|
Mấy ngày này, nước Mỹ được nhắc đến nhiều qua sự kiện ông Barack Obama sẽ là tổng thống da màu đầu tiên của siêu cường quốc này. Nhắc đến lược sử thành hình nước Mỹ, cuộc đấu tranh da màu, “giấc mơ Mỹ.v.v…, tôi lại nhớ đến một hình ảnh văn hóa rất đặc trưng của Mỹ quốc - nhạc đồng quê ( country music).
Hồi còn nhỏ, vốn thích nghe nhạc, nghe nói bên cạnh nhạc cổ điển, nhạc rock, nhạc pop…, nước Mỹ còn có loại nhạc gọi là “nhạc đồng quê” thì tôi nghĩ vơ vẩn là loại nhạc này chắc chỉ dành cho giới nông dân và giới lao động nghèo người Mỹ, nghĩa là chắc cũng na ná như nhạc cổ Nam bộ, bài chòi Trung bộ hay hát chèo Bắc bộ mà giới đại chúng bình dân người Việt mình rất mê mà thôi.
Có điều là, không có kiểu vô câu vọng cổ mùi mẫn hay xuống “xề” áo não ở các bài phụng hoàng, tứ đại oán, khấp hoảng thiên, trăng thu dạ khúc…, nghe đứt ruột như các danh ca Út Trà Ôn, Minh Cảnh, Phượng Liên, Lệ Thủy…, các danh ca country music thời thập niên 60 như Johnny Cash, Glen Campbell ( có ca khúc Galveston trứ danh) hay Olivia Newton Jones ( thiết tha vô cùng với bài If you love me). v.v.. trình diễn rất sống động, tươi mát, thậm chí là vui nhộn nữa.
Đề tài thường thấy trong nội dụng lời nhạc đồng quê Mỹ là tình yêu trai gái, sinh hoạt ở nông trại, trong đó có những mẫu chuyện về cánh đồng lúa mạch, con sông chảy qua trước căn chòi trên thảo nguyên, con chó đốm, con bò cái.v.v…, và cả về niềm tin tôn giáo. Điển hình như trong Giải nhạc đồng quê (CMA) Mỹ quốc năm 2008 vừa qua, các ca sĩ được giải nhứt đều là qua các sáng tác về đề tài niềm tin tôn giáo, như Kenny Chesney với bài Everybody wants to go to the Heaven và George Strait với bài I saw God today,
Mặt khác, nhạc đồng quê Mỹ quốc gắn liền với những bài dân ca Mỹ rất quen thuộc, như Oh Susana, The red river valley song.v.v… Hay vui nhộn vô cùng là qua các phim hoạt hình làm từ bộ truyện chàng cao bồi Lucky Luke. Trên sân khấu, các lão nhạc công – có cả các lão bà - say sưa chơi các nhạc cụ đơn sơ như banjo, guitar, harmonica, violin, còn bên dưới – tức trên thảm cỏ xanh tươi hay bãi cát tung bụi mịt mù – khán, thính giả cuồng nhiệt ôm nhau nhảy các điệu dân vũ, bên cạnh những chú chó sủa vang hoặc những chú bò cứ vô tư nhai cỏ…
Riêng về chất giọng, dân hát nhạc đồng quê thường kéo dài đả đớt các nguyên âm, nghe như có bỏ dầu “ngã”, dấu “hỏi” vô tiếng Mỹ vậy. Cứ như nghe giọng “nẩu” bèn bẹt, eo éo của bà con người mình ở vùng trung Trung bộ nước ta vậy.
Nhịp điệu nhạc đồng quê cũng khác các loại Rock, Pop ở chỗ đơn giản hơn, đều hòa hơn, ít chơi nhịp chõi, và phần bộ gõ (trống) cũng ít “phăng” , không có những đoạn chợt buông lơi rồi chạy dồn một cách phang ngang, dậm dật.
Cho đến ngày nay, dù bên phía nhạc nhẹ đã biến tướng đủ kiểu, từ pop, rock biến thành disco, R&B, salsa, alternative, funk, heavy metal, nhạc nói .v.v…, tôi thấy sân khấu nhạc đồng quê Mỹ vẫn không thay đổi cái vẻ vui sống hồn nhiên như thế. Kiểu đồng phục “quần jean, nón vành, giầy bốt” tràn ngập từ sân khấu xuống tới hàng khán giả. Và khác với những ca, nhạc sĩ của nhiều ban nhạc rock metal, psychedelic hay salsa, thích đề tóc kiểu người tiền sử và ăn mặc nhếch nhác, có khi còn cố tình chơi đồ rách vá, thì những ca sĩ nhạc đồng quê như Garth Brooks, Tm MacGraw …, lúc nào cũng tóc tai gọn gàng, sơ mi chim cò, ca rô sọc đầy màu sắc rực rỡ, kèm theo tua ren các thứ. Còn các diva nhạc đồng quê như Shania Twain, Gretchen Wilson thì rất xinh đẹp, hấp dẫn nhưng lại không “khoe hàng” sexy tùm lum như mấy nàng Bejoncé Knowles, Britney Spears bên nhạc Pop hay R&B. Như trong lễ trao giải nhạc đồng quê (CMA) vừa qua, các nữ ca sĩ như Jennifer Nettles, Carrie Underwood, Brad Paisley, hay các nhóm Sugarland , Rascal Flatts, Lady Antebellum…, đều ăn mặc trang nhã và kín đáo.
Trong không khí âm nhạc phấn chấn, yêu đời ấy, người Mỹ cùng hát, cười, la hét, nốc bia… Cứ như cũng vẫn đang điêu đứng trong tình hình tài chính suy thoái, mất nhà, mất việc làm, nhưng hễ đã “máu” nhạc đồng quê rồi thì anh chàng Mỹ lại cười tươi, nói “Oh, I’m fine”, tốt thôi cuộc đời ạ! Dân tộc Mỹ từng bị nhiều dân tộc khác trên thế giới kết án là khó ưa ở cái óc duy lý, thực dụng, nhưng hình như khi họ đắm mình vào dòng nhạc dân gian của họ - đã có từ thời các đoàn xe ngựa rong rủi trên sa mạc Viễn Tây, đi mở mang bờ cõi Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ - thì tự nhiên thấy họ rất dễ mến, sống theo tình cảm mềm mại, có khi hồn nhiên như trẻ con vui đùa…
|
|