Vui, Buồn Tháng Mười Hai

 
 
 

Xa xưa, trong những năm 60, có vài cái tháng 12 có thể nói là “bình yên dưới thế”, ít ra là đối với tuổi niên thiếu của những cậu bé dân Sàigòn như tôi. Ngày ấy, tôi mới hiểu lễ mừng Chúa Giáng Sinh hằng năm đã không phải là sinh hoạt tín ngưỡng của riêng người Công giáo mà là một lễ hội lớn của toàn cầu, dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo nào, màu da nào. Bên cạnh việc giáo dân hành lễ ở nhà thờ, mọi người còn cùng nhau vui chơi, họp mặt, tặng quà, khiêu vũ, ăn uống, chúc tụng...

Cứ bắt đầu nghe bản Jingle Bells vang vang ngoài phố cùng hình ảnh ông già Noel cỡi xe tuần lộc, tươi cười trên những tấm thiệp đẹp đẽ là tôi đã cảm thấy vô cùng háo hức, nôn nao. Bọn trẻ, bọn thanh niên nam nữ lúc nào cũng chộn rộn trong những mùa hoan lễ. Năm nào cũng vậy, bác Phán, một con chiên ngoan đạo, bạn bố tôi, cũng mời toàn bộ gia đình Phật giáo chúng tôi đến chơi ở nhà bác suốt đêm 24, hay ít ra phải có mặt lúc nửa đêm để cùng ăn réveillon. Người ngoại đạo, không phải Thiên chúa giáo, cũng tổ chức ăn uống vui vẻ. Một cái cớ quá đẹp cho các ông chè chén thâu đêm trong cái lạnh nhè nhẹ cuối năm. Sau khi đã mỏi chân dạo phố Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... tráng lệ đèn hoa (đặc biệt rực rỡ là khu vực nhà thờ Đức Bà quận Nhứt và nhà thờ Đức Bà Tân Định) là thiên hạ trở về nhà mình hay nhà bạn bè, cùng nhau ngồi vào bữa tiệc nhứt định kéo dài. Đối với cậu bé háo ăn là tôi, người ta mừng Chúa ra đời bằng tất cả tình cảm kính yêu là rất tốt, nhưng càng tốt hơn nhiều khi có thêm món gà tây tuyệt vời ở nhà bác Phán. Hồi đó, tôi tưởng tượng vào ngày lễ Phật đản, bên cạnh mâm cơm chay của bà ngoại và mẹ tôi mà còn có thêm một chầu buffet đại loại như bữa réveillon đêm Noel thì hay quá! Tôi còn được người lớn cho uống một tí rượu vang nữa. Bác Phán còn nghiêm trang cho biết do ở tháng 11, tôi đã lãnh bảng danh dự “đỏ” trong lớp (hồi đó, hằng tháng có 3 bảng màu đo ũ/ xanh / vàng cho 3 hạng nhất / nhì / ba) nên ông già Noel thưởng tôi, y như tất cả những trẻ em ngoan ngoãn, học giỏi trên trái đất này trong mùa Giáng sinh. Ông Noel đã nhờ bác chuyển tới tôi một món quà xinh xắn, y như đám con của bác. Ông già Noel muôn đời tốt bụng! Người đại diện của ông cũng tốt bụng không kém dù bác có hơi đãng trí, quên mất rằng tôi lúc ấy đã là một cậu thiếu niên, dễ gì bị gạt về sự tồn tạihuyền thoại của thánh Nicolas ở thế kỷ 20 cùng các trò ma mãnh của ông ấy như chui ống khói vào nhà, tặng quà cho bọn trẻ... Không sao cả, vì không gì hạnh phúc khi làm con nít mà được người lớn gạt gẫm kiểu này. Cứ để cho bác Phán phỉnh phờ tôi nhưng thật lòng yêu tôi không khác con cái của bác mà chia đều quà cáp mùa Giáng sinh.

Vào thời ấy sao người ta có thể sống dễ chịu và rộng mở thương yêu đến thế? Hình như ai nấy đều an tâm, miệt mài làm việc trong một nền kinh tế vững mạnh, vàng y còn khá rẻ, đồng tiền VNCH cao giá hơn đồng won của Nam Hàn. Giới đi làm ăn lương là quân nhân – công chức (hồi đó nói tắt là quân-công) ở mọi cấp bực lớn nhỏ đều có lãnh phụ cấp gia đình (tức lương vợ, lương con) cùng nhiều loại phụ cấp khác như phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp chức vụ, phụ cấp bằng cấp v.v... Trong nước rất ít nghe nói đến nạn công chức tham nhũng. Ngày nay, người ta còn nhắc đến nền kinh tế – xã hội thời đó với cái tên “thời kỳ một người đi làm nuôi cả nhà”. Mọi người được đãi ngộ và kiếm sống xứng đáng với mồ hôi cần lao mình bỏ ra. Để rồi, điền hình như trong mùa Giáng sinh, người ta sống tương thân tương ái, sẵn lòng chia xẻ những gì mình có với bạn bè, không phân biệt giai tầng xã hội, tôn giáo học thức...

Có những ông chủ người ngoại quốc cũng rất hào phóng với nhân viên thuộc cấp người Việt. Không riêng gì ông xếp Tây bụng bự ở chỗ làm của bố tôi và bác Phán là công ty đồn điền Michelin, nhiều ông xếp Tây khác, như ở đồn điền S.I.P.H., hãng bia La Rue, hãng xe L’UCIA v.v... cũng tặng quà Noel rất hậu hĩnh. Cứ cuối tháng 12 hằng năm, ít nhiều tùy theo cấp bực và năng lực, mỗi nhân viên người Việt lãnh thêm lương tháng 13 cùng một phiếu tặng đùi trừu (gigot), chai rượu, lóc bia La Rue loại đặc biệt nhãn xanh (trên thị trường chỉ có nhãn đỏ)... Như vào sáng ngày 24, phố phường đông vui, nhộn nhịp, tôi được bố tôi chở đến Givral, cửa tiệm thực phẩm cao cấp nhứt Sàigòn thời ấy. Bố tôi đưa ra phiếu tặng và nhận cái đùi cừu lạnh cứng. Tôi hãnh diện vô cùng vì thịt cừu, thịt ngỗng, thịt gà tây là những món ăn sang trọng, cao cấp kiểu Tây mà không phải dân có tiền nào cũng có trong tiệc Giáng sinh.

Trước biến cố máu lửa Mậu Thân 1968 thì cậu học sinh cuối cấp trung học là tôi lại hưởng thụ tháng 12 theo kiểu... không con nít nữa! Sau chính biến 1963, nền đệ nhất công hòa sụp đổ cùng cái lịnh cấm khiêu vũ của bà cố vấn Trần Lệ Xuân, dân Sàigòn vui chơi thoải mái hơn. Tôi nhớ là dù phải chăm chỉ học hành cho hai cái bằng tú tài I và II (hồi đó tú tài còn thi cả vấn đáp môn sinh ngữ) nhưng cứ mùa Noel là chơi thả cửa với một nhóm bạn con nhà giàu. Con nhà trung lưu như tôi chơi với đám “công tử bột” này cũng không đến nỗi là dựa hơi, chơi ké vì tôi vừa là tên học giỏi nhất đám, vừa là trưởng ban học tập lớp, nên các cậu thường xuyên nhờ tôi chỉ bài chỉ vở. Đổi lại, khi các cậu hùn tiền lập một ban nhạc trẻ thì tôi được giữ vai rythm guitar (dự khuyết thôi!). Thế là, ban nhạc không có tên này hợp tác với bạn bè trong trường và các bạn bên các trường Pháp là Marie Curie và Charles De Gaulle. Chúng tôi tụ tập chơi party (nói là đi “bùm” hay đi “ban” trong khi tiếng Pháp bal de famille có nghĩa là khiêu vũ gia đình) suốt từ đêm 24/12 cho đến đêm giao thừa 31/12! Nhớ là ví dụ như Noel trúng vào thứ Sáu, thì chơi suốt cho tới thứ Sáu tuần sau – một tuần lễ. Cứ chiều tối là ăn-tơ-ni (tức en tenue, tiếng Pháp có nghĩa là... lên quần lên áo!), hò hẹn kéo tới một biệt thự tư gia nào đó, nhảy nhót suốt đêm. Nếu ban nhạc “oải” rồi thì nghỉ, để băng ma-nhê hay đĩa 33 tours mà nhảy tiếp. Có một lần, khoảng 1 giờ sáng, tụi tôi nghỉ chơi, chở “đào” về chợ Đa Kao, trong nhà lồng chợ có một chỗ bán đồ ăn uống suốt đêm tới sáng. Không rõ là ăn đêm hay ăn sáng nữa nhưng dân chơi Sàigòn đều biết chỗ ăn uống bình dân nhưng ngon lành này. Tên chef d’orchestre (trưởng ban nhạc) ngớ ngẩn hỏi: “Tối mai đi đâu hả tụi bây?” Tôi cười: “Tối nay chớ tối mai gì? Đã một giờ rồi, qua ngày mới rồi mà!” Nghĩa là người ta vui chơi đến mất cả ý niệm thời gian.

Nhưng có quên gì cũng được nhưng phải nhớ là chỉ vài tiếng đồng hồ thôi, phải về nhà, tắm rửa sửa soạn, bỏ bộ cánh sang trong mặc đi nhảy đầm ra mà mặc vô bộ quần xanh áo trắng để đến trường. Bọn trẻ chúng tôi thời đó phải làm sao học cho giỏi, cho khá (còn chơi thì... khỏi nói, nhất định giỏi!) mới được cha mẹ tin tưởng mà cho tự do đi chơi. Điều vô cùng quí giá là thời đó, đám thanh niên nam nữ con nhà giàu có, thế lực như thế mà chẳng bén mùi ma tùy, thuốc lắc, thuốc kích dục... như thời nay. Có ghê gớm lắm là một lần, một tên trong đám lén lấy trong tủ rượu của ông già hắn một chai Hennessy ra cho cả bọn uống sec (không kèm soda) cho le lưỡi, lắc đầu chơi rồi thôi!

Đêm giao thừa (dương lịch) thật tuyệt vời! Còn chừng nửa phút nữa là đúng giữa đêm, mọi người dừng khiêu vũ, nắm tay nhau đứng xung quanh sàn nhảy. Đèn tắt bớt, ban nhạc chơi bản Silent Night với volume nhỏ nhất, nghe dịu ngọt cả cái thời khắc ý nghĩa này. Tất cả nhìn vào cái đồng hồ treo tường và cùng nhau đếm ngược... Năm! Bốn! Ba! Hai! Một! Đúng 12 giờ! Lập tức đèn mở sáng, ban nhạc chơi bài Auld Lang Syne (bài ca Anh Cát Lợi cổ xưa này bị tụi tôi gọi là bài Ò e rô-be đánh đu...!). Mọi người cùng la lên “Chúc mừng năm mới!” bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh. Lớn giọng nhất, và cũng xúc động nhất, là những người bạn ngoại quốc, cuối năm không về nước mà ở lại đón năm mới cùng bạn bè VN. Mọi người lại bắt tay nhau, ôm choàng nhau, hôn nhau thắm thiết. Một cô bé trường Marie “Cút” mới quen thôi, đẹp như thiên sứ trên trời, cũng vui vẻ cho phép tôi hôn (lên má thôi!) khi tôi ba xạo, xin một nụ hôn “lấy hên” đầu năm mới! Chủ nhà lên lấy micro chúc năm mới một lần nữa và hét lên “Các bạn hãy khiêu vũ với bản nhạc đầu tiên của năm mới!” Sau bài Auld Lang Syne với nhịp slow rock êm ả, mấy cặp khiêu vũ đứng nguyên tại piste, nhảy tiếp với bài Spanã Cagnĩ “đấu bò tót” truyền thống, nhịp pasodoble rộn ràng đầy sức sống... Rồi cuộc sống trôi theo năm tháng. Những kỷ niệm xẻ chia cùng những gương mặt kề cận trong những mùa Giáng sinh năm nào đã dần dà phai tàn, tan loãng đâu mất trong trí nhớ. Thời thế thay đổi, rất nhiều điều vui vẻ rất bình thường trước 30/4 còn bị vùi dập bởi những khó khăn cơm áo, chứ có riêng gì lễ hội Noel, đón Năm mới vốn đã bị ai đó lên án là trò ăn chơi, hưởng thụ của bọn tiểu tư sản? Do đó, cứ đến lễ Noel là một số (chứ không phải toàn thể!) gia đình người công giáo lặng lẽ đi nhà thờ hành lễ cho nhanh gọn rồi về nhà. Và giữa thời buổi xếp hàng mua gạo theo sổ tiêu chuẩn thì hãy quên đi cái tiệc réveillon thịnh soạn giữa đêm mừng Chúa ra đời mà người Sàigòn, không phân biệt lương giáo đã cùng vô tư chia xẻ cho nhau ngày nào!

Vào cuối tháng 12 năm 1979, tình cờ tôi gặp lại anh chàng trưởng ban nhạc ngày xưa. Gia đình anh suy sụp hẳn sau đợt đánh tư sản, nhưng ba anh, ông thương gia có hoạt động kháng chiến chống thực dân Pháp một thời, rồi giàu sụ một thời, lại rất “giác ngộ”. Trong nhà có 10 đứa con, ông xua 5 đứa cả trai lẫn gái “tình nguyện” đi thanh niên xung phong, 2 đứa trai khác đi nghĩa vụ quân sự, bạn tôi và cô em gái kế út thì làm công nhân viên hợp tác xã phường, còn cậu trai út thì đang làm công nhân một công ty đúc bê-tông ở gần cầu Băng Ky. Chưa hết!

Thấy vẻ thiểu não của bạn mình, tôi rủ anh tối 24 tới nhà tôi nhậu lai rai chơi để hàn huyên tâm sự. Đúng hẹn, anh đến và, như cái thói quen khó cải tạo của bọn tư sản là tặng nhau quà Giáng sinh, anh cho tôi hai gói thuốc lá quốc doanh. Tôi xúc động quá và không thể bỏ qua được cái vẻ chán đời của bạn mình. Gạn hỏi thì anh hỏi ngược lại:
- Ông có biết trong tháng 12 hằng năm, quên lễ Giáng sinh đi, hiện nay có ngày lễ lớn nào không?
- Chịu. Có ngày lễ lớn nào đâu?
- Đúng là ông còn sống trên mây. Lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân 22 tháng 12 đó. Ông không biết cũng phải vì nhà ông đâu phải gia đình bộ đội như tôi...
- Nhưng... thôi, vô một cái đi rồi nói. Gia đình toàn là bộ đội, thanh niên xung phong và công nhân viên như nhà ông thì nghe nói được phong tặng là “gia đình vẻ vang” thì còn muốn gì nữa mà...
Anh bạn ngắt lời tôi:
- Còn “vẻ vang” hơn nữa kìa. Bà già tôi vừa làm tổ trưởng dân phố vừa làm tổ trưởng phụ lão, được gọi là “cán bộ” luôn đó. Nhưng để lập thành tích chào mừng ngày 22 tháng 12 này, phường bắt nghĩa vụ luôn thằng út...
- Ông nói nó đang là công nhân mà, không được miễn sao, nhà cũng có hai đứa đi nghĩa vụ rồi?
- Nè, một trong hai thằng đó là thằng thứ tư, đang làm trưởng ban văn hóa - thông tin trên phường còn phải lên đường năm 1978, gọi là để làm gương cho thanh niên địa phương! Đã nói là cần vượt chỉ tiêu giao quân để lập thành tích cho phường thì người ta “hốt” hết, từ thằng thất nghiệp lêu lỏng cho đến thằng công nhân chưa vô biên chế như em tôi. Tất cả mấy đứa dính nghĩa vụ sẽ được giao vào đầu tháng giêng tới. À quên nói là, cách “hốt” cũng hay lắm. Thôi để vô cái rồi nói tiếp...

Anh bạn kể là sau ngày thằng út nghỉ việc ở công ty, về nhà chờ ngày lên đường thì lạ một điều là người của ban quân sự phường thường hay đi lại trước nhà anh, kể cả ban đêm. Một đêm nọ... Là dân giàu ngày trước nên nhà anh có sân trước sân sau đàng hoàng. Nửa đêm, mẹ anh nghe chó nhà hàng xóm phía sau nhau cứ ăng ẵng sủa mãi, bèn thức dậy đi xem sự tình. Té ra, có một người mặc đồng phục màu cỏ , đang lom khom núp sau hàng rào... Bà già hỏi lớn “Thằng nào đó bây?” thì người kia lẵng lặng rời khỏi chỗ núp, đi mất dạng. Hiểu ra sự việc, sáng sớm hôm sau, bà già, bà “mẹ chiến sĩ”, phẫn nộ và thất vọng, đã lập tức lên phường lớn tiếng chửi, tất nhiên chửi một cách có văn hóa. Bà khẳng định rằng, trước sự đóng góp con người và tham gia công tác đến mức như ngày hôm nay của gia đình mà chính quyền phường vẫn lạnh lùng, thiếu tin tưởng, sợ thằng út trốn nghĩa vụ, đến mức cho người đêm ngày canh trước canh sau như chực ăn trộm, thì... dẹp hết, bà không làm tổ trưởng, tổ triếc gì nữa hết, trả lại luôn cái bằng khen “gia đình vẻ vang” gì đó...

Đúng là tôi dở hơi, cứ đến tháng 12 hằng năm là cứ lãng đãng hồi tưởng - như một sự níu kéo vô vọng - tìm cách sống lại héo hon những kỷ niệm mờ nhạt về một quãng đời yên vui. Cứ sắp đến ngày 24 tháng 12 là tôi đi tìm lại hình ảnh hân hoan một thời thơ ấu, tóc xanh của mình cùng các bạn bè xưa cũ, mà không hề biết còn có ngày 22 tháng 12 quá cay đắng cho người bạn thân thương, quá chua xót cho mái gia đình nhà bạn mà tôi đã từng được mời tới chung vui vô tư, hễ hả!

Nay đã trôi qua nhiều tháng 12 , chắc ông già Noel đã nhiều lượt tặng xong quà Giáng sinh cho bọn trẻ con, hứa hẹn sang năm thêm một mùa hội vui cho trần thế nữa. Thôi thì, chúng ta hãy cố gắng cùng nhau phục hiện những niềm vui đời thường – vừa giàu tâm linh, vừa không thiếu vật chất – chan hòa cho tất cả mọi người mà tháng 12 đã trao tặng, cùng quên đi những chuyện buồn nào đó, đã vô duyên rơi vào tháng cuối năm...

 
 

PHẠM NGA