|
Trời lạnh ghê gớm. Tuyết rơi và đêm xuống gần; đó là buổi chiều cuối cùng của năm, buổi chiều hôm trước ngày đầu năm mới. Giữa cảnh băng gía và u ám ấy có một bé gái bước trên đường phố, đầu trần, chân không. Thật ra, em có mang giầy vải khi ra khỏi nhà, nhưng quả đáng tội: đôi giầy rộng quá, mẹ em là người cuối cùng mang nó, rộng đến nỗi em đã đánh mất khi vội vàng băng qua phố giữa hai chiếc xe chạy nhanh đến phát sợ. Một chiếc giầy không tìm đâu ra, còn chiếc kia bị một thằng bé quẵm mất, nó nói lấy để làm cái nôi, sau này còn xài khi có con nhỏ.
Em bé bước đi với đôi chân trần nhỏ bé đã nổi đỏ và xanh vì lạnh; em đựng tất cả hộp quẹt vào cái tạp dề cũ kĩ còn tay thì cầm có một hộp. Suốt ngày chẳng ai buồn mua hộp quẹt, chẳng ai thí cho em lấy một xu. Em bé đói và lạnh quá, bộ mặt hết sức thảm thương. Tội nghiệp em! Từng lọn tuyết rơi trên mái tóc vàng óng , ôm uốn khéo léo vào cổ em. Nhưng thật ra em đâu thiết chi ba cái chuyện vặt vãnh ấy. Những tia sáng trên các cửa sổ, mùi thơm từ những con ngỗng quay bay lan ra phố; ấy chính cái buổi chiều cuối cùng của năm : mới là điều em nghĩ tới.
Em ngồi xuống và thu mình vào một góc giữa hai căn phố, ủ lấy đôi chân, nhưng còn lạnh hơn, song bất cứ giá nào em cũng không dám quay trở về nhà bởi vì em đã bán được hộp quẹt đâu, có ai thí cho em lấy một đồng cắc nào đâu. Bố sẽ đánh em, vả lại ở nhà thì cũng bị lạnh vậy. Họ sống dưới cái mái nhà mà gió có thể thổi xuyên qua, dù các khe hở đã được che chắn bằng rơm rạ và giẻ rách. Tay em bé hầu như đã chết cóng. A ! một que diêm có lẽ sẽ khá tốt cho đôi bàn tay đấy! Chỉ là dám rút lấy một que thôi, quẹt lên tường và hơ ấm các ngón tay! Em đã rút lấy một que: Xẹt .... Sáng quá xá! Cháy quá xá! Đó là ngọn lửa ấm và sáng giống như một ngọn nến nhỏ mà em dùng tay che lấy nó. Đó là ánh sáng dị kì! Dường như em đang ngồi trước một cái lò sưởi lớn bằng sắt, trang hoàng với những cục bi đồng sáng bóng. Lửa cháy thật là tuyệt, ấm quá đi thôi! Mà sao vậy? Em đã duỗi chân ra để sưởi thì lửa tắt mất tiêu và cái lò sưởi cũng biến mất luôn: Em bé ngồi đấy, một đầu que diêm còn đốm lửa trên tay em.
Em bé đánh que diêm thứ hai, lửa bật lên, sáng lên và nơi ánh lửa chiếu trên tường, đã trở thành trong suốt như mảnh vải thưa. Em bé có thể nhìn thấy bên trong một phòng ăn nơi có cái bàn trải khăn trắng xóa, bát đĩa bằng sành sứ mịn màng, trên đó là một con ngỗng quay, nhồi mận và táo, toả mùi thơm phức. Nhưng điều còn tuyệt hơn nữa là cái con ngỗng ấy, dao nĩa còn cắm trên lưng, lại nhảy ra khỏi đĩa, lăn trên sàn nhà về phía em bé tội nghiệp. Khi que diêm tắt, em lại chỉ có trước mặt một bức tường dầy và lạnh lẽo.
Bé gái đốt que diêm thứ ba. Em thấy em ngồi dưới một cây Noel lộng lẫy nhất. Cây Noel ấy lớn và trang hoàng còn đẹp hơn cây Noel mà em đã nhìn thấy hôm Lễ Giáng Sinh mấy bữa trước tại nhà người thương buôn giầu có. Cả ngàn ngọn nến cháy sáng trên những cành thông xanh tươi, những hình ảnh muôn mầu sắc, giống như hình ảnh trang trí trong tủ kính các cửa hàng, chúng mỉm cười với em. Em bé nâng tay lên: que diêm đã tắt; nhưng những ngọn nến Noel lại lên cao, lên cao mãi và bây giờ em thấy chúng là các ngôi sao. Một ngôi sao rơi xuống, vạch một vệt lửa dài trên trời.
Em bé nhủ: "Có ai chết đó"; bởi vì bà em, người duy nhất tốt với em đã không còn trên cõi đời này, đã thường lặp đi lặp lại với em rằng: “ Mỗi khi một vì sao rơi tức là có một linh hồn về với Chúa đấy”.
Em bé bật một que diêm nữa lên tường: một vừng sáng lóa xuất hiện, giữa vừng sáng ấy, em thấy bà của em đứng với dáng vẻ hết sức dịu dàng, hết sức rực rỡ!
Em gọi to: "Bà ơi dắt con theo với". Con biết khi que diêm tắt Bà sẽ chẳng còn nữa. Bà sẽ biến đi mất, giống như cái lò sưởi, giống như con ngỗng quay, giống như cây Noel vậy’.
Em vội vàng quẹt hết cả bao diêm, bởi vì em muốn giữ bà của em lại và những que diêm đã phát sáng hơn cả ánh sáng ban ngày nữa. Chưa bao giờ bà của em đẹp đến thế, cao sang đến thế. Bà ôm lấy em và cả hai bà cháu bay bổng lên vui sướng giữa vùng quang sáng, lên cao, lên cao mãi tới chốn chẳng còn lạnh lẽo, chẳng còn đói khát, chẳng còn đau khổ; bà cháu đã được kề cận Thiên Chúa.
Nhưng trong góc giữa hai căn phố, khi trời hừng sáng lên lạnh lẽo, em bé gái vẫn ngồi đó, má còn hồng và nụ cười còn trên môi... nhưng em đã chết, chết vì lạnh, chết vào buổi chiều cuối cùng của năm. Ngày đầu năm mới về trên xác chết bé bỏng, còn ngồi đó với những bao diêm mà một hộp hầu như đã được quẹt cháy hết. “Con bé thèm được sưởi ấm”, có người nói thế. Song chẳng ai biết em đã nhìn thấy những gì và giữa vầng quang sáng biết bao em đã cùng với bà của em bước vào trong niềm hân hoan của năm mới.
(Trích dịch từ cuốn CONTES của Andersen. Nouvelle approche. Paris, 1996. Từ trang 129 tới 132).
CẢM NGHĨ:
* Em bé bán diêm nghèo quá. Mùa Ðông quê hương Bắc Âu của em giá lạnh thua gì mùa Ðông Bắc Mĩ, thế mà thân em bé bỏng phải đi bán rong, đầu không mũ, chân không giầy, tối rồi vẫn chưa dám về nhà. Ðã không đủ mặc, lại còn thiếu ăn. Ðã nghèo vật chất, lại còn thiếu tình thương. Mẹ chết sớm chỉ để lại có một đôi giầy quá khổ. Sợ bố đánh. Bà của em là người duy nhất thương yêu em thì cũng đã lìa xa cõi trần! Tấm thân cơ hàn đơn côi chỉ được sưởi ấm, được ăn trong tưởng tượng, và chỉ được yêu thương trong mộng mơ mà thôi. Em thơ ngây quá cho nên khổ mà dường như không biết khổ. "Chết bờ chết bụi" mà trên môi còn đọng nụ cười! Chính ở điểm này, nỗi bi đát đã được đẩy lên đến cực đại.
* Câu chuyện thương tâm cám cảnh này thật dữ dội. Nó mang tính hiện thực xã hội thời đại tác giả khoảng giữa thế kỉ 19. Song hôm nay thảm cảnh cuộc đời tương tự vẫn còn hiện thực tại nhiều nơi trên thế giới. Hằng ngày, hệ thống truyền hình chuyển tới tận mỗi gia đình hình ảnh bao nhiêu trẻ em Phi châu, Trung Á, Á châu, Nam Mĩ thiếu ăn thiếu mặc, còm cõi giơ xương, bụng ỏng đít ròn, mũi rãi thò lò, ruồi bu nhặng bám, ngơ ngác trần truồng bên đống rác, bên cống rãnh, cạnh những túp lều xiêu veo, xác xơ.
* Mặc dù vậy, nhưng nếu có thu góp hết những mảnh đời hẩm hiu, tăm tối của các em nhỏ ấy lại cũng chỉ là một bể khổ trong đại dương mênh mông khổ đau của con người dưới muôn hình vạn trạng. Có những cảnh khổ dễ nhìn thấy, dễ cảm được. Nhưng cũng có những con người, những xã hội, bề ngoài xem ra no đầy hạnh phúc, văn minh tự do, song nhìn dưới khía cạnh tín ngưỡng, biết đâu lại đang chìm đắm trong trầm luân tội lỗi, trong vòng kiềm tỏa của cái ác .
* Mùa Giáng Sinh năm nay, chúng tôi xin chọn giới thiệu câu chuyện BÉ GÁI BÁN DIÊM QUET nổi tiếng của văn hào Ðan Mạch Andersen để gây cảm hứng suy tôn ý nghĩa căn bản của Mầu Nhiệm Cứu Thế. Do tội lỗi mà Chúa giáng trần cứu độ. Ngài đem tới sứ điệp YÊU THƯƠNG để giải phóng chúng ta thoát khỏi vòng nô thuộc của tội lỗi hầu hóa giải mọi khổ đau. Ngài đã yêu thương đến chết trên thập giá. Vượt qua cuộc khổ nạn, Ngài Phục Sinh hoàn tất cuộc giải phóng, kéo chúng ta từ cõi chết lên cõi sống viên mãn .
* Hầu hết những cảnh khổ trên đời này là do con người làm khổ nhau. Con người là chó sói đối với con người (homo, lupus homini). Còn những cảnh khổ nơi các dân tộc bắt nguồn từ ý chí của các nhà lãnh đạo bất xứng, từ những cơ chế và luật lệ vô nhân. Nhưng, tất cả những nguyên nhân trên mới chỉ là những nguyên nhân hàng thứ hai. Cái nguyên nhân căn bản, nguyên nhân thứ nhất của mọi khổ đau chính là tội lỗi. Mà tội lỗi, suy cho cùng, thật ra chỉ là tội lỗi đức thương yêu. Nếu con người yêu thương nhau hơn, nếu các nhà lãnh đạo yêu thương dân nước chân thành hơn thì nhân loại sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu. Thiên đường, hỏa ngục ở chốn nào không biết, song con người tại thế đã có thể hưởng được thiên đường và đã có thể nếm mùi hỏa ngục bằng chính tương quan yêu thương hoặc tương quan thù nghịch đối với nhau .
* Tóm lại, cử hành Mầu Nhiệm Chúa Giáng Sinh chính là cử hành Sứ Ðiệp Thương Yêu Thương. Yêu thương giải phóng khỏi tội lỗi.Yêu thương hóa giải mọi khổ đau.
|
|