|
Thiền sư Huyền Quang (1254 – 1334) là vị tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử; Ngài còn được sử sách ghi nhận là “một nhà thơ lớn”, được hai học giả Lê Quí Đôn và Phan Huy Chú khen ngợi là một nhà thơ có “ý tinh tế cao siêu” và “lời bay bướm phóng khoáng”. Sinh thời, Ngài Huyền Quang đã trước tác được 4 tác phẩm (Ngọc Tiên Tập, Chư Phẩm Kinh, Công Văn Tập, và Phổ Huệ Ngữ Lục) nhưng cho đến nay đều không còn. Hiện nay, chỉ còn 23 bài thơ chữ Hán, và một bài phú nôm vịnh chùa Hoa Yên (Yên Tử) được ghi trong “Việt Âm Thi Tập” và “Trích Diễm Thi Tập”.
Trong số những bài thơ còn lưu lại, đặc biệt - Huyền Quang đã viết riêng về “Cúc Hoa” đến 6 bài. trong cùng một không gian Xuân, nhưng mỗi bài là một bức tranh Xuân thiền sâu kín, đằm thắm, ẩn chứa nhiều tâm sự, nhiều tri kiến về Đạo. Sáu bài thơ đã toát lên được nét đẹp miên viễn của “Cúc Hoa” nơi cửa Thiền, cũng như trong tâm hồn Ngài đã an nhiên, giải thoát. “Cúc Hoa” chỉ là một hình ảnh tượng trưng, như bao hình ảnh khác; nhưng hình ảnh hoa cúc trong thơ Ngài có nét đẹp sâu khuất, lung linh ánh Đạo của nhiều tháng năm được chiêm nghiệm bởi một tâm hồn nhạy cảm và giác ngộ…
Chúng ta tự hỏi: Huyền Quang đã từng vịnh về hoa Mai, nhưng với “Cúc Hoa”, tại sao Ngài lại dành cho loại hoa mộc mạc chơn chất ấy những tình cảm sâu đặm thiết tha đến vậy?
Trong bài thơ cuối về “Cúc Hoa”, Ngài đã trả lời: “Biến giới phồn hoa toàn trụy địa/ Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly” (Khi mọi loài hoa rơi chật đất/ Dậu đông hoa cúc vẫn chưa tàn). Trong bài “Cúc Hoa” thứ 2, Huyền Quang cũng đã hé mở cho người đọc thấy được lý do vì sao Ngài yêu chuộng hoa cúc hơn hoa mai đài các hương sắc:
“Đại giang vô mộng cán khô tràng
Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang
Lão khứ sầu thu ngâm vịnh ổn
Thi biếu thực vị cúc hoa mang”
(Ngàn sông không đủ thấm lòng già/Bách vinh Mai Hoa vẫn kém xa/Đầu bạc ngâm hoài vẫn chưa ổn/Mỗi khi cúc nở rộn lòng ta)
Thì ra cái đẹp bề ngoài của Mai - như cái vỏ phù du, giả tạm; trong lúc hoa Cúc tuy đơn sơ, mộc mạc là vậy mà là cái đẹp chân chính, lâu bền: “Biến giới phồn hoa toàn trụy địa/ Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly” (Khi mọi loài hoa rơi chật đất/ Dậu đông hoa cúc vẫn chưa tàn).
Cái đẹp hào nhoáng, rực rỡ, hương sắc của hoa Mai chưa phải là cái đẹp mà tâm hồn Ngài đang mong ước, vì thế - đã bao thu qua, tâm hồn Ngài vẫn còn bao trăn trở không nguôi: “Lão khứ sầu thu ngâm vịnh ổn” (Đầu bạc ngâm hoài vẫn chưa ổn).
Trong nhiều năm tháng kiếm tìm cái đẹp chân lý, Huyền Quang đã phát hiện ra: “Thi biếu thực vị cúc hoa mang”( Mỗi khi cúc nở rộn lòng ta). Đây rồi, hoa Cúc:
“Hoa tại trung đình nhân tại lâu
Phần hương độc tọa tự vong ưu
Chủ nhan dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu”
(Người ở trên lầu, hoa dưới sân/ Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông/Hồn nhiên người với hoa là một/ Giữa vùng hương sắc lộ hình dung).
Huyền Quang đã tinh tế ngầm cho biết “tác giả & hoa cúc” chỉ là một mà thôi! Đó là lẽ huyền vi của Đạo. Khi không còn là hai, thì chân lý về “cái đẹp” đã là một sự miên viễn tuyệt vời hiển hiện rồi, đâu cần kiếm tìm?
Qua sự hòa nhập, thấu đạt cùng “Cúc Hoa”, chân lý đã lộ rõ: “Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu” (Giữa vùng hương sắc lộ hình dung). Ở khoảng không giữa hương / sắc & ta, đó là hình tướng chân thật của con người! Đó phải chăng cũng là Chân Tánh của tất cả? Huyền Quang đã khuyến thị:
“Vương thân vương thế dĩ đô vương
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô tịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương”
(Buông thân buông thế, thảy đều buông/Thiền tọa giờ lâu lạnh thấm giường/ Trong núi năm tàn không có lịch/ Thấy hoa cúc nở biết trùng dương)
Đã đạt được cái đẹp vĩnh cửu (ví như hoa cúc), thì đâu cần gì thêm - cả cái thân thế nầy, và cả núi sông/ ngày tháng (…) đều hãy buông bỏ hết, để chỉ nhìn “Cúc hoa khai xứ” là biết Xuân về…Tâm an nhiên tịnh lặng là Xuân, là Đạo!
Cúc hoa đã mãi vàng tươi nơi cửa thiền, từ dạo ấy…
|
|