NGHE “LA MER” KHI BỀNH BỒNG TRÊN VỊNH BIỂN BOTANY

 
 
 

Biển cả ru tâm hồn tôi bằng khúc tình ca bất tận…
(Ca từ trong bản “La Mer” của Charles Trenet, 1945)


1.
Đang mùa hè ở nước Úc, năm giờ chiều, chiếc tàu câu rời cảng nước sâu Botany Port tiến ra khơi, mặt trời vẫn còn chói chang ở phía Tây, nắng rực rỡ, ngỡ như xế trưa ở Sài Gòn. Dù bờ biển phía bắc vịnh Botany có phi trường quốc tế Sydney luôn rộn rịp, phi cơ lên xuống liên tục, vịnh biển xanh này vẫn có vẻ gì đó tỉnh lặng, hoang liêu. Tàu câu sơn hai màu đen/trắng, kiểu dáng thật đẹp, dài 6.5 m, máy Honda 225 phân khối. Cường – bạn câu rất thân của chủ tàu – đã cho tôi và anhThành sui gia uống ngay 1/2 viên chóng ói. Mở đầu buổi câu, Phương – tay chủ tàu dễ mến - cho tàu chạy đến một góc vịnh, chỗ nước cạn có nhiều rong để mò bắt sò lông. Mọi người đều nhảy xuống nước cùng mấy cái thùng nhựa, chỉ còn mỗi mình tôi ngồi dựa mạn tàu với cái Hi- Res WalkMan. Tôi gắn tai nghe, mở máy, lơ đãng nhìn vùng biển, trời trước mắt. Sau mấy bản Summer Jazz/BossaNova ồn ả, phấn khích, nhịp 2/4 đổi sang Fox, dìu dặt, êm đềm. Vâng, đó là một ca khúc tuyệt diệu về biển mà tôi nhất định phải mở nghe lúc này – “La Mer” của danh ca Pháp quốc Charles Trenet (*).

La mer/ Qu'on voit danser le long des golfes clairs /A des reflets d'argent / La mer / Des reflets changeants sous la pluie (Biển! Những tia phản chiếu màu bạc nhảy múa dài theo vịnh biển sáng lóa vì nắng / Biển / Những tia phản chiếu lấp lánh thay đổi dưới màn mưa )… La Mer đã được nhiều danh ca Âu Mỹ trình bày, từ Roland Gerbeau, Julio Iglesias…, cả với giọng nữ Chantal Chamberland, cho đến Bobby Darin với "Beyond the Sea" – phiên bản La Mer tiếng Anh. Nhưng với riêng tôi, không hiểu sao, chỉ có chất giọng trầm ấm, phóng túng của Charles Trenet mới giúp người nghe bàng hoàng cảm nhận được toàn vẹn tính kỳ vĩ của biển cả bao la, cứ tuồng như trong cuộc sống thực ở một quán cà phê, một quán rượu nào đó đang mở La Mer thì chợt văng vẳng có tiếng sóng biển vỗ vào vách kính… Hẳn cảm nhận chủ quan của tôi nên được cho phép, bởi ít ra là khi Charles Trenet thu âm dĩa nhạc đầu tiên mang tên “"Je chante/Fleur bleue" (Tôi hát / Đóa hoa xanh) cho hãng dĩa Columbia (năm 1937), thiên hạ đã gọi ông bằng biệt danh “Gã ca sĩ điên “(Le fou chantant) vì phong cách lãng tử, không thèm màu mè diễn xuất và giọng ca trầm trầm, bất cần đời của ông rất giống những nghệ sĩ hát rong đường phố…

Và giờ này, tôi đã thực hiện được một ước mơ trọng đại hết sức cho cả đời mình – bao năm tháng yêu nhạc, nghe nhạc, nghĩ về nhạc, viết về nhạc…, đó là đang hòa mình vào biền cả, sóng nước, lại được nghe “La Mer”, ca khúc về biển cả mà chủ quan tôi cho là hay nhất – nghe sướng nhất - trong giòng nhạc quốc tế viết về biển cả xưa nay.

2.
Tàu lại nổ máy, chồm mũi tới như cắt sóng, lướt nhanh trên mặt biển. Phương chỉ cho tôi thấy mấy cái phao màu cam đang nhảy chập chờn trong làn sóng trắng xóa, cuồn cuộn phía sau đuôi tàu, Cường nói đang dùng mồi giả, hình con mực nhỏ xíu bằng nhựa dẽo, để ở chỗ nước sâu này hy vọng bắt được cá ngừ hay king fish, một loại tương tự cá bớp. Giao cho Cường lái tàu, Phương cười hể hả nói, có sò làm mồi thì uống sương sương nhe, 1 -2 chai thôi, khi nào có cá, mình nhậu tiếp cá nướng. Rõ ràng tay chủ tàu trung niên vui tính này không chỉ giỏi giắn, nhanh nhẹn trong các việc điều khiển tàu hay soạn, ráp cần câu. Phương khéo léo tách võ một mớ sò lông, mời mọi người ăn sống - như ăn hàu, tức với vài giọt chanh hay mù tạt wasabi. Thịt sò sống không hề ngậm một chút rong hay cát nào, vị hơi mặn nhưng không mềm như hàu mà ngon, dòn cực kỳ. Tôi tu chai Victoria Bitter, loại bia Úc chai lùn có tên khác nữa thật ngắn “VB”. Sang đây đã 3 tháng, tôi từng nhiều lần uống VB, nhưng bữa nay mới thấy vị VB ngon lạ lùng khi nhậu với sò sống tái chanh….Tàu ra khỏi vịnh, chạy dọc bờ biển phía nam cảng hàng hóa Botany. Bên mạn phải tàu là khơi thẳm của đại dương Úc châu. Mặt trời xuống thấp hẳn, đường chân trời chói lòa những tia nắng cuối cùng của ngày. Tuyệt vời cảnh mặt trời lặn! Tôi mê mẩn theo dõi những vầng mây trắng, sáng rực bởi nắng quái chiều hôm chiếu vào nhưng vẫn đắm mình vào lời thì thầm của bài hát ngợi ca biển cả.

La mer /Au ciel d'été confond / Ses blancs moutons /Avec les anges si purs La mer / Bergere d'azur / Infinie… (Biển / Mây trên bầu trời mùa hè nhòa lẫn vào nhau như bầy cừu trắng / Cùng các thiên thần thanh khiết / Biển / Cô nàng chăn cừu ở chốn cao xanh vĩnh cữu …). Tuyệt vời! Ca từ do Charles Trenet soạn để miêu tả biển cả đầy tràn những gam màu tươi thắm, nghe mà tưởng như được ngắm những bức vẻ biển cả đẹp lạ lùng hiện ngay ra trước mắt mình. Thì trong tiểu sử nhạc sĩ, người viết đã nhấn nhá rằng thuở còn bé, Charles Trenet thường được một người bạn của cha mẹ dẫn đi vẽ tranh phong cảnh trong vùng bằng màu nước; thế là sau này, những ca khúc do ông sáng tác thường rất giàu hình ảnh, ca từ của ông luôn đượm nhiều tính từ, trạng từ đặc tả màu sắc, khác nào những bức tranh vẽ.

3.
Trời tối sẩm.Tàu câu trở vào vịnh, bỏ neo ở một chỗ nước cạn gần bờ. Máy định vị ở ca-bin cho thấy 3.8m sâu và lăn tăn có cá. Phương gật gù nói để anh thay lưỡi câu nhỏ hơn, gắn thêm cục chì là bắt cá cam, cá nục. Và đốt than đi, Cường ơi! Cứ nướng sò trước! Đã tám giờ đêm, ba cần câu dính cá lai rai. Vẫn bọn cá cam và yellowtail fish tức cá nục gai hay cá nục đuôi vàng. Con nào rỉa mồi, giật lên thấy quá nhỏ thì thả xuống nước trở lại. Vô tích sự như tôi cũng ra cầm cần, rốt cuộc ngư ông dỏm cũng giật lên được một con cá cam nhỏ. Vừa trét xong mỡ hành cho con cá cam trên vĩ lò thì mớ sò lông cũng vừa chín tới. Có người khui lẹ một loạt năm chai VB nữa để nhiệt tình hổ trợ cho việc tách võ sò và trét mỡ hành. Vô! Chủ tàu còn cười lớn, enjoy đi, mấy chú ơi! Tuy nhiên, đêm nhanh chóng lạnh hơn và sóng lớn lắc tàu quá mạnh, nhậu cũng khó mà câu cũng khó. Phương lại quyết định nhổ neo, đưa tàu vào núp sâu trong vịnh cho ít sóng hơn. Tàu bỏ neo bềnh bồng cạnh một bãi đá “ba chân”, tức các khối bê-tông ngăn sóng xâm thực bờ biển. Vì số cá giật lên, đem rộng trong cái hầm nhỏ chứa một ít nước biển, nằm dưới sàn tàu đã khá nhiều nên Phương dẹp bớt cần câu, chỉ chừa lại một cần nhỏ. Cuộc nhậu tiếp tục. Cá mới câu lên, đem nướng thơm lừng, giẻ ra chấm nước mắm ớt, nhai chầm chậm. Hơi nhiều ý kiến ý cò - người nói cá này thịt ngon nhất, người nói cá kia mới ngọt nhất, thơm nhất… Tôi thì thấy thịt loại cá nào cũng đều ngon cả, đều béo, đều thơm cả. Cuộc đời ơi, enjoy nhé! Gió biển lồng lộng bốn bề. Anh Thành, hơi co ro trong chiếc áo lạnh mới mặc thêm, nhìn ra khơi xa, ngâm nga:

Chiều về trên biển Sydney,
Sò lông nướng với Vi Bi tuyệt vời.
Nhấp nhô sóng vỗ liên hồi,
Tha phương rồi cũng một đời phiêu linh…

Cả tàu vỗ tay rần rần, hô lão thi sĩ phải đọc lại bài thơ lần nữa. Vô!Vô chớ! Mười một giờ đêm, gió rất lạnh, tàu nhổ neo, quay đầu về bến. Tôi hiểu đối với Phương, tay chủ tàu chịu chơi, đêm câu này không thành công vì không trúng cá lớn, nhưng rõ ràng vui là chính, rõ ràng Phương đã quá hào sãng và đầy kinh nghiệm để tổ chức quá tốt cho mọi người được enjoy một đêm vui chơi phóng dật, mãn nhãn, mãn ý với biển trời, sóng gió, cá tươi, bia ngon và cả những câu thơ tức cảnh sinh tình đầy thú vị của anh Thành. Và tôi còn thấy mình hẳn là người hạnh phúc nhất trong thủy thủ đoàn bởi giữa biển khơi, sóng nước…, âm hưởng ngọt ngào của ca khúc La Mer đã thấm đẫm thân tâm, cảm quan tôi suốt từ buồi hoàng hôn cho đến giấc khuya muộn này…

Et d'une chanson d'amour / La mer /A bercé mon coeur pour la vie… (Và với một ca khúc tình yêu/ Biển cả ru tâm hồn tôi cho trọn kiếp đời).

 
 

Sydney, tháng 1/2016

PHẠM NGA


________________________________________
(*) Ca khúc “La mer” với giọng ca Charles Trenet:
https://youtu.be/PXQh9jTwwoA