|
1.
Với đôi hia bảy dặm, kỹ nghệ tin học đã đem đến cho nhân loại những tiện nghi mà, chỉ hơn vài năm trước đây, hầu như không ai dám mơ tưởng. Từ sự dự định hình của hệ thống Internet, những trang mạng ra đời. Những trang mạng ra đời là một biến cố lớn, cho lãnh vực văn học, nghệ thuật. Chỉ cần một cái nhấp con chuột, sáng tác của họ, sẽ lập tức được chuyển tải khắp nơi trên thế giới. Và, cũng lập tức, sản phẩm trí tuệ của họ, được hàng ngàn người biết tới.
Tuy nhiên, như tôi biết, ở hải ngoại cũng như trong nước, vẫn có những văn nghệ sĩ không hưởng dụng phương tiện hiện đại kể trên - - Mặc dù tài năng của họ được thực chứng không chỉ một mà tới hai, hoặc ba lãnh vực VHNT khác nhau. Họ luôn giữ một khoảng cách nào đó, với đám đông. Đời sống hay sự sống thực sự của những người này, không bao giờ là cái hư danh, là cái ngã không thật. Mà, là sự quy chiếu, quay về với tâm thức (cõi riêng), mình họ.
Ở trường hợp này, theo tôi, một trong những người có thể kể tới là, nhà thơ Phan Tấn Hải.
Tôi nghĩ, những người biết ông, có thể dùng bất cứ một chỉ danh nào khác hơn hai chữ “nhà thơ”, tùy vị trí và sự đánh giá riêng của mỗi người.
Tôi biết, nhiều người sẽ không ngập ngừng, khi gọi ông là ký giả. Nhà báo. Chỉ danh này, rất đúng, rất chính xác với họ Phan. Bởi hàng chục năm qua, ông đã là chủ bút nhật báo Việt Báo - - Một trong những tờ nhật báo lớn ở miền nam California.
Tôi biết, có người sẽ gọi ông là dịch giả. Chỉ danh này không sai. Cũng rất đúng với họ Phan. Tiểu sử của ông đã cho thấy, ông là dịch giả của nhiều kinh sách và, luôn cả thơ Thiền của những thiền sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, như thiền thi của Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ thế kỷ thứ 13, Trần Nhân Tông ở thế kỷ thứ 14 v.v…Không chỉ thế, ngay với thơ của một số tác giả hiện đại, như thơ của Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Thị Khánh Minh, Inrasara v.v…cũng được chọn lựa, chuyển dịch sang Anh ngữ tốt đẹp, tới mức một số người cùng giới, phải cất lời ca ngợi.
Tôi cũng biết, những người từng có dịp tham dự cuộc triển lãm hàng trăm bức chân dung Đức Đạt Lai Lạt Ma, hồi tháng 7 năm 2010, tại phòng hội Việt Báo, chủ đề “Mừng sinh nhật thứ 75 của Đức Đạt Lai Lạt Ma” - - Do họ Phan ghi lại không chỉ bằng đường cọ, nét bút mà, còn bằng tâm thức của một người từng nhận được hạt giống từ-bi khi còn rất trẻ - - Nên, không ít người thưởng ngoạn đã ngỡ ngàng, khâm phục…
Tóm lại, dùng chỉ danh nào cho Phan Tấn Hải, cũng đều rất đúng. Không sai. Riêng tôi vẫn muốn dùng hai chữ “nhà thơ”, ngắn, gọn để chỉ danh ông. Vì, dù ở cương vị nào, dịch giả hay họa sĩ, thì tính chất thi ca nơi họ Phan vẫn tỏa, thấm trên từng luống chữ nghĩa hoặc đường nét. Với tôi, nó là căn để, là nguyên gốc của một con người đa năng, đa tài này.
2.
Tôi nhớ, tôi được tiếp xúc nhiều lần với nhà thơ Phan Tấn Hải vào những năm giữa thập niên 1980s. Khi đó, họ Phan còn ở trên lầu một căn chung cư, đường Bixby, thành phố Garden Grove.
Đó là những ngày cố nhà văn Mai Thảo nhờ họ Phan chở đi lấy tạp chí Văn, ở Kim Ấn Quán, thuộc thành phố Culver City, thời họa sĩ Lâm Triết làm chủ. Chúng tôi đến để trông giùm cháu bé của họ Phan, trong những giờ ông vắng mặt.
Căn phòng cho thấy cuộc sống của họ Phan rất thanh bạch. Sự giầu có duy nhất của ông, chỉ là những khối kinh, sách, báo chí chất quanh các vách tường. Nhưng sự thanh bạch và những chồng kinh, sách của ông, khiến tôi nhớ lại, một người bạn thân của Phan Tấn Hải từ những ngày còn ở Việt Nam cho biết, họ Phan đã tìm tới thiền môn rất sớm. Tâm nguyện của ông là tận hiến đời mình cho đạo pháp. Nhưng biến động thời cuộc, xao trộn thời thế đã ném ông ra khỏi mái chùa - - Trả ông lại đường thường. Khiến từ đó, ông buộc trở thành người lính. Rồi người lính mang tên Phan Tấn Hải, như hàng triệu đồng đội khác được lệnh buông súng, khi lịch sử oan nghiệt của miền Nam, đổi chủ. Sang trang.
Trong hoàn cảnh bi đát của những năm tháng mịt mù không chút ánh sáng, người lính bị buộc phải buông súng họ Phan, vẫn làm thơ. Như thể thi ca là trú sở cuối cùng, duy nhất của ông, sau những bôi xóa tận tuyệt:
“Thuở đi học ta đùa bên khung cửa
Nghe cuộc đời hé mở nỗi hân hoan
Cùng nắm tay những Nàng Thơ nhảy múa
Gót phiêu bồng bay khắp nẻo thời gian
.
Rồi nghiêm chỉnh nghiêng đầu nghe giấy mục
Hồn ngạc nhiên thao thức trận khóc cười
Tìm trang sử có tên là Hạnh Phúc
Đến bây giờ ngơ ngác tuổi ba mươi…”
Ở tuổi ba mươi, một lần nữa, thế sự lại ném họ Phan vào bão bùng biển lớn. Ông chấp nhận (một cách chếnh choáng) chọn sự ra đi. Như tiền thân bao nhiêu đời kiếp trước, ông đã từng chấp chới giữa đôi bờ sinh / tử - - Nhưng chẳng vì thế mà tình yêu dành cho một đất nước, một tổ quốc sớm hanh hao. Ông viết:
“Ta đi rừng núi xanh vầng trán
Thành phố phương nào mây vẫn bay
Dưới trăng cười hỏi ừ rồi máu
Có thơm mùi rượu của đêm nay
.
Nghiêng ly đổ rượu tràn tay
Say ngàn sóng dữ trả ngày trẻ thơ
Cười vang hỏi bạn say chưa
Ta say nghìn kiếp giữa bờ tử sinh…”
Từ vị trí của kẻ đứng bên lề, họ Phan ngắm nhìn dòng chảy của những kiếp đời mông muội, u minh với tấm lòng bi mẫn:
“…Tôi đứng bên lề nhìn
theo, giữa những trận mưa đá ném sang,
những trận mưa lời chúc dữ bay khắp
trời, khắp phố phường, khắp rừng núi, khắp
đường mòn, khắp thung lũng chấp chùng, không
lối ra. Không lối ra…”
.
Giữa đại họa “không lối ra”, năm 1984, Phan Tấn Hải chọn định cư tại miền Nam California; như chọn một trú sở mà ông biết, đó là mảnh đất tốt nhất cho những hạt giống Phật pháp đã sớm ẩn tàng trong tâm thức ông.
Ở quê hương tạm dung, hay quê hương thứ hai này, họ Phan lại cầm bút: Viết truyện. Làm thơ. Dịch thơ. Đôi khi vẽ tranh… Ở lãnh vực nào, họ Phan cũng đều cho thấy nhiệt tình và cái tâm vô ngại, vô sở cầu của ông.
Tôi có cảm tưởng, khi làm thơ, dịch thơ, vẽ tranh hay bất cứ một công việc nào khác, liên quan tới văn học, nghệ thuật, ông đều muốn tận hiến sở năng, sở kiến của mình, như một cách đền đáp ơn đời, ơn người, trong tinh thần thí-pháp-ba-la-mật.
Cũng khởi từ tinh thần thí pháp vừa kể, họ Phan tuồng không muốn nhiều người biết đến mình. Cụ thể, tôi từng được đọc nhiều bài viết của ông về hội họa, mà ông không ký tên mình. Ông cũng chẳng cho những bài viết đó của ông một bút hiệu, dù ông cũng có bút hiệu. Thí dụ Nguyên Giác hay thản hoặc Nguyễn Thường Tâm, khi viết về Phật học…
Đặc tính này, khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh của những “hành giả cô đơn”. Chỉ với duy nhất, chiếc bóng của mình, họ đi tiếp những dặm trường nhân thế. Đó là những “Con đường mây trắng” (?) Và, Phan Tấn Hải, ở giai đoạn này là, một thứ “con đường mây trắng” (?) (*)
3.
Tôi thích lắm, trang thơ Phan Tấn Hải, ở quê người. Những trang thơ, những con đường mây trắng. Con đường thi ca họ Phan, tự thân tựa những hạt nước trong một sát na, chứa cả biển khơi. Chứa cả thế giới:
“…im vắng, có đầy thế giới trong mắt
trong tim trên tóc trên môi, giữa lòng
phơi phới gió bay dịu dàng, dịu dàng…
Đó là chuyện mới chút xíu hồi sáng…”
Hay tinh thần liên đới nhân loại trước thảm họa(?) Như yếu chỉ Phật giáo từng chỉ ra rằng, mỗi sinh linh, không chỉ mang biệ t nghiệp mà, còn gánh nghiệp chung với hàng vạn sinh linh khác:
“…về biển, bập bềnh bập bềnh xác trôi
có kẻ xa lạ, có kẻ thân quen
có anh thiện lành, có xác tôi nằm,
có xác cá tôm, có xác tôi trôi
giữa vô số xác, bập bềnh bập bềnh…”
Và, tiếng kinh cầu là chìa khóa nỗ lực duy nhất trong toàn cảnh vô thường, có thể dẫn tới giải thoát:
“…trôi bập bềnh…có tiếng tụng kinh giữa
rừng, tụng kinh trên, tụng kinh trong
chợ, tụng kinh lớn tiếng, nước mắt ràn
rụa, tiễn đưa người chết…”
Quan niệm thi ca như khí trời, như nhân gian của Phan Tấn Hải, phản ánh tình thân không phân biệt, không đối đãi, như mây trắng, an nhiên, bình đẳng giữa các sinh linh:
“…Nơi thơ là cuộc cách mạng rất là
nhân bản, khi đã biến mọi thứ thành
nhà thơ. Và cũng là nơi thế giới
sẽ lìa xa cái ác. Hãy ném chữ lên giấy, và
gọi đó là thơ, vì thơ là tất
cả những gì em nhặt lên và cần
tới, là tất cả những gì em chợt
nghe và nhìn tới, và là tất cả
những gì em làm…và hãy làm thật
nhanh, thật mau để ngày mai chữ sẽ
có đời riêng…”
“Ngày mai chữ sẽ có đời riêng…” hay một ngày nào tất cả các sinh vật đều có được cho mình một tâm đạo, một nghiã sống? Tôi không biết và cũng không dám phỏng đoán điều gì nơi cõi thơ ẩn mật nhiều công án của Phan Tấn Hải. Tôi chỉ biết, chỉ hiểu “…Con đường thi ca họ Phan, tự thân tựa những hạt nước trong một sát na, chứa cả biển khơi. Chứa cả thế giới…”
Thế giới chan chứa tinh thần từ bi của một thiền giả. Một trái tim dung dị, an nhiên, như mây trắng.
|
|