HENRIK IBSEN

(1828-1906)

 
 
 

 
 
 

Trong năm 2006, không chỉ riêng tại Nauy, mà hầu như trên khắp thế giới, kể cả ở Hà-Nội và Sài-gòn, đã có những tổ chức vinh danh nhân kỷ niệm một trăm năm ngày mất của Henrik Ibsen, một người Nauy đã trở thành một trong những kịch tác gia vĩ đại nhất thế giới thời cận kim. Khắp nơi người ta kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 100 của ông dưới nhiều hình thức : lễ hội, dựng phim, diễn kịch , kịch robot, hội đàm. Những vở kịch của ông còn được dựng trên một sân khấu ngay phía trước tượng nhân sư Ai Cập và các đại học ở Bangladesh. Một hôi nghị về tác phẩm Ibsen được diễn ra tại Mexico City với đông đảo những nhà văn hóa, nghệ sĩ tham dự. Trong khi đó đất nước Romani phát hành loạt tem mới để tưởng niệm ông. Tại Việt nam , một Lễ Hội Ibsen cũng đã được tổ chức, kéo dài mấy tuần lễ. Trong dịp này, hai vở kịch nổi tiếng của Ibsen : Hedda Gabler đã được Nhà Hát Kịch Việt Nam dàn dựng trên đài truyền hình VTV1, và Ngôi Nhà Búp Bê được công diễn bởi Nhà Hát Tuổi Trẻ với những kịch sĩ hàng đầu của Việt Nam. Người ta ước tính trên toàn cầu có đến trên tám ngàn họat động kỷ niệm và tri ân ông, một trong những kịch tác gia có ảnh hưởng nhất của sân khấu đương đại.

Henrik Ibsen được xếp hàng đại danh trong nền văn chuơng thế giới. Ông được biết đến, trước hết vì ông viết nhiều kịch phẩm, và thơ đã chiếm một vị thế rất mạnh trong tác phẩm của ông. Kịch Ibsen thuộc về những đỉnh cao của kịch nghệ. Qua mạng thông tin, người ta đuợc biết mỗi một mùa kịch, trên thế giới có khoảng 200 sân khấu dựng kịch Ibsen .Cùng với Shakespeare , Ông là kịch tác gia có kịch phẫm được diễn nhiều nhất mọi thời. Điều gây ấn tượng hơn, như nhiều nhà bình luận văn học nhận định : Henrik Ibsen không chỉ là một nhà sọan kịch tài ba , mà còn là ”một nhà cải cách xã hội” và là một ”triết gia”. Khi Sigmund Freud, cha đẻ phân tâm học người Áo mới chín tuổi thì Ibsen đã đi sâu vào nội tâm của con người qua các vở kịch, mà sau đó được cả thế giới tán tụng như thể kịch ”phân tâm học”. Chính Freud đã từng học tiếng Nauy để có thể nghiên cứu tỉ mỉ về các tác phẩm của Ibsen, và ông đã khẳng định Henrik Ibsen chính là nhà tư tưởng có ảnh hưởng quan trọng nhất mọi thời đại.

Sở dĩ những kịch bản như thế tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ, dù đã được viết trên 100 năm qua, là vì chúng thấm sâu và có sinh lực mãnh liệt hơn một số những vụ được “đặt vấn đề” mà chúng ta chỉ nhìn thấy ở bề mặt. Giản lược Ibsen vào một thế giới một chiều của những khẩu hiệu là làm ông kém cỏi đi hơn ông thực sự rất nhiều.

Ibsen đã làm mới nền kịch nghệ bằng sức quán quân vô địch của mình trong việc thủ-công-văn chương. Mỗi một chi tiết đều được làm rốt ráo và “sống rốt ráo”- một trong những cụm từ đắc ý nhất của ông. Ông tránh độc thọai giảng giải và những khúc mắc giả tạo để làm sáng tỏ câu chuyện. Tất cả những gì đã xảy ra hay đang hình thành, đều dần dần được tiết lộ qua các lời đối thọai giữa các kịch sĩ. Viễn tượng thì phong phú và đa diện. Mọi công thức diễn đạt đều ngắn gọn. Tính châm biếm dệt những sợi chỉ vàng suốt mạng lưới định mệnh, và nơi đây đầy dẫy hài hước, lúc thì mỉa mai, khi thì ưu ái. James Joyce, người rất ngưỡng mộ Ibsen, nói rằng Ibsen cố gắng “giải mật cuộc đời”. Ibsen làm việc đó qua cách ứng xử tinh tế giữa các nhân vật, sự tương tác giữa quá khứ với tương lai của họ, giữa lo âu với hy vọng, lý tưởng cao vợi với sa đọa tột cùng - với một nền tảng gợi ý tượng trưng, tạo chiều sâu cho diễn biến bên ngoài. Sức căng giữa những mảnh ráp nối của quá khứ, và niềm hy vọng giải phóng cho một đời sống lý tưởng, thường làm cho các nhân vật trong các vở kịch bị kiệt sức. Kịch-nghệ-hiện-đại-Ibsen trong khuôn khổ “tư sản” được nâng lên một phiên bản mới của ngôn ngữ tế tự cổ điển của bi kịch. Sự vĩ đại của Ibsen là ông nâng cái nhất thời lên cái phổ quát.Với ông, mọi chủ đề đều mang tính toàn cầu. Những thứ ông viết đều là nền tảng của bình đẳng, nhân quyền và bày tỏ tư do. Nora , nhân vật chính trong “Căn Nhà Búp Bê” đã trở thành hiện thân cho phong trào giải phóng phụ nữ. Đặc biệt tại các quốc gia mà người đàn bà bị áp bức cùng cực, vở kịch trên – có lẽ vở kịch được diễn nhiều nhất của Ibsen –mang theo thuốc nổ, kể cả ngày nay. “Kẻ Thù Nhân Dân” có thể tiếp tục khơi mào những cuộc đối chất về bảo vệ môi sinh và họat đầu chính trị trong thời đại chúng ta. Những vở kịch khác của Ibsen cũng đóng vai trò như những tấm gương thách thức phản ánh các vấn đề thời sự. Con-người-phản-kháng Ibsen, con người vạch trần sức mạnh của những quan niệm cổ hủ và thành kiến (ông gọi là “những con ma”) rồi hô hào thóat ly, tiếp tục là một nhà thơ đáng sợ.” (*)

Điều đăc biệt tại Nauy, nhân ngày giỗ thứ 100 của Henrik Ibsen, kịch phẩm nỗi tiếng PEER GYNT (viết năm 1867) của ông được nhà văn Tâm-Thanh cùng nhà thơ Khánh-Hà chuyển ngữ sang tiếng Việt và được xuất bản với sự trân trọng của Bộ Văn Hóa và Ủy Ban Ibsen Nauy.

Trong lời giới thiệu, ông Lars Roar Langslet , nguyên Bộ Trưởng Văn Hóa , kim Chủ Tịch Ủy Ban IBSEN đã viết:

Thật là một biến cố, kể cả đối với người Nauy chúng tôi, khi Peer Gynt được dịch sang tiếng Việt. Một quốc gia văn hiến lâu đời từ chân trời xa xăm, do đó có thể làm quen với một tác phẩm mà chúng tôi coi là “thiên quốc thư” Nauy, như “Faust” của Goethe đối với Đức và “Divina Commedia”của Dante đối với Ý vậy.

“Peer Gynt” là một sự phối hợp toàn hảo : một bi kịch viết bằng thơ, với sự phong phú của trí tưởng vô biên và nghệ thuật ngôn ngữ mỹ diệu. Chính ông coi đây là một “kịch đọc”, không phải để trình diễn. Nhưng ngay khi ông còn sinh tiền, nó đã được trình diễn thành công lớn, và hàng lọat dài các buổi trình diễn hiện đại tại nhiều quốc gia trên thế giới, đã chứng tỏ là vở kịch có sức mời gọi mãnh liệt, kể cả với khán giả thời nay.

Peer Gynt (1867) được viết trước khi ông dấn thân vào nền kịch nghệ hiện đại. Đây là một lọai kịch phiêu lưu, đan dệt bằng chất liệu từ truyện cổ tích, ca dao và thành ngữ Nauy, dân nhạc, vũ dân tộc và các lọai dân ca khác thuộc xã hội nông nghiệp Nauy cổ xưa. (Nhưng chúng ta cũng thấy rất nhiều trích dẫn từ thế giới văn hóa phi quốc gia – Kinh Thánh, Shakespeare, Goethe…) Người Nauy cảm thấy , về mặt chất liệu, nó là cái rặt Nauy nhất trong các tác phẩm của Ibsen. Tại sao nó xảy ra hiện tượng là nó vẫn gây cảm xúc cho người ta trên khắp địa cầu ? Peer Gynt được cảm nghiệm như bi kịch đầu tiên về sự vĩ đại và thất bại của người nghệ sĩ- một đề tài mà ông đã lập lại trong nhiều tác phẩm sau, nhất là tác phẩm sau cùng “Khi Chúng Ta, Những Người Chết Tỉnh Dậy”. Anh chàng ba xạo Peer Gynt là một bản-chất-nghệ-nhân, một nhà thơ đầy tiềm lực, tạo dựng thế giới bằng dự kiến. Lớn nhất là trong những dự kiến lôi cuốn thời trẻ, như người cỡi tuần lộc trong màn thứ nhất của vở kịch, và trong giờ hấp hối của mẹ Aase, trong phần chót màn ba. Nhưng anh sa ngã trở thành trở thành một người vô liêm sĩ, gạt hết mọi người sang một bên và phản bội tình yêu. Từ đó ta thấy năng lực thơ cũng cạn kiệt nơi anh. Nhưng hiểu sâu hơn nữa, Peer Gynt là một tấn “mạt kịch” hiện đại về Mỗi Người, về Con Người, có những toan tính vĩ đại nhưng sa đọa. Cuối cùng tả tơi , làm hư nhân tính mình và không trở thành con người Peer mà anh được an bài để trở thành. Lúc ấy mới có ân sủng từ bên trên – trong hình ảnh Solveig – can thiệp cứu vớt và vực anh dậy. Chất-liệu-tính Nauy trong Peer Gynt, do đó trở thành lối vào một bi kịch muôn thuở của số phận con người. ..”

Cách đây gần 25 năm, một thiếu niên Việt nam đến đinh cư tại Nauy. Cậu ta là một thiên tài về ngôn ngữ. Ngay từ những tháng đầu tiên khi còn trong một trại tị nạn ở Phi Luật Tân, cậu ta đã làm cho các thầy cô giáo và ông đại sứ Nauy tại đây bất ngờ và thán phục về khả năng học tiếng Nauy của cậu. Bởi tiếng Nauy là một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với người Việt nam lúc ấy, nhưng chỉ trong khoảng bốn tháng, cậu ta đã viết và nói trôi chảy . Sang Nauy ,được giới thiệu vào học tại một trường trung học nỗi tiếng và bắt đầu năm đệ tam (lớp 10). Do khả năng vượt trội, nửa năm sau, anh được chuyển thẳng lên đệ nhị (lớp 11) Một năm sau, anh ta tốt nghiệp gymnas (tú tài toàn phần) với điểm tối ưu. Các phương tiện truyền thông bản xứ đã dành nhiều chương trình ca ngợi cậu ta. Điều làm cho bất cứ một người Nauy nào cũng ngạc nhiên, bởi nằm ngoài sự tưởng tượng của họ, là anh ta đã chọn đề tài luận văn viết về Henrik Ibsen, và đã đạt số điểm tối ưu, kể cả thi viết và vấn đáp. Một điều rất khó khăn cho chính cả những thí sinh bản xứ chuyên văn. Bài viết của anh đã được đưa ra đọc trước Hội Đồng Giám Khảo.

Trong một chừng mực nào đó, ta có thể so sánh: người Nauy xem Peer Gynt của Henrik Ibsen như chúng ta xem Truyện Kiều của Nguyễn Du, “thiên quốc thư” của Việt Nam. Và dĩ nhiên trong một hoàn cảnh và vị trí nhất định, truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, không được phổ biến rộng rãi trên thế giới như hầu hết những tác phẩm của Ibsen

 
 

Ghi lại nhân ngày mất thứ 100 của Henrik Ibsen

Phạm Tín An Ninh