VĂN KHOA TRIẾT HỘI HÍ LỘNG KÍ

 
 
 

“ Hữu bằng tự viễn phương lai…”, niềm hoan lạc quá thâm sâu, thấm thía, từ chuyện một bạn cũ từ nước ngoài về thăm, hô lên muốn gặp lại bạn bè mà có cuộc Hội ngộ ngẫu nhiên, không cần dự báo, của Văn khoa Triết hội (nhóm) vào Mùa xuân Ất Dậu – 20/2/2005 Công nguyên – tại hoa viên Bạch tùng diệp đất Sài thành. Chính ra, hiện nay có khoảng một nửa số thành viên của Nhóm đã bôn ba hải ngoại, nên đến dự họp mặt café chỉ là một nữa-không đông đủ- còn lại, cộng thêm huynh đệ, tỷ muội và thân hữu của Nhóm. Nhưng chỉ cần, sau tam-thập-dư-niên (tạm tính từ 1970 Công nguyên), được nhìn lại bấy nhiêu đó- ảnh chụp chỉ mười mấy người - khuôn diện bằng hữu, nam cũng như nữ, dù đã đổi thay, xuống sắc vì tuổi tác và thời gian đã đến ngưỡng mùa đông của đời người, những mảnh đời riêng hiển nhiên đều không êm ả gì, thì ai cũng chạnh lòng, thoắt nhiên thả lõng xúc cảm, bề ngoài nói cười han hỏi đó mà bên trong lại bâng khuâng. Ờ điều kiện hiện nay là đa số trong chúng ta đều có thể nói ra thẳng tuột tình cảm của mình rằng ưa ai, không ưa ai mà không bị vướng vị thế, phân biệt đầu óc trong-ngoài, cũ-mới .v.v.. thì đúng là nhớ quá là nhớ tên tuổi, mặt mũi của tất cả mọi nguời và mỗi người trong Nhóm của một thời…! Bằng trái tim, ta bắt đầu điểm danh bạn bè!

Những trang sử-trí-nhớ không đầy đủ cho biết là đúng ra vị trí Chưởng môn nhân đời thứ nhứt hay chính là Chưởng môn nhân danh dự, cho thời kỳ Nhóm đã định hình hoạt động chính là Trần Tâm bà bà, đạt học vị cao học đông phương sớm nhứt trong Nhóm. Do đó, dù năm 70 có cuộc quần hùng triết hội được công bố chính thức đến toàn cõi võ lâm, rằng có bầu ra bộ sậu chủ tịch, phó CT là Quang Tuệ truởng lão, Việt Hùng trưỡng lão ( xin không kề đến một truởng lão khác có vai phó CT ngoại vụ, vì vị này tự ý rời nhóm, hồi sau không nói nữa), thì bộ sậu ban chấp hành nói trên nên được xem là Chưởng-môn-nhân đời thứ hai hay Chấp-pháp trưởng lão thôi. Màu mè hơn thì cứ gọi là tứ đại ( hay ngũ, lục đại gì đó!) hộ-pháp nếu kể luôn các trưởng lão khác như Hòa Vinh trưởng lão ( còn có hài danh mà bạn bè yêu quí gọi là Thiền Su (zu-ki) Hành giả), Hà Kỳ truởng lão ( còn có hài danh bạn bè yêu quí gọi là Ngài Đốt (xtô-épki) chân nhân, Trúc Đăng trưởng lão ( nên gọi là Trúc Đăng nguyên-giáo-phụ vì vị này suýt chút nữa trở thành giáo-phụ Ki-tô giáo), Hữu ( chứ không phải Hảo, cứ làm liên tưởng đến…Ngọt, như hài danh bạn bè yêu quí đặt) – vâng, Hữu Hiệp trưởng lão, và Văn Sơn trưởng lão (hiện nay là Vĩnh An thi lão tức thi sĩ không-còn-trẻ, chứ hồi còn trẻ được bạn bè âu yếm gọi là Giăng Pôlơ Xạc Sơn chân-nhân).v.v… Nhưng quan trọng nhất, được trọng vọng nhất vẫn là vị tài -vụ tổng-quản trưởng lão tức Hắc Quân lão ông ( nước da ngâm đen của vị này rất được anh em ái mộ, cũng như vô cùng ái mộ nghĩa cử chi trả những chầu cà-phê-thuốc–lá-trà-đá-đàm tại căn-tin tuy lúc nào lão ông cũng sẵn sàng tuyên bố quỹ của nhóm đã khánh tận!).

Chia sẻ công việc của “ bang hội”, nhất là về hoạt động của 2 bộ kinh thư yếu luận của bổn môn tung ra võ lâm là bộ Nghiên cứu Triết học Tập san và bộ Tự Thức Tạp chí, còn có Tam đại sứ giả là bộ ba Thái Dũng, Kim Tần, Hữu Hiền cùng các đương gia, đường chủ, thi giả như Trung Sơn (chuyên lo giấy để in kinh thư nên còn được gọi là Sơn-giấy), Tấn Hải, Nhật Tân, Quốc Kỳ, Đình Hoành, Quốc Cuờng.v.v.. Tuyên phong “phẩm trật” nghe …cổ trang như vậy nhưng thật ra trong “bổn giáo” vẫn thường gọi nhau – dễ nhớ, dễ ấn tượng hơn – là Xuân-râu, Sơn –giấy, Sơn-con, Sơn-mập, Cường-mập, Cường-con, Hải-sáu-ngón. Kỳ-cao, Quân-đen, Hiền-lơ-lửng-con-cá-vàng…

Thật là thiếu sót nếu quên kể đến các bậc nữ lưu thướt tha lui tới đạo quán, tụ nghĩa đường (hay trụ sở, hang ỗ gì cũng được) như Thị Luân “cận”, Hạnh Hiền, Hải Yến, Tiên Dũng, Anh Đào.v.v.. Lành thay! Dẫu sao học triết, hành triết một cách “yểu điệu thục nữ” thường vẫn hay hơn là khắc nghị, lên gân mà triết luận. Hiện nay đã là những nuơng nuơng, thậm chí là lão bà bà đã có cháu nội, cháu ngoại, nhưng phải công nhận là ngày xưa, liệt vị tiểu thư nói trên làm cho hình ảnh của nhóm bớt khô khan, buồn tẽ. Bên cạnh các đạo hữu phái nam “quân tử háo cầu”, các cô nếu không thể là triết hứng đề tranh luận Đông Tây gì đó thì cũng là thi hứng để làm thơ này nọ! Sách xưa có ghi chuyện đức Khổng tử bối rối, hối hả giục đệ tử xuất thành sau khi diện kiến và tranh luận với Hoài Nam tử phu nhân, thời Nhóm ta cũng có những Hoài Nam tử thướt tha áo dài, nhưng không hề gây khó dễ cho những “Khổng tử” đầy nghệ sĩ tính của chúng ta. Thiện tai! Thiện tai!

Vậy đó, không có gì nhiều nhặn khi lược qua lịch sử truyền-y-bác, mấy đời chưởng môn nhân của Triết nhóm Văn Khoa Sài thành. Vì nhiều lẽ… Một là thời thế biển dâu (1975) đã sớm khai sát giới đối với sự hiện diện của Nhóm hay bất cứ hội nhóm nào khác cũng sinh hoạt học thuật, trí thức tương tự như Nhóm. Hai là “ bổn giáo” có lẽ không mưu cầu việc kết nạp cho đông đảo giáo chúng làm trọng. Nhìn lại thì thấy ngay, hầu như Nhóm không có giáo chúng, không phân biệt ra cái gọi là giáo chúng vì từ các trưỡng lão, sứ giả, đường chủ, thi giả… cho đến thân hữu của Nhóm, ai nấy cứ xem nhau như anh chị em một nhà, thương yêu giúp đỡ nhau rất mực. Ba là… do chính pho nhân sự lược ký này. Căn tính nó vốn phiêu diễu, do xúc cảm, hoài cảm màđược ghi lại chớ không do ý đồ tập đại thành nghiêm túc, hàn lâm, cần truy tìm tư liệu cho đầy đủ. Do đó, quí đồng môn, quí đạo hữu sau khi đã nhận ra ngay là tác giả chắc chắn là người mê Kim Dung, mê Tiếu ngạo giang hồ, lậm phim Hồng công, mô tả anh chị em cứ như người của Minh giáo Trung quốc ( với những chức danh, phẩm trật nghe rất… kiếm hiệp truyện Tàu), đó là chưa nói đến văn phong, ngữ pháp Hán Việt được chế rất tùy tiện, tùy hứng, thì nên mở lòng từ bi, bác ái bỏ qua cho tác giả – xin thất lễ! - dám trêu chọc, hài-hước-hóa tên tuổi, mặt mũi khả kính, khả ái của mình. Như bổn trưởng lão đây có bút danh đàng hoàng là Phạm Nga nhưng được Quang Tuệ chưỡng môn trưởng lão ban cho tên mới là…Phạm Ngỗng ký giả thì sao đây? Còn nữa. Như từ đầu đã giới thuyết ( giới hạn ngôn thuyết, lý luận đó mà!), đây là ký về nhân sự của Nhóm nên tác giả có toàn quyền kể lể, tự sự, nghĩa là thả ý - tha hồ xạo sự về con người chúng ta, chứ không hề muốn viết về chính sự, vốn là một đề tài dễ sinh sự cải cọ mà từ lâu rồi tác giả không ưa.

Để kết thúc bài ký… kỳ cục này, xin nghiêm túc, nghiêm túc tâm sự vài lời.

Nhớ hồi còn ở Văn khoa, tác giả đã vô cùng cảm động khi được quí đồng môn bao dung, chỉ cười thầm, làm bộ ngó lơ khi tác giả cùng Hảo Hiệp trưởng lão rút vào mật thất ( có thể ở lầu 3, một góc nào đó ở căn-tin hay quán café Hân không chừng) để ngâm cứu và khai mở một hệ triết lý mới toanh, tên là Triết lý huề-vốn, với câu nói bất hủ của nhà sáng lập là: “Nếu không có lợi thì chắc cũng vô hại!”. Giữa những tranh cãi quyết liệt của hai nền triết học, tư tưởng Đông Tây về đủ thứ hữu thể, căn tính, phương pháp luận, duy thức luận, không tính, hư vô, sắc sắc không không..v.v…mà nổ ra Triết lý huề-vốn thì ghê lắm à nha! Vì triết lý mới mẽ này tuy không có ý đồ siêu vượt mọi triết lý, kết thúc mọi ý hệ, nhưng nó dễ dàng đặt ra một chân trời mới cho chân lý ai- đúng–sai- sai và có thể vui vẻ giải quyết mọi đích điểm cho mọi triết học cùng tham vọng chiếm hữu chân tính của mỗi triết học. Một khi anh không đúng (không có lợi) cho nhân sinh, vũ trụ hay cho chính anh đi nữa thì cũng không sao cả. Cái sai của anh cũng không gây hại (vô hại) gì đâu mà ngại! Anh còn có thể tranh biện gì khi đã rơi vào Nhị quan luận (lợi hoặc hại, có phân biệt) cũng đồng trật là Bất nhị luận (không lợi đồng thời không hại, không phân biệt)? Vậy thì dù anh có lấy Hữu thể luận khẳng định cái Có Tuyệt Đối làm căn bản cho mọi cái Có hoặc Không, hay lấy Quái dị thuyết (tạm gọi thế) tuyên bố “Sắc vừa tức thị vừa bất dị vừa tức thị/bất dị Không”đi nữa, đã cóTriết lý HUỀ VỐN rồi thì chúng sinh còn CẦN PHẢI tranh cãi làm gì nữa? Các triết gia nên vui vẻ ra về, tiền cà phê đã có nguời trả!

Tinh thần huề-vốn ấy đã được tác giả tâm đắc áp dụng vô cuộc sống một cách an nhiên thãn đãng đãng. Đầu tiên là muốn chọc quê Hòa Vinh trưởng lão – xin kính mừng Bạn đã đến được Chốn Vĩnh Hằng là nơi mà Bạn không còn cần bận tâm nơi đó mang tên gọi gì mới đúng (dù là Cực lạc, Thiên đường, Cõi Ý, Chân Như xứ, Hư vô Đậm đặc .v.v…đều OK tất thảy!), bèn đề nghị sửa tựa bài Hành giả và cuộc đời của trưởng lão này đăng trên tập san NCTH thành Hành tõi và thịt bò! ( Đúng rồi, nếu Tánh phận của Hành giả Saint Francis là phải lên đường, phải ra đi thì Ngài cũng cần lương thực đi đường chứ. Hơn nữa, theo Triết lý Huề vốn, món thịt bò xào tõi nếu không có lợi cho việc tu dưỡng thì cũng vô hại đối với việc này thôi mà!). Rồi vài tư nghị lặt vặt, như đi tìm căn tính của hành vi masturbation, xây dựng tiền đề cho các Triết học về sự Giải khuây, Tríết lý Chịu Đựng của bá tánh.v.v… Thấy chưa,Triết lý Huề vốn vô cùng tiện dụng, vượt xa Pragmatism nhiều!

Ngày tháng này, bổn trưởng lão đã xấp xĩ lục tuần tức thuộc đội U.60 – chư vị có nguời còn xa date hơn nữa kìa, tức U.70 chớ gì? Vậy mà cũng như chư vị, lão hủ một thời cũng học đòi đòi tham bác cả Triết Tây lẫn Triết Đông. Một thời – có khi đơn ca có khi đồng ca cùng các đồng môn, là các bạn chứ ai nữa! – chúng ta muốn dựng cái đình Vịêt Nho chình ình ngay trên sân khấu bi/hí kịch Hy Lạp. Một thời âm thầm phụng thờ riêng một “Thượng đế riêng của những triết gia “ (là Tri thức, Logos, hay Karma Sutra?) ở giữa (nhưng khác hẳn) các Ngài ZEUS, ALLAH, NHƯ LAI, GIÊHÔVA, NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, BRAMA… Một thời muốn viết một lối triết văn, chính luận thô mộc, tức thì, bằng trực giác/thấu thị, không cần kèm theo phần trích dẩn, tra cứu rất “học giả” chi cho rườm rà. Một thời vô thức muốn làm một Zorba giả hiệu biết nôn mữa phi lý kiểu hiện sinh hay một Lệnh Hồ Xung biết nói công-án Thiền khi say rượu. Một thời cũng dám - dù mơ ước được mặc cái áo quan phụ khảo tại giảng đường chưa thành hiện thực hay chẳng bao giờ hiện thực - ngông nghênh rao giảng đủ thứ mảnh miếng tưởng-là-mình-hiểu về cả Đông lẫn Tây, lại dám “lập quái thuyết nhi loạn thiên hạ” cỡ thuyết Ly-kiên-bạch “Ngựa trắng không phải là ngựa”, tầm bậy nhất là món Triết lý huề-vốn, dù chỉ là trò hài đàm giễu cợt bạn bè chứ không có tham vọng kết nạp giáo chúng mà hoằng pháp cho cái Đạo khả huề vốn tất phi lỗ vốn này. Hoằng pháp ư ? Hình như vào lúc này, trên net có tiếng xì xầm của những đạo hữu còn hăng máu như ngày nào. Pháp nào? Có Pháp sao? Pháp hay vô-Pháp? Nhờ tham lam tham bác Đông/Tây làm vốn (trí thức) kiếm sống, nay tóc đã hoa râm, trí nhớ đã mõi mệt, phán đoán đã cùng nhụt rồi mình mới NGỘ ra một điều nghe-chắc-cũng-tạm-được, tân trang lên đời Lão Trang một tí, đó là “Không lo trên đời không có nguời tài giỏi thật sự và thật sự có thiện tâm, lý tưởng mưu cầu việc lớn lo cho số phận của muôn nguời, mà chỉ lo rằng trên đời lại có quá nhiều nhân tài như thế, vì lúc đó họ sẽ nhân danh thiện tâm giúp đời mà trương cờ cứu nguời và cả giết nguời, nhất là đối với những ai khác chủ trương, đường lối nhưng vẫn cùng thiện tâm, thiện chí như họ.” Vậy mà từ xưa đến nay, hành tinh này vẫn luôn có quá nhiều những anh hùng, những giáo chủ, những thủ lãnh đảng phái, những lãnh tụ, và tệ nhất… là những tân triết gia, những tân “giáo chủ” thời thế kỷ 21, coi như mới hơn những ông loại này sống từ thế kỷ 20. Và nhỏ bé như Nhóm, không phải là không tồn tại dạng tiềm thể những quí nhân tài như vậy!

Qúi bạn thấy đấy, sau gần 35 năm, sau bao nhiêu đổi thay, thăng trầm của cõi tạm này, cái triết lý huề-vốn đầy giểu cợt kia vẫn lãng đãng có mặt trong tôi, khiến cho các bạn có thể vừa cười vừa bực trước cái lối viết hí lộng/nghiêm túc lẫn lộn này. Lỡ rồi thì chơi luôn, hí lộng luôn cả Tố Như tiên sinh nữa, là ở cái thời 1970 đó, các “triết sinh” Nhóm Triết đầy nhiệt huyết tranh cãi, bảo vệ (và đòi độc quyền) chân lý, có nghe câu này chưa hả?

Bất tri tam thập dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân tiếu triết sinh?


Nhưng ai cười mặc ai. Tôi nhớ lần dắt nhà văn Phạm Quang Phuớc đến văn phòng Nhóm giới thiệu để trở nên thân hữu thì anh đã nhận xét: “Thế đấy, ở đây toàn là ông cao bà cử cả đấy, tớ phải làm sao bây giờ?” . Tôi đáp: “Không trăng sao cử cao gì sốt, chỉ cần đến chơi, viết cho Tập san với hai lý do, một là tình bạn, hai… cũng là tình bạn!” Vâng, chúng ta đã từng cùng nhau sống, học hành, sinh hoạt, chia sẻ vui buồn, tin cậy nhau để tâm sự, giận hờn nhau vì… chọc quê hay trễ hẹn, đã cùng nhau có mặt, in dấu tiếng nói, tiếng cười, tiếng …ba xạo, làm ra vẻ trầm lặng, suy tư ở những giảng đường, hành lang cũ kỹ Văn Khoa, Vạn Hạnh, Minh Đức, trường Judo Quang Trung, cô nhi viện Long Thành, các Trung tâm văn hóa Pháp, Đức, những chùa chiền, nhà thờ như Xá Lợi, Việt Nam quốc tự, giáo xứ Bùi Môn, café lá me bay Nguyễn Du, café Hân hay café vĩa hè đường Nguyễn Thiện Thuật… Ôi trí nhớ đáng tội nghiệp của tôi, nhớ cả Xuân-râu, Bùi Đức Tốn, Thành-phở…nhưng giờ các bạn ở đâu? Help me! Lên tiếng đi, tất cả các bạn!

Điều gì đã gắn kết chúng ta, sau hơn tamthậpdưniênhậu, một cách HẠNH PHÚC mà còn tìm gặp nhau, chờ tin tức của nhau, mong mỏi nhìn thấy mặt nhau ?

Các bạn nhóm Triết ơi, cả các bạn Hòa Vinh, Duy, Tường Vi trên trời nữa, hãy bao dung và tha thứ mà cho phép tôi, một lần này thôi, được thả lõng lòng mình, được cải lương một chút ( hồi đó tụi học Anh văn nói tụi chọn học Triết Đông là “Sao cải lương dữ vậy!?”), được hát sẩm một chút, được sến một chút, rằng tôi yêu các bạn lắm, nhớ các bạn và nhớ tôi lắm!

 
 

Phạm Nga