|
Tượng Cung Hiền, ở Thanh Lương Sơn
Cung Hiền (1618-1689), là danh hoạ cuối thời Minh, đầu thời Thanh, một trong tám nhà danh hoạ của Kim Lăng.
Lại có tên Khởi Hiền, tên chữ Bán Thiên, Bán Mẫu, hiệu là Dã Di, lại có tên hiệu là Sài Trượng Nhân, Chung Sơn Dã Lão; là người Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, lưu ngụ tại Kim Lăng, nay là thành phố Nam Kinh.
Ông cùng với Phàn Kỳ, Cao Sầm, Trâu Triết, Ngô Hoành, Diệp Hân, Hồ Tháo, Tạ Tôn được gọi là “Kim Lăng Bát Gia ”; cùng Lã Tiềm nhà thi thư hoạ đầu thời Thanh được gọi là “Thiên Hạ Nhị Bán ”(Cung Hiền, tự Bán Thiên; Lã Tiềm, hiệu Bán Ẩn). Có tài thơ văn, giỏi thư pháp hành thảo, không câu nệ vào cổ pháp tự có bản sắc riêng, sáng tác tập thơ Hương Thảo Đường Tập.
Nửa Đời Điêu Linh
Cung Hiền sinh ra và lớn lên đúng vào lúc nhà Minh tiêu vong, nhà Thanh hưng khởi; là một phần tử trí thức nhưng không có chỗ dựa, nên phải phiêu bạc, hầu như hết nửa đời người phải lánh nạn, gian nan mưu sinh để qua tháng ngày “trăm khổ không một vui, đến già còn kiếm sống” như ông đã tự cảm khái, than tiếc cho mình.
Sinh vào năm Minh Vạn Lịch thứ 16 (1618) tại Côn Sơn trong một gia đình quan lại, nhưng lúc sinh ra gia đạo bắt đầu suy lạc, nên ngay từ nhỏ đã phải theo gia đình dời về Nam Kinh, mười tuổi thì mất mẹ. Đến Nam Kinh không lâu, cha ông cưới vợ khác. Sau đó, ông nội và cha bị đổi đi Tứ Xuyên nhận việc mới, từ lần ấy một đi không trở lại, cũng chẳng có chút âm hao tin tức, không rõ gặp nạn giữa đường hay chuyện gì đã xảy ra, nhưng những điều ấy đù cho thấy cuộc đời của ông dẫy đầy bất hạnh ngay tự lúc còn thơ trẻ. Mười ba tuổi, Cung Hiền bắt đầu tập vẽ, cùng Dương Văn Thông theo học Đổng Kỳ Xương. Năm cuối Minh Sùng Trinh, tại bến Tần Hoài, Hạ Xã (Nhóm Công Tác Mùa Hè) được thành lập để cùng nhau làm thơ, học hỏi nghiên cứu nghệ thuật nhằm cứu vãn nguy cơ của dân tộc.
Cung Hiền thời thanh niên với bầu nhiệt huyết, cũng ôm mộng lập công dựng nghiệp, nên tham gia vào Nhóm, do tính tình ngay thẳng, lại có chút tài về thi thư hoạ, nên dần dần ông được giới thức giả và quan lại tại Nam Kinh biết đến. Nhưng cảnh đẹp chẳng dài lâu, năm Nam Minh Hoằng Quang nguyên niên (1645), quân Thanh phá thành Nam Kinh. Cung Hiền vẫn nghèo, phải ở ngoài ruộng phía bắc thành nên may mắn thoát chết. Nhưng chiến tranh bắt đầu dìm Cung Hiền vào cảnh túng quẫn chưa hề thấy. Khi ấy quân Thanh đã chiếm trọn phía Bắc, tình hình tạm yên tĩnh, muốn phục hồi nông sự, vì thế nên chiêu mộ lưu dân đi khẩn hoang. Vì miếng ăn và cũng muốn xa lánh chiến cuộc, Cung Hiền đành phải ngược Bắc. Nhưng với người sinh trưởng Giang Nam, chỉ giỏi thơ văn câu đối, chẳng rành việc buôn bán, thân thể lại gầy còm, nên không chịu nổi cảnh nghèo khổ của phương bắc, chẳng bao lâu lại tìm cách về Nam.
Khi quay lại Nam Kinh, vợ cưới ngày còn trẻ và con đều đã chết vì nghèo và bệnh. Một thân một mình, Cung Hiền vất vả với cuộc sống qua ngày. Trong lá thư gởi từ biệt bạn hữu ở Quảng Lăng, ông viết:
壯 遊 雖 我 志
此 去 實 悲 辛。
八 口 早 辭 世,
一 身 猶 傍 人。
Tráng du tuy ngã chí
Thử khứ thực bi tân
Bát khẩu tảo từ thế
Nhất thân do bàng nhân
Tuy đi do mình muốn
Lần ấy thật buồn đau
Tám người thân sớm mất
Quanh mình còn ai đâu!
đủ thấy biết bao thương cảm gởi trong những hàng chữ viết. Vì sinh kế bức bách, ông lại vượt sông đến Dương Châu, lấy vợ lần thứ hai, bán tranh bán chữ để sống qua ngày. Về sau theo lời mời của Từ Dật ở trấn Hải An phủ Thái Châu, ông dọn về ở xóm Tân Hải, làm gia sư, dạy con của Từ Dật.
Ở Hải An, được sự đãi ngộ của Từ Dật, chủ khách hợp tính tình, xem như đây là một chỗ an thân cho Cung Hiền, có lúc ông đã nghĩ “ái thử tương thiêm ẩn giả phi”, yêu chỗ muốn thêm nơi ở ẩn, dù biết rằng phải chịu cảnh cô độc nhưng cũng gắng chịu, khi ông viết:
短 衣 曾 去 國,
白 首 尚 飄 蓬。
不 讀 荊 軻 傳,
羞 為 一 劍 雄。
Đoản y tằng khứ quốc *
Bạch thủ thượng phiêu bồng
Bất độc Kinh Kha truyện
Tu vi nhất kiếm hùng
Áo ngắn đành bỏ nước
Đầu bạc vẫn phiêu bồng
Truyện Kinh Kha chẳng đọc
Thẹn mang kiếm xưng hùng
* Người có ăn học ở Trung Hoa, ra đường thường mặc áo dài, chỉ có những người làm việc chân tay mới mặc áo ngắn. Câu này ý chỉ đi làm công ở xứ lạ.
Năm 35 tuổi, Cung Hiền rời bỏ trấn Hải An, về lại Dương Châu. Gần mười năm ở đây, ông thấy rất nhiều phú thương bỏ ra những số tiền rất lớn, thu mua các bức danh hoạ cổ. Gặp những dịp như vậy ông đều không bỏ lỡ cơ hội nhìn ngắm thoả thích những bức danh hoạ được sưu tập, Nếu thấy những bức ông yêu thích đều nài nỉ được xem thật lâu thật kỹ, rồi ghi nhớ vẽ lại, nghiên cứu về nguyên lý cho đến khi thấm đến chỗ tinh tuỷ. Nhờ vậy mà càng ngày thi ca và hội hoạ của ông càng thành thục.
Năm 1666, Cung Hiền gần 50 tuổi, lại cảm thấy ở Dương Châu không an toàn, ông từng nói: “tị tặc bất tị binh, bôn đằng như kinh cầm”; vì thế ông quyết định về lại Nam Kinh.
Nhưng chẳng được bao lâu, ông lại bị những kẻ quyền thế ở Nam Kinh bách hại. Cung Hiền thời trẻ cũng có chút hoài bão về chính trị, nhưng sau bao nhiêu lần phiêu bạc, nếm đủ mùi buồn vui của cuộc đời, lúc này ông không khỏi sinh lòng chán nản, muốn trốn lánh đời, nên sau cùng quyết định về ẩn cư ở Thanh Lương Sơn, phía Tây ngoài thành Nam Kinh. Ông mua vài gian nhà ở lưng chừng núi, khoảng chừng nửa mẫu để có đất trồng trúc trồng hoa, đặt tên cho nơi mình ở là Bán Mẫu Viên (vườn nửa mẫu). Vị trí vườn này rất tốt, vừa có thể trèo lên cao nhìn xa, nhìn ngắm lại giang sơn cố quốc, vừa gần gũi với thiên nhiên, yên lòng sáng tác tranh cảnh.
Cung Hiền từng nhờ Vương Huy vẽ lại cảnh Bán Mẫu Viên, tự đề cảnh sắc Vườn Nửa Mẫu như sau:
清 涼 山 上 有 台,亦 名 清 涼 台。登 台 而 觀,大 江 橫 於 前,鍾 阜 橫 於 後。左 有 莫 愁,勾 水 如 鏡;右 有 獅 嶺,撮 土 若 眉;余 家 即 在 此 台 之 下。轉 身 東 北,引 客 視 之,則 柴 門 犬 吠,仿 佛 見 之。
Thanh Lương Sơn thượng hữu đài, diệc danh Thanh Lương Đài. Đăng đài nhi quan, đại giang hoành vu tiền, Chung phụ hoành vu hậu. Tả hữu Mạc Sầu, câu thuỷ như kính; hữu hữu Sư Lĩnh, toát thổ nhược mi; dư gia tức tại thử đài chi hạ. Chuyển thân đông bắc, dẫn khách thị chi, tắc sài môn khuyển phệ, phảng phất kiến chi.
Trên núi Thanh Lương có đài, cũng tên là đài Thanh Lương. Trèo lên đài xem, sông lớn chắn ngang phía trước, gò chuông nằm vắt phía sau. Bên trái là khe Mạc Sầu, nước trong vắt như kính, bên phải có dãy Sư Lĩnh, đất nổi như lông mày. Nhà tôi ở bên dưới đài ấy, dẫn khách đi về phía đông bắc để xem, nghe tiếng chó sủa bên cổng gỗ, thấp thoáng là thấy đấy.
Ẩn Cư, Dạy Học
Từ khi về Thanh Lương Sơn ẩn cư, Cung Hiền chú tâm vào hôi hoạ, nghiên cứu về lý thuyết hội hoạ. Ngoài nhóm Chu Lượng Công, Phương Văn là bạn cũ thì ông còn thỉnh thoảng qua lại, còn ông đoạn tuyệt hẳn với các ứng thù xã giao. Những năm cuối đời, không những ông bán tranh bán chữ, mà còn nhận dạy học trò, ông bảo học trò “đừng cho rằng lời thầy là hay nhất”, nên đem tất cả bí quyết quan trọng nhất truyền lại cho học sinh.
Phương pháp giáo dục của Cung Hiền rất thiết thực và cụ thể, rất chi tiết. Ông thường dùng ví dụ và phân tách, để chỉ cho học sinh từng đặc điểm của cách vẽ cây cối núi non, sông nước, phòng ốc, cầu đường, nói rõ từng mức độ trong tay nghề và chỉ ra những sai lầm dể mắc phải của người mới học. Với lời lẽ ngắn gọn rõ ràng, ông trình bày các suy nghĩ của mình về hội hoạ cho học trò hiểu, rất gần gũi, dễ nhớ, và nhớ lâu. Ví dụ, Cung Hiền chỉ cho học trò:
“Vẽ cầu cần để ý đến mặt trước và sau, nếu mặt trước là đông, thì mặt sau là tây, đừng vẽ ngược lại. Vẽ nhà cần đặt mình vào đúng nơi nhà dựng nên, người nào xem cũng dễ hiểu”
Vẽ nhà không nên vẽ nghiêng lệch, cần phải ngay thẳng, nhà nghiêng làm người xem có cảm giác không yên, bức vẽ cũng không yên. Vẽ cây đá còn phải xếp đặt cho ngay ngắn huống chi là vẽ nhà!”
“Khi vẽ buồm trên thuyền, phải để ý hướng gió, nếu cây cối lau sậy, dương liễu đều thuận gió, mà buồm ngược gió là sai lầm lớn của người vẽ”
Ông không ngại tốn thì giờ chỉ rõ từng chi tiết cỏn con cho học trò, nhấn mạnh những điểm thiết thực, không bỏ qua, không cẩu thả đến từng điểm nhỏ nhặt, hướng dẫn học trò quan sát và thể nghiệm thiên nhiên, và qua nhận biết về tự nhiên để hiểu về cách vẽ của những người đi trước. Ông còn để lại vài quyển lý thuyết và hoạ cảo cho đời, dạy vẽ sơn thuỷ. Về sự kiện này, Đồ Bàng có nhận xét như sau: “Người học về sau có thể xem Hoạ Quyết, tức các bài giảng và ký hoạ của ông như là tập hợp các kỹ pháp căn bản của người vẽ tranh phong cảnh.
Cung Hiền có một người học trò giỏi tên Vương Khái, sáng tác Giới Tử Viên Hoạ Phổ, vẽ các cảnh tại vườn của Lý Ngư tại Nam Kinh, trong hướng dẫn cách vẽ cỏ cây hoa lá chim muông thú vật, phong cảnh v.v... được các hoạ gia cận và đương đại của Trung Hoa như Tề Bạch Thạch, Hoàng Tân Hồng, Phan Thiên Thọ, Truyền Bao Thạch nhận xét là “quyển sách không thể thiếu của những người vẽ phong cảnh.”
Điều này cho thấy phương pháp của Cung Hiền có kết quả và ảnh hưởng rộng lớn như thế nào.
Cung Hiền nói với học trò rằng: Đạt đến lý, chẳng còn xưa và nay nữa, tạo hoá đâu cần biết Đổng là ai hay Hoàng là ai? Điều này cho thấy ảnh hưởng lý học của Trình Chu đối với Cung Hiền. Ông cho rằng Lý là bản thể của vũ trụ, Lý của tự nhiên từ xưa đến nay vẫn là một, không hề thay đổi, tồn tại mãi mãi và có tính khách quan, không có gì khác so với người xưa và người bây giờ, như thế tại sao con người không thể tự sáng tạo một cách độc lập? Tự nhiên đâu cần biết đến có hoạ gia tên là Đổng Nguyên hay Hoàng Tử Cửu!
Quan niệm về dong thủ và sinh thủ của Cung Hiền như sau: Dong thủ an nhi bất ký: 庸手安而不奇, thợ vẽ vô cảm chỉ biết sao chép tự nhiên một cách máy móc, làm cho tác phẩm trở nên không còn sức sống. Còn sinh thủ tức thợ mới tập vẽ. Cung Hiền nói: Thà làm một người mới tập vẽ còn hơn làm một thợ vẽ vô cảm, vì mới tập tuy không đủ kỹ thuật để vẽ thật đẹp nhưng vẫn giữ được phong thái nghệ thuật và sự chân thành của tâm hồn.
Từ “Bạch Cung” chuyển sang “Hắc Cung”
Sở dĩ Cung Hiền có thể tự mình riêng một cõi, được mọi người lưu ý vì cách dùng mực của ông khác với các hoạ gia cùng thời, như “Tứ Vương” là những danh hoạ đương thời thường bắt chước bút pháp của Hoàng Công Vọng và Nghê Vân Lâm, chủ trương theo sắc độ đậm nhạt của màu mực mà thể hiện ra khí chất của từng người.
Cung Hiền trái lại theo phong cách Tống hoạ, theo đúng thiên nhiên. Ông tôn sùng Đổng Nguyên, Mễ Phí, Ngô Chân và người gần thời đại với ông nhất là Trầm Chu, phới hợp với sự quan sát sơn thuỷ riêng của mình hình thành phong cách “tích mặc”, trong vẻ chất phác hỗn độn lộ ra những đường nét nhẹ nhàng thanh thoát, khác với bốn nhà họ Vương chủ trương sáng tác theo cung cách sao cho mỗi nét bút phải toát ra vẻ cổ kính.
Những hoạ phẩm về cuối đời của Cung Hiền màu mực thấm đẫm, nên được gọi là “Hắc Cung”, còn các tác phẩm thời trẻ nét bút khô nhạt được gọi là “Bạch Cung”. Giáo Sư Tiêu Bình nhận định: “Trước 40 tuổi, Cung Hiền sáng tạo phong cách riêng của mình là Bạch Cung, đến khoảng 40 tuổi thì hoàn chỉnh phong cách bút khô khan và giản dị, mà vào thời Minh mạt Thanh sơ được nhiều người ưa chuộng. Đến 50 tuổi , Cung Hiền hoàn chỉnh phong cách Hắc Cung của mình, như vậy khoảng thời gian từ 40 đến 50, là giai đoạn Hôi Cung (bút pháp màu xám), có nghĩa Cung Hiền đi ngược với khuynh hướng hội hoạ đương thời, chuộng tranh màu sáng, nét bút khô và giản dị.
Do vậy, trong lịch sử hội hoạ và tranh sơn thuỷ của Trung Hoa, Cung Hiền được xem là người sử dụng mực rất nhiều, là khuôn mặt “đen nhất”, và ông rất hãnh diện về điều này. Ông nói trước và sau ông không có ai sử dụng được như vậy. Tuy trước đó ông có theo học họ Mễ (Đại Mễ, Tiểu Mễ) cho đến Cao Khắc Cung, nhưng kỹ thuật của trường phái Mễ gia Sơn là do Cung Hiền sáng tạo, không có ai có thể “tích mặc” tức tô lại bảy tám lần cho đến 10 lần như ông.
* tích mặc: tô mực trên nét vẽ nhiều lần để tạo nét đậm nhạt, làm cho vật thể nổi lên, có chiều cao và chiều sâu.
Bất Hạnh của Hiền Giả
Năm Khang Hi thứ 28 (1689), Cung Hiền khoảng 70 tuổi, chết trong tay hào cường sách nhiễu. Theo ghi chép, có một tay hào hoành có quyền thế đòi Cung Hiền phải vẽ tranh cho ông ta. Cung Hiền lúc ấy vừa nghèo vừa bệnh, thêm tinh thần bị chèn ép, nằm liệt giường không lâu thì ôm hận mà mất. Nhà không có tiền mua hòm để chôn, may nhờ bạn tốt là Khổng Thượng Nhậm lo liệu tang sự, chuyển linh cữu về quê an táng tại Côn Sơn, Giang Tô; cùng nuôi dưỡng con của Cung Hiền.
MỘT SỐ TRANH TIÊU BIỂU CỦA CUNG HIỀN:
|
|