Để Xa Mà Nhớ

(Kỷ niệm 45 năm xa Huế)

 
 
 

Từ dạo bỏ Huế ra đi, vào một buổi chớm thu, dưới bầu trời mây xám giăng phủ khắp sân bay Phú Bài, Huế trong tôi chỉ còn là hình ảnh của một người yêu với dáng phong trần ra đi trong một chiều lộng gió, khuất dần dưới làn mưa bụi chập chùng, để lại những hụt hẩng chơi vơi, những nhớ thương quay quắt.

Khi nhận diện được sự hiện hữu tràn trề, đầy ấp của Huế trong tôi, thì cũng chính là lúc tôi ý thức được Huế đang rời xa, đang dần dà mất mát. Sự mất mát của Huế trong tôi, không đến bất ngờ như tin người tình ngã gục ngoài chiến trường. Không hỏa tốc như cơn gió lốc bỗng từ đâu kéo đến cuốn xoáy hết bụi cát lên trời, cũng không ùa vỡ như con sóng ngoài khơi, giận dữ ập vào vách đá, để làm vỡ tung ngàn cánh hoa bọt biển. Mà sự mất mát của Huế âm thầm, rả rich như những cơn mưa triền miên của Huế, làm ướt đẫm cả những mẩu trời xanh hy vọng, làm ray rứt xót xa những tâm hồn vẫn vọng nhớ đến quê nhà.

Không ai thực sự có được niềm kính phục về sự huyền bí, cổ kính của những lăng tẩm đền đài và những phong tục nền nếp của Huế bằng chính những người đã từng là nạn nhân của sự bí hiểm, cổ kính, phong tục nền nếp đó. Không ai cảm nhận được ý nghĩa của cái đẹp một cách trọn vẹn khi nhìn ánh trăng vàng lấp lánh trên sông Hương, bằng những kẻ đã bao phen đói rách vì những trận lụt đã dâng lên cũng chính từ dòng sông đó. Không ai thấu hiểu và quý trọng cái nét đa tình mà trọn vẹn, cái lãng mạn mà thủy chung của người con gái Huế, bằng những kẻ đã yêu gái Huế mà chuyện tình đành dở dang…Khách lãng du chỉ chợt đến rồi đi, chỉ biết ngắm hoàng hôn dần khuất dưới rặng Trường Sơn hùng vĩ, chỉ biết đắm mình trong lạc thú, trong mạn thuyền dưới những đêm trăng, chỉ biết say sưa với muôn tà áo trắng trong những buổi tan trường. Có biết đâu bên rặng Trường Sơn kia có những ngọn gió Lào đổ lửa mùa hè, và cắt da xé thịt mùa đông. Có biết đâu trên những mạn thuyền là những thiếu phụ lái đò, chắt chiu bữa một bữa hai, và có biết đâu trong muôn tà áo trắng có những mảnh đời loang lỗ vết đau thương? Vâng, có sống trong khô cằn sỏi đá mới biết quý cái lãng mạn đa tình. Có sống trong nghiêm luật lễ nghi, trong hào quang hư ảo của nền phong kiến mới hiểu được tinh thần đấu tranh cách mạng cao độ của người dân miền Trung. Có sống những ngày ấu thơ niên thiếu ở Huế mới cảm thông được tình yêu Huế trong lòng người tha hương. Một tình yêu đôi khi thật êm đềm mà chua xót như một giấc mơ vàng chóng tan…

Tan đi rồi những ngày ấu thơ vô tư dưới mái trường tiểu học duy nhất của làng Xuân Hòa, nơi có đình thờ thần linh, mà mỗi năm người lớn tranh giành nhau chức chủ lễ, chiếu dưới chiếu trên. Nơi mà trẻ thơ say sưa theo tiếng nhạc đăng đàn, rộn ràng theo tiếng mỏ làng thúc dục, và nô nức vì được sống ra ngoài cái nhịp sống bình lặng êm đềm của mọi ngày thường. Một nhịp sống quá bình lặng, để cho người dân như cảm thấy có cái gì không ổn ở ngay chính trong ta. Quá bình lặng để người đầu làng cũng biết cả tông chi của kẻ cuối làng. Quá bình lặng để cho những gia đình đông con gái bỗng sợ sệt vì những dòm ngó, dè bỉu, mỉa mai…

Tan đi rồi hình ảnh những đêm tối trời, có muôn ngàn ánh nến lung linh phản chiếu trên mặt nước sông Hương như con trăn khổng lồ của những ngày lễ có phóng sinh phóng đăng. Những buổi sáng thức giấc trong không khí trong lành, trong tiếng lòng còng của đoàn thuyền đánh cá, trong tiếng chuông ngân nga lê thê của chùa Linh Mụ, trong tiếng gà gáy eo óc của làng Long Thọ bên kia sông. Những buổi sáng của tuổi dậy thì, để bắt đầu một ngày trong đời như bắt đầu một cuộc viễn du đầy những bất ngờ hứng thú cũng như những lo sợ đợi chờ. Con đường dài bốn cây số từ chùa Linh Mụ đến trường Đồng Khánh là một lộ trình quen thuộc và cố định, nhưng luôn luôn chào đón và quyến rũ những bước chân chim với nhiều hứa hẹn của những khám phá mới mỗi ngày.

Mỗi ngày được thức giấc bằng những tà áo trắng loáng thoáng, cố vượt ra ngoài những mái nhà tranh còn ngái ngủ, vượt ra ngoài những đường xóm còn rợp bóng cây còn chĩu nặng những giọt sương đêm, để chờ nhau mỗi đầu xóm, để được nhập vào đám áo trắng, như một bầy thiên nga đang cùng nhau vỗ cánh hường về phía trời đông đang hừng lên những áng mây tím, hồng rồi đỏ ửng. Tiếng guốc mộc gõ đều và rộn ràng lẫn trong tiếng nói cười ròn rã. Nhưng rồi, như đoàn người hành hương đã được chuẩn bị để đón chờ những bất trắc. Khi vừa qua khỏi chợ Kim Long, không ai bảo nhau, guốc mộc được cầm tay, áo dài giắt vào lưng quần để chuẩn bị vượt qua quảng đường của nhà thờ kín Kim Long càng nhanh càng tốt. Trong những giờ phút ấy, cái giá trị lịch sử của nhà thờ kín Kim Long, nơi đã che chở cho Tôn Thất Tường khỏi vòng truy lùng của Pháp đã không còn ai quan tâm đến, cái giá trị nghệ thuật về vẻ đẹp bí hiểm của những nóc nguyện đường cổ kính dưới bóng me cao rợp trời, và hàng cây củ đậu leo che kín cổng ra vào, cũng không được ai chiêm ngưỡng, mà cái âu lo duy nhất là phải làm sao tránh được những bãi nước trầu tai quái, những đuổi bắt phập phồng, một thú vui và trò chơi quỷ quái của mụ già điên gánh nước cho nhà thờ mỗi buổi sáng. Vượt qua khỏi nhà thờ kín Kim Long là địa phận của làng Vạn Xuân, guốc mộc được trở lại ôm ấp những bàn chân thon, áo dài được thả xuống, được vuốt ve lại những nếp nhăn, vì qua khỏi Vạn Xuân là giao lộ của những con đường lớn, của đại lộ Trần Hưng Đạo thênh thang, của quốc lộ Một từ phía Phong Điền vào và từ trên Linh Mụ xuống, là nơi tiếp giáp với cầu Bạch Hổ, lối qua sông gần nhất của phía Bắc thành phố Huế, là nơi bắt đầu xuất hiện những bóng dáng nam sinh của Quốc Học, của Bình Linh, của Kỹ Thuật… Hình ảnh đáng ghét của mụ già điên gánh nước với nỗi phập phồng lo sợ, tan biến nhanh chóng nhường chỗ cho vẻ thẹn thùng, e lệ, khi có bóng dáng của các học sinh khác phái.

Cầu Bạch Hổ không phải là chiếc cầu được xây cất cho sự lưu thông bình thường của xe cộ và khách bộ hành, mà là lối đi độc đạo của những toa xe lửa tốc hành trên quốc lộ Một. Với lối đi nhỏ hẹp cho người bộ hành, cầu Bạch Hổ là nơi nhân hòa và địa lợi cho những lời tỏ tình vụng dại, những chân chim cuống quit và ngượng ngùng, những vướng víu va chạm của những tâm hồn chưa thân quen. Cầu Bạch Hổ cũng là một chứng nhân, qua bao năm tháng, kết quả đau thương của những mối tình không trọn, những kết liễu lìa đời theo giòng nước cuốn trôi đi. Cuộc hành trình buổi sáng như tăng thêm phần sinh động, khi nhập cuộc với những rộn rịp bụi bặm của sinh hoạt ở cầu Kho Rèn, hay nên thơ và huyền bí như ngôi nhà của người ca sĩ làng Liễu Hạ tên Hà. Những hội ngộ, những chia ly, nơi sân ga xe lửa. Và đây, là con đường áo trắng thênh thang với hai hàng phượng rợp bóng như lối dẫn vào thiên thai. Tại sao là đại lộ Lê Lợi? Thật khó mà có được lời giải thích ổn thỏa cho cái nguyên tắc liên tưởng hợp lý giữa hình ảnh oai hùng lẫm liệt của người anh hùng áo vải đất Lam sơn và hình ảnh những nàng tiên nữ yêu kiều! Tại sao lại không là đại lộ Ngọc Lan, Thiên Nga?, đại lộ của những nàng tiên áo trắng vì bị các chàng Lưu Nguyễn Quốc Học phá phách nên đành bị đày xuống trần gian?

Còn ai lễ nghi, nền nếp nghiêm ngặt hơn những người sống kề cận nơi kinh đô triều đình điện ngọc. Còn ai thấu hiểu ý nghĩa cuả câu "nam nữ thọ thọ bất thân” hơn những ông quan bộ Lễ đại diện cho triều đình, ấy thế mà chỉ cách môt giòng sông, bên kia điện ngọc cung vàng uy nghi nghiêm ngặt, bên này “Quốc Học, Đồng Khánh thọ tương thân”, cách nhau đúng một cái dậu bìm bìm! Có mâu thuẫn không? Có khó hiểu không? Chắc chắn là không! Huế là rứa đó. Cái gì cũng có vẻ dị biệt nhưng không tương phản mà lại rất tương đồng, như trên mặt nước sông Hương hiền hòa, lặng lờ, lăn tăn gợn sóng để che dấu bên dưới là những luồng nước cuốn xoáy, để sẵn sàng làm cơn lụt mỗi năm. Huế là rứa đó, có chi lạ mô, cái gì cũng có vẻ huyền bí, lạ kỳ, nhưng không khó hiểu, như vành nón bài thơ quay đi e ấp chối từ, nhưng mắt huyền len lén liếc nhẹ đưa tình. Như tình người Huế không ồn ào vồn vã, nhưng bền bỉ lâu dài, dù lãng mạn nhưng chung thủy trọn vẹn.

Một ngày trong đời của Huế, của tuổi học trò sẽ không trọn vẹn, nếu buổi trưa không được đèo nhau trên xe đạp lên Làng Quán, làng Nguyệt Biều hái trộm dưa hường rồi đập vỡ ra ăn ngay tại chỗ. Buổi chiều sau giờ học, năm bảy đứa kéo nhau bơi lội trên bến Kim Long, để cho những chàng phi công trực thăng tưởng mình đã bay ra ngoài tầng khí quyển và đang lạc lối thiên thai. Những ngày cuối tuần đạp xe qua cồn Hến ăn chè bắp, hay lên Thiên An để nhìn xuống thành phố Huế ẩn hiện trong làn khói sương mờ như một bức tranh Thủy Mạc của Tàu, hoặc trèo lên núi trọc Ngự Bình, khi chân mỏi thì ghé vào quán mụ Rớt để thưởng thức món bánh nậm nóng hổi vừa thổi vừa ăn, và còn nhiều nhiều nữa…

Chì có người Huế mới có cái kiên nhẫn để nghe một người Huế kể chuyện về Huế. Chỉ có người Huế mới hiểu được cái tâm tình khúc mắc trắc ẩn của con gái Huế. Và cũng chỉ có người Huế mới hiểu được cái phong phú trong ý nghĩa và cái êm ái trong âm thanh của ngôn ngữ Huế, như chữ “Ai” trong thơ của Hàn mặc Tử “Vườn Ai mướt quá xanh như ngọc… Ai biết tình Ai có đậm đà”, hay: “Mời Ai ra ăn cơn tề... Ai mời Ai rứa… thì mời Ai chứ còn Ai nữa…”

Ấy thế mà đã có mấy người Huế chịu nhận rằng một người Huế khác kể chuyện hay và đầy đủ hơn mình. Đã có mấy người Huế chịu quý trọng, thương mến nâng niu và xoa dịu những tâm tình khúc mắt, trắc ẩn đó? Đã có bao nhiêu người Huế mà không hơn một lần cảm thấy tiếng nói mình lạc lõng xa lạ trong âm thanh ngôn ngữ của ba miền?

Huế chỉ thật sự đẹp, thật sự quyến rũ, thật sự đáng yêu, với cái nghĩa trọn vẹn của nó, trong lòng của cả người Huế lẫn du khách khi người ta không còn ở trên phần đất, dưới cơn nắng nung người của ngọn gió Lào, hay cái lạnh cắt da dưới cơn mưa phùn âm ỉ suốt mùa đông. Huế chỉ được ngợi ca xưng tụng khi người ta không còn ở Huế. Huế chỉ được yêu thương như một hoài niệm về quá khứ mà không được sống với, không được nhận diện như một hiện hữu có thật bên mình. Tại sao? tại sao người chỉ NHỚ Huế mà không THƯƠNG Huế? Tại sao? Ai mà biết vì răng!

Vì răng mà mấy chục năm rồi, từ khi bỏ Huế ra đi, có những lúc tưởng mình như đã không còn cái chất Huế đặc sệt nữa, để trở thành một cái chất Việt Nam rắn chắc bền bỉ. Bền bỉ để không bị “cuốn theo chiều gió” ngoại lai, rắn chắc để còn được hiện hữu sống còn, dù sống còn hiện hữu bằng chất Huế, hay Sài Gòn. Rứa mà, trong một ngày Xuân đẹp trời của miền Cali nắng ấm, Đại Hội Huế Hải Ngoại 2012, đã mang lại luồng gió mới, thổi bay đi những lớp bụi thời gian, làm sống lại cái chất Huế muôn thuở trong lòng mình. Và rồi tình Huế, tiếng Huế, người Huế rộ nở như những nụ tầm xuân chỗi mình sau những tháng giá lạnh lẽo của mùa Đông, đề từ đây, còn có một nơi chốn, một cơ hội cho cánh chim bằng trở về với mùa Xuân, như trở về thăm lại Huế xưa!

 
 

Phan Dụy