QUÁN HƯU, THI TĂNG THỜI VÃN ĐƯỜNG*

Phan Nhật Tân dịch

 
 
 

Quán Hưu, tên chữ Ẩn Đức, lại có tên khác là Đức Viễn, người làng Đăng Cao, Lan Khê thuộc Vụ Châu (nay là Kim Hoa, Chiết Giang). Ông họ Khương, sinh vào thời Đường Anh Tông Lý Ngang năm Thái Hoà thứ 6 (832), vốn dòng dõi Nho gia nổi tiếng nhiều đời. Năm bảy tuổi, gia cảnh suy vi, cha mẹ phải đem gửi ông vào chùa An Hòa Lan Khê bái Thiền Sư Viên Trinh làm thầy, được đặt pháp danh Quán Hưu. Từ ấy học tụng Diệu Pháp Liên Hoa Kinh mỗi ngày một ngàn chữ, vài tháng sau đã thuộc nằm lòng. Ngoài việc tụng kinh, ông còn tìm học những bài thơ cổ điển, siêng năng luyện tập thư pháp. Thích làm thơ, ông thường cùng các thị đồng ở các viện xung quanh xướng họa, bàn luận về thơ, ngâm nga tìm tòi những câu thơ hay, mọi người đều cho là kỳ tài (trở nên nổi tiếng là tu sĩ thi nhân thời Vãn Đường.)

Năm mười lăm tuổi đã nổi tiếng thơ hay. Năm hai mươi tuổi, sau khi thọ giới cụ túc, ông đến Hồng Châu (nay là Nam Xương) vào chùa Khai Nguyên nghe giảng về Kinh Pháp Hoa. Vài năm sau được mời đăng đàn để giảng về Pháp Hoa Kinh và Đại Thừa Khởi Tín Luận (xem Tống Cao Tăng truyện, tiểu sử Quán Hưu).

Vì ông hiểu sâu ý nghĩa và yếu chỉ của kinh, lại siêng năng giảng dạy, nên tất cả sĩ thứ trong và ngoài vùng đều rất khâm phục. Ở Hồng Châu ba năm, sau lại đến Kim Lăng (nay Nam Kinh thuộc Giang Tô). Đến thời Ý Tông Lý Thôi năm Hàm Thông thứ 3 (862), đến Chung Lăng (nay là Tiến Hiền Giang Tây) rồi lại quay về Hồng Châu, dừng lại ở đây hơn sáu năm. Đến năm 40 tuổi lại quay về Chung Lăng, chẳng được bao lâu lại đi về phía đông đến Thiền Viện Định Thủy trên núi Hoài Ngọc tỉnh Giang Tây: “yêu là rừng cây xào xạc, đá và nước liền với mây trời, dựng phòng đọc sách, ở giữa non cao” (xem Ngũ Đăng Hội Nguyên , Thích Phổ Tế .) Sau ông lại quay về quê cũ ở Lan Khê.

Đời Hi Tông Lý Huyên năm Quảng Minh thứ nhất (880), quân Hoàng Sào tấn công Lan Khê, Quán Hưu chạy về Tỳ Lăng để tránh nạn binh lửa (nay là Vũ Tiến, Giang Tô). Năm sau đó, bốn mươi chín tuổi, ông đã đến Ngô Huyện, Giang Tô, ở trên núi Lăng Già. "Cuối năm binh xa đầy đường, hầu vương nổi dậy ở Vô Chủng, Vân Lôi, xây đồn đắp lũy ra uy tạo phúc." Trong khoảng thời gian này, Quán Hưu đi khắp các đất Yên, Dự, Ký, Tần, trèo lên Hoa Sơn trong rặng Tây Nhạc, tự xưng là Tây Nhạc tăng. Năm 58 tuổi lại quay về phía Đông đến Chiết Giang, trên đường qua vùng ruộng ven sông Hoài lúc tuổi sắp 60, trở lại núi Lăng Già, sau qua Hàng Châu ở tại chùa Linh Ẩn.

Bấy giờ Tiền Liêu tự xưng là Ngô Việt quốc vương, Quán Hưu muốn gặp họ Tiền, nên làm một bài thơ ra mắt như sau:

貴 逼 身 來 不 自 由,
幾 年 勤 苦 蹈 林 丘
滿 堂 花 醉 三 千 客,
一 劍 霜 寒十 四 州。
萊 子 衣 裳 宮 錦 窄,
謝 公 篇 詠 綺 霞 羞。
他 年 名 上 凌 煙 閣
豈 羨 當 時 萬 戶 侯

Quý bức thân lai bất tự do
Kỷ niên tân khổ đạp sơn khâu
Mãn đường hoa tuý tam thiên khách
Nhất kiếm sương hàn thập tứ châu
Lai tử y thường cung cẩm trách,
Tạ công thiên vịnh ỷ hà tu
Tha niên danh thượng lăng vân các
Khởi tiện đương thời vạn hộ hầu

Thân chẳng tự do, tiếng buộc ràng
Mấy năm bươn chải khắp đồi non
Sân hoa rộng say ba ngàn khách
Mười bốn châu lạnh một đường gươm
Gấm quý chẳng vừa xiêm Lai Tử (1)
Thơ xoàng nào dám vịnh Tạ trang (2)
Mai này tên để Lăng Vân các
Tước hầu vạn hộ há thèm vương?


Tiền Liêu (852-932) có ý muốn xưng đế, cho rằng câu “nhất kiếm sương hàn thập tứ châu” không nói hết chí nguyện của mình, bèn nhắn người bảo Quán Hưu sửa thành “tứ thập châu” sẽ được tiếp kiến. Quán Hưu trả lời: “châu kia khó thêm, chữ kia khó đổi, mây ngàn hạc nội, trời nào mà chẳng bay được” (3) rồi giũ áo ra đi, bỏ Hàng châu, theo lối Hoán Nam đi về vùng hai huyện Ý và Hấp. Sau lại trở về Hàng châu, ngụ tại Tây Sơn Vân đường viện.

Năm Can Ninh thứ nhất đời Chiêu Tông (894), Quán Hưu lúc ấy 62 tuổi rời Hồng Châu vượt qua Động Đình Hồ đến Kinh Châu (nay thuộc Giang Lăng, Hồ Bắc) tìm gặp Kinh Nam Tiết Độ Sứ là Thành Nhuế, gặp lúc Thành Nhuế tổ chức ăn mừng thọ, thơ chúc mừng có hàng trăm bài, Quán Hưu cũng gởi thơ mừng.

Thành Nhuế sai quan là Trịnh Hoài (đậu tiến sĩ năm Can Ninh thứ nhất, là nhà văn nổi tiếng cuối nhà Đường) bình phẩm các bài thơ mừng. Trịnh Hoài ghen thi danh của Quán Hưu, nên thơ của ông bị xếp vào hạng ba. Quán Hưu nghe tin rất giận, nói: “bình thơ như thế, sao được lâu dài?” Sau Thành Nhuế hỏi Quán Hưu về thư pháp, Quán Hưu cố ý trả lời: “chuyện đó phải lập đàn xin thọ giáo, đâu thể nói qua loa.” Thành Nhuế nổi giận bắt Quán Hưu đi đày ở Công An, Hoài Bắc.

Lúc Quán Hưu ở Kinh Châu, gặp nhà thơ nổi tiếng đương thời là Ngô Dong (tiến sĩ năm Chiêu Tông Long Kỷ thứ nhất, vì chuyện nhà mà bỏ làm quan, về ở Kinh Châu), bèn đem tập thơ Tây Nhạc tập của mình nhờ Ngô Dong viết lời giới thiệu. Ngô Dong vui vẻ đề tựa (đó là năm Quang Hoá thứ 2 tức năm 899.)

Sau khi Thành Nhuế bị mất chức, Quán Hưu lại về Kinh Châu, gặp Kinh Nam Tiết Độ Sứ là Cao Quý Hưng (858-928). Họ Cao dùng ưu lễ tiếp đãi, mời đến trụ ở chùa Long Hưng. Lúc ấy quần hùng cát cứ, binh lửa nhiễu nhương, vuờn ruộng hoang vu, trăm họ lưu ly, Quán Hưu cảm nhận được điều ấy, làm bài Khốc Lại từ để chỉ trích họ Cao như sau:

酷 吏 詞 霰 雨灂 灂,風 吼 如 劚。有 叟 有 叟,暮 投 我 宿。吁 嘆 自 語,云 太 守 酷。如 何 如 何,掠 脂 斡 肉。吳 姬 唱 一 曲,等 閑 破 紅 束。韓 娥 唱 一 曲,錦 段 鮮 照 屋。寧 知 一 曲 兩 曲 歌,曾 使 千 人 萬 人 哭。不 惟哭,亦 白 其頭,飢 其 族。所 以 祥 風 不 來,和 氣 不 復。蝗 乎 蠈 乎,東 西 南 北。

Tản vũ trạc trạc, phong hống như chủ, hữu tẩu hữu tẩu, mộ đầu ngã túc, hô thán tự ngữ, vân thái thú khốc, như hà như hà, kinh chỉ quản nhục, ngô cơ xướng nhất khúc, đẳng nhàn phá hồng thúc, hàn nga xướng nhất khúc, cẩm đoạn tiển chiếu ốc, ninh tri nhất khúc lưỡng khúc ca, tằng sử thiên nhân vạn nhân khốc, bất duy khốc, diệc bạch kỳ đầu cơ kỳ tộc, sở dĩ tường phong bất lai, hòa khí bất phục, hoàng hồ tặc hồ, đông tây nam bắc.

Mưa dầm xào xạc, gió gào như chặt, có một ông già, chiều xin tá túc, than thở một mình, rằng thái thú độc, như vầy như vầy, cướp dầu khoét thịt, gái Ngô ca một khúc, điều đoạn hao cả trục, gái Hàn ca một khúc, lụa gấm chiếu sáng nóc, nên biết một khúc hai khúc ca, từng làm ngàn người vạn người khóc, chẳng những đã khóc, lại bạc cả đầu, đói cả tộc (họ), thảo nào gió mát không bay, hòa khí chẳng lại, giặc châu chấu đầy cả đông tây nam bắc.


Khi Cao Quý Hưng đọc được thơ nổi giận, tước hết quyền lợi đuổi ông đi.

Từ lúc gặp Tiền Liêu đến giờ, vốn tính ngay thẳng nên Quán Hưu đã ba lần bị biếm, tâm tình uất ức, vì thế ông làm bài Nghiễn Ngoã (cái nghiên bằng ngói) để nói lên nỗi niềm riêng:

淺薄雖頑樸,其如近筆端,低心蒙潤久,入匣更身 安。應 念 研 磨 苦,無 為 瓦 礫 看。倘 然 仁 不 棄,還 可 比 琅 矸。

Thiển bạc tuy ngoan phác, kỳ như cận bút đoan, đê tâm mông nhuận cửu, nhập hạp cánh thân an, ưng niệm nghiễn ma khổ, vô vi ngõa lạc khan, thảng nhiên nhân bất khí, hoàn khả tỉ lương can

Tuy mỏng manh thô phác, nhưng được gần ngọn bút, đáy lòng thấm đã lâu, muốn yên nằm trong hộp, thầm nghĩ mài nghiên khổ, đừng như ngói gạch xem, cầm bằng người không chê, xứng đáng gọi nghiên tốt.

Năm Thiên Phúc thứ nhất (901), Quán Hưu nghe đệ tử nói: “vùng Mân Nga cảnh lạ, có sông núi u kỳ, bốn biển đang tao loạn, chỗ ấy chẳng hề chi.” Có đệ tử còn nói đến Tam Hiệp (ba dòng sông gặp nhau) cùng âm với chữ hạp, hộp (nhập hạp cánh an thân) khuyên thầy nên mau vào đất Thục. Quán Hưu cũng có ý ấy, nên năm sau đó dù tuổi đã bảy mươi, cũng ngược dòng từ bỏ Giang Lăng, đến Tam Hiệp, qua Tỷ Quy, Trùng Khánh đến Thành Đô. Đến nơi than rằng “Thường nghe Đại Thục, khai cơ sáng nghiệp, bao trùm cả phía tây, nếu không có người quân tử, làm sao có được nước non?”

Đầu tiên vào ra mắt khai quốc hoàng đế Tiền Thục là Vương Kiến (847-918) “cúi đầu làm lễ không tịch, tiếp theo dâng một bài thơ.” Thơ rằng:

“Hà Bắc, Giang Đông lắm nạn tai, Chỉ nghe toàn Thục chẳng trần ai,
Một bình một bát già rồi nhỉ, ngàn núi ngàn sông ghé thử chơi.”
(Hà bắc, Giang đông xứ xứ tai, duy văn toàn Thục vật trần ai, nhất bình nhất bát thùy thùy lão, thiên sơn thiên thủy đắc đắc lai 河 北 江 東 處 處 災,惟 聞 全 蜀 勿 塵 埃。一 瓶 一 缽 垂 垂 老,千 山 千 水 得 得來。)

Vương Kiến mới dựng nghiệp, muốn chiêu mộ hiền sĩ thiên hạ, được lời thơ khen tặng, lại thấy ông tuổi cao phải vất vả đường xa, nên dùng trọng lễ đón tiếp, ban tặng thật nhiều. Theo đệ tử của Quán Hưu là Đàm Vực (cũng là một thi tăng nổi tiếng thời Ngũ Đại thập quốc) ghi lại trong lời bạt của Thiền Nguyệt tập như sau: “Cao Tổ (Vương Kiến) tặng lễ còn nhiều hơn Tần Chủ là Phù Kiên (338-385) tặng đãi Đạo An (312-385), vượt qua cả nghi lễ Triệu Vương (Thạch Lặc 274-333) đón Đồ Đăng (232-348), tặng cho áo cà sa màu tía, lưu trú ở Đông Thiền Viện tại Thành Đô ( nền cũ nay là đường Bá Ki ở cửa thành Bắc củaThành Đô.) Năm Thiên Hựu thứ nhất (905), Quán Hưu đã 72 tuổi giảng kinh ở chùa Đại Từ phía cửa đông của Thành Đô, Vương Kiến tự mình dẫn các quan đến nghe, Quán Hưu có làm bài thơ ghi lại có tên “Vua Thục đến chùa Đại Từ nghe giảng kinh.”

Quán Hưu thường có thơ rằng:

“Khách thiền gặp có cơ thiền,
mấy ai biết được tâm thiền ra sao?”

禪 客 相 逢 只 彈 指,此 心 能 有 幾 人 知?

Có một vị tăng tên Đại Tùy hỏi rằng: “Tâm ấy ra sao?”
Quán Hưu không trả lời.
Quán Hưu có viết bài Đại Ẩn Quy Giám như sau:

Tại trần xuất trần hà xử thân, kiến thiện nỗ lực ác mạc thân, túng cư ám thất như đối đại tân, lạc tình dưỡng tính phùng ách thủ bần, như ngu bất ngu tu nhân đắc nhân, khiêm nhượng vi bản cô cao tác lân, thiểu xuất vi quý thiểu ngữ tối trân, học vô phế nhật thời tập như tân, vinh nhục thận động thị phi vật tuân, thường thiết trách kỷ thiết vật vưu nhân, bão phác ngoạt túc hưng văn ách trần, cổ thánh thượng nhĩ ngô đồ hề thân an văn thế tục tự tại thiên chân, kỳ tai khoái tai thản đãng di thần.

禪月大師 大隱龜鑑

在塵出塵如何處身。見善努力聞惡莫親。
縱居暗室如對大賓。樂情養性逢危守貧。
如愚不愚修仁得仁。謙讓為本孤高作鄰。
少出為貴少語最珍。學無廢日時習知新。
榮辱慎動是非勿詢。常切責已切勿尤人。
抱璞刖足興文厄陳。古聖尚爾吾徒奚伸。
安聞世俗自任天真。奇哉快哉坦蕩怡神。

Dịch:

Sinh trong trần thế - Làm sao tu thân?
Chuyện thiện gắng làm – Việc ác đừng gần
Dù trong phòng ngủ - Như khách đến thăm
Giống khờ chẳng khờ - Tu nhân gặp nhân
Nhún nhường là quý – Thanh sạch kết thân
Ít ra ngoài tốt – Ít nói là trân
Đừng bỏ việc học – Ôn luyện mới cần
Vinh nhục cẩn thận – Trái phải chớ phân
Thường thấy mình lỗi – Đừng cứ trách nhân
Giữ ngọc chân đứt – Dạy chữ nạn Trần*
Người xưa đã gặp – Các trò lưu tâm
Lặng xem đời tục – Sống với thiên chân
Lạ thay vui thay – Khoẻ trí an thần

________________
* Biện Hoà bị chặt chân, Khổng Tử bị bỏ đói.

Năm Thiên Hựu thứ hai (905) trong tháng Hai, Vương Kiến thăm thiền viện Long Hoa, cho gọi Quán Hưu đến, ban hiệu là Thiền Nguyệt Đại Sư cùng thưởng trà, gấm vóc , yêu cầu Quán Hưu ngâm tụng để cảm ơn. Lúc đó có cả các vương là con cháu của Vương Kiến đi theo, Quán Hưu có ý muốn răn dạy nên làm bài Công Tử hành như sau:

錦 衣 鮮 華 手 擎 鶻,
閑 行 氣 貌 多 陵 忽。
稼 穡 艱 難 總 不 知,
五 帝 三 皇 是 何 物。

Cẩm y tiển hoa thủ kình cốt,
Nhàn hành khí mạo đa lăng hốt,
Giá tường gian khổ tổng nan tri,
Ngũ Đế Tam Hoàng thị hà vật

Áo gấm thêu tay bồng chim quý,
Nghênh ngang đi mặt ngước lên trời,
Xây tường khổ lắm ai ơi,
Tam Hoàng Ngũ Đế rốt rồi là chi?”


Vương Kiến cố nhịn, nhưng từ ấy quà biếu dần ít đi, các công tử cũng có lòng oán hận. Do thế mà biết cách đối nhân xử thế của Quán Hưu.

Năm Vĩnh Bình thứ nhất (911), Đông thiền viện đổi tên là Long Hoa thiền viện (sau lại đổi tên là chùa Kim Thằng, lấy ý trong kinh Pháp Hoa dùng vàng làm thừng, nay là trường Trung Học số 6 ở Thành Đô,) Vương Kiến đem lễ mời Quán Hưu làm trú trì, các vua Tiền Thục đối với Quán Hưu càng tặng têm nhiều lễ vật, khác hơn lệ thường. Thái tử Vương Diễn (?-926) từng theo lời cha dặn mời Quán Hưu đến cung Kim Hoa trên núi Thanh Thành thuộc huyện Đạo Giang (nay là thị trấn Đô Giang Yển) cách Thành Đô hơn trăm dặm để vẽ chân dung cho thái hậu và thái phi. Sau khi vào Thục, Quán Hưu được hưởng nhiều ân huệ, nên ảnh hưởng cũng lan rộng, ông làm bài Cổ Phúc khúc (Vỗ Bụng mà hát) như sau:

“Ta xưa chẳng may hề, trăm điều sợ, 我 昔 不 幸 兮 遭 百 罹,
Trời xanh thương ta hề đến lúc đỡ, 蒼 蒼 留 我 兮 到 好 時;
Tai nghe chuông trống hề, thêm thịt da, 耳 聞 鍾 鼓 兮 生 豐 肌,
Tóc bạc lại xanh hề, tự chẳng biết…” 白 發 卻 黑 兮 自 不 知。


Các danh hiệu mà Quán Hưu được ban tặng gồm có: “Đại Thục quốc Long lâu thị chiếu, minh nhân biện quả công đức đại sư; Tường vân điện dẫn giá nội cung phụng kinh luật đạo môn tuyển luyện giáo thụ; tam giáo huyền dật đại sư, thủ lưỡng Xuyên tăng chúng đại sư, thực ấp tam thiên hộ tứ tử đại sa môn”.

Năm Vĩnh Bình thứ hai (912) vào tháng chạp, Quán Hưu thị tịch tại Long Hoa thiền viện. Lúc sắp mất gọi đệ tử Đàm Vực và các người khác lại dặn rằng: “Người xưa có nói: đất là giường hề, trời là màn, vật sao nhỏ hề, vật sao lớn, muốn thỏa lòng hề tự vui thỏa, thân với danh hề đừng nhờ vả; ta sống đến nay cũng đủ lâu, xét mình giơ tay nhấc chân không có điều gì đáng xấu hổ; các ông nên lấy chuyện đời của ta mà tự soi mình, đem ta ra ngoài thành sắp cỏ mà chôn, lấy giấy mà đậy, cẩn thận đừng làm kinh động dân chúng.” Dứt lời thì mất, tuổi đời 81, tuổi đạo 61 hạ lạp.

Thục chủ rất buồn thương ra lệnh hậu táng. Đàm Vực thưa có di ngôn của ân sư, Vương Kiến không đồng ý nói: ta là vua, muốn chuyện ấy chẳng được sao? Tháng 3 năm sau xây xong tháp cho Quán Hưu ở chân núi Thanh Thành, Vương Kiến đặt tên là Bạch Liên Tháp, nay không còn nữa.

Hậu Thục Vương Diễn năm Càn Đức thứ 5 (923), Đàm Vực sưu tập các tác phẩm của ân sư để lại hơn một nghìn bài, chép thành 30 quyển, đặt tên là Thiền Nguyệt tập (Trăng Thiền), lại soạn lời bạt, khắc vào gỗ rồi in ra. Đến nay các nhà nghiên cứu về Quán Hưu chỉ còn tìm được 25 quyển, Toàn Đường Thi chép lại được 12 quyển.

Nội dung tập Thiền Nguyệt rất đa dạng, có khi là những bài thơ trong lúc tiễn đưa, hay cảm tác lúc đi và đến, hoặc nỗi niềm khi ở trong núi, hay những bài thơ xin gặp mặt, nhưng quan trọng hơn cả là những bài tả chân, nói lên thực trạng của xã hội như Khốc Lại từ ( Quan ác độc), Công Tử hành, hoặc Khinh Bạc thiên:

Lụa (như) rừng gấm (như) ruộng, dung mạo thanh xuân đều bức được
Chàng trai nhà ai vó ngựa lộp cộp
Đá gà đua chó cả đêm chẳng về, vẫn tươi như hoa dù thua canh bạc
Thiếp yêu thỏ thẻ: chẳng cuồng chẳng điên tiếng làm sao rền! Đáng buồn thay!


(Tú lâm cẩm dã, xuân thái tương áp, Thùy gia thiếu niên, mã đề đạp đạp, Đấu kê tẩu cẩu dạ bất quy, nhất trịch đổ, khước như hoa, Thiếp thùy vân: bất điên bất cuồng, kỳ danh bất chương. Bi phù! Mộc lạc tiêu tiêu, trùng minh tức tức. Bất giác châu yên kiểm hồng, sương kiếp mấn tất. Thế đồ đa sự, khấp hướng thu nhật. Phương kim thiểu tráng bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi, như hà? 《輕 薄 篇 二 首》 繡 林 錦 野,春 態 相 壓。誰 家 少 年,馬 蹄 蹋 蹋。鬥 雞 走 狗 夜 不 歸,一 擲 賭 卻 如 花 妾。誰 云 不 顛 不 狂,其 名 不 彰,悲 夫!木 落 蕭 蕭,蟲 鳴 唧唧。不 覺 朱 蔫 臉 紅,霜 劫 鬢 漆。世 途 多 事,泣 向 秋日。方 今 少 壯 不 努 力,老 大 徒 傷 悲,如 何?)

Hay như trong bài Phú Quý khúc (Trách nhà giàu)

“Như thần như tiên, giống lan giống tuyết
Vui không có lúc cùng, chơi không hay lúc hết
Chỉ e tạm dừng hoa rụng rơi, hận không nắm giữ được minh nguyệt
Thịt cao bằng Thái sơn ăn chẳng còn, rượu đầy như Đông hải uống cũng kiệt,
Cùng giai nhân say uống, gõ trâm ngọc gãy hết
Có biết người cày ruộng tát nước, ngày ngày dang nắng lưng cháy khét!”


(Như thần nhược tiên, tự lan đồng tuyết, lạc giới vu cực, hồ bất tri chuyết, chỉ dục cánh chuyết thượng lạc hoa, hận bất năng bả trụ minh nguyệt, thái sơn nhục tận, đông hải tửu kiệt, giai nhân túy xướng, xao ngọc thoa chiết, ninh tri vân điền xa thủy ông, nhật nhật chích bối dục liệt! 富貴曲 -- 如 神 若 仙,似 蘭 同 雪。樂 戒 於 极,胡 不 知 輟。只 欲 更 輟 上 落 花,恨 不 能 把 住 明 月。泰 山 肉 儘,東 海 酒 竭。佳 人 醉 唱,敲玉 釵 折。寧 知 耘 田 車 水 翁,日 日 炙 背 欲 裂!”)

Hay như bài Kỷ Lương thê:

杞 梁 妻
秦 之 無 道 兮 四 海 枯,
築 長 城 兮 遮 北 胡。
築人築土一萬 里,
杞 梁 貞 婦 啼 嗚 嗚。
上 無 父 兮 中 無 夫,
下 無 子 兮 孤 復 孤。
一 號 城 崩 塞 色 苦,
再 號 杞 梁 骨 出 土。
疲 魂 飢 魄 相 逐 歸,
陌 上 少年 莫 相 非。

Tần vô đạo hề tứ hải khô,
trúc trường thành hề già bắc ngung,
trúc nhân trúc thổ nhất vạn lý,
kỷ lương trinh phụ đề minh minh,
thượng vô phụ hề trung vô phu,
hạ vô tử hề cô phục cô,
nhất hiệu thành bang tái sắc khổ,
tái hiệu kỷ lương cốt xuất thổ,
bì hồn cơ phách tương dục quy,
mạch thượng thiếu niên mạc tương hối

Tần vô đạo hề bốn biển khô
Xây trường thành hề chặn cửa bắc
Đắp người đắp đất một muôn dặm
Đàn bà Kỷ Lương khóc tấm tức
Trên đã mất cha giữa mất chồng
Dưới lại mất con thân cô độc
Tù và một tiếng thành lở rồi
Tù và hai tiếng xương cốt phơi
Hồn mê phách mỏi muốn lìa xác
Tuổi trẻ trên đường thôi đùa chơi


Hoặc trong bài Tái hạ khúc (Dưới cửa ải)

Từ bờ cát mặt trời lên
Từ bờ cát mặt trời lặn
Cỏ bồng bay đầy quân doanh
Chim điêu sợ bay cao vút
Quê nhà vua ngồi lầu xanh rèm che trướng phủ
Vui ca hân hoan thưởng trăng hoa
Có biết ải xa người nhớ quê
Ngày ngày mắt nhỏ máu tươi với lệ nhòa


(Nhật hướng bình sa xuất, hoàn hướng bình sa một, phi bồng lạc quân doanh, kinh điêu khứ thiên mạt, Đế hương thanh lâu y tiêu hán, ca suy hân thiên đối hoa nguyệt, khởi tri tái thượng vọng hương nhân, nhật nhật song mâu trích thanh huyết “日 向 平 沙 出,還 向 平 沙 沒。飛 蓬 落 軍 營,驚 雕 去 天 末。帝 鄉 青 樓 依 霄 漢,歌 吹 掀 天 對 花 月。豈 知 塞 上 望 鄉 人,日 日 雙 眸 滴 清 血。”)

Tả cảnh trong núi có bài Chung Nam sơn

Danh lợi ngất trời lại chẳng hay
Cơm cây áo cỏ ngày qua ngày
Chợt nghĩ tuyết dày thêm một trượng
Người tiên đến gõ cửa đêm nay

(Thanh lợi hân thiên cánh vị văn, thảo y mộc thực độ triêu hôn, dao tư sơn tuyết thâm nhất trượng, thời hữu tiên nhân lai đả môn “聲利掀天竟未聞,草衣木食度朝昏。遙思山雪深一丈,時有仙人來打門。")

Trên đây là một vài bài thơ qua đó ta có thể hé nhìn thấy phong cách của Quán Hưu.
Tóm lại trong tập Thiền Nguyệt tuy có rất nhiều bài ứng thù, khen tặng, nhưng không bài nào có những lời a dua nịnh hót, mà ý nghĩa của chúng là những ngọn roi quất vào các thói dâm dật xa hoa của giới thống trị, nhất là những bài về cuối đời, đồng cảm với các tầng lớp bình dân nghèo hèn.

Quán Hưu thân hình thấp béo, tính cách cứng cỏi, hay đùa bỡn, rất tự phụ về tài của mình, không chấp nhất tiểu tiết, có khi đi ở giữa phố phường vẫn thản nhiên cắn nuốt trái cây. Cách dùng chữ mạnh bạo, phẩm hạnh thanh cao trong sạch, nên sau khi mất sĩ thứ trong thành không ai không buồn thương.

Tuyển tập Tân Văn Phòng thời Nguyên có tên Đường tài tử truyện bình luận như sau: "Tính của ông ngay thẳng có một không hai trong đời, ý độ cao xa mà cay độc, học vấn sâu rộng, trời cho tài năng mẫn tiệp, ngọn bút thổ ra khí rất bén nhọn, là người giỏi nhất về loại thơ nhạc phủ thời bấy giờ, tuy thích cầu những ý lạ nhưng như có thần giúp, nên người chịu thua dưới tay rất nhiều. Xưa nghe ông bị rồng rắn dẫm đạp, không dễ gì chịu đựng nổi, quả ông là một người có tài trong giới tăng nhân vậy.”

Văn nhân nhã sĩ các thời đại phê bình ông rất cao, như Tuyên Hòa thư phổ khen thơ ông "có nhiều câu lạ, làm thích thú khẩu vị". Tống cao tăng truyện nói thơ ông ngầm vị châm biếm, trọng về dạy bảo, thể điệu không thua nhị Lý (Lý Bạch, Lý Thương Ẩn) Bạch (cư Dị) Hạ (tri Chương). Ngô Dong trong lời giới thiệu Tây Nhạc tập nói: "Tác phẩm của thượng nhân, phần nhiều nói về lý lẽ, lại hay có ý lạ, dùng chữ lại tự nhiên như lúc cảnh vật còn hỗn mang, cuối cùng ý lại hợp với lẽ đạo..., sau khi Lý Bạch lên trời, người có thể tiếp nối vẻ đẹp ấy, ngoài thượng nhân ra còn có ai?"

Thư pháp của Quán Hưu ngoài triện, lệ, thì chữ thảo là đẹp nhất. Thích Văn Sở ghi trong Tuyên Hòa thư phổ như sau: "Xưa Lưu Kinh viết Thư Hỗ khen Hoài Tố (625-698) là ngọc, Biện Quang là châu, Cao Nhàn là vàng, Quán Hưu là pha lê, Á Thê là thủy tinh, đều là những người giỏi nắm bắt ( yếu lĩnh). Trong Ích châu họa tập phần về Thiền Nguyệt đại sư cũng ghi: (là) người được sánh với Hoài Tố.

Thư pháp của Quán Hưu học theo Hoài Tố, ông cũng ngưỡng mộ Hoài Tố, từng làm bài ca "Xem chữ thảo của Hoài Tố", lời như sau:

Trương điên điên sau điên mà chẳng điên, mãi đến Hoài Tố điên mới thực là điên
Thế chảy trôi hề không thể dừng, trong cơ trời ẩn dấu bén nhọn
Như ánh điện chớp bay cạnh sấm sét, trong thân bách già nhuốm hơi thở loài rồng
Ví như sau trận đánh lớn trên sa trường, thương gãy tên nát nằm ngổn ngang
Thầy Hoài Tố, thầy Hoài Tố, nếu không phải là sao trời hạ sinh, tức phải là sông núi dựng hình
Ta e rằng lấy núi làm mực hề mài nước biển, trời làm bút hề viết đầy đất, mới tạm tả được ý cuồng tăng
Thường hận vô duyên không gặp thầy
Thấy chữ một phen đành than thở.

“張 顛 顛 後 顛 非 顛,直 至 懷 素 之 顛 始 是 顛。
勢 奔 騰 兮 不 可 止,天 機 暗 轉 鋒 芒 里。
閃 電 光 邊 霹 靂 飛,古 柏 身 中 涅 龍 死。
乍 如 沙 場 大 戰 後,斷 槍 橛 箭 皆 狼 藉。
懷 素 師,懷 素 師,若 不 是 星 辰 降 瑞,即 必 是 河 岳 孕 靈。
我 恐 山 為 墨 兮 磨 海 水,天 與 筆 兮 書 大 地,乃 能 略 展 狂 僧 意。
常 恨 與 師 不 相 識,一 見 此 書 空 嘆 息!”

Chữ cuồng thảo của Quán Hưu cùng một lối với Trương Húc, Hoài Tố, nhưng lại có phong cánh riêng biệt. Người ta lấy họ của ông đặt tên cho kiểu chữ ấy là Khương bản, thời Tống còn giữ được nguyên bản. Tuyên Hòa thư phổ chép: "Nay ở trong cung vua còn giữ được 8 bức mặc tích: gồm một bức thảo thư tên Thường Thị Thiếp, 6 bức tên Thiên Văn, một bức hành thư tên Mộng Du Tiên thi." Đáng tiếc không còn bất cứ bản nào giữ được đến ngày nay, thật là một chuyện thật đáng ân hận.

Tranh La Hán của Quán Hưu**

Quán Hưu được nhiều người biết đến là nhờ tài hội họa của ông. Ông sở trường về vẽ tranh Phật giáo, được gọi là "người vẽ la hán", cũng giỏi về tranh thủy mặc, vẽ chân dung không màu và vẽ có màu, lại có thể chỉ dùng một thứ mực mà vẽ trúc, cây, chim sẻ v.v... xem giống như tranh năm màu. Tống cao tăng truyện chép: "Hưu giỏi dùng bút nhỏ, rất giỏi về lục pháp", tiểu bút tức bút vẽ, lục pháp theo Tạ Hách là 6 yếu quyết vẽ: vận khí sinh động, dùng bút dựng khung xương, ứng theo vật mà vẽ cho giống, tùy theo loại mà thêm màu đậm nhạt, bố cục, và truyền chân. Quán Hưu học vẽ với Diêm Lập Bản (?-673), thủ pháp gần giống với Uất Trì (hai danh họa thời Đường của Điền quốc là hai cha con Uất trì Bạt Chất Na và Uất Trì Ất Tăng), đã đạt được tinh tủy tự thành một phái riêng. Sau này đời Thanh, danh họa Trần Lão Liên (1599-1652) người Chư Kỵ, Chiết giang chuyên vẽ phong cảnh theo hướng của Quán Hưu.

Những bức vẽ la hán của Quán Hưu thường có sắc thái Ấn độ, khuôn mặt và thân hình đặc biệt "đầu to trán nhăn, mắt sâu mũi lớn, hay trán to cổ gầy, da xanh đen như người Di người Liêu, người trông thấy thường ngại nhìn lâu". Ông dùng bút pháp cao cổ du ti để vẽ các nếp áo của tranh la hán, nét bút tròn đầy ít bị ngưng trệ, lại đầy đủ khí vị nhàn nhã của người xưa. Các cảnh đá núi trong tranh thường có nhiều nét cong nét chặt, được hòa chung với độ sáng thích hợp. Người xem hỏi ông làm sao vẽ được tranh la hán, ông trả lời là nằm mộng thấy được. Lại nói: "…mỗi lần vẽ một bức, phải nguyện xin được thấy rõ dung mạo, mới thành" nên người thường gọi tranh của ông là "ứng mộng la hán". Tuyên Hòa họa phổ phê rằng: "Quán Hưu nói là mộng gặp, nghi là mượn cớ để thần hóa tranh của mình, ý nói là không còn vị trần thế nữa." Trương thế Nam trong Du quan ký văn ghi lại lúc Quán Hưu vẽ tranh: mỗi lần nhập định xong, bút theo ý chuyển, đều là khuôn mặt thực, không mang vẻ thế gian, lúc vẽ, bèn tự soi bóng mình trên mặt nước, so bóng mình và hình trong tranh, đến khi buông bút, nên mượn lời nói là đã thấy từ trong mộng. Từ đó biết được Quán Hưu dùng dung mạo của mình làm mẫu để vẽ tranh la hán. Vào khoảng thời Khang Hi nhà Thanh, kiểm thào hàn lâm viện là Ngô Nhậm Thần (người Hàng Châu, Chiết giang) kể lại một câu chuyện trong phần Tiền Thục quyển Thập quốc Xuân Thu như sau: “Quán Hưu thường nằm mơ gặp được 15 vị la hán, vẫn còn thiếu một, có người bảo rằng, (tướng của) thầy là vị thứ 16 vậy, vì thế mới vẽ bức Lâm thủy đồ cho đủ số.”

Tranh la hán của Quán Hưu khác với mọi người, người viết cho rằng vì ba nguyên nhân: một là tính sáng tạo riêng của người nghệ sĩ, hai là lúc ấy các vị tăng từ Tây vực sang Trung hoa đã gây ấn tượng sâu trong ký ức của ông, ba là để tăng thêm phong cách thần bí và sức thu hút cho bức tranh, khiến người xem sinh long kính sợ. Sự thực trên từ Vương Kiến, Vương Diễn, dưới đến bốn chúng đệ tử, đều rất kính trọng các tranh la hán của ông, thường đến các bức tranh treo trong chùa Long Hoa ở Thành Đô, và Tây sơn Vân đường viện ở Nam Xương mà lễ bái.

Thời bắc Tống năm Chí Đạo thứ 2 (996), Thái tông Triệu quang Nghĩa ra chiếu buộc thiên hạ phải nạp các bản vẽ và sách vở cũ cất giữ trong dân gian, tri phủ Thành Đô là Trình Vũ vâng lệnh đem dâng 16 bức tranh la hán của Quán Hưu, trở thành bản lưu giữ của cung đình. Tuyên Hòa hoạ phổ chép: trong cung vua còn giữ 30 bản vẽ các nhân vật phật giáo, trong đó có 26 bức là tranh la hán. Đến cuối thời nam Tống, trong dân gian vẫn còn giữ được vài bản chính thức và các bản sao tranh Quán Hưu. Trương thế Nam trong Du quan ký văn chép: "Ngoài bản chính còn hai bản sao. Tôi đã lên La hán các ở Định Thủy thiền viện trên núi Hoài nhọc tỉnh Giang tây, để xem xét rất kỹ những bản do chính Quán Hưu vẽ ra, mất hết cả ngày.” Thời Nguyên, chị của vua Nhân tông là công chúa nước Lỗ Tường Kha thích Cát (1226-1327) rất sùng mộ Phật giáo, có sưu tập các tranh la hán của Quán Hưu, còn viết bài ký lục Tàng họa ký. Nhà sưu tập tranh nổi tiếng thời Nguyên là Kiều Qũy Thành, thời Minh là Mao Tấn, đều đã từng lưu giữ tranh la hán của Quán Hưu. Đến đời Thanh trong cung Kiền Thanh có giữ 12 bức họa la hán, cùng một bản sao tranh Cổ Phật đồ của Quán Hưu do danh họa Ngô Đạo Tử vẽ.

Hơn một ngàn năm mưa gió bão bùng trôi qua, tất cả các bản vẽ và thư pháp của Quán Hưu không còn nữa, ngay cả mộ tháp cũng sớm bị vùi lấp trong lùm cây bụi cỏ hoang vu, cả cái tên Quán Hưu cũng không có mấy người biết đến. Các viện bảo tàng tại Nhật, Mỹ và Canada còn lưu giữ lại bản sao các tranh la hán của Quán Hưu, trong đó bản có niên đại sớm nhất được treo trong nội sảnh hoàng cung Nhật Bản vào thời Kamakura (1182-1338) gồm 16 bức vẽ sao tranh vào những năm đầu thời bắc Tống, do các nhà sư du học ở Trung Hoa đem về, nay rất là trân quý.

Lý Dực Xuyên
____________________________________________________________
* Nguồn: 唐 末 五代 禅 门 高 僧 贯 休 - hanshansi.org
http://www.hanshansi.org/download/zx/201005/201005f29.htm
** Tranh La Hán: 貫 休 與 十 六 羅 漢 圖 - 360doc.com
http://www.360doc.com/content/12/0218/22/699582_187700521.shtml

 
 

_______________________________________________________________________
1. Lai Tử : tục gọi Lão Lai, bảy mươi tuổi còn múa hát giả làm trẻ con để cho cha mẹ vui lòng.
2. Tạ Thiểu: có gia trang nổi tiếng về bố cục. Nguyên tác: Lai Tử y thường cung cẩm trách, Tạ công thiên vịnh ỷ hà tu.
3. Châu diệc nan thiêm, tự diệc nan cải, nhàn vân dã hạc, hà thiên bất khả phi da. (州 亦 難 添,詩 亦 難 改,閑 云 孤 鶴,何 天 不 可 飛 耶) Chữ hạc nội mây ngàn do Quán Hưu là người đầu tiên dùng đến.
4. Ảnh đính kèm