Mùa Xuân Niết Bàn

 
 
 

Buốt lạnh, trận gió vô thường thổi không ngưng trong thịt xương máu tủy chúng ta. Một hôm rồi tóc bạc tới, rồi tay chân yếu dần, và nhìn lại thấy tháng ngày trôi qua không thôi. Mùa xuân đi, rồi các mùa khác theo sau. Nhưng thoảng khi, chúng ta chợt thấy lóe lên một khoảng khắc như thời gian ngưng lại. Chúng ta đứng sửng nhìn giữa trời để chăm chăm xem khoảnh khắc ngưng đọng đó, nghiêng tai nghe thật kỹ từng nốt nhạc như dường vang không dứt... Có phải đó là sự bất tử đã nằm trong sinh tử. Và có phải mùa xuân đã nằm sẵn trong bốn mùa miên viễn…

Vẫn có một mùa xuân bất tử đang ẩn tàng trong từng khoảnh khắc biến diệt nhanh chóng trước mắt chúng ta. Vẫn có một cõi bất động trong vô lượng cái động chuyển của thế gian này. Chúng ta vẫn đang hít thở mùa xuân bất tử này, và đôi khi cũng có thể cảm nhận được hơi mát hương xuân này tắm đượm khắp thân và tâm chúng ta.

Sự chú tâm không ngừng nghỉ trong chánh pháp chính là con đường dẫn tới Bất Tử, tới Niết Bàn. Liên tục giữ tâm không cho rời chánh pháp, không hở cho dù là một khoảnh khắc – đó là con đường dẫn tới Bất Tử, tới Niết Bàn.

Kinh Pháp Cú đã viết như thế. Trong phẩm 2, câu 21-23 (http://thuvienhoasen.org/kinhphapcu-02.htm), nơi đây trích bản Anh dịch của ngài Narada (Colombo, Sri Lanka), bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, số chú thích sau sẽ được đổi để dễ theo dõi:

“21. Không buông lung đưa tới cõi bất tử (1), buông lung đưa tới cõi tử vong; người không buông lung thì không chết, kẻ buông lung thì sống như thây ma (2).

Chú Thích
(1): Niết bàn (Nibbàna)
(2): Bởi vì người không buông lung thì được chứng nhập Niết bàn và không còn luân hồi sanh tử tiếp nối nữa. Còn người buông lung tuy sống mà vẫn như thây chết, không biết hướng thiện, nỗ lực làm lành.

Heedfulness is the path to the deathless,
heedlessness is the path to death.
The heedful do not die;
the heedless are like unto the dead.

22. Kẻ trí biết chắc điều ấy (3) nên gắng làm theo sự không buông lung; Không buông lung thì đặng an vui trong các cõi thánh (4).

Chú Thích
(3): Bài này tiếp bài trên, khuyên đừng nên phóng dật mà gắng chuyên cần.
(4): Cảnh giới của chư Phật, Bích chi và A la hán.

Distinctly understanding this (difference),
the wise (intent) on heedfulness,
rejoice in heedfulness,
delighting in the realm of the Ariyas.

23. Nhờ kiên nhẫn, dõng mãnh tu thiền định (5), kẻ trí được giải thoát an ổn, chứng nhập vô thượng Niết bàn.


Chú Thích
(5): Muốn chứng đặng Niết bàn thì phải trừ 4 ách : dục ách (Kamayogo sự tham dục), hữu ách (Bha-vayogo mê chấp ba cõi), kiến ách (Ditthiyogo điều tà kiến, ác kiến), vô minh ách (Avijjayogo sự mê mờ).

The constantly meditative,
the ever steadfastly ones
realize the bond-free,
supreme Nibbaana…” (hết trích)

Thầy Thiện Siêu dịch “heedfulness” là “không buông lung.” Thầy Thích Minh Châu dịch là “không phóng dật.” Bản của ngài Tịnh Minh dịch là “tinh cần.” Hai bản Anh dịch khác, hiện cũng đang phổ biến rộng trên thế giới, do hai Thầy Acharya Buddharakkhita và Thanissaro Bhikkhu dịch, cũng dùng chữ “heedfulness” như bản của Thầy Narada. Anh ngữ thật ra vẫn có một số chữ tương đương, nhưng có lẽ không chữ nào nói được ngắn gọn nghĩa “sự chăm chú, cảnh giác, tỉnh thức không ngừng nghỉ.”

Làm sao để có thể tu tập “tỉnh thức, chú tâm không ngừng nghỉ”? Câu số 23 diễn lại trong một ý rõ ràng hơn, đó là “thiền định không ngừng nghỉ”… Làm thế nào để thiền định không ngừng nghỉ? Bởi vì các pháp có sinh tất có diệt, có hợp tất có ly, vậy thì làm sao có pháp nào không ngừng nghỉ? Ngắn gọn, làm sao để cho “tâm thường định”?

Trong cuốn “Tích Truyện Pháp Cú” xuất bản bởi Thiền Viện Viên Chiếu, dịch theo cuốn "Buddhist Legends" của Eugène Watson Burlingame (http://thuvienhoasen.org/tichtruyenphapcu-02A.htm), trích phần tích truyện của câu 23: Đức Phật nghe qua, đáp rằng: “Này các Tỳ-kheo, những người phóng dật buông lung dù sống một trăm năm cũng như chết. Những người sống chú tâm chuyên niệm, dù chết hay sống vẫn là đang sống. Này các Tỳ-kheo, có chú tâm chánh niệm thì không bao giờ chết cả.”

Nhắc lại, trong phần thơ kệ, Đức Phật nói “tỉnh thức, chú tâm không ngừng nghỉ”, nhưng ở phần tích truyện này, Đức Phật lại nói là “chú tâm chuyên niệm, dù chết hay sống vẫn là đang sống.” Chỗ này lại khó hiểu hơn, nếu hiểu theo nghĩa thế gian. Nhưng nếu hiểu là dù chết hay sống mà vẫn ở trong Niết Bàn thì là thuận nghĩa, và như thế, “tâm thường định” chính là Niết Bàn.

Nghĩa là, dù là đang mang thân hư huyễn này hay đã rời thân ngũ uẩn này, thì khi chú tâm không ngừng nghỉ thì sẽ đắc tâm thường định, và sẽ an trụ Niết Bàn, nghĩa là “không bao giờ chết cả.”

Làm thế nào để chú tâm không ngừng nghỉ nơi chánh pháp? Đơn giản nghĩa là, không để giây phút nào trong đời khởi lên niệm bất thiện, nếu khi đã bất chợt khởi lên niệm bất thiện thì không để tâm chạy theo; không để giây phút nào thốt ra lời bất thiện, nếu khi đã bất chợt thốt ra lời bất thiện thì không nối tiếp; không để giây phút nào làm điều bất thiện, nếu khi đã bất chợt làm điều bất thiện thì ngưng ngay; luôn luôn giữ tâm chuyên chú tỉnh thức, luôn luôn giữ lời hòa ái, và luôn luôn chỉ làm việc hợp chánh pháp.

“Chú tâm không ngừng nghỉ” là chìa khóa của Niết Bàn. Với bất kỳ pháp môn nào trong nhà Phật, khi chú tâm không ngừng nghỉ dù trong một ngày, cũng sẽ thấy ngay niềm an lạc vượt thắng các niềm vui thế gian.

Đừng để hở một giây phút nào ngoài pháp môn bạn đang tu tập. Hãy thử rồi sẽ thấy. Lời Đức Phật nói không hư vọng bao giờ. Hãy liên lỉ chú tâm không ngừng nghỉ, dù bạn đang niệm hơi thở, đang niệm thân, đang niệm cảm thọ, đang niệm pháp, đang Niệm Phật, hay đang tham thoại đầu.

Sự chú tâm không ngừng nghỉ khi đã hình thành được, thì nó sẽ trở thành một với bạn, một cách tự động không rời, dù là bạn đang đi đứng nằm ngồi, đang lái xe hay cơm nước… Hãy chú tâm không ngừng nghỉ nơi pháp hành. Đó chính là mùa xuân Niết Bàn vậy.

 
 

Cư Sĩ Nguyên Giác