Nhắc Lại Những Năm Bảy Mươi

 
 
 

Nhắc lại những năm bảy mươi ở Văn Khoa trong khuôn khổ Nhóm Triết để nhìn rộng hơn về một thế hệ bị sa lầy trong trùng vây của những ý thức hệ vốn được sinh sản ra để làm con người thăng hoa (trên lý thuyết) nhưng (trong thực tế) lại giam hãm, đóng khuôn cá nhân vào những hệ tư tưởng đối nghịch nhau. Sự vùng vẫy để vượt thoát được thể hiện qua sự bùng phát của các hình thức sinh hoạt văn nghệ, báo chí, xã hội, chính trị. Ảnh hưởng thiên tả và mơ ước về một thể chế xã hội giải trừ chủ nghĩa thực dân cũ và mới bàng bạc trong giới trí thức và sinh viên học sinh. Một khuynh hướng khác nhằm trốn chạy thực tế mưu cầu hạnh phúc giải thoát cá nhân qua cánh cửa Thiền môn cũng phát triển không kém, đi đứng nằm ngồi ăn ngủ đều là thiền (!) Và cánh cửa hư vô của cái chết hiểu như một cách thế chấm dứt cuộc sống hiện tại đầy mâu thuẫn luôn mở ra và cuốn hút những chàng trung niên, thanh và thiếu niên vào cuộc chơi chiến tranh phi lý khi cả kẻ thắng người bại đều mất mát, đều đau khổ như nhau.

Ở trong góc tối của căn phòng ngày nao đã là cellule biệt giam trọng phạm, nơi mà màu đen hắc ín vẫn còn lộ ra dưới những vết nứt vỡ của bao lớp vôi dày, một thế hệ thanh xuân phóng mình theo con đường mà họ không thể nào thay đổi được quỹ đạo của nó. Họ đi học, lên lớp mà tâm trí phân hai, nửa ở trên khung trời lý tưởng của những triết gia lỗi lạc, nửa sa xuống cái xã hội đang hối hả cuồn cuộn theo vòng xoay của lịch sử. Cho dù mục tiêu của họ là đạt đến sự thông hiểu hay thông thái đi chăng nữa những động lực thúc đẩy họ tiến lại rất đỗi mù quáng. Không gian thị trường của họ không thể bao quát cả thế giới bên ngoài mà chỉ quẩn quanh những cấp bằng như một lá chắn chống lại thần chiến tranh vòng quanh rình rập hay là tấm vé vào cửa một rạp hát với chỗ ngồi tốt, nơi họ sẽ được mời lên sân khấu đóng vội một vai tuồng cho hết giờ kéo dài của vở kịch.

Thành phố với tiếng nổ và khói bốc từ xa, ánh hỏa châu vẫn soi sáng đêm đêm như muốn kéo mặt trời ở lại, tiếng chiến đấu cơ vượt tường âm thanh làm rung rinh giấc ngủ, với những bản nhạc thê thiết được mở hết âm lượng quanh những căn cứ quân sự, với những quần áo ngụy trang nhiều hơn quần áo dân sự đã tạo nên vẻ hốt hoảng thật bình thản của những con người hay những cỗ máy biết suy nghĩ nhưng đã được thảo chương để thi hành một số chức năng trong khuôn khổ chương trình. Thành phố như trái cây đã bắt đầu ngả màu, lớp đường mật không còn gợi được sự thèm muốn của cảm giác, mà đang ủ men cho một loại thức uống nửa như dấm nửa như rượu, vừa chua vừa chát vừa cay đắng.

Ảo tưởng về một xã hội tự do công bằng sẽ vẫn còn theo đuổi những người năm ấy cho mãi tới về sau. Khi những con mắt chết sững vì thực tế khô khốc cay đắng mà họ sẽ chạm mặt và thấy rằng mình chưa hề chuẩn bị gì cả, ngay cả việc nhìn lại chính mình. Họ sẽ bắt gặp lại chính họ hoàn toàn lạ xa như những gì họ đã từng nghĩ tưởng. Họ sẽ ngạc nhiên vì phản ứng của họ không theo cách thế mà họ đã từng sống. Họ sẽ nhìn được con vật người ần dấu dưới chính làn da và khối óc của họ. Và họ sẽ hành xử như thể chưa bao giờ biết thế nào là tương giao lề thói mà họ đã từng trải qua.

Trong góc nhỏ của căn phòng ấy, họ đã làm những công việc nhàm chán một cách thích thú và cuồng ngạo. Những châm ngôn trong đền Delphes được viết chi chít trên tường. Những nét chữ của Khổng, Lão được sơn thếp vàng son như thứ bùa trừ tà dán cửa. Họ khoác tay Lão Trang, sánh vai cùng Chúa Phật, uống rượu và nói thơ, tuyên xưng công án. Họ lôi Hegel, Karl Marx, Engels, Heidegger, Poegeller xuống để cùng đàm đạo. Và rồi sau khi đã chán chê mọi thứ, họ quay lại vùi đầu vào tay nức nở khi thấy chính mình không vượt thoát được chính không gian mà họ đã tạo dựng để giam hãm chính mình.

Tập san Nghiên Cứu Triết Học trút bỏ vóc dáng cũ đánh máy in ronéo bìa cứng khổ 21x27 chuyển mình thành Tự Thức số 1 khổ báo tabloid. Đó là kết quả góp từ tiền lương những giờ dạy kèm của những người còn lại sau khi lớp trước đã buớc chân vào đời cơm áo đăng trình. Tự Thức số 2 đổi hình thức xuống khổ bằng tạp chí Văn. Tự Thức số 3 đang nằm trong đống hồ sơ chờ giấy phép xuất bản, bìa bốn màu Hạ Quốc Huy vẽ hình Từ Hải gươm đàn nửa gánh giang sơn một chèo chưa kịp lên khuôn mừng Xuân Ất Mão. Cuốn blocknote trong phòng nhóm Triết, tập bản thảo ngãu hứng mà những người vào ra qua lại viết những vần câu bất hủ giờ vẫn còn nằm trong một góc trí nhớ nào đó. Cánh cửa vào bằng sắt đã đóng lại và người nhớ mật mã số để mở cửa cũng không còn. Tủ sách gom góp từ các cơ quan Văn Hoá Á Châu, Alliance Francais và một số sách trong các tủ sách gia đình cũng đã không còn được mở ra. Hơn trăm thành viên của nhóm Triết, đa phần là những người muốn kiếm một hai chứng chỉ để nâng cao thu nhập cho ngân sách gia đình, giờ này chắc cũng không nhiều người còn nhìn thấy ánh mặt trời.

Căn phòng nhỏ, với chiếc bàn bureau thủng lỗ vì cú đá biểu diễn võ thuật của một trưởng lão, với bình hoa cạn nước, những cánh hoa cẩm chướng khô quắt, không khí pha mùi ẩn thấp và ánh sánh néon hiu hắt, bỗng như lại hiện đến thật gần như tôi đang ngồi trong đó, viết những dòng này cho tất cả những ai, còn lại hay đã ra đi như một sự sẻ chia những gì còn lại sau hơn ba mươi năm tản lạc.

 
 

Phan Nhật Tân