ĐƯỜNG CÀY ĐÃ ĐOẠN

Viết cho tôi và Lê Lạc Giao

 
 
 

Những bữa cơm trưa hoặc chiều của ông Vực, ở nhà hay ở một ô ruộng nào đó, những nơi ông được gọi đến để cày xới, bao giờ cũng, gần như bắt buộc, có một chai rượu nhỏ, để ông uống theo thói quen của gần như hầu hết đàn ông làm ruộng, và với ông thì rõ ra cần thiết từ lúc vợ ông qua đời, lúc bé Được mới chừng mười tuổi. Ly rượu trong bữa, giúp ông ăn được ngon miệng hơn và với ông, dù chủ ruộng không để ý, ông cũng sẽ làm tốt công việc của mình, đó là điều ông luôn nhắc mình phải nhớ. Vả lại, từ tờ mờ sáng, thày trò xuống ruộng, không hề ngưng nghỉ tận đến lúc trời có vẻ trưa trờ, trưa trật, dọn mo cơm Được bới cho ông đem theo dưới bóng mát của lũy tre, không có hớp rượu đưa cay, chà, nuốt sao nổi và buổi chiều dù trời có đẹp cách mấy, xem ra cả thày lẫn trò đều uể oải chỉ vì buổi trưa thày đã không có được chung rượu và do đó cặp trâu của ông cũng cảm nhận được vẻ uể oải của chủ và do đó cũng …uể oải theo, dù đường cày vẫn sâu hoắm và thẳng tắp. Bữa cơm ở nhà, dĩ nhiên cũng có chai rượu. Chiều đang xuống, nắng đã dịu và chiếu xiên khoai qua tàu lá của bụi tầm vông, phía dưới đôi vợ chồng trâu nằm lười biếng nhai lại mớ rơm trong họng, xem chừng chỉ là thói quen nhai lại chứ không thích thú lắm vì chúng nhai uể oải, hai bên miệng đùn lên một đám bong bóng trắng như bọt xà bông, thỉnh thoảng đuôi vẩy lên, đập muỗi. Kề cà với chai rượu ông Vực cũng uể oải không kém, ông uống chậm rãi, đưa cay bằng một thứ gì đó mà Được dọn lên, chưa phải là thức ăn cơm, vì cô biết còn lâu lắm cha cô mới bắt đầu bữa, thường là vậy, một chai rượu nhỏ có khi kéo dài cả giờ và ông Vực chỉ bắt đầu vào bữa khi Được đem cơm lên, bới vào chén cho ông và nửa nhỏ nhẹ nửa cằn nhằn:
- Thôi, tía ăn cơm đi, tía uống nhiều rồi đó.
Ông Vực nhìn mụn con gái độc nhất ngồi xuống trước ông, cũng nhỏ nhẹ:
- Ừa, tía ăn cơm đây. Mà, ủa, con ăn đi chớ, chờ gì mà cầm đũa hoài vậy?
Rồi nhớ ra một điều: ông chưa ăn, con gái ông cũng sẽ cầm đũa chờ, nhớ thế nên ông lua một miếng cơm vào miệng, nhìn Được và có thế, cô con bắt đầu ăn, đôi mắt vẫn dõi nhìn cha mình như dò xét khiến ông bật cười thiếu điều miếng cơm muốn văng ra khỏi miệng, ông la lên âu yếm:
- Tía mày nữa! Làm gì mà canh chừng tao như công an vậy chớ?
- Không canh chừng rồi tía có chịu ăn không? Lóng rày tía chỉ lo uống rượu ít ăn khiến tía ốm nhách hà!
Được nói tỉnh queo như đã quen ra lệnh cho một đứa em, ông Vực cũng quen và đâm ra nhớ cái giọng kẻ cả của con gái mình mỗi lúc nó quên việc chú tâm săn sóc ông.
Mà thật ra, thời kỳ ông chăm bẳm cho con gái dường như đã qua, giờ đây chính nó chớ không phải ông, để ý cho ông từ miếng ăn, giấc ngủ.
Nó đã thay thế vị trí của má nó, vợ ông, để chăm sóc ông qua những lời nói như vừa rồi hoặc rất lặng thầm mà ông Vực nhận biết được. Bao giờ cũng thế, ông cảm thấy như muốn khóc, mũi cay xè, chẳng khác nào tắm sông, sặc nước. Ông cố ngăn lại.
- Nữa, đã nói tía ăn cơm đi mà.
Ông Vực buông ly rượu xuống khi nghe tiếng Được:
- Ừa, tía ăn cơm. Hai cha con mình cùng ăn, con à.
Rồi, ông Vực lua cơm một cách mạnh mẽ làm như đang đói lắm, ông gắp những miếng thức ăn Được tiếp vào chén cho ông mà chẳng rõ mình đang ăn gì vì ông biết, những miếng cơm trộn nỗi buồn mà ông đang dằn lòng cố nuốt xuống cùng với tiếng thở dài cố dấu khi trong đầu ông chợt một lời than quen thuộc, phải chi vợ mình còn sống. Phải chi… Đó là tiếng than, lâu lắm rồi luôn đeo bám nơi ông, mỗi khi ông chợt thấy rằng mình phải đương đầu với niềm quạnh quẽ bà để lại và dìu đứa con gái còn rất bé đi thẳng thớm qua miền quạnh quẽ đó, thật không dễ dàng chút nào.
Phải chi Nết, vợ ông còn sống. Để mâm cơm chiều nay, mâm cơm tròn đầy với một gia đình chưa hề sứt mẻ.

*
* *

Vùa đủ tuổi coi trâu, Vực đã ở nhà người, thường hơn ở nhà mình để theo cái nghề mà phần nhiều những đứa trẻ nghèo vẫn làm: coi trâu mướn. Tiền công chủ trả vào cuối năm, thêm hai bộ quần áo và khi chủ cho về nhà ăn tết, gặp chủ tốt bụng, Vực có thể còn có thêm quà cáp ngoài tiền công năm, nếu năm đó tía má Vực không xin trước. Vực vắng nhà cả năm, chòm xóm biết Vực đi giữ trâu mướn nhưng không biết nơi nào, thế nên, khi tía má Vực đi vào mấy cái bàu trong sâu để giăng câu, đặt lờ, dính một quả BOM ĐÌA, chết không tìm thấy xác, chòm xóm cũng chẳng biết tìm Vực ở đâu để về chịu tang cho tía má, dù nếu có đám tang thì cũng chỉ là một đám tang không có quan tài!
Gần tết, chủ cho về. Vực đem theo tiền công cả năm, trên người súng sính bộ quần áo mới, thêm cái giỏ đệm đựng cặp bánh tét và đôi gà tơ ông bà chủ nói, đem về cho tía má con ăn tết. Vực về nhà, chòm xóm nói Vực mới hay tía má mình chết đã gần tròn năm! Có lẽ sự xa cách rất thường trong nhiều năm đã giúp cho Vực khá tỉnh táo khi nhận tin tía má không còn. Vậy có nghĩa là, sẽ không bao giờ được gặp mặt tía má nữa như trước đây mỗi năm sẽ gặp vào dịp tết. Vực đem mớ quà mình đem về cho tía má chia cho chòm xóm, và theo lời khuyên của một người có lẽ là bạn của tía má Vực, một bàn thờ không hình ảnh được đóng áp vào vách căn nhà vừa được sửa lại, hai bát nhang để Vực thắp nhang vái vào thinh không sau đó cắm lên bát và trong cái nghĩ suy chơn chất của Vực, hương khói Vực van vái tất nhiên và bắt buộc sẽ là của tía má.
Từ đó, Vực ở hẳn lại căn nhà của tía má, không đi coi trâu nữa, không phải vì chủ không mướn, chủ nào cũng thích Vực vì ngoài sự siêng năng, Vực còn có được một đức tính ai nấy đều thích đó là thật thà, có sao nói vậy. Vực nghĩ vì thấy cỡ tuổi mình mà còn đi coi trâu thì… khó coi quá khi chung quanh chỉ toàn một lũ lau nhau đứng chưa tới vai Vực và con trai lẫn con gái tắm sông tắm rạch đều tồng ngồng trong lúc Vực mắc cỡ không dám cởi chiếc quần sà lỏn.
Vực đi theo phường bạn làm mùa.
Nói là ở nhà, thực ra Vực cũng lại vắng nhà thường xuyên, theo phường bạn đến nơi này, nơi khác, nhất là vào vụ mùa, nào cắt, nào đập, nào rê… thôi thì đủ mọi công việc để làm, để có cái sống, và ruộng đồng không đến nỗi phụ người. Vực ít khi ở không vì, phường bạn nào cũng muốn có một thanh niên lực lưỡng, chăm việc, quen việc như Vực và nhất là lũ con gái trong phường tỏ ra thích thú với một anh Vực hiền lành, góp vui với chung quanh chỉ bằng nụ cười trong khi Vực bảnh trai! Sau một ngày làm việc, chiều xuống thường là chủ ruộng đem thức ăn ra tận nơi đãi người làm, toàn là những thức ăn có thể làm mồi nhậu, thêm mấy chai rượu kèm theo khiến lũ trai vừa ăn uống vừa ồn ào nói trây với bọn con gái và bọn con gái không vừa gì cũng nói trây không kém, mà người nghe có thể hiểu lầm rằng đó là những cô gái chồng con hẳn hoi, kinh nghiệm quá rồi! Vực, ăn uống xong, xách NÓP, núp lén rút ra một nơi để chui vào đó ngủ, chứ hơi đâu ngồi nghe họ nói trây.
Cô Nết, con chủ ruộng, mấy hôm rồi cứ gặp Vực thì bóng gió nói rằng, anh vô nhà ngủ đi, chứ nằm bờ, năm bụi, thiên hạ lại nói tía tui ác, không cho ai vô nhà ngủ. Và hồi chiều này thôi, cô chủ sau khi đã háy Vực một cái và nói:
- Nghe, tối nay không có cái vụ xách nóp nằm bụi đó nghe.
Vực ầm ừ cho vừa lòng cô chủ và nhất là để cho Nết về, chứ không lũ trai gái chúng nó đang rộ lên chọc ghẹo khi Vực cuốn nóp đi ngủ:
- Ê, Vực, đưa nóp vô đó đốt đi cho rồi. Coi bộ cô chủ chê nóp chật! không đủ chỗ xoay trở!
Hết đoạn đường bờ, đi vào trong làng, bất chợt Vực nhìn thấy cô chủ nơi một ngã rẽ, rõ ra, Nết đã chờ Vực ở đó. Vực nghĩ thầm gì nữa đây. Con gái gì mà…
- Ừa, vậy có được không – Nết nhìn Vực cười ngỏn ngoẻn.- Tôi thích ai biết nghe lời! Nhớ ngủ nơi hiên cho khỏi sương, nghe!
- Dà, cô chủ à, kệ tui.
- Kệ sao được. Anh phải lên hiên ngủ tôi mới chịu. Mà nè, có ít đồ mồi với rượu tui lấy lén của tía, lát anh qua uống cho ấm bụng, ngủ khỏe.
Vực ấp úng và dang xa cô chủ khi liếc nhìn về phía ngôi nhà kiểu bánh ú thoáng có bóng ai như ông chủ, trong lúc bất đắc dĩ nhận cái giỏ từ tay Nết :
- Dà, phiền cô chủ. Ý, mà tui hổng có ham rượu.
Nết sán tới trong lúc Vực đã có vẻ như sợ hãi, lại dang ra xa thêm:
- Thì uống chút có sao, với lại rượu bổ lắm đó. Chỉ mình anh là tui đưa thôi.
- Dà, cảm ơn. Mà cô chủ đi vô nhà đi. Mặc kệ tui, tui ngủ bên mấy cây rơm là tốt rồi. Coi chừng ông chủ thấy.
- Mà nè, tự ngày mai tui không muốn cái điệu gần tui là anh né. Bộ tui xấu xí lắm, hả ?
Không để Vực trả lời, cô chủ lườm Vực một cái, hai tay phe phẩy đi vào sân nhà với dáng đi khiêu khích, hai cái mông tròn trĩnh như hai múi bưởi, đánh trái đánh phải. Có lẽ cô chủ nghĩ rằng anh trai trẻ sẽ nhìn theo. Mà quả thật, Vực đang nhìn theo dáng đi của Nết, và dù bực mình Vực cũng chép miệng, mẻ, người coi cũng ngộ đấy chớ !
Cắp nóp đến bên một cây rơm, Vực ngồi xuống, không nhìn xem cô chủ đã cho thứ gì bởi mới ăn một bụng mà, tay gặp chai rượu trong giỏ, Vực lôi ra, mở cái nắp đậy bằng lá chuối khô, uống một hớp. Thật ra Vực không ham rượu nhưng uống cũng đâu có khó khăn gì và Vực cười tủm nào, để coi, rượu bổ tới cỡ nào. Chai rượu hết thật nhanh, Vực chui vào nóp cũng với ý nghĩ về Nết, con gái gì mà…
Thường thì sau một ngày làm việc, Vực sẽ có một giấc ngủ thẳng thớm, chỉ thức theo tiếng gà gáy canh cuối, mà khi hé nóp, ánh mặt trời đã điểm sáng rải rác trên ruộng đồng. Huống chi, buổi tối có thêm chai rượu, Vực sẽ chỉ thức rất muộn. Thế nhưng, Vực bị đánh thức bởi một con vật gì đó, động cựa ngay sát cạnh mà những cử động của nó va chạm vào người khiến Vực tỉnh giấc. Mối đe dọa thường xuyên của người ngủ nóp, ấy là rắn, chúng sợ sương làm cứng mình nên ưa chui vào chỗ có hơi ấm. Đằng này, Vực biết không thể nào là rắn vì « nó » to quá và nằm áp sát. Một điều Vực nghĩ có thể làm lúc này là tung nóp, ra ngoài và hô hoán. Chưa kịp thực hiện ý định thì một cánh tay đã vít lấy cổ Vực và sau đó, giọng nói thì thào sát bên phả hơi nóng hổi vào lỗ tai Vực:
- Nằm im ! Anh mà hó hé, cục cựa tía tui hay, ổng cho một phảng, chết chắc.
Cô chủ, cô Nết, con gái gì mà…
Trong cơn sợ hãi đến cứng đờ người, Vực nhận ra Nết, đang nằm ôm cứng lấy mình. Lời của Nết, chẳng khác chi nọc độc của một con rắn mái gầm, nó khiến cho mọi cử động của Vực đều chùng lại. Chứ không ư, một nhát chém bằng phảng có đâu chừa ra một thằng đã dám rù quến con gái họ chun vô nóp!
Mà, bằng cách nào, cô chủ có thể nằm trong nóp của mình, lại nằm vách trong nữa kia. Hay là vì chai rượu mình đã quàng xiên kéo cô chủ vào ? Không đâu, mình uống ít thôi mà ; vậy chớ…
- Sao, chịu đèn rồi hả ?
Cô chủ hỏi, hơi thở vẫn nóng rát bên tai Vực kèm theo tiếng cười khúc khích mà trong cơn hoảng loạn Vực tưởng như tiếng cười chẳng khác chi tiếng pháo, gọi mọi người dậy. Bất giác Vực đưa cánh tay nơi cánh tay đã bị cô chủ gối đầu lên bịt lấy miệng Nết và rên rỉ:
- Cô chủ… cô chủ…
- Gì ? Cô chủ cô chủ hoài vậy ?
- Cô chủ, thương tui…
Nết lại cười khúc khích qua kẽ những ngón tay đang bịt miệng cô:
- Hứ, không thương sao tui chun vô đây ? Anh khéo hỏi lãng xẹt.
- Tôi lạy cô chủ, cô chủ thương tui thì…thì… cô chủ chun ra dùm.
- Bộ, anh tưởng chun ra dễ lắm hả ? Chun vô tui còn thấy đường canh tía tui, giờ, bít bùng tui thấy đâu mà chun ra !
Cô chủ chỉ nói lên một sự thật quá đúng, khiến Vực lại tiếp tục rên rỉ.
- Mà, anh đừng lo. Tía tui cưng tui lắm. Khỏi sợ gì đi. Tui canh kỹ rồi, ổng nhậu xong là ngủ, tui mới chun vô đây, chớ. Được chưa nào ?
Vẫn chỉ là tiếng nói, đúng hơn, một lời rền rỉ không thành tiếng của Vực, kẻ đang bị đe dọa bởi một tai họa, mà người nằm kề lại thản nhiên như không.
Lại có tiếng cười khúc khích.:
- Cái đồ con trai gì mà nhát hít. Mới hù chút xíu đã tụt vòi.. Tui nói rồi, tía tui cưng tui lắm. Đừng có sợ, chớ.
Chiếc nóp đụng cựa, nhô lên, xẹp xuống trăn trở qua hai phía như bên trong chứa những con vật đang cấu xé nhau.
… Khi gà gáy giấc đầu, Vực khẽ lay cô chủ, đang nằm sát rạt bên mình với hơi thở đều đặn của một giấc ngủ ngon, Vực lay tiếp, lát sau mới nghe cô chủ cựa mình, hai tay ôm sát hơn người Vực, giọng ngái ngủ :
- Để cho người ta ngủ. Bộ muốn nữa hả ?
Sau câu hỏi không cần trả lời, cô chủ lại tiếp tục giấc ngủ của mình, đầu chúi sâu hơn vào nách Vực, trong lúc Vực than thầm, dỏng tai canh chừng chẳng khác nào một con thú bị săn đuổi.
May quá, gà gáy thêm vài chập nữa, cô chủ cựa mình, lồm cồm bò ngay người Vực sau khi đã hôn thành tiếng lên má Vực, lại còn dặn với lại khi chun ra nóp:
- Tối nay mở nóp, chờ nghe. Nhớ nghe!
Vực thở phào nhẹ nhõm, tưởng như vừa xua đuổi được nỗi đe dọa đi xa và chắc hẳn, chẳng ai biết chuyện vừa rồi.
Nhưng, ban ngày, đi ra ruộng cùng làm với phường, Vực mới thấy nỗi sợ ban ngày còn lớn hơn vì ban đêm đã được bóng tối che dấu phần nào, chứ ban ngày, có dấu được ai, cũng chỉ vì cô chủ đã không muốn dấu thì chớ, lại còn như đem khoe với mọi người, cô không biết rằng Vực như một tội phạm trốn tránh pháp luật, cố co người lại, lẩn tránh, vậy mà cô chủ không hiểu cho, cười hỉ hả sau những câu CÁP ĐÔI của người làm.
Vực cố lẩn tránh trong việc làm, nói đúng hơn lẩn tránh nhằm che giấu chuyện của mình bằng những việc vẫn làm nhưng siêng năng hơn, cố gắng hơn. Mà, khổ thay cô chủ không biết điều ấy, lại còn đến gần với Vực hơn, săn sóc hơn khiến đôi lúc Vực cảm thấy thót tim khi bất chợt nhìn thấy ông chủ đang từ phía xa chứng kiến cảnh cô-con-gái-rượu đang săm soi cho gã người làm lực lưỡng và hiền lành. Phải chăng ông chủ đã nghe phong thanh gì đó và ra canh chừng để biết đâu, cho Vực một phảng vì đã dám « đũa mốc chòi mâm son » để làm bể bình rượu quý của ông, mà những người giàu có nhưng chỉ có một con gái thường gọi là con-gái-rượu?
Dám lắm chớ.Vực nghĩ, lúc đó làm sao Vực có thể phân giải cho ông chủ biết. E rằng, chưa kịp mở miệng thì đã… rồi đời.
Không thể bỏ ngang việc, vì Vực nghĩ như thế có khác nào tự mình nhận tội, Vực chỉ còn biết vái trời cho công việc chóng xong, để rời xa nơi này mà đôi lúc Vực lên tiếng nguyền rủa hoàn cảnh đã đẩy đưa mình bước vào.
Rồi việc cũng xong. Buổi cuối cùng, sau lúc tính công xá cho phường làm, ông chủ đãi một bữa linh đình trong sân nhà rộng thênh, lát gạch tàu, dùng để phơi lúa. Đám trai gái ăn uống thỏa thuê và tha hồ đùa giỡn khỏi cần giữ ý vì ông chủ còn khích thêm. Vực cũng vui thầm vì ngày mai, rời khỏi nơi đây, rời xa cái lưỡi phảng dù không hiện diện nhưng lúc nào cũng là một ám ảnh đeo bám, thế nên, dù Nết ngồi sát rạt, Vực cũng chẳng cảm thấy bực bội như mọi lần với ý nghĩ, con gái gì mà…
Thế nhưng, khi phường làm ra về, Vực bị giữ lại vì ông chủ nói, chú em này ở lại giúp qua thêm ít việc nữa. Được chớ.
Lúc ấy Nết đã lên tiếng:
- Được mà tía. Con nói được là được.
Thiệt là quá quắt, cái cô chủ này. Chưa gì đã nhận lời thay. Vậy mà khi ông chủ đi rồi cô còn bất chấp mắt nhìn của mọi người, ghé tai Vực nhỏ to:
- Tui nói tía giữ anh lại đó. Khoái không ?
Khoái gì ? Lúc ấy Vực chỉ muốn dọng cho cô chủ một cái tát để thỏa sự tức giận trong lòng.
Vực ở lại trong một nỗi ngờ vực đối với ông chủ, vì biết đâu chừng, ông chủ đã rõ chuyện, dàn cảnh giữ Vực lại để chờ dịp trị tội kẻ táo gan. Dám lắm chớ. Với một ông chủ, ruộng đồng nhiều thế, có việc gì ổng không làm, nhất là với Vực, một người làm, thân cô, thế cô. Nghĩ thế và Vực luôn phòng bị dù rằng, ông chủ vẫn chẳng có gì lạ, chỉ kêu Vực làm những việc chẳng đâu ra đâu khi ruộng đồng đã trơ gốc rạ và chờ cho ai đó mướn để trồng hàng bông, khỏi cần tới một người làm như Vực. Nói chung, Vực ở lại trong tâm trạng luôn luôn dè chừng điều gì đó, theo Vực có thể rất tệ hại.
Tới một buổi chiều, Vực biết phận người làm đi ra xa xa, ăn cơm, dù Nết trì kéo cách mấy cũng không dám vào nhà ăn chung với chủ.
Bữa nay cô chủ nói:
- Tía tui kêu anh vô trỏng ăn cơm, có chuyện gì đó, ổng muốn nói.
Chuyện gì nữa ? Chắc hẳn là… Sự sợ hãi bất chợt khiến Vực không dám nghĩ gì thêm, lại nữa, cô chủ đế vào một câu khiến Vực ngoan ngoãn theo tay níu của cô, đi vào:
- Anh không vô, tui nói tía tui hay chuyện mình liền!
Ông bà chủ ngồi trên bộ ván ngựa với mâm cơm dọn sẵn, ông cười khi thấy con gái mình dắt tay Vực đi vào:
- Coi, cái con Nết, mày làm như đi bắt kẻ gian vậy. Buông nó ra!
Rồi ông nhìn Vực:
- Ngồi xuống, ăn cơm với hai bác. Làm gì mà thằng Hai mày ké né dữ vậy?
Vẫn một điệu ké né, Vực ngồi xuống và trời đất, cái cô chủ này lại ngồi bên cạnh khỏi kiêng dè tía má trước mắt, trong lúc Vực dường như không dám cử động. Ông chủ, rót rượu ra chung, uống một cái ót, sau đó rót tiếp đưa cho Vực.
- Hai, mày uống đi. Con trai đàn ông mà không uống rượu cũng kỳ như mặc váy vậy !
Ông cười hà hà trong khi Nết lườm tía
: - Tía lại bày cho ảnh uống rượu nữa.
Quay lại nhìn Vực cô hắng giọng :
- Có uống thì ít ít thôi đó nghe ! Chứ đừng như lân thấy pháo, không được đâu. Nè, uống và ăn đi, chớ say đó.
Vực uống và không hề đụng đũa tới chén thức ăn mà cô chủ liên tiếp gắp bỏ vào. Con gái gì đểnh đoảng hết cỡ, ít ra cũng nên tiếp thức ăn cho tía má mình chớ. Có đâu… Vực đang thầm nghĩ một cách chê bai như thế, ông chủ đã, khỏi vòng vo chi hết, nói liền:
- Coi bộ hai đứa bay lậm nhau dữ rồi. Tao hỏi thiệt, thằng Hai mày có thương con Nết không, nói tao nghe coi.
- Dà, con nói rồi mà tía, ảnh thương con thiếu điều muốn chết ! Tía hỏi chi thêm.
Cô chủ hớt lời trong lúc Vực lại bực bội. Con gái gì mà, lúc nào cũng muốn chận họng người khác… Ông chủ, nghe một phía từ cô con, gật gù:
- Rồi, được rồi, tao gả con Nết cho mày đó, Hai.
Như đoán được nỗi băn khoăn của gã trẻ, ông tiếp luôn:
- Vụ cưới xin, con khỏi lo gì hết. Đã có tía. Rồi mày coi, không thua kém ai đâu.
Ông chủ nói là làm. Một đám cưới khá linh đình, dù không có pháo nổ bởi đã bị cấm nhưng thay vào đó là một đoàn lân của của làng cũng đủ làm đám cưới thêm rình rang.
Họ nhà trai, là mấy người lân cận nơi Vực ở vì theo ông chủ, chẳng lẽ đám cưới chỉ có họ nhà gái. Những người dự đám cưới với tư thế họ nhà trai, khi ra về không khỏi suýt xoa khen Vực tốt số, cưới được vợ đẹp, con nhà khá giả, lại còn ở rể nữa chớ. Có khác chi trúng số cá cặp!
Ở rể, điều này Vực không ưng bụng gì lắm và cứ ngỡ sự không ưng này sẽ rất dài lâu, có thể cả đời Vực. Thế nhưng, vợ chồng nằm chưa ấm lưng, quần nhau chưa phỉ sức trẻ, thì ông già, trong một bữa cơm, đã lại như nhiều lần trước không vòng vo, bảo Vực:
- Hai à, ngày mơi con về bển kêu người sửa lại nhà, để hai đứa ra riêng. Phải có người nhang khói cho anh chi sui ở bển chớ. Tía cho bay tiền sửa nhà.
Trong lúc Vực mừng rỡ tưởng có thể reo lên thì Nết, ngược lại, cô đặt chén cơm xuống nhìn cha mình:
- Bộ tía đuổi tụi con hả ?
Bà già cũng đỡ lời con gái:
- Từ từ chớ, ông. Hai đứa nó còn non quá mà. Ra riêng sao được.
- Sao không – ông già nói – Chớ hồi tui với bà khi ra riêng già hơn tụi nó. Chắc phải cho ra riêng tụi nó mới khá lên, mới có cơ ngơi được.
Quay qua con gái, ông thêm:
- Với lại ở bển với đây đâu có xa xôi gì. Một đỗi đường chứ mấy. Con đừng lo, Nết à, có gì chạy về đây.
Lúc này Nết đã bắt đầu sụt sịt, cô tỏ ra là một cô con gái quen được cưng chiều, Nết vùng vằng:
- Tía không thương con. Con biết, tía hết thương con rồi mà.
Ông già trừng mắt nhìn con gái, tuy nhiên giọng của ông thì dịu dàng, nhỏ nhẹ:
- Tía không thương con ư ? Mày nói lạ, không thương thì cái đêm hai đứa bay chung nóp, tao lia một phảng thì có đâu giờ này ngồi đây trách móc. Con à, tía thương thằng chồng mày vì tía biết nó là thằng trai tốt. Có ra riêng, con cũng đừng hiếp đáp nó quá đáng, nghen. Vợ chồng Vực há miệng, không dám nói gì thêm. Và ít ngày sau, dắt díu nhau về nội, về nơi Nết khỏi làm dâu vì đâu còn cha mẹ chồng!
Ra riêng, về với căn nhà CỦA MÌNH, đẹp hơn trước vì phên liếp lồ ô đã được thay bằng tường gạch, Vực vui quá cỡ, còn với Nết đã quen nếp dựa tía má, giờ đây quán xuyến gia đình nhỏ, từ củ hành, củ tỏi, trái ớt trái chanh đều phải tính toán chi li để không bị thiếu hụt, vì làm được bao nhiêu Vực đều đem hết cho vợ, không thiếu một cắc, ấy thế mà, Nết dường chưa an lòng vẫn cách vài ba ngày tiếng là về thăm tía má nhưng thật ra chỉ để xúc gạo và lấy khô mắm đem về… thủ sẵn. Đến một ngày, thật đáng nhớ, vì Vực làm sao có thể quên được một ngày như thế, ngày ông già vợ đủng đỉnh đi vào vuông vườn nhà Vực với cặp trâu, vừa qua tuổi nghé, theo sau, trong lúc ông cột đôi trâu vào một gốc tầm vông, Vực hỏi nhóng:
- Tía mua trâu cho tía hay cho ai vậy?
- Mua cho tụi bay chớ cho ai.
Vực không thể tin nổi vào tai mình khi nghe câu trả lời. Đó là một cặp trâu, dù còn non nhưng cũng có thể kể là một gia tài. Vậy mà, ông già vợ nói tỉnh như không, tuồng như cho vợ chồng Vực một cặp vịt vậy.
Nết từ phía nhà sau đi lên, và làm như biết trước, cô có vẻ cằn nhằn:
- Sao tía không nói người ta xỏ vàm luôn cho nó. Chớ, nhà con sao làm được.
- Thằng chồng mày, cỡ trâu cổ nó còn xỏ vàm được, huống chi hai con trâu non này. Có điều, chỉ có mũi mày là nó chưa xỏ được đấy thôi, mà còn ngược lại nữa! Lạ thiệt!
Ông già cười khoái trá, đứng lên đưa tay phủi đít dù ông mới ngồi xuống, ông mạnh lời:
- Tía cho bay cặp trâu này, để chừng cháu ngoại tao ra đời bay phải lo cho nó tử tế, cháu tao có bệ rạc lúc đó đừng có trách tao không nói trước. Và ông thản nhiên đi ra một nước, để Nết ở lại dửng dưng như điều vừa nhận được tất nhiên phải có, còn Vực thì, ngỡ như nằm mơ, dù rằng dưới bụi tầm vông, hai con trâu là một sự thật không thể chối cãi.
Sau bữa cơm chiều, có tí rượu Nết ép ông uống vì Nết nói; rượu bổ lắm đó, tía thương cho anh vài xị, uống thử coi nào.
Hai vợ chồng đi ngủ. Nào Vực có thể ngủ được với nỗi vui vì đôi trâu, Vực lăn qua trở lại, cũng có thể do chai rượu mà không hiểu sao Nết cứ ép chồng uống.
Vực, thì còn lạ gì với con trâu vì coi trâu nhiều năm. Nhưng đó là trâu-của-người, giờ đây mới là lúc trâu của Vực, trâu CỦA MÌNH, hỏi sao Vực không vui và sao có thể ngủ được với nỗi vui hết sức lớn lao ấy.
- Coi, làm gì mà anh trăn trở hoài vậy. Bộ rượu “thấm” rồi, hả? Vực choàng tay qua mình Nết, nói với giọng dường như bị nghẹt mũi:
- Mình à, tui không dè, đời tui có lúc được như vầy.
- Được sao?
- Ờ, thì tía cho tui lấy mình, cho tui tiền sửa nhà, lại cho trâu nữa. Mình à, tui ơn mình biết mấy.
Nết cười khúc khích, mà giờ đây tiếng cười của cô không khiến Vực phải sợ. Vì Vực đang ở trong-nhà-của-mình.
- Ơn suông vậy à? Chớ hồi đó sao đuổi tui ra khỏi nóp. Mà tui còn con gái!
- Thì, hồi đó khác. Giờ tui có đủ cả, có mình, có nhà đẹp, có trâu…
- Và sắp có con nữa chớ !
Vực hỏi lại, thảng thốt :
- Có con.. ơ, mà ai nói mình sắp có con. Thiệt không ?
- Tui nói, tui nói ông sắp lên chức tía. Bộ anh tưởng khi không tía cho mình cặp trâu ? Vì tía biết tui có bầu !
Như muốn ngồi bật dậy nếu không có tay Nết, vòng qua cổ giữ Vực lại.
- Mà mình làm gì ?
- Để tui qua cho tía má hay liền, mình có bầu.
- Thôi, ông ơi – Nết cười – tía má hay mấy hôm rồi thế nên mới cho mình cặp trâu đó.
Vực lăn người trở qua, năm sát hơn nữa bên Nết và choàng tay ôm lấy thân thể mềm ấm bên mình, không dừng được, trái với thói quen, Vực hôn lên má Nết thành tiếng.
Nết lại cười khúc khích khỏi có ai bụm miệng:
- Coi gì mà dữ vậy. nhè nhẹ thôi chớ. Tui đang có bầu mà !

*
* *

Được chào đời, đem đến cho ông Vực một nỗi mừng vui vô hạn, con bé lớn mạnh tự nhiên như cây cỏ đồng nội. Căn nhà bỗng trở nên một tổ ấm quá ấm bởi mỗi lúc đêm về, tiếng con trẻ bi bô, tiếng nựng nịu của Nết tất cả tạo thành một âm thanh đáng nghe hơn bất cứ nhã nhạc nào. Thêm nữa cặp trâu đã cho huê lợi từ việc làm, lại còn cho một nghé, ông Vực bán đi, đưa tiền để Nết sắm sửa chút ít toòng teng, dây chuyền, đeo vào người để bằng chị, bằng em, dù Nết, ơn trời, chẳng hề se sua.
Đôi lúc ông Vực tưởng có thể ngộp đi vì hạnh phúc cho ông mỗi lúc một lớn, một nhiều. Ông trông chờ Nết cho ông đứa con trai. Khi ra đời, đứa con trai mong ước ấy sẽ khác ông, sẽ không phải đi coi trâu mướn như ông, nó được đi học như chị nó, và nếu thích, ngoài giờ học, nó cũng sẽ đi coi trâu, nhưng đó là trâu của nhà, trâu của nó chớ còn của ai nữa. Ông Vực tin như thế.
Có điều ông không thể nào tin được, vợ ông chết, chỉ sau thời gian bệnh rất ngắn và chẳng có vẻ gì là trầm trọng. Chắc vợ ông cũng không tin, thế nên, Nết đã chẳng có trối trăn, dặn dò gì.
Sao có thể tin được điều ấy. Nết đang khỏe mạnh, đang hàng ngày đưa bé Được đến trường rồi về nhà, chăm sóc vườn nhà, lo cơm nước để khi chiều xuống cả gia đình ngồi bên mâm cơm, nóng sốt, ngon lành. Vả lại, Nết mới vào tuổi ba mươi, của phụ nữ tràn trề sinh lực và chín muồi gái-một-con.
Không thể hoặc không muốn tin thì trong vườn nhà đã có một mộ phần !
Ông Vực như gục xuống theo cái chết của vợ. Và tưởng chừng không ai có thể vực ông đứng lên được nữa. Ông thường xuyên từ chối việc làm, ngồi như chết lặng một nơi, với chai rượu luôn luôn đầy và chỉ đứng lên khi đi đến trường đón Được về.
Cơm chiều dọn lên, ông Vực lo cho chén cơm của Được, xong lại chú tâm vào ly rượu. Bé Được huyên thuyên đủ chuyện nhưng sau cùng, chán nản vì tía nó chỉ ầm ừ cho qua, nó ngồi lặng thinh chơi mấy món đồ chơi mà ông Vực biết má nó mua khi còn sống. Đến khi nhớ, nhìn sang, bé Được đã nằm ngủ từ hồi nào rồi! Lúc ấy, ông Vực bế con lên bộ ván ngựa, tấn mùng, đập muỗi cẩn thận và rồi ông lại quay về với ly rượu.
Như một kẻ mộng du của nhiều đêm trước đó, ông Vực cầm chai rượu đi ra phía sau vườn, như đi theo một tiếng gọi không thể cưỡng nổi, đến bên mộ vợ, ngồi xuống bắt đầu những lời than oán. Đôi lúc, lời than oán ấy bị rượu làm cho khản đặc, nghe như tiếng than hờ, trong đêm, giữa tiếng xào xạc của cây lá, tiếng than hờ mất vợ khác nào tiếng của một hồn ma!
May, bé Được đã ngủ kỹ, không nghe được những âm thanh rờn rợn, trong đêm do tía nó phát ra.
Thường thì ông Vực sẽ thức giấc theo tiếng gọi của Được, tía ơi, sáng rồi, con đói bụng quá à. Dù cơn say chưa dứt, tiếng con gái cũng giúp ông gắng gượng ngồi dậy lo lắng cho con và lảo đảo trong những bước chân đưa nó đến trường, để ông lại trở về với chai rượu, mặc đôi trâu đói đang kêu lên, đòi rơm.
Rồi, có một buổi sáng nào đó, ông Vực nghe, không phải tiếng gọi quen thuộc của Được, mà đó là tiếng khóc, đánh thức ông dậy, chưa kịp định thần, ông Vực đã nghe xen kẽ trong tiếng khóc của Được là những lời cay nghiệt, từ trên cao đổ xuống, vì lúc đó, ông Vực vẫn nằm dưới chân mộ.
- Tía mới qua!
- Thôi, mày đừng tía má chi nữa. Tao đâu có rể cỡ mày ! Vào rọi kiếng xem mày còn là thằng người không chớ ?
Vực chưa kịp nói gì, ông già đã tiếp liền:
- Mày tưởng cứ ủ dột rồi qua được sao. Con Nết nó vắn số, đành chịu. Mày phải vững để còn nuôi con, chớ mày như vầy, cháu tao hết đường nương nhờ.
Ông quay sang phía bé Được vẫn đang khóc thút thít, ngồi xuống, dùng ống tay áo lau nước mắt cho cháu, ông nhỏ giọng như có gì chắn ngang cổ, khiến phải ngập ngừng:
- Ngoại đưa con về bển, chứ nơi đây, con khỏi trông mong. Về bển ngoại thương, con khỏi thiếu thứ gì. Thôi lên lưng ngoại cõng, mình về, chớ ông ngứa mắt lắm rồi.
Giọng ông già như vỗ về đứa cháu nhưng Vực nghe như những nhát chém ngọt sớt đang chém vào lòng khiến ông chết sững nhìn bé Được trên lưng ông ngoại, cùng ông rời khỏi sân nhà. Ông ngoại lưng còng xuống, không bởi tuổi tác, cũng chẳng vì sức nặng của đứa cháu trên lưng, mà ông Vực chắc rõ ông già vợ đang cõng trên lưng một nỗi buồn. Khi khuất nẻo, ông Vực còn thấy bé Được quay lại nhìn mình.
Lâu lắm, ông Vực mới chống tay ngồi dậy, nhìn thấy chai rượu, ông đưa tay nắm lấy cổ chai ném ra xa như ném một con rắn độc, rồi lê bước vào nhà. Đến bên chiếc gương nhỏ, ông nhìn vào đó và chính ông không tin vào mắt mình : một khuôn mặt nhem nhuốc bụi đất, xẻ ngang, xẻ dọc chắc hẳn do ông đã khóc ngay trong giấc ngủ. Một khuôn mặt hốc hác, thất thần, râu ria tua tủa. Ông quát vào cái hình trong gương:
- Đồ chó ! mày là cái đồ chó ươn hèn.
Sau câu chửi, ông thẳng tay đập vào mặt mình, tá hỏa đau điếng. Như tỉnh hẳn. Sang bàn thờ vợ, ông đốt cây nhang, cắm lên bát và không dám nhìn ảnh Nết, ông sợ phải nhìn thấy ánh mắt trách móc của vợ:
- Mình à, mình đừng buồn. Chỉ tại tui thương mình, nuối mình quá nên mới vậy. Từ mơi, tui sẽ không vậy nữa. Tui hứa với mình đó. Mình vẫn tin tui, mà.
Ra sàn nước, ông Vực rửa mặt. Sau đó ông tắm và tom góp quần áo của hai tía con, một thau đầy để giặt, đem phơi. Lại quét dọn nhà cửa mà ông đã bỏ bê. Ông Vực làm việc như để đoái công chuộc tội, ông tin Nết đang dần dần nguôi giận. Xách liềm ra vườn, chao ôi, như một khu vườn hoang. Ông cắt được cả gánh cỏ tươi và hớn hở nghĩ tới cặp trâu hổm rày chỉ toàn là rơm, vậy mà nhiều khi còn bị ông bỏ mặc. Đem cỏ đến trải trước mặt chúng ông vỗ lên đầu, nói như hối lỗi:
- Cỏ tươi đó, bây. Ăn cho chắc bụng, mơi, thầy trò mình đi mần lại. Coi bộ nằm không riết, chúng mày cũng thấy chán, há !
Cặp trâu vẫn nằm nhưng bắt đầu nhai cỏ, đuôi vẫy vẻ thích thú.
Khi không còn việc để làm, ông Vực ngồi dựa cửa ngó mông ra sân, vấn điếu thuốc, mồi hút và giờ đây ông mới nhận thấy ngôi nhà quạnh quẽ biết mấy vì thiếu tiếng nói giọng cười của Được. Mới hơn nửa ngày, ông Vực đã nhớ con cồn cào. Dài thêm, chịu sao thấu – Chiều mình qua ngoại đón nó về. Ông Vực nghĩ thế nhưng ông khựng lại, nhớ đến lời rầy la đầy tức giận của ông già. Giờ vác mặt qua, có khác chi đổ dầu vào lửa. Vì thương con, xót cháu, ổng sẽ cho Vực một trận. Ừa, dám chứ sao không. Vực lại tự hẹn với mình, dù biết sẽ khó chịu đựng nổi, thôi để ít bữa, ổng nguôi giận, mình qua cũng được mà.
Gần chiều, ông Vực nấu cơm, vẫn xúc gạo theo thói quen dù ông biết, chiều nay sẽ không có Được trong bữa.
Thế nhưng, xong xuôi, ông dọn cơm ra trước hiên nhà, ngần ngừ và sau cuối đã không có chai rượu như mọi bữa, ông Vực thấy đứa con mình trong đồng phục học sinh, vai đeo cặp đi vào.Thấy tía ngồi trên hiên, nó chạy a lại đeo lấy cổ ông, khóc nấc.
- Sao vậy con ? Bộ ngoại đuổi con về hả ?
- Không đâu, tía, Nhớ tía, trưa con ăn cơm không vô, đi học, học cũng không vô. Con khóc khiến cô giáo hỏi. Con nói con nhớ tía. Chiều ông ngoại đón con, cô giáo nói chi đó nên ông ngoại đưa con về đây.
- Rồi, sao ông ngoại không vào ? - Tới đầu ngõ, ngoại thả con xuống. Con kêu ngoại vô nhưng ngoại lắc đầu « Cái mặt tía mày, ngó thấy ghét. Ngoại không muốn gặp.»
Được đã thôi khóc nhưng vẫn nấc trên vai tía, ông Vực xoa lưng con, giọng cũng bắt đầu đẫm nước mắt:
- Thôi con à, lỗi ở tía, ông ngoại ghét là phải. Nhưng từ ngày mơi, tía sẽ làm cho ngoại thương tía trở lại. Mơi, tía đi mần trở lại.
Được buông cổ tía ra, nhìn ông nhoẻn cười nhưng mắt vẫn còn ướt:
- Thiệt nha, tía nói thiệt là tía đi làm, thôi uống rượu, nha.
- Ừa, tía hứa vậy đó. Mà, con ăn gì chưa ?
Con bé lắc đầu:
- Chưa tía à. Ngoại kêu con ăn hủ tiếu nhưng con không chịu, con nói ăn cơm với kho quẹt ngon hơn. Ngoại la, cá thịt không ăn đòi ăn ba cái thứ chỉ tổ xót ruột. Mà chiều nay có kho quẹt không, tía ?
- Có chớ, con muốn là tía làm. Để tía lau mặt cho con rồi tía làm kho quẹt. Chỉ chút xíu là xong.
Ông Vực vào đốt lò dầu để làm món ăn dân dã nhưng con rất thích : nước mắm đổ vô cái chảo nhỏ, gần cạn đổ thêm vài muỗng mỡ với hành lá. Thơm phức.
Vừa đem chảo lên, bé Được hít hà:
- Chu cha. Thơm quá chừng. Vậy mà ông ngoại chê ăn xót bụng, hổng cho con ăn.
Bưng chén cơm, Được ăn một cách ngon lành trên mâm cũng có cá thịt nhưng nó chẳng đụng đũa khiến ông Vực thỉnh thoảng phải gắp cho con, ông nhìn nó, âu yếm:
- Coi, ăn từ từ thôi, con. Mà cũng phải ăn cá thịt mới mau lớn con à.
- Dà, con cố ăn nhiều mau lớn để còn phụ đi cày với tía, chớ.
Sau câu nói làm bảnh, Được cười khanh khách, ông Vực cũng cười thành tiếng theo con nhưng lỗ mũi cay xè như tắm sông, sặc nước.

*
* *

Rồi, hàng xóm chung quanh lại thấy hình ảnh quen thuộc cũ: ông Vực với đôi trâu, chăm chỉ cày xới bên những ô ruộng mà ông với đôi trâu đã được kêu làm nhiều lần qua nhiều vụ mùa. Có khác chút đỉnh so với trước đây : anh Vực chỉ cười chào lại mọi người chứ không buông những lời bông lơn quen thuộc và ngoài đôi trâu, có theo đứa con gái qua tuổi mười của anh, nó gần gũi, quấn quýt, không rời tía nửa bước dù ruộng xa hay gần.
Cứ đến nơi cần làm, ông Vực trước tiên lo chỗ nằm cho con, một chiếc lồ ồ móc vào hai thân cây có nhiều bóng mát, đem cho nó mấy củ khoai lang lùi đống un, để nó có thể ăn lúc nào tùy thích, xong, ông lùa trâu xuống ruộng, tròng ách vào cổ và bắt đầu buổi làm. Thỉnh thoảng liếc nhìn lên nơi ông treo võng, bé Được đang, lúc thì ăn khoai, lúc thì chơi với một thứ gì đó mà nó tìm thấy chung quanh, cũng có lúc nó chạy men theo đường bờ réo gọi:
- Tía, nè tía, ăn khoai con lột rồi nè.
Không thể lắc đầu, ông Vực bỏ dở đường cầy vào đường bờ và bao giờ ông cũng phải ăn cho kỳ hết củ khoai lùi từ tay con gái, thế nó mới chịu về với chiếc võng nơi có bóng mát.
Khi mặt trời đứng bóng, rát lưng, ông Vực HỌ để trâu đứng lại, tháo ách cho chúng lên bờ và ông cũng lên theo để ăn trưa khi đôi trâu đang thong thả bòn mót mớ cỏ trên gò.
Bé Được đã ngủ ngon trên võng khiến ông Vực lặng lẽ ăn một mình để yên giấc cho con. Và sau đó, bao giờ vẫn thế, buổi chiều, chỉ ngắn thôi, dù có thể làm thêm, nhưng ông Vực vẫn chuẩn bị ra về để hai cha con cùng nhau ăn bữa cuối nơi hiên nhà vì với ông bữa cơm dù có đạm bạc nhưng vẫn ngon lành hơn bất cứ yến tiệc nào. Được, được tía bồng đặt trên lưng trâu, khoái chí cười khanh khách, còn ông, vai vác cầy, tay dắt đôi trâu bước những bước nhẹ tênh, chở con cùng với giọng cười trẻ thơ, về nhà. Ăn bữa cơm cuối ngày nơi hiên trước, mà ông Vực thì lòng đầy hân hoan nghe tiếng con hít hà khen ngon món ăn kho quẹt.
Nếu có một chuyến chở hàng ban đêm thường là tre trúc giao cho vựa trong nội thị, ông Vực hơi buồn trong lòng dù Được reo lên thích thú. Trước đây, khi còn Nết thì khác, ông an tâm đánh xe đi chở hàng, gần sáng mới về. Không lo vì bé Được đã có má nó ấp cho ngủ. Giờ đây, ông mất vợ, Được mất hơi ấm người mẹ, sao ông có thể bỏ con một mình ở nhà qua đêm. Dù xót bụng ông Vực vẫn phải đem con theo chuyến xe chở hàng của mình chớ để nó một mình ở nhà, đêm hôm khuya khoắt. Sao được.
Bé Được reo lên và hối tía nó rối rít :
- Đi, xong việc nhà rồi, đi lẹ lên, tía.
- Làm gì mà gấp dữ vậy, còn sớm mà.
- Sớm gì nữa. Tía cứ rề rề kiểu này, ai còn dám kêu chở đồ.
Ông Vực cười vì sự hối thúc của Được, ông khóa mọi cửa nẻo, ẵm Được đặt lên thùng xe trống rỗng, đến nơi chất hàng.
Đầu đêm, Được tỉnh như sáo, luôn miệng hỏi tía về đủ chuyện mà có lúc ông không sao trả lời được những câu hỏi của tuổi thơ, nhưng chiều con, ông Vực cũng phải đối đáp cho qua. Xe chưa chất đầy hàng, mới tỉnh rụi đó Được đã nhíu mắt lại khiến ông phải, khi thì ẵm nó gục đầu trên vai mình, đi loanh quanh, tránh muỗi, hoặc đặt nó nằm xuống chân một cây rơm để giấc ngủ thơ dại được êm ả dù không trong vòng tay mẹ.
Hàng chất xong xuôi và được ràng buộc cẩn thận, ông Vực đặt bé Được lên chiếc võng làm bằng KHỊA lồ ô treo tòn teng dưới gầm xe, chằng buộc và ủ ấm cho nó cẩn thận, ông cho trâu kéo ra đường sau lúc đã treo hai ngọn đèn bão đầu và cuối những thân tầm vông dài ngoẵng.
Bé Được, con nhỏ dễ tính y hệt những củ khoai lang lùi mà nó ăn thường ngày. Dưới chân cây rơm, trên vai tía hay nằm võng dưới gầm xe trâu, nơi nào nó cũng ngủ ngon lành. Chiếc xe đi một nhịp chậm rãi buồn nản vì tiếng lộc cộc của bánh, từ làng quê đường không có ánh đèn, tối thui và lặng ngắt, đến khi vào nội thị, ông Vực ngoái cổ nhìn xuống gầm xe, qua ánh đèn đường vàng ệch và ngái ngủ, bằng cặp mắt ngái ngủ không kém, ông Vực cũng nhận thấy chiếc võng đung đưa khẽ khàng theo nhịp xe lăn và trên chiếc võng đó, con ông đang có một giấc ngủ yên lành.
Xe đến vựa cây, hàng được đem xuống, ông Vực lom khom chui xuống gầm xe, tựa lưng vào bánh khẽ đẩy đưa nhịp võng cho con khỏi bị muỗi đốt và ông thì cũng ngủ gà ngủ gật, cho đến khi choàng tỉnh vì tiếng gọi của con, tía ơi, tía à.
- Tía đây – ông Vực vỗ nhẹ lên lưng võng – chi vậy con, tía đây mà.
- Con mắc đái.
- Ờ, thì đi đái, ông Vực cởi mấy sợi dây chằng buộc trên nắp võng, ngừa con té, đỡ nó dậy, và dặn chừng, coi chừng cụng đầu đó, con. Ngồi xuống đái đi.
Bé Được bước xuống võng, xề xuống sát bánh xe. Xong, hai tía con lom khom ra khỏi gầm xe, ông Vực dắt con đến dưới ánh sáng của một bóng đèn huỳnh quang và lấy tấm khăn ướt lau mặt cho nó tỉnh táo đôi chút.
- Con ăn gì, nào, tía đi mua. Bánh mì xíu mại nghe. À mà quên, con thích bánh bao kia mà.
- Ứ - bé Được ngúng nguẩy – con ăn xôi mặn. Con thích xôi mặn, tía biết mà.
- Ừa, xôi mặn. Con ngồi đây, để tía đi mua.
Ông Vực ra khỏi vựa cây, đi mua đồ ăn cho con với niềm thích thú vì chọc ghẹo nó để xem cái điệu ngúng nguẩy rất dễ yêu của con. Thiệt, y chang má nó hồi đó, cũng điệu ngúng nguẩy, nũng nịu với ông mỗi lúc ông săn đón, hỏi han, nhất là lúc mang bầu bé Được. Gói xôi mang về, xôi nóng hổi có tôm khô, lạp xưởng và mùi mỡ hành thơm trong gió sớm, con bé ăn, mắt dõi nhìn mọi người làm việc, dưới ánh đèn đôi mắt tròn đen như hai hột nhãn tiêu. Trong đầu, ông Vực lại thầm nghĩ, đôi mắt má nó cũng thế, đen tròn, long lanh trước mọi sự. Lắc đầu như để xua đuổi hình bóng cũ, ông Vực thở dài.
- Tía ăn đi. Con chừa cho tía, nè.
Bé Được đưa gói xôi về phía cha, trong khi miệng còn có vẻ thòm thèm, ông Vực cười trong lúc muốn khóc:
- Con ăn hết đi, tía đâu có đói. Để lát về, tía mua thêm gói nữa. Con ăn cho đã. Con ăn đi, chớ.
Được lắc đầu:
- Thôi, tía đừng mua nữa. Con no rồi. Tía cứ như vầy, sao có tiền để dành xây mộ cho má.
Lời nói của con khiến ông Vực như muốn ngạt thở, tưởng chừng có một bàn tay vô hình nào đó bóp chặn trái tim mình. Nếu bé Đươc không bận ăn, chắc hẳn ông đã ôm nó vào lòng để hôn hít và có thể được khóc cho thỏa.
Bốc hàng xong, ông Vực tráo chiếc võng dưới gầm đưa treo lên lòng xe giờ đã trống trơn, đánh đôi trâu quay đầu, chuẩn bị đi về và tới bên, định bế bé Được lên xe.
Nó đang nói chuyện với bà chủ vựa. - Dạ, tía con mang con theo.
- Mà sao con không ngủ ở nhà cho khỏe, đòi theo ba làm chi.
- Con đâu có đòi, tía con mang con theo vì ở nhà, con chỉ có một mình.
- Vậy chớ má đâu.
- Dạ, má con chết rồi!
- Vậy hả? Tội nghiệp chưa.
Những câu đối đáp khiến ông Vực khựng lại, một lát, mới đến được bên bé Được:
- Mình về, con à. Xong chuyện rồi.
- Nè, khoan đã, anh cầm chút này về mua bánh cho con nhỏ - bà chủ vựa chép miệng – Tội thiệt, mới chút xíu đã mồ côi má.
- Thôi, bà chủ à – ông Vực xua tay – tui đã có tiền công rồi mà, bà chủ.
- Anh này lạ ghê, tôi cho con nhỏ ăn bánh, chớ có gì đâu. Mà nè, anh từ chối tôi cũng sẽ không nhận hàng anh chở nữa, biết không.
Ông Vực chưa biết nói gì thì bé Được đã khoanh tay, lễ phép:
- Con cám ơn cô.
- Ờ, con ngoan lắm. Thôi, lên xe ngủ tiếp đi con. Tội nghiệp, mới tí tuổi…
Ông Vực bế thốc bé Được lên, đem đến xe đã được ông quay đầu và chiếc võng từ dưới gầm đã đem lên treo trên lòng xe, ông dụi cái cằm râu ria lởm chởm vào cổ bé Được khiến nó nhột, cười lớn:
- Ới, nhột quá tía à, mình đi về, nha.
- Ừa, mình về thôi con.
Đôi trâu, không đợi lệnh đã lại cất bước, những bước chân muôn đời chậm rãi, dù lúc này đây, khi quay về, xe nhẹ tênh, chỉ có bé Được lại nằm đong đưa trên võng và ông Vực dựa lưng vào thùng xe, vấn điếu thuốc hút cho đỡ buồn ngủ và để có thể hóng chuyện cùng con gái. Ông biết, trong gió sớm mát dịu này, trong tiếng bánh xe lọc cọc đều một nhịp nhặt khoan, con gái ông sẽ lại tiếp tục ngủ ngon lành. Chưa hết đường nội thị với ngã năm, ngã bảy, bé Được đã lại ngủ khì trên võng, trong lúc ông Vực chờ cho xe ra khỏi những con đường, không phải là dễ nhớ, vào con đường duy nhất dẫn về xã, ông mới vắt dây cương lên thành xe:
- Thôi, ví thá à, tao ngủ đây. Bọn bay đừng kéo tía con tao đi sai đường, nghe.
Nói xong, ông Vực nằm dãn lưng, thoải mái trong lòng xe, tay vẫn đẩy đưa chiếc võng. Ông an lòng vì biết, đôi trâu dù không điều khiển cũng kéo xe về đến tận nhà.
Có thế, chừng ông Vực thức giấc xe đã lại về đúng khu vườn nhà, nắng lên khá cao mà xem ra, nếu không gọi, bé Được cũng sẽ còn ngủ rất lâu. Mà gọi làm gì chớ, tía con ông được thời gian ưu đãi mà. Gọi nó làm chi khi con bé còn ngủ hết sức ngon lành, trong võng và dưới nắng sớm mai.

*
* *

Từ lúc ông Vực, nhờ tiếng khóc của bé Được mà gượng dậy, hai cha con dựa vào nhau, cùng dắt díu nhau đi trong đời với sự thiếu vắng của một người, ông Vực đã cố nhủ mình không được khóc, ông ngăn tiếng nấc, nuốt nước mắt trở ngược vào lòng, ông nhủ, không được khóc, để con nó tin. Chứ làm sao đứa bé có thể tin cậy vào một người cha luôn nước mắt ngắn dài. Ông Vực đã cố hết sức để ngăn chặn những lần muốn khóc. Sự cố gắng này đôi lúc ông Vực tưởng rằng mình khó lòng chịu đựng lâu dài.
Rồi, một ngày, nỗi ước ao được khóc không che dấu, không lén lút, được thỏa. Ông Vực đã khóc thỏa thuê trong một bữa cơm nửa chừng, khi đang nhâm nhi ly rượu thì Được đem lên một con heo đất, cô đặt con heo xuống trước mặt tía mình:
- Con tính nhẩm, trong heo cũng đủ.
- Đủ gì vậy, con?
Với vẻ mặt nghiêm nghị, bất chợt Được đập con heo xuống, khiến nó vỡ và trong ruột là những tờ giấy bạc nhét cứng khiến quyện thành một khối, cô đẩy tất cả về phía cha mình:
- Nhiêu đây đủ để xây mộ cho má. Tía giữ đi, kêu người tới xây mộ. Nghe tía, con tính nhẩm rồi, đủ đó, tía.
Ông Vực ngẩn người:
- Mà tiền đâu con có nhiều vậy? Con có đi làm gì đâu.
- Tiền tía đưa, thêm tiền ngoại cho con sắm vòng vàng, quần áo, con nhét vô heo hết. Chớ tía nghĩ coi, không làm vầy sao có tiền để xây mộ cho má, mà để mộ đất hoài, con xót ruột lắm, tía à!
Buông ly rượu, ông Vực trân trối nhìn con gái và bất chợt ông òa khóc trước lúc những giọt nước mắt no tròn lăn thênh thang bên má. Ông nấc nghẹn:
- Con à, Được à, con của tía… con… Tía nói là, con à, Được ơi…
- Coi kìa, tía khóc chi vậy ? Bộ con làm tía không vui sao ?
- Ới, con ơi, Được ơi…mình ơi, Nết ơi…
Cứ thế, ông Vực gọi con trước mặt, gọi vợ sau lưng, và giọng ông, trong buổi cơm chiều còn than oán, não nề hơn bất cứ đêm mộng du nào ông lần mò ra mộ vợ với chai rượu trên tay, để sau đó lịm dần trong giấc ngủ mà nước mắt vẫn tuôn đổ.
Tiền đập heo, đủ xây mộ cho vợ ông, còn đủ để làm mâm cơm cúng, có ông bà ngoại sang dự, ông Vực cùng con ra trước ngôi mộ mới xây, mùi vôi còn nồng, ông ghé xuống nửa như lạy, nửa như vái:
- Mình à, có tía má qua, tui và con quỳ lạy mình, để mình thấy, mà tui tin mình luôn thấy, tui thương mình biết bao!
Ông Vực cứ gục đầu xuống mãi không biết đến bao giờ nếu Được không níu ông dậy. Cô sụt sịt:
- Thôi tía à, chiều rồi, tía con mình vô nhà để ngoại ăn cơm, còn về.
Và đó là một buổi chiều ông Vực được khóc một cách thỏa thuê, sung sướng.

*
* *

Khi những chiếc mày cày xuất hiện, mới đầu còn thưa thớt, sau nhiều hơn, trong làng và cả những làng lân cận, thì đôi trâu của ông Vực bị tiếm chỗ, bị đẩy lên bờ, nói đúng hơn, bị đẩy đến những ruộng đồng mà ở đó máy cày không đến được vì sông rạch có khắp nơi, những thửa ruộng trong sâu nơi bưng bào chỉ có trâu mới đến được. Ông Vực đem đôi trâu đến đó và tự nhủ, thôi, mấy chiếc máy cày kia đã đe dọa thật sự đến huê lợi cho ông từ việc cầy mướn. Không chỉ có thế, xe trâu cũng không thể kéo cày vào thành phố vì đã bị cấm bởi một lẽ dễ hiểu xe máy cày có kéo thùng phía sau, nó đâu ỉa bừa phứa như trâu như ngựa dù rằng tiếng xe gầm rú còn dễ sợ hơn những đống cứt trâu ngựa thải trên đường quê. Mà đâu có nhiều.
Ông Vực thấy điều đó và cũng có một đôi việc đối phó với huê lợi giảm đi rất rõ, ông rót rượu thêm:
- Được à, tía tính rồi, để tía nói con nghe…
Làm như không nhìn thấy cha mình rót thêm rượu, Được thản nhiên:
- Tía nói đi, con đang nghe mà, đâu cần phải uống thêm rượu.
- Tía mày nữa ! Rót thêm có chút đỉnh cũng bị rầy rà. Con à, tía vỡ thêm đất.
- Chi vậy tía ? Bộ đất ngoại cho chưa đủ sao ? Mà tía vỡ đất ở đâu ? Đây còn chỗ nào trống ?
Ông Vực gật gù:
- Tía vỡ trong phía Bào trâm, được cỡ hơn hai công. Có thêm đất đó tía con mình đỡ lắm, con à.
Cô Được lắc đầu:
- Xời ơi, tưởng đâu. Xa biệt mù, mà lại đất phèn. Không, trồng được chi mà tía mần cho phí sức.
Để thuyết phục con gái, ông Vực đưa ra một vài người đã làm đất nơi đó, chỉ qua vài vụ, cũng trúng như đất ngoài này.
- Hơn tháng rồi, tía đắp đường bờ, đường bao phát quang. Chỉ còn cầy lật chờ mưa cho nhả phèn là tía con mình có thêm vài công ruộng. Dễ ai cho không?
Không hiểu sao, cô Được mạnh giọng:
- Tía ơi, bỏ đất đó đi, con nghe nói bom mìn còn hà rầm ! Tía con mình cứ ở nhà, tía ra nan, con đương ki, đương cần xé, mà nhà mình tre trúc thiếu chi. Khỏe không ? Người ta đến tận nhà mua, khỏi phải đi giao.
- Mà, mà con biết đương ?
Cô Được vênh mặt:
- Khó chi ! Ngoại dậy vài buổi con làm ngoại còn khen đẹp.
- Nhưng đất tía vỡ rồi, bỏ uổng. Mơi, con dỡ cơm cho tía mang theo, cầy vài buổi không làm mình bán lại cũng được vậy.
- Nhưng bom đạn…
Trước vẻ ngần ngại của con gái, ông Vực cười đầy tự tin:
- Con lo chi chuyện đó cho mệt. Đánh nhau đã hết vài chục năm rồi, bom đạn cũng hư thúi hết, còn dọa ai được nữa ! Mai con dỡ cơm cho tía, nghe.
- Dạ, thì dỡ. Nhưng tía chỉ được cày lật rồi thôi à nghe. Ai muốn làm chi thì làm, chứ để tía vô đó, con không yên.
- Đừng lo con à, tía con mình hiền lành bom đạn nó phải tránh mình, chớ.

*
* *

Cùng đôi trâu xuống mảnh đất mai sau sẽ thành ruộng, khi đã qua đêm nhưng chưa tỏ mặt người, ông Vực tay cầm bắp cầy, tay cầm roi phe phẩy lấy lệ, thày trò làm việc cho đến khi nắng lên mà ông áng chừng đã khoảng mười giờ, cho trâu ngừng lại, ông Vực nhìn quanh với vẻ hài lòng. Dưới nắng, những mảng đất ngàn đời qua yên ngủ, chỉ bị đánh thức bởi đạn bom trong thời chiến, giờ đường cầy thời bình gọi dậy tươm một màu hứa hẹn những vụ mùa trĩu hạt. Ông Vực tiếp tục thúc trâu với ý nghĩ cầy thêm chập nữa, nghỉ và ăn trưa, chiều chưa xế cũng có thể xong công đất. Lưỡi cầy dường như vướng vào gì đó phía dưới khiến khựng lại, đôi trâu rướn cổ cố kéo nhưng lưỡi cầy vẫn nằm im. Ông Vực thôi hối thúc:
- Nghỉ được rồi, bay. Để sau bữa thầy trò mình làm tiếp. Chắc vướng rễ lưu niên.
Tháo ách và xua cặp trâu lên gò, ông Vực bước lên theo, trán chưa hề đổ mồ hôi sau nhiều giờ làm việc, ông thở phào khi những mảnh đất được lưỡi cầy lật lên, đen và bóng như có thoa mỡ. Ông đưa mớ cỏ non Được bỏ vào giỏ mang theo cho đôi trâu, còn ông dọn cơm ra chuẩn bị bữa trưa. Cha, con nhỏ thiệt biết ý có thêm chai rượu nhỏ cùng với một khứa cá lóc kho lạt, bắt miệng biết bao. Thật ra, sau ngày bị ông ngoại rầy cho một chập, phần ông Vực không dám uống, phần đã hơi lớn, Được canh chừng để tía mình không uống rượu. Nhưng, nhiều đêm, rất nhiều đêm thức giấc, thấy tía vẫn năm đung đưa trên võng, với điếu thuốc lập lòe. Được hỏi: - Ủa, sao tía thức hoài vậy?
- Ờ, thì ngủ không được.
- Bộ, tía nhớ tới má hả?
Ông Được ngần ngừ và đành nói thật:
- Ừa, tía nhớ má con. Không có rượu tía khó ngủ quá trời.
- Vậy, tía uống rượu đi, nhưng ít thôi, cho dễ ngủ, chớ đừng uống để ngoại la. Tía uống ít con chắc ngoại không rầy tía đâu.
Và ông Vực uống rượu trở lại, chỉ vừa đủ cho ông dỗ giấc ngủ và thật vậy vừa đủ cho ông quên lãng phần nào nỗi đau mất vợ.
Cơm trưa dưới gốc một cây trâm quả tím rịm trên cành, ông Vực ăn ngon lành với ly rượu và gió mát nơi đồng không, ông tự nhủ chiều về sẽ hái cho Được mớ trâm, nó vốn thích ăn lắm mà.
Nắng hơi đứng bóng, ông Vực khoan khoái thức giấc, nhắm chừng công việc và đưa trâu xuống đoạn đang cầy nửa chừng, ông vui miệng:
- Khỏe rồi, xuống mình lôi cái gốc kia lên cái coi. Làm sớm mình về sớm. Cơm chiều nay cô chủ cho tao nhậu canh chua đó, bay.
Ách choàng lên cổ, ông Vực cầm lấy bắp cầy và hối đôi trâu cố kéo cái vật giấu mặt đang ngăn trở đường cầy kia lên.
Một vài lần thúc hối cộng thêm tay đẩy của ông Vực, lưỡi cầy nhúc nhích và sau cùng lôi lên được cái vật chướng ngại kia.
Khi vật đó ngóc đầu lên, cũng là lúc phát ra tiếng nổ cực lớn, các xóm làng xa gần đều nghe như âm vang của một tiếng sấm rền ngày giông bão.
Khi sình lầy bùn đất lắng xuống, hai con trâu nằm vật ra hai bên với phần thân sau bị rách mướp.
Riêng, không thấy ông Vực và lưỡi cầy đâu nữa.

*
* *

Khi nắp quan tài đậy lên, đóng đỉa và gắn khằn chung quanh, ông bà ngoại mới cho Được về phát tang và đội tang cha. Lúc đó dù có muốn cô cũng không thể đòi dở nắp quan tài để nhìn mặt cha lần cuối.
Cô hiểu chứ, hai mươi tuổi khiến cô quá hiểu nữa kia, với thân xác mỏng dòn của con người, liệu ai còn có thể nguyên vẹn được trước một loại bom mìn có tiếng nổ cực lớn như thế. Tía cô không còn đầy đủ để cô có thể nhìn mặt. Cô biết thế!
Trong bộ áo tang và mảnh tang trắng trên đầu, Được rũ rượi ngồi gục đầu dưới con ngựa gỗ dùng kê quan tài và kêu thầm trong lòng, thế tía không muốn cho con dựa vào tía mà đi nữa sao?
Cỗ quan tài loại một, to lớn, sặc sỡ trong đó chỉ chứa một nhúm thịt bầy nhầy, chưa đầy một vốc tay, mọi người cố gắng thu nhặt chung quanh vụ nổ, không rõ thịt người hay thịt vật, bỏ vào quan tài không khác một người nhỏ bé ngồi trong đại sảnh của tòa lâu đài rộng lớn.
Ông Vực chết, để lại tiếng thở dài buồn não cho ông bà già cùng cô Được và một nhúm thịt trong quan tài.
Đôi trâu chết, ông già gọi người kéo về xẻ thịt, mọi người xúm vào mua giúp. Rồi cũng hết, ông ngoại áng chừng cũng đủ tiền cho Được xây mộ tía nó.
Con người chết, để lại nỗi buồn cho nhiều người sống.
Con vật chết xem ra còn giúp chủ được phần nào như khi chúng còn sống với chủ.
Riêng Được, cô tự hỏi khi mọi người về hết, còn một mình, cô có ngăn nổi mình không, hay cũng như tía cô, đêm xuống như một kẻ mộng du, lần ra vườn nhà và than hờ giữa hai ngôi mộ, một cũ, một mới.

 
 

03/12/2006

Phạm Quang Phước