NGÀY XUÂN, TẢN MẠN VỀ MÁU "HIỆP" VÀ MÁU "THƯƠNG" NƠI NGƯỜI HOA


 
 
 

Thông thường, về mặt sinh học, máu con người được chia thành các nhóm máu O, A, B, AB, A+, B+.v.v…Về mặt tâm thức và cảm xúc, lại chia ra đủ loại “máu” tốt có xấu có, như: máu cờ bạc, máu dê, máu lạnh, máu ghen, máu Lạc Hồng, máu Gaulois.v.v… Riêng nơi người Trung Hoa, có một loại máu tích cực, lành mạnh, trong “máu” của chung nhân loại đã được thể hiện qua lịch sử, văn hóa, dân tộc tính Trung quốc. Đó là máu nghĩa hiệp – nói tắt là máu “hiệp”. Đúng ra, máu “hiệp” cũng ít nhiều có nơi các dân tộc khác, như máu “hiệp sĩ” (cavalier) khá ồn ào, được ca tụng thấu trời ở thời Trung cổ nơi các vương triều Âu châu, hay như máu tráng sĩ (dịch tạm chữ samurai) ở vương triều Phù Tang.

Ở Âu châu Trung cổ, mấy anh hiệp sĩ thì oai dũng, đẹp trai, múa kiếm giỏi, nhưng tiếc rằng chỉ biết sống chết phục vụ cho mấy ông hoàng đế, quận công, lãnh chúa cát cứ, bất chấp mấy vị này nhân hậu hay bạo ác. Chỉ có một chút đáng thông cảm cho các hiệp sĩ châu Âu xưa là trường hợp các vị nam tử hán này dám yêu và dám sống chết vì tình yêu dành cho các công nương, tiểu thư con nhà quyền quí, thậm chí là tình yêu đơn phương, vô vọng trước những bà bá tước, công tước phu nhân. Ở nước Nhật phong kiến và quân phiệt, thì tệ hơn là mấy anh samurai, chỉ biết sống chết cho Thiên hoàng, lãnh chúa chuyên môn gây chiến tranh đánh nhau dành cương thổ, hay những tướng lãnh võ biền, hiếu chiến.

Còn ở đất nước của Khổng phu tử, thì qua những bộ truyện kiếm hiệp của những tác giả thời danh như Kim Dung, Cổ Long, rồi qua những phim cổ trang của TVB hay ATV Hồng Công, các nhân vật hiệp khách, trái tim sôi sục dòng máu “hiệp” của Hán tộc xa xưa, đã rất quen thuộc, thân thiện với độc giả, khán giả Việt Nam. Ngày xưa, học võ thuật, luyện võ công để hành hiệp giang hồ, giúp kẻ thế cô, sức yếu chống lại bọn đạo tắc hay tham quan, lãnh đạo nông dân chống giặc Kim, giặc Mông…, vốn là lối sống, hoạt động cả đời của những hiệp khách.

Như vậy, ở phần “dụng” có tính kỹ thuật, hành động của máu “hiệp” Trung Hoa, người ta phải biết võ công mới đi hành hiệp được, mới thực hiện được tinh thần một câu nói trong cổ thư Trung quốc: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả” (Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người dũng khí). Trừ gian diệt bạo hiệu quả hơn nhiều so với cái mẫu nhân vật hiệp sĩ ngây thơ của văn hào Cervantes bên nước Tây Ban Nha , những Don Quichote da vàng mắt xếch chơi Thanh Long đao hay Ỷ Thiên kiếm chứ không xài cái ngọn giáo thập tư chinh.

Thời đại ngày nay, các mẫu hiệp sĩ, hiệp khách Âu Á đã có thể về nhà nghỉ cho khỏe, vì cần trừ bạo an dân thì đã có các lực lượng: công an, công ty bảo vệ/cận vệ, phòng thám tử tư, thậm chí là cảnh sát quốc tế Interpol. Tuy nhiên, đông đảo người Hoa ở khắp nơi vẫn tiếp tục học tập võ Thiếu Lâm, Thái Cực quyền để nâng cao sức khỏe và tự vệ phòng thân khi cần thiết. Chỉ khuôn lại trong hai mục tiêu đó, ngày nay, trong Chợ Lớn chẳng hạn, thường ngày đã và đang có nhiều lò võ, môn phái võ hoạt động.

Còn về phần “thể” có tính tâm linh của máu “hiệp”, tức lòng hiệp nghĩa, vị tha, thì nhiều người Hoa, gốc Hoa đã có những nghĩa cử đáng trân trọng. Vào Chợ Lớn làm ăn, người ta có thể tiếp xúc với những hội tương tế của các bang Tiều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông…, thường lo đi cứu trợ dân nghèo, nạn nhân thiên tai, giúp đỡ bệnh nhân cùng khổ, cơ nhỡ ở những nhà thương phước thiện.v.v… Cần để ý là - có sung túc, dư dã thì mới dễ giúp người khác - những Mạnh Thường Quân kể trên đều là những doanh nhân, tiểu thương đang làm ăn khấm khá, phát đạt, tức những điển hình thể hiện máu thương buôn – nói tắt là máu “thương” – như một dân tộc tính tiềm tàng của người Hoa qua bao thời đại.

Vào cận Tết Mậu Tý, do phải chạy hàng bán mùa Tết, vợ chồng tôi vô chợ Bình Tây liên tục nhiều ngày. Từ sạp Ngô Kim Yến bán hương liệu, sạp A Hưng bán bánh hộp, cho đến sạp chú Phát bán lạp xưởng, sạp Cẩm Lợi bán bao nylon.v.v…, chúng tôi vốn là mối quen, buôn bán với những chủ sạp này đã gần 20 năm. Dù bận tíu tít với những “toa” đặt hàng mới, chồng sổ nợ, số kiện hàng ngổn ngang chưa đóng kịp…, nhưng những chủ sạp gốc người Hoa này vẫn sốt sắng, vui vẻ tiếp chuyện, giải thích về giá cả, hứa giao hàng gấp… với bạn hàng chúng tôi. Nói tiếng Việt chưa sõi lắm là chú Phát bán lạp xưởng với vịt lạp, cứ luôn miệng “Lược dồi! Luợc mà! Hào à!...”. Cũng dễ hiểu cho mấy tiếng Việt nói theo âm giọng Hoa này, chỉ cần… dịch ra tiếng Việt chút xíu thôi, là ở riêng chữ “hào” - tiếng Quảng Đông, tiếng nói bản quán của chú Phát. Một chị bạn nhà giáo gốc người Hoa dạy môn văn, đã giảng giải rằng, người Quảng Đông thì phát âm nhẹ nhàng là “hào”, còn người Bắc Kinh, Đài Loan thì với tiếng quốc ngữ Trung quốc, họ phát âm nặng hơn, bật hơi nhiều hơn, gần như “khào”, tức pha âm kh bên tiếng Việt. Và chuyển qua âm Hán Việt sẽ là “hảo”, tức tốt đẹp, hoàn hảo.

Thông thường thì người Hoa dùng cái âm tiết vui vẻ này trong câu chào hỏi, như khi họ nói “Nỉ hào?” (tiếng quốc ngữ) có nghĩa là “anh (hay chị, ông, bà....) có tốt, khỏe không?”, tương tự như câu “How do you do” bên tiếng Anh, Mỹ. “Hào!” hay “Hào à!” cũng là một tán thán từ để bắt đầu hay kết thúc một câu nói bình thường, rất gần với kiểu nói “Tốt thôi!” xuất hiện là lạ ở miền Nam sau ngày 30/4.

Riêng với dân buôn bán gốc người Hoa như chú Phát, cứ nghe tiếng “Hào a!” thì tôi hiểu là những người bạn tiểu thương này muốn nói là tình hình, mọi việc đang suông sẻ, chuyện làm ăn, buôn bán với nhau đang tốt đẹp, tiến triển tốt. Cũng có nghĩa là với bạn hàng, các chủ sạp nói tiếng Việt không rành ấy vẫn tiếp tục giao dịch ân cần, khéo léo, có uy tín, tiếp tục cho “gối đầu” (tức cho thiếu chịu một, hai kỳ tiền mua hàng tùy theo “mối”quen cỡ nào), chịu nhận lại hàng hư, bể. Thậm chí là khi có những thứ mà bạn hàng bán quá ế, nay xin “gởi”, thì đa số các chủ sạp cũng vui vẻ nhận lại, trừ vào tiền mua hàng mới…

Tôi chợt nhớ trong những cuốn sách hình về chàng cao-bồi Lucky Luke mà bọn thiếu niên chúng tôi ngày xưa cứ mê mẩn, thường có những hình ảnh cũng rất vui nhộn, khôi hài là những chú Chệt bán tạp hóa, tóc bím, luôn cười híp mắt, phô cả hàm răng hô, cúi cúi đầu chào khách. Như nhận xét của ai đó, rất chí lý rằng “Chỗ nào có khói là có người Hoa”. Từ bao thế kỷ trước, từ ở một xóm làng nhỏ bé, khuất lánh ở vùng quê Việt Nam cho đến một công trường làm đường hỏa xa giữa sa mạc vùng Viễn Tây Hoa Kỳ, nghĩa là ở bất cứ chỗ nào trên trái đất này, có một dúm con người họp lại thành một nhóm dân cư nho nhỏ bắt đầu sinh hoạt, làm ăn, tức có khói của bếp ăn, quán xá, cơ sở tiểu/thủ công nghiệp.v.v… là thế nào cũng có tiệm hủ tíu, hàng cơm, xe/gánh bán thức ăn nóng hổi, tiệm tạp hóa bán đủ thứ thượng vàng hạ cám của người Hoa lưu lạc, mau mắn dựng lên nơi đất người để kiếm sống. Đó là cái máu thương mại, bán buôn vô cùng nhạy bén của người Hoa.

Từ đầu thế kỷ trước, những người “cắc chú” (khách trú) như chú Hỏa làm giàu từ nghề lượm ve chai, mua đồng nát, hay ông Thông Hiệp cất chợ Bình Tây do vốn liếng tích lũy dần hồi từ nghề buôn da trâu bò, hay chủ tiệm vàng Hứa Phước Mỹ ở chợ Bà Chiểu thời Sài Gòn cũ…, tức những đại thương gia nổi tiếng gốc người Hoa, đã có ảnh hưởng lớn lao trong nền thương nghiệp trong nước trước kia. Nét chung trong máu “thương” của họ là cần mẫn, chịu khó, tằn tiện, tích góp từng đồng xu, thường đoàn kết, giúp vốn và tay nghề cho nhau. Và tất nhiên, với khách hàng thì họ luôn ân cần, phục vụ tốt.

Vốn là dân ghiền phim Hồng Công, mơ hồ tôi cảm thấy khuôn mặt, cung cách làm ăn chịu thương chịu khó của những ông cắc-chú “khổng lồ” ấy trông cứ hao hao giống những anh A Tam, chú A Tứ, lão Nhị, lão Đại…, chuyên bán hồ lô ngào đường, mãng thầu (bánh bao bột không nhưn), đèn lồng…., ở Khai Phong phủ trong bộ phim Bao Thanh Thiên, giống cả những tiểu thương đẩy xe bán rong đậu hủ thúi, dưa hấu, chè mè…, trong vài phim hình sự, xã hội đen. Tuy nhiên, bất cứ thời nào và ở đâu cũng vậy, trong thương trường muôn mặt, ngoài những người Việt gốc Hoa, người mang hai giòng máu Hoa – Việt hay doanh nhân Hoa kiều, luôn làm ăn, buôn bán lương thiện, có uy tín, cũng không tránh khỏi có vài phần tử người Hoa làm ăn lươn lẹo, đầu cơ tích trữ, thậm chí là lừa đảo. Cổ ngữ Trung Hoa có câu “Phi thương bất phú” nhưng nếu máu “thương” trong những người Hoa không tốt này đã nhiễm nặng loại vi khuẩn thực dụng, tham lam quá độ thì đối với họ, tiền bạc, lợi lộc là trên hết, tức họ chỉ biết tranh đoạt cái “Hào à!” cho chính cá nhân họ thôi. Sâu xa hơn, những con người tham lam, vị kỹ đó còn làm ô uế cả cái máu “hiệp” đáng trân trọng – đã tồn tại song song với máu “thương” trong tâm thức và lối sống của dân tộc Trung Hoa từ thời cổ đại.

Tốt đẹp hơn hết là, với người Hoa cũng như với toàn thể người các chủng tộc khác, máu “hiệp” và máu “thương” nên được hài hòa theo một tỷ lệ hợp tình hợp lý, sao cho mỗi người chúng ta đều có thể vừa làm việc, sinh nhai ổn định, phát đạt cho bản thân và gia đình, đồng thời có thể làm nhiều việc thiện, giúp đỡ thiết thực cho đồng bào, đồng loại.

Tôi đã bày đặt nói “Hào à!” khi nhận giỏ bánh mứt và thùng bia lon, món quà lì xì Tết hậu hĩ từ tay chú Phát. Và tôi cũng “Hào à!” khi ngừng xe lại trên đường Hải Thượng Lãn Ông, tán thưởng các võ sĩ, võ sinh của câu lạc bộ Nhân Nghĩa Đường (quận 5) biểu diễn các tuyệt kỹ quyền cước Tung Sơn Thiếu Lâm bên cạnh đầu lân, ông Địa.

 
 

Cận Xuân Mậu Tý - 2008

Phạm Nga