Mùa Xuân Xuống Phố Quê Người

 
 
 

Từ lâu tôi đã không còn thích ra phố phường nhất là vào những khi lễ hội. Sang đến quê người mình lại càng cảm thấy tủi thân hơn khi những nét văn minh , văn hóa của một dân tộc vốn luôn hãnh diện về gần năm ngàn năm văn hiến, nay chỉ còn là những dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài của trang trí hay trang phục mà mất hẳn hồn nước bên trong. Tất nhiên nơi ngã năm ngã bảy quốc tế, việc pha trộn hòa nhập của văn hóa văn minh là điều không tránh khỏi. Song bản sắc của dân tộc khiến người Việt khác với người Hoa không chỉ bằng tiếng nói, mà còn qua phong tục lễ hội, thơ văn, âm nhạc nữa. Nơi tôi ở , San José, hàng năm có đến hai hay ba hội Tết. Rồi để phân biệt cho không lầm lẫn, người ta còn thêm vào phía sau một địa danh hay một tên tuổi để "đồng hương" khỏi đi lạc. Diversity is good, that is the motto of this society. Nhưng trong tiếng Việt có sự khác biệt rất lớn giữa hai từ ngữ" phong phú" và "đa tạp". Nói cho hết nghĩa thật khó, nhưng dùng một ví dụ ta có thể nhận thấy được chỗ không giống nhau nói trên. Một đời sống phong phú nói lên được sự trưởng thành trong nhận thức và hành động, về cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần trong một thể thống nhất; trong khi một đời sống đa tạp nói lên nhiều trạng thái vật chất và tinh thần không theo một trình tự hệ thống nào. Và chúng ta đang sống trong một môi trường "đa tạp" vì bản thân đất nước này có nguồn gốc đa tạp, những tinh hoa của xã hội này chỉ là sự chắt lọc từ những nền văn minh khác và trưng bày như trong một bảo tàng, triển lãm hay hội chợ. Chúng ví như những cây được đem về bày hàng trong phòng kiếng, đẹp thì có đẹp nhưng thiếu chút "linh hồn". Chút sống động ấy là môi trường xung quanh nơi cây được sinh ra và lớn lên, nơi mạch đất còn vương nơi những gót chân nứt nẻ, nơi da còn pha xạm màu nắng miền quê và nụ cười còn vương chút ngây ngô chân chất, không bị khỏa lấp bởi những lề thói xã giao nơi phố thị.

Truyền thống Việt trong ca dao còn để lại: "Mồng một ăn Tết ở nhà, Mồng hai Tết vợ , mồng ba Tết Thầy". Ba ngày Tết với người Việt rất quan trọng, nó cân bằng đời sống bận rộn một năm với sự đổi thay hay khởi đi lại từ đầu của thư thái tâm hồn. Sự chuẩn bị đón Tết của người xưa so với cái vội vàng đón Tết của chúng ta hôm nay nói lên những đổi thay về môi trường và quan niệm sống mà sự hay dở sẽ tùy mỗi người thẩm định. Từ mười lăm tháng chạp đến hai mươi, người ta đã chuẩn bị cho cái Tết. Từ gạo nếp đậu đường hành tỏi cho đến con cá lá rau, thịt heo hơi, khay trầu mâm quả. Nhà nhà lo quét vôi, lau rửa dọn dẹp trang hoàng. "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Ai cũng muốn căn nhà mình khoác lên màu áo mới, tẩy sạch những phũ phàng bội bạc của năm cũ để chuẩn bị đón lấy cái nồng ấm mặn mà của năm mới. Ngày hai mươi tháng chạp, các ngành nghề cúng Tổ để tạ ơn tổ nghiệp đã phù trì cho công việc trong năm. Ngày hăm ba đưa tiễn Táo quân, trong buổi lễ mình cũng tự tính toán công nợ lưu tồn và ước nguyện năm mới hanh thông tấn phát. Ơn nghĩa đáp đền bằng quà biếu cuối năm, chỉ cầu miếng ngon và tấm chân tình, chẳng cần phải hào nhoáng đắt tiền. Ngày hăm lăm cúng tiễn gia thần về Trời phó hội. Trễ lắm đến hôm này, mọi việc chuẩn bị phải xong. Trưa ba mươi lễ đón Táo quân và chư thần. Sau đó là lễ rước gia tiên, mời nội ngoại thân tộc quá vãng chưa siêu sinh cùng về đón Xuân vui Tết với gia đình.

Để mừng dịp họp mặt hằng năm, gia đình nào cũng bày ra gói bánh, nấu chè. Đây là dịp để cha mẹ truyền cho con cái ý nghĩa tinh thần gia tộc. Trong không khí vui vẻ vừa làm vừa học, người lớn phân công cho con nhỏ quét dọn bàn thờ, lau chùi lư hương chân đèn chén tách, rửa lá, lau lá, vo gạo đãi đậu, gói bánh, buộc lạt, xách nước, chẻ củi v.v... Những chuyện kể phương xa, về bao quãng đời lưu lạc, những chuyện buồn vui đuợc thuật lại, được cảm thông an ủi, sẻ chia bên ánh lửa bập bùng của nồi bánh, nồi chè. Những giọt nước mắt ngắn dài không biết vì xúc động hay vì khói cay làm mắt mọi người long lanh và tấm lòng dịu lại như được vỗ về thông hiểu.

Sau khi bánh đã vớt ra, đuợc rửa lại và ép kỹ, trang trí điểm tô. Nồi chè cũng đã được đơm vào đĩa. Bàn thờ với khăn trải thắm tươi, lư hương sáng loáng; mâm ngũ quả đủ màu đầy ắp ước vọng: cành mai cành đào hay khóm cúc cây trường sinh lấp lánh phản chiếu đèn nến, hương trầm đuợc đốt lên; ông bà trong áo thụng khăn vành thắp nhang khấn nguyện, con cháu theo thứ lớp làm lễ gia tiên. Rồi mâm cơm đoàn tụ gia đình, câu chuyện kể tiếp hoặc nối dài, mọi người vui vẻ bên nhau chờ đón giao thừa.

Giao thừa! Thời khắc chuyển giao của đất trời. Thời khắc đổi thay của con người. Thời khắc của thiên nhân tương hợp. Bàn thờ bày giữa sân, đèn nến lung linh, mâm trái cây tươi ngon, chung nước giếng thanh sạch. Ba tuần trà rượu, con người tiễn đưa thần Thái tuế năm cũ và đón mừng thần Thái tuế năm mới. Con người đề đạt nguyện vọng với đất trời và thần linh, đặt để mục tiêu hoạt động cho năm mới. Như một giao ước, mà mỗi bên trong phần nhiệm của mình cố gắng hoàn tất không sơ sót. Trong giờ giao thừa, hỉ khí còn tỏa lan trong không gian, người ta lên đền chùa xin lộc rồi về nhà xông đất. Rồi cửa đóng then gài ngủ một giấc an bình thảnh thơi đón chờ ngày mới.

Mồng một. Sáng dậy sớm đèn nến trà nước cúng gia tiên. "Tế như tại", đón tổ tiên về thì cũng cứ như lúc còn sinh tiền, con cháu cũng phải lo cơm nước cúng kiếng đầy đủ. Xong xuôi, con cháu xếp hàng chúc tuổi ông bà cha mẹ, và ông bà cha mẹ mừng tuổi phát lộc cho con cháu. Mồng một dành cho bên nội, nên có đi thì cũng quanh nơi chú bác. Mồng hai mới sang bên ngoại, rồi đến cậu dì. Sau khi xong xuôi trong quyến thuộc, mới đến bạn bè. Mồng ba Tết Thầy hay cúng nhà, cúng ra mắt tổ nghiệp cầu xin giúp sức rồi thăm viếng ân sư. Kỳ dư mới đến chỗ giao tình quen biết.

Lễ hội trong làng trong xóm thường sau ba ngày Tết vì ăn Tết cho hết tháng giêng cơ mà. Thật ra cũng vì thời tiết còn giá lạnh mà công việc đồng áng cũng phải chờ xong lễ hạ nêu. Vả trước gia đình sau hương đảng, cuộc sống hợp quần cũng cần có sự thực tập làm lụng chung nhau. Bỏ qua những nét hủ bại trong những lề tục ở làng quê, đây là hình thức cộng đồng sơ khai chúng ta cnò duy trì được. Nơi đây những vấn đề văn hóa chung của thôn làng được đem ra bàn thảo và đề nghị tuân hành. Từ việc tương trợ tương thân đến lo tuần canh phòng hỏa phòng đạo tặc, mỗi thôn làng có một định chế liên kết để giúp cho thôn làng tồn tại và phát triển.

Sau những năm dài thuộc Pháp rồi chiến tranh tiếp diễn, những nét hay đẹp bị nhạt phai dần. Rồi hô hào đổi mới, cứ những gì xưa cũ là bãi bỏ để du nhập những tiến bộ lạ xa không phù hợp với thổ ngơi phong hóa. Đến lúc hô hào bảo tồn truyền thống thì chỉ còn giữ lại những đánh đu, chọi gà, sóc đĩa bài cào bầu cua cá cọp mà chủ ý là sát phạt hay kiếm lợi, trong khi những trò vui tao nhã như thả thơ, câu đối, hát trống quân v.v... không còn sức thu hút tuổi trẻ.

Với sự xâm lăng ồ ạt của kỹ thuật thông tin, những lễ hội dân gian chẳng những bị mai một mà ý nghĩa về vễ hội cũng bị hiểu sai. Ngày nay, ngoài một số ít còn chút thực tâm muốn duy trì truyền thống Việt, các lễ hội Việt nam chỉ là dịp để kinh doanh thu lợi cho Ban Tổ Chức. Hội Tết Việt Nam mà có ban nhạc Mexico hát toàn dân ca Mễ và nhạc Rock!!! Hàng ăn thì thiếu hẳn những món dân gian. Giải trí cho trẻ con thì chỉ còn thảy vòng vịt, ném phi tiêu. Những gian hàng trình bày tranh nghệ thuật thi văn vắng ngắt người xem. Sân khấu ca nhạc phải có nhảy nhót, ca sĩ phải ăn mặc thời trang và "mát mẻ' mới hấp dẫn được người xem.

Còn đâu những Hội Tết Đống Đa nơi diễn lại chiến thắng mùa Xuân Kỷ dậu 1789? Còn đâu Hội Tết ngày xưa nơi mà những ông Đồ già bày mực tàu giấy đỏ ngồi trên chõng tre viết chữ và người người xếp hàng chờ phiên xin chút chữ Thánh Hiền về để thay đổi nếp nhà vốn nhiều đời tay bùn chân lấm? Cuộc sống kim tiền với những đột biến từng phút giây của thị trường chứng khoán đã đưa giá trị của những tờ giấy xanh lên tận mây cao và truyền thống dân tộc chìm sâu dưới đáy vực. Và thang giá trị được sắp lại với những trật tự mới hơi khó hiểu theo suy nghĩ cũ kỹ.

Để đến mùa Xuân hàng năm, những đứa con Việt Nam lại tiếp tục bỏ nhà, tìm ra đường phố, tìm chút hình bóng quê hương qua những đoàn xe hoa, tiếng trống lân tùng xèng, những bộ y trang của đào kép hát, những lời rao bán lòng yêu nước. Và tại mỗi căn nhà những hương linh tiên tổ Việt Nam ngồi bó mình trong chiếc kệ thờ nhỏ bé chờ đám cháu con về thắp nén nhang cho bớt cái lạnh quê người.

 
 

Phan Nhật Tân