Tản Văn

NHỮNG NGÀY DÍNH "F KHÔNG"

 
 
 

1.
Xưa nay, người đời thường dùng từ ‘mắc dịch’ để chửi thậm tệ ai đó, cụ thể là tỏ ý nguyền rủa, công khai muốn cho người bị chửi gặp phải một trong những chuyện xấu nhất, hại nhất trong đời sống con người, đó là mắc bệnh dịch – loại bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm bởi gây chết người hàng loạt, trong lịch sử toàn thế giới có đợt giết hằng triệu sinh mạng, như : dịch hạch, cúm, đậu mùa, sốt thương hàn, Ebola, SARS…

Vậy, vừa rồi đúng là mình mắc dịch khi nhiễm bệnh dịch Covid19 (hay SARS-CoV-2), đã bùng phát từ năm 2019, đến thời điểm 23/11/82021 đã khiến 5,17 triệu người chết trong tổng số 259 triệu người mắc (riêng VN: 24.118 người chết trong tổng số 1,14 triệu người mắc). Mình đã mắc dịch trọn vẹn theo cái nghĩa ám tối nhất của từ này – không phân biệt nghĩa đen, nghĩa bóng gì sốt! Có điều là trải nghiệm này - tất nhiên không ai mong muốn nếm qua - rất mới lạ, nhất là cảm giác khó mô tả cho thật chính xác vào lúc 11g đêm ngày 6/11, vợ chồng mình quyết định mua bộ test nhanh về tự làm: kết quả 2 vạch! Ngay lúc sững sờ kinh hoàng ấy đã mơ hồ nghĩ đến cái rủi ro bất ngờ ai-biết-trước-được là chết-vì-dịch dù vợ chồng đã chích đủ 2 mũi vaccine, bởi có tin chấn động: tại TP HCM trong vòng vài ngày đã có đến 10 F0 đã chích đủ 2 mũi vaccine vẫn chết.

Về nguyên nhân bị lây nhiễm? Rất mơ hồ. Có thể bi lây do sau khi lệnh giản cách theo CT 16 tạm dừng, mình đã ra ngoài hơi nhiều: đi chợ, đi siêu thị, đi ngân hàng, đi tập thể dục trở lại ở công viên… Tất nhiên có mang khẩu trang cùng mặt nạ nhựa (face shield) và chú ý tránh chỗ hơi đông người nhưng khổ nỗi, biết chỗ nào có vi-rút bay lơ lững mà tránh? Và cũng có thể bị lây do một em SV từng ở trọ nhà mình đến thăm. Em đem tặng ít trái cây, gặp bữa ăn cơm luôn; bàn ăn chật phải ngồi kề sát nhau mặt-đối-mặt, tất nhiên không ai đeo khẩu trang khi ăn, em SV lại ho vài cơn…

Chừng 3-4 ngày sau khi em SV đến nhà, đồng thời cũng đã ra công viên 1-2 buổi, sáng ngủ dậy cảm thấy cổ họng hơi rát khiến ho khúng khắng và sổ mũi; kế đó là mất mùi khi ăn uống. Nghĩ đây chắc lại là chứng lai-rai-tai-mũi-họng, bệnh mãn tính từ mấy chục năm qua cứ tái đi tái lại mãi đến phát chán. Tuy nhiên, bệnh tai-mũi-họng mãn tính đấy nhưng lần này cá biệt bởi phát bệnh ngay-giữa-mùa-dịch-Covid với triệu chứng nổi bật ban đầu của bệnh dịch này cũng là rát họng, ho…như viêm họng. Băn khoăn như thế nhưng vẫn tự trấn an là lâu nay, suốt đầu mùa dịch tới giờ lúc nào mình cũng phòng thủ nghiêm nhặt theo qui định 5K khi ra đường, khi trở về nhà thì xịt cồn sát trùng thả cửa, không hề sợ tốn! Và bệnh thì lo chữa, lấy toa cũ ‘Hội chứng: viêm họng mãn’ của BV ra hiệu thuốc mua tạm 4 ngày, hy vọng sẽ giống những lần trước, thuốc kháng sinh mạnh và kháng viêm trong toa sẽ giúp cổ họng dễ chịu, bình thường trở lại. Nhưng rõ ràng là bệnh không đỡ, bớt rát họng nhưng vẫn còn ho.

Rồi (coi như) bà xả bị mình lây, sau mình 2 -3 ngày đã bắt đầu rát họng, ho, không sổ mũi nhưng nhức đầu nhẹ.

Trở lại với cái đêm định mạng thứ bảy 6/11, thấy kết quả test vợ chồng cùng ‘dương tính’ mình đã điện thoại báo ngay cho khu phố (bởi tổ dân phố không có ai làm việc, tổ trưởng đã từ chức chưa có ai thay). Khu phố trả lời sẽ báo ngay cho y tế phường. Rồi chủ nhật , thứ hai trôi qua, vợ chồng chỉ biết tự chữa, còn im re, không thấy ai đến nhà thử thiếc, hướng dẫn gì. Nóng ruột, ngày thứ ba 9/11 mình báo thẳng cho y tế phường.

Trưa thứ tư 10/11, nghĩa là mất đến gần 4 ngày sau khi mình nghiêm chỉnh theo hướng dẫn chung đã lên tiếng báo bệnh với đại diện chính quyền (cấp khu phố), tổ y tế lưu động mới đến nhà test nhanh lần thứ 1. Kết quả dương tính.

Vậy là vợ chồng mình chính thức có thêm tính danh rất thời thế: ÉP KHÔNG (F0)! Đồng thời cổng nhà được treo bảng đỏ chữ vàng “Địa điểm phong tỏa, cách ly y tế” cùng giăng dây ru-băng.

Trưa ngày 18/11, tức 10 ngày sau, tổ y tế lưu động trở lại test nhanh lần thứ 2, kết quả: vợ chồng đều âm tính - đúng ra, vào chủ nhật 14/11, đã thấy ‘âm tính’ khi tự test. Rất vui khi nghe tổ y tế cho biết đây là test lần 'chung kết' tức không có dịp vui test thêm lần nào nữa (Nên nhớ trước đây có qui định cứng rắn, rằng F0 điều trị tại nhà cứ 7 -10 ngày sẽ được tổ y tế đến test nhanh lần 1, nếu kết quả ‘âm tính’ thì phải âm tính qua lần 2 hay lần 3 mới được áp dụng 14 ngày theo dõi, suốt 2 tuần này F0 không có dấu hiệu xấu nào về sức khỏe thì y tế mới tháo gỡ bảng phong tỏa cùng ru-băng cách ly y tế). Anh em hỏi mượn ghế, leo gỡ liền cái bảng đỏ và dây ru-băng đã giăng trên cổng nhà mình suốt 10 ngày qua, còn dặn 3 ngày sau ra trạm y tế lưu động nhận giấy “Chứng nhận hoàn thành cách ly tại nhà/nơi lưu trú”.

Quên nói đây cũng là 10 ngày không được cấp phát một viên thuốc nào! Thắc mắc thì tổ y tế lưu động trả lời: “Vì cô chú bị nhẹ,tự cách ly ở nhà nên theo tiêu chuẩn chỉ được phát túi thuốc A, túi này lại chỉ gồm mấy thứ thuốc thông thường như Panadol, VitaminC, Bcomplex…mà chú nói nhà có rồi”.

2.
Nhớ đêm 6/11, biết mình đã dính Covid, tưởng không thể nào ngủ được nhưng rốt cuộc gần sáng cũng thiếp đi vì mệt mỏi. Lãng đãng thấy ngày mai khi thức dậy sẽ bắt đầu sống với đời bằng tư cách ‘F0’. Dịch bệnh không còn ở bên ngoài cơ thể kiểu lởn vởn khống chế bạn như thời giản cách xã hội nữa, con vi-rút đã ở bên trong cá nhân bạn - như kẻ thủ ác không còn đứng xa một quãng, buông lời đe dọa mà đã áp sát và tóm dính bạn, kề dao vào cuống họng bạn, gây vết cắt rỉ máu dưới hàm bạn…

Vậy là không như hồi tháng 6 tháng 8, hầu hết F0 bị đi tập trung cách ly, vợ chồng mình (đều trên 60 tuổi và có bệnh nền) được cách ly tại nhà, cũng có nghĩa đóng kín cửa,không được đi ra đường và ráng mà tự chữa trị tại nhà. Trên mạng internet ở PC cùng điện thoại di động đã sẵn có vô số bài bản về chữa trị Covid19 tại nhà, theo Tây y, Đông y, kết hợp Đông Tây y, y học dân gian…, gì cũng có. Với niềm tin vào ưu thế đã chích đủ 2 mũi vaccine cùng mớ kiến thức y học, y tế đa tạp, manh mún mới đọc mà không thể kiểm chứng/gạn lọc ấy, hai F0 nhà mình cũng có được vừa đủ bình thản để lặng lẽ tự chữa trị.

Sống động nhất là F0 vợ, suốt ngày túi bụi làm đủ thứ việc. Đúng ra bệnh nhân F0 này đang bệnh thì phải được nghỉ ngơi, tịnh dưỡng nhưng đã rất vất vả, từ sáng sớm đến tối mịt phải lo thực hiện nhiều món thuốc/cách chữa cho cả hai F0. Như: nấu nước muối để hai F0 khò họng và rửa mũi 4-5 lần/ngày; xắt sả, gừng hòa vào bó lá thơm cho 2 nồi nước xông để hai F0 xông toàn thân sáng/chiều; xắt tỏi bỏ vô tô nước sôi để hai F0 hít sâu vào mũi sáng/chiều với cái phễu giấy các-tông chụp kín miệng tô. Đã nhọc nhằn chuẩn bị các món thuốc, F0 vợ còn mệt thêm khi phải luôn miệng nhắc nhở F0 chồng đủ thứ chuyện.

Thú thật, F0 chồng hơi chậm chap, có lúc ngớ ngẩn, ù lì vì miễn cưỡng thực hiện các liệu pháp ngoại khoa nêu trên, như ghét nhất/chịu đựng nhất là xông hơi nước nóng tỏi vào mũi gây dị ứng, chỉ vài phút là sổ mũi dầm dề. Và không thể tránh tranh cải. Chẳng hạn F0 chồng trưng ra bài viết trên vài trang y học, đại khái theo các BS Tây y (cả 1 lương y bên y học cổ truyền) thì việc xông toàn thân, hít hơi nóng nước tỏi ngày mấy lần là không cần thiết vì các cách chữa đó cần thiết và có ích cho bệnh cảm cúm, nhiễm lạnh, trúng gió…, còn Covid 19 thì tuy có vài triệu chứng giống cảm cúm nhưng các cách chữa ngoại khoa ấy không mấy giá trị đối với sức tàn phá của con SARS-CoV-2 vào phổi, tim mạch, thần kinh…; hay xông thân thể ngày 3 lần dễ gây mất nước khiến người yếu đi. F0 vợ bài bác, rằng: “Đó là các bác sĩ chỉ nói theo lý thuyết ,còn các cách chữa ngoại khoa kia là do kinh nghiệm của những F0 đã lành bệnh, tức chữa Covid thành công rồi mới truyền lại”.

Ở đây đã ghi công lao vô hạn của F0 vợ thì không thể không nhắc đến sự hỗ trợ, giúp đỡ quí giá, ý nghĩa từ một số người thân yêu khác, như: con gái gởi gấp tiền về vì tiêu xài tăng trội đột xuất trong thời gian cách ly/chữa bệnh (mua máy đo nồng độ oxy và nhiệt kế, thuốc men/ăn uống bổ dưỡng…), con trai, con dâu và con nuôi cùng làm‘con thoi’ chạy đi mua thuốc men, bộ test nhanh, lá xông, ba bữa ăn mấy ngày đầu và thực phẩm dự trữ đem móc ngoài cổng để hai F0 bố mẹ cứ từ từ mang khẩu trang ra lấy vào; thêm một anh bạn dược sĩ hàng xóm đã tặng thêm vài loại thuốc và hướng dẫn dùng thuốc thích hợp với các thay đổi triệu chứng qua từng ngày…

3.
Nhìn lại loạt bài ‘GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH’ mình viết và đăng hồi tháng 8, tháng 9…, thấy mình lỗi thời. Thời dịch giả khốc liệt ấy, phía sau nhà có 1- 2 người ở trọ lỡ tiếp cận với F0 ở nơi khác nên họ bị nghi nhiễm, phải mang danh F1, còn mình chủ nhà thành F2…, mình đã ‘lớn chuyện’, viết là vợ chồng đều “thất thần, lo lắng, mất ngủ suốt vì sợ lây…”. Còn vừa rồi, vào giữa tháng 11, tình hình chung vẫn còn được đánh giá là dịch đã qua cao trào (biến thể Omicron chưa xuất hiện rộ lên), thì mình lại nghiễm nhiên lên chức F0.

Nghĩ mông lung thì thấy sống ở đời ai cũng ít nhiều có cơ hội nếm trải các niềm vui lớn lao, có khi là biến cố trọng đại đổi đời - như: thi đỗ, được yêu, được tuyển dụng, lên chức, trúng số, lành bệnh nặng… Riêng chuyện cái vui ‘lành bệnh nặng’ tưởng như lúc nào khác chỉ là chuyện thông thường ai cũng có thể từng trải, thì vừa qua, mang thân phận F0 rồi mình mới thấy thật mới lạ! Tin mừng ‘đã âm tính!’, ‘đã 1 vạch!’ luôn luôn thôi thúc người mắc dịch mau mắn đem chia xẽ ngay với người thân, bạn bè, hàng xóm, nhất là báo cho y tế phòng/chống dịch địa phương. Có đâu như ngày bị biết mình ‘đã dương tính!’, hai vạch! Hẳn là F0 nào cũng hoảng hốt, rối trí và chỉ chia xẽ với người thân yêu thôi (cũng cân nhắc, sợ người thân lo buồn), chứ rất miễn cưỡng khi phải báo với người bên ngoài gia đình, nhất là với bên y tế, bởi sợ bị đi tập trung cách ly - đó là chuyện rất khổ nhọc, khó chịu và đầy rủi ro khiến có thể mất mạng.

Đêm qua, thong dong mở cổng đem túi rác ra bỏ trước nhà. Không như mấy ngày còn treo bảng đỏ/ru-băng phong tỏa, đêm xuống phải ngóng nghe ngoài đường hẻm khi nào thật vắng lặng, không có người qua lại mới dám thậm thụt đi đổ rác kèm theo khẩu trang che mặt. Còn giờ này…, khi đóng cổng, trở vào nhà thì nhận ra tấm bảng đỏ đã xuất hiện trên cánh cổng nhà hàng xóm. Nghe nói nhà này gồm 7 người, đã dính Covid 3 người sau khi vợ chồng mình có kết quả ‘âm tính’ được 3 ngày.

Chợt tưởng tượng lan man, rằng từng treo trước cổng nhà mình 10 ngày rồi tiếp tục xuất hiện ở cổng vài nhà khác cùng trong hẻm, mấy tấm bảng đỏ chữ vàng và dãi ru-băng “phong tỏa, cách ly y tế” kia xem ra cũng là một kiểu trang trí nào đó cho cổng nhà tư nhân. Có điều là kiểu trang trí hiếm hoi này rất gây phản cảm, bởi cũng màu mè đỏ vàng nổi nang đấy nhưng vẫn mang vẻ buồn thảm và bất an, nhất định không hề tương đồng với cái màu mè an vui, đẹp đẽ ở các kiểu trang trí cổng nhà đám cưới, đám hỏi…

 
 

(2021, đang mùa Covid)

PHẠM NGA