ĐI NAM

 
 
 

Đủ can đảm, cộng với chút ít liều lĩnh, dấn thân bước ra khỏi lũy tre thôn làng để đi kiếm sống nơi xa, không biết bắt đầu từ bao giờ và ai là kẻ khơi mào đáng cổ súy ấy, không ai bận tâm tìm hiểu, chỉ rõ một điều, nó, việc đi xa kiếm sống đã xảy ra và ngày càng rộ lên, càng ngày càng có nhiều người, phần đông tuổi trẻ rủ nhau rời ruộng lúa nương dâu thôn dã, để đến với những nhà máy, xí nghiệp được mở ở tỉnh nhà và các tỉnh thành lân cận, nơi đó họ kiếm sống, chắc hẳn dễ dàng hơn, không chân lấm tay bùn và trên hết, không phải chắp tay nhìn lên cao xanh, vái trời cho mưa thuận gió hòa đối với mùa màng đã gieo xuống!

Rốt cuộc, những người đi làm ăn xa trở về cũng cho thôn làng thấy một điều hiển nhiên rằng ngoài ruộng đồng, ao cá nơi đây, ngoài xa kia còn biết bao điều có thể giúp họ sống dễ thở hơn. Cứ nhìn những kẻ trở về, chỉ sau một thời gian, chừng vài vụ gặt, thì biết: họ cưỡi trên những chiếc xe Đờ Rim Tàu (Dream, xe Honda do Trung Quốc sản xuất) đủ kiểu dáng, sáng choang nước kền mạ và màu sắc sặc sỡ. Họ đem về ôi thôi không thiếu các loại đài lớn, đài nhỏ, đầu to, đầu bé mà khi mở lên âm thanh còn lớn gấp nhiều lần loa phát thanh của thôn! Và họ còn mang về biết bao dáng vẻ trên thân thể họ: những bộ quần áo, hẳn là đắt tiền, những khuôn mặt và đầu tóc đủ kiểu đủ màu, khiến mấy người lớn tuổi như thầy tôi, chắt lưỡi buông một câu có vẻ như ta thán, thật chẳng khác chi bọn phường tuồng.

Thế nhưng, dù có biết bao điều tiếng, khen cũng như bỉ bai quanh hình ảnh của người đi xa trở về, cũng không giảm đi dòng người kéo nhau lấn chân ra khỏi lũy tre thôn làng để đi xa, không phải chỉ ở những thị thành lân cận, nơi có nhiều khu công nghiệp được hình thành mà công nhân cung ứng không biết bao nhiêu cho vừa, họ còn đi xa hơn nữa, lần về phía miền Trung và chẳng ngần ngại dấn thêm bước chân vào hẳn trong Nam, cực xa nhưng lại cực an toàn vì nơi xa xăm ấy, người đi từ thôn làng há chẳng có được một người ruột rà trong họ, hay chí ít cũng đồng hương, bởi sau kháng chiến thành công, có biết bao gia đình chia thành hai nơi cách biệt. Giờ đây đi Nam, lần theo một địa chỉ chẳng có một hình dung nào rõ nét, để tìm thân, tìm sống, người ở lại trong thôn đã không còn tỏ ra ái ngại cho những người đi và người đi cũng vững bước hơn nhiều!

Qủa có thế thật, những người đi Nam trở về, sau một thời gian vắng mặt, chẳng rõ là bao lâu, khi xuất hiện trong thôn, thảy đều có sự đổi thay rõ rệt mà ai cũng dễ dàng nhận thấy: như anh Gắng, con cụ Chánh Bân, trước đây cũng chỉ là một thanh niên bình thường trong thôn, có nhỉnh hơn các bạn đồng lứa tí chút vì gia thế là cháu đích tôn của cụ Chánh Tổng (dù chỉ còn là tiếng) giờ đây khác hẳn, anh đi đứng đường bệ, nói năng tỏ ra là “có gang, có thép” và nhất định mọi người không thể chối được rằng: anh có của rả đem về, đập nhà tranh vách đất, xây hẳn một căn nhà mái bằng và hơn thế, thầy anh đã từ hôn, một hôn ước có từ lâu lắm giữa anh và một cô gái trong thôn, dòng dõi cũng trâm anh thế phiệt nhưng đã suy kiệt, để hứa hôn lại với một gia đình thương nhân trên tỉnh và vv…vv…

Sự trở về của những người đi xa nói chung và đi Nam nói riêng, không phải lúc nào cũng có chiều hướng thay đổi đi lên như anh Gắng, mà cạnh đó còn có những đổi thay làm như một dấu chấm than, chấm hết thời vênh vang, chiếu trên của một gia đình có tiếng trong hàng phủ, hàng huyện, như nhà anh cậu Ấm Nhi, thầy tôi bảo phải gọi như thế mới đúng lễ nghĩa vì dòng dõi cậu Ấm Nhi, bao đời thừa hưởng tước Hàn cùng với sắc phong cửu phẩm Vua ban ấy, cái cậu Ấm Nhi, học chung lớp với tôi và tỏ rõ ra là một người khá dốt nát, tôi cùng các bạn khác gọi là “đằng ấy”, sau một thời gian đi Nam, trở về, Nhi, trước đây, dù là một cậu-ấm-thất-thế, nhưng cũng có được một dáng vẻ tạm gọi là tươm: rám nắng và săn chắc. Giờ đây, Nhi gầy rộc hẳn đi, như muốn lánh mặt mọi người dù đó có là bạn thân thiết, luôn ngồi riêng một nơi, tay gãi mớ tóc bù xù như tổ quạ và miệng thì ngáp vặt liên hồi khiến đôi môi xám ngoét tưởng chừng không khép lại được. Rồi một ngày, sau khi trong thôn xảy ra rất nhiều vụ ăn cắp vặt, từ lớn đến nhỏ, từ con gà đến con chó từ manh quần phơi bên bờ dậu chí đến mấy đôi dép nhựa, một điều mà trong thôn ít khi xảy ra, mọi người mới ngã ngửa ra, Nhi, cậu Ấm Nhi, truyền nhân của cụ cố Hàn kia chính là người đã ăn cắp để thỏa mãn cơn ghiền! Khi công an xã tìm bắt để đưa Nhi đi cai nghiện cũng là lúc thầy của Nhi, hai tay ôm đầu và gào lên, giời ơi, lẽ nào con tôi lại như thế!

Ấy đấy, những người đi xa, đi gần, vượt ra khỏi lũy tre thôn để mưu sinh, thường trở về như thế, tốt có, xấu có.

Và họ đang lần lượt trở về từ nơi xa xôi kia, về để hưởng Tết với gia đình.

Thường thì, những người đi xa, cụ thể là đi Nam, trở về sớm nhất vì nếu không thế, rất có thể sự khó khăn khi mua vé tàu khiến họ đón giao thừa ở đâu đó, giữa đoạn đường tàu và lúc về đến nhà với rất nhiều quà Tết phương xa, trở thành lỗi thời vì đã…qua năm mới.

Những người đi xa kiếm sống đang trở về thôn, khiến thôn tôi, những ngày giáp Tết đã ồn ĩ lắm rồi, giờ thêm họ, sự ồn ĩ còn tăng gấp bội bởi tiếng gầm rú của những chiếc xe gắn máy, lượn qua lại trên mấy con đường lớn nhỏ trong thôn, từ sáng sớm đến tận khuya, thêm nữa các loại máy hát, đầu đĩa tuôn ra đủ các giọng hát ngang phè, cộng thêm phần huyên náo, sự ồn ĩ khiến trong bữa cơm chiều của gia đình tôi bị khuấy động, thầy tôi nâng chén rượu lên, chưa kịp nhấp thì đã bị tiếng xe máy rú lên như muốn chặn chén rượu lại khiến ông đặt chén rượu xuống, thở dài, chẳng lẽ đã hóa rồ hết ư? Cái thôn này?

Đấy chẳng phải là một lời ta thán vì bữa ăn vốn luôn bình lặng bị quấy phá bởi nhiều âm thanh hỗn độn từ chung quanh vọng đến. Không ta thán, vì tôi biết, từ nơi phương xa kia, nơi miền Nam tít tắp kia âm hưởng của chúng cũng đã chen lấn vào đời sống của gia đình, dù không ồn ào nhưng cũng đã có thay đổi, mà chỉ người trong gia đình tôi mới biết, vì những đổi thay đó âm thầm và lặng lẽ, từ các ông chú, bà cô, những người em chia cách của thầy tôi tạo nên. Mái nhà tôi, thay lớp ngói cũ xưa bằng những tấm tôn sáng lấp lánh dưới nắng khiến căn nhà dường như lúc nào cũng được thắp đèn, những vật dụng không thật cần thiết nhưng hữu ích. Cái truyền hình, cái đầu đĩa…Và mâm cơm vốn luôn thanh đạm cũng thay đổi tuốt. Chỉ có thầy u tôi vẫn thế, dù u tôi đỡ phải so đo toan tính cho mỗi lứa lợn, dù thầy tôi, mâm nhắm thỉnh thoảng ngoài bìa đậu phụ sống chấm với mắm tôm tứ thời bát tiết, còn vài món khác để thầy tôi lên tiếng “gớm, hôm nay u nó sang tợn. Cứ như ăn cỗ thế này.”

Bỗng nhiên thầy tôi khẽ hắng giọng:

-Thế, con Mận đã gặp con chưa?

-Dạ, thầy ạ, chưa. Con cũng chửa biết nó có về Tết này không nữa

-Nó về rồi đấy. Sáng nay, nó đem hình thư và quà cáp của cô con gửi ra cho thầy đây này.

Tôi tưởng như mình có thể nhảy cẫng lên vì lời thầy tôi bảo rằng: Mận đã về, đã ghé qua đây khi tôi không có ở nhà. Phải cố gắng lắm tôi mới ngồi yên được làm ra vẻ thản nhiên. Mận, đã theo dòng người đi xa về ăn Tết, ở quê. Hà cớ gì, nó không sang tìm tôi, từ sáng đến giờ.Thái độ xem ra bình thản của tôi, không ít thì nhiều khiến thầy tôi hài lòng, ông gật gù, nâng chén rượu lên mỗi khi u tôi hỏi:

-Thế, con có sang con Mận không?

-Ôi dào, u ạ, việc gì phải sang? Nếu nó còn nhớ đến con thì tất nó phải sang thôi.

-Con nghĩ thế rất phải - thầy tôi tán đồng - Người đi xa về, mình vội tìm sang ngay không khéo lại bị cho là kiếm tí quà phương xa. Còn nhớ đến bạn, Mận nó sẽ khắc sang. Qùa cô con gửi ra, có biết bao là thứ.Thiếu gì đâu nào.

Mà quả thật, nhiều thứ quá đi, cả một thùng to đùng, u tôi đã dọn ra trên nóc tủ, tôi chưa kịp xem qua có gì trong đó.

Thầy tôi nói:

-Cô con gửi nhiều thứ lắm.Nhưng thầy bảo trước, mấy cái thứ son phấn, nước hoa gì đấy, con đem bán hết đi. Để làm gì, trời sinh sao để vậy. Bôi son trét phấn lên mặt có khác gì mấy ả me Tây. Nhớ nhé, thầy không muốn thế.

Me Tây, là cái gì, tôi chẳng biết, nhưng một khi thầy tôi đã đem ra so sánh, ắt hẳn chẳng hay hớm gì.

Tôi dạ vâng, vâng dạ mà trong lòng muốn bật lên câu mắng thương yêu cũ, đồ con ranh, thế ra mày về mà cũng đủng đỉnh chưa chịu sang tao đấy, vậy mà, ai nấy, kể cả mày đều coi rằng tao và mày thân nhau nhất trên đời.

*************

Tôi, Mận và tất thảy bọn gái trai đồng lứa cùng với lũy tre, bờ ruộng thôn làng đã là thứ kết dính chúng tôi vào với nhau nhiều năm, đã nhiều năm lắm rồi, từ ấu thơ và chắc hẳn sẽ còn lâu nữa. Riêng tôi và Mận gần nhau, thân nhau đến độ mọi người nói cùng nhau, xem kìa, hai cái đứa ấy y hệt hình với bóng.Thấy đứa này thì tức khắc đứa kia liền kề. Ấy, họ nói về sự gần gũi của tôi và Mận.

Chứ không ư, khi học tiểu học, tôi với nó đi trên cùng một con đường quen thuộc trong thôn, đi mãi cho đến khi vào trung học, hai đứa vẫn cùng đi chung dù rằng lúc này đã có một chiếc xe đạp, thay phiên đèo nhau đến trường, qua nhiều cây số, lên tận trường trung học cơ sở ngoài xã. Gần nhau đến thế, nhưng xem ra, như u tôi và u nó nói rằng, hai đứa chẳng khác nào nước với lửa, ấy vậy mà chơi thân được với nhau ngần ấy năm - Tôi chẳng rõ nhận xét của hai đấng sinh thành ấy, có đúng phần nào chăng chứ chúng tôi gần nhau từ lúc bé con, lớn lên một tý, hai chúng tôi cũng có đôi lần giận lẫy nhau vì những chuyện không đâu, ngoài ra, chúng tôi có được nhiều điều hay đáo để. (Thật ra, những cái mà tôi và Mận cho rằng “hay đáo để” kia nếu thấu đến tai thầy u của hai đứa, thì tôi chắc rằng đứa nào, đứa nấy đều chết đòn). Chứ không ư, mấy cái điều “hay đáo để” ấy là những câu chuyện, chúng tôi nghe lỏm được từ vài ả cùng trang đứa lấy chồng sớm. Ôi thôi, đến là xấu hổ, trong lúc cái ả kia nói chán chê, ngã dúi vào nhau, cấu chí, bóp nặn và cười chẳng khác một lũ khỉ cái thì mấy đứa chưa chồng thẹn đỏ cả mặt, mà lạ, cứ muốn dỏng tai nghe mãi.

Tôi ngỡ rằng thời gian cứ thế trôi đi êm thấm, nhẹ nhàng, cho đến ngày, một trong hai đứa sẽ đặt chân vào cái nơi mà chúng tôi tò mò, rất muốn biết vì “nó hay đáo để !”

Ấy vậy mà, đùng một cái, Mận, không hề có dấu hiệu gì báo trước, nó đi Nam nó bị cuốn theo những dòng người đi tìm kế sinh nhai, mà thầy tôi thường bảo rằng tha phương cầu thực. Mà nhà Mận nào đến nỗi bí bách cái ăn, cái mặc, việc gì phải đi xa khi ruộng đồng nơi đây chưa bạc với người - Nó đi xa, để tôi lại một mình, chẳng biết làm gì với cái bằng trung học cơ sở, vì nó đi, tôi đâu muốn một mình lên huyện thi vào trung cấp như hai đứa đã bàn định.Nó để tôi lại một mình, với thôn làng, với cảnh quê thân yêu quen thuộc nhưng sao bỗng dưng lạ lẫm vì trên đường quê ấy, tôi đi chỉ có một mình.

Giờ, sau vài năm đi Nam, Mận đã về với thôn làng.Nó về hẳn hay chỉ về đón Tết và lại trở vào Nam? Tôi nóng lòng muốn biết, không rõ nó trở về huyênh hoang, ngẩng cao đầu như anh Gắng, hay ê chề, len lén lút lút, như con Nhài, bạn chung của hai đứa chúng tôi, trở về thôn sau vài năm đi Nam, với đứa bé trên tay, tìm đến tôi một buổi trời chạng vạng tối và mếu máo, Ngoan ơi, mày đi sang nhà với tao, chứ không, một mình, thầy u tao đánh tao chết!

*************

Làm sao tôi có thể nhận ra được Mận với một sự thay đổi toàn diện như thế: mới vài năm, Mận trở về, ngồi trên chiếc xe ĐỜ RIM bóng lộn, nhấn còi inh ỏi khiến tôi chưa kịp ra để xem là ai, thì, con vàng đang nằm ổ bỏ con đi ra sủa toáng lên và tôi nghe có tiếng cười:

-Vàng à, Vàng, mày cũng quên tao rồi đấy ư?

Đến lúc con Vàng nhận ra người quen vẫy đuôi, ngưng sủa và trở vào ổ của nó với lũ con, cũng là lúc tôi đang chạy ra để sững sờ vì sự thay đổi của Mận.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua trong đám đông, tôi chắc không thể nhận ra nó ngay được, bởi những nét quen thuộc ngày nào tuồng như đã bị phương xa gột sạch.Không còn hình ảnh của một con bé Mận, tinh nghịch như con trai, tuổi mới lớn, cùng tôi mò cua, bắt ốc trên những ô ruộng quê nhà. Không còn là Mận, lớn hơn tí nữa, cùng tôi nằm gác chân lên nhau bù khú khi nhàn rỗi trưa chiều và trao đổi biết bao chuyện nhỏ to vào tai nhau khiến chúng tôi, hai đứa, càng quấn vào nhau hơn, cùng với những tiếng cười khúc khích tuy nhỏ nhưng âm vang khua động một thời bắt đầu làm thiếu nữ biết soi gương, ngắm vuốt, biết câng mặt lên trước ánh mặt của lũ giai thôn.

Không thể nhận ra Mận, vì dưới thềm là một thiếu nữ rặt dáng thị thành, ngồi vắt vẻo trên xe, nghếch mặt lên, hất hàm:

-Này, thế mày đợi chị mày đây phải khoanh tay chào mày nữa chắc? Con ranh! Làm gì mà đứng ngây ra như phỗng đá thế?

Mận cười vang sau cử chỉ và câu nói chẳng-có-gì-thay-đổi, như xưa của nó.

Tôi bước xuống thềm, Mận rời khỏi xe và chúng tôi nhào tới, ôm chầm lấy nhau.

Hai tay Mận ôm siết lấy tôi như muốn tôi ngộp thở, hay tay tôi cũng ôm cứng Mận. Nhưng, ô hay, tôi đang ôm trong tay mình một cô gái thị thành, nước da trắng hồng, thân thể phổng phao và từ đầu đến thân phổng phao ấy toát lên mùi nước hoa thơm lừng, khác hẳn với những gì trước đây khứu giác tôi cảm nhận khi ôm Mận, hương đồng nội, Mận của ruộng lúa, nương khoai, Mận đen dòn với dáng vẻ của một thôn nữ chịu thương chịu khó và mắn đẻ.

Tôi thấy như có một sự hụt hẫng nào đó khi ôm lại Mận sau nhiều năm xa cách, hay cái cảm nhận bất chợt này chảy ra từ hai dáng vẻ khác biệt nhau giữa tôi và nó, lúc này?

Mãi sau, Mận buông tôi ra và ôi chao, thương quá đi thôi: nước mắt nó nhễu nhào, và nó tuy cười nhưng giọng nói thì bệu bạo qua cái miệng méo xệch chẳng khác chi một đứa bé:

-Tao nhớ mày quá đi, Ngoan ơi! U đâu để tao vào chào u và nhân tiện xin phép cho tao với mày đi chơi một chuyến.

Tôi giải manh chiếu xuống gốc một cây doi quả nặng chĩu trên cành, ven bờ ao, nơi khuất nẻo ở khu vườn rộng. Mận, ôm thùng quà cô tôi gửi về, đi sau. Cây doi, có dễ tuổi còn lớn hơn chúng tôi nữa, vì khi cả hai tắm hụp dưới ao thì đã có cây doi rồi.

Ngồi xuống mép chiếu, đặt thùng quà bên cạnh, Mận nhìn quanh:

-Chẳng thay đổi là mấy, mày nhỉ?

Có gì đổi thay đâu vì ngày nào tôi chẳng ra đây, có Mận hay không cũng thế, để vớt bèo cho lợn, hoặc gỡ tay lưới thầy tôi giăng hôm trước, bắt mấy con rô, con diếc, nửa ăn, nửa bán.Tôi gật đầu:

-Ừ, vẫn vậy thôi, từ xưa và kể từ đận mày đi, tao thấy vẫn thế.

-Ấy, vậy mà thay đổi tất tật rồi.Chỉ tại mày không nhận thấy đấy thôi.

Mận nói thế rồi thở dài, ngồi dựa lưng vào gốc cây, trong lúc tôi nằm dài ra chiếu, ôi chao, thật thoải mái. Sau một chuyến đi dài, chẳng giống chút nào với những chuyến đi trước đây của hai đứa.Một chuyến đi rất dài đường, lên tận thị xã, Mận cũng tiêu ối tiền, nhưng thật lòng, tôi không cảm thấy ưng ý chút nào như trước đây khi hai đứa đi chơi còn đèo nhau bằng xe đạp, có đem theo một mo cau cơm nếp với muối vừng và luôn cười vui thỏa thích trên đường. Giờ đây, tôi nằm dài, dấu ý nghĩ của mình, còn Mận, săm soi những chai, những hộp từ thùng quà, như ngày xưa còn bé chơi trò bán hàng xén và trầm trồ :

-Quà của cô mày, toàn thứ “xịn”, hàng-xách-tay không đấy. Mấy thứ này mày bán đi đủ tiền mua một cái xe máy Tàu!

-Mày chỉ nói quá, vài cái chai cái hộp này mà đắt vậy ấy hả?

-Chứ không ư? Con gái trong Nam, chỉ có con nhà giàu mới đủ sức mua thứ này.

Nó thèm, và hình như nó lại thở dài:

-Ấy, những thứ này dễ làm cho người ta “đổ” lắm mày ạ. Chưa đi Nam mày chưa biết đấy thôi.

Thế rồi, vẫn tiếp tục săm soi những chai những hộp, Mận nói về miền Nam về cảnh sống của những người nhập cư tứ xứ. Thì cũng như mấy lá thư nó gửi về kể lể, qua đó, ngoài cảnh sống hào nhoáng dư dật lắm của nhiều tiền tôi còn có thể thấy được phần nào bức tranh vân cẩu, với những màu sáng tối hoàn toàn trái ngược nhau. Nơi đó thật dễ kiếm sống, nhưng oái ăm thay cũng dễ khiến người ta đổ gục vì biết bao cạm bẫy mà đi đâu cũng gặp.Tôi ngắt ngang:

-Đổ như con Nhài, như Ấm Nhi chứ gì?

-Đại loại là vậy.

-Thế còn mày, chưa lần nào mày nói cho tao biết, mày làm cái quái gì ở trong đấy. Mày rõ là khấm khá, nhưng Mận ạ mày chớ dấu tao. Chỗ bạn bè với nhau.

Không có một dấu hiệu gì báo trước, đang mân mê đám chai hũ, Mận gạt sang một bên, nó đổ ập lên người tôi và bật khóc tuồng như câu nói của tôi đã chạm đúng nỗi niềm khổ đau mà nó cố giấu. Và nó đã không kềm giữ được. Nó khóc tức tưởi vì cố ngăn thành tiếng, trong tay tôi.

Chẳng phải lần đầu tiên Mận khóc như thế này. Trước đây, Mận cũng đã khóc, khi một buổi trưa rất im ắng, Mận tìm đến tôi, với dáng đi cóm róm, chiếc nón lá úp trước bụng, kéo tôi ra, cũng là khoảng vườn này chứ đâu xa, nó òa khóc cùng với bộ mặt sợ hãi tái xanh tái xám, nó chỉ xuống phía dưới nón lá, tao chết mất, Ngoan ơi, từ sáng đến giờ, máu cứ chảy mãi, làm sao tao sống cho được.

À, biết rồi. Thế nên tôi cười hì trước mắt nhìn đờ đẫn của Mận, dường như nó đang tự hỏi nghiêm trọng đến thế nào mà sao tôi còn cười được. Tôi vỗ nhẹ lên lưng nó như đối với một đứa em khờ khạo và giải thích cho nó biết điều tôi đã biết trước nó chỉ vài tháng. Đôi mắt vẫn còn sũng nước nó vặn lại, mày nói thật chứ, tao không sao đấy chứ?

-Mày chết thế quái nào được. Chỉ chết bọn con giai thôi. Sau đây mày mẩy còn hơn một con cua gạch!

Sau đó khi được tôi lo cho sạch sẽ, Mận thôi khóc và vững dạ.

Giờ đây, nó cũng đang khóc mà tôi thì chẳng hiểu môn khoai tiếng khóc của nó để trấn an dỗ dành, thế nên tôi lại vỗ nhẹ lên lưng nó như ngày nào:

-Thôi nào. Nín đi nào. Có gì cứ nói để tao tính xem.

Mãi một lúc sau, Mận quệt nước mắt vào vai áo tôi, nín khóc nhưng người vẫn cứ rung động bởi những tiếng rắc và nó bắt đầu kể lể, đứt quãng, không đầu không đuôi về cuộc tình mà nó vướng vào, trong Nam. Phải cố gắng lắm tôi mới dựa vào lời kể của Mận để biết rằng cuộc tình của nó không được bình thường như bất cứ cuộc tình giai, gái nào, bởi lẽ, giời ạ, nó phải lòng một ông ngoài tuổi bốn mươi và đã có gia đình! Ấy vậy mà khi nhắc về người đàn ông, Mận một điều anh ấy hai điều anh ấy khiến tôi muốn lộn tiết, mắng cho một trận.

-Anh ấy tốt lắm, mày ạ. Yêu chiều tao còn hơn u tao nữa cơ!

-Ừ, tốt lắm -Tôi mỉa mai - Đã tốt thì không thế. Mà “ lão ấy” đã ngoài bốn mươi có dễ gần bằng tuổi thầy u mày.

-Đâu có thế - Anh ấy ăn đứt bọn trống choai ba mươi thôn mình đây.

Lạ một điều, càng nhắc về “ lão ta” Mận như tỉnh tảo hơn, sinh động hơn trong câu chuyện và khi nhìn vào mắt nó thì biết, có một vẻ gì đó âu yếm dành cho người phương xa kia. Gì thế ? Không lẽ Mận ăn phải bùa mê thuốc lú như có lần tôi nghe ai đã nói.

-Mận à - Tôi nhỏ nhẹ - Mày tỉnh trí lại đi. Có đâu đâm quàng vào bụi thế. “Lão ấy” già khọm lại đã có vợ.

- Thì đã sao nào? Tao và anh ấy thương yêu nhau là được rồi. Mày cũng không nên chép miệng mãi thế.

Quả là tôi có chép miệng, lắc đầu vì việc của Mận và biết trước chẳng có gì hay hớm ở phía cuối chuyện này. Êm ấm thì chia tay giữa hai người, tệ hơn, một cuộc đánh ghen và tệ hơn nữa mang tiếng chửa hoang như Nhài bạn của chúng tôi phải mang từ lúc trở về đến nay. Điều nào thì Mận cũng sẽ là kẻ chịu thiệt. Nó không nhận ra điều đó sao? Nó vẫn được tiếng là lanh lợi trong đám kia mà.

Tôi e dè:

-Thế, mày liệu sao đây? Hay trở về quách khi việc chưa đến nỗi.

-Còn liệu gì nữa. Ra giêng, tao lại đi Nam và tiếp tục sống với anh ấy như suốt năm qua.

-Cả năm rồi. Nhỡ mày có mang?

-Nhỡ sao được. Anh ấy có cách.Với lại, tao không cho, anh ấy cũng không đòi.

Trong lúc tôi hỏi Mận đầy hốt hoảng thì nó tỉnh như không có chuyện gì để phải lo lắng, nó tiếp thêm:

-Mới có mấy hôm, tao đã nhớ anh ấy muốn điên lên.

Thôi rồi, bạn tôi, cái Mận tỏ vẻ chua ngoa, hơi táo tợn với bọn giai thôn làm bọn nó chợn, và chỉ thế thôi chứ chưa bao giờ nó bị đàm tiếu rằng lẳng lơ, vậy mà giờ đã cam tâm trở thành vợ hờ, vợ bao, vợ thời vụ của một lão ngoài bốn mươi. Có giời mới hiểu được khúc nhôi câu chuyện.

Tôi lùa đống chai lọ ra phía Mận và hỏi:

-Mày, cả con Nhài nữa, bị đổ bị mê muội bởi mấy thứ chết dẫm này đây?

Mận lắc đầu, nó ngồi dậy, đưa tay vuốt lại mớ tóc hoa vàng như râu ngô, lắc đầu:

-Nếu thế thì dễ cho tao quá. Đằng này tao yêu và được yêu chiều. Không dứt ra được. Mà thôi, mày cũng đừng cật vấn tao nữa. Kẻo tao nhớ anh ấy tao lại khóc bây giờ.

Lời Mận, có lẽ không là lời dọa suông.

Buổi cơm chiều, u tôi dọn lên như thông lệ, trên chiếc chõng tre ở một phía đầu hồi, u tôi xới cơm ra bát, trong lúc thầy tôi, với chén rượu, ông hớp từng hớp nhỏ, ăn miếng đậu phụ sống quen thuộc dường như không màng đến mấy món nhắm khác u tôi đã thêm lên mâm. Thầy u tôi đang bàn định đến món quà gì đó, ra Giêng gửi vào Nam cho các cô chú. Thầy tôi bảo:

-U con Ngoan, đụng với hàng xóm, cố kiếm lấy một cái sỏ lợn, mình bó mấy cây giò thủ, gửi vào Nam. U nó nhé!

U tô gạt đi:

-Ôi dào! Thầy nó cứ tính việc chở củi về rừng. Trong đấy, lẽ đâu còn thiếu thứ gì?

-U nó có nói mà không nghĩ -Thầy tôi chậm rãi - Còn thiếu đấy, còn thiếu hương vị quê nhà. U nó nhớ không, con út, ngày Tết ăn một khoanh giò thủ, cắn phải hột tiêu cay đến chảy nước mắt mà vẫn khen ngon. Giờ mình gửi vào, bà nghĩ thử, có quý không nào?

U tôi nín im và bữa cơm trôi đi trong bầu khí bỗng như chùng xuống vì có lẽ thầy u tôi đang tưởng lại ngày cũ.

Buổi chiều tĩnh lặng nhưng chưa hẳn tĩnh lặng như đã nghe đã thấy vì biết bao điều xảy ra, mọi người biết và chưa biết như của Nhài, của Mận, hay như mảng màu tối trên bức tranh vân cẩu kia mà Ấm Nhi đang mang trong trại cai nghiện.

Thầy tôi đột ngột hỏi:

-Ngoan à, cô con muốn con vào Nam một chuyến. Con thấy sao?

Tôi bưng bát cơm lên và lại đặt xuống. Thế những cái gương tày liếp nhỡn tiền của lũ bạn chung quanh không khiến tôi hãi sao? Ôi thôi, tôi không thể!

-Thầy u ạ, chịu thôi, con không đi Nam đâu!

 
 

Phạm Quang Phước