TỨ TIÊU DAO

 
 
 

Cuối tháng 2 năm nay, 2023, chỉ trong vòng hai ngày, tôi đã mất đi hai người bạn cùng sinh năm 1941: Nguyễn Ngọc Kiểm, bút danh Ngọc Hoài Phương, & Bùi Hồng Sĩ.
Một lúc ồ ạt những hình ảnh xưa cũ - những sự kiện trồi lên từ ký ức xâm chiếm liên tục, lúc hiện rõ ra dần, rồi mờ đi và biến mất; lúc chồng lấn lên nhau dầy cộm đến nghẹt thở...Tôi ở trong trạng thái tê bại toàn thân, chết lặng người đi như bị lôi cuốn vào một cơn mộng du miệt mài không sao cưỡng lại được...
Trong niềm xúc động bồi hồi tràn ngập ấy, tâm tư lập tức thúc đẩy tôi viết ngay về Bùi Hồng Sĩ trước.

Người thứ ba từ trái: Bùi Hồng Sĩ (hình trong đám cưới của một thân hữu, 1982)

Dường như trong độ khoảng hai năm 1962- 63, ngụp lặn trong bầu không gian sống đầy những chộn rộn sôi nổi giữa xã hội Sàigòn, tôi và Bùi Hồng Sĩ đã từng nhiều lần ở lỳ luôn trong nhà của nhau hằng tháng trời là thường. Và một số chi tiết còn nẩy ra từ ký ức ở tôi như:
- Có những buổi sáng, tụi tôi đang ngủ 'nướng' trên gác. Bọn nhóc em của Sĩ đói quá kêu réo đòi ăn, bà ngoại và mẹ Sĩ thay phiên nhau nạt: " Đợi hai anh dậy xuống nhà đã, tụi mày mới được động đũa!"
- Vốn bị chứng mất ngủ hành, tối nào ông cụ thân sinh ra Sĩ cũng uống thuốc an thần Valium và nằm dật dờ trên trường kỷ ngoài phòng khách.
Có một điều đặc biệt là hai cha con Sĩ tính khí đều rất kiệm lời nhưng đồng thời lại xem ra khắc khẩu với nhau. Tôi thấy Sĩ chưa chủ động muốn tiếp cận với cha mình bao giờ . Riêng tôi thì hễ rảnh là xuống hầu chuyện ông. Nói chung là vậy nhưng thường ra thì ông mắt cứ nhắm hờ mà miệng lại rì rầm kể hết chuyện này sang chuyện khác. Còn tôi chỉ thụ động ngồi nghe, luôn luôn bị cuốn hút vào những sự tích sinh động của câu chuyện. Sâu đậm nhất mà tôi còn nhớ được là mấy chuyện ông đi bộ đội Việt Minh năm 1946 - Chuyện Cộng sản Việt ngầm tiêu diệt dần đi các thành viên đảng phái khác để độc chiếm công kháng chiến chống Pháp trong thời kỳ 1946-53 - Chuyện ông đem cả gia đình về lại Đà Nẵng, rồi sau đó vào sinh nhai hẳn trong Nam, năm 1951...
- Có mấy buổi sáng, ông cụ lọ mọ lên gác gãi vào bàn chân tôi để rủ đi ăn phở ngay ngoài đầu ngõ, giáp với đường Trương Minh Giảng. Rồi sau khi hớp xong một ngụm cà phê tráng miệng, ông cụ đứng dậy ra trả tiền rồi dúi vào tay tôi mấy ngàn: " Cho tụi mày tiêu với nhau" , ông nói vậy trước khi lên xe đi làm. Tự hiểu ngầm hàm ý của hành vi ấy là ông muốn trao tiền quà vặt cho đứa con trai lớn nên khi trở về nhà, đợi Sĩ thức dậy là tôi lại giao số tiền ấy cho anh.

*
Mấy năm chót của thập niên 1960 sang đến 1970, những vụ Việt Cộng ám sát xẩy ra mỗi lúc một nhiều, ngay tại Sàigòn. Riêng trong lãnh vực học đường, tôi còn nhớ thời ấy có mấy vụ nổi bật như sinh viên y khoa tên Trần Quốc Chương, con của thẩm phán Tối cao Pháp viện Trần Thúc Linh bị xô từ lầu cao của trường Y Khoa sàigòn xuống đất chết, năm 1967. Như sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật bị bắn ngay tại khuôn viên trường Luật Khoa giữa năm 1971. Riêng tại Văn Khoa thì phải chịu đựng tới những hai vụ ám sát: Tháng 12 năm 1967, Ngô Vương Toại bị bắn vào bụng, đứt bốn khúc ruột; rồi cùng tháng đó năm sau, 1968, Bùi Hồng Sĩ lại bị bắn lén vào sau gáy trong khi ngồi sau chiếc mobilette do Đào Trường Phúc lái đang đậu ngay cổng trường đợi vượt sang lằn xe đi về bên trái (1). Thế mà may mắn sao, cả hai đều thoát chết! (2)
Nhưng đặc biệt tôi nhớ được giai đoạn này là vì có nhiều sự kiện khác liên quan: Chẳng hạn như chính nhờ vào sự kiện chết hụt này mà sang năm sau, năm 1969, Sĩ chính thức lấy vợ, dẹp bỏ đi mấy đám dạm ngõ hay đám hỏi trước đấy của anh..Và chính tôi đã thành phù rể cho Sĩ!
Hai đứa chúng tôi còn cùng vào học khóa 3-70/ SQTB Thủ Đức đúng theo lệnh Tổng Động Viên. Năm 1972, Sĩ ra ứng cử Dân biểu nhưng không thành. Rồi tháng ba 1973, hai đứa cùng về phục vụ tại Phái đoàn Quân Sự 4 bên rồi 2 bên. Và đến cuối năm đó thì Sĩ được biệt phái về bộ Thông tin - Dân vận - Chiêu hồi, để ra nhận lãnh chức vụ Đại diện Thông Tin vùng Một kiêm Trưởng ty Thừa Thiên - Huế.

*
Nhưng đến sau tháng Năm 1975, hai đứa tôi bằn bặt tin của nhau trong một trường hỗn loạn sống chết bất ngờ cho cả nước...
Mãi tới giữa năm 1981, tôi được gia đình ông anh ruột ở Houston, Texas bảo lãnh từ trại tỵ nạn sang tái định cư. Cứ trung bình một vài lần là Sĩ từ Nam Cali gọi phôn sang thúc giục , mà tôi thì bận tíu tít vì phải giọn đổi nhà cũng như hằng ngày ra phụ vợ chồng ông anh bán hàng ở một tiệm tạp hóa.
Cuối năm đó, tôi mới thu xếp ổn thỏa và đáp máy bay sang phi trường John Wayne, Quận Cam. Nhìn qua cửa sổ phi cơ, tôi chăm chú kiếm mãi mà chỉ nhác thấy một người xa trông quen quen; hắn đứng trên ban công trống của phi trường ngó xuống, tóc hắn bạc trắng! Rời phi cơ, đi xuống tới gần, tôi mới nhận ra anh chàng ấy chính là Sĩ, bạn thân của tôi, hắn xem ra cũng đang bồn chồn ngóng đón tôi. Hắn lái xe - còn tôi ngồi bên cạnh, hai đứa liên tục nói chuyện linh tinh, chẳng chuyện nào rõ ra chuyện nào cả, bởi cả hai đều tởi mở mừng rỡ mà lấn bấn bối rối trong bụng...Đến nỗi hắn lái trên xa lộ mà ngược hướng, xuống tận Mission Viejo mới phát giác ra là đã lạc đường, phải quay trở lại, về nhà Sĩ ở Long Beach!
Thế rồi cứ lu bu vậy trên bốn mươi năm trôi qua, mặc dù cùng cư ngụ tại miền Nam Cali, nhưng thi thoảng trung bình một vài tháng phải nhân dịp gì đấy hai đứa gặp nhau là tự nhiên bù khú. Ngoài ra chúng tôi đều cùng quay quắt - bươn trải trong hai cuộc sống khác hẳn nhau: Từ việc đổi rời nhà ở tới công ăn việc làm, từ sinh hoạt gia cảnh lẫn giao tiếp hằng ngày, lu bu mỗi đứa một phận...
Cho đến chiều thứ hai, 27 tháng 2- 2023 vừa qua, tôi mới nghe tin Sĩ đã qua đời vào sáng sớm hôm ấy...

*
Tôi gọi phôn sang Atlanta báo tin cho Võ Văn Lượng biết. Hẫng đi trong im lặng, Lượng mới cất giọng ồ ề nói:
- Bây giờ đã có một thằng của nhóm Tứ Tiêu Dao bắt đầu vắng bóng!
Tôi chợt động tâm ... rồi ồ ạt một dây những liên tưởng xuất hiện trong trí:
Bốn tên sinh viên ban Triết văn khoa sàigòn thủa ấy, trong một tình cờ nào đó, bây giờ chẳng còn nhớ chi tiết thế nào nữa, và vào lúc nào cũng không còn nhớ.. nhưng chắc chắn là độ cuối năm 1963, trong một buổi tụ họp vui chơi với nhau, không biết sao bốn đứa lại đã tự nhận là nhóm bạn kết nghĩa với cái tên "Tứ Tiêu Dao" (3)...
Bây giờ, bồi hồi miên man gậm nhấm ký ức, tôi phải gom góp lại để có thể trình bẩy một cách lớp lang hơn. Nghĩa là đại khái chúng tôi bốn đứa vốn sẵn đã quá nhiều những khác biệt: Chẳng hạn như gốc gác phát xuất thì một từ Quảng Ngãi, một Quảng Nam, một Đà Nẵng và một từ ngoài Bắc di cư vào. Tiếng nói phát âm cũng khác. Gia cảnh lại càng cách biệt hơn nữa.
Nhưng đồng thời, chúng tôi lại hội tụ được những thứ như:
- Tất cả ngày sinh tháng đẻ thực thụ của từng đứa một trong bốn cá nhân chúng tôi đều sai khác hẳn so với những chi tiết đã được ghi rành rành trong giấy Thế Vì Khai Sinh riêng của nhau. Nhưng như vậy có nghĩa là chúng tôi lại cùng bị chi phối bởi hoàn cảnh và thời thế xáo trộn chung như nhau.
- Chúng tôi cùng học ban Triết một thời, đều được hấp thụ một nội dung học vấn của cùng một dàn giáo sư như nhau. Nhưng đồng thời mặt khác, chúng tôi lại suy nghĩ, quan niệm cho đến chí hướng và phản ứng lẫn hành động lại thường khác biệt nhau, khác đến mức có những lãnh vực còn ở thế đối chọi lẫn nhau nữa!
Diễn giải một cách chi tiết hơn nữa, chúng tôi mỗi đứa đều thấm nhuần các yếu chỉ tư tưởng của Lịch sử Triết học tây phương và đông phương. Nghĩa là bên cạnh những huynh hướng triết học thuần lý, chẳng hạn như "Tôi suy tư - vậy tôi hiện hữu"(4). Những tư tưởng đại loại như thế thường khiến cho người tiếp nhận dễ thiên kiến trong suy nghĩ và sa đà sâu vào giới hạn của những quan niệm không tưởng, để nẩy sinh ra những chủ trương quá khích như Duy Tâm - Duy Vật - Hiện Sinh...
Mà cũng có những quan niệm và hành xử bắt nguồn từ nhu cầu phát triển xã hội loài người mà hiện hữu thực thi thành các chủ nghĩa. Chẳng hạn như chủ nghĩa đế quốc: Trong quá khứ lịch sử thế giới, chủ nghĩa này vốn đã có mặt, từ đế quốc La Mã, đế quốc Ba Tư, đế quốc Mông Cổ rồi thêm những đế quốc Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha, Anh, Pháp..., và chuyển sang chủ nghĩa Phát xít , chủ nghĩa Cộng sản. Những loại 'đế quốc' nói chung này đã bành trướng rồi suy tàn nếu không được nỗ lực điều chỉnh để biến thái trước sức công phá của hướng tiến bộ chung của loài người.
Nhưng mặt khác, cùng lúc, chúng tôi lại còn hấp thụ được những 'ngụ ngôn' triết lý khác nữa:
- Chẳng hạn nhận thức về những hiện tượng xẩy ra trong vũ trụ - thiên nhiên, như câu "Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông" do Héraclite tuyên bố (Heraclitus sinh tại Hy Lạp-Grèce- vào khỏang 544 hay 541 và chết độ 480 trước Thiên Chúa); hay những ý niệm về "Thay đổi tự thân - Trao đổi với ai khác - Mọi thứ đều luôn biến đổi"(5) ...
- Chẳng hạn những hiểu biết về sự sống năng động của tâm trí con người. Như "Hãy tự biết chính mình"(6); "Mỗi ngày (ta) một mới hơn lên"(7). Và nguyên tắc mỗi cá nhân sống phải nghiêm cẩn như "Phải luôn cẩn trọng, ngay cả lúc chỉ có một mình mình", như "Học hỏi và hành động phải đi đôi với nhau"(8), để cuối cùng, mục đích sống luôn đem lại lợi ích cho chính mình và ai khác. Ai khác đây được hiểu là người khác cũng như là vạn vật - vũ trụ ...
Những triết lý đại loại nêu trên đã tự phát triển trong tâm tư từng đứa trong nhóm bạn kết nghĩa là Tứ Tiêu Dao và thường trực đáp ứng với nguồn năng lực sống động của tuổi trẻ chúng tôi thời bấy giờ: Là tự do sống như tự do giong chơi giữa muôn vàn tư tưởng - muôn vàn hành động, giữa những trở ngại - thuận lợi của đời sống trong mọi thời đại .
Theo thời gian, theo kinh nghiệm sống, chúng tôi mỗi đứa tự nhiên thấm nhuần những chỉ dạy của người xưa vào cuộc đời của riêng mỗi đứa. Và rồi sống còn được cho đến tận bây giờ, chúng tôi lại càng thấm thía trong ý nghĩa nội dung thực chứng của đời người...
Sáu chục năm đã qua, biết bao nhiêu đổi thay, chúng tôi bốn đứa, Tứ Tiêu Dao, sống tới tám mươi tuổi cả rồi..
Và một tên đã vừa từ bỏ đời này mà ra đi...

Từ trái: Bùi Hồng Sĩ (ảnh chụp ở Factory Coffee, Little Sàigon, đầu 2022)

 
 

(Đầu tháng ba 2023)

Phạm Quốc Bảo

http://www.trietvan.com/thanhuu/thanhuu_van.htm

_________________________________________________________
Chú Thích:
(1) Xin xem thêm chi tiết ở bài "Bùi Bảo Trúc rạng danh Ký Mục Gia"; [https://sangtao.org/2016/12/26/bui-bao-truc-rang-danh-ky-muc-gia/#more-91498] Hoặc ở bài " Từ Công Phụng, lời ca - tiếng hát" trang 80-85, cuốn "TỪ CÔNG PHỤNG dưới mắt bằng hữu" - 2011.
(2) Còn những chi tiết nữa được kê khai theo trí nhớ của rất nhiều người trong bài "Bọn sinh viên Việt Cộng giết thầy" của Bạch Diện Thư Sinh [https://saigonecho.com/lich-su-vn/khao-cuu/34829-bon-sinh-vien-viet-cong-giet-thay-giet-thay]
(3) Bốn đứa gồm Bùi Hồng Sĩ - Nguyễn Vạn Hồng - Võ Văn Lượng và Phạm Quốc Bảo. Còn từ ngữ "Tứ Tiêu Dao" vốn phát xuất từ chương "Tiêu Dao Du", tiêu đề của một trong 7 đoạn văn của Nội Thiên thuộc Nam Hoa Kinh, sáng tác của Trang Tử (369—286 TCN): "Tiêu dao du có nghĩa là ngao du, rong chơi tự do tự tại".Những câu chuyện trong "Tiêu dao du vận dụng tối đa nghệ thuật tưởng tượng, hư cấu vào ý thức sáng tác, kết hợp với cơ sở sự thật." Có thể xem vào chi tiết ở https://trinhdinhlinh.com/sach/nam-hoa-kinh/chuong-01-tieu-dao-du-%E8%8E%8A%E5%AD%90-%E5%8D%97%E8%8F%AF%E7%B6%93/;
(4) "Je pense donc je suis" (Cogito ergo sum). Trong Wikipedia [https://www.wikipedia.org ] dịch là : "Tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại" hoặc "Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" hay "Tôi nghi ngờ, nên tôi tư duy, nên tôi tồn tại" . Đây là một phát biểu triết học của René Descartes. Triết gia này sinh tại Pháp quốc năm 1596 và mất năm 1650.
(5) "Dịch - Giao dịch - Biến dịch ". Ba tầng lớp biến trạng của mọi sự - mọi vật - mọi thời đại- mọi lúc - mọi nơi.. Phải nắm vững được sự thể BIẾN DỊCH ấy, không thể thay đổi gì được, và mệnh danh là Bất dịch! ( Kinh Dịch, một trong Ngũ Kinh do Khổng Tử san định.)
(6) "Connais-toi, Toi-même", câu tuyên bố của Socrates, triết gia Hy Lạp sinh vào  470 , mất năm 399 BC (hưởng thọ độ 71 tuổi)
(7) "Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân" : Ngày mới, mỗi ngày một mới hơn lên.
(8) "Quân tử tất thận kỳ độc": Người ta (sống) tất (phải) thận trọng ngay khi ở một mình.[Đại Học] ; Và "Học nhi thời tập chi - bất diệc duyệt hồ" : Học hỏi mà có áp dụng (vào thực tế đời sống hằng ngày của chính mình)- thì không gì vui bằng. [ Luận Ngữ]; "Đại học chi đạo - tại minh minh đức - tại thân (tân) dân - tại chỉ ư chí thiện...": Mục đích của sự học rộng cốt làm sáng cái Đức sáng của mình, cốt khiến cho người ta tự đổi mới, cốt khiến cho người ta dừng ở chỗ chí thiện.[ trích chương Lễ Ký của sách Đại Học, Tứ Thư do Khổng Tử (sinh năm 551 TCN –mất 11 tháng 4 năm 479 TCN tại Trung Hoa) biên soạn [https://onglaidoky3.com/a369/dai-hoc-chi-dao;]