Cô Bé Quàng Khăn Đỏ

Gởi tặng Dalat ngày xưa…
 
 
 

Biển chiều tím sậm màu mận chín, xa xa một vệt mây hồng vắt ngang mờ mờ hư ảo, vài tia sáng yếu ớt nán lại nhảy nhót lăn tăn trên đầu ngọn sóng. Trên chóp mấy đồi cát hồng, các bụi cây gai bờm xờm lay động trước gió; chỉ còn nắng rải màu vàng nhạt trên bụi gai; những hốc bụi cây xoay về phía biển sâu hoắm như hốc mắt âu sầu đang nhìn ra biển xa. Lác đác các đám dương thấp lè tè, bờm xờm như đám lông sói già … Sát mép nước từng dãy dài các tảng đá đen nhánh loang lổ đóng bám các vỏ hàu màu trắng. Những mũi đá nhọn, răng cưa, xỉa lên hay co khoằm xuống như móng vuốt …
Tôi thấy các đồi cát hồng bên biển như những con sói già lủ khủ, lông lá lù xù trong gió, thỏa thuê no bụng, xoải chân xuống biển nước, những lèn cát chạy dài từ đồi cát xuống biển như những cánh tay buông xuôi … Các đồi cát hồng mịn màng căng no trong gió chiều, như bụng lủ sói già đang ngồi, lá dương xanh như đám lông xù chỉa xóc lên trời.
Đã bao ngàn năm rồi, từ câu chuyện ngày xưa ấy, các em bé quàng khăn đỏ vẫn u sầu, tư lự … ngồi trong các đụn cát hồng, trong bụng sói già nham hiểm, nhìn ra biển …
Biển chỉ còn một màu đen sậm, vết sáng hồng bây giờ thăm thẳm các vì sao, trời thăm thẳm lên cao dần, sóng rì rào xen lẩn với lời kể chuyện của em bé quàng khăn đỏ.

*
* *

Anh lại hỏi em tay thợ săn hào hiệp ở nơi đâu ? Sao không giết sói quỷ quyệt rồi đưa em và bà ngoại ra khỏi bụng sói? Đã mấy nghìn năm rồi em và các em bé cũng tin như vậy! Sẽ có một tay thợ săn hào hiệp, mổ bụng sói già cứu em ra khỏi cái bụng no tròn bóng lưỡng này. Nhưng rồi em đã hiểu ra, như bà ngoại em đã nói, thế gian này làm gì có một gã thợ săn như thế! Khi anh ngồi đây, khi chiều tím phủ xuống đầu ngọn sóng và ánh sáng xanh xao lên cao dần thắp sáng các vì sao, anh có nghe không, sóng đang rầm rì cầu nguyện cho những em bé quàng khăn đỏ tụi em đang ngồi trong bụng sói? Đã bao ngàn năm với những buổi chiều như thế này rồi! Sóng vẫn cầu nguyện, chúng em vẫn ngồi đây nhìn ra biển khơi, sói già vẫn rửa móng vuốt bên bờ nước, móng vuốt chúng mốc meo vết hàu đóng trắng xóa … những vì sao băng vẫn cắt ngang bầu trời và thế gian vẫn ước mơ có một chàng thợ săn hào hiệp ! !
- Em bi quan thế sao? Tôi đưa bàn tay vốc cát, cát mịn màng chảy qua kẽ tay, mát thơm như có một sợi tóc nào của em bé, theo gió, bay lùa qua kẽ tay.
- Như ngoại vẫn nói, đừng bao giờ hết ước mơ và cũng đừng bao giờ buồn vì ước mơ không là sự thực. Mơ ước cần thiết hơn là thực hiện được ước mơ. Ban đầu em không chịu nổi điều đó, nhưng bây giờ em hiểu ra và em thấy thương ngoại …
- Ngoại em bây giờ ?
- Bao năm rồi xương xẩu tê cóng bàn tay ngoại, xương xẩu ngoại xoắn lại thành loại hoa cỏ chôm chôm, gai góc, chạy băng băng trong gió trên bờ biển. Ngoại đã biến thành loài cỏ dại, theo gió chạy băng băng đến vuốt tóc thăm từng đứa cháu gái ngồi trong bụng sói, trên đồi cát hồng. Anh nhìn xem, các hoa cỏ gai lăn lông lốc trong gió tạo những vệt sướt dài trên cát như các vết ngón tay ngoại lùa vào mái tóc các đứa cháu bà.
- Em luôn nghĩ về Ngoại?
- Ngồi đây, mãi mãi đăm đăm nhìn ra biển, nhưng em chỉ mãi nghĩ về bà ngoại! Nghĩ về khu rừng của ngoại. Ai mà chẳng có một thời ấu thơ êm đềm dịu mát, đi theo mình, đeo đẳng suốt cuộc đời? Ai chẳng có một quê nhà, khu vườn rừng của Ngoại như chiếc nôi đong đưa ru ta ngày đêm. Dù khi ở ngay bên Ngoại hay khi xa nghìn trùng, tiếng võng kẻo kẹt của ngoại vẫn như kinh cầu êm đềm ru ta. Đã bao ngàn năm, em ngồi đây nghe những đợt sóng yêu thương đêm ngày rì rầm cầu nguyện cho em mà em cứ nghĩ đến khu rừng của Ngoại; nghĩ đến chiếc nôi quá khứ cứ đong đưa ru em … em không thấy biển, không thấy sóng gió, chỉ thấy một vườn hoa dã quì vàng xôn xao trong gió. Thứ gió hun hút lành lạnh trong nắng màu mật ong, thứ gió réo gọi các em bé quàng khăn đỏ không thể không lẩm chẩm bước vào rừng thăm Ngoại.
Rừng quê ngoại đẹp lắm! Anh biết không, có thứ phấn thông như bụi vàng mơ màng, lả lơi, mượt mà bay trong các tia nắng trong veo qua kẽ lá. Có thứ hoa từ bi, xám nhàn nhạt, như những viên sỏi nhỏ đậu trên cộng cỏ như tăm hương. Có thứ hoa bìm bịp tím đẹp u ẩn, thần bí, đẹp hơn mọi màu tím có trên đời này … hoa đẹp như thế lại bơ thờ, uể oải, nằm vươn vãi trên các vách đá trơ lì màu đen sậm hay trên các bờ đất nghiêng nghiêng bên vệ đường. Em thích hái mấy hoa Marguerite trắng nõn nà với cành lá xanh sậm; em thích áp cánh hoa vào má mình để cảm thấy chút lạnh dịu dàng của đất trời ngất ngây lan tỏa, chút hương đồng nội cay cay làm mắt em long lanh. Em quàng khăn đỏ, má em ngây hồng bên cành hoá trắng, chắc đẹp lắm phải không anh ?

Em vẫn ngồi đây, em bé quàng khăn đỏ ngày xưa vẫn ngồi đây, nhìn ra biển sóng, cả ngàn năm rồi, và nhớ về những ngày xưa ấy …

Rừng quê ngoại, nắng rất trong và mây rất thấp. Sương là mây, hay mây là sương em không biết nữa; nhưng có lúc em đi trên lối mòn bên đồi thông, em đã thấy cả lũng mây trắng chòng chành như ly sửa dưới chân mình; em đã thấy từng cuộn mây như những cuộn len trắng dắt dìu nhau chạy xen qua các hàng cây thông màu nâu sậm. Các thân cây thông sần sùi làm bộ đứng nghiêm trang, trong khi lòng dạ thì cứ run lên như dây đàn trong gió. Tiếng lá thông ru vi vu trong gió sao mà thanh bai đến thế! Em đã nằm dài trên lớp lá thông vàng, trên đồi cỏ, mùi thơm nồng nàn âu ếm lạ thường, mấy chiếc lá kim rón rén chích vào cánh tay, vào cổ làm em nhoẻn cười và thấy thẹn … Em run rẩy ngất ngây trong gió dịu mát đầy hương hoa. Trong không khí thanh khiết của rừng thông, và nằm như thế em nhìn lên đầu chóp lá, một chút lay động như đang cùng em run rẩy … đâu đấy có tiếng chim hót, tiếng lách cách của chú chim gõ kiến như cây cỏ trở mình; đâu đấy từ dưới thung lũng vọng lên tiếng chuông kinh koong kinh koong của một nhà thờ nào đó …
Em quàng khăn đỏ, em xách làn mây trong đó mẹ đặt hai chiếc bánh nóng nho nhỏ để em đem đến Ngoại. Ngoại ở giữa rừng thông, trên đồi thông … lối em đi đầy hoa và tiếng chim hót …
Chuyện ấy đã xa xưa lắm rồi, em chỉ còn nhớ đến khu rừng quê Ngoại. Ai mà chẳng có một quê nhà, một khu rừng của Ngoại để nhớ thương phải không anh ?
Đêm quê ngoại, thăm thẳm và đầy sao; hằng đêm em hay nằm ngó ra khung cửa kính âm thầm mơ ước và đếm sao băng, rồi ngủ lúc nào chẳng hay. Nhà mẹ bên triền dốc, nhìn xuống dưới lũng lác đác những ánh đèn nhà ai, không còn ranh giới giữa sao trên trời và sao dưới đất. Những dòng sương lạnh, đặc quánh, sền sệt màu trắng đục chảy lòng vòng các khe núi; sương trắng làm các chỏm đồi thông tách biệt ra như mấy viên bánh trôi, nổi lềnh bềnh trong nồi chè. Có nhiều đêm có trăng em rón rén ra bên cửa sổ, ngồi ngây say nhìn dòng sữa bạc ngập ánh sáng trăng. Trăng quê Ngoại lạnh lẽo, thanh khiết và kiêu kỳ quá! ! Em không còn là gì cả, ngay chút cảm xúc về cái đẹp cũng không còn. Em như tan biến trong cái kỳ ảo bao la, bàn bạc … em đã khóc không phải vì vui hay buồn, mà tự nhiên nước mắt chảy dài trên má. Hỡi ơi, em nhỏ bé biết bao, làm sao em có thể diễn tả cho anh hiểu được cái đẹp và cái vô cùng, và em chẳng là gì cả trong cái vô cùng đó. Vườn rừng quê ngoại rất nhiều khi cho em cảm giác đó !
Em làm sao quên được cuối mùa nắng hanh, mây đã đổi màu chờ đón các cơn mưa đầu mùa. Không gian như sững sờ, chìm lắng; không một làn gió nhẹ, không một âm thanh, đất trời như phủ một làn khói hồng nhạt. Khu rừng quê ngoại, những đồi cỏ đã trở màu vàng úa sau những ngày nắng gắt, đâu đó các đám cháy cỏ khô hay vườn ai đốt rẫy, đâu đó thoang thoảng hương nồng của nhựa thông hòa lẫn mùi khói … màu mặt trời đỏ ối lừng lựng ngang trời, nặng nề, uể oải trong khói sương hồng nhạt; rừng thông, nội cỏ như đang ngước mặt lên, hàng mi hờ khép, đang chờ đón một nụ hôn …
Từ các đỉnh núi xa, đã nghe âm âm vang tiếng sấm. từ các đồi xa như có đám mây đùn lên từ khe núi, đã xuất hiện trong ánh hoàng hôn ngột ngạt tiếng chim chíp bay lượn của đàn én đen. Đợi chờ im ắng. Rồi đồi cỏ hồng bên kia nghe tiếng rào rào, cơn mưa đã cúi xuống ôm các đồi lân cận. Cơn mưa đã tới, khoảng nghiêng nghiêng bên triền đồi cỏ bên kia mặt trời đỏ vẫn lúc hiện lúc ẩn ở ngang trời, vẫn thẹn chín đỏ khi xem các màn mây hấp tấp, băng băng như giải lụa phủ vội vã che lấy từng ngọn đồi đang thờ thẫn, ngây ngất trong mưa.
Trên lối đi vào rừng thăm Ngoại trở về, em thích đi trong cơn mưa đầu mùa, thích xem đất trời tắm gội. Chẳng mấy chốc, cơn mưa qua đi như chưa từng đến, bầu trời hồng nhạt hừng hực u uất kia như chưa từng có mặt, mặt trời đỏ tía kia như viên nước đá tan đi trong màu xanh pha lê ửng sáng ở đỉnh núi phía tây. Chỉ còn cơ man nào là én lượn trên bầu trời xanh trong vắt, tiếng chiêm chiếp reo vang; chỉ còn làn sương trắng mỏng như khăn voan dịu vợi phủ dưới từng khe núi. Rừng quê ngoại như gột rửa hết đam mê, giờ đây khép nép mỉm cười lắng nghe tim mình khoan thai từng nhịp, từng nhịp ngập tràn hạnh phúc.
- Anh biết không, rồi những ngày mưa tháng tư chợt đến. Trời lạnh tê tê mưa như sương có từng sợi tơ quấn quýt, ẻo lả, chập chờn chạy trong gió. Chiếc dù, chiếc nón khi như dư, khi lại thiếu trong cái mưa đỏng đảnh, thất thường hay dỗi hay hờn của một cô gái mới biết yêu. Ngoại vẫn bảo, chưa nơi nào mưa hiền và đẹp hơn quê ngoại, mưa như sương có sợi và sương như mưa bốc hơi. Ngoại vẫn thường ngồi bên cửa sổ, trong rừng thông, lắng nghe tiếng lộp độp rơi trên thảm lá khô, lắng nghe tiếng vỏ cây khô khốc đón làn mưa dịu mát, từng lớp vỏ trở mình lách tách trong tiếng lao xao xa xa của cơn mưa dưới lũng vọng lên. Ngoại vẫn bảo em, hãy biết nghe trời đất kể chuyện của mình. Có ai biết chiếc vỏ thông sần sùi khô khốc kia kể chuyện gì khi nó đón nhận gịot mưa sương? Bà của em hiểu hết, bà nghe thấy mọi thứ trong khu rừng của bà.
Rồi một đêm nào đó ở quê ngoại, em chợt trở giấc nửa khuya khi nghe tiếng gió o o rít bên khe cửa. Em choàng dậy, chạy ra bên khung cửa kính nhìn ra bầu trời xanh thăm thẳm với ngàn sao nhấp nháy. Tiếng gió rít báo hiệu đổi mùa nơi quê ngoại, chắc sáng mai dậy em sẽ choàng thêm áo ấm và quấn thêm khăn len. Mùa Giáng Sinh sắp đến gần! Mùa hoa dã quì đến, như chiếc áo gấm vàng rực rỡ, kiêu sa, khoác vào cho khu rừng đi dự hội. Đã qua rồi những ngày mưa mù sương. Nắng trong veo nhảy nhót tung tăng theo ngọn gió lướt thướt lạnh. Bà ngoại bảo gió rủ nắng về, gió và nắng dạo chơi khắp nơi, gần Giáng Sinh thì trở về còn rủ thêm đám dã quì rực rỡ vàng lao xao, hoa vàng ôm cả nắng và gió vào lòng mình. Có lần ngoại hỏi em, thử nghĩ xem dã quì sẽ ra sao nếu không có nắng và gió se lạnh? Ừ nhỉ, nếu không có suối nắng trong veo và làn gió lạnh vun vút băng băng qua lũng thì làm sao có dã quì? Mà biết đâu, không có cà ngàn nụ dã quì chao đảo trong nắng gió đầu mùa thì làm sao biết được có nắng và gió đã về sáng nay?
- Nhưng trong đêm tối âm u đó, em vẫn nghe tiếng đàn sói hú lẩn với tiếng gió rít qua khe cửa?
- Em có nghe thấy, nhưng em không lưu tâm đến sói. Mẹ vẫn mắng em cứ nhởn nhơ ở bìa rừng, chạy theo đàn chim gi mà không lo lũ sói. Lũ sói vẫn thập thò rình mò bên cạnh sự an bình của em, của khu rừng quê ngoại. Em không lưu tâm đến sói. Ngoại từng nói với em: có nơi nào trên thế gian này, có sự sống lại không có sự chết, có cái đẹp lại không có cái xấu? Nơi nào có chú thỏ con lông trắng mịn màng với đôi mắt ngơ ngác mà không có lũ sói răng nanh nhe ra trong đám lông lá bờm xờm? Bà bảo, bà không ghét sói ác độc, vì có ác độc mới là sói; nhưng bà ghét sói quỷ quyệt. Sói quỷ quyệt che dấu sự ác độc của mình : Sói đến với bà bằng hình dạng của bé, sói đến với bé bằng hình ảnh của bà. Sói không đến bằng hình ảnh chính nó khi xuất hiện trước mọi người. Ta làm sao biết ai là sói, ai là người? Chẳng lẽ ta mãi mãi hoài nghi? Ngoại bảo lòng hoài nghi như con sâu róm trong trái táo, sống mà hoài nghi mọi sự thì sống làm gì ?
- Và bởi vậy, em không lưu tâm đến sói. Đã một thời, nơi rừng quê Ngoại, em sống thật hết lòng mình; em ngất ngây uống từng giọt thời gian, từng giọt sắc màu trong gió mây lồng lộng ấy. Đã có một thời em sống hết mình, sống đúng nghĩa là sống. Và chỉ cần một thời như thế, đủ cho em ngồi đây tự ru mình cả ngàn năm nghe sóng biển rầm rì cầu nguyện ngày ngày, tháng tháng … mà không chán. Hạnh phúc thay, ta có một quá khứ mật ngọt để an ủi ru mình trong cay đắng hiện tại!
- Nhưng sói đã nuốt em và Ngoại vào bụng ?
- Không có con sói này thì con sói khác, không thời này thì thời khác, những em và những Ngoại phải bị nuốt vào bụng sói thôi. Thế gian này, có nơi nào không có sói đâu anh. Anh có bao giờ thấy mình ngột ngạt, lùng bùng, như số phận chú cá dãy đành đạch trên tấm lưới? Anh ngơ ngác chúi đầu chạy theo những thói quen và công việc vật vờ, bi đát mà muốn một lần dừng lại không được? Hàng tỉ tỉ con sói quỷ quyệt vẫn hàng ngày nuốt chững những em bé quàng khăn đỏ, những tâm hồn ngây thơ yêu cái đẹp. Ngồi đây từ lâu, em nhớ lại lời Ngoại : cháu đừng nghĩ đến cháu sẽ chết thế nào mà hãy lo sống như thế nào. Vậy, đã có một thời như thế, em đã sống đầy với thời gian. Mỗi sáng tinh mơ, trở giấc tự dưng em cảm thấy mình trễ hẹn và tiếc nuối vì ngoài kia những tia nắng đã vuốt ve đám tường vi bên hiên, những chú chim én như những vệt sáng ngập nắng trên cao đang bay lượn, làn sương mỏng như voan mùng chưa kịp vén lên sau một đêm ngẩn ngơ hạnh phúc … Đêm nào, khi đi ngủ, em cũng tiếc ngẩn ngơ vì đành bỏ rơi ánh trăng xanh , các vì sao nhấp nháy và mờ xa là đỉnh núi như hai bầu sũa mẹ nhú lên ở chân trời …
Đã có một thời em sống thật đầy và em sẵn sàng ngồi đây một ngàn năm để nhớ về thời đó! Hạnh phúc thay, ta đã có một quá khứ mật ngọt để an ủi ru mình trong cay đắng hiện tại!!
- Mẹ đã dặn em trên đường đi đến Ngoại …
- Vâng mẹ đã dặn: Con ơi , hãy đưa hai chiếc bánh nóng lên cho bà. Nhớ đi nhanh nhanh, nhớ đừng lân la bắt bướm, nhớ đừng nói với ai dọc đường đi … Nhớ …
Như mọi bà mẹ thương con luôn đề phòng mọi sự; mọi bà mẹ đều muốn các em bé yên lành. Mẹ cầm bàn tay bé bé của em, mẹ nhìn theo lối em đi qua, đường hoa ngan ngát hương. Nắng tháng tư như mật ong chảy lênh láng trên triền đồi cỏ úa, em tung tăng trên đường rừng. Tim em như muốn vỡ ra vì ngất ngây sung sướng. Bông mua giống như bông sim, từng cụm màu tím cúi chúi đầu vào nhau rúc rích cười, chúng bảo mắt em đẹp nhất nhờ khăn quàng đỏ. Em bé quàng khăn đỏ bước vào vườn cổ tích, vườn rừng của Ngoại, vườn ước mơ … Giỏ mây có hai chiếc bánh đã có thêm mấy bông hoa Ngoại thích, hình như em có thấy bóng ai đó thập thò, lấp ló sau bụi hoa …
- Lão sói quỷ quyệt hay thợ săn ?
- Em không lưu tâm là sói hay là thợ săn? Em chỉ nhớ mang máng có người hỏi bé đi đâu, em đáp em đến thăm bà, bà bị ốm đang chờ em đem bánh đến … Ngoại vẫn thường nói với em, cứ sống thành thực với người, sống cho trọn vẹn vì chỉ có một lần sống với một cuộc đời … Làm sao em biết được dưới cái nón có túm lông gà lấp ló đó là sói hay thợ săn? Ngoại bảo lắm khi nhìn rất hào hiệp ta ngỡ thợ săn thì lại là sói, và lắm khi nhìn rất sói lại là thợ săn. Anh bảo em phải sống thế nào trong cái thời ma quỷ đó? Những gì em biết được, những gì em được dặn dò, làm sao đủ đương đầu ngàn vạn sự lừa đảo dối trá đó!! Em chỉ là một em bé, em chỉ có một lòng dạ tin chắc chắn cánh bông mua tim tím này, con chim gi màu xám lí lắc kia và một chút gió mơn man vuốt đôi má hây hây đỏ của mình … những thứ đó có thực. Em khờ khạo quá, em có biết gì đâu!! Những bước chân lấp ló, núp núp, lò dò đâu đó sau bụi cây ven đường; những toan tính, mưu mô nào đó sau đám tường vi …
Em nào biết! Như một cánh hoa hồng dại, em chỉ làm đỏm hù doạ bão tố với vài mắc gai nhỏ xíu mong manh nho nhỏ!! Tội nghiệp cánh hồng dại của tôi nó có thể làm gì được với mấy chiếc gai nhỏ xíu khi gió bão ập tới?

Em đã vòng tay ngồi lặng im nơi bờ biển này bao năm rồi. Em lắng nghe sóng biển cầu nguyện cho sự bất hạnh của em, của biết bao em bé quàng khăn đỏ, đang âu sầu ngồi trong bụng con sói già xảo quyệt. Nhiều đêm thâu, chút trăng lưỡi liềm xanh xao, và vài vì sao băng mất hút trong đêm biển đen, em đã âm thầm khóc …

Tôi nằm tựa vào đồi cát hồng mịn màng, lạnh lạnh. Tôi nằm tựa vào chân em bé, nhìn lên trời cao thăm thẳm.
- Em bé quàng khăn đỏ của anh ơi! Em khóc vì nuối tiếc cái ngày xa xưa ấy sao?
- Thực ra, đã lắm lúc em khóc than và nuối tiếc quá khứ. Em thấy thương thân mình và thương mọi người đầy đọa trong nắng gió trần trụi mãi nhớ đến một đồng cỏ xanh mát rượi, mượt mà ngày xưa ấy. Nhưng nghĩ cho cùng, em phải tự dặn lòng không bao giờ …
- Không bao giờ em nuối tiếc những gì đã qua. Ngoại bảo kẻ nuối tiếc và khóc lóc quá khứ là bọn phu đào huyệt ở bãi tha ma, cứ mãi chôn vùi từng mảng quá khứ và than thở, tiếc nuối. Nếu đã có một cuộc sống tròn đầy trong từng phút giây thì còn có gì đâu mà nuối tiếc. Em khóc là vì … Có em bé quàng khăn đỏ nào trong cổ tích biết yêu chưa anh? Em chưa biết yêu nên không hiểu có hai gã đàn ông đến với em, luôn luôn dấu mặt, là sói già và thợ săn thì em sẽ yêu ai? – Biết đâu em lại yêu sói!! Ngoại vẫn bảo với em, sự gian dối bao giờ cũng dễ gần, dễ đam mê như chất chua dễ lên men và thành rượu. Đã là sói thật thì có bao giờ sói đến với em như sói? Còn anh thợ săn hào hiệp? Nếu em không chết đi để anh cứu thoát thì anh đâu có là thợ săn? Cả hai sẽ là chính họ khi em không còn là chính em; mà em mãi là em nên em sẽ không bao giờ thấy được chính họ và yêu thương được ai trong họ? Em chỉ thấy được vở kịch của họ bày ra bằng cách này hay cách khác mà mục tiêu cuối cùng là sói vẫn cần có em trong bụng và thợ săn cần cứu em trong bụng sói!! Cái vòng lẩn quẩn của định mệnh, của những tay thợ làm bánh mà em chỉ là bột!!
Em âm thầm khóc cho sự cô đơn như bóng tối trùng trùng ngàn đời phủ kín thân phận mình. Có phải cuộc sống chỉ là một kiếp lưu đày không anh?
- Có lẽ sói nhanh chân chạy đến nhà Ngoại để làm cái việc cuối cùng cần phải làm và ông thợ săn thì không bao giờ có thật … Anh nên nhớ, đừng bao giờ chờ đợi một anh thợ săn hào hiệp!!
- Bé ơi, nghe bé nói, anh thấy buồn không chịu nổi. Em xem kìa, ngoài biển xa có từng lằn chớp ngoằn ngoèo, thăm thẳm … gió rít từng cơn. Anh thấy thân phận mình sao nhỏ nhoi và lạc lõng quá : sống thế này để làm gì hở em? Anh rờn rợn nghĩ đến bộ xương khô khốc của mình khi nhìn thấy đám vỏ sò trắng hếu dưới chân em.
- Trước không gian mở rộng, biển cả bao la tăm tối, càng làm cho em yêu hơn cánh hoa lưu ly trăng trắng; yêu hơn cái phút giây em cầm tay mẹ âm ấm trong tay khi đi ngoài trời gió lạnh trở về nhà … Ngoại bảo những cái nho nhỏ, thương thương trong mái ấm gia đình là những gì thực có mà Thượng đế ban cho con người để gói ghém đời sống trước cái phủ pàng của bao la, của thăm thẳm.
- Còn con sói già xảo quyệt ?
- Ngoại vẫn bảo, đã là thân phận con người thì phải sống cạnh những con sói xảo quyệt. Đừng ước mơ viễn vông là có một thế giới không có sói, đừng kỳ vọng thấy cho hết được mọi biến hình của sói và tự tin rằng mình sẽ là một thợ săn tài ba săn bắt sói. Khi anh đưa tay vuốt tóc người anh yêu nói những điều mật ngọt, chợt anh thấy sau lưng ngứa ngáy, đưa tay sờ thấy một dúm lông cứng tua tủa mọc, thì đã có một chút trong anh đang lừa lọc người yêu nhỏ bé, đã có một chút sói đang thành hình trong anh !!
Ngoại đã bảo em, thật khó khăn nếu mai kia con phải sống với sói, nhưng biết thế nào được, trong một khu rừng như thế này! – Có một buổi chiều lâu lắm, trước buổi chiều định mệnh, em ngồi trong lòng Ngoại bên bậc cửa nhìn ra đồi thông ngào ngạt nắng vàng. Ngoại chải tóc và thắt lại cái khăn quàng màu đỏ thắm cho em, ngoại chỉ mấy chú chim bạch mi múa xòe trên chóp thông cao ngập nắng. Dưới bóng râm mát rười rượi, vài chiếc lá nhỏ rơi rớt cũng nghe rõ được tiếng. Ngoại bảo, bé ơi, đời cháu sẽ khổ vì cháu sinh ra ở cái thời mà cái đẹp của đất trời vẫn vậy, nhưng người và sói, thực và giả … tràn đầy lối cháu đi. Đôi chân cháu vẫn tung tăng ca hát trên lối sỏi đầy hoa mà có ai dám chắc mai này trên con đường đó không có cạm bẫy …Bà đã già rồi! – Ngoại lấy khăn thấm chút nước mắt bên khóe mi nhăn nheo. Ngoại căn dặn : cái chính của sói là sự độc ác, muốn sống được cạnh nó, con đừng bao giờ chỉ cho nó thấy nó độc ác. Nó căm ghét những ai chỉ ra cho nó thấy nó là con sói giả nhân, giả nghĩa. Nó chỉ muốn cho cháu thấy cái nó lừa phỉnh con, nó muốn cháu ca tụng nó là cừu hiền lành nhất, nó không muốn cháu thấy cái nó là nó!! Cháu ơi, để sống an ổn giữa bầy sói, cháu phải giả dối như nó. Nó chỉ mong ước con chân thành gọi nó là con cừu hiền lành và cao cả nhất!
Buổi chiều định mệnh ấy, em tung tăng nhảy sáo với một làn hoa dại lấp kín hai ổ bánh nho nhỏ mẹ làm cho Ngoại. Chẳng hiểu vì sao em đến trễ hơn mọi khi, đến gần cổng gỗ nhà bà bên triền đồi em ngẩn ngơ ngồi tựa gốc thông già ngắm chiều vàng lặng lẽ rơi. Bây giờ, đã lâu lắm rồi, vậy mà em vẫn còn cái cảm giác ngây say và trĩu nặng buồn trong những buổi chiều quê Ngoại. Trên cao thì trời đất sáng vàng hồng như một khăn lụa nhàn nhạt ấp ủ, còn dưới bóng rừng thông thì một chút sầm sậm mát êm và lắng đọng. Em thấy như tim mình trĩu xuống, một chút ngất ngây mà lại buồn buồn vô cớ. Em chẳng hiểu vì sao, mà cứ như muốn sụp xuống ôm đồi cỏ, ôm lớp lá thông vàng và khóc rưng rức như dúi đầu vào ngực mẹ mà khóc nấc vì ngất ngây sung sướng. Anh có bao giờ hiểu được tâm trạng đó không? Sung sướng trước cái đẹp ngọt ngào mà lòng thì buồn bã biết bao! – Ngoại vẫn bảo em là đứa bé "chiều tà , trăng khuyết" – Đúng thật anh ạ, cảm giác chiều hôm ấy cũng giống như ngồi đây, có nhiều buổi chiều tà chưa hết và đêm chưa đến, trong bóng chạng vạng, nhìn một vệt hồng nhạt ở tít xa ngoài biển, một nét trăng khuyết hư ảo vắt vẻo đính ở cuối trời … Sao trăng xanh xao và cô đơn đến vậy? Ở trong không gian bao la và xa xăm đó, cái vệt xanh ảo não kia có … Em như muốn ngạt thở và bỗng dưng nước mắt ràn rụa! Cái đẹp sao mà bơ vơ quá trên cõi đời này hở anh?
Mỗi đời người, có một ngày định mệnh...
Cái chiều định mệnh ấy, em đã khóc và lầm lũi bước, mấy chiếc hoa mua màu tím trong làn mây cũng như vỡ òa khóc theo em trong cái màu tím dật dờ rủ xuống. Em đi từng bước chậm vào nhà, chắc bà ốm nên không ngồi đong đưa trên ghế gổ bên hiên?

- Cháu cứ nâng cái cửa và đẩy vào. Có tiếng bà ồm ồm khàn đục.
Trong bóng tối mờ mờ bé quàng khăn đỏ hỏi bà.
- Bà ơi sao tay bà lông lá thế?
- Tay bà lông lá vì để ôm chắc cháu bà?
- Bà ơi sao tai bà to thế?
- Tai bà to để nghe lời cháu hát.
- Bà ơi sao mắt bà lớn thế?
- Mắt bà lớn để ngắm cháu bà tươi đẹp như ngàn hoa …
- Bà ơi sao …?

Em đã nhớ ra. Ngày xưa bà đã dặn mọi sự dối trá đều ngọt ngào, rất ngọt ngào .Mọi sự lừa dối đều là những tấm lưới nhện lung linh, mong manh dịu dàng trong gió, nó rất mời gọi những cánh bướm đang lượn lờ ngất ngây trong cuộc sống. Những tâm hồn của bướm, của biết bao cô bé quàng khăn đỏ, bị gói trọn trong màn lưới dịu dàng của lừa dối quỷ quyệt là chuyện quá đỗi bình thường? Hỏi làm chi tấm lưới mong manh ẻo lả kia : Sao mềm mại thế ? – Bé ơi, câu trả lời chỉ có thật khi cánh bướm dịu dàng bị bó chặt trong ngàn tơ sợi mong manh!! Câu trả lời chỉ có khi không bao giờ còn có cơ hội đổi thay thực trạng. Khi lừa dối là nền của chân lý thì mọi sự rất thật đều là trò chơi của ngôn từ. Sẽ tô đôi mắt bằng hàng mi cong, sẽ ép đôi tai vào mái tóc, sẽ nhuộm lông xù thành sói và sẽ phủ thực nhiều vòng nguyệt quế quanh kẻ lừa đảo… Ngoại đã dặn, cháu phải nhớ bản chất giống sói là ác độc, sói che dấu sự ác của mình, bởi vậy đừng bao giờ cháu hỏi ông sói cái ác ông để nơi đâu? Và em đã làm điều ngu dại đó.

Bé quàng khăn đỏ đưa bàn tay sờ vào hàm răng lởm chởm, nhọn hoắt của bà :
- Bà ơi sao răng bà to và nhọn thế ?
- Răng bà to là để …


Tại sao em hỏi câu hỏi đó? Tại sao em lại hỏi về cái răng của sói? Sói thật là sói chỉ ở hàm răng nanh xé xác mọi vật! Sao em lại hỏi sói về răng? Sao bướm lại hỏi màn nhện về sự mềm mại của tơ? Bây giờ nghĩ lại, nhớ lại, em luôn tự hỏi bởi đâu các em có một thôi thúc không cưỡng được để hỏi, để tò mò muốn thấy về bản chất cái xấu. Vừa lo sợ cái ác, mà trong mỗi chúng ta đều muốn chờn vờn bên cái ác. Màu áo Satan luôn cuốn hút, đam mê, ngây say … những tâm hồn thơ ngây. Em đã nhìn đắm sâu vào đôi mắt sói, em đọc thấy sự u buồn thăm thẳm của cô đơn. Trong đáy sâu đôi mắt đó – Sói bảo mắt bà to là để nhìn cháu – Em đã đọc thấy nỗi đơn độc khủng khiếp của lòng độc ác. Khi cánh bướm đã bị bó gọn trong màn tơ nhện thì cái dáng chạy phăng phăng của chú nhện đến cằm phập hai răng càng đen nhánh vào bụng trắng mởn của cánh bướm sao mà cuốn hút đắm say! Nhìn vào đáy mắt sói, hai bàn tay nhỏ bé của em để trên hàm răng lởm chởm với cái lưỡi đỏ thập thò … em nghe giọng ồ ồ như tiếng nghẹn ngào : “ Răng bà to là để nhai cháu “ – Không biết em có nghe như thế không? Sói có nói điều đó không, nhưng em không cưỡng được ước muốn khát khao từ từ bước vào bụng sói … Em đi vào bụng sói như mê ngủ, miên du. Bởi đâu em mê say hòa cùng sự độc ác, bởi đâu em như quen thuộc sống trong lòng sự độc ác và gian dối?
Em đã đi vào cái bụng bóng lưỡng này như thế, và em đã ngồi trong bụng này bao ngàn năm ?

*
* *
Còn gì buồn hơn chớp bể mưa nguồn, vài vệt sáng lóe lên ngoèn ngoèo ở cùng trời cuối đất, trên cái nền đen thăm thẳm của biển cả bao la. Tôi áp má mình vào cát lạnh, như nghe em bé thở dài.
- Anh không thể hiểu được, sẽ không bao giờ hiểu được, tại sao em lại phải hỏi: “Bà ơi sao răng bà to và nhọn thế ?”. Em chỉ hỏi một câu để rồi ngồi đây bao năm nghe sóng cầu nguyện?
- Sẽ không bao giờ anh hiểu được điều đó, ai hiểu được một chút thẹn thùng khi một sợi tóc mong manh bay vắt qua đôi môi nàng thiếu nữ, chạm nhẹ với một cảm giác vu vơ : run như run hơi thở chạm tơ vàng ?? Em đã hỏi sói, em đã nhìn vào mắt sói, và em đã ngẩn ngơ bước vào cổ họng sâu hoắm, đen ngòm, nồng nặc mùi hôi đó!! Em đã giã từ những giọt nắng vàng thơ ngây chắt lọc như những giọt mật trên đồi thông để bước vào… Có nhiều lần, ngồi đây, em tự hỏi, trở lại ngày cổ tích ấy thì em có còn hỏi câu hỏi định mệnh ấy không. Em thấy nhức buốt lòng mình mà tự thú nhận mình sẽ lại hỏi câu hỏi ngày xưa : "Bà ơi , sao răng bà to thế ?”
Cánh bướm sặc sỡ kia có cả một bầu trời cỏ hoa, có thể vờn bay quanh màn lưới nhện trắng lung linh trong nắng, có thể thích thú hỏi sao lưới nhện mong manh trắng? sao dịu vợi trong gió sớm? … Có thể hỏi nhiều điều, trừ vẩy cánh vào màn tơ mà hỏi : "Lưới ơi , sao mà mềm mại thế ?”, câu trả lời là hai gọng càng đen nhánh của chú nhện cắm phập vào bộ ngực mơn mởn phập phồng của cánh bướm!!
Anh ơi, ai bảo em bé quàng khăn đỏ hỏi, ai bảo cánh bướm ngây say kia hỏi? – Sẽ có cả ngàn đời các em bé sẽ hỏi, không thể khác được, và sẽ có cả ngàn đời sóng biển vẫn âm thầm cầu nguyện ngày đêm. Mãi mãi Thúy Kiều vẫn khóc trước mộ Đạm Tiên, vẫn sẽ nấc từng giọt đàn “ khiến người ngồi đó cùng ngơ ngẩn sầu ” – Không thể khác được.
- Và như thế, em mỉm cười đi vào bụng sói?
- Không phải em mỉm cười đi vào bụng sói mà là em ôm định mệnh thân thương của mình đi vào bụng sói. Trong ánh sáng lân tinh nhòe nhoẹt của không gian cái ác, bà Ngoại ngồi trong hóc tối, âu sầu nói với em: cháu quàng khăn đỏ bé nhỏ của bà ơi! đứa – cháu – chiều – tà – trăng – khuyết khờ khạo của bà. Bà biết cháu rồi sẽ vào đây?
- Bà ơi, sao bà biết cháu sẽ lại vào bụng sói?
- Không thể khác được; cõi đời gian dối, quỹ quyệt này không có chỗ nào khác cho cháu. Cháu quá đổi ngây thơ trước ngàn vạn vở kịch của sói, chỉ có điều là sớm hay muộn, trước hay sau thôi …
- Bà đừng lo, sẽ có chàng thợ săn hào hiệp mổ bụng sói để cứu bà cháu mình như trong cổ tích.
- Làm gì trên đời này có chàng thợ săn hào hiệp, không khéo lại có một con sói quỷ quyệt hơn con sói này đóng vai chàng thợ săn để nuốt bà cháu mình một cách khác. Đừng mơ ước và chờ đợi điều đó cháu gái của bà, hãy sống quen trong đời sống mới và trong đám tro tàn chắc hẳn sẽ có những mầm xanh mạnh khỏe hơn …

*
* *
Bụng sói no nê căng tròn, trong đó có em và Ngoại. Chắc sói già buồn bã và đơn độc biết bao, chắc nắng vàng đã vụt tắt và cánh rừng phấn thông vàng ngan ngát mùi oải hương và nhựa hổ phách đã chìm dần trong bóng tối. Chắc giỏ bông mua tím và hai chiếc bánh đã đổ ngả nghiêng trên sàn nhà, chắc cả cánh rừng quê ngoại im lìm, câm nín, ngạt thở … đang đợi chờ phút giây sói trở thành là sói. Đêm ấy những vì sao xanh xao và ánh trăng khuyết nơi nao? Đêm ấy có tiếng dế nỉ non hay tiếng vài con én lạc xao xác trên cao? Đêm ấy mẹ có chong đèn chờ em … ? Và đêm ấy, gió vù vù hun hút có dài hơn đêm nay?
Mọi sự bất động và im lìm chờ đợi. Ngoại co ro, già nua xương xẩu, nhỏ bé trong góc tối tăm. Đêm chắc đã khuya, hình như sói già đứng dậy, cả ngôi nhà nhỏ, rừng cây chuyển động ầm ầm … Cả không gian câm nín đợi chờ chợt bỗng chốc ào ào, ầm ầm khắp nơi nơi … Tiếng gầm rú khắp nơi nơi hay chỉ thực ra là chính lòng em quá khiếp sợ mà xôn xao lên tiếng?
Cái đêm trăng hè định mệnh ấy ...
Sói già đứng lên, sói già ngẩng cao đầu, nhìn ánh trăng khuyết đầu non mà hú từng tràn dài vang động cả đại ngàn. Tiếng hú u u vọng dài, thăm thẳm, của sự chiến thắng hay của nỗi cô đơn? Thực sói có gầm hú không, hay chỉ là lòng em xôn xao gầm rú, cả một cánh rừng quê ngoại bao năm êm ả nay gầm rú? - Cánh rừng quê ngoại ào ào lá đổ, cây cỏ lay động, nằm rạp xuống. Sói vươn mình lên rầm rập bước như chạy, lông dựng gáy, răng nanh nhe cao, lưỡi chảy dài giữa hai hàng răng lởm chởm. Chưa bao giờ sói là sói hơn đêm nay!! Sói chúi đầu bươn chạy vượt rừng, vượt thác, vượt núi, vượt non … sói chạy như ma đuổi với tiếng hú dài, ngân vang, nhiều khi tắc nghẹn, thống thiết bi phẫn !! Ngoại quay lông lốc trong bụng sói, từng thẻ xương già rơi rụng, gùi quến lại nhau … Em không thấy buồn bã, em không thấy sợ hãi, em mặc cho định mệnh cuốn đi trong vòng xoáy điên dại, em chỉ cầu xin cái đêm đen nhầy nhụa này hãy trôi qua mau, rồi ra sao cũng được. Cái đêm định mệnh như điên dại của sự đuổi bắt hư vô; sói ôm chiếc bụng căng tròn trong đó Ngoại và em tả tơi vần vũ; và sói hú những tiếng hú dài kinh khiếp, vô vọng, thống thiết và chạy như ma đuổi!! – Tất cả đều chạy, chạy chết khiếp, chạy chà đạp mọi thứ , chạy về phía trước, chạy cho tiếp cận được hư vô … Và cứ thế, sói đến đây, cuộc hành trình nào rồi cũng có hồi kết thúc. Sói đã đến đây, trước mặt là đại dương bao la, sói xoài chân ra biển nước, sói tựa lưng vào đồi cát … sói không còn hú nữa mà phì phò thở dốc, phì phò thở cùng em, lặng yên từ ngày qua, tháng qua, năm qua … nghe sóng biển rì rầm. Sói nhìn gì, trông chờ gì ở biển sóng xa xăm? Em mong chờ gì ngoài nét xanh chân trời mờ mơ, xa xa ấy? Và ngoại nói gì khi vài nhúm xương khô biến thành cỏ chôm chôm cứ xoay tít, xoay tít, chạy lông lốc trong gió … Đã bao năm rồi?
- Rồi lòng em hờn căm, uất ức ?
- Không khác được trong những ngày tháng đầu tiên của tang thương trong cơn bương bã, điên cuồng. Và rồi thời gian. Vâng, thời gian chính là chàng thợ săn hào hiệp. Trong đáy sâu tâm hồn, nhiều khi em nghĩ lại. Anh xem, tiếng be be nhởn nhơ gặm cỏ xanh ở bìa rừng của chú cừu non ắt cũng có chút tội tình trước cái xấu xa của hàng răng lởm chởm của sói? Thơ ngây, nõn nà đã mời gọi hàm nanh sói! Và hơn thế, nơi những đồng cỏ không có sói lai vãng, không có sự lo âu sợ hãi của cừu, thì đàn cừu nhởn nhơ kia cũng dần dần thoái hóa và tàn lụi. Cái ác cũng cần thiết một cách nghiệt ngã!! So với chuyện ngàn năm thì nỗi khổ của Ngoại và em nào có nghĩa gì, thời gian bào mòn tất cả, thời gian ngâm tẩm cho mọi sự ôm vào nhau, cần có nhau. Anh nghĩ gì khi nhìn bộ xương cá hóa thạch, ở trong hốc đá trên đỉnh núi cao? Anh có thấy sóng nước rêu xanh nhởn nhơ con cá ngàn năm trước bơi lội trên những vệt vật vờ hư ảo của phiến đá? Và đêm nay, trên cao thăm thẳm kia là những vì sao chốc chốc đổi ngôi, em ngồi đây, anh ngồi đây, anh có thấy những toan tính, thù hận, nhỏ nhen?? Vô nghĩa biết dường nào!! Không còn có sói già tàn ác mà cũng chẳng có em bé quàng khăn đỏ dịu hiền. Không có tất cả. Thời gian hoàn tất việc xóa bỏ mọi cách biệt: em đã nâng niu một vỏ ốc ngũ sắc trên đồi cát sa mạc mà nghe thấy cả tiếng sóng biển của một thời xa xưa …

*
* *

Tôi xoay lưng về phía biển, quay lại nhìn dãy đồi cát hồng nhấp nhô phía sau: từng bụi cây đen trũng sâu như hố mắt sói u-sầu, từng dãy cây dương thấp thấp xỉa xói lông lá lên trời, từng lèn đất gò chảy dài xuống mép nước như những cánh tay buông xuôi … đúng như em bé nói, những chú sói trầm ngâm buồn và hiền lành quá đổi. Chẳng còn tiếng hú vọng khiếp hãi, kinh hoàng; cũng chẳng còn những chiếc nanh trắng lởm chởm … Sói và bé, và Bà đã được thời gian và gió sương ngâm tẩm, đã hòa lẫn làm một trong cái vô cùng; sói và bé, và bà đã hóa thạch trong mắt tôi. Có nghĩa gì đâu sự lừa dối, ác độc hay thơ ngây, nhân hậu … lớp lớp sóng thời gian sẽ ì-ộp vỗ qua và xóa sạch.
Em bé quàng khăn đỏ và sói, và khu vườn rừng có nắng mật ong của Ngoại … nhẹ nhàng đi vào chuyện cổ tích. Tôi vẫn nằm trên đồi cát hồng mát lạnh nghe em bé kể chuyện đời xưa.

 
 

( 2006 )

Nguyễn Quang Tuyến