Bình thơ

"VỀ THĂM VĨ DẠ"

 
 
 

Đọc "Về thăm Vĩ Dạ" của Nguyễn Nguyên Phượng
“Về thăm Vĩ Dạ” cho ta nhìn lại bức tranh thơ mộng ngày xưa, nhớ lại bài thơ đầy thi vị và nhớ lại cuộc đời của một thi sĩ tài hoa, lồng vào đó hình ảnh buồn của sự đổi thay mà lời thơ vẫn như nguồn trong trẻo, khiến cho ta vừa chiêm ngưỡng, vừa thưởng thức hai vẽ đẹp của hai thời đại, và so sánh theo cảm xúc của mình hai ý thơ của thi sĩ xưa, nay

VỀ THĂM VĨ DẠ

Từ phương Nam về thăm Vĩ Dạ
Thăm vườn em, thăm nắng hàng cau (*)
Chỉ thấy tre gai nghiêng mình gió lả
Câu thơ Hàn, ta biết gởi về đâu?

Mệ đau đáu nhìn bóng ngày ngơ ngác
Điệu mái nhì nhưng nhức lạnh dòng trôi
Thuyền ai đó thả xuôi về Cồn Hến
Chở giùm ta vạt nắng sớm lưng đồi.

Cứ ảo vọng tìm nguyên trinh Vĩ Dạ
Đời bể dâu bụi bặm mấy phố phường
Đêm chưa cạn đã say mềm Đập Đá
Trăng hẹn vàng tạ lỗi với sông Hương.

Tạ lỗi Huế, ba mươi năm phiêu dạt
Biết em còn mơ mộng khách đường xa
Nôn nao buổi đầu vườn em mướt lá
Một - thoáng - trăm năm, sương khói chưa nhòa…

Về lại Huế tháng 7/2000
Nguyễn Nguyên Phượng

(*) thơ Hàn Mặc Tử

Qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” Hàn mặc Tử đã để lại cho đời nhiều ấn tượng đẹp về một thôn có phong cảnh hửu tình nằm bên dòng Hương Giang xứ Huế mộng mơ. Bài thơ đã trở thành bất hủ và bút mực viết về nó cũng phong phú vô cùng . Vậy mà có một người bạo gan chẳng sợ thơ mình trở thành cỏ gai trong vườn hoa muôn sắc, lại viết thêm một bài thơ nói về thôn Vĩ Dạ. Đó là nhà thơ Nguyễn Nguyên Phượng với bài thơ “Về thăm Vĩ Dạ” của anh. Tôi không dám đem so “Đây thôn Vĩ Dạ” với “Về thăm Vĩ Dạ” nhưng tôi có thể nói bằng chủ quan của mình rằng, cảm xúc trong tôi khi đọc “Về thăm Vĩ Dạ” cũng có phần giống như ngày xưa tôi đọc “Đây thôn Vĩ Dạ” lần đầu.
Khổ thứ nhất của bài thơ “Về thăm Vĩ Dạ” Nguyễn Nguyên Phượng giới thiệu cái phong cảnh thay đổi buồn lòng, khác với cảnh ngày xưa trong thơ Hàn Mặc Tử:

Từ phương Nam về thăm Vĩ Dạ
Thăm vườn em, thăm nắng hàng cau (*)
Chỉ thấy tre gai nghiêng mình gió lả
Câu thơ Hàn, ta biết gởi về đâu?

Cái hay của bốn câu thơ nầy là tác giả đã sử dụng câu “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên” của Hàn Mặc Tử để làm cái nền rất đặc sắc cho thơ mình mà chẳng ai dám dùng từ đạo thơ vào đây được. Cái vườn lá xanh dịu mát và ánh nắng rực rở trên hàng cau của Hàn Mặc Tử ngày xưa đã làm nền cho một bức tranh mới và tâm trạng mới của tác giả ngày nay: Chỉ thấy tre gai nghiêng mình gió lả / Câu Thơ Hàn, ta biết gởi về đâu?. Tre nghiêng mình gió lả chẳng phải là không đẹp.
Vì thế khi đọc thơ, ta hình dung được toàn bộ cái đẹp của thôn Vĩ ngày xưa cùng cái đẹp của thôn Vĩ ngày nay, nhưng buồn vẫn thấm đượm vì sự phôi pha biến đổi khiến ta cảm thấy trong tâm hồn mình có sự bơ vơ trống vắng.
Người đọc “Câu thơ Hàn, ta biết gởi về đâu” sẽ thấy trong trí mình toàn bộ thôn Vĩ dạ ngày xưa trong thơ Hàn Mặc Tử và sẽ thấy có sự hụt hẫng trước thực tế ngày nay, cũng như trào dâng trong lòng niềm luyến tiếc một quá vãng xa xôi.
Khổ hai của bài thơ là một nỗi đau nhưng nhức âm ỉ trong lòng nhưng vẫn pha vào đó vẽ đẹp mộng mơ trong thơ Hàn Mặc Tử và vẽ đẹp còn lại của thôn Vĩ ngày nay:

Mệ đau đáu nhìn bóng ngày ngơ ngác
Điệu mái nhì nhưng nhức lạnh dòng trôi
Thuyền ai đó thả xuôi về Cồn Hến
Chở giùm ta vạt nắng sớm lưng đồi

Bốn câu trên đưa hình ảnh trong thơ Hàn lồng vào trong thơ mình một cách tinh xảo, điêu luyện làm cho vế thơ quyến luyến, thanh bai và êm ái. Có khác chăng hình ảnh Mệ thay vào hình ảnh cô thiếu nữ ngày xưa. Hình ảnh Mệ ngày nay gợi buồn cho hoài niệm về bức tranh thiếu nữ đứng trong vườn thôn Vĩ thuở xa xưa . Nỗi buồn của Mệ “đau đáu nhìn bóng ngày ngơ ngác” không làm cho ta rơi lệ sướt mướt bi thương mà hồn ta chỉ chùng xuống vì bức tranh đẹp xưa đã đổi thay bằng bức tranh đẹp khác. Dòng sông của “buồn thiu hoa bắp lay” ngày xưa vẫn còn, thuyền ai “đổ bến sông trăng” vẫn đó, nhưng “nắng hàng cau nắng mới lên” không còn có nữa, khiến cho tác giả nghĩ rằng không có nắng, phải nhờ đến thuyền xuôi về Cồn Hến “Chở dùm ta vạt nắng sớm lưng đồi” . Hãy so sánh câu thơ “Chở giùm ta vạt nắng sớm lưng đồi” với câu thơ “Có chở trăng về kip tối nay” của Hàn Mặc Tử, ta sẽ thấy hình ảnh thơ mộng ngày và đêm song song bên nhau của hai nhà thơ đẹp một cách vô cùng.
Khổ ba của bài thơ tác giả rót nỗi buồn vào rượu và rót rượu vào thơ nên người cũng say mềm mà thơ cúng rất bi quan:

Cứ ảo vọng tìm nguyên trinh Vĩ Dạ
Đời bể dâu bụi bặm mấy phố phường
Đêm chưa cạn đã say mềm Đập Đá
Trăng hẹn vàng tạ lỗi với sông Hương.


Tôi nghĩ nỗi buồn nầy không đáng phải say mà say vì những điều ở khổ thơ sau. Nhà thơ nào đến Huế mà chẳng muốn uống rượu để xao xuyến ngắm trăng vàng trên Hương giang lồng lộng, để say cái say Lý bạch cho dầu đêm nay trăng chỉ “ hẹn vàng” nghĩa là không sáng lắm. Mà cũng chưa chắc là trăng không sáng, vì mắt thi nhân thì nhìn qua lăng kính của tâm tư. nên trăng mờ hay vàng chỉ do buồn vui ở trong lòng tác giả.
Khổ thơ chót mới là chủ đề cho thi nhân say túy lúy:

Tạ lỗi Huế, ba mươi năm phiêu dạt
Biết em còn mơ mộng khách đường xa
Nôn nao buổi đầu vườn em mướt lá
Một - thoáng - trăm năm, sương khói chưa nhòa…

Ba mươi năm thi nhân tưởng người con gái đợi chờ, nuôi hy vong sẽ dìu bước em đi trên đường thôn Vĩ Dạ, ngờ đâu tất cả bây giờ trở nên ảo vọng, Vĩ Dạ thay màu còn em thì biền biệt. Tạ lỗi Huế, thi nhân về chậm, tạ lỗi em, đã trể hẹn hò, tạ lỗi thôn Vĩ Dạ mộng mơ, tạ lỗi nhà thơ Hàn mạc Tử vì anh xem ảnh nàng gởi cho mà không về còn tôi hẹn rồi chẳng đến. Nguyễn Nguyên Phượng phải say vì nếu không say thì Vĩ Dạ còn đâu ý nghĩa để thành thơ .
“Về thăm Vĩ Dạ” cho ta nhìn lại bức tranh thơ mộng ngày xưa, nhớ lại bài thơ đầy thi vị và nhớ lại cuộc đời của một thi sĩ tài hoa, lồng vào đó hình ảnh buồn của sự đổi thay mà lời thơ vẫn như nguồn trong trẻo, khiến cho ta vừa chiêm ngưỡng, vừa thưởng thức hai vẽ đẹp của hai thời đại, và so sánh theo cảm xúc của mình hai ý thơ của thi sĩ xưa, nay.

 
 

(Đăng trên DATDUNG.com , ngày 15/7/2013)

Châu Thạch