KHI EM ĐỨNG DẬY VÀ BƯỚC ĐI

 
 
 

Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh buổi sáng hôm đó, tuy đã nhiều năm trôi qua. Hoài đứng dậy, bước tới trước gương, sửa cổ áo một chặp, nghiêng người qua lại. Tôi thoáng thấy, hình như trước gương, có lúc nàng nheo mắt bên này, rồi nheo mắt bên kia. Có lúc nàng quay nhìn về hướng tôi đang ngồi xếp bằng, trên chiếc chiếu trải dưới đất, nơi một góc phòng, vì tôi nhường chiếc giường duy nhất trong phòng cho nàng nằm, trong những ngày nàng tới thăm Quận Cam.

Nàng nói, có vẻ như giọng ghìm lại cho khỏi bật lên tiếng khóc (trời ạ, tôi lại tưởng tượng, làm gì có chuyện như thế). Lúc đó, nàng nói, anh Hải ơi, em đi nhé. Hành lý nàng đã để sẵn nơi cửa phòng, chỉ là một va-li nhỏ thôi.

Tôi đứng dậy, nói rằng tôi muốn đưa nàng ra nơi một người bạn sẽ đón nàng đi.

Nàng nói không, vì người bạn kia sẽ tới tận nhà tôi đón nàng đi.

Khi tôi đứng gần nàng, trước gương, chợt thấy có một nếp nhăn nơi khóe mắt nàng. Hóa ra, không ai bước ra khỏi dòng thời gian được. Tự nhiên, lúc đó, tôi chợt khởi lên ước muốn hôn lên mắt nàng. Nhận ra ý nghĩ đó, tôi là tự cười mình, trời ạ, đã hôn thì phải hôn môi, chớ ai lại hôn mắt. Thực sự, tôi vẫn luôn luôn có một khoảng cách thân thể với nàng (theo những gì tôi nhớ là thế, nếu nhớ sai, có thể là chuyện kiếp trước).

Nàng ngẩng nhìn vào mắt tôi, nói bây giờ hai đứa mình nhìn vào mắt nhau nhé, xem ai chớp mắt trước.

Sao lại có trò chơi này nữa, tôi nghĩ, nhưng vẫn nhìn thẳng vào mắt nàng. Dĩ nhiên, tôi chớp mắt trước. Vì mình phải cố ý thua phụ nữ, trong bất kỳ trò chơi nào, tôi luôn luôn nghĩ như thế. Thêm nữa, tôi sợ, nhìn vào mắt nhau một chặp, có thể nàng sẽ khóc. Và tôi chỉ sợ, lúc đó tôi sẽ ôm nàng và sẽ nói, rằng anh sẽ giữ em ở đây luôn, sẽ bảo lãnh em sang đây ở luôn nhé. May quá. Mọi chuyện vẫn dừng kịp.

Khi nàng bước ra, tôi xách chiếc va-li theo, và đưa lên xe giúp nàng. Tôi thấy tay nàng cầm sẵn chiếc khăn mu-soa. Tôi đoán, có lẽ nàng sắp khóc. Khăn mu-soa vẫn là thói quen quê nhà, tôi nghĩ thế, bên này có đủ thứ khăn giấy rồi.

Đêm đó, tôi pha ly cà phê thật đậm, ngồi nhìn ra cửa sổ, nơi những vạt ánh đèn đường màu vàng hắt xuống, ngả nghiêng trên mấy cành lá lung linh.

Tôi viết xuống giấy mấy dòng thơ, rồi đẩy tờ giấy vào góc bàn. Buồn tới không muốn viết thêm.

Môi son còn in ly rượu
em đi rơi lại tiếng cười
làm sao tôi tìm được chữ
gỡ em tóc rối chân trời


Thực sự, trong phòng tôi không có chai rượu nào cả. Trước giờ, hễ có ai cho rượu, tôi đều cầm sang tặng tên Hòa. Cũng không có vết son nào in trên ly cả, vì nàng rửa ly tách rất sạch sẽ. Có lúc, nhìn nàng rửa ly, tôi nói đùa, những chiếc ly đó sẽ mỏi mòn, nhớ tới bàn tay của em. Đêm hôm đó, trên tờ giấy trắng, đôi mắt nàng hiện ra trong trí nhớ, tóc nàng bay và thoang thoảng như có hơi rượu. Tôi nghĩ, chắc mình sẽ bệnh mất vài ngày.

Đêm đó, tôi thức tới gần sáng mới ngủ được.

oOo
Lần đầu gặp nàng là xa thật xưa. Lúc đó, cô bé gầy gò, cỡ 9 hay 10 tuổi, Bắc kỳ thấy rõ từ kiểu tóc, áo bà ba trắng, quần trông giống như ống bó. Cô bé theo ba vào Sài Gòn, khi ông cụ vào thăm ba tôi. Hai ông cụ, sau 1975 mới gặp nhau. Thời xa xưa, theo lời ba tôi thỉnh thoảng kể lại với tôi (hễ mỗi lần kể, là có gì như là cảm động). Rằng ba tôi và ba của nàng là hai bạn thân hồi nhỏ, cùng quê Đức Dũng, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Những nơi đó, tôi chưa bao giờ bước tới.

Thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, dân quân nổi dậy, rồi quân Pháp vào đàn áp dữ dội. Ba tôi chạy vào Nam, xin được việc làm trong ngành xe lửa. Ba của cô bé Hoài chạy ra Hải Phòng, rồi chạy sang Tàu. Thế là hai bạn thân mất dấu.

Ba tôi kể, trong làng Đức Dũng chỉ có hai họ lớn, hầu hết hoặc mang họ Phan, hoặc mang họ Võ. Tôi vẫn thắc mắc, nhưng chưa bao giờ dám hỏi, vì những khi ba tôi kể, lúc nào cũng có cái gì rất cảm động của một người xa xứ nhiều thập niên – rằng, lẽ ra là họ Vũ, sao Hà Tĩnh lại có họ Võ.

Lần đầu tôi gặp cô bé, là khi ba của nàng vào Sài Gòn, tìm thăm ba tôi. Nhưng vẫn có cái gì rất là ngăn cách. Ông cụ họ Võ nói với ba tôi rằng ông cụ có một đứa con trai, tức là anh của cô bé gầy gò ngồi một góc đối diện với tôi, khi hai ông cụ gặp tại nhà tôi khoảng đâu năm 1976 hay 1977, vào Nam và tử trận ở Tây Nguyên. Tôi nghe thế, và cả ba tôi cũng nghe thế, như dường nghẹt thở vì tôi có mấy tháng được Sở Tài Chánh Hành Chánh đưa về Sư Đoàn 23 BB ở Ban Mê Thuột. Hẳn là không cùng chiến trường với con cháu nhà họ Võ kia, sau này tôi giải thích cho ba tôi rõ, vì tôi chỉ làm trong Phòng Tài Chánh. Thêm nữa, chức vụ của tôi chỉ là Chuẩn úy, nghĩa là Hạ sĩ quan… chẳng là cái gì lớn lao. Tôi nói, họ Phan nhà mình có lẽ nhiều đời không nặng nghiệp sát. Nhưng nói là thế, chẳng ai hiểu rõ chuyện gì đâu.

Trong khi hai ông cụ -- ba của nàng, và ba của tôi – ngồi kể về những tháng ngày xa nhau, hỏi về dòng sông, về gốc đa, về bạn bè quê cũ. Tôi nhìn cô bé, nghĩ rằng nhỏ này xương xẩu, Bắc kỳ rặt, không thấy chút gì Hà Tĩnh, không biết giọng nói cô bé sẽ là nặng giọng Trung hay Bắc. Cô bé, ngồi lặng lẽ cả buổi, trừ những lúc đứng lên vòng tay chào. Và hai bố con nàng từ biệt ba tôi và tôi, để về lại Bắc. Ba của cô bé còn nói rằng, sau này khi dọn vào Sài Gòn, sẽ nhờ tới ba tôi giúp đỡ.

Kỷ niệm tôi nhớ lúc đó, cũng là khi thấy ba tôi gỡ chiếc đồng hồ Bulova đang đeo trên cổ tay ra, tặng ba của cô bé. Thực ra, đồng hồ Bulova tuy đắt giá hơn nhiều kiểu đồng hồ Nhật, Nga, Trung Quốc… nhưng không thể nào gọi là sang trọng, cũng chẳng phải khó tìm. Nhưng miền Bắc thời đó là thế, không có gì, thực tế là không có gì, cho nên một đồng hồ Bulova vẫn là một món quà lớn.

Vâng, còn nhớ thêm nữa: hình ảnh một con bé Bắc kỳ tóc ngắn, mặc trang phục học trò Bắc kỳ thời đó, áo trắng và quần kaki đen với chỗ hai đầu gối hơi mòn. Cô nàng, sau này là một nhà báo và thỉnh thoảng làm thơ – hình như trong một tờ báo Hải Phòng nào đó, và nàng không nói gì minh bạch.

Vâng, tôi còn nhớ thêm hình ảnh nữa: đêm hôm đó, ba tôi ngồi tụng kinh như lệ thường, và âm vang bài Bát Nhã Tâm Kinh như dường cảm động hơn, với giọng như nghẹn lại. Tôi nghĩ, có thể ba tôi đã khóc trong khi tụng kinh, khi đọc rằng sắc tức là không, và rằng không cũng là sắc, và rằng không hề có mắt tai mũi lưỡi thân ý…

oOo
Nhiều năm sau khi vào Hoa Kỳ, tôi nhận được một email. Nàng tự giới thiệu là Võ Thị Đức Hoài, từng gặp tôi khi cùng ba vào Nam, tìm thăm ba tôi. À, tôi nhớ chứ. Tên thì không nhớ, nhưng hình ảnh vẫn nhớ mãi thời mới sau 1975: một ông cụ họ Võ vào tìm ông bạn xa xưa họ Phan, tôi nhớ hình ảnh ba tôi tháo chiếc đồng hồ Bulova dúi vào tay ông cụ kia, bảo cầm về Bắc. Và tôi cũng nhớ hình ảnh một cô bé lặng lẽ, ốm nhom, nhìn chung quanh nhà tôi, dĩ nhiên cũng lâu lâu liếc về phía ba tôi và tôi. Lúc đó, tôi còn nhớ, có một lúc, cô bé lắc lư đầu, cho tóc sóng sánh hai bên rồi tự cười một mình, nhưng rồi nghiêm mặt khi thấy tôi vẫn chăm chú quan sát. Lúc đó, tôi còn nhớ, tôi đã suy nghĩ kiểu rất là con trai Sài Gòn, rằng Trời ạ, nhỏ này toàn xương xẩu, mặt dễ thương nhưng còn búng ra sữa, nhí quá.

Khi nhận email của nàng, tôi chợt nghĩ không biết cô nàng còn giữ thói quen lâu lâu lúc lắc đầu cho tóc sóng sánh hay không. Còn trang phục nàng dĩ nhiên khác rồi. Trong email, nàng nói rằng ba của nàng đã qua đời. Dĩ nhiên, tôi nghĩ, ba tôi cũng khuất núi lâu rồi, họ cùng thế hệ và không biết là khi sắp qua đời có bao giờ nhớ lại những dòng sông tuổi nhỏ.

Nàng cho biết đang học khóa viết văn gì đấy ở một đại học ở Ohio hay Iowa. Khóa gì đấy, chỉ có mấy tháng. Chương trình như dường trao đổi văn hóa, hay hỗ trợ văn hóa gì đấy giữa hai chính phủ Mỹ, Việt Nam. Tôi suy nghĩ, thế là nhà văn Việt cộng rồi nhé. Thêm nữa, tôi cũng ngạc nhiên về chương trình viết văn gì đấy, vì mình ở Mỹ hai thập niên tiếng Anh cũng chẳng tới đâu, huống gì là nhà văn VN đưa sang Mỹ học có mấy tháng.

Cô bé – không, không còn là cô bé nữa, bây giờ đã trở thành một nhà văn nữ -- hỏi tôi về các chữ dark và darkness trong hai câu thơ của Joseph Brodsky:

I sit in the dark. And it would be hard to figure out
which is worse; the dark inside, or the darkness out.


Tôi nói rằng tôi cũng lờ mờ tiếng Anh thôi. Trả lời nhưng không bảo đảm. Rằng chữ “the dark” là tĩnh từ dùng như số nhiều, ám chỉ những gì không thể biết được, có thể hiểu là những “góc tối trong hồn.” Còn chữ “darkness” là nói bóng tối vật lý. Nhưng gọi là đồng nghĩa cũng được, vì là thiếu ánh sáng. Do vậy, tôi đề nghị tạm dịch là:

Tôi ngồi trong bóng tối. Và sẽ khó để nhận ra
những gì tệ hại hơn; những góc tối bên trong, hay bóng tối bên ngoài.


Tôi trả lời, rằng cũng chỉ đoán thôi. Lẽ ra, cô ta phải hỏi trực tiếp người thầy Anh văn.

Nàng không trả lời.

oOo
Thế rồi tới một email thứ nhì, vài tuần sau đó. Nàng viết rằng, khi này hoàn tất khóa viết văn ngắn hạn đó, nàng sẽ bay xuống Quận Cam, để thăm tôi, để hỏi thăm, và xin ở tạm nhà tôi trong một đêm trong khi thăm nơi này. Nàng viết rằng sẽ không ở lâu, vì sẽ có bạn của nàng từ trên Los Angeles sẽ tới chở đi dọc California. Nàng nói, thực sự là muốn gặp tôi, vì từ nhiều năm nàng đã đọc nhiều thơ và truyện tôi viết.

Tôi hơi thắc mắc, gặp mình thì có gì hay ho đâu. Đọc là vào thế giới của chữ nghĩa. Còn gặp là chuyện khác rồi, gặp đâu có phải là chuyện chữ nghĩa. Trong khi tôi chưa trả lời email, nàng đã điện thoại trực tiếp. Đúng là giọng Bắc, giọng Hải Phòng. Có pha giọng miền Trung.

Nàng nhắc rằng, nàng vẫn nhớ hình ảnh ba tôi và ba của nàng ngồi thì thầm sau khi gặp lại, sau nhiều thập niên xa cách. Nàng cũng nói rằng, nàng còn nhớ câu nói của ba nàng, là sau này có gì thì nhờ anh Hải giúp.

Bất chợt, tôi nói, bây giờ già hết rồi. Thiệt sự không nhớ rõ, không nhớ chính xác là có câu nói nào thời xa xưa như thế, dù là của ai nói. Tôi nghĩ, trời ạ, tự nhiên níu áo của mình.

Nàng hỏi qua điện thoại, về một nhân vật nhà sư ở Long Thành trong một truyện ngắn tôi viết thời mới vào nước Mỹ.

Tôi nói, nhà sư đó viên tịch rồi.

Tôi nghĩ, hóa ra nàng đọc mình nhiều và nhớ chi tiết cũng nhiều. Tự nhiên, tôi nhớ tới chiếc đồng hồ Bulova ba tôi gỡ ra tặng ba của nàng. Cũng không dám hỏi, chỉ hỏi về hoàn cảnh gia đình.

Nàng nói, nàng có một đứa con, hiện đơn thân ở Hải Phòng với con, vì chồng mất vì bệnh. Sống phải tiết kiệm, tính toán.

Tôi nói, ừ thôi cứ ghé nhà anh ở một đêm, rồi chờ bạn tới chở đi.

Nói xong, tôi không hiểu tại sao lại nói như thế. Nói xong, tôi chợt nghĩ tới mấy chuyện kiểu phim ảnh, rủi nàng là gián điệp bông hồng đỏ gì đấy. Tôi đang ở trong một khu mobile home, chủ nhà là thằng Hòa, cũng là bạn từ thời đi học. Căn phòng tôi ở biệt lập, có lối đi riêng, bước qua 2 khu phố là tới thương xá Phước Lộc Thọ, trung tâm Little Saigon. Tôi nghĩ, khi đưa cô bạn kia về ở vài ngày là lộ liền, giải thích làm sao. Vì nói gì với Hòa cũng được, nhưng biết nói gì với bác hàng xóm, người mỗi sáng vẫn quen đưa tay chào tôi, bỗng nhìn thấy một cô ở một đêm trong căn phòng của tôi.

Rồi, mình sẽ ấp a, ấp úng, tôi tự nhủ, sẽ nói với bác rằng đây là một cô em từ xa tới -- hiển nhiên, ngó là biết liền, từ xa chứ; và cũng hiển nhiên, thấy ngay là một cô em rất xinh, nếu khuôn mặt của nàng không đổi bao nhiêu. Sau này, tôi tự nhủ, sẽ giải thích chọ mọi người rằng có một cô em tới ở tạm. Tôi sẽ nói là một ngày, như thế dễ nghe hơn là nói rằng nàng sẽ ở nhà tôi một đêm.

 
 

Phan Tấn Hải