độc đoán, thiếu công minh.

Đến điều thứ ba “phải làm việc thiện, không làm việc ác đức, hại người” thì bao nhiêu tiền của, gạo mắm, công sức của ông Bảy đổ vào các cửa chùa đã bị bà Lụa làm cho mất hết ý nghĩa công đức từ bi. Dù ông Bảy chỉ vướng tội đồng lỏa khi đồng ý cho vợ mở huyện đề nhưng ông cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về số người đánh đề vào huyện của vợ chồng ông mà vì thua đề tàn mạt, kẻ trước người sau đã tự tử hay gia đình họ tan nát, đổ vỡ hạnh phúc . Với những vi phạm trực tiếp/gián tiếp vào 2 trong 3 điều cấm của thần linh, ông Bảy mất tự tin hoàn toàn để còn có thể tạo ra được những lời giải minh khéo léo, ngon ngọt trước Bà Địa Mẫu hay Mẫu Mẹ của ông. Ngày trước, ông Bảy mắc lỗi – chính ông cũng tự cảm thấy là rất khó được tha thứ - với thần Biển thì còn bỏ biển chạy lên bờ, nay thì ông không còn ngỏ nào để đào thoát vì không thể có chuyện con người bay lên trời, lên mây để trốn tội. Từ trong bóng tối u linh, đến lượt thần nữ độ trì của ông Bảy, cũng là nghĩa mẫu của đứa con nuôi nặng tội, đã ra tay trừng phạt ông…

22.
Không rõ có phải bởi lý do phái tính hay không, luôn luôn nữ thần trừng phạt khủng khiếp, cay độc hơn nam thần! Nhứt là khi bà Địa Mẫu đã có cảm giác rất sân hận, rằng té ra mình đã bị thằng con nuôi phàm tục năm lần bảy lượt lừa dối quá mức.

Ái lực của thần nữ với phái nam tuấn tú nơi bọn phàm nhân đã tiêu tán mất sạch trong cơn thịnh nộ, và dĩ nhiên đối với đàn bà - dù là mẫu đàn bà hiển linh thành thần - đã thương yêu mà bị lừa dối thì thay vào đó, chỉ có hận thù. Mẫu Mẹ lại hiểm ác đi đường vòng, chưa đụng chạm đến gì bản thân tên nghĩa tử đẹp trai, mà nhắm vào cái vương triều toàn là phụ nữ đang vây quanh ông Bảy, trước hết là tỉa từng đứa trong số sáu đứa con gái, tính theo thứ tự bốn đời vợ của ông Bảy.

Ở dòng bà chánh thất đã chết, không kể đến cô Đường, đứa con gái thứ, đang sống rất khó khăn ở Sài Gòn vì chồng mắc vòng tù tội, thì con gái trưởng là bà Hát, vốn có chí hướng thích làm chuyện quốc sự chống đối chánh quyền ngay thời còn con gái, thì vì bị lộ tung tích hoạt động ngầm, đã phải bỏ nhà, trốn lên núi, theo quân du kích để khỏi bị an ninh quân đội lùng bắt.

Ờ dòng bà vợ kế thì thần nữ khỏi mắc công ra tay vì người phụ nữ duy nhứt của nhánh này đã chết thảm thương từ lâu và nhánh này tự xóa sổ khi cậu Xiêm chết tiếp theo mẹ, còn cậu Lào thì bạt gió tha phương.

Ở dòng bà vợ thứ ba đang trông coi nhà thùng làm nước mắm ở Phan Rang, thì cái gia đình nhỏ của cô con gái đầu, tức cô Mè xấu gái mà Bà Địa Mẫu đã từng độ cho lấy chồng đẹp trai, cũng rã nát. Sống nhờ bên vợ, được cha vợ mua bằng cấp giả để đi học sĩ quan, anh con rễ được bổ về đơn vị là ngành an ninh tỉnh, cũng có lập công với gia đình vợ qua vụ anh ta hóa giải được sự nghi ngờ của ngành an ninh về cái tội ông Bảy phạm phải, là lén đóng thuế cho địch khi ông lên núi chuộc mấy xe gạo. Nhưng lần hồi, ông rể sĩ quan này lại hư hỏng, lén lút mướn nhà chung sống với một cô vợ nhỏ xinh đẹp. Trong khi bà vợ kém nhan sắc đang quay quắt khổ đau thì em kế của bà - cô Khai mắt lác - lại có chữa hoang với một tên lính quèn đào ngũ, rồi nghiện hút luôn với người tình. Chưa hềt. Cô nhỏ Hoàn, con gái út trong cả bốn dòng con, được cha quan tâm đưa về Nha Trang nuôi ăn học, cũng vướng vào xì ke.

Cuối cùng là đến dòng bà vợ thứ tư : bà Lụa, người đang sống bên cạnh ông chồng bốn đời vợ của mình. Đúng là cái tên Yên mà ông Bảy trân trọng đặt cho đứa con gái duy nhứt có với đời vợ cuối đã không đem lại điều gì an ổn cho lắm. Với ngoại hình trung bình, nước da hơi đen giống mẹ, cô Yên tốt bụng nhưng học hành trầy trật qua các trường đầm, trường tây sang trọng ở Nha Trang, rồi Đà Lạt, rồi Sài Gòn…

Nhìn chung, nơi sáu con gái của ông nhà giàu Bảy Ân, cuộc đời riêng của các cô không còn êm ả. Hạnh phúc hôn nhân của họ thường tan vỡ khi chồng có người đàn bà khác, rồi ly dị chồng, rồi khi chắp nối với người khác, những ngày tháng ấm êm lại rất ngắn ngủi khi phải sống trong cảnh xa cách chồng con vì phải trốn lánh lên núi lên rừng, hoặc chồng bị tù tội. Nếu chưa lấy chồng, còn ăn không đi học, thì học hành kém cỏi, còn sa đà vào ma túy. Có cô bị rơi vào cảnh nghèo nàn, cơ cực thì không được người cha giàu có nhiệt tình giúp đỡ.

Cuối cùng, cú trừng phạt chí mạng đến với ông Bảy: bà Lụa “quí nhân” của ông mắc bệnh ung thư bao tử. Đưọc chữa trị toàn bằng những loại thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốcTây quí hiếm, mắc tiền nhứt nhưng bà Lụa cũng không thể qua khỏi. Bà chết bệnh ở tuổi hơn 40 một chút, tức là vào cái tuổi vẫn còn nồng nàn hương sắc, chưa hề bị ông chồng hiếu cảm có ý thải loại. Khác với lần bà chánh thất qua đời bên làng Kim Bồng, ông Bảy thực sự khổ đau và nỗi đau kéo dài một cách đáng kể khi bà Lụa rời bỏ ông, rời bỏ căn nhà bên phố Nha Trang mà đi lên nghĩa địa trên núi. Trong đám tang vợ, đột nhiên từ bỏ tánh kiêu ngạo và khép kín cố hữu, ông Bảy công khai thú nhận rằng thương bà Lụa nhứt trong bốn bà vợ. Có người xấu miệng, lén giải thích rằng lòng ưu ái đặc biệt khác thường ấy xuất phát từ lý do bà Lụa là người vợ có công giúp ông Bảy làm giàu, chứ không phải vì bà đẹp nhất trong các bà vợ. Nhưng công trạng của bà Lụa cũng đã hoàn tất, huyện đề giải tán sau cái chết của bà.

Tỉa xong cái mạng bà Lụa, không rõ là do đã cảm thấy hả cơn thịnh nộ hay chợt trở lại với một ít lòng thương hại còn có thề thí cho tên con nuôi, tự nhiên Bà Địa Mẫu tạm ngưng cuộc trừng phạt, không tru diệt luôn ông Bảy.
(Còn tiếp)

 
 

Phạm Nga