PHẠM QUANG PHƯỚC, NHÓM TRIẾT, NHỮNG KỶ NIỆM...

 
 
 

Trong những dịp nào, ngày tháng nào…, nhóm Triết chúng ta đã gặp Phạm Quang Phước (PQP)? Tôi rất khổ tâm, nhưng đành phải chịu thua - cũng như mong các bạn bao dung - trí nhớ của mình, phần ký ức sâu kín, dành riêng cho những người mình thương quí nhứt trong đời sống, mà tôi cũng như các bạn đã trân trọng ghi khắc qua năm tháng. Và khi viết bài tưởng niệm này, tôi chỉ còn cách chạy đi tra vấn, lục lạo trí nhớ của bạn bè ( Thu, Sơn giấy, PV Cường…) thôi vậy.

1. Tại sao, sau khi tôi đưa ra mẫu thông tin trong tiểu sử PQP, rằng “PQP chỉ viết truyện ngắn”, vừa qua trên trietvan.com lại có anh bạn Lê Nam đưa ra 4 câu thơ rất hay của Phước? Nguyên là những năm 1966 - 68, từ đất sương mù Đà Lạt xuống phố thị Sài Gòn, Phước vẫn nguyên tuyền là mẫu trẻ trai nhiều mơ mộng, sinh hoạt với thi văn đoàn Nhóm Tim chúng tôi thời đó, bên cạnh các “thi sĩ” chuyên làm thơ trong nhóm. Như Trần Hồng Nhan ( đã tự tử sau 30/4, vốn có một bạn rất thân ký bút hiệu Nguyễn Tôn Nhan, không biết ai chọn dùng chữ Nhan trước?) viết “Rót thêm một chén nữa nào / Cho hay thân phận không chào tài hoa”. Như Sa Miên (đi H.O. qua Mỹ có làm thơ thêm ít năm rồi im lặng), thì “Mưa trời ướt áo con trai / Tường thư viện cũ tình phai nhánh mùa”… Những tên ngay từ thời trẻ đã có thiên hướng văn xuôi như Phước và tôi bèn ngứa ngáy, tránh không khỏi chuyện bày đặt vỏ vẽ làm thơ, kiểu thợ-hồ-đóng-đồ-mộc!

Nhưng đến tay Thượng Thuật Hà Thi Châu (Ngô Văn Châu, thân hữu nhóm Triết, mất năm 2005), phó trưởng nhóm/phụ trách thơ, người có những câu “Ta cóng lạnh nhìn em cười nụ nhỏ / Đẹp vô cùng nhưng ngắn ngủi, tan, vơi” ( bài Khiêng Mùa Thu Xuống Núi, tạp chí Văn – 1972) thì nhà thơ này bĩu môi, ếm “tài” làm thơ của hai đứa tôi, lẵng lặng vứt ra khỏi tập tàng thư của nhóm những câu thơ…xuôi, kiểu “ Sau cơn mưa, không rõ con gà trống biết phiền muộn hay ướt sũng nước mà buồn rầu? Tôi giữ mình đứng một quãng cách xa tình yêu, để còn được ước mơ” của Dzũng Thi ( không ngờ hồi trai trẻ, tôi lại có thể chọn một bút hiệu…cải lương đến thế?!).

Do “dị ứng” kỳ cục với chuyện mấy thằng bạn viết văn bày-đặt-làm-thơ mà Thượng Thuật – trong bộ ba Phước/Châu/Hùng chơi thân tới trên 40 năm - ra tay “kiểm duyệt”, nên trong tập tàng thư thời cũ của Nhóm Tim đã không có mặt những câu thơ thật hay của Phước, như: “Rượu một bát trút nghiêng bầu vũ trụ / Ta nghêu ngao đi giữa chợ âm hồn” …. Rồi vào năm 1970, sau thời kỳ PQP đã chọn hẳn nghiệp viết truyện ( lấy trớn từ truyện Tôi Trở Về Thành Phố đăng trên giai phẩm 1968-1969 Nhóm TIM), khi gặp Nguyệt Thu và Lê Nam, Phước đã lãng đãng gởi mấy câu thơ hiếm hoi ấy của mình cho bạn mới quen. May mà bạn Nam còn nhớ để đưa lên trietvan.com ngày nay.

2. Nhớ khoảng lúc nào đó cuối 1969 – 1970, tôi dẫn PQP đến văn phòng nhóm Triết ở trường Văn Khoa, bữa đó nhớ là gặp Lê Lạc Giao, Nguyễn Anh Dũng, Phạm Kim Tần, và không thể thiếu mặt anh Quân “đen”, quản lý văn phòng nhóm, người chuyên chi tiền café thuốc lá. Nhìn quanh quẩn hang ổ của nhóm, Phước gật gù: “Thế đấy, ở đây toàn là ông cao bà cử không đấy, thế thì tớ phải làm gì bây giờ?”. Tôi đáp: “Không trăng sao cử cao gì sốt. Chỉ cần đến chơi, viết cho tập san, bởi hai lý do, một là vì tình bạn, hai là… cũng vì tình bạn”.

Vậy mà đã 37 năm trôi qua, nghĩa tình bạn bè giữa PQP và nhóm Triết chúng ta sâu đậm đến không ngờ. Lê Tấn Hà đã viết quá ý nghĩa trong thông báo Tin buồn PQP qua đời, rằng “Anh Phước là một thân hữu của nhóm NCTH từ năm 1970 và đã chia xẽ những thăng trần của nhóm không khác một thành viên thực thụ”.

Thực thụ có một mối tương liên, đồng đẳng sâu sắc, đẹp đẽ về cả hai mặt tình cảm và trí thức, giữa những thành viên “ông cao”, “bà cử” gì đó cùng với một thân hữu viết văn đầy văn tài, đã dán mấy chữ “Văn chương chữ nghĩa Trời cho!” trên bàn viết của mình. Lại có một “nghi án” về tác giả của câu – nguyên là một câu thơ - mà Phước rất tâm đắc, tự nhận xét về mình như thế. Trong một lúc uống rượu tưởng nhớ Trần Hồng Nhan thì PQP cho biết đó là câu thơ của Nhan. Trong một lúc uống khác, PQP lại bảo hình như là của Đinh Hữu Hiền. Gặp Hiền năm 2006, nhà thơ sính rượu này có vẻ ngơ ngác, bảo hình như (lại hình như!) mình không có làm câu này… Sao cũng được, hiển nhiên văn tài của PQP không hệ lụy vốn liếng học thức, chữ nghĩa.

3. Một chút kỷ niệm PQP với riêng tại nhà Lê Lạc Giao. Trong đêm Noel năm 1971 hay 1972 gì đó, tôi dẫn PQP đến nhà Hà ở Chợ Lớn, gần giao lộ Nguyễn Tri Phương với một con đường nhỏ, không nhớ tên. Hôm đó, chỉ mới 7 – 8 giờ đêm, dân nhóm Triết chưa có mặt đông đủ nhưng có sẵn rất đông dân miền Trung, dân Nha Trang, PQP ngồi giữa Hà và Nguyễn Quốc Kỳ. Trong lúc tôi háo ăn, lo thưởng thức những món tuyệt vời của chủ nhà thì theo cố tật, Phước chỉ ăn rất ít nhưng uống liên tục. Sau này, Phước trách tôi: “Mày chỉ lo múa đũa, không để ý là là có mấy cô, mấy cậu nhìn tụi mình. Có một cô bé hỏi tao, anh là nhà văn PQP hả? Cứ như cô bé cho rằng mẫu nhà văn thì phải khác, phải nho nhã và hiền lành, chứ không phải nhà văn lại cái tên đen sì, mặc đồ lính quặm trợn, uống như hũ chìm như tao!”.

Ở đây, lại có chút vấn đề nhỏ trong cách PQP nhìn khiêm tốn, đúng hơn là dửng dưng, về chính dung mạo của mình. Nhưng khoảng năm 2000, Gã Nhà Văn Buồn Rầu đã thực sự buồn rầu về (môt phần) ngoại hình, thân xác mình, khi mất đi hai ngón bàn tay trái trong một tai nạn nghề nghiệp ở một trại mộc. Lưỡi cưa mâm đã xén vô bàn tay Phước khi trong lúc mệt nhọc, anh tì tay vào mâm cưa bàn. Một thời PQP chơi trống trong ban văn nghệ SuperCanon thuộc Bộ tư linh binh chủng pháo binh.Nay bàn tay tài hoa - thêm vào văn tài sẵn có – là chơi đàn guitare classique nơi Phước đã tiêu ma! Không biết sử dụng máy điện toán (cũng lười học vi tính y như Đinh Hữu Hiền), PQP đành ráng tiếp tục cái thói quen sáng tác bằng bút mực tím, trên những cuốn tập 50 trang.

Nhưng đến bài thơ độc đáo tiếng Hán Việt (gần như thể tứ tuyệt, có phần đối và vận khá chỉnh) mà Phước làm để khóc Tuyền, người vợ yêu dấu của mình, thì tôi và anh Nguyễn Văn Sơn không tán thành khi PQP tự gọi mình là “uế phu”, ý nói mình là người chồng xấu xí. “Tôi đâu có giỏi tiếng Hán như giáo sư dạy Văn mấy ông, nhưng tôi thích khóc bằng tiếng…Hán!”, Phước cười. Anh Sơn đã đề nghị sửa chữ “uế” thành “xú”, mới đúng nghĩa là xấu xí bề ngoài. Phước đồng ý, nhưng việc đục, sửa chữ trên tấm mica ghi bài thơ thì khó quá, nên cho đến thời gian quan tài PQP để ở nhà ( chỉ hai ngày 8 và 9/9/2007, rạng đông 10/9 đã động quan đi hỏa táng), tấm mica ghi bài thơ khóc “hiền phụ” của nhà văn vẫn còn treo trên vách cho đến hôm nay.

4. PQP thích uống rượu hơn uống bia. Thích rượu thuốc, rượu đế hơn rượu tây. Thích cùng uống với bạn bè đồng điệu nhưng cuối đời, PQP đã nhiều đêm uống một mình, chỉ uống, không buồn ăn chút gì đó, khi ngồi một mình nhìn ảnh vợ trên bàn thờ, và khóc! Có điều là Phước đã vào lính, đã uống, đã có tửu lượng cao trước khi bắt đầu đọc và ái mộ Hemingway nên PQP không hề bắt chước, làm ướt đẫm trang văn của mình bằng rượu như văn hào người Mỹ. Dĩ nhiên, ngoài đời sống thì PQP uống “vô tư”.

Như rượu đã có mặt thật phong phú trong bối cảnh PQP dựng truyện Lạc Dấu Chân Người, xem như sáng tác ra mắt với tạp chí Văn, đăng vào tháng 2 /1973. Nhân vật thầy giáo Việt trong truyện, có nguyên mẫu là bạn chí cốt của Phước, một sĩ quan dạy ở trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu. Cứ cách một hay hai tuần, PQP từ Hậu Nghĩa và thằng bạn từ Vũng Tàu cùng về Sài Gòn. Hai người bạn lính chỉ gặp nhau ở căn gác tồi tàn vùng Tân Định dăm phút là…kéo ra quán, có khi cùng uống đến gần sáng. Vậy mà vài mẫu chuyện nhàm nãn trong việc dạy học, vài hình ảnh thoáng qua ở vùng đất biển, được người bạn kể theo ly rượu, đã được nhà văn xử lý, hư cấu thêm cho thật phong phú, trữ tình - không có chút mùi rượu nào của khi PQP thu lượm data trong thực tế - thành một truyện tình thoáng qua, đẹp như mây như khói, giữa anh thầy giáo và cô học trò 15 tuổi.

Còn nữa vài trận uống với nhau rất dữ với PQP, mà đỉnh cao có lẽ là đêm Noel 1979 hay 1980 gì đó, tại nhà Phan Tấn Hải, gần khu chợ vải Soái Kình Lâm. Đêm đó có Hải, Khiêm, Hùng nhỏ, Khoa, Dũng, Lệ, Cường, Mỹ Huê… Hình như có cả Sơn giấy và Liêm?

4 bis. Lối PQP viết truyện tình trước năm 1975, như Lạc Dấu Chân Người, nhẹ nhàng, tinh tế, giàu thi vị và xúc cảm như thế thì không còn thấy trong những truyện viết sau 30/4. Học tập cải tạo về (khoảng năm 1978), cuộc sống khó khăn vây phủ, nhà văn như già cỗi đi, buông bỏ kiểu cảm thụ tinh khôi, chan hòa thương yêu ngày nào, và chuyển qua lối viết cay đắng, dững dưng, nhứt là sau ngày vợ mất. Đến Nơi Nhận Việc, Mộ Cỏ Vàng Mộ Đá Xanh, Đường Cày Đã Đoạn, Tịnh Không Còn Yên…, những truyện PQP viết sau năm 1975 sâu sắc hơn, có hơi hướm tôn giáo, đức tin, nặng suy tưởng về cái Chết trong kiếp người hơn là lẽ Sống, với những khía cạnh có thể buồn nhưng đẹp, là tình yêu, tình gia đình, tình bằng hữu, tình đồng đội mà PQP viết rất thành công thời trước.

5. Dù sao đi nữa, văn chương – dù là của nhà văn vừa quá vãng – vẫn là những tín điệp có sức sống, ở rất lâu trong ký ức chúng ta. Do đó, tôi không có ý dùng giọng văn văn tế, ai điếu khi nhắc tới những kỷ niệm sâu xa giữa PQP với chúng ta. Cõi Chết còn được gọi là Cõi Nhớ, một khi những người còn sống thở là chúng ta đang giữ gìn kỷ niệm với người bạn đã khuất. Nhưng có điều này… Ngồi với nhau mà nhắc nhớ kỷ niệm về một người vắng mặt thì khác hẳn chuyện ngồi với chính người ấy để nhắc lại những kỷ niệm mà mình và người ấy cùng ghi khắc.

“Anh Phước có nhớ cái lần tụi mình nhậu Noel ở nhà Phan Tấn Hải, gặp thằng Khoa ca sĩ, rồi vợ chồng Dũng Lệ hát bài gì, hình như là…Ở Lại?”, hay “Mày có nhớ, hồi tao mày xuống Bà Rịa, thằng Châu nó đã bịnh rồi?”, những câu hỏi gợi nhắc riêng-tư-giữa-bạn-bè, dù là do các bạn hỏi PQP hôm cùng Phước ngồi ở café Nét Việt, hay do tôi hỏi lúc cùng Phước nghe tin bạn Châu mất, thì từ ngày 8/9/2007, tất cả câu hỏi loại này đã chết, biến thành tử ngữ trong mọi kiểu dạng ngôn ngữ mà ta có thể dành cho người được hỏi và anh ta dễ dàng trả lời với tư cách người-trong-cuộc là Phước. Câu hỏi - kéo theo những kỷ niệm như tài sản tinh thần chung của bạn bè - đã vĩnh viễn biến mất theo người được hỏi! Trần Hòa Vinh, Tường Vi, Phạm Quang Phước, những người chúng ta thương yêu vô vàn! Một lần, Nikos Kazantzaki đã viết, đại để là: “ Những người thân yêu chết đi thì linh hồn họ sẽ lè lưỡi liếm cạn đi dần dần cái vũng máu là ký ức của chúng ta…”. Ký ức riêng tư về người thân yêu đã không thể cưỡng lại được sự hao mòn qua thời gian, thì cái chết của chính tâm hồn cũng đã lặng lẽ bắt đầu. Giống như Phạm Quang Phước coi như đã chết, thầm lặng chết dần dần, kể từ cái chết của vợ anh năm 2002.

Vĩnh biệt Phạm Quang Phước!

 
 

20/9/2007

Phạm Nga