Hồn Ma Biển


 
 
 

25.
Buổi chiều, ông Bảy thơ thẩn ra ngồi một mình ở mái hiên nhà. Ở sân nhà bên cạnh, mấy người đàn bà rỗi việc đang tụ tập trên một manh chiếu rách trải dưới đất. Đúng là đã đổi đời nên mấy chị đàn bà không còn cái nhìn khép nép, e dè, cũng chẳng buồn lên tiếng chào hỏi, khi liếc thấy ông hàng xóm, nguyên là một bộ mặt cự phú đất Nha Trang mà trước đây, ai cũng cũng kiêng nể. Họ thản nhiên tán chuyện và trong những đề tài ngồi lê đôi mách, chuyện về một cô “xác của Cậu” – nói gọn là xác Cậu - là xôn xao, hấp dẫn nhứt.

…Đang ngồi xếp bằng, bất động và nhắm mắt như ngủ, cô gái bỗng ngã lăn ra, nằm ngữa trên chiếc chiếu hoa. Hai chân co lên thân mình, cô dễ dàng kéo một bàn chân lên miệng rồi hồn nhiên mút ngón chân cái chùn chụt. Mấy người đàn bà nảy giờ ngồi xung quanh cô gái, kể cả mấy con mụ hung dữ, nanh nọc đều đồng loạt thì thào "Cậu về! Cậu hiển linh đó !". Như hoàn toàn khiếp phục trước một sức mạnh vô hình, đến nỗi cứ như cố tìm cách tự thu nhỏ thân mình lại, họ khom người, chấp tay, cúi đầu, lầm bầm khấn vái. Có người khóc lóc, sụp lạy liên tục. Cô gái không còn là chính mình nữa mà đã biến thành xác. Theo bà con ở đây, người mà họ đang cung kính gọi là Cậu là một hồn rất thiêng của một bé trai tên Yến, chết vào thời nào không rõ. Rồi cũng không rõ do nguyên nhân, thúc đẩy nào, Cậu hiển linh tại xóm làng này, chọn cô gái làm xác để Cậu nhập vào mà cứu-nhân-độ-thế. Được một thời gian thì lại có thêm thông tin – không ai có thể kiểm chứng - rằng Cậu Yến đúng ra là một tiểu hoàng tử chứ không phải con nhà dân dã. Bà con, chúng đệ tử càng thêm thần phục: Cậu Yến thăng lên Cậu hoàng Yến.

Cậu, vẫn nằm ngữa, bắt đầu đớt đát nói tiếng trẻ thơ, nghe khi được khi không. Lập tức mụ chủ nhà, người bỏ ra chiếc chiếu hoa làm giảng đàn cho Cậu nhập xác, đóng vai một thông dịch viên hạng tồi. Giọng ồ ề như bị ung thư thanh quản của mụ nghe rất mệt lỗ nhĩ nhưng không có cách nào khác, mọi người vẫn phải chú ý lắng nghe. Cậu nói - Cậu nói chớ hổng phải tui nói đâu nhe - là Cậu chỉ có một cái tâm cứu nhân độ thế, giúp chúng phàm mà không cầu lợi lộc, nên mấy ông cốc bà cốc không nên phát tâm cúng lễ vật, tiền bạc làm gì. Còn con nữ áo cụt lỡ xanh kia, bây nghe không hả, đừng buồn chuyện thằng chồng bây đi lấy bậy nữa. Cứ lo tu nhân tích đức đi, từ từ Cậu sẽ dạy cho thằng nam nó tỉnh ngộ mà quay về với vợ con thơi mà! Rằng bá gia cứ tiếp tục tu trì, làm việc thiện và nhớ… Bây phải nhớ gì, Cậu đã nói rồi? Phải nhớ là đừng nghe lời ai hết! Nghe chưa hử!?

Mọi người, ai tên gì, tuổi gì cũng cứ bị gộp chung thành bá gia, cứ việc cúi đầu dà dà, dạ dạ liên tục. Còn con nữ - nhân vật chính, làm nên cớ sự cho màn Cậu nhập xác - có tên là Muội, Muối hay bất cứ tên gì khác cũng không đáng quan tâm vì đã nói, một khi được Cậu chọn làm xác để nhập vào thì cô ta không còn là cô ta nữa. Cô hiện đang không còn bản ngã, nhân cách, tên tuổi riêng gì nữa. Nói nào ngay, vào lúc bình thường, tức không vào lúc Cậu nhập, thì mọi người cũng đã thay đổi cái nhìn về cô, trân trọng gọi “cô, thưa cô…” chứ đâu còn dám gọi trỏng trơ cái tên Muội.

Tuy nhiên, khó sống một nỗi là khi cô xác đang nằm ngữa ra đó, dù ở phần trên là kiểu trẻ thơ hồn nhiên mút tay, nhưng ở phần dưới vẫn cứ là kiểu đàn bà nằm banh háng, trâng tráo gợi dục. Đang có vài người đàn ông có mặt ở xung quanh manh chiếu thiêng liêng này. Dù cho mấy gã này cũng có thể ít nhiều tin tưởng Cậu linh hiển, nhưng lòng kính tín đáng khen ngợi ấy không thể nào ngăn được mấy gã lén nhìn chăm bẫm vào những nếp quần lót lồ lộ, sui khiến cho những tưởng tưởng dâm dục - vốn quá là bình thường, tự nhiên khi con mắt đàn ông nhìn thấy những phần gợi dục trên thân thể đàn bà. Không ai hoặc thế lực nào có thể cấm cản được chuyện này. Thần linh cỡ nào thì cũng vô hình, xa xôi, không sờ mó được, chứ thân thể đàn bà thì hữu hình sẵn đó, vô cùng gần gũi.

Qua xác và mụ chủ nhà phối hợp, Cậu giảng dạy chuyện đạo, chuyện đời, con đường tu nhân tích đức, lối sống thanh đạm, bớt ham muốn, cần diệt dục. Đặc biệt, trong những lời Cậu dạy về ý nghĩa của cái chết thì sâu sắc nhứt là cái câu Cậu nhấn mạnh. Dù giàu nghèo, sang hèn gì, bất ai sống ở đời cũng phải chuẩn bị cho cái chết của mình khi còn sống còn thở, mới kịp. Mới kịp! Bá gia nghe chưa hử? Thật tiếc là - không có ai dám hỏi, dù trước bức thông điệp rờn rợn này, chắc chắn có người thắc mắc, muốn hỏi - Cậu không thuyết minh thêm là người đang sống phải sửa soạn, dọn mình cho cái chết thì mới kịp với chuyện gì, được điều gì hay ho, hay là kịp với ai, đấng linh thiêng nào, trong cõi này hay cõi nào khác…

Cậu cũng nhận lời chữa bệnh cho bá gia, nhưng không hề có thảo dược hay tàn nhang, nước thải bài bản theo kiểu thầy bùa, thầy pháp. Cậu chỉ dạy rằng con bệnh cứ uống thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc viên, thuốc nước, thuốc tự hái lượm trong vườn, thuốc bán ngoài tiệm… gì cũng được, thuốc bác sĩ kê toa hay thuốc thầy lang hốt sắc gì cũng xong, nhưng cần phải làm việc thiện và cần nhứt, phải thường xuyên cầu Cậu độ trì. Nếu là số mạng, tức tới số phải bệnh tật này nọ thì Cậu sẽ xin với Trên cho từ từ mà giải mệnh, hết bịnh. Cậu lại không nói rõ Trên là đấng nào, nên con người cứ ngầm hiểu là ở bất cứ ở đâu, cõi nào, luôn luôn có cấp trên, ai – kể cả Cậu - cũng có cấp trên chỉ đạo mình, là được rồi.

Thỉnh thoảng vì bá gia nài xin quá thể, Cậu cũng cho số để bá gia đi đánh đề. Cách cho số của Cậu thì rất cao siêu, nghĩa là mơ hồ, hoàn toàn không xác quyết. Qua lời diễn dịch của mụ chủ nhà về một lô hình ảnh, bóng dáng của những con vật, đồ vật nào đó, ai hiểu ra con gì thì cứ tự kiếm tiền đánh vào số con đó.

Mặt khác, ngoài những phiên Cậu nhập xác, dù Cậu không hề ngỏ lời, công khai chỉ dạy, nhưng bà con vẫn lén Cậu đem phẩm vật đến tặng cho cô Muội, sau khi tìm hiểu, dò hỏi về ý thích của cô. Cô thường ăn chay, vậy là là vô số tương chao và trái cây được bà con đem tới. Cô Muội thường im lặng, ngó lơ khi mụ chủ nhà thay mặt cô đưa tay ra nhận quà. Có một chuyện rất tế nhị, cũng về phẩm vật. Qua lời tiết lộ rất hạn chế người nghe từ mụ chủ nhà, ai cũng biết cô thích quần áo, đồ bộ hàng mút-xơ-lin và phải là các màu tối, tránh các màu sáng.

Phải kể thêm một thông tin rất quí giá về sở thích kín đáo của xác Cậu, rất đáng tin cậy vì do chính chồng cô Muội cung cấp. Thường say xỉn với người hàng xóm khít vách là một gã phu xe ba bánh, trong một cơn cao hứng, thiếu kềm chế, chồng của xác Cậu đã tiết lộ rằng cô Muội rất thích quần lót hàng va-li-ze có thêu, ren chút đỉnh, mặc dù trong bóng tối thì không ai thấy được ren, thêu gì. Anh ta dặn bạn nhậu đừng nói với ai nên gã này chỉ nói với vợ mình. Kết quả là vợ gã phu xe mở đầu kiểu tặng loại phẩm vật cực kỳ riêng tư của đàn bà này. Sau đó, dĩ nhiên là các phụ nữ khác bắt chước ngay, cho xác của Cậu thêm vui lòng.

Riêng có một tâm sự thầm kín của chồng cô Muối mà gã phu xe nghe được, nhưng vì lòng thương bạn bè đàn ông với nhau, gã này còn dấu vợ mình. Quá đả bởi sự hào phóng “kêu thêm mấy xị nữa” của gã phu xe, anh chồng nói nhỏ là từ ngày được Cậu nhập, hễ lên giường – dù là ban đêm hay ban ngày - cô Muội chỉ nằm xuôi xị, không còn tỏ vẻ có cảm giác, có hưởng ứng, dù cho có được kích thích, moi móc hết cỡ. Riết rồi chồng cô đành ngủ chay. Cũng vẫn xác thịt ngồn ngồn, nóng ấm đó nhưng nay lại là xác của Cậu rồi, thiêng liêng biết mấy? Không rõ anh chồng thanh tịnh bất đắc dĩ kia đã tâm sự bằng giọng rất tự hào, hãnh diện về vợ mình, hay ngược lại, đầy phiền muộn, uẩn ức…

Ngày tháng trôi qua, nếu không tính tới phần thông dịch, diễn giải của mụ chủ nhà thì quan hệ trao đổi giữa đôi bên là xác của Cậu – hay chính Cậu - với bá gia cứ diễn ra thật kín kẽ, đầm thắm. Đầm thắm đến mức không ai nói gì về kết quả của những việc Cậu cứu nhân độ thế.

Trước hết về chuyện Cậu ra lời dạy bá gia về nhà tự chữa bệnh, thì không nghe ai cho biết bệnh của mình hay của người trong gia đình mình, có hết hay không. Có người dám than thở với Cậu rằng bệnh của y vẫn còn kéo dài. Lập tức Cậu giải thích rằng chỉ do y làm việc phúc đức chưa đủ và đồng thời chưa đủ tâm tin tưởng, khấn cầu Cậu ngày ngày. Tốt hơn hết là không nên khai bệnh hoài với Cậu, nhất là trường hợp con nít bệnh này bệnh nọ. Cậu đã nhiều lần chắc lưỡi, miễn cưỡng tiết lộ thiên cơ, rằng Cõi trên đang có đợt tuyển người từ cõi trần lên hầu hạ chư thần, nhứt là các hài nhi trai, gái. Cho nên nếu trong nhà có đứa nhỏ cứ èo uột, khó nuôi, thì không phải là chuyện cha mẹ, ông bà nó phải lo lắng, buồn khổ, vì biết đâu phước phần sẽ cho nó rời khỏi thế gian mà về hầu thần linh ở cõi mông muội?

Còn về chuyện Cậu cho số đề, lâu lâu cũng nghe có người trúng đề. Dĩ nhiên ai có trúng đề rồi mới báo tin tài lộc của mình cho người khác biết, chứ chán vạn thiên hạ chỉ thường im lặng khi thua đề đều đều hằng ngày. Thí dụ như trong ngày hôm đó, bàn tay Cậu vẽ mơ hồ trong không khí, rồi mụ chủ nhà giải thích đó là Cậu cho con bướm, tức ứng với một loạt ba con số là 19, 59 và 99. Tiếc là, do chính miệng mình giải minh ra ba con số nhưng mụ chủ nhà lại không đi đánh ba con số này nên mụ mất dịp phát tài nhờ trúng đề. Vào cái ngày linh thiêng ấy, một mụ đàn bà khác, mê đề mạt hạng, đã nghe lời Cậu, gom góp rất bộn tiền, cùng lúc đánh cả chục con số - trong đó có ba con 19, 59 và 99 – thì trúng được con 99 với số tiền xác đã bị chia nhỏ một cách thật đáng tiếc. Kết quả xổ số ra rồi, người ta mới thấy được rằng mụ đàn bà nhiệt tình chơi đề này đã phát tài hơn nếu đã toàn tâm, toàn ý tin tưởng vào Cậu, tức nên dồn hết tiền bạc đánh vào cả ba số “con bướm”.

Vài gia đình xào xáo, cắn đắng nhau đã được Cậu khuyên giải nên đã hòa thuận trở lại, nghĩa là không cần phải nhờ đến người lớn tuổi hay chính quyền phân xử nữa.

Xưa nay, ở thời thế nào cũng vậy, đối với đám dân nghèo, dốt nát, ít học, những nỗi cùng khổ, tuyệt vọng trước cuộc sống dễ khiến người ta tìm tới những chỗ dựa ít kén chọn, để may ra kiếm được những niềm an ủi ít tốn kém cho tâm linh và cảm xúc của mình. Như trước khi có chuyện xác Cậu, ở xóm làng này đã có chuyện ly kỳ về đứa con gái của vợ chồng gã đạp xe ba bánh. Tự nhiên hay bị thức giấc giữa đêm, con nhỏ mới sáu tuổi nên không thể kể lại rõ ràng nó thấy gì trong khi ngủ đến nỗi phải choàng thức và khóc lóc, rên rỉ. Vậy là mấy bà hàng xóm giành quyền giải nghĩa với cô vợ rằng cháu nó đã bị người-khuất-mày-khuất-mặt tìm đến hù dọa, phá phách. Quan sát sinh hoạt ban ngày của con nhỏ, đồng thời tìm hiểu kỹ càng về sức khoẻ của nó, gã phu xe không tìm ra được nguyên nhân ác mộng. Cô vợ thì cứ thúc gịuc việc cúng kiếng, cầu thầy. Rốt cuộc, gã nổi điên.

Một tối, gã phu xe nhậu rất khuya với một thằng bạn khố rách cùng nghề ở miếng thềm trước nhà. Quá chán ông bạn cứ lờ đờ con mắt mà lãi nhãi kể khổ về con gái mình, gã kia lén bỏ về hồi nào không hay. Còn lại một mình, gã phu xe nằm dài ra đất. Bóng tối phủ đầy vì cây đèn hột vịt đã cạn dầu mà cô vợ đang giận ghét quá đỗi cái anh chồng vô tích sự nên chẳng thèm ra dọn dẹp, bỏ mặc cho gã làm mồi cho đàn muỗi đói.

Gã phu xe bắt đầu chữi. Một hành vi mà từ trước tới giờ hàng xóm rất ít khi thấy nơi gã. Nguyên là một thầy giáo hiền lành, chơn chất, từ khi không còn được làm nghề dạy học nữa mà phải chuyển qua nghề đạp xe ba bánh để kiếm sống - hay tạm gọi là tồn tại - thì tránh không khỏi chuyện ít nhiều anh có nhiễm vài thói quen từ môi trường chợ búa, trái hẳn với bản chất nhà giáo, như chữi thề và nát rượu.

Đ. mẹ, vậy là có thằng nào, con nào đó khuất mày khuất mặt tới phá con tao? Một đứa hay mấy đứa? Hay toàn thể tụi bây? Đâu cần đông đủ, long trọng dzữ dzậy? Con tao chỉ là một đứa nít thôi mà? Không đứa nào trả lời à? Tốt! Dù sao cũng cho tao được phép kính cẩn nghiêng mình gởi lời…Đ. mẹ tới toàn thể quí vị. Nghe rõ chớ hả? Để tao nghỉ chút xíu, mệt quá…, tiếp đây. Phải, tao lập lại là con tao chỉ là một đứa nít sáu tuổi, yếu ớt, ốm nhách và nó chỉ là con của một thằng cũng ốm nhách, nghèo mạt là tao đây. Bây là những đấng khuất mày khuất mặt? Có chức danh nào khác nữa không? Hả? Gì? Người cõi trên? Người cõi âm? Trân trọng kính chào nhưng bây đúng ra chỉ là lũ chó cắn áo rách. Chớ còn gì nữa? Người cõi trên bề trên gì đó thì phải lo phù hộ, độ trì cho đám dân đen dưới trần gian này sống đỡ đỡ một chút chớ! Đằng này tụi bây lại… Tụi bây có lao động không hả, có đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm cơm không hả? Hay rảnh quá rổi chỉ biết đi ăn hiếp con nít, vinh quang quá hả? Cha con tao có chọc ghẹo gì bây đâu? Thôi, tao mệt quá, tao lạy xin tụi bây đừng tới phá con tao nữa, để cho nó được ngủ yên mai dậy còn đi học. Còn nếu không thì…tụi bây có ngon thì tới phá tao đi. Phải, quên con tao đi rồi tới chơi với tao, tao thế mạng con tao, được chưa? Tao đây nè, có ngon thì tới đây. Tao hả? Hồi xưa tao là ai là gì bây khỏi cần biết, nay đổi đời rồi thì tao đếch là gì cả, chỉ là một thằng khố rách áo ôm, nhà cửa sự nghiệp không có. Nhưng được cái tao là thằng lương thiện, nghèo thì nghèo chớ tao chưa hề chơi xấu hay lừa đảo ai. Tụi bây có biết ông Khổng tử bên Tàu không hả, ổng nói "Đức trọng quĩ thần kinh”, nghĩa là khi con người có đức độ thì quĩ thần phải kinh sợ mình. Là người lương thiện thì tao đếch sợ bây! …Thôi, tao mệt quá, lời cuối tao nói cho tụi bây biết, một là bây cứ ngồi yên trên bàn thờ để người ta thắp nhang, cha con tao và bây không ai chọc ai, còn nếu không thì hai là bây có ngon cứ tới chơi tao. Hay là ngay giờ đi, thằng nào con nào ngon thì hiển linh hiện ra đi, tao đây nè. Tao thách đó! Sao, không dám hả? Dzậy mà kêu là người cõi trên. Đ. mẹ toàn thể tụi bây…Trong lúc lải nhải, chữi bới mà không rõ đúng ra mình đang chữi ai, đối tượng nào cho chính xác, hình như tới phần giới thiệu sơ nét diện mạo và hoàn cảnh cùng mạt của cha con mình thì gã đã khóc. Khi gào lên lời đề xướng với ai đó chuyện "thế mạng" cho con gái mình, gã tự biết đó hoàn toàn không phải là một chọn lựa đạo đức, hy sinh cao cả gì ráo! Chẳng qua là do bị dồn nén lâu ngày về cảm nhận bế tắc trước cuộc sống, có chết bây giờ cũng chỉ là chấm dứt cái sống mòn mỏi của một con người không có một triền vọng sáng sủa nào về tương lai. Còn về đứa con gái nhỏ của hắn, dù sao mơ hồ nó cũng có tương lai - một kiểu tương lai nào đó…

26.
Đang ở tình trạng thui thủi một mình trong nhà từ đường, ông Bảy lại có thêm dịp nhận ra nỗi cô đơn, cô độc rất hoàn hảo trong cuộc đời mình khi nghe mấy mụ đàn bà ở xóm làng này kể câu chuyện cái gã đàn ông nghèo kiết xác, cô thân cô thế, không có chút thế lực nào chống lưng mà dám chữi bới, thách đố cả thần linh. Nghe nói, sau trận say tơi tả rồi cả gan tuyên chiến với toàn thể cõi người-khuất-mày-khuất-mặt, gã phu xe gốc nhà giáo càng cô đơn, cô độc hơn khi mọi người, kể cả vợ gã, đều tránh mặt gã. Cứ như những con người tốt – theo nghĩa biết kính tín quĩ thần – thì phải kiêng dè, không nên đến gần kẻ xấu – theo nghĩa dám báng bổ thần linh. Vậy mà, cứ như quan hệ nhân quả, một chuyện lạ, không biết hung cát thế nào, đã bất ngờ xảy ra mà không hề có điềm báo trước với bất cứ ai trong xóm làng. Đó là biến cố tự nhiên có cặp vợ chồng trẻ, lạ mặt, không rõ từ xứ sở nào mà đến xóm làng đìu hiu này, lại còn xin ở trọ ngay bên cạnh nhà cái gã báng bổ thần linh kia. Và hơn hết, cô vợ chính là xác Cậu sau này…

Xâu nối lại những lời kể lộn xộn, không phân minh đầu đuôi của mấy mụ đàn bà, ông Bảy dĩ nhiên có cảm nhận riêng của mình. Chuyện của cõi trên, cõi âm gì đó thì không lạ lẫm gì đối với người có cặp nhãn “thông linh” như ông Bảy. Và một khi đã từng nhận được những ân trạch phi phàm từ những nhà bảo trợ siêu nhiên như Hải thần và Địa mẫu thì không việc gì ông Bảy phải thần phục những công tích tẹp nhẹp, nhỏ nhoi, cỡ như của Cậu Hoàng Yến ban phát cho một vài dân làng.

Trong một lần ngồi xe đò về Phan Rang có việc, ông đã nghe thêm một chiều thông tin khác về xác Cậu. Trên xe, tình cờ ông Bảy ngồi cạnh một bà cở trên dưới 60 tuổi, mặt mũi xấu đau xấu đớn, nhưng có giọng nói đầy tính áp đảo người khác:

“Ông nói ông ở Kim Bồng hử? Thôi rồi, đúng chỗ của con nhỏ xác cậu Yến rồi!”.

“Bà cũng biết cái cô Muội, Muối gì đó?”.

Tự nhiên bà già kia lớn giọng như đã dằn nén một nỗi bất bình từ lâu rồi:

“Cô cô cái gì? Cái con nhỏ đó nó xảo cái miệng, mê hoặc, dỗ ngọt bà con để cúng cho nó trái cây, đồ bộ với…quần xì líp thêu ren chớ gì? Cái con tồi bại! Hạ tiện như vậy mà cũng xưng là xác của Cậu!”.

Bàng hoàng trước sức lan truyền thông tin – bất cứ loại tin tức nào - quá sức sâu, rộng từ cánh phụ nữ, ông Bảy hỏi liền:

“Bà nói, cái chuyện Cậu nhập vô… con nhỏ là do nó dựng lên?”.

“Ai biết? Ai chứng? Mà dù cậu Yến có nhập vô con nhỏ thiệt đi nữa thì, tui nói thiệt, cậu nhỏ út này chẳng oai linh gì khi so với cậu ở chỗ tui ở, là cậu Hoàng Hai, trưởng nam của đức Bà”.

Chợt bà già tự giảm bớt âm lượng, nghiêm nghị nhìn vào mắt ông Bảy:

“Nói ông nghe, tui chính là xác của cậu Hoàng Hai đây. Nhờ đức Cậu, tui đã cứu nhơn độ thế nhiều lắm rồi. Ông có dịp nào về Nại, hỏi dân ở đây, bà Bảy Liễu là ai thì biết liền. Bởi tui là xác chân thật, nghiêm trang, được cậu Hoàng Hai chọn mà một lòng một dạ giúp đời, không tơ hào chút lợi lộc nào hết. Nên nói thiệt, cái thứ hạ tiện như con nhỏ xác ở Kim Bồng, xui xẻo gặp phải tui là tui…xé l. dồn trấu nó liền!”.

Ông Bảy chợt nghĩ là giữa những phụ nữ làm xác cho người-khuất-mày-khuất-mặt nhập vào, hẳn phải có nạn cạnh tranh hơn kém, thật giả rất trầm kha và tàn khốc nên bà xác già mới hăm trừng phạt cô xác trẻ bằng một nhục hình ghê gớm là nhét rác rến vào bộ phận sinh dục. Cay đắng thay trong cả hai người đàn bà có vẻ khác thường này, hầu như đã chết mất đời sống nhục dục, từ khi cả hai người bắt quan hệ với cõi trên, cõi âm nào đó.

Thôi thì, ông Bảy nghĩ ngợi, ở cõi trần ai này và thời buổi này, trong cái xóm làng Kim Bồng tối tăm, khuất lánh này, chuyện xác Cậu, cô Muội đến với đám người nghèo khổ và vô vọng kia là chuyện cũng không đến nỗi tồi. Xác nguyên là cô giáo/thợ may/ni cô bí ẩn gì đó, kể cả cái gã phu xe/thầy giáo bất đắc chí kia, cũng chỉ là loại người lạc loài, trôi dạt trong/bởi thời thế như nhau mà thôi. Ngay ông Bảy cũng là một lão già lạc loài, bị thời thế xua đuổi ra khỏi cái quá khứ đầy hào quang của mình, ra khỏi mảnh đất đứng tưởng chừng như vô cùng vững chãi, đầy những đặc quyền đặc lợi được bảo kê, hổ trợ bởi cả hai phía thần linh và đám con, cháu quan quyền một thời.

Trong chuyến đi về Phan Rang vừa rồi, chuyện gặp bà già xác cậu Hoàng Hai chỉ làm cho ông Bảy chán nản thêm khi nghe thần linh đang bị đầu cơ, bị lợi dụng danh giá quá thậm tệ. Ông càng buồn hơn khi về đến nhà thùng thì chỉ thấy hoang phế, tiêu điều hơn trước. Nhà trại vắng hoe, người làm công đã nghỉ việc hầu hết để đi làm rẫy, đi khu kinh tế mới hay chuyển qua một nghề nghiệp tạm bợ nào đó. Trái với bản tính trước đây là cau mày, khó chịu, sẵn sàng truy vấn, ông Bảy chỉ làm thinh, không trách rầy bà quản lý nhà thùng mà ông đã giao trách nhiệm vì bà vợ thứ ba của ông đang đau ốm kinh niên. Hai đứa con gái cũng không có mặt để chịu đựng cha mình vì các cô đã lấy chồng, đã rời bỏ nhà thùng từ lâu, và giờ này chắc đang lo dựng nhà, dọn đất làm rẫy ở khu kinh tế mới.
(Còn tiếp)

 
 

Phạm Nga